Đời và thiền
I. Vợ chồng Sinh đến bệnh viện này được mấy hôm. Hai người buồn
lắm, đang yên đang lành làm ăn thì trời sập xui xẻo xuống đầu. Tang mẹ chưa giảm
nỗi đau, bệnh nan y đổ xuống. Ngày xưa nhà chỉ có hai mẹ con, bố Sinh mất khi
tuổi anh mười lăm mười sáu, cái tuổi dở dang con nít không ra con nít người lớn
chưa thành người lớn. Trên vai mẹ trĩu nặng gánh lo, mẹ vừa chăm lo cái ăn cái
mặc vừa phải thay cha dạy dỗ Sinh nên người được như hôm nay là cả sự hy sinh lớn
lao của mẹ. Hết tang chồng, mẹ có nhiều người dòm ngó, mối mai. Mẹ là người vừa
đẹp vừa tháo vác đảm đang. Mẹ rất yêu bố, hình ảnh ông không phai trong tâm trí
bà. Trước khi bố qua đời mẹ có hứa với bố:
-Mình cứ yên tâm điều trị, còn nước còn tát em cố giữ mình
cho con có chỗ dựa dẫm. Nếu xấu nhất mình phải ra đi trước theo cha mẹ thì mình
cũng yên tâm. Em sẽ thay mình dạy con nên người. Mình chờ em, em hoàn thành nhiệm
vụ với con, em cũng sẽ theo mình!
Bố anh là người hiền lành chỉ biết làm và làm, còn mẹ thì
không, mẹ vừa làm vừa tính toán sức mình, vốn mình bỏ ra thu lại có lợi nhất. Bố
mẹ bù trừ cho nhau mới nên cơ nghiệp hôm nay, địa phương này bao nhà ước mơ mà
chẳng được.
Những mối tình sau không đủ độ chín kéo mẹ ra khỏi vùng tâm
linh mà mẹ đã hứa nguyện với bố. Hai mẹ con sống cuộc sống thiếu thốn yêu
thương của người chồng người cha. Sinh học xong đại học, trước mặt Sinh có bao
con đường rẽ đi về hướng tương lai sáng lạn, nhưng rồi Sinh chọn ngã về quê sống
bên mẹ. Mẹ được bù đắp tình thương trong những ngày con đi học xa. Vóc dáng mẹ
đã hao mòn trong nhớ thương cha, trong mòn mỏi mong chờ con trai đi học. Tóc mẹ
mỏng hơn, ngắn hơn và đã chuyển màu. Sinh được đón nhận về chung tay với dòng họ,
bà con xóm làng, bè bạn... xây dựng quê hương văn minh. Rồi Sinh cũng tìm được
một nửa của mình trong hàng ngũ bạn bè cùng sinh hoạt trong các phong trào địa
phương. Người yêu Sinh tên là Hoa dáng người tầm thước, ở làng bên cách nhà
Sinh vài cây số. Gia cảnh hai bên phù hợp. Tình cảm trai chưa vợ gái chưa chồng
rất thuận lợi khi mọi người hai bên nội ngoại chấp nhận chân thành. Nhà Sinh
hoàn cảnh mẹ quả phụ con mồ côi nên mẹ đôi lần dục chuyện hai người chín chắn
chưa để mẹ lo cơi trầu hai bên gia đình đi lại thân tình hơn. Hai bạn trẻ chưa
nhất trí, muốn cần có một thời gian nữa để hiểu biết nhau thật sâu sắc mới tiến
đến hôn nhân.
Đùng một cái, mẹ Sinh ngã bệnh. Sinh đưa mẹ đi khắp các bệnh
viện trong ngoài tỉnh vẫn không xác định được bệnh gì. Tuổi mẹ không còn trẻ
nhưng cũng chưa thể gọi là già mà ốm đau nhức mỏi liên miên như thế. Sinh rất tận
tình hôm sớm bên mẹ, việc cơ quan xin nghỉ để có điều kiện mẹ con hủ hỉ bên
nhau, cho mẹ không suy sụp cô đơn. Mãi sau bệnh viện cũng tìm ra bệnh tình của
mẹ, bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn cuối.
Sinh khủng khoảng nhưng chính mẹ lại là người lên tinh thần
cho Sinh:
-Con lo gì, mẹ vẫn mãi bên con, mẹ sẽ cố gắng thuốc men chữa
trị đến cùng để sống giúp con có gia đình riêng đã chứ. Nhược bằng mẹ phải theo
bố, con cũng phải cứng rắn lên con trai ạ. Tình yêu sẽ cho con sức mạnh vượt
qua tất cả khó khăn. Bố mẹ luôn bên con nha con trai cưng!
Đám cưới Sinh và Hoa diễn ra chóng vánh. Không vui sướng gì
trong hoàn cảnh trớ trêu ngoài nhà đám cưới linh đình, trong nhà người bệnh nằm
vùi, mùi thuốc sắc âm ỉ. Đám cưới phần nào an ủi được tâm nguyện mẹ đã hoàn
thành nghĩa vụ với con. Mẹ đã bàn giao được cho người đàn bà khác người con
trai duy nhất của mình, ra đi thanh thản.
Sinh lo đám tang mẹ được mồ yên mả đẹp xong, hai vợ chồng son
mới tính đến tương lai hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé của mình. Sinh và Hoa đã
đi làm đều đặn. Anh thiếu hụt tình cảm mẹ, bên mình người vợ mới cưới luôn kề
sát nhưng vẫn có một khoảng trống trong anh. Anh ngày càng khô héo không hiểu
vì sao. Một hôm ôm nhau xem tivi, trận bóng vui quá cả hai cùng cười. Sinh ôm bụng
không cười nổi thành tiếng vì một cơn ho sặc sụa, anh lấy tay quẹt miệng thì
nhìn thấy… máu tươi.
Ngày mai vợ chồng dắt díu nhau đi bệnh viện. Sinh được bác sĩ
cho làm các thí nghiệm và khám tổng quát. Trong phòng điều trị chật chội người
ta xếp đến sáu giường. Một bác quê ở cao nguyên nằm cạnh anh muốn nhổm dậy, người
con gái của bác đã đi ra ngoài chưa vào. Anh vội nhào đến đỡ bác ngồi lên ân cần
nói:
-Bác cứ nằm yên, bác muốn lấy gì con giúp bác nha? Bác ra hiệu
muốn vào phòng vệ sinh. Anh giơ cao ống thuốc truyền dìu bác.
Bệnh viện quá tải, người ta phải bố trí bốn người một giường.
Hai người bệnh mới mổ nằm trên, hai người đợi mổ nằm ngầm giường. Người nhà đi
theo chăm bệnh thì bạ đâu ngồi đó, bạ đâu nằm đó ngoài hành lang, bậc cầu
thang, gầm cầu thang... Khắp nơi người la liệt, lối đi chen chúc. Hoa rất khó
chịu kể từ hôm đến đây, mới đầu cô còn khạc nhổ tùm lum, anh góp ý mãi mới bớt,
cô lại chuyển sang mang mấy lớp khẩu trang, mang kiếng mắt đen, mang bao tay
dày cộm... Cô sinh tánh cằn nhằn, gắt gỏng, cự nự với chồng với mọi người liên
quan. Anh giúp bác đi vệ sinh vào liền bị vợ kéo sềnh sệch ra ngoài cốc vào đầu:
-Anh khỏi bịnh rồi hả?
-Người ta cũng là con người mà em. Anh nhỏ nhẹ.
-Nếu còn sức giúp người ta thì để tui dìa? Hoa càu nhàu.
-Mình giúp người này, người khác giúp mình em à...
Cô con gái bác vừa đi về thỏ thẻ:
-Em cám ơn anh đã giúp đỡ mẹ em!
-S... í... hèn chi. Hoa nguýt dài qua kẽ răng nghe phát ớn.
Cô cau có, vùng vằng biến nhanh về phía cầu thang…
-Bệnh nhân Mai văn Sinh. Cô y tá ló đầu vào phòng gọi.
-Có.
- Lên văn phòng lấy kết quả thí nghiệm.
Cầm kết quả trên tay, Sinh chết đứng tại chỗ, tai ù không còn
nghe thấy gì, mắt không nhìn thấy gì, anh lặng thinh như đá. Bác sĩ chuẩn đoán
Sinh bị bệnh ung thư, khối u to 50(mm) đã sang giai đoạn cuối. Ung thư không phải
bệnh di truyền, nó là bệnh của những người sống trong cùng môi trường độc hại
sinh ra. Vợ anh chắc cũng chết đứng vì không thấy Hoa nói câu nào đại khái an ủi
hoặc cứ mắng nhiếc anh như lúc nãy để anh đỡ thấy nặng nề hơn là Hoa im lặng.
Tờ mờ sáng Sinh thức dậy trong trạng thái uể oải, đảo mắt tìm
vợ không thấy, anh vẫn tưởng Hoa đang đâu đó. Bác nằm bên vẫy tay lại nói nhỏ:
-Cô ấy vừa đi khoảng ba mươi phút. Tôi thấy cổ nhét vào túi
anh gói giấy.
-Con cám ơn bác. Anh linh tính có chuyện chẳng lành, vội lục
túi mở gói ra xem. Ngoài ít tiền lẻ còn một mảnh giấy có dòng chữ viết nguệch
ngoạc:
“Anh đừng phí công tìm tui!
Vĩnh biệt!
Hoa”.
II.
Dòng sông cuộn trôi, mang theo phù sa bồi đắp cho cơ thể miệt
vườn đầy hoa thơm trái lạ. Chiều đang về, ánh nắng lấp lánh mặt sông như kim
cương trên xiêm y nàng tiên cá. Mái chèo nhè nhẹ quay như guồng nước đưa con
thuyền bồng bềnh vờn sóng rào rào. Quê hương thân thương có bao người con cần
cù chịu khó. Trong nhà, Sinh là niềm tự hào và tràn đầy hy vọng của ba má. Ba
má vượt chín khó mười khăn để dành tất cả thuận lợi cho Sinh tiếp nối. Ba má đã
đi xa rồi, ba má hứa sẽ theo Sinh mãi trên cõi đời để nâng giấc anh, mà sao anh
vẫn thấy mình khổ cực đến vậy. Dòng nước kia có thể làm anh nguôi đi được nỗi
đau đớn trong lòng không? Ba má có trông mong con không? Nếu con cuốn theo dòng
nước kia ba má có đón con không? Con chẳng còn gì để mất nữa, cái gì có trong
tay con đều không giữ gìn được, tất cả đã tuột trôi rồi. Chỉ còn căn bệnh quái
ác này ngày đêm âm ỉ mổ rỉa thân xác trai tráng của con. Đằng nào cũng theo ba
má, con xin theo sớm còn hơn ở lại chịu cảnh cô độc bệnh tật giày vò. Con chưa
làm được việc gì đền đáp tình nghĩa ba má dành cho con, gặp ba má con chẳng biết
nói sao cho phải. Những lời hứa hẹn lúc ba má lâm chung còn nặng lòng con đây,
con xấu hổ quá, con nhục nhã quá!
-Chú ơi mọi người lên bờ hết rồi. Sinh giật mình chợt nhận ra
tiếng nói của người lái đò.
Sinh nặng nề bước, tay xách ba lô chân đi như vô định.
Mấy ngày vợ bỏ đi mất mình anh ở lại bệnh viện hoàn tất thủ tục
để nhận ngày hẹn của bác sĩ. Trong những ngày đó anh sống trong tình yêu thương
đùm bọc của bà con cùng cảnh, nhất là mẹ con em gái tên Na cô gái quê cao
nguyên. Không biết họ có hiểu hoàn cảnh tình cảm vợ chồng anh không mà họ
thương yêu ân cần thế. Hôm anh ra về, mẹ con Na còn biếu anh ít tiền đi xe, anh
chưa bao giờ gặp hoàn cảnh trớ trêu thế này, không thể từ chối lòng tốt của bác
được, nếu bác cho mà anh sĩ diện không lấy thì ra ngoài kia anh cũng phải ngửa
tay xin ông đi qua bà đi lại mới có tiền mua vé xe đò về quê cơ mà. Anh ứa nước
mắt cảm động lắm và xin số điện thoại của Na để tiện liên lạc sau này, anh nhận
thấy lúc đó hai bầu má Na đỏ ửng như mặt trời mọc sáng sớm. Hoàn cảnh anh giờ
thật trớ trêu.
Mãi suy nghĩ trong khi đi trên phố anh loăng quăng thế nào để
rớt chiếc điện thoại. Anh không tiếc của, vì mất nó còn có thể mua lại, những địa
chỉ người thân rồi cũng xin được lại, chỉ tiếc số điện thoại của Na cho hồi
sáng, mất rồi không còn dịp nào may mắn để nối lại lòng tốt của những con người
như bác như Na nữa?
-Chú ơi, cô ơi mua vé số giùm cho con nha! Em trai khoảng mười
lăm bị khiếm thị đang chìa tập vé số về phía tiếng chân Sinh đi lại. Anh không
mua hy vọng nữa vì trong anh đã hết hy vọng rồi. Anh cho em bé ít tiền, nhưng
em bé cám ơn không lấy tiền bố thí, em chỉ bán vé số kiếm chút lời thôi.
Sinh giờ là ai? đang nghĩ gì mà bi đát thế? Trong đầu em bé
kia có những ý nghĩa hèn kém như mình không? Chẳng lẽ mình không bằng em bé tuổi
nhỏ kia sao?
Mấy chữ của Hoa để lại còn sôi sục nhảy nhót trong trái tim
Sinh. Bỗng anh ngửa mặt lên trời cười sằng sặc như một con đười ươi dã man
hoang dại. Anh cười gì? anh cười ai? Hay anh cười mình? Hay anh cười những ý
nghĩ hèn hạ của chính mình? Anh không dám trách ai, tại vì anh tất cả. Anh
không dám trách đời vì đời đã cho anh quá nhiều hạnh phúc. Anh chỉ trách mình
trở thành con người yếu đuối, bạc nhược, đầu hàng khó khăn số phận, trốn tránh
trách nhiệm làm người. Anh không còn chút lòng tự trọng nào sao? Anh không yêu
cuộc sống của chính mình thì ai? Còn ai có thể yêu được bản mặt anh đây?
Sinh tỉnh trí lại, anh đang trên đường đi tìm thầy tìm thuốc
chữa trị cho mình theo những mách bảo của người thân bạn bè. Ông bà xưa đã dạy:
“có bệnh phải vái tứ phương”. Anh hy vọng mình trong con số người may mắn được
“gặp thầy gặp thuốc”. Anh theo địa chỉ sẵn có mà đi, đi bằng mấy loại phương tiện:
xe đò, xe lôi, xe ôm, xe “căng hải” là xe hai cẳng… Sinh qua mấy địa phương lạ
hoắc, trong người anh đã thấy mệt rã rời. Mãi đến xế chiều anh mới tới nơi theo
địa chỉ đã định. Tháo ba lô trên vai xuống anh ngồi bịch bên vệ đường nhìn lơ
láo. Nơi anh đến là một khu vườn rộng trồng đủ loại cây trái tốt tươi, gió chiều
thổi miên man. Xung quanh anh có nhiều người đứng ngồi, hành lý ngổn ngang láo
nháo như bến xe bến tàu. Anh sà vào đám mấy bà mấy chị tụm năm tụm ba chuyện
như pháo rang.
-Con chào các dì các chị.
-Anh đến chữa bệnh hay lấy thuốc cho người nhà? Mọi người
cùng sởi lởi bắt chuyện thân tình với anh.
-Con đến chữa bệnh. Sinh bỏ nón ra quạt phe phẩy.
-Thế thì được, nếu muốn lấy thuốc phải đến sáng mai, giờ này
thầy nghỉ rồi. Bà cụ có cái chân băng bó cởi mở với anh. Sáng mai thầy sẽ hành
nghề, chữa một ca đặc biệt lắm con dự luôn cho biết thầy cao tay đến cỡ nào.
Con đi một mình sao? Qua có con trai con dâu đi cùng. Nếu con có nhu cầu phòng
trọ thì ở góp với con trai qua cho giảm chi phí.
-Dạ. Con cám ơn dì.
Đây là khu vườn nhiều điện từ trường có thể chữa bách bệnh
như mọi người đã đồn thổi. Phương thức chữa bệnh như mọi thầy thuốc khác trên đất
Việt, bắt mạch, cho thuốc về hoặc ở lại phụ thuộc điều kiện của người bệnh. Tiền
thuốc không đáng là bao, toàn cây nhà lá vườn, bệnh đặc biệt mới dùng thảo dược
quý hiếm khác. Nhưng nếu bệnh nhân ở lại vẫn hơn, sẽ được hưởng không khí trong
lành huyền diệu mà mọi người đồn thổi là trường sinh học. Tối đến ai muốn ngủ lại
trong vườn cũng được, nếu ai có điều kiện muốn ăn ngủ tắm giặt đàng hoàng hơn
thì vào làng sẽ có dịch vụ nhà trọ hình thức và giá cả bình dân.
Qua các câu chuyện của mọi người Sinh hiểu thầy thuốc này rất
cao tay, đã chữa bệnh khỏi cho bao người, đủ các loại bệnh, từ đơn giản đến phức
tạp. Có những ca, bệnh viện trả về nếu biết đến đây thầy vẫn tiếp nhận như thường.
Thầy không phân biệt kẻ giàu người nghèo, bệnh dễ, bệnh khó thầy nhận chữa trị
hết. Sinh nhận thấy có đủ tầng lớp, đủ người vùng miền khác nhau, nói chung
trên khắp Tổ quốc. Thời gian điều trị của thầy phụ thuộc bệnh, phụ thuộc cơ địa
từng người, bệnh nhẹ chữa nhanh, bệnh nặng chữa lâu, cùng loại bệnh ai có cơ địa
tốt chữa nhanh (dân gian gọi đơn giản là hợp vía thầy).
Ông A ở miền Trung bị gẫy chân đã điều trị nhiều nơi không khỏi
đến đây chỉ vài ngày đi lại bình thường.
Bà B ở Đất Mũi bị ung thư dạ dày chữa trị nhiều nơi không khỏi
về đây một thời gian ngắn đỡ trông thấy, vài lần đi lại tái khám lấy thêm thuốc,
thấy khỏi bệnh đã viết thư cám ơn thầy.
Chị C ở tận miền Bắc xa xôi ung thư phổi bệnh viện
"chê", lặn lội vào với thầy qua mấy chuyến đi lại cũng đã khỏi.
v...v.................
Sinh nghe bà con ca ngợi mãi không hết thành tích của thầy,
chưa kể làng trên xóm dưới bị xổ mũi, nhức đầu ghé qua lấy thuốc của thầy uống
là dứt liền.
Sinh cũng đọc báo, vô mạng anh có biết thầy nhiều lần bị nhà
chức trách làm việc bắt ngưng hành nghề, chỉ một thời gian sau do dân các nơi vẫn
dồn về la liệt ăn nằm thảm cảnh thầy lại hành nghề tiếp. Có một số ca chết tại
vườn, nhưng không vì thế mà suy giảm số lượng bệnh nhân.
Sáng tinh mơ, từ nhà trọ Sinh vào vườn đã thấy số người còn
đông hơn chiều qua, ngoài kia người tứ phương vẫn ùn ùn đi vô. Anh tìm một chỗ
gần cái bục nơi thầy hành nghề ngồi để tiện theo dõi. Chả là nghe bà con giới
thiệu hôm nay thầy sẽ hành nghề một ca đặc biệt, mà mấy ngày nay chưa đủ điều
kiện phải dừng để chờ đợi dịp hiếm hoi này.
Mãi chín giờ hơn thầy mới xuất hiện. Dáng thầy phương phi cao
ráo, da đỏ hồng hào, tuổi chừng trên dưới năm mươi. Từ sáng cả vườn chấn động ồn
ào, lộn xộn là thế, khi thầy lang xuất hiện liền im phăng phắc như vườn không
người. Tiếng nói thầy cất lên ấm áp tình cảm như cha xứ giảng đạo.
Bệnh nhân được thầy giới thiệu là một phụ nữ ngày xưa xinh đẹp
giỏi giang nhất vùng nọ, chị ta đã từng có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng số
trời ghét ghen nên sinh bệnh tật, chồng con đưa chị đi chữa trị khắp nơi không
khỏi, tài sản đã tiêu tán không cánh bay đi hết. Hiện nay bệnh viện trả chị về,
chị không nơi tá túc vì người chồng đã theo người đàn bà khác, con cái mỗi đứa
mỗi phương trôi dạt… Thầy lang thương cảm nhận chị về đây nuôi ăn ở, chữa bệnh,
mới được một thời gian ngắn bệnh tình chưa thấy suy giảm. Hôm nay thầy sẽ chữa
cho chị theo phương pháp đặc biệt, thầy sẽ san sẻ bệnh tình của chị sang cơ thể
thầy gánh đỡ, hai người cũng uống thuốc chữa trị hy vọng có cơ hội bệnh khỏi.
Công việc này dự định thực hiện trong mấy ngày nay nhưng cơ địa của chị ta chưa
sẵn sàng, hôm nay thầy mong rằng sẽ thực hiện được.
Bỗng tiếng trống thúc dục vang động khu vườn, một người trong
nhà đi ra tay bê khay, trên khay đặt chiếc chén đựng lưng chén giống như bột
dinh dưỡng. Thầy bắt đầu xúc ăn, miệng nhấm nháp từng thìa một. Mặt thầy không
gợn nhăn nhưng mọi người vẫn cảm thấy thầy đang thực hiện một công việc vô cùng
khó khăn. Thời gian cô đặc lại, mọi người lặng đi như tận mắt chứng kiến giây
phút tối thiêng liêng đang nhích dần chậm chạp, chỉ còn tiếng trống rền vang…
Tiếng trống đột ngột im bặt. Thầy lang đứng lên được
hai người dìu vào nhà. Tiếng loa bật phát:
-Xin thông báo với bà con cô bác. Công việc chuyển tiếp bệnh
từ bệnh nhân sang thầy đã xong. Mọi người tiếp tục khám, lấy thuốc và điều trị
bình thường.
Đám đông nhốn nháo ồn ào trở lại. Sinh suýt té sỉu khi nghe mấy
người bên cạnh nhỏ to:
-Thầy ăn phân bệnh nhân đó…
III.
Sinh dạo này bỗng trở nên một nhân vật nổi tiếng quan trong.
Anh đi đến đâu cũng được mọi người trong xóm ngoài làng niềm nở chào đón, nhất
là buổi tối khi mọi người xong một ngày lao động vất vả lục tục kéo sang nhà
chơi với anh. Tiếng cười tiếng nói luôn luôn vang động, anh cảm tưởng những
ngày này cuộc sống anh được bà con, dòng họ ưu ái còn hơn những ngày trước đám
cưới của mình. Anh đâu phải sống cô độc như anh tưởng, không anh thì em… họ
chia nhau luôn luôn có mặt túc trực phục vụ anh vô điều kiện. Họ hàng, bạn bè từng
toán kể cả người đi làm ăn xa cũng nghe tin về tề tựu, hết toán này đến toán
khác, nhóm này họ nội, nhóm kia họ ngoại, đám này học với anh hồi trường xã,
đám kia bạn hồi học trường huyện, đám khác học hồi đại học, đám này cùng công
tác... Mọi người khuyên anh:
-Anh cần luôn lạc quan, tinh thần là phương thuốc thần tiên
hiệu nghiệm nhất trên đời đó.
Người cho anh thuốc quý, người cho địa chỉ thầy thuốc tiếng
tăm trong Nam ngoài Bắc... Khách tiếp tục khách, ngày này sang ngày khác vui
thiệt là vui, chỉ trừ những ngày anh vắng nhà đi tìm thầy tìm thuốc mới vắng
khách. Anh không còn thời giờ mà buồn nữa. Cứ theo những địa chỉ có sẵn anh đi
khắp, gặp thầy chữa bằng thuốc Nam, gặp thầy chữa bằng dưỡng sinh, gặp thầy chữa
bằng yoga, gặp thầy chữa bằng ngồi thiền mở luân xa, gặp thầy chữa bằng điện
năng, gặp thầy châm cứu trị liệu, gặp cô chữa bằng truyền điện sinh học... Những
nơi tâm linh kiều như thầy bà bói toán, cầu cơ, đồng cốt... anh không muốn nên
anh không đến mà thôi.
Công việc cơ quan anh vẫn đi làm bình thường trừ những ngày
chữa bệnh, lấy thuốc. Anh em không để anh bận rộn nhiều, nếu anh đi vắng có người
thay thế tiếp tục giải quyết công việc. Anh em vui nhộn chọc ghẹo nhau luôn,
không ai nhắc đến chuyện bệnh tật, vợ con… Họ rủ anh đi chơi thể thao, rủ anh
tham gia nhậu, mặc kệ anh ngồi góp chuyện không còn ai mời mọc kích bác ép uống
như trước nữa…
Anh có nghe thiên hạ xì xầm Hoa bỏ anh quay về với người tình
cũ, người này là bạn học chung với Hoa từ ngày trên trường huyện, anh ta học
không đến nơi đến chốn vì tính tình hiếu động, ngổ ngáo, ham kiếm tiền từ nhỏ.
Anh ta cờ bạc cũng hay, gái gú cũng thạo, rượu bia hút sách cũng nghiền… Thường
tuổi trẻ hám tiền sớm dễ đi vào con đường bất chính sớm. Hoa mê đắm con người hảo
hớn đó bỏ qua lời can ngăn của cha mẹ, người thân khác. Nhưng cô cũng dần chán
nản không hy vọng vì anh ta không hứa hẹn hôn nhân. Tình yêu như thuyền không bến
đỗ… Trước tấm lòng chân thực của Sinh, cô đã buông bỏ tình yêu với người đó. Động
thái này của cô được người thân cha mẹ khuyến khích vun vén. Hoa tính bên người
kia không hứa hẹn tương lai gì, đời con gái lại có thì, ai ngờ được ngay mai mà
dám ngâm duyên mình lâu hơn. So sánh giữa hai đám nếu hôn nhân với Sinh là
phương án bền vững lâu dài vì anh có ăn học hơn, con nhà chân chất nề nếp, một
mẹ một con, gia sản có của ăn của để, hơn nữa anh to con đẹp trai hơn… Mẹ anh
khi biết mình gặp bệnh nan y đã đặt vấn đề hôn nhân nhằm chạy tang. Hoa đồng ý
liền trong tâm thân xác người bên Sinh mà trái tim bên người đó…
Mọi người đối với Sinh trước mặt thì vui thế còn sau lưng là
cả một cuộc bình luận tranh cãi sôi nổi kịch liệt. Họ chia nhiều phe, nhiều trường
phái khác nhau. Phe họ hàng bạn bè nói: hành động của Hoa là không chấp nhận được,
phải dứt điểm cho ra tòa ngay, còn níu kéo mai mốt con bế con bồng còn khốn khổ
nữa; người nói: đàn bà con gái khi mới cưới tính tình đỏng đảnh là chuyện
thường, sống với nhau quen sẽ đâu vào đấy thôi mà; người nói: Hoa như thế là dại
dột, một đống của chứ có phải ít đâu, người thiên hạ muốn vào không được lại ra
là ra thế nào; người nói: Hoa như thế là bất nhẫn, phải về sống tiếp tục cho trọn
đạo nghĩa vợ chồng với nhau... Sinh có nghe hết những điều đó nhưng anh giả vờ
không biết gì, anh cứ hành động theo mình suy nghĩ. Anh thỉnh thoảng vẫn sang
gia đình bên đó chơi bình thường, nhưng không thấy Hoa xuất hiện. Một hôm người
bạn của Hoa đưa cho anh lá đơn ly hôn xin anh chữ ký, anh đọc xong ghi mấy chữ
dưới phần người bị đơn:
“Hai bên cần thời gian đủ dài để suy nghĩ đủ chín, sẽ trực tiếp
giải quyết với nhau”.
Hôm khác trên đường đi làm về anh gặp một đám thanh niên đầu
gấu trong huyện chặn xe đòi dừng lại nói chuyện:
-Các người muốn gì? Biết qua là ai mà dám cản đường? Sinh từ
tốn nói.
-Mày là Sinh? Chúng tao muốn mày ký vào đơn ly hôn của Hoa,
có ký không? Một thằng cổ mang lủng lẳng dây bạc to ù gắn móng cọp ra oai.
-Chuyện riêng của chúng tôi tự chúng tôi giải quyết, chúng
tôi không giải quyết được đã có pháp luật chưa đến hạng người như chúng các người.
-Mày không ký thì hôm nay không thể lê lết về nhà được. Một
thằng da đen nhẻm tóc nhuộm bạc giơ côn tay quay quay diễn võ. Mấy đứa khác đứa
đứng đứa ngồi trên xe với tư thế đánh trộm rồi sẵn sàng dzọt.
Anh dựng xe hè phố, tựa vào tường thế phòng thủ:
-Chúng mày chưa biết hàng của tao rồi, đồ vắt mũi chưa sạch.
Anh chỉ vào mặt thằng tóc bạc. Mày, chưa đụng vào tao thì tao đã bước qua xác mấy
thằng chó kia rồi. Anh vào thế “phương hoàng”. Khôn hồn về nói với thằng nào
thuê chúng mày gặp tao thương lượng, Vừa nói anh vừa xông vào đá “song cước”
làm một thằng vỡ hàm kêu như cha chết. Cả bọn dzọt lẹ như anh đã phán đoán.
Từ đó không thấy thằng nào ho he nữa. Nhưng Hoa xuất hiện
cùng cô bạn, bên ngoài còn có đám đầu gấu hôm trước hộ tống.
-Em đã nghĩ kỹ rồi hả? Đến nước này anh không còn gì phải đắn
đo níu kéo. Đưa đơn anh ký. Sinh cầm đơn không cần đọc ký “cái rẹt”. Xong, thế
là qua một đời vợ chồng kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Trời đầy nắng trải tràn lan mọi nẻo, phố vẫn đông người qua lại.
Tiếng tàu xe thân quen làm lòng anh rộn ràng những kỷ niệm thời tuổi trẻ sinh
viên tràn về náo nức như những ngày đầu ba lô túi cặp đến tập trung vào nhập
trường. Hôm nay anh quay trở lại bệnh viện. Gặp bác sĩ, người ta trách anh đến
đã quá hẹn, người bị bệnh nan y thời gian là vàng, chữa càng nhanh hiệu quả
càng cao. Bác sĩ còn xài xể anh là loại người “điếc không sợ súng” coi tính mạng
nhẹ như gió bay, rồi cho anh khám tổng quát đánh giá bệnh tình phát triển đến
đâu, nếu không khả quan không mất công cứu chữa, trả anh về quê.
Anh lặng thinh biết lỗi của mình. Anh ra khỏi phòng vấp phải
người con gái đi ngược chiều.
-Xin... lỗi...
-Anh Sinh hả? Cô gái bật khóc.
-Ôi Na...
Đúng là Na thật. Anh kéo Na ra ngoài, hai người ngồi vào ghế
đá trong khuôn viên bệnh viện. Na càng nức nở:
-Mẹ em... chết rồi... Cô đau đớn nghẹn ngào trong nước mắt.
-Ơ?... Anh sững người-Cho anh xin lỗi... Anh đã làm mất số điện
thoại của em rồi, không liên lạc được với em. Anh lấy khăn giấy lau nước mắt
cho Na.
-...
- Anh hối hận lắm... Anh xin lỗi…
Tiếng nức nở bớt dần, Na ngước lên nhìn anh trong ngấn nước:
-Anh dưới quê lâu lên thế? Mẹ tính ngày bác sĩ hẹn anh đã qua
lâu mà không thấy anh lên. Bệnh anh thế nào rồi? Chị không cho anh lên hả? Chị
vẫn giận anh hả? Na hỏi dồn dập như mấy thế kỷ mới gặp lại Sinh.
-Cô ấy bỏ anh rồi, anh cũng đồng ý giải phóng cho người ta,
níu kéo càng làm khổ nhau. Anh nhìn sâu vào mắt Na, cô cúi đầu né tránh ánh
nhìn trìu mến đó.
-Em... nhất là mẹ trông mong anh lắm, những ngày cuối mẹ càng
nhắc tên anh nhiều. Khi em hết hy vọng anh mới va vào em. Mẹ đang nằm trong nhà
xác... Em đợi người thân chú bác lên sẽ đưa mẹ về quê...
-... Em… cho anh cùng đưa mẹ về nha?
-…
Những ngày tang gia đau đớn làm hai tâm hồn đôi trẻ càng thân
thiết khăng khít xích lại gần nhau hơn. Hai bên gia tộc Na khi biết hoàn cảnh của
anh càng thương và thông cảm anh hơn. Anh càng thương Na, yêu Na thắm thiết,
thương Na chỉ có mẹ mà mẹ mất rồi thân côi cút đơn chiếc như anh. Anh ra sức
thu vén cửa nhà thiếu vắng bàn tay đàn ông. Anh cảm thấy nhà Na cũng như nhà
mình, anh bắc thang rọi lại mái tranh đã giột, anh đánh những gốc tre già phơi
làm củi, vét bùn đáy ao đã cạn trơ đáy… Bạn bè Na ai cũng khen ngợi anh giỏi
giang hiền lành. Na giục anh nhanh xuống bệnh viện tiếp tục điều trị nhưng anh
còn nấn ná.
-Anh à, anh nghe em đi, em lo cho anh lắm, người ta nói bệnh
ung thư khi gặp đám ma thì nó phát càng dữ đó. Anh cười tít mắt, dí tay vào mũi
Na:
-Bộ bệnh càng phát nhanh càng bỏ anh nhanh hả?
-Không giỡn nha. Na nghiêm trang khoát ba lô lên vai đầy anh
ra khóa cửa lại, cả hai cùng xuống viện.
Bác sĩ gặp lại anh la mắng quá trời, anh lẳng lặng đi các
phòng khám tổng quát. Bụng anh đói meo sôi ùng ục vì nhịn ăn từ sáng đến giờ để
chờ xếp hàng lấy mẫu máu.
Mặt trời đã đứng bóng. Mô hôi trán chảy giòng giòng, anh bước
vội ra gặp Na, anh cười tít. nhìn sâu vào mắt cô:
-Em này... bệnh anh giảm rồi... bác sĩ vừa kết luận: khối u
to 25(mm) như thế đó! Na mừng rỡ vô cùng, ôm lấy anh:
-Thiệt hôn? Em có nghe lộn không? Anh vội vội vàng vàng chìa
kết quả cho Na đọc:
-Nè, khối u nhỏ còn 25(mm) đó em!
-Em tỉnh hay mơ? Nếu mà mẹ còn sống... Na nghẹn ngào sụt sịt.
-Đúng là trời có mắt em à, anh cũng đã rất cố gắng... cuối
cùng anh không biết anh giảm bệnh tật do đâu nữa... Chỉ biết rằng nền y học dân
tộc mình thật vĩ đại kết hợp với y học phương Tây anh tin rằng thời gian không
xa nền y học dân tộc càng phát triển rực rỡ. Na ngước nhìn mắt anh, như bây giờ
mới được nhìn.
-Anh yêu em!!!... Sinh thì thào, ôm vai Na ép sát vào mình.
Na nép chặt vào anh như sợ anh bay lên mất.
-Anh giảm bệnh do tình yêu đó anh. Em tin tình yêu kỳ diệu đã
giúp anh vượt qua bệnh tật!
Na ôm chặt bờ vai Sinh. Cô kiễn chân, cố với tìm môi anh. Hai
người hòa vào nhau, tan vào nhau. Hai con tim nóng hổi, rộn ràng. Hai cặp môi,
hai ngọn lửa nồng nàn truyền cho nhau hương yêu say đắm. Đôi lưỡi, hai con rắn
nhỏ xoắn xuýt lấy nhau vội vàng nhiệt liệt. Nụ hôn sâu thật sâu, lâu thật lâu.
Thời gian dài thật dài như vô hạn…
Nắng xôn xao, nắng càng vàng càng tươi rười rượi. Gió lao
xao, gió càng thổi càng mát phây phây. Mây biêng biếc càng cao tít càng nhẹ
tênh, trôi từng đoàn như đèn kéo quân tết Trung Thu. Lòng người mở rộng như bầu
trời. Sinh và Na đi bên nhau, nắng chiếu chói loá in bóng họ trên đường, họ như
cao lớn hơn, họ như bước ra từ cõi khổ đau. Cuộc đời họ bây giờ đang đi về vùng
tươi sáng! Vùng sống chỉ có đời và thiền!.
15/1/2018 Mã Lam
15/1/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét