Góc chiều lãng phiêu
Tôi miên man hứng từng giọt café sáng cuối tuần bên ô cửa nắng
mùa đông đợi bạn văn nghệ, chợt một nhà báo nữ ào tới với ánh mắt sắc, thân thiết,
quen thuộc. “Em định điện thoại không ngờ lại gặp… Trời, anh thiêng thật”. Vừa
nói vừa chìa cho tôi bản nhạc ghi tay trên giấy học trò khá cũ: “Anh xem chỉnh
sửa rồi chép vi tính giúp em nha”, ca khúc Đà Lạt quê hương tôi, nhạc và lời:
Nguyễn Xuân Ngọc. Tôi cầm lấy, lẩm bẩm từ trên xuống, rồi mông lung suy nghĩ...
Nhà báo nói tiếp: “Tác giả là Nhà giáo Ưu tú, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Lâm Đồng đó anh ạ”. Tôi ah… Anh nhớ rồi.
Thả về mùa cũ, ngẫm một chút xưa… Khoảng giữa thập niên 80,
ngày mà tôi thường đưa Đoàn Ca múa nhạc về vùng sâu phục vụ. Xuân Trường là điểm
xa của Đà Lạt. Những buổi biểu diễn ở góc trường, trên bãi đá bóng xóm thôn hay
trong Nhà Văn hóa xã, lần nào tôi cũng thấy bóng dáng một người hết sức bình dị
mang kính cận đến xem cổ động và hòa mình vào không khí đêm đêm như một “Fan”
bóng đá cuồng nhiệt. Tìm hiểu mới hay rằng anh là thầy giáo Nguyễn Xuân Ngọc,
Hiệu trưởng Trường PTTH Xuân Trường, thế là tôi với anh quen nhau thuở đó. Sau
này, anh về Trường cấp III Chi Lăng - Đà Lạt giữ chức hiệu trưởng rồi chuyển
lên Sở phụ trách Công đoàn, chúng tôi thường gặp và trao đổi nhiều về âm nhạc
qua các hội thi, hội diễn, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam hay Liên hoan văn nghệ
quần chúng toàn tỉnh… Còn nhớ năm 1994, bài hát “Mái trường tuổi thơ” của anh
được thầy giáo, ca sĩ Xuân Thống biểu diễn rất hiệu quả, là một hiện tượng
trong hội thi. Giọng hát mà tôi dám khẳng định vào diện nhất nhì Đà Lạt từ ngày
ấy cho đến giờ này. Chất giọng Xuân Thống rất đàn ông, ấm nồng quyến rũ, đầy
năng lượng (Bryton), đẩy câu nhả chữ tròn trong, ngân nga lời ca điệu nghệ, hút
hồn công chúng yêu nhạc. Bài hát ấy đã thu âm cùng với dàn nhạc Đoàn Ca múa nhạc
và được Đài PT-TH Lâm Đồng hồi đó sử dụng nhiều lần trên sóng Radio - TV cùng
lúc. Cũng chính nhờ tiết mục này Xuân Thống được tặng thưởng giải A trong hội
diễn văn nghệ Công đoàn giáo dục Việt Nam 2007 tổ chức tại Hà Nội - VTV3 ghi cả
chương trình phát hình sau đó… Và một lần khác - Tháng 3 năm 2012, Bộ Giáo dục
và Đào tạo tổ chức cuộc thi đệm hát hòa tấu độc tấu đàn Piano điện tử dành cho
học sinh cấp I và giáo viên THCS. Trong buổi báo cáo nội bộ chỉ có 2 học sinh,
3 giáo viên và vài chuyên viên của Sở dự khán. Tuy bận rộn giải quyết nhiều
công việc của người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, anh Nguyễn Xuân Ngọc vẫn
tranh thủ đến xem và đánh giá, góp ý cho từng tiết mục cụ thể. Khi nghe cả
chương trình, tôi thấy anh mơ màng lắng lại vào khoảng xa, chăm chút từ ánh mắt
cử chỉ, dùng ngón tay trỏ gõ nhẹ lên bàn đều nhịp đúng phách, đặt biệt là tiết
mục cháu Nguyễn Đình Phúc học sinh lớp 4, Trường Đoàn Thị Điểm - Đà Lạt độc tấu
chương I cung Đô trưởng (C) bản Sonata số 10 của nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo
W.A. Mozart. Bất chợt anh quay sang tôi rồi cười hiền. Tôi gật đầu thầm nghĩ
sao anh lại tinh ý và sành nhạc cổ điển đến vậy; bởi cháu Phúc chơi đoạn cao có
vài note lệch nhịp. Cả 4 tiết mục dự thi này, sau đó đều được tặng thưởng giải
A toàn quốc tổ chức tại Sài Gòn.
Trở lại tác phẩm “Đà Lạt quê hương tôi, nhạc và lời: Nguyễn
Xuân Ngọc”. Bài hát có hơi hướng nhạc điệu miền Trung, âm giai cung thể lất phất
giọng hò điệu ví. Thanh âm khúc thức dàn trải bâng khuâng như muốn níu lại tuổi
thơ ngày đầu cắp sách đến trường. Nơi bờ đê bóng mẹ che ngang chiều vàng thấm đẫm,
nơi cỏ cây hoa lá loang mầu nắng hanh, hình ảnh quê hương, đất nước được ghìm
sâu trong từng lời ca nhạc điệu… Thành thật mà nói, nếu đây là tác giả chuyên
nghiệp thì cần phải chỉnh đốn thanh âm đôi chỗ để câu ca tiết nhạc biến đổi nhiều
sắc màu, cấu trúc tác phẩm nên hoán cải dịch chuyển tạo sự tương phản khác biệt
trong mỗi đoạn phiên khúc điệp khúc. Nhưng, có lẽ theo tôi cái được lớn nhất ở
đây là cái tình cái hồn mà tác giả gửi trong đó. Anh sáng tác không bó vào luật
lệ kỷ cương, không nhất thiết phải theo khuôn theo khổ, không phụ thuộc một đoạn
(A), hai đoạn đơn (A-B), ba đoạn phức (A-B-A). Tác giả yêu sao nói vậy, ngẫu hứng
thế nào cứ trào dâng cống hiến, không hô hào xưng tụng tự ca. Anh viết và viết
chẳng đắn đo cắt nghĩa. Anh viết để sớt chia niềm đau nỗi buồn trong muôn vạn đời
thường. Anh viết để tri ân mảnh đất mình đang hít thở ngày ngày. Và cái đích cuối
cùng cũng chỉ để tô thêm vào mảng màu nhân văn, tìm giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Anh đâu cần phân định thể loại mà chỉ biết một điều, đó là tình ca. Khúc tình
ca chân thành trong trẻo. Khúc tình ca từ tâm. Khúc tình ca nâng niu tận đáy ngực
trái tim nhà giáo và anh đâu ngờ quãng cung thăng trầm đó đã chạm tới cõi lòng
bạn bè công chúng. Anh chọn một góc chiều lãng đãng để chiêm nghiệm tình yêu
thiên nhiên. Anh nghiêng một góc chiều phiêu diêu để soi rọi nhân cách mạch sống
đời người… Tone Mi thứ (Em) chủ đạo, mềm mại xuyên suốt, âm giai nhạc cảm trôi
xuôi luyến ái, quãng 3 chờm lên quãng 2 quãng 7 chùng xuống hình thành một bức
tranh Đà Lạt. Đà Lạt kiêu sa diễm lệ, Đà Lạt thực thực mơ mơ như con sông đồng
giao vào mộng trầm ngâm, như khe suối bên ghềnh dạt qua nhau dập dồi miền lạnh.“Đà
Lạt quê hương tôi vi vút ngàn thông. Đi bên em những chiều se lạnh. Hồ Xuân
Hương êm đềm sóng vỗ. Đây phố núi con đường nhỏ… Lượn quanh”.
Em...! Không hẳn là người tình lại càng không phải bóng hồng cụ
thể. Em là sương, là khói, là tiếng gieo neo giữa hoàng hôn mái phố, là đá núi mây
ngàn bủa tràn mùa đông hồng hoang nhịp lửa. “Đà Lạt quê hương tôi” của anh
không mang hàm ý triết lý cao vời hay thông điệp gì lớn lao. Hòa âm cho giai điệu
đơn sơ, biểu hiện công năng tiến hành theo lối cổ tuần tự. Bậc I(T), bậc IV(S), bậc V(D). Đơn giản, không cầu kỳ, lắm con chữ, anh chỉ muốn khơi gợi tấm
lòng chung. Muôn nơi nhiều phía choàng nhau đến Đà Lạt phải biết yêu thương như
chính quê mình. Không rẽ chia vùng miền tiếng nói. Không phân biệt giáo phái
màu da. Biết trân trọng quý mến, dang tay ôm lấy Đà Lạt đắm đuối, dựng xây
thành phố ước mơ, khang trang hội nhập… “Ơi phố núi mà ta yêu ta quý. Dù đi xa
vẫn nhớ quay về…”. Quả thật như vậy, nhiều hôm lạnh vắng, tôi thường ngâm sầu
ven phố, rồi cúi mặt xuống xin đất, dậm dạt đôi bờ, vội ngước mắt lên cầu trời
bỗng thấy trong đó, có điều gì vô vi lạ kỳ, huyền mật khó tả. Đà Lạt hiển linh
là vậy, phố núi thiêng liêng thế đó. Tôi rung cảm - đồng điệu cùng tác giả, bởi
tôi cũng là người từ miền xuôi lên xứ sở ngàn hoa thời gian chưa lâu, sống làm
việc ở đây đâu phải quá dài, nhưng khi ở thì cảm thấy nao nao buồn. Xa đôi bữa
lại mong ngóng da diết. Khoản nợ này ngay cá nhân tôi, tôi tự hỏi đến khi nào?
Đến bao giờ? Bao nhiêu năm nữa mới trả hết...
Bạn bè đồng môn thường bảo đức tính anh hiền, khiêm nhường. Học
trò thì luôn luôn kính trọng, lúc bên nhau cụng ly nhấp chén, anh ôm guitar gỗ
hát mộc rất duyên. Anh nhiệt tình chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tận tụy
công việc, tin thế hệ tương lai, nâng tri thức thời đại. Từ những đóng góp qua
nhiều thời kỳ như thế, năm 2012 anh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu
Nhà giáo Ưu tú.
Nửa chiều lim dim, triền hồng dốc trắng lăn chầm chậm, tôi
thinh lặng ngẫm câu hát cuối trong ca khúc “Đà Lạt quê hương tôi” của NGƯT Nguyễn
Xuân Ngọc: “Đà Lạt thân thương như tình mẹ. Chan chứa nỗi niềm đất nước lời
ru”. Chợt rùng mình thấy da thịt rờn rợn, bởi hình ảnh mẹ già làng quê bến đá,
đồng dao tầm xuân dội về, ủ bốn bề tâm thức. Tôi quặn lòng bật thốt. Ngùi ngùi
trông, bờ xa xa ngái xa. Bóng mẹ già chiều xa. Diệu vợi mong, dòng xanh xanh thẳm
xanh. Mát ngọt lành miền xanh…
Đà Lạt, 19/11/2014
Ðình Nghĩ
Theo http://baolamdong.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét