Tết bên bờ Hiền Lương
Cho đến khi từ giã cõi thế, tôi sẽ không bao giờ quên những
giờ phút ấy, khi lần đầu tiên cho xe lăn bánh qua chiếc cầu phao công binh ta vừa
bắc nối liền hai bờ sông Hiền Lương để đi tiếp vào Nam, trên chặng đường Quốc lộ
1 quân đội Mỹ đã làm lại rất tốt từ Dốc Miếu trở vào nhưng lại bị bom đạn của
chính họ sau đó băm vằm, cày xới, tạo thành nhiều ổ voi ổ trâu trên mặt đường
lát thảm bê tông dày cộm tưởng không có súng đạn nào xuyên thủng nổi.
Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
chính thức được ký kết ngày 27-1-1973 tại Hội trường Kléber, Paris. Bộ trưởng
Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng
lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ
William P. Rogers và Tổng trưởng Ngoại giao Quốc gia Sài Gòn Trần Văn Lắm lần
lượt ký vào văn bản lịch sử.
Cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh)
Ảnh: Thắng GIS
Lúc này là 11 giờ trưa, giờ Paris.
Đúng vào thời khắc ấy, tức 17 giờ chiều tại Việt Nam do chênh
lệch múi giờ, tôi có mặt ở bờ bắc sông Hiền Lương.
Bốn hôm trước, ngày 23-1, qua thông tin nội bộ, biết hai nhà
thương thuyết Lê Đức Thọ và Kissinger đã ký tắt Hiệp định ngưng chiến sự, tiến
tới lập lại hòa bình. Vậy là sự kiện quan trọng cầm chắc sẽ diễn ra. Tuy nhiên,
nhiều người trong đó có tôi vẫn chưa thật tin, vẫn e ngại nhà cầm quyền Mỹ biết
đâu lại giở trò tráo trở lần nữa vào phút cuối, như họ từng làm ba tháng trước,
để rồi đất nước ta phải nghiến răng đối đầu và giành chiến thắng Hà Nội Điện
Biên Phủ trên không. Nhóm phóng viên đặc phái của báo Nhân dân - gọi thế cho
oai - gồm lái xe Nguyễn Văn Bân, hai nhà báo Phan Quang và Đỗ Quảng đã sẵn sàng
từ nhiều ngày trước. Chiếc xe dã chiến thô kệch và rất xóc vì lò xo thô cứng
nhưng mới tinh do nước ngoài viện trợ, cơ quan vừa cho người đi nhận về, ưu ái
dành cho những người ra tuyến trước. Lái xe là chiến sĩ Trường Sơn vừa chuyển
ngành, anh biết cách vượt lên qua những nẻo đường khó nhất. Đồ đạc gọn ghẽ trên
xe, xăng đã đổ đầy, chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ cho đến chín rưỡi tối hôm ấy,
giờ có buổi phát thanh thời sự của Đài BBC, để nghe tin xác nhận.
Nghe xong cái tin nóng về lễ ký Hiệp định Paris, không đủ
kiên nhẫn nghe tiếp bài bình luận tiếp ngay sau đó, tài xế cho xe nổ máy luôn.
Ba anh em giã từ phố Hàng Trống trong ánh điện sáng lờ mờ. Để cho chắc bụng khi
bươn chải suốt đêm nay trên đường, chúng tôi tạt sang đầu ngã tư giao điểm các
phố Hàng Bông, Hàng Gai - Hàng Trống, Hàng Hòm, nơi có hiệu phở đêm nổi tiếng
ngon thời ấy, gọi bác chủ hiệu cho anh em mỗi người một bát phở bò “thật đặc biệt
vào” - một “bát phở Hàng Hòm” chưa bao giờ ngon đến thế, như lời của Nguyễn Văn
Bân - rồi lên xe chạy cho đến sáng mới tới được thành phố Vinh. Cơ quan lãnh đạo
tỉnh Nghệ An vừa chuyển từ nơi sơ tán ở mạn Đô Lương về đây mới có mấy ngày. Đến
Nhà Giao tế (nhà khách) của tỉnh, thấy tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục
Hậu cần. Ông vào đây từ mấy hôm trước để tiện chỉ đạo việc chuẩn bị sẵn sàng và
chuyển tiếp quân lương, hàng hóa vào Nam ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực.
Nghỉ một lát, ăn bát cháo lươn Nghệ An lót dạ, xin Văn phòng tỉnh cho thêm một
ít xăng (cái phuy 200 lít dự phòng vẫn giữ nguyên), chúng tôi bôn luôn vào
Vĩnh Linh túc trực, chờ đón giờ G.
Giờ G. là giờ Hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Từ giờ ấy trở
đi, hai bên phải ngưng tiếng súng. Giờ G, theo hiệp định là 24 giờ GMT ngày
27-1-1973. Do chênh lệch múi giờ, thời điểm ấy tại Việt Nam vào bảy giờ sáng
hôm sau, 28-1-1973 (tám giờ sáng tính theo giờ Sài Gòn1). Hôm đó vào chủ nhật,
âm lịch nhằm ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Tý. Tết cổ truyền sắp đến nơi. Vào thời
điểm này, tôi vẫn thực lòng ảo tưởng, chúng ta đang sống những giờ chiến
tranh cuối cùng và những giờ hòa bình đầu tiên của đất nước quý yêu,
như đã viết một bài ghi nhanh dùng đầu đề ấy gửi về Hà Nội và đã được
trang trọng in lên trang đầu báo Văn nghệ. Thực tế hoàn toàn không phải
vậy, ít nhất là ở trên đôi bờ sông Hiền Lương và dải đất Quảng Trị quê hương tôi
lúc này.
Tết đã cận kề. Song người dân và chiến sĩ trên hai bờ sông Hiền
Lương và cả tỉnh này không có ai bụng dạ nào nghĩ đến Tết. Có chăng là những
anh bộ đội hậu cần tất tả chạy bữa cơm liên hoan không thể thiếu cho đơn vị
nhân dịp có cái vui kép sắp tới: ngừng bom đạn và mừng Tết đón xuân. Và những
anh lái xe tuổi đời trẻ măng mà dày dặn gió sương cẩn thận cho xe leo men các hố
bom, vượt qua những chặng đường khó, đi tiếp vào Nam. Những chuyến xe nhẹ tênh
so với những chuyến thường ngày chuyên chở súng đạn, quân trang, bởi lần này chất
trên các xe đều chất những cái hòm cồng kềnh nhưng nhẹ cân đựng thịt hộp, thuốc
lá, chè hương, mứt kẹo..., các thùng hàng cao lù lù vượt quá nóc ca bin, quà Tết
của hậu phương lớn gửi bộ đội ta ở chiến trường đấy, phải cố làm sao mang vào tận
nơi cho anh em kịp nhận các món quà vui trước giờ Tết đến.
Thị trấn Cửa Việt (Gio Linh)
Ảnh Thắng GIS
Những ngày cuối cùng trước khi đến giờ G ngừng bắn ấy, tiếng
bom, tiếng đạn khi gầm rú khi ậm ì vẫn từ phía nam dội lại, vang không
gian hai bờ sông Bến Hải suốt
ngày suốt đêm. Dù đang ở phía bắc sông Hiền Lương, nơi đây cũng khá xa đường giới
tuyến, tai chúng tôi vẫn thường xuyên có tiếng ù ù, rồi dần dần gần như điếc hẳn
do tác động tiếng bom rơi, đạn đại bác nổ khi xa khi gần nhưng không một lúc
ngơi. Trận đánh giành quyền làm chủ cảng Cửa Việt và vùng đồng bằng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng đang
diễn ra cực kỳ quyết liệt. Máy bay B52 của Mỹ vớt vát chút thời gian còn lại của
họ giội xuống đất nước Việt Nam ta những đợt bom cuối cùng, chẳng mấy khác những
người đi dự hội làng tranh nhau cướp chút lộc thánh trước khi hội rã đám. Đêm
cuối năm trời tối mịt, trừ những lúc những lóe sáng hoặc hửng rạng như sắp tới
lúc bình minh chấp chới ở mọi phía chân trời, cách nơi tôi nghỉ không xa lắm. Hửng
rạng do lửa bom và ánh đèn dù của địch lửng lơ trên bầu trời. Hửng rạng bởi đạn
pháo lớn và ánh đèn xe vận tải chở lính, chở đạn của quân ta soi rọi các nẻo đường
miền núi, vùng xuôi. Dù không phải là nhà binh, chúng tôi và cả những người dân thường Vĩnh Linh đều
phân biệt được tiếng đại bác vừa nổ là của bên này hay của bên kia; đêm nay phần
lớn là tiếng đạn pháo 130mm của quân ta bắn cấp tập từ dãy Trường Sơn về bờ nam
Cửa Việt, bắt đầu có tiếng đạn đề pa (départ) xa xôi, chờ mấy chục giây sau sẽ
có tiếng nổ lớn, cũng khá gần nơi chúng tôi nghỉ lại, như vậy là viên đạn pháo
đã rơi xuống đúng mục tiêu; các loạt đạn pháo lớn cứ cái nhịp ấy mà lặp đi lặp
lại hoài.
- Chắc pháo miềng (mình) bắn trúng kho bom hắn rồi
đó.
Trong túp lều xơ xác không ánh đèn lửa tôi nghỉ nhờ qua đêm
hôm ấy, ở gian bên, có một bà mẹ già cũng không ngủ. Đêm đã khuya, mẹ vẫn ngồi
yên trong bóng tối nghe tiếng bom rơi đạn nổ và ngước nhìn với lên những ánh
lóe sáng trên trời. Một đợt pháo bắn dồn, ánh pháo rạng bầu trời đêm đã tắt,
tai mọi người vẫn còn nghe những tiếng pháo nổ rền kéo dài cả vài phút sau. “Lần
này chắc chắn là tiếng pháo miềng (mình) bắn trúng kho bom hắn đó”
- mẹ lầm bầm mình nói với mình trong đêm.
Nam Cửa Việt, nơi đầu tư bến cảng
640 tỷ đồng. Ảnh: Thắng GIS
Chuyện trò với mẹ, tôi mới hay mẹ không phải người đất Vĩnh Linh này mà
cũng vừa mới từ Triệu Phong, từ cái vùng “có nhiều kho đạn của hắn” mà mẹ
vừa nhắc đến ấy, chạy ra đây lánh đạn mới mấy hôm trước thôi. Còn những người
dân gốc Vĩnh Linh, trừ đàn ông đàn bà khỏe mạnh, đủ sức bám trụ và chiến đấu tại
chỗ, tất cả bà già, trẻ nhỏ, người hay đau yếu đã được chính quyền ta cho chuyển
ra vùng Nghệ An, Hà Tĩnh tránh đạn bom hết cả rồi. Mẹ cho biết tên mẹ gọi là bà
Tôn, sổ tay tôi ghi cụ thể người quê làng Phú Liêu, năm nay đã bảy mươi hai tuổi.
“Sang năm mẹ lên bảy mươi ba, đúng năm con Trâu năm tuổi của mẹ, không biết mẹ
có sống qua được cái Tết này để còn trở về làng với bà con xóm mạc, cho con
cháu ăn mừng tuổi thọ hay không. Mẹ là người làng Phù Liêu, vùng Phù Liêu - Bồ
Bản ấy mà, chú đã từng đi qua mấy làng nớ lần mô chưa?” - Mẹ hỏi.
- Bom đạn dữ quá cho nên mẹ không ngủ được? - Tôi không đáp
mà hỏi lại mẹ.
- Có phải tại rứa mô! Mọi hôm, ở làng quê, mặc cho súng đạn nổ
chi thì nổ, hễ đặt lưng xuống giường là mẹ ngáy luôn. Đêm ni không biết tại
răng lòng dạ mẹ cứ bồn chồn, ngồi đứng không yên... Bởi có nghe mấy anh cán bộ
nói sang ngày mai là hòa bình rồi. Có thiệt rứa không, có đúng rứa không hở
chú, có đúng là sáng sớm mai hòa bình?
- Dạ thưa mẹ, chắc chắn đêm nay là đêm cuối cùng của chiến
tranh đây!
Tôi thưa với mẹ mà cũng để trấn an mình. Bởi miệng nói vậy
nhưng lòng không hẳn nghĩ vậy, người bỗng dưng áy náy, hình như tiếng súng tiếng
đạn dồn dập khiến tôi bắt đầu nghi ngờ những điều mình vẫn nghĩ, vẫn tin và
đang nôn nao chờ đợi: Mai là ngày đình chiến, hòa bình trở lại! Lúc này đêm đã
khuya lắm, coi như đã sang ngày khác, đã gần tới sáng rồi, mà tiếng súng to
súng nhỏ, tiếng bom rơi đạn nổ vẫn rền trời, chấn động không gian và làm rung
chuyển mặt đất. Tiếng đạn bom làm tôi chợt “ngộ” ra: hòa bình thật sự, hòa
bình lâu dài như tôi và mọi người mong muốn ngày mai đây chưa thật sự đến đâu,
ta đừng có lạc quan tếu sớm quá. Và thời cuộc rồi sẽ diễn ra đúng như dự cảm của
tôi, đất nước ta phải chờ những hai năm nữa mới đến ngày thật sự hòa bình.
Không phải do tôi quá mê muội mà chính tại lòng mình nôn nóng, tôi và không ít
người đã lẫn hai khái niệm: ngừng bắn và hòa bình. Như để góp phần xóa cái lạc
quan tếu của chúng tôi, cũng như thể đang tranh giành với tiếng đạn bom, lời ca
điệu nhạc từ các loa phóng thanh công suất lớn vẫn tiếp tục vang lên bài hát của
nhạc sĩ Huy Du phổ thơ Xuân Sách; suốt cả đêm nay hầu như các loa tại vùng này
chỉ phát mỗi một ca khúc ấy, lúc nào cũng vẫn lời ca điệu nhạc ấy vang rền
không ngưng nghỉ, lặp đi lặp lại hoài như thiết tha giục giã mọi người hãy cùng
lòng ghi nhớ:
Ta đi qua phố qua làng
Ngọn đèn sáng dẫn đường ta đó...
Ôi những đỉnh núi mây mờ xa tắp
Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc
Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên...
Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên!
Giai điệu ấy, lời ca ấy khắc sâu vào con tim tôi không chỉ bởi
nó hay, nó xúc động, gợi cảm mà còn tại nó vang lên đúng lúc đúng nơi. Từ đêm
cuối năm ấy cho đến tận hôm nay, sau gần sáu chục năm, cứ mỗi lần nghe từ bất cứ
đài phát thanh nào mấy nốt nhạc dạo quen thuộc mở đầu ca khúc ấy của Huy Du,
trong tâm thức tôi lại hiện lên rành rành tiếng đạn bom và những vệt sáng, những
vùng rạng tại giới tuyến Vĩnh Linh vào những đêm cận kề Tết Quý Sửu 1973, “đêm
nay không biết tại răng mà lòng dạ mẹ cứ bồn chồn!”, như lời mẹ Tôn nói…
Sáng hôm sau, 28-1-1973, sáng yên bình đầu tiên tại vùng giới
tuyến này - ít nhất cũng yên bình trên nguyên tắc - tất cả chúng tôi có mặt sớm
ở đầu cầu phao, về mạn Bắc, dự lễ thượng cờ Tổ quốc. Cây cột vừa được công binh
dựng lại đêm hôm qua trên vị trí cũ, dù không được cao bằng cột cờ đã gãy gục
vì đạn bom, vẫn trang trọng đàng hoàng. Lá cờ đỏ sao vàng lớn sáng nay là một
lá Quốc kỳ mới tinh khôi còn nguyên nếp gấp, nghe nói vừa được đưa từ Hà Nội
vào, chứ ở đất Vĩnh Linh vào thời buổi này, tìm đâu ra đủ vải đỏ vải vàng để làm
nên lá cờ hoành tráng tới mức ấy. Tôi tranh thủ hỏi và ghi tên ba chiến sĩ công
an giới tuyến được trao vinh dự sáng nay kéo lá Quốc kỳ lên ngọn cột cờ, được
bình chọn từ những người có công lao xuất sắc hơn cả tại đồn công an này suốt
thời gian qua. Người được vinh hạnh tự tay kéo lá Quốc kỳ lên ngọn cột tên là
Phạm Văn Hỷ, người xã Vũ Anh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Anh vừa được kết nạp
Đảng tại đầu cầu này một tháng trước, vào những ngày đêm đạn bom ác liệt nhất.
Hai chiến sĩ đứng nghiêm hai bên, trịnh trọng đưa tay lên chào, là Nguyễn Tân
người Nghệ An và Hà Đức Trị quê Thanh Hóa.
Phạm Văn Hỷ, Nguyễn Tân, Hà Đức Trị, xin mọi người hãy nhớ
cho, xin chớ bao giờ quên danh tính của họ.
Đúng bảy giờ sáng giờ Hà Nội, tức tám giờ sáng giờ Sài Gòn,
không sớm hơn một phút, chiếc xe con chở Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sĩ Thản (bí danh
Thành) lăn bánh qua cầu. Chiếc xe dã chiến chở ba anh em chúng tôi là chiếc thứ
hai, bám sát xe bí thư. Lái xe Nguyễn Văn Bân vốn có kinh nghiện, anh cho xe
mình đi đúng vệt của những bánh xe lăn trước. Chiếc cầu phao lát ván rập rình
dưới bánh xe lăn, lúc hơi nổi lên lúc như trầm xuống, khi nhanh khi chậm tùy tốc
độ xe, tôi nghe mà tưởng như tim mình đang đập loạn nhịp. Dù vậy vẫn hào hứng
nói với Đỗ Quảng: Xe chúng mình là chiếc thứ hai qua cầu vào Nam sau ngày đình
chiến đó, và đây là đất của tỉnh Quảng Trị quê mình, cậu hãy nhớ kỹ nghe!
Những lá cờ sao vàng trên nền hai màu đỏ, xanh của Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam đã mọc lên khắp nơi, trên các căn hầm hay túp lều
còn sót lại, trong thôn xóm, ven đường đi, đầu nóc những chiếc xe tải và cạnh
tay lái những chiếc xe gắn máy nhãn hiệu Honda. Ngoái nhìn trở lại phía bờ bắc
sông Bến Hải, nơi có đồn Công an biên phòng, thấy lá cờ đỏ sao vàng rộng đủ phủ
kín cả một ngôi nhà vừa mới kéo lên lúc nãy, sau cơn mưa lại tưng bừng phần phật
trong gió lộng từ biển Đông. Phía bờ nam sông, lá cờ của Mặt trận tuy có nhỏ
hơn một ít cũng đã được kéo lên trên cái cột hơi thấp hơn bờ bắc, bởi chưa có đủ
thời gian và cũng không thể tìm đâu ra vật liệu tại chỗ để dựng lên một cột cờ
cao và may một lá cờ tương xứng với sự kiện này. Cái cột cờ vốn treo cờ của
chính quyền Sài Gòn được đúc bằng bê tông cốt sắt cao chót vót và cực kỳ kiên cố
đã trúng bom đạn đổ nhào từ lâu, hiện vẫn nằm ngang phè vắt qua đường như vẫn
muốn chắn ngang Quốc lộ 1. Lớp xi măng bên ngoài thân cột vỡ nham nhở vì mảnh
bom và đạn bắn trúng, để lộ cái cốt thép san sát toàn những cây thép
to ghép sin sít vào nhau trông như một bó đũa sắt khổng lồ của ông Thần Chết!
Mùa đông Quảng Trị thường có nắng, mặt trời vừa lên chưa cao
mấy, mây mù đã tan hẳn. Dưới ánh sáng của ngày ngừng bắn đầu tiên, chiến tranh
càng phơi bày cái lõa lồ, xấu xí, ghê tởm của nó.
Căn cứ Cồn Tiên Dốc Miếu. Ảnh: Internet
Xe chúng tôi đã vượt qua được chặng Đường số 1 bị bỏ hoang dại
đã lâu từ bờ nam sông Hiền Lương vào cồn Dốc Miếu. Cánh đồng lúa hai bên con đường
này xưa kia nổi tiếng trù mật, mấy năm qua bị bỏ mặc cho cây năn, cây lác mọc rậm
rịt như tại những thung lũng ven sườn núi Trường Sơn. Từ đây xe chúng tôi bắt đầu
leo dốc, chồm chồm uốn lượn trườn qua những địa danh quen thuộc trên báo chí của
cả hai miền và báo chí thế giới những ngày đêm chiến tranh ác liệt vừa qua.
Xe lên tới được đỉnh Dốc Miếu rồi. Mấy quả đồi đất son lở
lói. Những bãi hoang dày đặc vỏ đạn đại bác 105, 155mm của địch; một số vỏ vẫn
tươi hơn hớn, sáng chóe màu vàng mạ, bên cạnh những đống vỏ đã hoen gỉ nhìn từa
tựa những ống bơ khổng lồ vứt ở cống rãnh lâu ngày, nhiều vỏ đạn bẹp được dân
công ta thu nhặt, tống xuống các hố bom, lấp tạm cho những chiếc xe tải bộ đội
ta lăn bánh lên trên.
Đây, cái vẫn được người Mỹ gọi rùm beng là “Phòng tuyến
McNamara bất khả xâm phạm”. Trước mắt tôi lúc này lổn nhổn những đống to đùng gạch
vụn nát và xi măng, vôi vữa khô, cùng những gì còn lại của một cái tôi đoán là
một ngôi nhà thờ đạo Thiên chúa. Và quả đúng như vậy, một ngôi nhà thờ đạo! Bên
cạnh đống gạch nát từng là giáo đường uy nghiêm, lúc này có một cô dân quân huyện
Gio Linh đeo khẩu súng trường đứng gác, ngay sát bên đống gạch vụn ấy. Cô cho
biết, đúng vậy thưa các anh, chỗ em đang đứng đây là cái nền nhà láng xi măng của
ngôi nhà gạch sát cạnh nhà thờ, xưa vốn dành là nơi ở của cha quản xứ vùng
này. Xác một chiếc xe tăng Mỹ to đùng vẫn nằm chình ình kia, tại một góc trước
cái vốn là nền nhà. Nhiều hố bom trở thành những cái ao nhỏ chứa nước đỏ ngầu
do trận mưa rào bất thường sáng sớm hôm nay cuốn trôi bùn đất đỏ bazan chung
quanh chảy vào những chỗ trũng. Tất cả những đống vôi vữa, đổ nát hoang tàn kia
phần lớn là “thành tích” của Không lực Hải quân Mỹ trong đêm qua đấy, họ đã quyết
tâm tranh thủ những giờ phút cuối trước giờ G ngừng bắn để hủy diệt nốt, hủy tận
gốc, cái nơi được các vị chỉ huy cao cấp nhất của nước Mỹ từng tâng bốc là bất
khả xâm phạm, sau khi những thứ bất khả xâm phạm ấy sa vào tay đối phương của họ
là “Việt Cộng” thì họ đã cố hủy diệt nhiều lần, và đêm nay tranh thủ hủy diệt nốt,
hủy diệt nhiều hơn nữa, hủy tới mức cao nhất những gì còn lại ngay trong đêm
qua, trước giờ G đình chiến!
Còn đây, Ngã ba Sòng. Chao! Cái Ngã ba Sòng
mà dân Quảng Trị chúng tôi hầu như ai cũng biết tiếng. Đơn giản chỉ vì xưa kia
gần đâu đây có một làng nổi tiếng về nghề làm bún. Cả tỉnh Quảng Trị đâu có
hàng bún, cầm chắc người chủ quán bún ấy là dân làng Sòng. Thôn An Xuân quê nhà
thơ Chế Lan Viên cũng ở gần đâu đây thôi, tôi ngồi trên xe nhìn quanh, chẳng biết
hỏi ai. Anh Hoan vẫn kể cho tôi nghe, hồi anh từ trong Huế nơi anh dạy học về
thăm nhà, mẹ anh vẫn tất tả sang bên làng Sòng mua bằng được rổ bún nóng mang về
đãi cậu con trai. Bây giờ chẳng là gì cả. Chẳng còn gì hết. Chẳng thấy xóm. Chẳng
thấy vườn. Chẳng thấy nhà. Chẳng biết đâu là đâu. Dĩ nhiên càng không có các bà
gánh hai thúng bún đi bán rong. Tất cả còn lại là một vệt đường mòn vắt qua dải
đồi nham nhở những hố bom, những hố bom, những đồng cỏ dại lỗ chỗ hố bom, những
đồi sim đồi mua cằn cỗi lỗ chỗ hố bom, những ruộng đồng hoang vu lỗ chỗ hố
bom...
“Sự tàn phá của chiến tranh không đâu giống đâu” - ai đó,
hình như là một nhà văn Xô viết từng thốt, câu ấy tôi đọc đã lâu, và “đạn bom
không có quốc tịch” - câu Nguyễn Ái Quốc viết trong truyện ngắn Paris nói
về hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 - 1918, nay chợt cùng hiện về
ngổn ngang sống động trước tầm mắt tôi kia. Mặc cho anh là người từng vào sinh
ra tử, mặc cho anh đã tận mắt chứng kiến bao cảnh đau thương, mặc cho anh từng
nghiên cứu trên thực địa hay nghiền ngẫm những cuốn sách dày cộp có minh họa về
tính năng phá hoại của các loại vũ khí hiện đại, về chiến lược chiến thuật xâm
lăng của các đội quân xâm lược, anh vẫn chưa hiểu biết gì nhiều về những sự tàn
ác của chiến tranh đâu nhé, thậm chí chưa hề biết chút gì mấy về sức công phá của
đạn bon thời hiện đại. Bởi những tàn phá chết chóc hoang tàn hiển hiện trước mắt
kia, đời người ở những xứ khác ngoài Việt Nam có mấy ai từng được nhìn thấy bao
giờ! Mà sức một phóng viên tầm tầm như tôi thì làm sao ghi chép hết, làm sao mô
tả cho được chuẩn xác vào lúc đang đi trên những nẻo đường này!.
27/4/2020
Phan Quang
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt
Theo http://xanhx.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét