Nỗi buồn trong Thơ mới
Phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) là sự bứt phá ngoạn mục của
thơ Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX để giã từ phạm trù văn học trung đại, gia nhập
vào quỹ đạo văn học hiện đại, là tiếng nói giải phóng cái tôi cá nhân-cá thể
(individu), một cái tôi nội cảm, cái tôi sáng tạo xuất phát từ mối bất hòa trước
thực tại trên cả hai phương diện nhân sinh và thẩm mỹ. Nói đến cái tôi cá nhân
là nói đến sự cô đơn. Biểu hiện thường trực của cô đơn là nỗi buồn. Thơ Mới ngập
tràn nỗi buồn.
Văn học trung đại có sự điều tiết rất lớn của lý trí cái tôi
cộng đồng nên nỗi buồn ít được bộc lộ trực tiếp mà ẩn hiện sau ngôn từ, nấp sau
cảnh vật. Ví như nỗi buồn trong thơ Nguyễn Khuyến là nỗi buồn ẩn sau mùa thu
làng cảnh Việt Nam của một nhà nho ý thức về thời đại nhưng bất lực. Nỗi buồn ấy
thấm sâu trong hình ảnh, trong chữ:
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo
(Thu điếu)
Thơ Mới thể hiện cái buồn rất khác với văn học trung đại. Nó
ngang nhiên xuất lộ: Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao
tôi buồn (Xuân Diệu). Nó thường hằng: Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất
cả không ngoài nghĩa khổ đau (Chế Lan Viên). Nó dai dẳng: Tai nương
nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn (Huy Cận)…
Nỗi buồn chất chứa da diết trong Thơ Mới có nguyên nhân trước
hết là do bản chất của nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ lãng mạn. Cơ chế văn chương
lãng mạn là cái tôi cô đơn - một trạng thái cảm xúc - tinh thần không được chia sẻ
và không chia sẻ được. Cô đơn là điều kiện sáng tạo, là phẩm chất nghệ sĩ, phẩm
chất tài năng lớn.
Một nguyên nhân khác là các nhà Thơ Mới coi cái buồn, cái đau
là một phạm trù mỹ học. Cái buồn đã thấm sâu vào quan niệm thẩm mỹ của các nhà
thơ. Huy Cận quan niệm: “Cái đẹp bao giờ cũng hơi buồn”, hay như thi sĩ Hồ Dzếnh: “Tình
mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” (Ngập ngừng).
Nỗi buồn Thơ Mới vừa nằm trong quan niệm lại vừa là kết quả của
sự tác động ngoại cảnh. Cái tôi lý tưởng của Thơ Mới khi va đập thực tế nghiệt
ngã của thời đại - xã hội thực dân phong kiến - đã mất phương hướng, mất chỗ bấu
víu, đành phổ nỗi buồn vào thơ. Đâu đâu cũng bàng bạc nỗi buồn, từ thơ Thế Lữ,
Lưu Trọng Lư đến thơ Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,
Thâm Tâm… Bởi thế, Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam - viết: “Đời
chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi
sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình
cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng
Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh,
say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
Thơ Mới là thơ của những điệu cảm xúc buồn, song có thể quy về
ba dạng thức chính. Khi cái tôi đối diện với toàn cõi nhân gian (cả chiều kích
không gian và thời gian), cá nhân nhận ra mình chỉ là hạt cát, hạt bụi nhỏ
nhoi, nhận ra tình trạng lênh đênh, phù du của phận người thì nảy ra mối sầu
nhân thế - nỗi buồn phổ biến của cái tôi lãng mạn, của thơ lãng mạn:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
(Huy Cận)
Sầu nhân thế làm nảy sinh tâm lý về sự vô nghĩa của kiếp người.
Tư tưởng hư vô nảy sinh, con người thấy chẳng có gì là bền vững, không có gì là
nghĩa lý cả:
Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian
(Chế Lan Viên)
Khi cái tôi đối diện với thời cuộc (môi trường sinh tồn) cảm
thấy bơ vơ, lạc lõng thì nảy sinh nỗi sầu thời thế, thấy mình như kẻ lạc
thời, sinh bất phùng thời, “đầu thai lầm thế kỷ” hoặc thấy thời mình chưa tới
hoặc thấy thời mình đi qua mất rồi:
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
(…) Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
(Vũ Hoàng Chương)
Cái tôi khi đối diện với bản thể (chính mình) có thể nảy
sinh sầu thân thế, nảy sinh tâm lý thấy mình là kẻ thất bại, thậm chí sinh
ra đã là kẻ thất bại, chủ yếu trên hai phương diện tình duyên lỡ làng và công
danh sự nghiệp dở dang:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Em đi dang dở đời sương gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
(Nguyễn Bính)
Thơ Mới cất tiếng đan xen ba mối sầu đồng hành và chuyển hóa nhau thành dàn giao hưởng có ba bè sầu: sầu nhân thế - sầu thời thế - sầu
thân thế, nổi bật là Xuân Diệu. Ở “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới”
(Hoài Thanh), cảm thức về thời gian đã trở thành nỗi ám ảnh. Xuân Diệu ham sống,
say sống là thế mà buồn bã, cô đơn. Từ cái buồn tưởng chừng như không duyên
không cớ, cái buồn vơ vẩn: Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn
xa nghĩ ngợi gì (Thơ duyên) đến cái buồn vì tình yêu đã hết: Anh một
mình nghe tất cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh (Tương
tư, chiều) và cái cô đơn, lạnh lẽo: Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê/ Chiếc đảo
hồn tôi rợn bốn bề/ Sương bạc làm thinh, khuya nín thở/ Nghe sầu âm nhạc đến
sao Khuê (Nguyệt cầm)….
