Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Phú Quang - Hà Nội một góc nhìn

Phú Quang - Hà Nội một góc nhìn
1. Nơi gắn bó...
Phú Quang sinh năm 1949 ở Hải Phòng, về Hà Nội ở lúc sáu tuổi. Lớn lên, học âm nhạc, học văn chương, thành danh... yêu đương, buồn, vui, đau khổ... đều in đậm dấu ấn của đất Hà Thành: những phố cũ rêu phong, những con đường đầy lá vàng mùa thu, những chiều đông lãng đãng gió về, sóng nước Hồ Tây, mùi hoa sữa, mùi dạ hương... Tất cả, tất cả hòa quyện, trở thành tình yêu, máu thịt, tâm hồn Phú Quang - Nhạc sĩ. Chính điều đó, mà âm nhạc Phú Quang đã thổi hồn cho những bài thơ viết về Hà Nội thêm sức gợi cảm mạnh mẽ. Hà Nội hiện lên với ánh nhìn và một tình yêu đắm đuối, da diết pha lẫn chút u sầu; vừa cổ kính, vừa lung linh lại vừa đẹp đẽ, sang trọng:
Em ơi,/ Hà Nội phố
Ta còn em/ mùi hoàng lan
Ta còn em/ mùi hoa sữa
Con đường vắng/ rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai /tóc xõa vai mềm...
Ta còn em/ hàng phố cũ rêu phong
Và từng/ mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm/
Chiều Hồ Tây/ lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn/ về từ bao giờ.

(Em Ơi Hà Nội Phố, thơ Phan Vũ)
Hà Nội đã là chứng nhân, chứng kiến, sẻ chia mối tình đầu và những mất mát, buồn thương thấm đẫm trong tâm hồn nhạc sĩ:
Chỉ còn/ mùi hoa sữa nồng nàn/ 
trong căn phòng nhỏ
Đêm cuối thu/ trăng lạnh mờ sương
Chỉ còn/ nỗi im lặng phố khuya/ 
không gian dạ hương sâu thẳm
Từng tiếng chim/ khắc khoải vọng về
Chỉ còn mênh mông gương hồ/
Từng hàng cây/ góc phố/ 
ngây ngô nhìn nhau
Chỉ còn/ hơi ấm mối tình đầu
Anh đi/ có đôi lần nhìn lại
Chỉ còn em/còn em/ im lặng đến tê người.

(Im Lặng Đêm Hà Nội, thơ Phạm Thị Ngọc Liên)

Để rồi từng chiều buồn, mải miết lang thang, mải miết tìm về chốn cũ, nghe thời gian đọng lại trong nỗi sầu dâng:
Chiều như chậm rơi/ chậm rơi
Sóng bồng bềnh/ bồng bềnh
Sương giăng/ đỉnh núi mờ xa
Phủ Tây Hồ bâng khuâng/ huyền thoại
Xa xanh/ hạc trắng bay về
Chiều như cơn mơ/ vỗ về hồn ta bơ vơ...
Những nỗi buồn gieo neo/ đời vắng
Bỗng chợt như/ thanh thản trước chiều nay
Hồn ta tĩnh lặng/ bên chùa nắng
Gió Tây Hồ/ thổi mãi mái rêu phong

(Chiều Phủ Tây Hồ)
Giai điệu bài hát mang sắc thái điệu hát ả đào khiến không gian phủ Tây Hồ thêm huyền bí, linh thiêng, cô đọng.
Phú Quang trao đổi với báo chí về nỗi cô đơn: "Xét đến cùng, không một kẻ sáng tạo nào lại không cô đơn cả. Nó như một phẩm tính truyền kiếp ấy. Nó đeo bám và bủa vây, chả khi nào mình chạy khỏi được nó".
Tâm trạng cô đơn, tiếc nuối, đau khổ thường trực ấy hình như lại thích hợp với không gian im lặng, nhạt nhòa, lãng đãng... của sương giăng mặt hồ, của làn khói mong manh, của chiều phai sắc nắng, của phố vắng chiều đông, của miền quá khứ và những giấc mơ xưa:
Chiều đông/ sương giăng phố vắng
Hàng cây lặng câm/ hát câu mặc trầm/
Ta còn chờ ai/ nhạt phai sắc nắng/
Heo mây tan nhòa/ bao giấc mơ xưa/
Giờ em/ mong manh như khói
Giờ ta/ nắng đã chiều rồi
Tình xưa/ giờ như chiếc lá
Bay đi phương nào/ tan tác muôn nơi
Chợt nhớ ngày ấy/ khi em qua phố một chiều
Trao cho ta/ ấm nụ hôn dại
Và vòng tay/ khao khát mong manh
Chiều nay/ mình ta lang thang/ trên phố nhạt nhòa
Sương giăng/ trắng niềm mong chờ
Chợt chiều đông/ lạnh giá đến bơ vơ.

(Lãng Đãng Chiều Đông Hà Nội, thơ Tạ Quốc Chương)
Trả lời trên báo Xuân 2010, Nhạc sĩ tâm sự nỗi lòng đối với Hà Nội: "Trong tôi là nỗi nhớ thiết tha, như một dòng sông chảy, lúc êm đềm, lúc cồn cào con sóng... Hà Nội ngày tôi còn bé đẹp và yên bình biết bao... Tôi đã lớn lên bằng những kỷ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội".

Ta còn em/ cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em/ nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng/ mồ côi mùa đông.
Mùa đông năm ấy/
Tiếng dương cầm/ trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều/ sao còn vọng/ tiếng chuông ngân
Ta còn em/ một màu xanh thời gian
Một chiều/ phai tóc em bay

Chợt nhòa/ chợt hiện
(Em Ơi Hà Nội Phố, thơ Phan Vũ)
2. RA ĐI...
Tình yêu với Hà Nội là thế, kỷ niệm đầy ấp niềm vui, nỗi buồn của thủa ấu thơ và thời trai trẻ là thế...Nhưng vào một ngày không báo trước, năm 1985, lúc ba mươi sáu tuổi, Phú Quang đã lặng lẽ rời Hà thành đi đến một thành phố phương Nam đầy nắng ấm- thành phố được quen gọi là Sài thành- để tìm cơ hội mới.
Vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng, hành lý đã bị mất sạch trong chuyến xuôi Nam. Suốt một năm đầu, hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tâm trạng lại ray rứt, cồn cào, cảm thấy lầm lỗi khi dứt áo ra đi, rời xa Hà Nội! Ông thổ lộ: "Bài hát Em Ơi Hà Nội Phố tôi viết lúc ở Sài Gòn. Viết cho cảm giác ân hận vì mặc cảm lỗi lầm khi rời Hà Nội ra đi. Mặc cảm này đã theo tôi suốt năm đầu tiên tôi rời xa Hà Nội. Hà Nội với những góc phố nhỏ rêu phong, cây bàng khẳng khiu, một quán nhỏ bên đường đều như có một mảnh đời níu kéo mình. Nhưng rồi tôi cũng hiểu rằng Sài Gòn là nơi cho tôi tìm được những niềm vui khác".
Thật vậy, ở Sài Gòn, bài hát Em Ơi Hà Nội Phố là điểm nhấn đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Phú Quang... rồi con đường âm nhạc tiếp tục được thăng hoa với những dự án âm nhạc, những show diễn, những album nhạc lần lượt ra đời... khẳng định tên tuổi nhạc sĩ Phú Quang trong làn âm nhạc cả nước.
Nhưng thâm sâu trong tâm hồn ông, vẫn âm vang hai tiếng Hà Nội. Hà Nội hiện về trong miên man nỗi nhớ:
Dường như/ ai đi qua cửa
Gió mùa đông bắc/ se lòng
Chiếc lá/ thu vàng đã rụng
Chiều nay/ cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe/ xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ/ ai đó nói cười
Bỗng nhớ/ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây/ cũng bỏ ta đi.
Làm sao/ về được mùa đông
Dòng sông/ đôi bờ cát trắng
Làm sao/ về được mùa đông
Để nghe/ chuông chùa xa vắng
Thôi đành/ ru lòng mình vậy
Vờ như/ mùa đông đã về.

(Nỗi Nhớ Mùa Đông, thơ Thảo Phương)
"Làm sao về được mùa đông! Làm sao về được mùa đông!" Để làm gì? Đơn giản chỉ "Để nghe chuông chùa xa vắng". Điệp khúc rất thật, rất đáng yêu, rất tinh tế về tình yêu và nỗi nhớ sâu lắng của ông, dành cho Hà Nội. Tình yêu và nỗi niềm ấy được đẩy cao hơn, hình ảnh sống động hơn qua một ca khúc khác của nhạc sĩ:
Ta mơ thấy em/...ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội/ ngây ngất nắng
Một Hà Nội/ run run heo may
Dạ khúc đêm nay
Một mình em/ một mình ta
Tiếng lá rơi/...vô tình bên khung cửa
Em bơ vơ/ ta thẫn thờ mong nhớ
Một giọt sương rơi/ như giọt nước mắt buồn.
Ta mơ thấy em/...ở nơi kia xa lắm
Em cô đơn/ căn phòng trống cô đơn
Dạ khúc đêm nay/ chẳng thể nào dang dở
Trong nỗi khát khao/...Em chầm chậm quay về...

(Mơ Về Nơi Xa Lắm)
Vậy là, mỗi năm, dù bộn bề công việc, sức khỏe, ông vẫn thu xếp về thăm lại Hà Nội vào dịp cuối thu, đầu đông để thỏa lòng mong nhớ! Nhạc sĩ cho biết: "Mỗi lần nghĩ đến Hà Nội tôi lại bồi hồi, nhớ thương da diết. Như một đứa trẻ tìm về với mẹ, tôi thường về thăm Hà Nội mỗi khi thấy lòng xác xơ, mệt mỏi. Mà về Hà Nội bao nhiêu lần đi nữa, tôi cũng không bao giờ thấy đủ. Ước gì tôi có thể mang Hà Nội bên mình".
Hãy lắng nghe tâm trạng rất xúc động của nhạc sĩ:
Hà Nội ơi/ mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về
Lấy cho mình/ dù chỉ là chút bóng đêm/ 
trên đường phố quen
Dù chỉ là/ một chiều sương giăng lối cũ
Tôi bồi hồi/ khi chạm bóng cửa ô
Như ngày xưa/ mỗi lần/ chạm vai gầy áo mẹ.
Ôi nỗi nhớ/ muôn đời vẫn thế
Như dòng sông Hồng/ cuộn đỏ mãi/ trong tôi
Vội vã trở về/ Vội vã ra đi
Chẳng thể nào qua/ hết từng con phố
Nhưng còn đó/ mùa thu/ mùa thu đầy gió
Và rêu phong/ bên những gốc cây già
Vội vã trở về/ cùng tháng năm xưa
Sau những con đường/ dầu dãi nắng mưa
Bên quán nhỏ/ em buồn nghe lá trút
Chiều mưa sa/ giăng kín phố dài
Hà Nội ơi/ mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về/ 
để nghe tim rưng rưng/ 
trong nước hồ thu.
(Hà Nội Ngày Trở Về, thơ Doãn Thanh Tùng)
Nội dung, ca từ đầy ắp những chi tiết chọn lọc, tiêu biểu về Hà Nội, gắn kết nhau bằng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ sinh động, nhiều chất thơ lại được chuyên chở bằng một giai điệu nồng nàn, da diết... đã khiến người nghe cảm nhận một cách đầy đủ về tâm hồn và con người - nghệ sĩ Phú Quang với một Hà Nội cổ kính, lung linh, sâu thẳm...
Tình yêu với Hà Nội là đắm đuối và có thật, đối với những đứa con nặng tình khi xa Hà Nội. Ta bắt gặp ở đây tâm trạng của một nhạc sĩ khác:
Hà Nội ơi/ Hà Nội ơi
Cái ngày/ tôi chia xa Hà Nội
Giờ ra đi/ mới thấy lòng tiếc nuối
Những kỷ niệm/ một thời nông nổi
Cứ thôi thúc hoài/ khắc khoải nơi trái tim/
Hà Nội ơi/ Hà Nội ơi/
Khát vọng trong tôi/ tình yêu trong tôi
Thời gian/ có bao giờ phôi pha
Như nước Hồ Gươm/ xanh vời vợi
Như hương hoa sữa/ nồng nàn đắm đuối
Bước chân tôi/ qua bao nẻo đường
Vẫn mong một ngày/ trở về quê hương.
Ngõ nhỏ/ phố nhỏ/ nhà tôi ở đó
Trong giấc mơ/ tôi vẫn thầm mơ.

(Hà Nội Và Tôi, Nhạc: Lê Vinh, thơ: Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Riêng Phú Quang thì sao? Có mơ một ngày trở về quê hương?...
3. TRỞ VỀ...
"Tôi luôn biết ơn Sài Gòn vì những gì mảnh đất này dành cho tôi nhưng cha ông thường có một câu: "Cáo chết ba năm vẫn quay đầu về núi", tôi vẫn đau đáu nghĩ rằng đến một lúc nào đó sẽ quay về Hà Nội..." (theo báo Dân Trí).
Cuối cùng, khi cánh chim bằng đã mỏi, mộng ước bao cao, bay xa đã đạt thành, thì cánh chim ấy lại tìm vể tổ ấm. Sau hơn hai mươi năm là công dân chính thức của Sài thành, cũng vào một ngày không báo trước, năm 2008, lúc gần sáu mươi tuổi, Phú Quang rời Sài Gòn, trở về lại Hà Nội! Nơi gắn kết đời ông, nơi đã cho ông cội nguồn cảm xúc để viết nên những bài tình ca nổi tiếng về Hà Nội.
Hãy nghe tiếng lòng thổn thức của nhạc sĩ khi về lại...
Rồi cũng/ về lại phố xưa
Về trong/ mùa thu/ bồi hồi làn mưa/ lối vắng
Rồi cũng/ về lại phố quen
Về trong tình em/ dịu dàng, /dịu dàng
Lại đi bên em/ bình yên, /bình yên
Cơn gió lang thang/ về chốn quê nhà
Lại nghe con sông/ từng đêm, /từng đêm
Rì rào bên ta/ nỗi nhớ khơi xa
Lại nghe yêu thương/ tràn dâng lòng tôi
Và nghe khát khao/ trong tiếng em cười
Về đây bên nhau/ buồn vui, buồn vui
Sau những tháng năm/ ở chốn quê người
Dù mãi/ cách xa người ơi
Tình yêu này/ vẫn còn/ mãi trong tôi.

(Về Lại Phố Xưa)

Phú Quang thật sự đã trở về Hà Nội, như lời phát biểu của ông với báo chí: "Mai này, khi không còn lang thang được nữa, tôi sẽ về với Hà Nội, sống trong một ngõ vắng bình yên nào đó đến cuối đời...".
Và, Hà Nội đã dang rộng tay đón người con xa xứ trở về. Có người hỏi ông, ở Sài Gòn, nhạc sĩ viết nhiều bài hát hay về Hà Nội. Bây giờ về Hà Nội, nhạc sĩ có viết gì về Hà Nội nữa không. Ông trả lời, tôi sẽ viết một bài, ở Hà Nội, nhưng viết về mẹ tôi.
Đấy là một bài hát, viết riêng tặng cho người mẹ dấu yêu đã khuất và cũng tặng cho Hà Nội. Viết để bộc bạch lòng mình, viết cho vơi nỗi lòng của đứa con mang mặc cảm lầm lỗi trở về:
Mẹ là người đầu tiên/
Người đàn bà/ mãi mãi
Không bao giờ phản bội/
Ngay cả khi con/ ngu dại một đời.
Còn mãi với con/ lời ru ngày xưa ấy
Còn mãi với con/ vòng tay mẹ âu yếm
Bây giờ/ mỏi cánh phiêu du
Con tìm về/ chốn cũ
Bây giờ/ mẹ đã khuất xa
Chỉ còn/ gặp trong giấc mơ
Để từng chiều/ lại nghe
Lòng cồn cào thương nhớ/
Con gọi thầm/ mẹ ơi/ mẹ ơi.

(Mẹ, thơ Hồng Thanh Quang)
Nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ nhiều bài hát hay về Hà Nội. Ông cho biết: "Thật lòng mà nói hồi trẻ và bây giờ vẫn thế, tôi thích văn chương hơn âm nhạc. Việc có nhiều bài hát phổ thơ cũng là lẽ tự nhiên. Những bài hát giữ nguyên tác hoàn toàn rất ít, chỉ chiếm 2%. Còn lại, tôi thường chỉnh sửa cải biên khá nhiều, bởi thơ và ca từ khác nhau...Dù chỉ dùng một câu hay vài chữ của người ta thôi, tôi cũng luôn đề rõ trong tác phẩm rằng lời phổ thơ của họ, để tỏ lòng tôn kính người ta gợi cảm hứng sáng tác cho mình".
Con đường âm nhạc của Phú Quang có lẽ vẫn tiếp tục phát triển... tùy vào sức khỏe và cảm hứng của nhạc sĩ. Song, hiện tại, những ca khúc của ông viết về Hà Nội vẫn là những giai điệu đẹp, làm xao xuyến lòng người, kể cả những ai chưa từng đến Hà Nội. Để có được những tình cảm mến yêu ấy của người yêu nhạc, Phú Quang đã lao động miệt mài, nghiêm túc: nuôi dưỡng cảm xúc, tìm cảm hứng, đọc thơ, thẩm thấu thơ, tìm giai điệu thích hợp, chắc lọc hình ảnh, ý thơ trong các bài thơ phổ nhạc...để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc đặc sắc, mang thương hiệu Phú Quang: dạt dào tình cảm, đầy tính nhạc, tính văn chương; lãng mạn nhưng thật sang trọng.
Hà Nội, qua âm nhạc Phú Quang đã cho ta một góc nhìn tiệm cận, vừa sắc nét vừa sâu lắng, đủ để chúng ta mở rộng mở tâm hồn, thêm yêu quý mảnh đất văn hiến nghìn năm-Hà Nội.
Thành phố Biển, 7/2013
Hữu Du
Theo http://amnhac.fm/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...