Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Khuynh hướng Thiền - Lão trong quan niệm văn học Việt nam giai đoạn hậu kỳ trung đại

Khuynh hướng Thiền - Lão trong quan niệm 
văn học Việt nam giai đoạn hậu kỳ trung đại 
Thiền - Lão là một trong những khuynh hướng chủ đạo, xuyên suốt trong quan niệm văn học cổ Trung Quốc và Việt Nam. Văn học trung đại Việt Nam nói chung và quan niệm văn học nói riêng, đến giai đoạn Hậu kỳ trung đại, khuynh hướng Thiền - Lão biểu hiện khá rõ qua một số tác phẩm có tính lý luận và các phạm trù mỹ học như Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm.
Thiền - Lão ( ) là một khái niệm mà nội hàm bao gồm cả tư tưởng Thiền tông và Lão Trang xét trên bình diện những điểm tương đồng vi diệu về mặt bản thể luận, nhận thức luận. Từ sự tương đồng đó, tư tưởng Thiền - Lão đã hình thành những phạm trù mỹ học độc đáo như: Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm,… Các phạm trù này hình thành, phát triển và tạo thành khuynh hướng lý luận quan trọng trong văn học cổ Trung Quốc. Ở Việt Nam, những phạm trù này biểu hiện khá rõ và xuyên suốt trong quan niệm văn học trung đại. Trong giới hạn, bài viết chỉ tìm hiểu khuynh hướng Thiền - Lão trong quan niệm văn học Việt Nam thời Hậu kỳ trung đại.
Lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc có tầm vóc đồ sộ, có lịch sử trên 2000 năm, với khởi nguyên là tư tưởng “trăm nhà đua tiếng” thời Tiên Tần. Trong thời kỳ này, Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tư tưởng mỹ học có ý nghĩa đặt nền móng cho nền văn học, tiêu biểu là Nho giáo với Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử; Đạo giáo với Lão Tử, Trang Tử; mỹ học Mặc gia gắn với Mặc Tử; mỹ học Pháp gia với Hàn Phi Tử,… Tư tưởng Lão Trang sau này (khoảng từ sau năm 520), kết hợp với Thiền tông đã hình thành tư tưởng mỹ học Thiền - Lão. Có thể nói rằng, cùng với Nho giáo, tư tưởng Thiền - Lão là hai tư tưởng mỹ học chủ đạo, xuyên suốt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến văn học các nước thuộc khu vực văn hóa Đông Á…
Phân kỳ văn học trung đại Việt Nam là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu bàn luận khá kỹ và có nhiều cách phân kỳ khác nhau tùy vào đối tượng, phương pháp của người nghiên cứu. Với đối tượng là tư tưởng hay ý thức văn học, việc chia văn học trung đại thành ba giai đoạn gồm Sơ kỳ trung đại, Trung kỳ trung đại và Hậu kỳ trung đại là hợp lý hơn cả. Bởi lẽ cách chia như vậy sẽ thấy được quá trình hình thành, phát triển và đặc trưng riêng từng giai đoạn. Lê Giang cho rằng giai đoạn Sơ kỳ trung đại là giai đoạn ý thức văn học bắt đầu hình thành; sang giai đoạn Trung kỳ trung đại, ý thức văn học khẳng định vị trí vững chắc, phát triển đến mức độ điển hình và đến Hậu kỳ trung đại thì những quan niệm văn học chính thống bắt đầu suy yếu, một số quan niệm văn học mới ra đời [2, tr.20].
Trong ba giai đoạn, quan niệm văn học trung đại Việt Nam hình thành bốn khuynh hướng cơ bản, gồm: khuynh hướng đề cao đạo đức, lễ giáo phong kiến; khuynh hướng đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh; khuynh hướng đề cao chủ nghĩa yêu nước và khuynh hướng đề cao con người cá nhân và nghệ thuật tài tử. Trong thực tế, có thể còn những khuynh hướng khác ngoài bốn khuynh hướng đã nêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định, bốn khuynh hướng đã nêu là cơ bản, chi phối toàn bộ nền văn học trung đại Việt Nam. Tùy từng giai đoạn, với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bốn khuynh hướng này thể hiện ở mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng nhìn chung, trừ khuynh hướng đề cao con người cá nhân và nghệ thuật tài tử, ba khuynh hướng còn lại là tương đối xuyên suốt trong gần 10 thế kỷ. Trong đó, khuynh hướng đề cao đạo đức giữ vị thế chủ đạo, chi phối; khuynh hướng đề cao chủ nghĩa yêu nước được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo nên giá trị, bản sắc cho nền văn học trung đại Việt Nam.
Khuynh hướng đề cao Tự nhiên, Hư tĩnh (Thiền - Lão) tuy không náo nhiệt, nhưng là dòng chảy âm thầm, xuyên suốt, tạo nên chiều sâu, sự uyên áo và trường tồn của nền văn học trung đại Việt Nam. Nói xuyên suốt, bởi lẽ, trong ba giai đoạn của văn học trung đại Việt Nam, tư tưởng Thiền - Lão đều có trong quan niệm văn học của ông cha ta. Giai đoạn Sơ kỳ trung đại, thể hiện rõ nhất là ở các thiền sư thời Lý - Trần với sự đề cao giai hứng, giai thú, đề cao cảm hứng tự do, thoát tục. Ở Trung kỳ trung đại, bên cạnh các cảm hứng về lịch sử, đất nước, nhân dân; về thân thế; về đạo đức; về cảm hứng khi tặng biệt xướng hoạ; thì cảm hứng về thiên nhiên và cuộc sống nhàn dật giữa thiên nhiên được các nhà nho chú trọng và mang sắc thái Thiền - Lão. Còn đối với thời Hậu kỳ trung đại, khuynh hướng Thiền - Lão đã trở thành khuynh hướng độc lập như Lê Giang nhận định: “Tư tưởng Thiền, Lão có ảnh hưởng khá sâu đậm trong tư tưởng văn học giai đoạn này. Nhiều cách nói của Ngô Thì Sĩ, Nhữ Bá Sĩ, Tùng Thiện Vương,… thấy dấu ấn khá rõ tư tưởng nghệ thuật của Tô Đông Pha (về hội hoạ) của Nghiêm Vũ (Thương Lang thi thoại - lấy Thiền luận thơ). Tư tưởng Thiền, Lão không chỉ dừng lại ở chỗ một bộ phận cấu thành ý thức nghệ thuật của nhà nho như giai đoạn trước kia, mà có khi nó thoát ra trở thành khuynh hướng độc lập” [2, tr.65].
Khuynh hướng Thiền - Lão trong quan niệm văn học giai đoạn Hậu kỳ trung đại cơ bản biểu hiện qua hai phương diện, bao gồm: 
1) Một số công trình khảo cứu văn thơ mang tính lý luận của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Miên Thẩm; 
2) Các bài tựa, bạt của một số tác giả tiêu biểu như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí, Lê Hữu Trác, Vũ Duy Thanh, Nhữ Bá Sĩ,…
1. Khuynh hướng Thiền - Lão trong một số công trình mang tính lý luận
Lê Quý Đôn, với Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục, đã nhiều lần đề cập đến mỹ học Thiền - Lão. Riêng trong Văn nghệ (Vân đài loại ngữ), Lê Quý Đôn đã dẫn lời của những tác giả Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng Thiền - Lão như: Tư Không Đồ (điều 47), Tô Đông Pha (điều 8 và 21), Thích Hiệu Nhiên (điều 46) và Hứa Ngạn Chu (điều 48); từ đó cho thấy ông xem trọng những phạm trù mỹ học Thiền - Lão như: Tự nhiên, Hư tĩnh, Bình đạm, Tiêu dao, Vô ngôn, khi bàn về văn chương. Nếu như Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn mang tính lý luận thì Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú lại thiên về phê bình.
Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí, đã ưu ái dành riêng cho văn học với mục Văn tịch chí. Tại đây, ông đã phân “văn” thành bốn loại, gồm: Hiến chương, Kinh sử, Thi văn, Truyện ký. Loại Thi văn và Truyện ký được tác giả bàn luận sâu sắc và có tính lý luận cao. Bàn về văn thơ của gần 100 tác giả từ đời Trần đến đời Hậu Lê, Phan Huy Chú đã có những nhận xét hết sức tinh tế về các tác giả, các tập thơ, văn. Trong những lời nhận xét của ông, nhiều lần đề cập đến các phạm trù mỹ học Thiền - Lão như Tự nhiên, Giản phác, U nhàn, Thanh đạm, Tiêu dao,… Đặc biệt, trong khi nhận xét, bình luận về các tác giả qua các bài thơ, tập thơ, Phan Huy Chú đã sử dụng cách phê bình ý tượng. Đây là một trong ba phương pháp phê bình chủ đạo trong lý luận, phê bình văn học cổ Trung Quốc, gồm: Phương pháp phê bình “dĩ ý nghịch chí” là phương pháp phê bình mà người phê bình xuất phát từ tình ý trong lòng mình truy ngược đến ý đồ sáng tác của tác giả. Đây là phương pháp phê bình chủ yếu theo tư tưởng Nho giáo. Phương pháp phê bình “suy tố nguyên lưu” là phương pháp phê bình mà người phê bình sẽ xuất phát từ một tác phẩm văn học cụ thể, sau đó tìm cách truy về cội rễ, tức là quá trình hình thành và phát triển của tác phẩm. “Ý tượng phê bình” là phương pháp phê bình chịu ảnh hưởng của Thiền - Lão. Phương pháp phê bình này chủ yếu “nắm bắt được cái thần tình ngoài câu chữ trong khoảnh khắc siêu thoát, diệu ngộ, thả hồn cùng tác phẩm, sau đó đem cái thần tình ấy gợi ý cho người đọc” [5, tr.85]. Khảo sát những lời bình của Phan Huy Chú, cho thấy ông chủ yếu chỉ nói lên cái thần tình của bài thơ với những câu từ hết sức ngắn gọn, theo phương pháp phê bình ý tượng. Chẳng hạn, khi nhận xét về Trần Thái Tông ngự tập, Phan Huy Chú cho rằng: “Lời thanh nhã, đáng đọc”, bình về Trần Thánh Tông thi tập, ông viết: “Bài nào cũng phóng khoáng thanh nhã”, nhận xét về Hiệp Thạch tập của Phạm Sư Mạnh, ông nói: “Tình thơ cao siêu hào phóng”,…
Cũng là phê bình về thơ, nhưng thi thoại lại phê bình thơ mang tính chất tùy bút, nhàn đàm về thơ. Trong lý luận, phê bình văn học trung đại Việt Nam, hiện nay chỉ còn đầy đủ một công trình thi thoại, đó là Thương Sơn thi thoại của Miên Thẩm. Với 61 điều, ngoài những nội dung có giá trị về sử học, văn học sử, Miên Thẩm đã đề cập đến những nội dung mang tính lý luận về thơ như mối quan hệ thơ và nhạc, về tính kế thừa trong thơ,… Đáng chú ý là Thương Sơn thi thoại có hơi hướng của Thiền - Lão, thể hiện ở việc Miên Thẩm trích dẫn các tác giả có khuynh hướng Thiền - Lão như Tô Đông Pha, Vương Duy, Lý Bạch, Nghiêm Vũ,… và ông cũng bàn khá kỹ và tán thành quan niệm “nhập thần” của Nghiêm Vũ - một quan niệm mang màu sắc Thiền - Lão.
2. Khuynh hướng Thiền - Lão trong các bài bạt, tựa, bình
So với hai giai đoạn trước, bên cạnh xuất hiện các trước tác có tính lý luận, giai đoạn Hậu kỳ trung đại còn có rất nhiều bài tựa, bạt, bình,… về các bài thơ, tập thơ. Những bài tựa, bạt, bình này đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện diện mạo nền lý luận trung đại. Trong các bài tựa, bạt, bình, các tác giả giai đoạn Hậu kỳ trung đại thể hiện khá rõ quan niệm văn học với các khuynh hướng như khuynh hướng Nho giáo, khuynh hướng yêu nước, khuynh hướng thân dân, khuynh hướng tài tử,… và đặc biệt là khuynh hướng Thiền - Lão. Khuynh hướng này biểu hiện qua các phạm trù Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm.
2.1. Phạm trù Tự nhiên
Từ quan niệm về Tự nhiên của Lão Trang và Thiền tông, ở góc độ mỹ học, tư tưởng Thiền - Lão là tư tưởng sùng thượng Tự nhiên. Đó là vẻ đẹp của Tự nhiên, tức Đạo, đó là vẻ đẹp của hành động “vô vi”, của quy luật Tự nhiên. Trong quan niệm văn học Việt Nam giai đoạn Hậu kỳ trung đại, tư tưởng sùng thượng Tự nhiên thể hiện ở các nội dung chính: Văn chương - Tự nhiên - Đạo, Văn chương - Tự nhiên không gọt giũa.
Khi phát biểu trực tiếp về Văn chương - Tự nhiên - Đạo, các tác giả Hậu kỳ trung đại Việt Nam thường nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa văn chương với Đạo, với Tự nhiên và quy luật Tự nhiên. Xem văn chương là một trong vạn vật vi diệu của Tự nhiên và ẩn chứa trong bản thân nó cũng là một vũ trụ: “Tự nhiên và con người cùng chung một” [4, tr.38,58]. Văn chương là trái tim của trời đất, là “đức” để nuôi dưỡng vạn vật. Vì vậy, văn chương thể hiện trọn vẹn tính tình, bản chất tất cả mọi sự vật như chim muông, cỏ cây, xuân, hạ, thu, đông,… Chỗ vi diệu của văn chương là thuận theo Tự nhiên, theo Đạo, làm cho con người trở về với chân tánh của mình. Tự nhiên là bản thể và là mục đích của văn chương. Văn chương đạt đến Tự nhiên tức là đạt đến cảnh giới tối thượng. Những phát biểu của các tác giả tiêu biểu sau đây thể hiện rõ điều này.
Nguyễn Dưỡng Hạo cho rằng âm thanh của trời là thứ âm thanh đầu tiên trong trẻo, nguyên sơ không hỗn tạp. Âm thanh của con người trái ngược với âm thanh của trời, vì sự hỗn tạp, lẫn lộn tà chính. Thi nhân muốn theo được cái Đạo của vạn vật thì phải thuận theo đặc tính mộc mạc của Tự nhiên và thể hiện sự Bình đạm trong văn chương. Từ đó, ông cho rằng văn chương đạt đến Tự nhiên đó chính là tiếng sáo Trời (Thiên lại), tức là đạt đến Đạo:“Nói chung hiểu trời bằng sự giản dị, hiểu đất bằng sự đơn sơ, thênh thênh rất công bằng, có sự huyền diệu ứng hợp để tạo thành sự vật, suy nó nơi việc làm, đặt nó nơi ngôn từ, từ cái này suy tới cái khác, gặp vật phẩm đề, phong vận tự nhiên không do đẽo gọt, há không phải là đã nắm được nguyên thanh đó sao?” [4, tr.58].
Ngô Thì Nhậm là nhà nho, cuối đời theo Phật, Lão và còn được tôn xưng là “Trúc Lâm đệ tứ Tổ”, vì vậy quan niệm của ông về văn chương cũng mang đặc trưng Thiền - Lão. Trong bài Viết cho ông em thứ hai nói chuyện về văn, ông đã trích dẫn thơ của Trần Tử, khẳng định những câu thơ của Trần Tử gần với thuyết Lão Trang và cho rằng những người như Trần Tử có thể kết bạn. Từ đó, Ngô Thì Nhậm luận về tài, trí và nhận định: “Nếu biết tìm đến bản chất tinh túy thì những cái phù hoa không cần bỏ mà nó tự bỏ; những cái sai ngoa không cần cắt mà nó tự cắt, có thể trở về với thực tế thuần chất và giữ được nguyên vẹn bản chất của ta” [7, tr.71]. Quan niệm văn chương của Ngô Thì Nhậm mang màu sắc vô vi, Tự nhiên của Thiền - Lão.
Bùi Dương Lịch cho thơ có nguồn gốc từ Đạo, mà Đạo là mẹ của vạn vật, đặc tính của Đạo là thuần phác, hồn toàn, xuất phát từ cái tâm trong sáng. Thơ là biểu hiện của cái tình, tình tới thì biểu hiện thành thơ. Mà thơ xuất phát từ Tự nhiên nên có cái ý nghĩa bao quát, sâu sắc. Cho nên: “Tình tới thì bút tới, nên cái hứng phiêu bồng chơi vơi bên trăng sao và cắp ngang vũ trụ, thấp thoáng nơi ngoài tình, không thể một bài một câu có thể thu lượm được, cái mà Trang Chu gọi “nếu có cái chân tế mà không nắm được manh nha của nó, e rằng đó chẳng phải là sự hồn toàn của cái thần chăng?” [4, tr.33].
Bùi Huy Bích khuyên người làm thơ nên theo Đạo, chứ không nên đua lạ tranh khéo khi làm thơ. Ông cho rằng chính vì thơ biểu hiện Đạo, Tự nhiên nên khi làm thơ không cần kỳ lạ, hoa mỹ: “Tác giả nên đi tìm vần thơ của cái Đạo cùng tột, chứ đua tranh kỳ lạ ở tứ hoa mà làm gì?” [4, tr.66].
Ngô Thì Chí và Vũ Duy Thanh thì quan niệm quan hệ văn chương, Tự nhiên, Đạo ở khía cạnh chân tánh. Trong bài Nối tiếp bài phú Thiên Thai, Ngô Thì Chí cho rằng văn chương chính là món quà của tạo hóa, vì vậy ta cần biết trân trọng và giữ gìn nguồn gốc Tự nhiên ấy bằng cách giữ gìn cái chân tính của mình. Ông quan niệm tu thân, rèn văn phải lấy Tự nhiên làm trọng, phải lấy chân thực, bỏ hư tạp, có như vậy bản thân mới giữ được chân tính, thơ văn mới đạt Tự nhiên… Vũ Duy Thanh, trong mộng được gặp Đào Tiềm, nhận được lời khuyên của Đào Tiềm nên sống hồn nhiên và tìm về chân tánh thì có thể hiểu được văn chương. Những lời Vũ Duy Thanh nghe được trong mộng cho thấy Tự nhiên thật đáng quý, thật vi diệu. Tự nhiên thể hiện ở sự thanh thản, hồn nhiên, chân tánh: “… Lòng dục của con người không bờ bến, nhưng đúng với hòa điệu của tự nhiên thì ít lắm, ông thanh thản mà sống, thì vật nào có thể làm phiền được; thế gian đa sự, cảnh thực mịt mờ, ông hãy hồn nhiên mà sống, thì mình sao chẳng là tiên? Ông hãy tìm nó nơi thâm tâm của ông vậy, đâu phải câu chấp nơi bài phú và bài kí của tôi…” [8, tr.273].
Nguyễn Đức Đạt cho rằng văn chương quý ở chỗ Tự nhiên, không gì đẹp rực rỡ và sâu sắc như vạn vật trong trời đất, mà những thứ do con người cố gắng tạo ra chẳng thể nào sánh kịp: “Có người hỏi: “Văn qúy ở chỗ nào?” Ông trả lời “Quý ở tự nhiên. Hoa mùa xuân chẳng gấm lụa nào sánh kịp, chín vực sâu không sự đào khoét nào có thể so bì” [8, tr.277]. Cao Xuân Dục, trong Bài tựa tập Liên đàn kê thi thoại, đã quan niệm văn chương không chỉ là cửa ngõ của muôn vật, trái tim của trời đất, mà văn chương còn chính là Đạo, Đạo ở đây được hiểu theo nghĩa của Thiền - Lão. Đạo tức là Tự nhiên là chân tánh: “Thơ là tổ của quân đức, là tông của trăm phúc, chẳng những là cửa ngõ của muôn vật, trái tim của trời đất, mà còn là cái Một của Đạo” [8, tr.292].
Bên cạnh những phát biểu về quan niệm: Văn chương - Tự nhiên - Đạo, một số tác giả còn đề cập đến Tự nhiên ở góc độ: Văn chương - Tự nhiên không gọt giũa. Phan Huy Chú đã dùng những hình ảnh rất sinh động, tươi đẹp và rực rỡ của tự nhiên như tiếng “chim ríu rít”, “hoa mùa xuân tươi nở đúng kỳ” để nói lên phong cách Tự nhiên của Lê Quý Đôn. Từ đó khen ngợi phong cách thanh tao, không đẽo gọt cầu kỳ: “Tôi từng thử bàn về điều này: Việc trước thuật của Lê Công như sông dài bể rộng, đầy tràn, tít tắp, không nơi nào không đến thế mà sự kỳ diệu của những lời ngâm vịnh của ông lại cũng như chim [ríu rít] mùa xuân, hoa [tươi nở] đúng kỳ; âm điệu hay, phong cách thanh tao đâu phải là cái nhờ đẽo gọt cầu kỳ mà có thể có được…” [8, tr.290].
Khi đọc về tập thơ của Nhữ Sơn Ngô Tử (Ngô Nhân Tĩnh), Nguyễn Địch Cát cho rằng thơ của Nhữ Sơn Ngô Tử có phong cách Tự nhiên, là tiếng nói của “Thiên lại”, bởi không có dấu vết của sự cầu kỳ, đẽo gọt: “Nhân cách của Nhữ Sơn Ngô Tử là ưa tự nhiên thích rãnh việc. Tập thơ này có tới một trăm vài chục bài. Tôi thường ngạc nhiên về việc đó, nhưng đọc hết tập tôi thấy sáo trời vang lên, ý tới thì bút tới, mà cũng không thấy cái dấu vết đẽo gọt chạm trổ…” [8, tr.226]. Ngô Thì Nhậm quan niệm việc làm văn chương cũng là việc nói theo quy luật biến đổi của vạn vật, cái hay của tác phẩm văn chương là ở sự mộc mạc, chất phác. Không gắng sức, gọt giũa nhưng thực chất là: “Tuy đẽo gọt nhưng không thấy dấu. Người làm văn quý ở mực thước, thanh nhã, hồn nhiên; biết nắm lấy cái thực làm cốt tử, rồi dùng đẹp đẽ trang sức thêm. Làm thơ cũng phải như thế” [8, tr.142]. Trong Thơ gửi Quảng Đông du tử Liêu Luận Anh, Nguyễn Văn Siêu lại ví việc làm thơ cũng như trồng cây. Nếu thuận theo Tự nhiên thì cây phát triển, vươn cao, mạnh mẽ; còn đi ngược lẽ Tự nhiên thì cây héo khô tàn tạ,… Tương tự, việc sáng tác thơ cũng cần tránh việc khoa trương, lời hoa mỹ mà thiếu chân thực: “Bởi vì cái tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ, cái vun đắp ở bên trong, thì bên ngoài tốt tươi”. Và “lời càng khéo thì càng mất điều chân thực (chân), ý càng kỳ thì càng rơi xuống hư hao” [7, tr.129].
Nguyễn Thông cho rằng cảm xúc thơ ca đã giàu chất thơ và là một động lực Tự nhiên trong sáng tác. Cho nên, việc làm thơ là xuất phát từ lòng người, không cần phải gò ép, như vậy sẽ mất đi tính chân thực: “Người xưa có sáng tác ắt là có điều họ không thể không viết ra, vì thế cho nên không cần khoa sức mà diễm lệ, không cần gọt giũa mà khéo léo, không cần lựa chọn chi lý mà thỏa đáng” [3, tr.42]. Bùi Văn Dị, trong bài tựa tập Tốn Am thi sao, đã dẫn lời của Tô Thức, từ đó thấy được ý nghĩa của việc làm văn chương. Nếu thuận theo Tự nhiên thì văn chương sẽ có tinh thần và khí vị; nếu cứ câu nệ vào khuôn phép, câu chữ thì văn chương sẽ kém và không hấp dẫn: “Ông Tô Đông Pha có nói ý rằng: Ý đến đâu, bút theo đến đấy, thế mới là thơ, nếu cứ dựa dẫm vào từng nhà, bắt chước những cái cũ, từng câu từng chữ tuy có công phu, song tinh thần và khí vị thì kém hẳn, chẳng khác chi người học viết chữ, cứ nệ vào khuôn phép, không biết biến đổi thay, thì tuy có hé được bộ mặt Lan Đình, người ta vẫn thấy chán” [8, tr.287].
Trong quan niệm văn học trung đại Việt Nam, sùng thượng Tự nhiên là một trong những khuynh hướng nổi bật. Khuynh hướng này khởi phát trong giai đoạn Sơ và Trung kỳ trung đại và phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là giai đoạn Hậu kỳ trung đại. Tự nhiên trong quan niệm của các tác giả giai đoạn Sơ và Trung kỳ trung đại biểu hiện chủ yếu qua sáng tác với những mệnh đề: Tự nhiên - bản thể; Tự nhiên - đạt Đạo; Tự nhiên - vô vi; Tự nhiên - an nhiên, tự tại; Tự nhiên - tùy duyên; Tự nhiên - con người hợp nhất. Giai đoạn Hậu kỳ trung đại, sùng thượng Tự nhiên được các tác giả tự ý thức, thể hiện qua những lời phát biểu trực tiếp trên các phương diện của Tự nhiên: Văn chương - Tự nhiên - Đạo, Văn chương - Tự nhiên không gọt giũa.
2.2. Phạm trù Hư tĩnh
Cũng như phạm trù Tự nhiên, Hư tĩnh là phạm trù bản thể của tư tưởng Thiền - Lão. Về mặt mỹ học, khuynh hướng văn học Thiền - Lão không chỉ sùng thượng Tự nhiên mà rất coi trọng Hư tĩnh.
Ngô Thế Lân, trong bài tựa Phong trúc đã trực tiếp đề cao vai trò của Hư tĩnh trong sáng tác văn chương thông qua mối quan hệ giữa trúc và gió. Lòng người cũng như trúc, phải có, cần có cái tâm hư không mới có thể diệu ứng và văn chương mới hay được: “Trúc vốn là hư không vậy. Đến như tiếng cao như hạc rít, tiếng trong như rồng ngâm, nhanh chóng như sóng dồn, thong thả như rước tượng. Đến như tính âm u có thể luyện được tục, tính thanh bạch có thể rửa được phiền, càng ra càng lạ, càng kêu mà càng chẳng hết, cũng là do chỗ vô tâm mà diệu ứng với gió vậy” [7, tr.49].
Không gian tĩnh tại, con người thì vô sự, mọi phiền não thế gian đã được rũ bỏ. Ninh Tốn quan niệm thơ hay thì không nên dung tục, không nên ồn ào: “Thơ có ba điều nên và ba điều không nên: nên có ý tứ hay, nên có ngày giờ tốt, nên có cảnh nhàn hạ; không nên dung tục, không nên có việc quan lại, không nên ồn ào. Có đủ ba điều nên thì thơ thịnh vượng; có đủ ba điều không nên thì thơ suy vong. Ba điều nên, cần được một; ba điều không nên, cần bỏ một. Chỉ người nào tâm hồn phóng khoáng, ít vướng mắc thì làm thơ mới hay” [9, tr.53].  Ninh Tốn quan niệm muốn có thơ hay, điều kiện cần và đủ chính là hư không, tĩnh lặng. Điều này cũng được Ninh Tốn thể hiện trong bài tựa tập thơ Chuyết Sơn. Bài tựa này đậm chất Thiền - Lão, bởi Ninh Tốn bàn về sự thô vụng của vũ trụ và lòng người. Trong đó, ông đề cập đến “đồng tâm” chính là sự thô vụng và phải duy trì cái thô vụng ấy mới có được cái tâm khiêm hư. Đã có tâm khiêm hư thì có được tất cả, trong đó có văn chương.
Nguyễn Hành, một trong “An Nam ngũ tuyệt”, thơ văn ông có hơi hướng Lão Trang. Trong lời dẫn Minh Quyên phả, ông đã dẫn tích Trang Chu hóa bướm để so sánh với tiếng thơ Đỗ Quyên của mình. Trong tập thơ này, với bài thơ Ngâm thi sự, ông đã nói rõ quan niệm làm thơ của mình. Làm thơ thì phải vượt ra khỏi những vướng bận cuộc đời, phải tự nhiên, không câu nệ. Đặc biệt, ông cho rằng làm thơ phải như luyện đan, phải chuyên tâm, tĩnh tâm thì mới thành: “Tảo ngữ thi đan quyết, tu chi dĩ chí kim”… Nhữ Bá Sĩ, trong lời dẫn Đạm Trai thi khóa, cũng đề cao Hư tĩnh trong nhận thức vũ trụ và vạn vật, trong thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Hư tĩnh, đó chính là trạng thái gột tình, ngưng chỉ, phong tư trầm tĩnh. Ông viết: “Đến cái tột cùng như sắc tướng trong hư không, như ánh trăng dưới nước, bóng hoa trong gương, trừ khi con người gột tình ngưng chỉ, tầm mắt mênh mông, phong tư trầm tĩnh, đưa tinh thần ngoài tám cõi, thả tâm chí trên muôn tầm, mới có thể kịp” [8, tr.135].
Miên Trinh, một trong “Trường An tứ kiệt” rất chú trọng Hư tĩnh, vì thế ông đã đặt tên cho tập thơ của mình là Tĩnh Phố. Trong bài tựa tập thơ này, ông đã lý giải động và tĩnh trong thơ. Ông cho rằng, trong thơ có động nhưng không nên hạ thấp cái tĩnh. Bởi theo ông “động không phải đều hay, mà tĩnh không phải không có cái khéo của nó” [8, tr.268] và tĩnh tuy vụng nhưng an nhàn, tĩnh tại nên khiến con người ta ít mắc sai lầm. Miên Trinh sở đắc cái tĩnh của người xưa, bởi theo ông, cái thần tình của Đào Uyên Minh, cái xa vời của Mạnh Hạo Nhiên, cái thanh đạm của Vi Ứng Vật,… đều là cái tĩnh. Bên cạnh đó, Miên Trinh cũng đề cao cái tâm trong sáng và ông cho rằng, có cái tâm trong sáng, thuần nhất thì nhận chân được sự vật, hiện tượng. Trong thư gửi bạn bàn về văn chương, ông viết: “Vì trong sáng ở nơi ta thì chí khí như thần, tâm thuần nhất thì trong, gương thuần nhất thì sáng, thế thì sự tốt xấu của muôn vàn hiện tượng biết trốn vào đâu” [8, tr.169]. Phân tích bài Tĩnh Phố thi tập tự tự của Miên Trinh, Nguyễn Đình Phức đã cho rằng, Miên Trinh đề cao Hư tĩnh: “Nếu Miên Thẩm là sự tổng hòa của thần vận và cách điệu thì Miên Trinh hoàn toàn ngả sang thần vận, ấy là xu hướng đề cao cái “tĩnh” [6, tr.49].
Hư tĩnh là quan niệm văn học xuyên suốt trong văn học trung đại Việt Nam. Quan niệm Hư tĩnh của các tác giả giai đoạn Sơ và Trung kỳ trung đại, một mặt là sự biểu hiện của chính Hư tĩnh trong tâm hồn họ, mặt khác là sự đề cao vai trò của Hư tĩnh trong sáng tác và thưởng thức văn chương. Nếu như quan niệm Hư tĩnh của các tác giả giai đoạn Sơ và Trung kỳ trung đại biểu hiện chủ yếu dưới dạng hàm ngôn thì quan niệm Hư tĩnh của các tác giả giai đoạn Hậu kỳ trung đại được phát biểu một cách tường minh qua các bài bạt, tựa, bình,… Phát biểu của các tác giả giai đoạn này cho thấy họ rất đề cao Hư tĩnh, xem Hư tĩnh là phẩm chất của văn chương, là môi trường tối quan trọng trong sáng tác, thưởng thức văn chương. Với họ, Hư tĩnh chính là điều kiện để thấu triệt vạn vật, là thái độ của họ đối với cuộc đời nhiều ngang trái, thị phi.
2.3. Phạm trù Vô ngôn
Lão Trang và Thiền tông thống nhất quan niệm về ngôn ngữ. Cả hai đều coi trọng cái “ngoài” ngôn ngữ, cái “sau” ngôn ngữ. Chính vì thế Thiền - Lão coi trọng Vô ngôn. Vô ngôn hàm ẩn rất nhiều ý nghĩa tinh tế, uyên áo được rút ra từ quan niệm “Bất ngôn chi giáo” của Lão Tử, “Đắc ý vong ngôn” của Trang Tử và quan niệm “Bất lập văn tự” của Thiền tông.
Quan niệm Vô ngôn qua những lời phát biểu trực tiếp là khá phong phú và tương đối thống nhất. Tựu trung lại, quan niệm Vô ngôn được biểu hiện qua “Ý tại ngôn ngoại”, “Ngôn bất tận ý”, tính hàm súc, tính dư vị trong văn chương. Lê Hữu Kiều là nhà nho nhưng cũng rất tôn sùng Phật giáo. Quan niệm văn chương của ông mang dấu ấn Thiền - Lão. Ông quan niệm trong sáng tác cần miêu tả được cái thần, có như vậy thì thơ mới chân thật, mới giàu ý nghĩa. Còn nếu chỉ hời hợt bề ngoài thì chỉ là theo đuổi cái hư ảo, mà xem như chưa đạt đến điều thơ cần đạt tới. Chính vì thâu tóm được cái thần của sự vật, nên chỉ một câu thơ có thể thấy được muôn hình cảnh. Đó chính là quan niệm nghệ thuật nói ít nhưng lại gợi nhiều. Ông ca ngợi thơ cận thể nhà Đường như sau: “Mô tả đường nét bên ngoài mà nổi lên cái thần, nói một câu có thể tỏ được trăm ý, xem kỹ lưỡng có thể được muôn cảnh. Nghệ thuật thơ văn đến thế thật là thần diệu!” [8, tr.71]. Nguyễn Cư Trinh cũng rất đề cao Vô ngôn trong sáng tác. Ông cho rằng “lòng người là thứ khó lường”, vì vậy khi phát ra thành thơ “đến nỗi một chữ mà nghĩ ba năm mới được, giảng ngàn năm chưa xong”. Ông quan niệm văn chương phải giản dị, ý nghĩa hàm súc: “Tóm lại, người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị” [8, tr.63].
Ngô Thì Nhậm, trong bài tựa Hoàng Công thi tập, cũng chú trọng đến Vô ngôn. Thơ hay là phải “ngụ ý sâu xa ngoài cảnh vật” và “có cái thần rộng đến ngàn xưa”, ông nói: “Ông bạn già của ta là Hoàng Công, theo nếp thi thư nổi tiếng ở trong kinh, ngoài nước. Từ khi ta được vào chầu trong điện, cùng làm việc với ông, từng thấy những bài vịnh sử và ngâm vịnh của ông đều là những bài có cái thần rộng đến ngàn xưa, ngụ ý sâu xa ngoài cảnh vật, thật đã ngang hàng với họ Khuất họ, Tống sánh vai với họ Thẩm, họ Tạ” [8, tr. 146].
Lê Quý Đôn có nhiều ý kiến bàn về văn học mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có ý kiến về Vô ngôn. Lê Qúy Đôn tâm đắc khi dẫn lời Tô Đông Pha: “Ý dứt mà lời hết là lời nói hay trong thiên hạ. Nhưng lời dứt mà ý không hết thì lại càng hay hơn nữa” [8, tr.98] … Mọi vật đều ẩn chứa điều kỳ diệu và có tính tương đối “trong cái thối nát, xuất hiện cái thần kỳ”, và “trong cái thô thiển chứa đựng cái tinh vi”,… cho nên ngay cả văn chương cũng không đủ sức khám phá hết sự vật. Điều tuyệt diệu của văn chương đâu phải dùng lời mà biểu đạt được. Đó là quan niệm của Ngô Thì Vị: “Tôi đọc đi đọc lại thơ ông và tham cứu bài tựa của Nguyễn Hầu, giống như người vẽ nó thì lại càng nắm bắt hết được cái hình dung của nó. Kinh Dịch nói:“Thư không thể nói hết lời, lời không thể nói hết ý, tôi quên mình quê vụng, hết thảy trình bày lời lẽ của mình để viết lời bạt này” [4, tr.111].
Lê Hữu Trác cho rằng thơ điều quan trọng là ở ý, làm thơ phải chú trọng ở những khoảng lặng, khoảng trống, để gợi mở và làm cho người đọc phải suy nghĩ mới hiểu được thì thơ mới hay: “Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng thơ. Như thế mới là thơ có giá trị” [8, tr.101]… Nhữ Bá Sĩ khi bàn về thiên Thục khách giải trào của một người bạn vong niên, ông nói có ba điều đáng lấy và bảy điều đáng bàn. Điều đáng bàn thứ sáu, tương tự quan niệm của Nguyễn Cư Trinh là chú trọng hàm súc của ngôn từ:“Cái ý của văn quý ở chất mà càng quý ở hàm súc. Ông xem trọng ý nghĩa ngoài lời và xem đó mới là cái đích của thơ ca: “dù một lời mà bao quát trăm nghìn dặm cũng không ngại là thừa”, tất cả cũng chỉ cố “cho tinh thần ý thái của phong vật núi sông nơi muôn dặm, nhảy múa trên tờ giấy” [8, tr.219]… Đặng Huy Trứ khi viết lời tựa tập thơ của Trương Băng Nhiên, ông đã ca ngợi tài thơ của Trương Băng Nhiên với những lời lẽ hết sức bay bổng. Từ đó, chúng ta cũng thấy được quan niệm coi trọng ý hơn lời và ý tại ngôn ngoại của Đặng Huy Trứ: “Tôi mở ra đọc, thấy ý tứ trung hậu tràn trề ngoài lời lẽ… Ý thơ viên mãn mà rộng rãi, khí thơ hùng hồn mà thẳng ngay, lời thơ gọn mà đẹp, vị thơ đậm mà tươi…” [8, tr.279].
Nguyễn Mại cũng đề cao tính cô đọng, súc tích, lời gần mà ý xa trong sáng tác văn chương. Đồng thời, ông cũng cho rằng thi liệu sáng tác văn chương đó chính là hiện thực. Việc sáng tác thơ vốn xuất phát từ cảm hứng chân thực trước sự vật hiện tượng ngoài thực tế. Cho nên, ông cũng đề cao loại ca dao thế tục, vốn trước kia không được đề cao và ngay cả những vật chi ly nhất như cây cỏ, chim sâu cũng là văn chương cả. Tự nhiên chính là nguồn thi liệu dồi dào và ẩn chứa ý nghĩa vô hạn: “Phong đó chăng? Sử đó chăng? Kể ra loại ca dao của thế tục, xem qua chỉ là loại thơ kém không đủ để lên đàn đại nhã, mà nghiền ngẫm cho sâu thì gió, mây, sương, móc đều là văn chương, cây cỏ chim sâu lời gần mà ý xa, hầu như có cái thể tài phát huy phong, nhã” [8, tr.278]… Để kết thúc những lời phát biểu trực tiếp về Vô ngôn, quan niệm của Vũ Duy Thanh là sự khái quát tiêu biểu. Trong Bồng Châu thi văn tập, ông quan niệm: “Cái nguyên cớ của văn chương mặc ai muốn hiểu, chỉ nghe tới cái vô thanh sẽ ngộ được cái hữu thanh” [4, tr.62].
Quan niệm Vô ngôn đối với các tác giả giai đoạn Sơ và Trung kỳ trung đại tuy thể hiện gián tiếp qua tác phẩm, nhưng lại trực tiếp nói về quan niệm Vô ngôn trong triết lý Thiền tông và trong thơ. Vô ngôn là Thiền là phương thức giao tiếp, truyền tin “dĩ tâm truyền tâm” trong Thiền. Vô ngôn trong thơ cũng mang tính Thiền, đó còn là sự hữu hạn của ngôn ngữ, là những khoảng trống đầy gợi mở. Khi các tác giả Hậu kỳ trung đại phát biểu trực tiếp về quan niệm ngôn ngữ trong văn chương, Vô ngôn lại được gián tiếp thể hiện qua “Ý tại ngôn ngoại”, “Ngôn bất tận ý”, tính hàm súc và dư vị. Vô ngôn đã tạo cho thế giới ngôn ngữ văn chương trở nên bí ẩn, đầy màu sắc, nhiều tầng nghĩa, đạt đến thần diệu. Vô ngôn trong quan niệm văn học trung đại Việt Nam không đơn thuần là một yếu tố thẩm mỹ mà đã được nâng lên thành lý tưởng thẩm mỹ. Vô ngôn trở thành một nét truyền thống độc đáo, để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học trung đại Việt Nam.
2.4. Phạm trù Tiêu dao
Tiêu dao ban đầu là quan niệm của Lão Trang, sau đó là của Thiền tông. Tiêu dao vừa mang quan niệm vô vi của triết học Lão Trang, vừa bao hàm tư tưởng giải thoát của Phật giáo Thiền tông.
Qua tác phẩm hay qua những lời bàn trực tiếp, quan niệm Tiêu dao của các tác giả thời Hậu kỳ trung đại đều có sự tiếp nối từ quan niệm thời trước, tuy nhiên vẫn có những biểu hiện riêng gắn với cuộc đời hơn. Đó là quan niệm Tiêu dao gắn với “nhàn”, Tiêu dao là vượt qua những vướng bận về danh lợi. Ngô Thì Ức, trong bài Tiêu dao ngâm, đã biểu hiện quan niệm về Tiêu dao. Với ông, Tiêu dao là lãng du, không màng đến việc gì, không cầu cạnh ai và cao nhất của Tiêu dao chính là vô sự, vô tư, vô lự. “Tiêu dao tử” Ngô Thì Ức quan niệm: “Nhuệ Giang biên hữu tiêu dao tử, Tận nhật tiêu dao vô cá sự. An cư thực lực bất cầu ngoại,Vô sự vô tư diệc vô lự”… Với Lê Hữu Trác, Tiêu dao là thoát khỏi vinh nhục trong cuộc đời và tự do cùng mây núi: “không còn để ý gì đến mọi điều vinh nhục, việc đời nồng hay nhạt tôi đều gửi vào đám mây trên đỉnh núi cao” [8, tr.128].
Khi viết bài tựa cho tập thơ của mình, Ngô Thì Chí bày tỏ quan niệm về Tiêu dao: “Tính ta chỉ thích thư thái, thỏa mái khoan thai, phóng túng, khác hẳn với đời” [1, tr.150]… Nhữ Bá Sĩ trong lời dẫn Đạm Trai thi khóa, cho rằng làm thơ, ngoài Hư tĩnh, thì phải Tiêu dao đến vô cùng, tức là phải đưa tinh thần ra ngoài tám cõi, thả tâm chí trên muôn tầm: “Đến cái tột cùng như sắc tường trong hư không, như ánh trăng dưới nước, bóng hoa trong gương, trừ khi con người gột tình ngưng chí, tầm mắt mênh mông, phong tư trầm tĩnh, đưa tinh thần ngoài tám cõi, thả tâm chí trên muôn tầm, mới có thể với kịp” [8, tr.221].
Cũng là quan niệm Tiêu dao, nhưng Ngô Thì Hoàng, Cao Bá Quát, Miên Trinh thì bộc lộ ở thái độ bằng lòng, than trách vì không được Tiêu dao. Ngô Thì Hoàng bằng lòng với bạn mình khi sống và sáng tác trong Tiêu dao: “… Vẩy bút thành văn, cùng nhau tả cuộc tiêu dao nơi thôn ấp, xúc cảnh động lòng, phát ra thành thơ, thế cũng tàm tạm rồi…” [8, tr.132]. Khác với Ngô Thì Hoàng, Cao Bá Quát tự trách mình không được như họ Cầm, họ Hương (hai cao sĩ đời Hán, bất mãn thời cuộc, cùng nhau đi du sơn ngắm thủy, tự do tự tại) mà than rằng: “Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này! Than ôi! Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này! Bạc đầu với chiếc áo xanh. Ta già mất rồi” [8, tr.248]. Lời than của Cao Bá Quát thể hiện sự mong muốn được thoát tục, được Tiêu dao. Một ước mơ thật đáng trân trọng… Miên Trinh đã có cùng tâm trạng với Cao Bá Quát, khi ông ân hận vì đã không thoát khỏi những tục lụy tầm thường, không được làm bạn với những người bạn Tiêu dao, để được Tiêu dao: “Gần đây tôi thường ân hận than mình không dời khỏi nơi làm việc của bọn hoạn quan và cung nữ, dấu chân không ra khỏi cung đình phủ độ, nên không có quang cảnh núi to chằm lớn để khơi sâu cái khí thế mạnh mẽ của mình. Bạn giao du của tôi không có hạng người kỳ dị, để mở rộng tâm hồn phóng khoáng” [8, tr.267]. Ở đây, Miên Trinh muốn khẳng định, tâm hồn Tiêu dao, tự tại chỉ có ở hạng người mang tư tưởng Thiền  Lão, như dật sĩ, sư tăng, đạo sĩ.
Quan niệm Tiêu dao của các tác giả trung đại Việt Nam đều mang sắc thái Tiêu dao của Thiền  Lão. Giai đoạn Sơ và Trung kỳ trung đại quan niệm Tiêu dao là vượt ra khỏi những vướng bận của cuộc đời chật hẹp, tung cánh tự do trong vũ trụ bao la, sống huyền đồng với vạn vật, không nương nhờ bất kỳ thứ gì. Tiêu dao của họ đã đạt đến tuyệt đối với trạng thái vô tâm, vô niệm, vô ngã, vô sự. Giai đoạn Hậu kỳ trung đại, Tiêu dao là vượt qua những vướng bận về danh lợi, vinh nhục của cuộc đời, sống hòa đồng cùng vận vật.
2.5. Phạm trù Bình đạm
Bình đạm có nguồn gốc chủ yếu từ tư tưởng Lão Trang và Thiền tông. Từ phương diện nghệ thuật, Bình đạm có nghĩa là phẳng lặng, nhạt. Tuy nhiên, phẳng lặng và nhạt ở đây là một cảm thức thẩm mỹ với nội hàm rất uyên áo. Các phát biểu của các tác giả trung đại về Bình đạm có thể phân thành hai nhóm.
Một số tác giả thông qua nhận xét về văn chương thời xưa, về các tác giả mà mình ái mộ, để từ đó nêu lên quan niệm Bình đạm của mình. Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Đức Đạt là hai tác giả lấy thơ xưa để phát biểu quan niệm Bình đạm. Nhữ Bá Sĩ cho rằng để đánh giá tác phẩm hay phải theo điều người xưa nói, trong điều người xưa nói có yếu tố Bình đạm, gắn với Tự nhiên: “Riêng điều tâm muốn, chọn lấy điều chân, tự nhiên gợi bảo, được nó sao gần; Chọn lời cho thực, tìm ý cho sâu, tự nhiên bằng gặp, hay âm dài lâu” [8, tr.220]. Nguyễn Đức Đạt đã so sánh văn của người thời xưa và văn của thời nay, từ đó ông đã đánh giá thấp văn chương thời nay, ca ngợi văn chương thời xưa, trong đó đã đề cao Bình đạm: “Văn của người thời xưa có sáu điều, riêng thời nay thì khác. Cái giản của thời xưa là bao quát, cái giản thời nay là sơ sài. Cái phồn của người xưa là chu đáo, cái phồn thời nay là rườm rà. Cái nhỏ của thời xưa là khít khao, cái nhỏ của thời nay là vụn vặt. Cái xa của thời xưa là cao vút, cái xa của thời nay là quạnh vắng. Cái gần của thời xưa là bình đạm, cái gần của thời nay là nông cạn…” [8, tr.276].
Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Phạm Nguyễn Du, từ việc tán đồng và ca ngợi văn chương của các tác giả Trung Quốc, Việt Nam để nêu lên quan niệm Bình đạm của mình. Tán thành quan niệm của Tô Đông Pha, cho rằng: “Về văn chương phải khiến cho khí tượng cao vút, màu sắc rực rỡ, càng già càng chín chắn, mới đến chỗ bình đạm” [8, tr.102]. Dẫn lời Tư Không Đồ về 24 phẩm chất của thơ, trong đó có 2 phẩm chất thuộc Bình đạm đó là “trùng đạm” (Hòa dịu, yên lặng), “sơ nhã” (sơ sài, thanh nhã). Qua việc giải nghĩa lời của thánh nhân, tán đồng với Tô Đông Pha và Tư Không Đồ, Lê Quý Đôn rất đề cao Bình đạm trong văn chương, xem đó là cứu cánh của văn chương. Phan Huy Chú rất đề cao thơ mang yếu tố Bình đạm của Chu Văn An: “Lời thơ rất trong sáng u nhàn” hay “Lời thơ nhàn nhã, tự nhiên, có thể thấy ý thú thanh cao của người ở ẩn” [1, tr.426] và rất hâm mộ thơ và khen thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”. Phạm Nguyễn Du ca ngợi nhân phẩm, tài nghệ của Bùi Huy Bích, qua đó đề cao vẻ đẹp anh hoa của Bình đạm: “Còn như sự đạm bạc bộc lộ anh hoa, sự chân thực biểu hiện làm tinh túy...” [8, tr.162].
Tán thành, ca ngợi văn chương thời xưa, văn chương cụ thể của từng bậc tiền nhân ở Trung Quốc và Việt Nam, các tác giả cổ điển Việt Nam đã thể hiện rõ quan niệm Bình đạm trong văn chương. Bình đạm không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà quan trọng hơn đó là phong cách nghệ thuật. Điều này sẽ thể hiện rõ hơn khi phần nhiều các tác giả cổ điển phát biểu một cách trực tiếp quan niệm của mình.
Một số tác giả khác trình bày trực tiếp quan niệm Bình đạm của mình qua các bài bạt, tựa, bình,… Khi phát biểu trực tiếp, các tác giả cổ điển chủ yếu đề cập đến Bình đạm ở các phương diện: ý nghĩa của Bình đạm, Bình đạm gắn với tự nhiên, sự thô vụng, giản dị; Bình đạm dưới góc độ ngôn từ; Bình đạm gắn với tư tưởng. Về ý nghĩa vai trò của Bình đạm trong văn chương, Ngô Thì Nhậm cho rằng, Bình đạm phối hợp cùng với chức năng “chặn điều xấu, bảo tồn điều hay” là đặc sắc của thơ: “… Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào xảo trá, hoang đường hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà rốt cuộc chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là cái đặc sắc chính của thơ” [8, tr.149]. Nhận xét về thể thất ngôn trường thiên, Nguyễn Chí Đình đánh giá cao Bình đạm, biểu hiện ở sự giản phác trong văn chương: “Thất ngôn trường thiên là thể chế của riêng mình, giản phác nhưng văn chương...” [8, tr.222]. Tương tự, Vũ Duy Thanh đánh giá cao sự kỳ diệu của Bình đạm: “Cái diệu lý của đất trời thấy khắp ở sự vật, cái tân kỳ xuất hiện ngay nơi mục nát, cái tinh thần tồn tại ngay nơi nông cạn, cái thưa nhất là cái mau nhất, cái vụng nhất là cái khéo nhất,… Người quân tử phải thẩm sát điều đó mà hình dung nó nơi văn, vì cái kỳ diệu tột bậc thường tồn tại ngay nơi mờ nhạt, vụn vặt chi ly” [8, tr.272].
Những biểu hiện của Bình đạm trong văn chương rất phong phú, tuy nhiên theo một số tác giả trung đại Việt Nam, Bình đạm thường gắn với sự giản dị, vụng về. Vũ Phương Đề khi bàn về văn thơ, ông quan niệm rằng, trong thời văn thơ xu thời, hào nhoáng, khinh bạc, nên tôn trọng những thơ “tuy mộc mạc quê mùa, nhưng ý lại trung hậu”; và những bài thơ như vậy nên khen, không nên chê. Theo ông nên “trừ bỏ loại văn phù hoa trống rỗng để vãn hồi nền văn chương trong sáng, chân thực”. Qua đó, chúng ta thấy Vũ Phương Đề quan niệm Bình đạm ở sự mộc mạc, quê mùa. Quan niệm này chúng ta còn bắt gặp ở Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Nhậm, Vũ Duy Thanh,… Với Ninh Tốn, ông đã nói rất hay về cái thô vụng trong Bình đạm. Ông đã sáng tác Chuyết sơn và tự mình viết lời tựa. Trong đó, ông đề cao “cái thô” vụng rất Lão Trang: “Ta muốn lấy cái thô vụng của nó. Nói chung khi cái hỗn độn chưa mở ra thì đúng là mờ mịt; trong khoảng vũ trụ toàn là một khối thô vụng… Núi lấy cái thô vụng làm khả thủ thì cái thô vụng trong cái thô vụng càng là chỗ thích hợp sâu xa của lòng ta… Nói chung tâm hồn của trẻ là chân thực và không dối trá, yêu cha mẹ, thuận theo người trên đều là bản tính tự nhiên, những điều đó hoàn toàn ở trong cái thô vụng này” [8, tr.169]… Khi nói về Bình đạm ở góc độ ngôn từ, Nguyễn Cư Trinh cho rằng:“Lời thơ phải giản dị”. Ngô Thì Chí cũng có quan niệm tương tự khi bàn về bài phú Mơ Thiên thai, ông nói: “Xem kỹ cách đặt từ và lập ý, đẹp mà không xa hoa, thanh mà có dư vị, hầu như được viết nên một cách tự nhiên” [8, tr.151]. Quan niệm này chúng ta còn thấy ở Nguyễn Dưỡng Hạo, Phan Huy Chú,…
Bên cạnh đó, một số tác giả xem Bình đạm không chỉ là cái biểu hiện ra bên ngoài mà nó còn gắn với tâm hồn, tư tưởng. Theo Lê Quý Đôn, chính Bình đạm từ trong tâm hồn sẽ quyết định đến văn chương: “Nếu ý hứng, tâm hồn vẫn giữ được bình đạm, mỗi khi diễn tả và phát ra, thì càng thêm ung dung” [8, tr.83]. Tương tự, Nguyễn Đức Đạt nói về quan hệ giữa văn và người, qua đó đề cập đến Bình đạm trong văn và người: “Văn như con người của nó. Văn thâm hậu thì con người của nó trầm mà tĩnh; văn ôn nhu thì con người của nó khiêm mà hòa; văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản…” [8, tr.277]. Phạm Nguyễn Du thì cho rằng, Bình đạm bộc lộ vẻ đẹp của con người: “Còn như sự đạm bạc bộc lộ anh hoa, sự chân thực biểu hiện làm tinh túy…” [8, tr.162]. Quan niệm văn chương với cuộc đời của Ngô Thế Vinh cũng mang yếu tố Bình đạm: “Cái biến của văn chương thông suốt với chính sự. Cho nên thơ văn của thời trị thì thuần phác và cao cả, thơ văn của thời loạn không phồn tạp ẻo lả cũng hiểm quái mà thôi” [8, tr.135].
Trong quan niệm văn học trung đại Việt Nam, khuynh hướng sùng thượng Tự nhiên, yêu chuộng Hư tĩnh, Vô ngôn và đề cao Tiêu dao, Bình đạm là một trong những khuynh hướng chủ đạo, xuyên suốt. Nếu như giai đoạn Sơ kỳ và Trung kỳ trung đại, khuynh hướng này chủ yếu biểu hiện gián tiếp, thông qua tác phẩm; thì đến giai đoạn Hậu kỳ trung đại, khuynh hướng này chủ yếu biểu hiện trực tiếp, thông qua những bài bạt, tựa, bình,… và một số công trình mang tính lý luận. Chính vì vậy, giai đoạn Hậu kỳ trung đại khuynh hướng Thiền - Lão đã rõ nét hơn và trở thành khuynh hướng độc lập. Từ đó, khuynh hướng này đã chi phối mạnh mẽ và góp phần tạo nên sự đa dạng, sự uyên áo và trường tồn cho văn học trung đại Việt Nam. Sự ảnh hưởng của các phạm trù Thiền - Lão như Tự nhiên, Hư tĩnh, Vô ngôn, Tiêu dao, Bình đạm trong quan niệm văn học trung đại Việt Nam nói chung và đặc biệt là giai đoạn Hậu kỳ trung đại thể hiện trên hai khía cạnh: nguyên mẫu và động lực. Từ đó, cách tiếp nhận của Việt Nam cũng có những nét tích cực riêng, sự tiếp nhận chủ động, có chọn lọc, điều tiết và mang tính tổng hợp cao…
Tài liệu tham khảo:
[1] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[2] Lê Giang (2001), Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
[3] Văn Giang (1984), “Tự đề tựa tập Kỳ Xuyên thi sao của Nguyễn Thông”, Tạp chí Văn học số 5.
[4] Đỗ Văn Hỷ (1993), Người xưa bàn về văn chương, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5] Nguyễn Đình Phức (2013), Thi pháp thơ Đường, Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
[6] Nguyễn Đình Phức (2006), “Về bài Tự tự Tĩnh Phố thi tập của Miên Trinh”, Tạp chí Hán Nôm, số 3.
[7] Nguyễn Minh Tấn (chủ biên, 1991), Từ trong di sản…, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội.
[8] Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Vũ Thanh, Trần Nho Thìn (Sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu) (2007), Mười thế kỷ bàn luận về văn chương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[9] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, Tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7/3/2019
Lê Đắc Tường
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 2 năm 2019
Theo http://thpt-duytan.kontum.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNgã tư hoàng hôn 2

Ngã tư hoàng hôn 2 Chương 12 Mỗi lần ông Tuân đổi chức vụ - đúng hơn là đổi địa vị - nhà ông lại tăng nhịp khách khứa viếng thăm. Tất nh...