Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

XXXXXXChìa khóa giải mã thơ Đường của Thánh Thán

Chìa khóa giải mã
thơ Đường của Thánh Thán

Khi bình bài thơ Ôn tuyền ngụ mục của Vương Duy, Thánh Thán nói rằng: “Xem sông núi đẹp thì trong mắt cần có chương pháp; thuật núi sông đẹp thì trong miệng cần có chương pháp” (Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, trang 26). Câu nói đó hiểu một cách nôm na là thưởng thức cái đẹp và sáng tạo cái đẹp đều phải có phương pháp. Đối với công việc nghiên cứu, phê bình văn học thì phương pháp khoa học là chìa khóa vạn năng để khám khá tác phẩm. Thánh Thán cũng có phương pháp riêng của mình để giải mã thơ Đường. Vậy ông đã giải mã thơ Đường theo phương pháp nào?
       
         Đọc Thánh Thán phê bình thơ Đường ta dễ dàng nhận thấy ông hay nhắc đến Phật giáo. Tôi không biết Thánh Thán có phải là một môn đồ của đạo Phật hay không nhưng có thể khẳng định tư tưởng Phật giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong phương pháp bình giải thơ Đường của ông. Cốt lõi của tư tưởng Phật giáo là thuyết nhân-quả. Phật giáo cho rằng: “Nếu nhân là hạt giống thì quả là mầm cây. Nếu nhân là mầm cây thì quả sự đơm hoa kết trái”. Theo đạo Phật thì: “Thuyết  nhân-quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh; quá khứ, hiện tại, tương lai luôn chuyển biến theo chiều hướng nhân-quả và luân hồi…”. Thánh Thán đã vận dụng một cách khá linh hoạt, sáng tạo thuyết nhân-quả của Phật giáo vào công việc bình giải thơ Đường. Dựa trên cơ sở của thuyết nhân-quả mà Thánh Thán đã chia mỗi bài thơ Đường viết theo thể thất ngôn bát cú thành tiền giải và hậu giải (khác với cách phân chia “đề, thực, luận, kết” hoặc“khai, thừa, chuyển, thâu” theo kiểu truyền thống). Ta hãy nghe ông biện luận: “Thơ vốn lấy tám câu làm luật, sao Thánh Thán lại gượng ép phân chia thành giải? Nên biết rằng Thánh Thán chẳng phải bày chuyện làm nổi u nhọt trên lớp thịt lành đâu, mà chính là xem thấy bệnh rồi bốc thuốc vậy”. Theo ông:  “Sở dĩ phân ra giải, là vì giải mà phân thì bài thơ hợp, còn người đời hỗn hợp giải thì giải hợp mà bài thơ thì phân; giải phân thành trước sau thì nội khí hòa nhau lưu hành, bài thơ mà phân thành khởi, kết, thì rườm rà, trùng lặp, dư thừa” (Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, trang 66). Với Thánh Thán: Tiền giải chính là “nhân” còn hậu giải chính là “quả”. Có tiền giải mới có hậu giải. Tiền giải chi phối hậu giải. Hậu giải là kết quả của tiền giải. Xuất phát từ quan niệm đó mà Thánh Thán rất coi trọng tiền giải. Ông dồn hết tâm sức phân tích tiền giải, còn với hậu giải ông chỉ điểm xuyết qua mà thôi. Chẳng hạn khi bình bài Quá Tương Dương lầu của Nguyên Chẩn, tiền giải ông viết  36 dòng, hậu giải chỉ  14 dòng, bình bài Tích vũ Võng Xuyên trang tác của Vương Duy, tiền giải ông viết 40 dòng, hậu giải chỉ 15 dòng, bình bài Phỏng Lã Dật Nhân bất ngộ, tiền giải ông viết 37 dòng, hậu giải  chỉ 6 dòng…  Tiếp cận thơ Đường, mọi người thường chú tâm nhiều đến 2 câu kết, còn ông thì chú tâm đến hai câu mở đầu. Bởi ông cho rằng “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Nhưng cũng có một số trường hợp cá biệt, tác giả đảo “quả” lên trước rồi mới đề cập đến “nhân”.  Chỉ với những bài thơ cá biệt ấy ông mới dành số lượng dòng thích đáng cho hậu giải. Lại có khi ông đi tìm nhân-quả ở bên ngoài để lý giải nhân-quả ở trong bài thơ.  Điều này đã góp phần làm nên phong cách phê bình hết sức năng động, khác lạ, độc đáo của ông.
         Thuyết nhân-quả của đạo Phật còn chi phối gần như toàn bộ hệ thống lập luận và nghệ thuật trình bày của Thánh Thán. Trong khi bình giải thơ Đường, ông thường lập luận theo hai chiều. Chiều thứ nhất là từ “quả” đi tìm “nhân”. Chẳng hạn, khi bình bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Thánh Thán dẫn thơ Lý Bạch: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu (Trước mắt có cảnh không nói được/ Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu). Ông cho hai câu đó của Lý Bạch là “quả” (bên ngoài bài thơ) và  ông đi tìm câu trả lời về nguyên nhân vì sao Lý Bạch lại “tâm phục, khẩu phục” Thôi Hiệu đến như vậy. Ta hãy nghe ông lập luận:  “… là bởi bây giờ mình muốn mệnh ý thì họ Thôi đã mệnh ý hết rồi, nếu muốn thẩm cách thì họ Thôi đã thẩm cách xong rồi, nếu muốn tranh phát bút thì họ Thôi phát bút đã là không tiền khoáng hậu, không chiếu cố đến kẻ khác, dù cho mình có cảnh đẹp đầy mắt có thể soạn mấy trăm ngàn liên chăng nữa thì cũng chỉ là tự nhả hết tâm huyết ra uổng phí thôi, chớ còn đặt tay vào đâu được, vì thế bất giác cúi mình sát đất thổ lộ thực rằng: có cảnh nói không được”. Hoặc  khi bình bài Tuế vãn tự cảm của Vương Kiên, Thánh Thán đặt vấn đề vì sao khi tuổi đã già, trồng mấy cây thông là chuyện không dễ mà nhà thơ vẫn cố trồng cho được (đó là “quả”). Và ông đi tìm câu trả lời (nguyên nhân): “Tại sao vậy? Người ta vốn có tâm, tâm vốn cầu được xứng; mà tâm xứng thì không sầu, không sầu thì không già. Vì cái già là nguyên nhân của cái chết, mà cái sầu là nguyên nhân của cái già. Cho nên phải cố trồng cho được mấy cây thông để đuổi cái sầu, chống cái già” (Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, trang 115). Có trường hợp, chỉ trong một bài, Thánh Thán chia ra nhiều “quả”, rồi lần lượt đi tìm “nhân” của những “quả” đó. Ví dụ, khi bình bài thơ Mộ xuân hý tặng Ngô Đoàn công của Tào Dương, ông lý giải liên tiếp “nhân” của 2 “quả”. “Quả” thứ nhất nằm ở 2 câu mở đầu: Niên thiếu anh hùng hảo trượng phu/ Đại gia vong bái chấp kim ngô (Tuổi trẻ anh hùng với trượng phu/ Mọi người ngóng lạy quan Kim Ngô). Thánh Thán giải thích: “Thơ này có ý nói rằng Đoàn công là thiếu niên anh hùng, mọi người mong ông được làm chức Kim Ngô (tên một chức quan chuyện trị tội đồ). Tại sao vậy? Há không phải vì ông mỗi khi nghe thấy tiếng ác là lập tức tuốt gươm đứng lên, tính ghét gian tà, thực xứng với chức quan ấy?”. “Quả” thứ hai nằm ở 2 câu kết: Mẫu đơn hoa hạ câu liêm ngoại/ Độc bặng hồng cơ lặc hổ tu (Mẫu đơn nở đó, rèm câu rủ/ Râu cọp dành riêng thiếp vuốt sờ). Ông đặt câu hỏi: “Vậy thì triều đình có sớm đặt Đoàn công vào chức Kim Ngô không? Và ông tự trả lời: Chưa đâu! Nay ông đang ở trước hoa, ngoài rèm câu, để cho vợ nhỏ vuốt râu, chỉ như thế mà thôi. Tại sao lại câu liêm đối hoa, bặng thiếp lặc tu như vậy? Đoàn công thực cũng chẳng biết làm sao được. Ôi, thấy thị tỳ đánh đàn ở viện mà không ra nghe, thấy đày tớ dạy ngựa ngoài đường mà không ra xem, thì trong lòng chắc chắc có một duyên cớ nào khác. Cuối cùng cũng chỉ câu liêm đối hoa, bặng thiếp lắc tu mà thôi. Xem thế thì biết triều đình đối với nhân tài, đại khái cũng chỉ là như vậy” (Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, trang 248). Cái “nhân” này” nằm bên ngoài bài thơ. Cách lý giải của ông vì thế vừa sâu sắc vừa  thâm thúy, vừa hùng biện vừa phóng túng.
         Cách thứ hai, ông  làm ngược lại: từ “nhân” để lần ra “quả”. Chẳng hạn:khi bình bài Tích vũ  Võng Xuyên trang tác của Vương Duy, ông cho rằng “tích vũ” (mưa nhiều) trong câu: Tích vũ không lâm yên hỏa trì (Mưa nhiều, trong rừng vắng khói lửa chậm tỏa lên) là nguyên nhân chính. Và ông  suy luận như sau: “Vì mưa nhiều mà chậm thổi nấu, vì chậm thổi nấu mà đưa ăn muộn, vì đưa ăn muộn mà khiến cho nông phu đói. Mà nông phu đói thì tất cả những người trong nhà không ai mà không lo lắng, bồn chồn”. Đây là lối suy luận nhân-quả hết sức logich mà Thánh Thán thường dùng. Ông truy tận cùng để tìm ra cái “quả” chủ yếu mà tác giả muốn đề cập đến trong bài thơ. Một ví dụ khác, khi bình 2 câu mở đầu trong bài  Đăng An Lục tây lâu của Triệu Hổ: Lậu thượng hoa diên nhật nhật khai/ Nhãn tiền nhân sự chỉ kham ai (Ngày ngày hoa tiệc mở  lầu kia/ Trước mắt bao nhiêu chuyện não nề). Thánh Thán cất công đi tìm nguyên nhân của cái nghịch lí: Ngày ngày mở tiệc là vui sao tác giả lại thấy trước mắt toàn những chuyện đau thương? Và Thánh Thán giải thích như sau: “Bởi vì hoa đẹp vốn là nói về bữa tiệc mở ra hôm nay, nhưng nói nhật nhật khai (ngày ngày mở) thì là nói hôm nay mở, ngày mai lại mở. Ôi, ngày mai lại mở thì cái hoa hôm nay ở đâu; nếu rồi ngày mai lại mở nữa thì cái hoa ngày kia ở đâu. Thật đáng thương cho vô lượng chúng sinh trong cõi thế, kẻ này xuất hiện, kẻ kia mất đi mà chẳng hiểu, chẳng biết gì!”. (Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường, trang 165). Phải thật tinh tế mới thấu hiểu được cái điều nghịch lí đó. Vì thiên về lập luận logich nên đọc Thánh Thán phê bình thơ Đường ta bắt gặp rất nhiều dạng câu được liên kết với nhau theo quan hệ nhân-quả như:  Vì … nên… , Do đó… cho nên… , Vì … mà... Và hàng loạt các câu hỏi :Vì sao? Tại sao vậy? Là như thế nào?... Điều này cũng góp phần tạo nên cái giọng riêng khá đặc biệt trong cách bình thơ của ông.
         Tất nhiên, phương pháp nào cũng có mặt hạn chế của nó. Việc phân chia thơ Đường thành tiền giải và hậu giải của Thánh Thán tuy mới lạ nhưng cứ lặp đi, lặp lại mãi khi ông bình giải gần 600 bài thơ, nên tôi cảm thấy có phần công thức, gò bó.  Cũng vì quá chú trọng tiền giải mà ông đã bỏ qua không ít những câu thơ hay ở hậu giải.
 
.      . Ở nước ta hiện nay  Thi pháp học đang rất thịnh hành. Một số công trình nghiên cứu của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Sử như Thi pháp thơ Tố Hữu ( 1987), Những thế giới nghệ thuật thơ ( 1995), Thi pháp Truyện Kiều  (2002) có tầm ảnh hưởng khá rộng rãi trong các trường đại học và thu được một số thành tựu đáng kể. Nhưng với cái “điệp khúc”: Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật… cứ lặp đi lặp lại mãi, tôi nghĩ cũng rất dễ trở thành khuôn sáo.  Vì vậy, cần phải tự mình tìm ra phương pháp, phải vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt khi tiếp thu những phương pháp có sẵn là điều mà một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học tâm huyết đang hướng tới. 
21/11/2018
Mai Văn Hoan
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...