Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Thơ và vai trò của vần điệu

Thơ và vai trò của vần điệu
Không thể phủ định được thực tế là phần lớn người dân Việt Nam khi đến với một bài thơ đều đòi hỏi bài thơ phải có điệu, có vần.
Tôi cứ nghĩ, vần điệu chính là phương tiện truyền tải tư tưởng, cảm xúc... của tác giả đến với người đọc. Nó như chiếc xe, càng êm bao nhiêu càng giúp người ta tập trung vào cái đích ở phía trước, quên mình đang sử dụng phương tiện bấy nhiêu.
Nhược bằng, một bài thơ mà vần điệu trục trặc, chẳng khác chiếc xe bị gãy trục, long ốc, rất có thể gây "tai nạn" cho ý tưởng (bị văng ra, hoặc đập xuống), chưa kể là làm giảm cường độ cảm xúc.
Vần điệu chính là những con ốc bắt các bộ phận của chiếc xe vào với nhau. Bài thơ không vần thường rời rạc, khó bấu víu được vào trí nhớ người đọc. Ấy là xét về mặt cấu trúc thì vần điệu có một vai trò như vậy.
Nói cách khác thì vần điệu chính là đặc điểm để phân biệt thơ với các loại hình nghệ thuật khác (trước nhất là như thế, còn có vần điệu mà vẫn không hay lại là chuyện khác).
Thực tế, nếu thơ chỉ đơn thuần cần có "chất" không thôi thì chất thơ vốn tan hòa trong cỏ cây hoa lá, trong triết học, hội họa... Chúng ta từng được thưởng thức những truyện ngắn thấm đẫm chất thơ của O.Henry, của Tsêkhốp, của M.Gorky, của I.Bunhin hay của K.Pauxtốpxki... Có thể lúc cao hứng tột đỉnh ta sẽ gọi đó là những "bài thơ văn xuôi".
Dẫu vậy thì truyện ngắn vẫn là truyện ngắn, "hình hài" của thơ nó khác. Người đọc hoàn toàn có lý khi đòi hỏi một bài tên gọi là thơ phải mang trên mình đặc trưng của thể loại. Thơ thực sự là thơ với ý nghĩa trọn vẹn nhất - thơ phải có vần điệu. Tất nhiên tôi nói vần điệu ở đây là có hàm ý rộng (vần và điệu).
Chính A.Puskin, trong một lần nói về sự trỗi dậy của cảm hứng, đã viết: Trong dũng khí. Vần điệu thênh thang nghênh đón chào mời. Vần điệu đã trở thành một trong những yếu tố đưa dẫn, mở đường cho cảm xúc.
Thật ra, nhiều khi chúng ta phân định rạch ròi quá giữa ý tưởng và vần điệu, chứ kỳ thực thơ là sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng và vần điệu, thậm chí: vần điệu chính là môi trường nuôi dưỡng ý tưởng, như là nước cho cá bơi. Sự thực là đã có nhiều bài thơ vì nguồn thơ cạn kiệt nên ý tưởng cũng đành "phơi xác" trên bờ. Muốn sống được cả dưới nước lẫn trên cạn lại phải là loài có "giáp trụ", như cua cáy chẳng hạn...
Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là nhất thiết lúc nào cũng đòi hỏi vần điệu thơ phải lai láng. Bài thơ ít vần điệu có thể đọc thấy khô khan, nhưng nếu trong bài tác giả "găm" được những ý cứng đanh như những mũi khoan (mũi khoan của trí tuệ) và những ý tưởng đó "khoan" trúng được những giếng mạch tình cảm của người đọc, thì kết quả có thể ngược lại. Dẫu vậy "thành quả" đó xem ra của triết học thì đúng hơn.
Về mặt nào đó cũng có thể xem vần điệu như là y phục của cơ thể. Điệu múa Âu châu váy cộc, điệu múa dân tộc váy dài. Y phục thay đổi theo từng thời kỳ, vừa là phù hợp với thị hiếu và thể tạng con người, vừa là để thích nghi với từng công việc. Chẳng hạn, người gầy thì nên mặc thế nào, người béo phải mặc ra sao. Bộ nào cần mặc lúc làm lụng chân tay và bộ nào vừa hay vận khi đi ngủ. 
Tuy nhiên, hiện nay, đọc bất cứ đâu trên báo chí ta cũng dễ dàng nhận ra những bài thơ không điệu, không vần. Cũng như khởi điểm của phong trào Thơ Mới (1932-1945), "triệu chứng" này cho thấy sự bí bức trong hồn người mà mọi sự tha thướt, lượt thượt của vần điệu đều gây vướng víu khó chịu, mọi sự chặt chẽ, vuông vức của khuôn khổ đều gây chật chội, cách bức.
Chúng ta cảm thông với tình trạng ấy mặc dù rồi sẽ có lúc phải lên tiếng với sự "vô lối", cẩu thả trong việc sử dụng vần điệu của nhiều tác giả, chỉ xin được xem như đấy mới là "một bước", một bước phá dỡ những lề lối cũ (tất nhiên cũng có những người chẳng phải phá dỡ gì, vì vốn dĩ họ đã trống trơn như thế rồi).
Xin chớ như một số người hoặc vì quá yêu hoặc vì quá ghét mà gán ghép cho nó cái nhãn "hiện đại" (hiện đại hay không là ở nội dung tư tưởng). Chứ nếu gọi vậy thì có khác gì một thời nai nịt kín bưng, nay ta thấy người "rộng rãi" hở hang, thậm chí "thoát y vũ" kia mà bất giác thốt lên "Chà chà, chịu chơi quá nhỉ, hiện đại thật!".
Xin thưa, "hiện đại" mà là thế ấy thì tổ tiên loài người từ cái thời ăn lông ở lỗ còn "hiện đại" hơn nhiều.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng có bài tứ tuyệt nói về quy trình làm thơ của mình. Nội dung như sau:
Uốn cả hồn anh thành tứ tuyệt
Kẹt trong hẻm đá, voi quỳ chân
Đã đưa ngà được lên trăng sáng
Vòi chửa buông xong để uống vần
Liên tưởng con voi đang phủ phục trong một hẻm đá như một bài thơ tứ tuyệt, nhà thơ đã vẽ ra "thế bí" trong quá trình sáng tạo: ý tưởng đã rõ ràng nhưng vần điệu thì chưa chỉnh. Bởi vậy mà bài thơ (biểu tượng con voi) chưa thể đứng lên được.
Tất nhiên, dẫn ra đây bài thơ này, chủ ý của tôi không gì ngoài một điều: Việc tìm tòi để có được những ý tưởng hay thực ra mới chỉ là nửa công đoạn trong quá trình hoàn thiện bài thơ.
Và để kết thúc bài viết của mình tôi cũng xin cung cấp một tư liệu: Trong di cảo thơ Chế Lan Viên có hàng trăm bài còn ở dạng phác thảo. Mặc dù trong đó có nhiều ý tưởng rất độc đáo, song sở dĩ lúc sinh thời nhà thơ không đưa xuất bản là vì ông chưa kịp sửa sang cho những dòng ấy, ý ấy có vần, có điệu. Đúng hơn là ông chưa tìm được một khuôn khổ thích ứng liên kết những dòng thơ.
Trông vào bối cảnh văn học hiện nay, hẳn người đọc cũng rất mong có những nhà thơ tài năng đem đến cho thi đàn những cấu trúc vần điệu mới đặng thu hút được các cây bút và nâng lên thành sự phát triển của một phong trào...
28/12/2008
Theo http://cand.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...