Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Nguyễn Bính - Nhà thơ điệu nói trong phong trào thơ mới lãng mạn 1932 - 1945

Nguyễn Bính - Nhà thơ điệu nói trong 
phong trào thơ mới lãng mạn 1932 - 1945
Bất cứ nền thi ca nào đủ lớn đều thấy có quy luật này. Trên nền tảng các hình thức thi ca dân gian rất phong phú, đa dạng hình thành nên một giai đoạn thi ca cổ điển có tinh chất quy phạm. Các hình thức quy phạm kết tinh thành những kiệt tác, rồi đến giai đoạn cá tính bùng nổ, các hình thức quy phạm bị phân rã để thay thế những hình thức thi ca mới. Cái yếu tố làm rạn nứt hình thức quy phạm kia là những câu thơ điệu nói. Câu thơ điệu nói đã xuất hiện trong tiểu thuyết bằng thơ của Pushkin, trong các trường ca Nga thế kỷ XIX, trong thơ của Maiakovski, thơ của Anna Akhmatova làm đổi thay nghệ thuật thơ. Câu thơ điệu nói Trung Quốc xuất hiện vào thời Ngũ Tứ (1919)  ở trung Quốc trong thơ của Hồ Thích, Quách Mạt Nhược, Văn Nhất Đa, Phùng Chí, Băng Tâm… tạo nên phong trào thơ mới của Trung Quốc [i]. Câu thơ điệu nói cũng xuất hiện trong thơ Mới Việt Nam năm 32 - 45 tạo nên cuộc cách mạng trong thi ca Việt Nam với hàng loạt tên tuổi mà Nguyễn Bính là một.
Vậy thơ điệu nói là gì? Thuật ngữ câu thơ điệu nói (говорной стих) đã được nhiều nhà nghiên cứu Nga đề xuất (B.Eikhenbaum, S.Bondi, V. Kholshevnikov, V. Girmunski, A,V. Podzneev), nhưng theo L.I. Timofeev cho biết đều chưa có định nghĩa rõ ràng về câu thơ này [ii]. Theo định nghĩa trong Từ diển bách khoa văn học Nga năm 1929 thì đó là Говорной стих, dịch ra tiếng Anh là Sprechvers, chỉ câu thơ khác với câu thơ có tính điệu ngâm, hát (напевный сnих), khi đọc lên nghe gần với ngữ điệu lời nói. “Sự phân đoạn cú pháp của nó có tính độc lập cao, trong khi câu thơ điệu ngâm phụ thuộc hoàn toàn vào phân đoạn nhịp điệu”. Ví dụ nổi bật nhát là câu thơ trong các bài thơ ngụ ngôn như “Ngậm phó mát trên cây quạ đỗ, Đánh mùi thơm Cáo bổ đến ngay: Ê chào anh quạ trên cây…” Tuy vẫn theo nhịp câu thơ song lời nói vẫn rất rõ” [iii].
Đặc điểm của nó, một mặt câu hợp với nhịp điệu câu thơ, mặt khác, ngữ điệu thể hiện lời nói. Tuy nhiên sự phân biệt điệu nói điệu ngâm trong thơ tiếng Nga không thấy rõ như trong thơ tiếng Việt. Tôi đã trình bày đặc điểm câu thơ này trong các bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Sông Hương và báo Văn nghệ nhân bàn về thi pháp thơ Tố Hữu từ năm 1982 - 1987 và bài Thơ Mới và sự đổi mới thi pháp thơ trữ tình Việt Nam năm 1992 (Xem: Những thế giới nghệ thuật thơ, nxb Giáo dục, 1995, tr. 108 - 112.). Điều này đến nay tuy không còn mới, vì thuật ngữ này  đã được sử dụng khá phổ biến, song không phải nó đã được lý giải đầy đủ. Tuy vậy bây giờ tôi có điều chỉnh. Trước đây tôi theo B. Eikhenbaum phân biệt câu thơ điệu ngâm với câu thơ điệu nói, song xét ra trong thơ Nga đã không thuyết phục, trong thơ Việt cũng có điểm chưa rõ. Nay tôi đối lập câu thơ điệu nói với câu thơ ý tượng thì mọi sự sẽ trở nên rõ ràng. Luận điểm của tôi đã được trình bày trong nhiều bài viết của mình như sau. Thơ Việt truyền thống, (ngoại trừ tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, vì trong đó mới có câu tục ngữ, câu ca dao, chứ chưa có câu thơ) trước hết là thơ luật Đường,  thuộc lối thơ tu từ, sử dụng tất cả các yếu tố câu, vần, nhịp, điệu và các phép đối, luật, điển cố có sẵn để tạo ra câu thơ ý tượng, nghĩa là câu thơ cô đúc, có tính họa, tính nhạc, réo rắt, nhưng không còn dấu hiệu của lời nói. Câu thơ không có chủ thể phát ngôn, không có giọng nói ở trong, nó nguyên khối theo cấu trúc cố định của một kiểu sắp xếp, tổ hợp ngôn từ có sẵn. Nhà Hán học Nga I. Lisevichs nhận xét câu thơ như “không phải lời của ai cả”. Ví dụ, Gác mái ngư ông về viễn phố, Gõ sừng mục tử lại cô thôn, hay, Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây đá mấy hòn. Nó cũng có chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ, nhưng không theo trật tự, ngữ điệu câu nói, thường bị đảo trang (đặt ngược). Trong các bài thơ luật Đường, lời nói đôi khi xuất hiện hạn chế ở câu mở hay câu kết, còn hai liên giữa đều là liên đối, tuyệt không có dấu hiệu lời nói. Lối thơ ấy gò bó thế nào thiết nghĩ đã là câu chuyện rất rõ. Ca dao tuy gắn với lời ăn tiêng nói hằng ngày của người dân, cơ bản là điệu nói, nhưng vì truyền miệng cũng thường sáng tác theo các “công thức có sẵn”, truyền miệng, cho nên không phải là lời của con người cụ thể, cá thể. Nhiều câu cũng thường thiếu chủ thể, điệu nói bị giảm sút. Được các nhà thơ cận đại tiên phong như tho Hồ Xuân Hương, Tú Xương mở đường, điệu nói đã thấm vào nhiều áng thơ luật (ví như bài Bánh trôi nước, Mời trầu). Hầu Trời là bài thơ điệu nói bảy chữ bất hủ của  Tản Đà. Thơ mới đã làm tự do hóa các câu thơ truyền thống - bảy chữ, năm chữ, sáu tám, tám chữ thành câu thơ điệu nói. Câu thơ điệu nói tháo tung khuôn khổ câu thơ luật, nó tràn từ câu này sang câu khác, vắt dòng, chấm câu giữa dòng thơ, nhiều câu hỏi, câu than, nhiều khi cả khổ thơ chỉ là một câu đem ngắt ra, dàn vào khuôn khổ luật thơ, nhưng vẫn giữ mạch lời nói sinh động, làm thay đổi hẳn câu thơ ý tượng truyền thống [iv]. Ví dụ bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư tuy năm chữ, nhưng chỉ là ba câu hỏi. Thơ điệu nói đã thay thế câu thơ ý tượng cô đúc, mở ra khả năng miêu tả, tự sự, suy lý, kể lể, làm cho thơ gần gủi với tiếng nói hàng ngày, những điều mà câu thơ ý tượng không thể có được.
Phong trào thơ Mới (1932-1945) là cuộc cách tân thơ vĩ đại nhất thời hiện đại, nó đã hiện đại hoá thơ Việt, đem thơ Việt hội nhập cùng thế giới, sáng tạo ra toàn bộ những thể cách của thơ Việt hiện đại. Nguyễn Bính là một kiện tướng trong phong trào ấy, có đóng góp đặc sắc, để lại dấu ấn không phai mờ. Hôm nay trong không khí kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Bính, tôi muốn nhìn lại đống góp và vị trí của ông trong phong trào thơ lớn đó.
Trước hết, Nguyễn Bính là nhà thơ tài hoa, sáng tác thơ mới rất sớm. từ năm 1937, ông 19 tuổi, tập Tâm hồn tôi của ông đã được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn, và thành danh rất sớm từ đó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thơ Nguyễn Bính quê mùa, sử dụng nghệ thuật của ca dao, lời ăn tiếng nói mộc mạc (Hoài Thanh), không có thi pháp (Thụy Khuê)… Thiết nghĩ đó chỉ là nhận xét bề ngoài. Thành tựu tiêu bỉểu nhất  của Nguyễn Bính là ông góp phần chuyển câu thơ Việt truyền thống thành câu thơ điệu nói hiện đại, một nguyên tắc thi pháp rất mới mà thơ truyền thống còn mờ nhạt. Nguyễn Bính đã sáng tác câu thơ điệu nói ở trong tất cả các thể lục bát, bảy chữ một cách phổ biến, tự nhiên và mới mẻ. Thơ bảy chữ như Những bóng người trên sân ga, Người mẹ, Cô lái đò, Thơ lục bát như Chờ nhau, Người hàng xóm, Lỡ bước sang ngang… Đó không còn là ca dao, cũng không còn là thơ truyền thống.mà đích thị là thơ Mới bởi điệu nói, tính cá thể và cấu trúc lời nói. Cái mới của nó trước hết là điệu nói như một nguyên tắc thẩm mỹ. Nó phát hiện vẻ đẹp của lời nói, chủ trương mô phỏng lời nói thông thường. Thơ điệu nói hướng tới tái hiện giọng nói, tiếng nói của những con người cụ thể trong hoàn cảnh cá biệt, cụ thể. Tiếng nói của người yêu, người mẹ, người chị, của người quan sát, người kể chuyện, tiếng nói thầm trong tâm hồn. Tâm hồn tôi là tập thơ xôn xao đầy tiếng nói thầm của tâm hồn. Đây là tiếng nói của người mẹ dỗ con giái đi lấy chồng trong bài Người mẹ: “Gái lớn ai không phải lấy chồng! Can gì mà khóc, nín đi không! Nín đi, mặc áo ra chào họ! Rõ quý con tôi. Các chị trông! Ương ương, dở dở quá đi thôi! Cô có còn thương đến chúng tôi! Thì đứng lên nào, lau nước mắt! Mình cô làm khổ mấy mươi người!” Cả ba khổ thơ đều là thơ bảy chữ, đúng vận luật, nhưng tất cả đều là lời nói, không còn chút hơi hướng cổ phong cổ luật nào. Đây là lời người con gái nói thầm với người yêu đang hò hẹn trong bài Chờ nhau (còn gọi là Lẳng lơ): “Láng giềng đã đỏ đèn đâu, Chờ em chừng giập miếng trầu em sang, Đôi ta cùng ở một làng, Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh, Em nghe họ nói mong manh, Hình như họ biết chúng mình với nhau…” Vận luật đúng là thơ lục bát chuẩn, nhưng đây là lời tâm tình của cô thôn nữ với người yêu mà cô nàng biết chắc người tình đang sốt ruột. Đây là lời của người chị gái nói những lời như trăng trối với em mình khi đi theo một hôn nhân ngang trái trong Lỡ bước sang ngang: “Em ơi em ở lại nhà, Vườn dâu em đốn mẹ già em thương. Mẹ già một nắng hai sương, Chị đi một bước trăm đường xót xa…” Bài Người hàng xóm tái hiện một cuộc đối thoại thầm với chính mình để xem mình có yêu nàng hay không. Lý trí thì bảo không yêu mả trái tim thì thú nhận “Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng.” Cái lý sự trách cứ người yêu chỉ có điệu nói mới thể hiện được : “Bảo rằng cách trở đò giang, Không sang là chẳng đường sang đã đành. Nhưng đây cách một đầu đình, Có xa xôi mấy mà tình xa xôi” (Tương tư). Và khi cô đơn người ta càng có nhu cầu đối thoại, dù là với chính mình như là kẻ khác. Ví dụ như bài Nhớ: “Gieo thoi, gieo thoi lại gieo thoi, Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi, Thoi ạ làm sao thoi lại cứ,  Đi về giăng mắc để trêu tôi?” Câu thơ Nguyễn Bính đầy lời than, câu hỏi, kể lể, lý sự. Cái duyên, cái đặc săc của thơ Nguyễn Bính bắt nguồn từ lối thơ giọng điệu, thơ của tiếng lòng, tiếng người. Những lời tâm sự, lời thủ thỉ, tiếng nói thầm, lời phân trần, giải bày, lý sự. Đó là nguyên tắc thi pháp số một của ông. Nguyễn Bình thích làm thơ không phải bằng hình ảnh, bằng ngôn từ đối chọi, kỳ khu, tương phản, màu sắc, không bằng lời đúc, lời đắt như thơ cổ, mà bằng giọng nói, bởi vì ông yêu tiếng nói, thích nghe giọng nói, bởi giọng nói là tiếng của tâm hồn, vừa có vẻ đẹp tâm hồn, vừa có vẻ đẹp ngôn ngữ, âm điệu, ngữ điệu, tình cảm, cho nên có khi dài dòng, lắm lời một tí cũng không quan ngại. Ta hiểu vì sao thơ Nguyễn Bính có nhiều bài lắm lời. Ví như Viếng hồn trinh nữ. Thơ không còn có tính hàm súc nữa, mà có tính kể lể. Các tiêng nói ấy dệt thành “Tâm hồn tôi”. Là thơ tiếng nói, hầu như không bài nào không xuất hiện trực tiếp cái tôi chủ thể giao tiếp, hoặc đại từ  xưng hô như chị, em, anh  dưới dạng cái tôi trữ tình nhập vai. Thơ trữ tình của Nguyễn Bính, như ta thấy,  không thuần túy trữ tình, mà thường kèm theo yếu tố tự sự có tính truyền thống. Tự sự thông qua những sự tình. Đó là lối thơ “tự tình” (cách gọi của học giả Đặng Thai Mai trong Giảng văn Chinh phụ ngâm [v]), tức là trữ tình bằng cách kể ra một câu chuyện, kể lể những nối niềm, những sự tình. Đây là điều tất yếu, bởi vì muốn làm thơ bằng lời nói, tiếng nói, mà không phải bằng cấu trúc của bản thân câu thơ, thì phải có chuyện, có chuyện thì lời thơ mới nương theo sự tình mà phát ra. Lời thơ là lời giải bày trước sự kiện (sự tình) trong thơ. Có thể nói đây là nguyên tắc thi pháp thứ ba của thơ Nguyễn Bính, nó làm cho thơ ông có tính chất thơ ballade. Ví dụ như bài Chân quê, trong đó có câu chuyện em đi tỉnh về rồi em thay đổi, và tôi bày tỏ cảm xúc trước sự thay đổi ấy. Bài Lỡ bước sang ngang mượn lời người chị dặn dò người em, nhưng trong đó hàm chứa một câu chuyện về sự ngang trái đời chị. Bài Giối giăng hàm chứa một bi kịch. Bài Cô lái đò, bài Viếng hồn trinh nữ mỗi bài cũng có một câu chuyện. Câu trúc thơ trữ tình có yếu tố chuyện vẫn giữ tính chất điệu nói, mà trữ tình kín đáo, mềm mại. Vừa kể chuyện vừa trữ tình cho nên nhiều khi nhà thơ có thể tạo cảm giác hơi nhiều lời, dài lời với cảm xúc của mình. Và lời nói có khi gây ấn tượng câu thơ chưa hay trong cảm nhận của lớp độc giả đầu tiên, khi Nguyễn Bính chưa được tôn xưng thành “đỉnh cao” thơ Mới. Không phải ngẫu nhiên mà khi mới xuất hiện, nhiều người có ý chê thơ Nguyễn Bính non nớt. Thạch Lam thay mặt Hội đồng giám khảo Tư lực Văn đoàn nhận xét về tập Tâm hồn tôi như sau: “Tâm hồn tôi là một tập thơ không đều, nhưng cũng đặc sắc. Ông Bính có một lối văn rất lưu loát, có những màu sắc và ý tứ hay... Ông lại có một lĩnh hội tự nhiên về điệu, là một sự rất cần cho người làm thơ. Ông là một văn sĩ còn trẻ, (…,) và hãy còn vụng về trong diễn giải những tính tình ngây thơ của mình. Tâm hồn tôi có những bài hay, có vẻ riêng, nhưng những bài hay ấy ít quá, (cũng vì lẽ ấy mà Hội đồng không tặng thưởng) bên cạnh những bài xoàng, vụng về và non nớt.”[vi]  Trong một đoạn ngắn mà Thạch Lam đã nói hai lần từ vụng về, non nớt, trẻ, đủ biết người đọc đương thời có thể chưa quen với điệu nói của thơ ông. Ông Phạm Mạnh Phan  bình phẩm tập Hương cố nhân, sau khi khen thơ đã chê rất nhiều câu dở, câu non nớt, câu buồn cười, có tính vè [vii], những những câu ấy xét ra chúng đều là thơ bình thường của Nguyễn Bính. Ví dụ câu: “Sông Thương cách mấy tiền đò,  Chợ Hoàng họp đến bao giờ mới tan?” Một câu hỏi lửng lơ rất Nguyễn Bính, chẳng có gì non nớt. Hay câu thơ bảy chữ: “Nhớ nhung trắng xóa cả mây trời, Trắng xoá hồn tôi, ai nhớ tôi?” Không thể nói là không có chất thơ, bởi chất thơ bây giờ không ở chữ dắt, chữ kêu, chữ đúc, như thơ cổ, mà là chất thơ điệu nói. Hoài Thanh và Hoài Chân coi thơ Nguyễn Bính là quê mùa, với nghĩa là chứa đựng hồn xưa của dất nước như ca dao. Nhưng Hoài Thanh cũng đã thấy Nguyễn Bính “không còn quê mùa nữa” khi ông viết: “Đã thấy xuân về với gió đông, Với trên màu má gái chưa chồng,  Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm, Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong”. Hai chữ “với” mang dấu vết của cách nói Pháp với từ “avec”, câu cuối trước cụm từ “đôi mắt trong” cũng có ẩn chữ “avec”ở trong đó. Hoài Thanh chê Nguyễn Bính ở chỗ ông không thuần tuý ca dao mà lại “chen vào một đôi lời quá mới” khiến người đọc cảm thấy lố lăng, khó chịu như nhìn thấy những cái bóng điện trên bàn thờ Phật ở trong chùa. Ngày nay thì hầu hết bàn thờ Phật đã đều thắp bóng điện, cho nên chúng ta không ai còn thấy cảm giác lố lăng trong thơ Nguyễn Bính nữa. Cái mới đây lại có vẻ Tây. Lẽ ra phải viết “Với màu trên má gái chưa chồng”, thì ông viết “Với trên màu má gái chưa chồng”. Trên màu không có nghĩa. Phải nhận rằng Hoài Thanh rất tinh, nhận ra “cái lố lăng” trong câu này, nhưng đồng thời ông cũng đã đem con mắt ca dao để đọc Nguyễn Bính, mà chưa đọc ông như nhà thơ Mới. Ngay thời ấy, vẫn có người không thấy lố lăng, đó là Thế Lữ. Ông thấy ở đây có cách nói bông đùa, ởm ờ đáng yêu [viii]. Ngày nay độc giả đọc câu này có lẽ không mấy ai cảm thấy lố lăng khó chịu vì mấy câu khổ đầu trong bài thơ Xuân về vừa dẫn, mặc dầu nó trái với cách nói thuần Việt, nhưng người ta cũng chấp nhận một số cách nói có phần lai. (Ví dụ Xuân Diệu: Hơn một loài hoa đã rụng cành, Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh). Như thế thơ điệu nói cho phép đem vào thơ những cách nói mới. Đặc điểm thi pháp thứ tư là thơ điệu nói tạo điều kiện trực tiếp bộc lộ cái tôi của chủ thể trữ tình. Hoài Thanh trong bài Một thời đại trong thi ca từng nhận xét, thơ mới đổi mới thơ để thoả mãn cái “khát vọng được thành thực”. Thơ Nguyễn Bính đã làm được điều đó khi trong thơ cái tôi đã công khai tỏ bày sự ích kỷ của mình trong tình yêu, một điều mà thông thường người ta muốn che giấu. Ví dụ như trong bài Ghen, nhà thơ viết: “Cô nhân tình bé của tôi ơi, Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười, Những lúc có tôi , và mắt chỉ Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi… Tôi muốn làn môi cô thở nhẹ, Đừng làm ẩm áo khách chưa quen,  Chân cô in vết trên đường bụi, Chẳng bước chân nào được giẫm lên.  Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi, Thế nghĩa là yêu quá mất rồi, Thế nghĩa là cô và tất cả, Cô, là tất cả của riêng tôi”. Có người không thích cái lý sự dài dòng lủng củng trong mấy câu thơ đó, nhưng đó là cái nét rất “tôi” mới chưa từng có của thơ điệu nói bảy chữ. Biểu hiện thứ hai của cái tôi là sự ngập ngừng, sự tự ngộ, tự tỉnh ra khi người ta biết nhìn vào tâm hồn mình. Câu chuyện ballage của Nguyễn Bính là câu chuyện thầm kín ở trong lòng. Cái tôi chỉ có khi nhà thơ nhìn sâu vào tâm hồn mình để nhận ra sự cô đơn và bất lực hoặc nhận ra sự khác biệt giữa mình và người khác, giữa anh và em. Bài thơ Chân quê mà nhiều người coi là tuyên ngôn chân quê của nhà thơ, theo tôi thiểu nghĩ thì “chân quê” cũng chỉ là một cái cớ để nhà thơ thất vọng đối với người yêu của mình, là sư bất lực cô đơn giữa một triều lưu đang thay đổi. Thơ Nguyễn Bính đầy những môtiv  như giấc mơ, sự đợi chờ, sự thất vọng, sự lỡ làng, lỡ hẹn, lỡ duyên, sự phân lý, cái chết, tiếng than, tiếng khóc, sự dối lòng, sự chán chường, con thuyền không bến, giối giăng, hờn ghen… Các motiv ấy làm nổi bật thêm cái tôi cô đơn, lạc lỏng, lạc loài trong bài thơ. Trong đó cũng có nhiều môtiv cũ truyền thống như lời than, lời khóc. Ở đây thể hiện cái mạch truyền thống mà thơ Nguyễn Bính tiếp nổi, đó là yếu tố của chủ nghĩa cảm thương.
Chúng tôi đã chứng minh sự hiện diện của khuynh hưỡng cảm hương chủ nghĩa trong văn học cổ Việt Nam bắt đầu từ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Truyện Kiều cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX cho đến văn học đầu thế kỷ XX với  Cảm thu tiễn thu của Tản Đà, Giọt lệ thu của Tương Phố và đến Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang. Cảm hứng cảm thương xuất hiện trong văn học khi phát hiện thấy những giá trị tươi đẹp cá biệt của cuộc đời thường như tình yêu, tuổi trẻ, con người bỗng nhiên bị hủy diệt oan uổng bởi duyên phận hay cơ chế xã hội mà con người cá nhân bất lực, không thể bảo vệ được. Chủ thể trức tình đối diện với hư vô, mất mát, cô đơn, phi lý và khóc than, thương tiếc cho bản thân mình và sự bất lực của mình, khơi mãi vào sự mất mát không thể bù đắp được. Cảm hững cảm thương là sự khẳng định các giá trị nhân đạo, nhân bản của con người. GS Hà Minh Đức gọi đó là điệu than trong thơ Nguyễn Bính có cội nguồn dân ca [ix]. Điệu than này không chỉ có từ dân ca, mà có từ trong văn học cổ điển. Thơ Nguyễn Bính không phải toàn là điệu than và xin phân biệt điệu than với câu thơ điệu nói. Điệu tham là giọng điệu của cảm hứng còn câu thơ điệu nói là hình thức cấu tạo của câu thơ Mới, giữa hai phương diện này không phải lúc nào cũng chập làm một. Thơ Nguyễn Bính đã than cho cuộc đời dang dở, thân phận bấp bênh, cô đơn, than cho cái chết. Cảm thương là một cảm hững rất đặc trưng cho thơ Mới.
Thơ điệu nói là loại thơ mở đường tới thơ tự do hóa, thoát khỏi thơ luật, thơ ý tượng để đi tới chất văn xuôi. Giữa thơ điệu nói với lời nói luôn có một lực căng rõ rệt, nếu bài thơ toàn nói hẳn thì có khi mất thơ, mà luật hóa thì cổ cựu, vần hóa thì trở nên vè. Điệu nói là yếu tố khắc phục những ràng buộc của vận luật.
Một vấn đề nổi lên là thơ điệu nói của Nguyễn Bính bị chê là có tính vè. Vũ Ngọc Phan nhận xét thơ Nguyễn Bính là “nhiều câu của ông gần như vè, thật thà như hai lần hai là bốn”. Lương Đức Thiệp trong Việt Nam thi ca luận cũng có quan điểm tương tự [x]. Như trên đã nói, duyên dáng Nguyễn Bính là duyên dáng điệu nói, mà có phần vè hoá cũng ở điệu nói. Chính vì thiên về vè hoá mà sau này nhà thơ Nguyễn Bính dễ dàng làm thơ tuyên truyền cổ động theo các đề tài thời sự. Đóng góp của Nguyễn Bính cho cách mạng là không nhỏ, nhưng đóng góp cho thơ thì có hạn chế.
Địa vị của câu thơ điệu nói trong lịch sử thơ ca là câu chuyện cần nghiên cứu sâu. Theo V. Girmunski trong bài phê bình B. Eikhenbaum, câu thơ điệu nói của Anna Akhmatova xuất hiện đã thay thế câu thơ của phái tượng trưng Nga chỉ tôn sung nhạc tính. Câu thơ của Maiacovski đã đưa ngôn ngữ đường phố và thơ. Ở Việt Nam, sau thơ Mới, thơ Xuân Thu nhã tập có xu hướng đi về phía tượng trưng, sung thượng chất nhạc và ấn tượng mơ hồ, siêu thực, câu thơ điệu nói bị phủ định trong bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh. Nhưng sang giai đoạn thơ kháng chiến chống Mỹ, khuynh hướng thơ tự do gia tăng, câu thơ điêu nói  biến hoá đa dạng, không theo khuôn khổ như thơ Mới. Trong thơ Tân hình thức, câu thơ điệu nói đã bị đưa vào khuôn khổ, nhưng gia tăng chất điệu nói.
Tóm lại, Nguyễn Bính là nhà thơ Mới tiêu biểu, với những bài thơ lục bát, bảy chữ điệu nói tài tình, ông đã biểu hiện nhiều tiếng nói thân thuộc gần gủi với dạng thưc cái tôi mới mẻ, trong hình thức tương tự ballade như nhiều tác giả thơ mới đương thời và có khuynh hướng cảm thương. Thơ điệu nói của Nguyễn Bính linh hoạt mềm mại, song cũng có chõ dài dòng và dễ lẫn với ca vè, làm giảm sút sức mê hoặc.


Chú thích:
[i] Một vài ví dụ về thơ điệu nói Trung Quốc thừi Ngũ Tứ: Quách Mạt Nhược: “Tôi là con chó trời, Tôi nuốt mặt trăng, Tôi nuốt mặt trời, Thế tôi là tôi”; Văn Nhât Đa: “Tôi đến dây, tôi hét lên, tuôn rơi máu mắt, Đây không phải là Trung Quốc của tôi, Không phải, không phải.” Thơ Vô đề của Băng Tâm: “Mầm xanh nói với bạn trẻ: Hãy tự lớn lên đi. Hoa trắng nhạt nói với bạn trẻ: Hãy hiến dâng bản thân. Quả xanh nói với bạn trẻ: Hãy hi sinh bản thân”. Hồ Thích: “Tôi không muốn có con, Mà con nó tự đến. Thế là chiêu bài vô hậu của tôi, Từ nay không treo lên được nữa.”
[ii] Xem Từ điển thuật ngữ văn học, nxb Giáo dục, Matscova, 1974, tr. 382
[iii] Говорной стих// Литературная энциклопедия: В 11 т. - [М.], 1929-1939. Т.2. - [М.]: Изд-во Ком. Акад., 1929. - Стб. 561. http://feb-web.ru/)
[iv] Xem Trần Đình Sử: Thi pháp thơ Tố Hữu và Những thế giới nghệ thuật thơ.
[v] Đặng Thai Mai, Giảng văn Chinh phụ ngâm, Khoa vưn ĐHSP Hà Nội xuất bản,
[vi]Trích theo Nguyễn Hữu Sơn Thơ Mới, những chuyện chưa bao giờ cũ. Nxb Văn học Hà Nội, 2017, tr.462.
[vii] Xem Nguyễn Hữu Sơn, tài liệu đã dẫn, tr. 467.
[viii] Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr. 344 - 345.
[ix] Hà Minh Đức, Nguyễn Bính - Thi sĩ của đồng quê, nxb  Thuận Hoá, 2015, tr. 46.
[x] Xem Nguyễn Hữu Sơn, tài liệu đã dẫn, tr. 479-485.
20/8/2018
Trần Đình Sử
 Theo https://trandinhsu.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...