Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Trường ca Hàn Mạc Tử

Trường ca Hàn Mạc Tử
“Mất”
Đôi lúc tôi tự hỏi: “Nếu nhạc sĩ Phạm Duy sinh sống trong một thời đại, một đất nước thái bình và giàu mạnh, không bị xô đẩy giữa hơn hai làn đạn, bao nhiêu phần tác phẩm của ông sẽ được/ bị “mất” đi - hay nói một cách khác, không hề được viết ra?”
Phần mà ai cũng nghĩ tới đầu tiên, dĩ nhiên là những bài nhạc kháng chiến lẫn phản chiến (Bà mẹ Gio Linh, Kỷ vật cho em…), cái đó tôi thấy không cần thiết phải đề cập tới. Nhưng các bạn nghĩ như thế nào nếu tôi nói, cả hai tác phẩm lớn - sẽ có nhiều người xem là lớn nhất - của Phạm Duy về tình yêu đất nước, là Tình ca và Tình hoài hương, cũng sẽ không có mặt trên đời. Tình hoài hương xuất phát từ con tim dồn nén xúc cảm của một con người, một thế hệ người phải rời bỏ quê cha đất tổ của mình, với ước mong phác hoạ lại, giữ gìn lại chút hương sắc của quê hương trong lời ca chân chất - “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn, lúa thơm cho đủ hai mùa…” Còn Tình ca, một cảm quan tổng thể của nhạc sĩ về Việt Nam, cũng xuất phát từ ước mong hòa hợp mọi người trên đất nước Việt Nam, trên đủ mọi phương diện địa lý (“Đất nước tôi, núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng, lúa miền Nam chờ gió mùa lên”), lịch sử (“Tôi yêu biết bao người, Lý Lê Trần và còn ai nữa”), văn hóa…
Và không chỉ hai tác phẩm lớn đó mất đi, mà tôi chắc rằng cả ba trường ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam và Hàn Mặc Tử cũng sẽ không còn lý do lẫn điều kiện để viết ra. Hai trường ca đầu tiên - được sáng tác lần lượt trong khoảng 10 năm 1954 - 1964 - cũng mang ngụ ý như Tình ca và Tình hoài hương, nhưng nội dung thì lớn hơn, bao quát rất nhiều mặt trong văn hóa Việt Nam. Để có được tư liệu, trực tiếp lẫn gián tiếp, cho hai trường ca này, nhạc sĩ Phạm Duy phải đi đến nhiêu vùng miền trên khắp đất nước. Những chuyến công tác hồi còn trong Việt Minh đến những vùng quê xa xôi lẫn những chuyến đi về Nam sau này của ông đã là tiền đề cho những giai điệu, ca từ quý báu sử dụng trong hai trường ca. Còn Hàn Mặc Tử, được sáng tác trong những tháng ngày đau khổ, dằn vặt nơi đất khách quê người, lại cho ta cảm một sự tương đồng giữa Nhạc sĩ với Thi sĩ ở tình quê hương đằm thắm, những cơn điên chất ngất say sưa và sự cứu rỗi linh hồn được viện đến nhờ đức tin. Phần âm nhạc có sự ảnh hưởng rõ rệt của nhạc thuật phương Tây, rõ ràng nhất là tính symphonic ở phần 2 - Trăng sao rớt rụng, và ngay cả ở phần 1 lẽ ra phải mang nhiều âm hưởng dân ca - Tình quê. Trường ca Hàn Mặc Tử không thể được viết tại Việt Nam!
Ngoài ra, một Phạm Duy sống trong cảnh thái bình trong suốt cuộc đời cũng không thể đủ trải nghiệm để sáng tác Thiền Ca, Rong Ca.
Dĩ nhiên kho tàng nhạc của Phạm Duy nhiều hơn những tác phẩm trên, ta vẫn còn có thể thưởng thức Nha Trang Ngày Về, Con Đường Tình Ta Đi hoặc Ngày Xưa Hoàng Thị. Nhưng điều tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây, phần nào cũng tương đồng với câu chuyện cổ “Tái ông thất mã”.
Phạm Duy và Hàn Mặc Tử
Tiếp tục soạn nhạc tâm linh và nhạc đa điệu, tôi tìm về thơ Hàn Mặc Tử mà tính chất tôn giáo đã ám ảnh tôi từ ngày tôi còn rất trẻ. Và khi phổ nhạc thơ Người, tôi không ngờ cuộc đời của thi sĩ lại phản chiếu nước tôi như thế…
Trường Ca Hàn Mặc Tử ra đời vào cuối năm 1993 là nhạc siêu thực (surréalist) rất phù hợp với hồn thơ của thi sĩ. Trường ca này mở đầu với sự an bình dưới thế và sự thanh bình trên nước Việt yêu quý của chúng ta, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc của một nhà thơ trẻ. Từ sân nhà hay đồi quê, trong mây bay hay dòng nước, nơi bờ liễu hay cành lê, trong im lìm hay qua tiếng động, lúc nắng lên trên hàng cau hay khi trăng về nơi thuyền neo bến, dưới đáy nước hồ reo hay trên đồi thông gió thổi… và nhất là trong Tình Yêu, tất cả đều là cao cả, thiêng liêng.
Trường ca tiếp tục và nói lên sự đau thương đến tột cùng của thi sĩ khi bị bệnh hủi, ám chỉ tới sự đổ vỡ của một nước Việt Nam trong chiến tranh và hận thù. Cuối cùng, trường ca là sự siêu thăng của hành trình thơ Hàn Mặc Tử từ tập Gái Quê qua tập Đau Thương tới tập Xuân Như Ý. Cũng không khác gì một nước Việt Nam đang an lành bỗng lâm vào cảnh điên loạn rồi sẽ phải được siêu thăng.
Về hình thức, nhạc kháng chiến của tôi là hiện thực và trữ tình (Nương Chiều, Gảnh Lúa). Nhạc tình của tôi là cảm tính, đôi khi là nhục tính (Cỏ Hồng). Tôi đi vào ấn tượng với Chiều Về Trên Sông, mon men tới siêu thực khi đả động tới cái chết trong Đường Chiều Lá Rụng… Trường Ca Con Đường Cái Quan là tả thực, Mẹ Việt Nam là tượng trưng, Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là ẩn dụ. Mười bài rong ca với Người Tình Già Trên Đầu Non đi vào vũ trụ là nhạc siêu nhiên. Đạo Khúc/ Thiền Ca là hành trình vào cõi siêu linh. Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử là nhạc siêu thực.
Tôi rất sung sướng được dùng lá thư và bài báo của hai người Việt ở London, Anh Quốc để nói về một chuyến đi lưu diễn của tôi với TRƯỜNG CA HÀN MẠC TỬ tại Âu Châu.
Nguyễn Văn Ngọc
Sương Mù London và Âm Thanh Phạm Duy
Bầu trời vào buổi chiều thứ ba 13 tháng 12 năm 1994 như rắc những lớp bông xám xịt che phủ mặt trời, gần tối bắt đầu có mưa nhẹ, bay bay như những dòng nhạc. Tối đó là một buổi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Việt Nam với chủ đề Nhạc Thoại Phạm Duy - Nói về Hàn Mặc Tử nhân một chuyến đi giới thiệu các tác phẩm mới của nhạc sĩ ở Châu Âu.
Tổ chức buổi gặp gỡ vào một ngày không phải cuối tuần, đồng thời là ngày mưa lạnh, thế mà những bạn bè thân hữu, những người ái mộ đã đến dự buổi nói chuyện đó. Thật hoàn toàn bất ngờ và tôi nhận được giấy mời rất gấp nhưng cũng chuẩn bị sẵn một số câu hỏi để có dịp thì sẽ nói chuyện với Nhạc sĩ Phạm Duy. Vì đó là một địa chỉ lạ, muốn đến đó phải đổi xe bus hai lần cho nên tôi đã đến sớm hơn giờ quy định 20 phút.
Mưa vẫn mưa rơi… lời của một bài hát được soạn ra như để diễn tả thời tiết London tối hôm đó. Địa điểm là một ngôi trường cổ, phải đi qua một dãy hành lang dài rồi lên tầng trên. Trong khi chờ đợi, tôi ra chỗ canteen mua một tách cafe rồi uống. Chợt mười phút sau thì cánh cửa rộng mở. Một người đầu đội chiếc mũ dạ, khoác một chiếc mantel mầu đen bước vào. Khi ngả mũ tôi mới để ý thấy mái tóc bạc như cước và khuôn mặt một người châu Á. Theo sau là mấy người nữa, trong đó có một người trung niên tay bê một cái ampli và có hỏi tôi : Sao đến sớm thế ?
Do mới biết lần đầu cho nên lịch sự xã giao tôi gật đầu đáp lễ. Người tóc bạc đó có đúng phải là Nhạc sĩ Phạm Duy không? Tôi nghi ngại bởi vì lần đầu tiên gặp mặt nên không dám chào. Điều này vào 5 phút sau tôi lên phòng ngỏ ý xin lỗi vì cũng có lý do riêng, sợ Nhạc sĩ hiểu lầm sự thất lễ của một người trẻ tuổi. Đối với nhạc Phạm Duy trước năm 75 tôi có được xem qua một số bản nhạc viết trước 1954. Đây là sự sưu tầm của nhạc sĩ Hồ Bắc là thông gia với gia đình tôi.
Trên phòng họp, ông ngồi trên một ghế dài hàng đầu dành cho khách như đang trầm tư suy nghĩ chuẩn bị cho cuộc nói chuyện sắp tới. Lúc đó ông đã cởi chiếc áo khoác đi đường và tôi thấy ông vận bộ Âu phục rất hợp với tuổi 75 của mình. Mái tóc bạc trắng, vầng trán cao, cánh mũi rộng nở cộng với đôi tai to như tai Phật đã nói lên dáng điệu của một người kỳ tài dù chưa biết là nghề gì đối với những người lưu tâm đến diện mạo. Tôi vốn là người thích coi tướng số. Vì thời gian khai mạc chẳng còn bao lâu, tôi đưa ra vài câu hỏi đã chủ định trước khi tới đây. Cách trả lời rất phong độ của ông chứng tỏ Phạm Duy vẫn còn nhiều năng động, không như mấy người đang bước vào tuổi thất thập cổ lai hy (Đỗ Phủ). Điều này càng được chứng tỏ khi nhạc sĩ đứng nói chuyện và diễn tả âm nhạc của mình trong hơn hai tiếng đồng hồ.
Người nghe buổi nói chuyện đêm đó có thể so sánh Phạm Duy như những ca sĩ pop rock phương Tây trình diễn concert trước công chúng. Tuy nhạc sĩ có cái bụng hơi lớn nhưng phong thái diễn xuất của ông làm người xem cảm phục chương trình nhạc thoại từ đầu tới cuối không bị ngưng ở đoạn nào. Trước khi vào buổi nói chuyện của Phạm Duy thì anh Đoàn Xuân Kiên - sau này anh mới tự giới thiệu tên mình - nói đã viết thư mời tôi đến dự buổi gặp mặt. Vào tháng 6/1993, tôi có triển lãm tranh trong ngày hội văn hóa Việt Nam tại vùng Surrey, thuộc vùng ngoại thành London. Do đó, anh Kiên biết tên và địa chỉ của tôi. Là người đã từng làm việc thông tin, văn hoá cho cộng đồng sáu năm về trước đã vì tấm lòng yêu nghệ thuật và đã không quên mời tôi. Âu cũng là điều quý trọng riêng cho những người nghệ thuật vị nghệ thuật …
Sau đây là bài giới thiệu của Đoàn Xuân Kiên về nhạc phẩm Trường Ca Hàn Mặc Tử.
Trường ca Hàn Mặc Tử
Hành trình của người nghệ sĩ về cái đẹp

(Đăng trong Thế Kỷ 21, tháng 6, 1994)
Trường ca Hàn Mặc Tử (TcHMT) là tác phẩm mới của Phạm Duy vừa ra mắt quần chúng vào những ngày cuối năm 93. Về hình thức thì đây là một tổ hợp những bài thơ Hàn Mặc Tử do Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng người nghe có thể hình dung được chủ đích của tác giả tổ khúc này không phải chỉ là phổ nhạc một số bài thơ lẻ của một nhà thơ; TcHMT có thể xem là một bản diễn giải bằng nhạc những hành trình nghệ thuật của tâm hồn Hàn Mặc Tử (HMT).
Kể từ khi nhà thơ qua đời đến nay đã hơn 50 năm, không biết bao nhiêu sách và bài báo nỗ lực phân tích tâm sự nhà thơ bằng nhiều ngả. Nhiều người đã dựa vào căn bệnh hiểm nghèo của thi sĩ mà nói nhiều về tâm trạng điên loạn bất thường của HMT để dẫn đến sự nương náu tâm hồn trong ánh sáng tôn giáo; có người đã dùng con mắt của nhà phân tâm để diễn dịch tâm hồn HMT qua những biểu hiện phức tạp của một người chịu đựng những ẩn ức tâm lý triền miên từ lúc trẻ đến khi phát bệnh nan y.
Rất nhiều ngả đường đã dựng lên để mong tiếp cận tâm hồn người thơ quá cố. Có điều là nhiều ngả đường đã đi quanh co qua những điểm tựa bên ngoài tác phẩm của HMT. Rất ít oi những nỗ lực nghiên cứu vẽ lên được con đường sáng tạo nghệ thuật của HMT dựa trên chính những biến thiên tâm hồn nhà thơ thể hiện qua tác phẩm của chính ông. TcHMT là một nỗ lực hiếm hoi của một nghệ sĩ nhằm diễn giải hành trình nghệ thuật của nhà thơ. Lại là một công trình biểu hiện qua thế giới âm thanh. Cho nên ý nghĩa của TcHMT sẽ không chỉ là đóng góp vào kho tàng nhạc phẩm vốn đã đồ sộ của Phạm Duy thêm một tác phẩm thơ phổ nhạc nữa mà còn là ở sự đồng cảm của hai tâm hồn nghệ sĩ trước phận người không thiếu gì điêu linh, khổ nhục.
25/12/2008
Theo https://namphong0612.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thẻ nhớ vô tri

Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ng...