Hành trình thú đau thương
Trong lời dẫn giải về tác phẩm TCHMT, Phạm Duy cho biết rằng ông đã từng làm quen với thơ HMT từ thuở còn đi học. Ông cảm được những nếp gấp tâm tình của nhà thơ này khi nêu ra những chủ đề chính trong thơ HMT: tình yêu, tình dục, sự đau khổ, sự đau thương, sự điên dại, cái chết, Đạo, Thượng Đế, Thiên Chúa… 2 Bảng liệt kê vừa kể thật ra chưa nói đủ hết mối đồng cảm sâu sắc của ông đối với nhà thơ quá cố. Phải nghe chính tác phẩm mới có thể nhận ra được rằng TCHMT là bản vẽ sâu sắc bản đồ tâm hồn thơ HMT.Bố cục của TCHMT thể hiện khá rõ về những biến chuyển trong tâm sự thơ HMT từ tập thơ đầu (GÁI QUÊ) đến giai đoạn THƠ ĐIÊN – ĐAU THƯƠNG, và cuối cùng là thời kỳ sáng tác XUÂN NHƯ Ý trở về sau. Ba giai đoạn chính trong hành trình sáng tạo thơ HMT với những nội dung khác nhau, phản chiếu tâm hồn người thơ một cách sinh động và độc đáo.
Có thể phác lại nét chính của con đường thơ HMT được phác họa qua trường ca của Phạm Duy như sau : 1) thời thanh xuân lãng mạn đẹp ngời (TÌNH QUÊ) -> 2) thời điên loạn, đau đớn vì thể nghiệm nỗi đau thương của thân phận (TRĂNG SAO) -> 3) thời tìm lại được yên ổn tâm hồn trong thế giới của cái Đẹp vĩnh hằng (AVE MARIA). Cứ thế, nhạc đề phát triển từng đợt ba phân khúc như những lớp sóng xô cao thấp khác nhau. Con đường thơ của HMT thể hiện khá sinh động tâm hồn người nghệ sĩ giữa đời.
Con tim yêu thương bao la của người nghệ sĩ rung lên những nhịp điệu tình ca muôn vẻ của thơ tình. Không biết có ai phân tích hết những dáng vẻ của tình yêu trong thơ HMT hay chưa, nhưng Phạm Duy đã thể hiện khá đẹp những nét lớn của tình yêu trong thơ HMT: sự dâng hiến trọn tình, sự e ấp trộn lẫn với nỗi rạo rực, nỗi đắm say trước vẻ Đẹp hiện thân của tình yêu. Có thể nhận ra những dáng vẻ tình yêu đó trong thơ HMT khi thưởng thức phần một TCHMT. Con tim yêu thương của người nghệ sĩ phả vào cuộc đời xã hội bằng những mối tình người tặng cho những người yêu dấu chung quanh. Tình yêu ấy đọng lại trong TCHMT là tình yêu ông dành cho đất nước quê hương là nơi bóng hình những người ông thương mến, là tình yêu ông dâng tặng vẻ Đẹp nguyên trinh qua hình tượng Phượng Trì/ sứ thần Gabriel/ Đức Bà.
Thế nhưng người nghệ sĩ có trái tim vô số mà anh ta không chỉ dành tặng cho những người yêu dấu trong đời. Trong đáy sâu thẳm của con tim, người nghệ sĩ luôn cảm thấy có một lời thì thầm vượt lên khởi bình diện nhân gian. - đây cần nhắc lại một bài viết của HMT thường vẫn bị các nhà nghiên cứu bỏ quên khi muốn tìm hiểu về tâm sự thơ ông. Trong bài viết về Quan niệm thơ, HMT cho thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt.
Nói cách khác, thi sĩ đã sống cô độc đời mình giữa cuộc thế lao xao, và làm thơ là để tìm người tri kỷ. Làm thơ là một sự ham muốn vô biên của những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt (4). Người nghệ sĩ thoáng nghe ra những tiếng nói mầu nhiệm vượt lên khởi chiều kích trần thế. Sự nhạy cảm tột cùng dẫn đưa con đường sáng tạo của người nghệ sĩ qua những cơn loạn lạc với thú đau thương. Đó có thể là nỗi ngậm ngùi về những hoang phế quạnh hiu của những thành quách cũ (Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương), đó cũng có thể là những lời độc thoại triền miên của người tình trẻ bên đời hiu quạnh (Trịnh Công Sơn), của người tình già nghe tiếng gọi nghìn thu (Phạm Duy).
Thế thì tại sao không có một HMT điên mê trong nỗi đau đớn của thân phận vui buồn của nhân gian mà ông tự cho mình là một đại biểu? (Ý nghĩa của trường thơ Loạn mà HMT và các bạn ông dựng lên dường như chưa được tìm hiểu, nhưng chúng tôi cho rằng sự nổi loạn của thế hệ nhà thơ trẻ Quy Nhơn lúc bấy giờ là dấu chỉ của một khao khát về một sự quân bình mới). Nỗi đau về phận người khổ nhục có khiến thơ ông đẫm máu lệ, vang vang nỗi đau hận pha lẫn với hoan lạc trong tình yêu thánh hóa.
Thơ điên của HMT phản ánh nỗi bi phẫn về phận người khốn khó, mà sự đau khổ của đời này thì muôn hình vạn trạng, người nghệ sĩ đau nỗi đau nhân thế và mang thập giá thay cho chúng ta, có phải đâu chỉ là người ca nhân làm mõ cho những mối tình đôi lứa như người đời vẫn nghĩ. Một nhân vật của Dostoievsky đã bảo rằng: cả trái đất, từ vỏ vào trong ruột, đều ướt đẫm nước mắt con người. Thế nên khi người nghệ sĩ hát về nỗi đau đớn của kiếp nhân sinh hoặc giả cảm nhận được tiếng hát nghìn thu nơi đầu non thì chẳng phải là lúc người nghệ sĩ đã xa cách đại quần chúng, trừ phi đại quần chúng muốn giam hãm nghệ sĩ như giam những tên tù trong vũng lầy nghệ thuật nô dịch.
Gần đây khi nhận định về một số tác phẩm mới của Phạm Duy, có người nghĩ là ông đã dần tách khởi vị trí của người nhạc sĩ của đại chúng, hiểu theo nghĩa là ông không còn hát về những vui buồn của nhân thế gần gũi: hát về quê hương dân tộc, về những mối tình rất riêng tư trong không gian sống của những thị dân. Nếu nghĩ rằng Phạm Duy nay đang lui dần về sáng tác những tác phẩm để riêng cho ông bởi vì không có bóng dáng những hình ảnh quen thuộc trong các ca khúc bao lâu nay thì cũng xin lưu ý là đã từ những ngày xa xưa, khi còn trẻ Phạm Duy cũng đã từng có những bài hát mang chủ đề hướng nội. Người thanh niên ấy đã từng nghe ra tiếng gọi huyền nhiệm từ sâu thẳm của nội tâm. Tiếng đời nào phải chỉ có tiếng tình yêu mà còn có tiếng gọi của thinh không (Lữ Hành), cảm nhận vậy.
Những biên giới cắt chia con người trong những không gian tâm tưởng khác nhau (Bên Cầu Biên Giới)…
Cho nên Phạm Duy vẫn chỉ là một thôi dù là Phạm Duy của Tình Ca, của Cỏ Hồng, của Pháp Thân, của Ngục Ca, của Bài Hát Nghìn Thu, của thiền khúc Hát Trên Đường Về, hay của Trăng Sao Rớt Rụng. Có thế mới có thể có mối đồng cảm giữa hai người nghệ sĩ với những thân phận riêng tư rất khác nhau nhưng cũng rung những cung bậc tâm hồn trước những hoan lạc cùng những khổ nhục của kiếp người. Nghệ thuật, nói cho cùng, chỉ là những tiếng kêu bất bình của người nghệ sĩ trước những hệ lụy của cuộc đời. Đôi mắt người nghệ sĩ là đôi mắt nhìn sâu thẳm vào phận người. Một thời vàng son của đào nguyên đã vĩnh viễn xa rồi ư, đời ta chỉ còn là một chuỗi những ngày nơi trần gian khổ lụy (Văn Cao), hát như chưa biết buồn phiền chi dù đường về quê nhà đã xa, nơi thành cổ rêu mốc của đời ta vẫn đi về một cõi quạnh hiu và hai vầng nhật nguyệt trĩu hai vai (Trịnh Công Sơn).
TcHMT là tiếng hát của người nghệ sĩ về những ràng buộc của cuộc đời, là sự thăng hoa giữa những khổ đau và hạnh phúc của phận người thành âm nhạc và thơ. Ba phần của trường ca là ba dáng vẻ của cuộc đời được phả vào nghệ thuật, trong đó có tình yêu sôi nổi mà e ấp của một thời hoa niên lãng mạn, có những khổ nhục của một đời lận đận vì những dằn xóc khác nhau.
Trước nỗi khổ mang chất bi kịch của đời người, người ta có thể phản ứng một cách khác nhau: có người an nhiên lặng lẽ đi về một cõi quạnh hiu và chấp nhận hạnh phúc trong niềm tuyệt vọng (Trịnh Công Sơn), có người không nguôi hoài tưởng một thiên thai không bao giờ trở lại (Văn Cao), có người lại dấn mình sống rất hiện sinh với chính những vinh nhục của đời và bật lên những tiếng tâm tình trước mọi cảnh huống. HMT và Phạm Duy đồng cảm với nhau ở điểm này. TcHMT là tác phẩm nghệ thuật thăng hoa những đau thương khổ nạn của đời người.
Hành trình nghệ thuật của HMT bắt đầu từ những hoa mộng thời trẻ hồn nhiên đến những đau khổ điên loạn vì những nhục nhằn, và khép lại với tình yêu thanh khiết trong thế giới vĩnh hằng trong suốt một vẻ Đẹp tinh tuyền. Nhạc Đề phát triển nhất quán với chủ ý HMT khi nhà thơ biểu tượng Maria bằng những tiếng gọi khác nhau: Đức Bà tinh truyền thánh vẹn, sứ thần thiên chúa Gabriel, Phượng Trì. Ngôn từ ở đây chỉ là những chiếc bè giả tạm để chuyên chở một cảm nhận về một thế giới vĩnh cửu của Mỹ thể.
HMT về yên nghỉ trong tôn giáo hay nghệ thuật? Vô thức về người nghệ sĩ trong Phạm Duy đã nghiêng về xu hướng thứ hai khi ông đã không phổ nhạc bài Ave Maria theo cách nhìn của ông lúc ông phổ thơ Phạm Thiên Thư trước đây: vẻ đẹp quyến rũ trong thơ Phạm Thiên Thư là sự nguyên trinh thánh thiện, là vẻ đẹp trong thế giới nghệ thuật trong đó không gian và thời gian như không còn tuổi trong cõi tuyệt đối vô cùng. Phạm Duy đã chẳng nói là những bài ông phổ thơ Phạm Thiên Thư là những bài hát thanh cao nhất của thời đại đấy ư 3? Hát lên tiếng hát xưng tụng một thiên thần là cách thế của người nghệ sĩ xưng tụng cái Đẹp. Mỹ thể là điểm đi tới và cũng là điểm quay về của Nghệ thuật.
Phạm Duy tâm sự rằng nguyên ủy của ý định sáng tác TcHMT là: ông muốn tiếp tục nói tới chuyện hóa giải nỗi oan khiên to lớn của cuộc đời Việt Nam sau nửa thế kỷ chiến tranh và hận thù bằng con đường đi vào Đạo để siêu hóa mọi sự 4. Hiểu như thế thì HMT cũng là một biểu tượng của thân phận Việt Nam, và những biến chuyển tâm tình của HMT là điển hình cho bi kịch trong đời người Việt Nam chúng ta trong một thời oan khổ dài dằng dặc. Âu cũng là một cao vọng đáng trọng của người nhạc sĩ già. Nỗi trăn trở của Phạm Duy về đất nước gần đây được tô đậm nét qua một trường ca gây nhiều xúc động (BẦY CHIM BỎ XỨ - 1990). Ta cũng bắt gặp trong một trang viết, ông cũng đã có lần trăn trở về thân phận nhục nhằn của người trí thức Việt Nam chứ chẳng phải không 5. Nhưng cứ như sự phát triển của chính nhạc đề của TcHMT thì ý nghĩa của tác phẩm đã tự nó có sức nặng của một tác phẩm nghệ thuật phản ánh rất đậm những cảm xúc về phận người biểu hiện qua thân phận một nghệ sĩ. Phạm Duy có nhớ không những lời ông viết về chính mình khi ông sáng tác TcHMT: đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng: tình yêu, sự đau khổ và cái chết 6? Tôi muốn thêm: hận thù, hạnh phúc và vĩnh cửu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét