Người đàn bà trên cầu thang:
Một áng văn chương dịu êm
Tác phẩm là sự hòa trộn của văn chương hư cấu với các vấn đề
thời đại. Một tiểu thuyết lạ lùng, êm ả và đầy suy tư.
Người đàn bà trên cầu thang bắt đầu với câu chuyện của một
người đàn ông tình cờ bắt gặp bức tranh vẽ cô gái đã từng khiến ông sẵn sàng vứt
bỏ hết thảy, đánh đổi cả danh dự để say đắm rồi ngoạn mục biến mất không một lời
từ biệt. Nàng tên là Irene Gundlach. Một người đàn bà thông minh, sắc sảo.
Đã rất lâu sau đó kể từ ngày Irene biến mất, bức tranh xuất
hiện như một manh mối mỏng manh dẫn gã đàn ông tội nghiệp về với tình xưa. Vở kịch
đã đến lúc phải hạ màn, nhân vật chính thêm một lần đáng thương khi bị mắc kẹt
trong cuộc tình tay bốn thuở nào.
Ba người đàn ông và một người đàn bà, cả đám họ đã ở bên kia
sườn dốc cuộc đời. Một họa sĩ nổi tiếng, một gã tài phiệt và một luật sư tái ngộ
cùng cô gái trong tranh trên một bờ vịnh xa xôi nước Úc.
Nỗi đau nhiều năm trước lại bị dấy lên, ai cũng muốn chiếm lại
Irene, chiếm lại tình yêu thủa thanh xuân tươi trẻ. Irene quả nhiên là một người
đàn bà có sức quyến rũ khủng khiếp. Cô ta hấp dẫn đàn ông bằng trí tuệ và sự
khôn khéo trời cho. Dù tình huống nào, đàn ông xung quanh cô đều biến thành một
lũ thanh niên tập lớn. Với khả năng thao túng của cô, gã luật sư, người tình họa
sĩ, hay lão chồng tài phiệt chỉ là con tốt trên bàn cờ.
Tay luật sư đã phải lòng cô chỉ sau một vài lần gặp gỡ. Như một
cậu bé mới lần đầu chạm ngõ tình yêu, Irene không quá khó để điều khiển anh
chàng ngây thơ này. Cả hai đã ngấm ngầm bắt đầu một kế hoạch trái với luân thường
đạo lý, phản bội thân chủ của mình là chàng họa sĩ kia để chiếm đoạt bức tranh
Cô gái trên cầu thang từ tay lão chồng cục cằn, gian ác.
Nhưng định mệnh thường khắc nghiệt, còn Chúa vẫn thường ghen
tị với tình yêu của chúng ta. Erene biến mất, như chưa từng tồn tại, danh tính
bị xóa sạch.
Người đàn ông quay trở lại Đức sống một cuộc sống mới. Chàng
kết hôn và có ba người con. Đáng tiếc thay, ông lại góa bụa sớm vì vợ qua đời
trong một tai nạn giao thông. Chàng lại quay về Úc, nghỉ ngơi nằm dài trên những
bãi cỏ đầy nắng, nhẩn nhơ đọc sách quên sự đời, đồng thời sắp xếp lại một số
công việc chưa hoàn tất. Cổ nhân có câu: “tình cũ không rủ mà tới”, bức tranh
tái xuất đúng lúc như một sự trớ trêu, đầy tính mỉa mai của định mệnh.
Với Người đọc, Bernhard Schlink đã thể hiện những tự sự
phức tạp, sâu kín, đầy nghiệt ngã thông qua câu chuyện tình của Michael Berg với
người tình hơn chàng hai mươi mốt tuổi, Hanna Schmitz. Trở lại Người đàn
bà trên cầu thang, Bernhard Schlink đã chọn một lối kể chuyện dịu dàng hơn,
mang một chút sắc màu của tự sự trinh thám.
Chuyện tình tay bốn tuy không quá đau đớn về mặt tình cảm
nhưng nó được xâu chuỗi thông minh với lịch sử, với sự sụp đổ của các thể chế.
Bernhard Schlink là một trong những cá nhân điển hình của “thế hệ 68”, ông là
tiếng nói của một thế hệ người Đức đến tuổi khôn lớn trong cuộc chiến tranh
phát xít và mang trên mình gánh nặng tội lỗi của cha ông. Tác giả là một đại diện
tiêu biểu cho nền văn chương Đông Đức.
Và khi bức tường Berlin sụp xuống, người ta đã chứng kiến một
vụ tháo chạy điên cuồng. Hai thể chế chính trị va vào nhau trong lộn xộn, hậu
quả từ Đức quốc xã và những hy vọng về hòa giải sau đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến
tư tưởng văn chương của các nhà văn sau này như Bernhard Schlink, Thomas
Brusig, Igo Schulze…
Tuy nhiên, khác với lứa nhà văn đi trước coi ngòi bút phải có
bổn phận chính trị, những người như Bernhard Schlink có khả năng soi rọi các vấn
đề quá khứ bằng cách dẫn giải mới, cụ thể ở đây trong Người đọc hay Người
đàn bà trên cầu thang, tác giả đã sử dụng những chuyện tình như một cầu nối với
lịch sử. Nhờ đó từng giai đoạn trở nên mềm mại, bớt khô cứng hơn.
Bernhard Schlink đã từ bỏ chủ nghĩa vị kỷ ở những năm bảy
mươi. Ông để các nhân vật dấn sâu hơn vào các tình thế éo le, buộc họ phải đánh
đổi rất nhiều. Anh chàng luật sư khờ dại năm nào là một ví dụ. Irene đánh bùa một
chút xíu là cứ vậy đi theo, không một lời tò mò hay thắc mắc, thậm chí ám ảnh
hình bóng nàng suốt một đời.
Người đàn bà trên cầu thang được xây dựng từ sự phản
kháng và những nỗi đau mất mát. Hình tượng người đàn bà như Irene là sản phẩm tất
yếu của một chế độ đã sụp đổ. Cô khó khăn để tìm hộ chiếu, chật vật lo toan cuộc
sống và dành những năm tháng cuối đời tại một nước Úc xa xôi. Cô không có thời
gian để yêu, bị xã hội tước đi quyền được lựa chọn, khi tuổi già ập đến, Irene
vẫn còn loay hoay chìm nổi trong những vòng tay của ba gã đàn ông.
Trong tác phẩm lần này Bernhard Schlink sử dụng triệt để thủ
pháp miêu tả, từ quang cảnh thiên nhiên đến con người. Đặc biệt Schlink
còn có một cái rất duyên trời phú khi ngòi bút của ông miêu tả phái nữ. Dường
như ở độ tuổi nào, ái nữ của Schlink đều sống động, tràn đầy sức sống như một
tòa thiên nhiên. Yếu tố ấy giúp mạch tiểu thuyết nhịp nhàng, dễ chịu hơn, giải
tỏa được những điều kỵ húy.
Với biệt tài mổ xẻ những ẩn ức tăm tối trong lòng người,
Bernhard Schlink đã viết nên một tiểu thuyết tình yêu cuốn hút mê hoặc. Người
đàn bà trên cầu thang cũng đồng thời khắc hoặc đậm nét hơn vai trò của nhà
văn trong công cuộc phục hưng quá khứ đen tối của nước Đức, lưu lại những trầm
tư sâu sắc về cuộc đời những kẻ đang hừng hực sức sống.
Gia Hạ
Nguồn: Zing.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét