Một mai thức giấc
Chị nghiện cà phê, chỉ mới gần đây thôi nhưng đã nặng lắm, chập
tối là làm một ly đen đậm không đường. Tôi hỏi, rồi sao chị ngủ? Chị nheo mắt
cười, chị có cần ngủ nữa không?.
Chắc chắn là có, nhưng không phải lúc này. Sẽ có một lúc nào
đó chị có thể ngủ vùi thỏa thích, thậm chí không cần dậy nữa. Những mỏi mệt rụng
khỏi người mình, lo âu cũng tan loãng, lúc đó chắc đê mê lắm. Chị nhấn mạnh cái
từ “đê mê” làm tôi bật cười.
Chị cứ hay đùa như vậy, trong những lúc khốn cùng nhất vẫn rất
biết đùa. Như trong lúc này, chị đang vắt kiệt sức mình cho việc công ty, ban
đêm lại bán mình cho những con chữ, những bi kịch luẩn quẩn trong mớ bản thảo
phim của chị.
Tôi càm ràm: “Việc gì chị phải ôm đồm như thế. Cái trụ cột
nhà chị đâu rồi, hay lại vờn theo con mèo nào ngoài kia mà bắt chị phải nai
lưng gánh vác hết thảy?”
Chị ngáp một hơi rõ dài, phản biện yếu ớt: “Tại chị thích
làm, kiếm được tiền ai mà không ham. Mình sống bằng tiền của mình, chả phải ngửa
tay xin ai thì đỡ nhục. Có tiền, chị tha hồ bày biện lại cuộc đời mình”.
Như một người vô gia cư ao ước một căn nhà, dù chật hẹp nhưng
họ vẫn có thể bày biện mọi thứ theo ý mình, vậy là đã thấy nó đẹp, vậy là thấy
đời đáng sống. Chị cũng vậy. Chị khát một mái ấm, đúng nghĩa, và luôn luôn nỗ lực
bồi đắp từng chút một để có nó. Nhưng có lẽ chị chỉ hoài công. Trong khi chị
nhóm lửa sưởi ấm cho ngôi nhà thì người đàn ông chỉ chực chờ đánh cắp lửa ấm
mang đi cho kẻ khác.
Nhưng chị vẫn khát một căn nhà.
Hồi mới cưới, nhà chồng chị trống trơn từ trước ra sau, chẳng
có thứ gì đáng giá ngoài đàn em háu ăn nheo nhóc. Đám cưới chị cũng không xe cộ
rước dâu rình rang như bạn bè. Hai anh chị có bao nhiêu vốn lận lưng góp lại
làm đám cưới. Miệng lưỡi thế gian không mọc ra cơm gạo để nuôi ta ngày nào,
nhưng có thể phun ra dây thòng lọng và giết ta chết dần chết mòn theo năm
tháng. Không chịu nổi tiếng chó chui gầm chạn, anh nằng nặc đòi “ra riêng”.
Hai đứa con lần lượt ra đời, niềm vui và nỗi buồn cùng từ đó
theo cấp số nhân. Sau mỗi lần chuyển nhà trọ, giấc mơ về căn nhà nhỏ có giàn
hoa ti gôn nhỏ xinh treo mình trên cổng luôn lớn hơn trong chị. Nhưng cũng
chính nó lại teo tóp dần trong anh, theo cơm áo gạo tiền và những cám dỗ khác.
Anh thường mượn rượu dẫn lối về nhà. Trong cơn say, miệng anh vẫn luôn lảm nhảm:
“Nhà này đâu phải của mình, của thiên hạ hết. Nè vợ, anh là thằng đàn ông nghèo
hèn. Vậy thì đã sao? Biết vậy, sao em còn theo tui chi rồi than khổ? Khổ quá
thì đi hết đi”.
Không biết bao lần chị khóc trên vai tôi, khi tôi chìa cho chị
mượn những đồng lương ít ỏi còn sót lại. Chị nói, đi hết quãng đường dài mới biết
mình ngu muội, cứ tưởng trước mặt là nơi bình yên chim hót, ai dè lại là sa mạc
mênh mông. Sức người có hạn, chị không còn khả năng để cải tạo sa mạc hoang hóa
thành nơi có sông suối để tắm, có cây cỏ để ăn. Mười năm qua chị luôn sống
trong ảo tưởng, rằng khi khó khăn, gục ngã sẽ có bạn đồng hành chìa bàn tay yêu
thương nâng đỡ chị. Nhưng không, bàn tay đó còn bận nắm níu những thứ khác thơm
tho hơn ngoài kia, chưa bao giờ chìa về phía chị.
Nhà là nơi để về sau những cơn giông bão hoặc những cơn say nắng
ban trưa. Nhà là nơi nâng niu thân xác vốn đã bã bời đâu đó trên những khúc đường
mưu sinh chật vật. Nhà là nơi hai ta thuộc về nhau mà không hề toan tính. Nhà
là…
Nhà cũng là cái máy nghiền, nghiền nát tuổi thanh xuân chị. Để
có được căn nhà do chính mình đứng tên sở hữu, chị đổi tất cả những thú vui rất
đàn bà của mình: quần áo một năm thay dăm ba bộ, chả cần hợp mùa hợp mốt, cứ vừa
người là mua. Gót giày lỡ có sút thì thay đôi gót khác, đỡ phí một khoản tiền
mua mới. Cưới hỏi tiệc tùng chị từ chối đi cùng chồng để giảm bớt một khoản tiền
mừng. Cây son năm năm chưa đổi, túi xách cũng chung số phận...
Đàn bà bốn mươi đang độ hồi xuân như chị, chắc không ai vùi
mình vào đống chữ nghĩa rối nùi ấy, thà họ vùi mình vào người đàn ông của họ,
cho đến lúc xác thân rã rời. Đàn bà bé mọn, dù không ngừng than vãn về người chồng
tồi tệ, đêm đêm vẫn dày vò thân thể anh ta để trả đũa đó thôi. Nhưng chị không
nghiện chồng, dù anh ta vẫn còn đẹp trai ngời ngời, phong độ ngon lành, ra đường
khối cô ngắm trộm thân hình vạm vỡ ấy và thầm ghen với chị. Thi thoảng anh cũng
tình tứ liếc mắt với mấy cô má đào trong quán, uống cạn những ly bia các cô
dâng tận miệng, rồi sau đó các cô dâng đến thứ gì nữa. Chị biết hết, chị thấy hết,
nhưng vẫn thản nhiên như không. Chị em bạn bè cảnh báo chị, chị chỉ cười qua
quýt: đàn ông mà, mấy người không hám gái... Ai cũng lắc đầu, chắc dây thần
kinh ghen của chị bị tê liệt rồi. Hồi con gái có lần chị bị xe đụng, may không
chết, nhưng chắc cũng từ đó mà chị chẳng biết ghen biết hờn giận là gì.
Độ này chị lại mắc bệnh nghiện bếp. Ngoài cà phê chắc giờ chị
lại nghiện hành tỏi. Tôi vài lần bông đùa khi chị gọi tôi cùng ông xã tương lai
sang nhà thử vài món chị mới nấu. Với lý do đơn giản là mừng chị vừa thực hiện
được giấc mơ lớn của đời mình. Thú vui gần đây nhất của chị là làm vườn, nấu
ăn. Chị thú thật không có thời gian đi học nấu ăn chỉn chu, chỉ là học lóm trên
mạng, thấy món nào lạ lạ mà ưng bụng thì chị làm, vậy thôi. Chỉ vậy thôi mà chẳng
mấy chốc chị làm tôi và Lâm nhớ da diết món chân gà chua ngọt cay nồng xé môi
xé lợi của chị. Chồng tôi bảo: “Bạn em chắc ghen dữ à. Đàn bà mà dầm ớt cay xé
như vậy ghen kinh lắm”. Tôi mỉm cười, ý tứ đá chân chồng. Anh còn ghé tai tôi hỏi
nhỏ, sao không thấy chồng chị đâu? Chị rót thêm cho chồng tôi đầy ly bia.
- Chú uống đi, khi nào được uống bia cùng vợ thì cứ uống cho
bằng cạn. Đàn ông toàn thấy chia sớt mấy thứ này cho bạn nhậu, mấy ai được cụng
ly với vợ như chú.
Tôi được chị khơi mào, thêm cái thứ men cay đưa lối, cao giọng
tố khổ với chị, chủ yếu để lọt tai chồng tương lai.
- Mấy anh này hả chị, suốt ngày bù khú với bạn bè, vậy mà đến
lúc bệnh đi rồi thấy, cũng chỉ làm khổ vợ con, được mấy thằng bạn nào tới thăm
nuôi. Chị nói xem, ai phũ hơn ai?
Hôm khác chị ý tứ kéo tôi ra quán, thì thầm:
- Phàm đã là con người, ai cũng có một phần quỷ dữ trong tâm.
Chuyện vợ chồng, em đừng so đo ai phũ hơn ai. Ở được với nhau ngày nào, hãy cứ
vui vẻ mà tận hưởng đi em.
Chị rủ tôi đi du lịch Sa Pa. Chị chưa bao giờ được đi Sa Pa,
thèm lắm Mây ơi! Nhưng mùa này Sa Pa u sầu lắm, như cô gái chán chồng ủ ê, mình
đợi tháng mười một hãy đi chị ạ. Chị nhíu mày “Sợ không kịp”.
Tôi vô tâm đến mức không hỏi rõ chị “không kịp” điều gì. Để
hôm nay, khi thả lên huyệt mộ cành lan trắng, tôi khóc không thành tiếng.
Trong những tháng ngày cuối cùng chống chọi với căn bệnh ung
thư máu, chị như một chiến binh dũng cảm và cô độc đến cùng tận. Khi kịch bản
phim cuối cùng hoàn tất, tiền cũng đã được chuyển hết vào sổ tiết kiệm ủy quyền
cho hai đứa con, chị rủ tôi đi du lịch. Tôi nào biết lúc đó chị đã ở tận cùng sự
cô độc.
Ai cũng có một phần quỷ dữ ở trong tâm... Tôi khóc ròng nhớ
chị, đau cho chị.
Chồng chị chít vành khăn trắng, mắt sâu húp cúi đầu bên chị.
Đôi tay anh miết lên thành áo quan. Tôi muốn nói với anh rằng, anh ạ, chị ấy đã
rất cần đôi bàn tay kia của anh chìa ra khi chị đau nhất. Lúc đó, anh ở đâu?
Rồi một mai thức giấc, chị sẽ tha hồ bày biện lại cuộc đời
mình. Chị sẽ diện áo đẹp, tô son hồng, ngồi bên bậu cửa đọc sách. Và ngoài vườn,
tiếng chim hót ríu ran, tiếng nước chảy róc rách.
Tôi thấy chị mỉm cười. Nụ cười an yên nhất trong cuộc đời chị.
Bên ngoài, chồng chị vẫn không thôi săm soi giàn hoa tim vỡ rợn
ngợp trên vòm cổng. Những trái tim tan tác phất phơ trong gió.
Tim chị đã vỡ lâu lắm rồi. Anh biết không?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét