Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Làm nghề, hãy để lại cho đời một chút hương

Làm nghề, hãy để lại 
cho đời một chút hương
LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang"nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề. Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn.
Dưới đây là bài dự thi của độc giả Trần Đình Thu, hiện công tác tại ngân hàng VietinBank Bến Tre.
Cuộc sống luôn là những dòng chảy không ngừng. Con người sinh ra để yêu thương và hạnh phúc. Những cảm thông chia sẻ là nguồn sống cho cuộc đời vươn tới những ước mơ cao hơn. Có một câu châm ngôn luôn lay thức tâm hồn tôi mỗi khi làm một việc gì đó: “Người ta chỉ bảo vệ những gì mà người ta yêu, chỉ yêu những gì mà người ta hiểu, chỉ hiểu những gì mà người ta được học”. Người ta sẽ cảm thông khi những điều mà người ta đã gặp, đã chứng kiến trên cuộc đời.
Quả thật đúng như vậy! Bản thân tôi gần 30 năm gắn bó với nghề ngân hàng, 5 năm phụ trách về nghiệp vụ thẻ, có lẽ đây là một niềm đam mê cùng với bao nhiêu công sức tâm huyết đều dồn vào chữ ATM. Nhưng thú thực đó cũng là những năm tháng mà tôi phải nếm trải đủ mùi đời của cuộc sống, của không khí cạnh tranh khắc nghiệt thời cơ chế thị trường.
Ghập ghềnh con đường phía trước
Đầu năm 2005 sản phẩm dịch vụ Thẻ ở Bến Tre mới bắt đầu nhen nhóm. Chỉ có một máy ATM của Ngân hàng Công thương dựng ngay bùng binh Trung tâm thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre). Người dân ở đây chẳng ai hiểu mô tê về nó như thế nào? Bởi máy rút tiền tự động thực sự còn xa lạ đối với rất nhiều người.
Đến năm 2007, Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước. Vậy là tôi nhận một sứ mệnh đặc biệt của chi nhánh đi PR dòng thẻ ATM cho khách hàng. Chưa bao giờ tôi lại phải trải qua những giai đoạn khó khăn vất vả thăng trầm như vậy. Công việc tiếp cận giới thiệu sản phẩm dịch vụ thẻ thì vô cùng phức tạp, vừa mới mẻ, vừa lạ lẫm với khách hàng đã quen dùng tiền mặt. Ai đã từng trải qua công việc này mới hiểu hết tâm trạng và nỗi lòng của người đi tiếp thị. Những câu hỏi: Thẻ là gì? Rút tiền ở đâu? Rút như thế nào? Thiếu tiền ai chịu trách nhiệm … cuối cùng là tiền không đủ xài có đâu mà mở thẻ, đủ cách, đủ kiểu xua tay chối từ, thậm chí còn né tránh những cuộc hẹn gặp nhau từ trước, có nơi mình đến năm lần bảy lượt thậm chí nhiều hơn nhưng kết quả vẫn là con số không. Thú thật đôi lúc người ta thờ ơ đến mức lạnh lùng vô cảm.
Vâng! Chỉ có sự nhẫn nại pha lẫn niềm đam mê cùng với một ý chí khác thường mới vượt qua được những thử thách này. Trong khi đó áp lực chỉ tiêu, sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại giành nhau thị phần bằng cách tiếp thị đủ chiêu trò, nỗi ám ảnh cứ quay cuồng. Dòng suy nghĩ cũng lao theo chập chờn nát vụn cứ lay lắt theo vào tận giấc mơ.
Ánh sáng le lói
Nhưng rốt cuộc cái gì đến nó sẽ đến. Tôi tự tạo ra ý tưởng để tiếp cận thị trường bằng những khả năng vốn có riêng của mình, đến gặp gỡ từng khách hàng để giới thiệu, chia sẻ các dòng sản phẩm về thẻ hiện tại. Tiếp cận khách hàng ở mọi góc độ, bất kể thời gian, đôi khi phải múa may, giải thích đủ điều để khách hàng hiểu biết chấp nhận nhấn nút OK. Họ đã đến và tôi đã thành công chập chững bước đầu tiên. Từ người nông dân đến công nhân, cán bộ, học sinh, sinh viên đều là khách hàng của tôi, nỗi niềm khôn tả khi dòng thẻ ATM đã phủ khắp xứ Dừa thân yêu.
Niềm vui chưa được bao lâu lại xảy ra chuyện rắc rối mà bản thân tôi cũng không lường trước được. Suốt nhiều tháng trời điện thoại reo liên tục gọi đến để hỏi thăm, tư vấn. Đúng là khổ tới nơi rồi, đang ăn cơm điện thoại reo, đang ngủ điện thoại reo, sáng, trưa, chiều, tối, 12 giờ đêm thậm chí nhiều lúc 2, 3 giờ sáng vẫn có người gọi: Alo anh ơi thẻ em bị nuốt rồi, đổi mã pin không được, chuyển tiền như thế nào…. không phân biệt thời gian, không biên giới bất cứ điều gì xảy ra về thẻ là điện thoại cho tôi. Nhiều lúc có người nhá máy, tôi phải gọi trở lại để giải thích rõ ràng, vợ tôi bảo anh tự rước họa vào thân rồi! Ừ mình tạo ra thì phải giải quyết thôi biết kêu ai bây giờ. Ngẫm nghĩ lại tôi mới thấm thía câu tục ngữ: “cái khó ló cái khôn” là thế nào? Tôi đã hóa giải được nỗi trăn trở đã theo tôi suốt trong nhiều tháng trời.
Năm 2008 tôi quyết định lập một blog riêng để hướng dẫn cách sử dụng, giải đáp mọi thắc mắc về thẻ ATM, thiết kế thêm chuyên mục thư giãn, quảng bá sản phẩm đến với mọi người. Khi gặp gỡ trao đổi tiếp xúc với khách hàng tôi luôn trân trọng gửi tấm Card và không quên lời nhắn: Hãy truy cập vào địa chỉ ghi ở mặt phía sau. Đúng là có hiệu nghiệm thật, rất hiệu nghiệm nữa là đằng khác, khách hàng đã đồng hành cùng tôi suốt một chặng đường dài, cùng tạo ra một phong cách giao dịch hiện đại, góp phần chia sẻ không nhỏ cho nhiều câu chuyện và những khoảnh khắc rất đời thường.
Làm nghề hãy để lại cho đời chút hương
Dòng chảy thời gian vẫn trôi, từng khoảnh khắc đi qua luôn đọng lại những điều giản dị, chân thật nhất. Có hàng trăm câu chuyện vui, buồn xảy ra trong mỗi đời người, và với tôi ấy là những câu chuyện gắn liền với những lần đi tiếp quỹ ATM.
Bản thân tôi luôn ý thức được mình phải làm gì cho cuộc sống hiện tại bằng chính lương tâm và bản ngã của lòng yêu thương. Tôi tự kiểm định mình, phải sống sao cho có tình người, chỉ cần bấy nhiêu thôi.
Giờ đây người dân Bến Tre quê tôi đã hoà nhập vào dòng chảy của nền kinh tế thị trường. Các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, doanh nghiệp đều chi lương qua tài khoản thẻ, việc mua sắm hàng hoá và các dịch vụ thanh toán qua hệ thống máy POS đặt ở nhà hàng, siêu thị rất tiện lợi, ngoài ra thanh toán hoá đơn tiền điện, tiền nước, thuê bao điện thoại, trả nợ vay, chuyển tiền .. . mọi thứ tất tần tật đều qua thẻ ATM.
Tôi đón nhận rất nhiều lời tri ân của mọi người. Vâng! Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất mà những tháng năm lăn lộn cùng bao nỗi nhọc nhằn để tiếp cận, tư vấn cho khách hàng hiểu, biết về việc thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi hấp dẫn như thế nào.
Giờ không còn làm công việc về thẻ nữa, nhưng thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi vẫn còn nghe tiếng alo của khách hàng từ đâu đó vọng về.
Và tôi nghĩ: Người ta chỉ hạnh phúc khi cảm nhận cuộc đời này bằng tâm hồn khoáng đạt, bình dị giữa đời thường, chứ không phải bạc tiền, chức quyền, địa vị cao sang. Dù làm việc ở ngân hàng hay ở bất cứ nơi đâu “thử thách hay vinh quang” vẫn là câu chuyện riêng tư của mỗi con người.
Hãy để lại cho cuộc đời một chút hương! Bởi cuộc sống hôm nay cần có những niềm tin để lan tỏa.
Theo http://cafef.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...