Cái buồn da diết, ảo não là cái buồn trong Lửa thiêng (Huy
Cận) - man mác cả không gian, tràn lan khắp cảnh vật: Sông dài, trời rộng,
bến cô liêu (Tràng giang), Muôn sao bàng bạc sầu nhân gian (Hồn
xa)… Đó còn là cái buồn thiên cổ xa xăm tự ngàn xưa theo gió thổi về: Một
chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu (Ê chề), Phất phơ buồn tự
thời xưa thổi về (Chiều xưa). Hồn thơ Huy Cận bơ vơ, đơn độc: Trời! Ảo
não những chiều buồn Hà Nội/ Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu (Trò chuyện).
Nỗi buồn trong thơ Hàn Mặc Tử là hành trình của cái tôi “đau
thương” từ nỗi buồn chia lìa ban đầu: Gió theo lối gió, mây đường mây/
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở
trăng về kịp tối nay? (Đây thôn Vĩ Dạ); càng về sau, nỗi cô đơn, buồn đau
càng quằn quại, tuyệt vọng: Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành
vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa
máu ra (Say trăng)…
Tác giả Nguyễn Bính nghiền ngẫm nỗi sầu bi phẫn của một cái
tôi lỡ dở trong biến thiên thời cuộc. Nguyễn Bính tự nhận mình là “kiếp con
chim lìa đàn”, ra đi “dan díu với kinh thành” nhưng đơn côi, thất vọng giữa phố
thị: Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang/ Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng/ Sớm
nay sực tỉnh sầu đô thị/ Tôi đã về đây rất vội vàng (Sao chẳng về đây?).
Cái tôi trôi dạt ấy đành tìm về với “thời trước” trong mộng tưởng nhưng trên
con đường về “chân quê” xa lắc, những thôn Đoài, thôn Đông, làng Vân, làng Đặng…
cũng mờ mịt xa: Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không
thôn nào? (Tương tư)…
Thế Lữ mang nỗi hận của chúa sơn lâm bị tù hãm “Gậm một khối
căm hờn trong cũi sắt”; Chế Lan Viên có “nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời”;
Lưu Trọng Lư “lịm người trong thú đau thương”, vương nỗi buồn của tiếng thu tan
ra, loang ra trong không gian; Thâm Tâm xoáy sâu vào nỗi buồn ly biệt ra đi
theo tiếng gọi của khát vọng Tống biệt hành… Tất cả góp nhau tạo nên
nỗi buồn Thơ Mới, nỗi buồn một thời thơ Việt.
Tâm trạng buồn là nét phổ biến ở những nhà thơ lãng mạn 1932
- 1945. Đấy không chỉ là nỗi niềm riêng tư mà đấy còn là cái bệnh thời đại, nói
như Xuân Diệu: “Nỗi buồn đó vốn là nỗi buồn chung của con người, bọn thi sĩ
chúng tôi nhẹ lòng nhẹ dạ nên lĩnh mang giùm tất cả cho nhân gian”.
Cái buồn trong Thơ Mới là cái buồn đẹp, thanh khiết và tích cực
vì đó là cái buồn của những tâm hồn chưa khô héo, chưa lạnh nhạt, thờ ơ, phó mặc
trước cuộc đời chung. Với nỗi sầu buồn ấy, các nhà Thơ Mới gởi đến người đọc
thông điệp về sự hòa nhập giữa nỗi buồn, sự cô đơn cá nhân với cuộc đời chung:
“Chúng tôi cũng bơ vơ, mỗi hồn người là một cõi bơ vơ trong đất trời là một
khung bơ vơ; chúng ta đồng một bơ vơ với nhau, vậy thì người cũng bớt bơ vơ một
chút” (Xuân Diệu).
29/4/2015
Chế Diễm Trâm
Theo https://xunauvn.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét