Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Một công trình nghiên cứu giá trị về phong trào Thơ mới

Một công trình nghiên cứu giá trị 
về phong trào Thơ mới
Phong trào Thơ mới 1932-1945 là một trong những "ngọn Thái Sơn" của văn học Việt Nam. Sau giai đoạn phát triển vượt bậc “một ngày bằng mấy mươi năm” như lời Hoài Thanh nhận xét, thơ ca nước nhà đã có bước chuyển hóa về chất sau cả thiên niên kỷ khoác trên mình tấm áo trung đại. Phong trào Thơ mới, vì vậy là đối tượng nghiên cứu của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước trên nhiều phương diện khác nhau như: Tác giả, nhóm tác giả, khuynh hướng, trào lưu, thể loại, phong cách…
Vào những ngày cuối đông 2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm, Viện Văn học, cho ra mắt công trình “Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932-1945” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội), bổ sung thêm một góc nhìn mới về phong trào Thơ mới: Loại hình học. 
Sách gồm hai phần. Phần đầu, cũng là phần trọng tâm, có tính chất của một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh: “Loại hình thơ mới Việt Nam 1932-1945”. Phần thứ hai, “Những mảnh vỡ loại hình”, bao gồm những bài viết về một số tác giả trong phong trào Thơ mới đóng vai trò “minh họa” cho phần lý thuyết ở trên.
Trong mục I “Loại hình học văn học và loại hình thơ” và mục II “Nghiên cứu loại hình Thơ mới: Nhìn trong lịch sử” của phần đầu, Nguyễn Thanh Tâm lần lượt trình bày một cách có hệ thống các vấn đề loại hình học (lịch sử hình thành, các nguyên lý cơ bản, khả năng ứng dụng vào nghiên cứu thơ), lịch sử nghiên cứu phong trào Thơ mới từ trước đến nay. Đây là những mục có tính chất dẫn nhập, nhằm cung cấp cho bạn đọc những tri thức cơ bản của phương pháp nghiên cứu (loại hình học) và đối tượng nghiên cứu (phong trào Thơ mới) trước khi thâm nhập vào những kết quả đạt được ở các mục tiếp theo. Đây là cách trình bày vấn đề bài bản, khoa học, thường gặp ở những người làm nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng.
Để tìm ra những đặc trưng của phong trào Thơ mới dưới góc nhìn của loại hình học, Nguyễn Thanh Tâm đã so sánh, luận giải phong trào này với ba điểm quy chiếu khác nhau gồm: Thơ ca trung đại (tiền Thơ mới), thơ ca sau 1945 (giai đoạn hậu Thơ mới) và thơ ca các nước trong khu vực diễn ra trong khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20 (cùng thời điểm Thơ mới). Với việc đối chiếu, so sánh theo ba hướng quá khứ-hiện tại-tương lai, Nguyễn Thanh Tâm đã có những phát hiện, nhận định sắc sảo về phong trào Thơ mới. Những phát hiện, đóng góp này nằm chủ yếu ở mục III “Đặc tính kiểu tư duy loại hình Thơ mới 1932-1945” và mục IV “Cấu trúc kiểu tư duy loại hình Thơ mới 1932-1945”. Trong đó, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao phần 4 của mục III “Từ Thơ trung đại đến Thơ mới: Sự dịch chuyển của những đặc trưng loại hình”. Ở phần này, tác giả công trình đã đưa ra, luận giải và chứng minh hàng loạt luận điểm có tính chất phát hiện như: “Từ Thơ trung đại đến Thơ mới đã chứng kiến quá trình dịch chuyển từ tư duy, mỹ cảm siêu cá thể sang cá thể-một cá thể phát hiện ra chính mình trong cuộc hội ngộ với Tây phương” (tr.105); “Và cùng với sự xuất hiện của hệ giá trị cá nhân là quá trình dịch chuyển từ lớp biểu tượng cộng đồng sang biểu tượng cá nhân” (tr.107); “Tư duy và mỹ cảm Thơ mới phản ứng lại Thơ trung đại để duy trì quá trình dịch chuyển từ đặc tính quy ước của mỹ học đồng nhất sang tính phi quy ước cả mỹ học đối lập” (tr.109); “Kiểu tư duy Thơ mới là hình thái của một tiến trình dịch chuyển từ tư duy liên tục sang tư duy đứt đoạn biểu hiện trong vai trò của thao tác tư duy: Suy tưởng, liên tưởng và tưởng tượng” (tr.113); “Từ Thơ trung đại đến Thơ mới đánh dấu quá trình dịch chuyển của tu từ học trong ngôn ngữ thơ trữ tình Việt Nam” (tr.118). Đây là những luận điểm thể hiện rõ nhất dấu ấn của phương pháp loại hình, mang tính khu biệt giữa phong trào Thơ mới với các “thời đại thi ca” khác.
Những phát hiện khác cũng rất đáng chú ý được tác giả trình bày ở mục IV “Cấu trúc kiểu tư duy loại hình Thơ mới 1932-1945”. Đó là các phát hiện về mô hình kiến tạo nghệ thuật Thơ mới với hướng tư duy theo chiều ngang có tính nhị nguyên, phân cực về không gian, thời gian và con người (tr.144); Hướng tư duy theo chiều dọc với việc thay đổi quan niệm về thơ ở những khía cạnh thi pháp quan trọng như số lượng câu chữ, nhịp điệu, nhạc điệu, âm điệu… Nếu như những phát hiện ở mục III phản ánh khả năng khái quát, thâu tóm vấn đề thì những phát hiện dưới đây lại cho thấy sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng “chi tiết” của tác giả.
Ở phần hai cuốn sách “Những mảnh vỡ loại hình”, Nguyễn Thanh Tâm trình bày kết quả nghiên cứu của mình về một số nhà thơ trong phong trào Thơ mới. Có hai điểm đáng chú ý ở phần này. Thứ nhất là những bài viết về các tác giả như Trần Mai Châu, Phạm Hầu, Phạm Văn Hạnh… Đây là những tác giả còn khá “xa lạ” với bạn đọc phổ thông, chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của giới nghiên cứu, phê bình. Những bài viết của Thanh Tâm về các tác giả này đã giúp bạn đọc có cái nhìn đa diện hơn về phong trào Thơ mới. Thứ hai là cụm bài viết về Hàn Mặc Tử, một trong những tên tuổi lớn nhất của phong trào Thơ mới. Mặc dù rất nỗ lực (đã nêu một vài phát hiện thú vị nho nhỏ như tính nghịch âm, điển cố, màu sắc trong thơ họ Hàn), nhưng nhìn chung Nguyễn Thanh Tâm chưa tạo được “tiếng vang” lớn trong việc nghiên cứu họ Hàn. Đây là điều đáng tiếc của phần này và cả của cuốn sách.
Bên cạnh đáng tiếc kể trên, trong “Loại hình Thơ mới Việt Nam 1932-1945” vẫn còn có những điểm cần sự trao đổi, tranh luận thêm với tác giả như việc nhận định “cái tôi trữ tình trong thơ đương đại là cái tôi không được chia sẻ, ưu tư vì cô độc” (tr. 128) hoặc cần trình bày cụ thể hơn nữa sự tương đồng và khác biệt giữa phong trào Thơ mới với những phong trào Thơ mới của các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng văn học Trung Quốc… Tuy nhiên, những điểm đó không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của công trình.
4/3/2016
Tâm Anh
Theo https://www.qdnd.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...