Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Xin đừng trách đa đaXXXXX

Xin đừng trách đa đa

“Xin Đừng Trách Đa Đa” - Huyền Sử Một Loài Chim Hay Chính Mối Tình Bí Ẩn Và Huyền Hoặc Của Nhạc Sĩ Võ Đông Điền? 
“Tôi đã trở về thăm mảnh đất Bình Dương thân yêu. Bên dòng sông xanh mang theo tuổi thơ hoa bướm và cả tuổi thanh xuân chôn kín những nỗi buồn.
Tình yêu đến với tôi như những cánh lục bình mang đầy hoa tím trôi lênh đênh, dập dìu trên sóng nước buổi hoàng hôn...Rồi tôi ra đi, hành trang tôi mang theo là những mảnh vở của trái tim chất chứa nhiều kỷ niệm của quê hương... Xin đừng trách người ơi!” (MNP)*
Tôi đến viếng thăm HVHNT tỉnh Bình Dương nằm đối diện bên dòng sông Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 12 năm 2008 để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là thăm viếng nghiã trang QĐBH của nhóm QGNT Heritage giao phó. Những ngày mùa đông khí hậu Bình Dương thật ấm áp. Những cơn gió từ dòng sông thổi vào mát rượi và làm rung động, xao xuyến những hàng cây trồng dọc ven bờ. Bình Dương thay đổi nhiều quá! Và khi tôi trở  về, tôi đã trở thành người lạ .
 
Người tôi gặp đầu tiên là nhà thơ Trần Bình Dương. Đôi mắt anh sáng lên khi nhìn thấy tôi. Anh hỏi “Em về bao giờ? Bao giờ  đi?” Tôi ngồi xuống bên cạnh và đáp “Em sẽ đi sau Noel.” Trần Bình Dương chưng hửng hỏi “Uả, sao đi sớm vậy. Ở lại ăn Tết với tụi anh nữa chớ.” Tôi cười và lắc đầu “Em không có ngày phép lâu hơn hai tuần”. Trông anh già, gầy, xanh xao hơn bảy năm trước. Tôi hỏi thăm anh được vài câu và thấy anh đang ngồi bên quán cóc bên đường uống cà phê với bạn bè nên tôi phải vào trong văn phòng của HVHNT. Tôi vẫn nhớ cái nghèo của chúng tôi, cái nghèo đã đưa đẩy chúng tôi trở thành bạn bè văn nghệ. Tôi vẫn thương mến qúy anh như ngày xưa. Tôi không biết anh đang bị bịnh nặng. Và năm nay, vào ngày 8 tháng 4 năm 2010, tình cờ lên mạng, tôi đọc được bài thơ Chu Ngạn Thư đăng trên báo điện tử VCV khóc anh làm tim tôi đập hụt một nhịp vì đau đớn. Vậy là Châu đã vĩnh viễn bỏ chúng tôi ra đi. Còn đâu lời hẹn trở về thăm Châu. Khi anh Võ Đông Điền cho tôi biết tin anh bệnh thì tôi lại ngại đến nhà viếng thăm vì sợ làm phiền.
 
Tôi xuất hiện bất ngờ khiến anh Võ Đông Điền ngỡ ngàng. Anh buông tờ báo xuống, khuôn mặt rạng rỡ nụ cười. Giọng nói miền Nam, quen thuộc, ấm áp của anh rót vào tai tôi: “Em về hồi nào vậy?”. Tôi đáp: “Tối thứ sáu vừa qua. Anh vẫn như xưa, không già đi và không bao giờ thay đổi.” Anh hỏi tiếp: “Chừng nào em đi? Em có ở lại ăn Tết với tụi anh không”. Tôi cười cười đáp: “Em chỉ có 2 tuần nghĩ phép thôi. Em sẽ đi sau Noel.” Anh lại hỏi: “Sao em đi sớm vậy?”. Giọng nói Anh cảm động và rất vui. Tôi cũng mừng rỡ khi gặp anh và nhiều văn nghệ sĩ như nhà thơ họ Lê,  nhà thơ Nguyễn Công Dinh, nhà biên khảo Nguyễn Hữu Học, nhạc sĩ Phan Hữu Lý , Ca sĩ Thăng Long nhà thơ Tiến Đường, nhà văn Phan Hai, Thảo Đường, Phạm Hùng, Huỳnh Bạch Yến, anh Tư Phúc... Tất cả các anh chị là những người bạn tâm giao của tôi hơn 30 năm. Tôi vẫn còn giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp về các văn nghệ sĩ đã cùng tôi chia sẻ vui buồn trong những ngày tháng long đong đầy khổ hạnh.
 
Nhạc sĩ Võ Đông Điền vẫn như xưa dù chúng tôi xa nhau hơn 20 năm. Anh và tôi dạy chung một trường. Anh là giáo sư âm nhạc, còn tôi dạy văn. Anh giản dị, hiền hậu, ít nói. Trên khuôn mặt thầm lặng của anh chỉ có đôi mắt trầm tư, buồn buồn, đa cảm như ẩn chứa một vùng trời mênh mông của cây trái, sông nước Bình Dương. Đôi mắt đó như nói với tôi tất cả những nốt nhạc mà anh đã gởi vào từng ca khúc. Tôi viết văn nhưng văn của tôi chứa nhiều lửa làm rát bỏng những khuôn mặt đạo đức giả và quyền thế của Hiệu Trưởng, Hiệu Phó và những tay nịnh hót trong trường. Ngày tôi rời Việt Nam không ai hay biết và ngày tôi về cũng không ai hay. Tôi ra đi âm thầm và trở về cũng âm thầm không ồn ào. Tôi như một chiếc bóng lặng lẽ đến và đi. Bạn bè cũ gặp lại nói rằng tôi vẫn giản dị như ngày xưa. Tôi không phải là những Việt Kiều rủng rỉnh tiền đô ăn chơi vung vít, khoe của, khoe tiền.
 
Sau hơn 20 năm, tôi chỉ gặp nhạc sĩ Võ Đông Điền hai lần. Lần đầu tiên năm 2001, tôi gặp anh trong phòng văn nghệ và ôm vai anh trong một phút để nói vài lời từ biệt. Tôi thoáng thấy đôi mắt anh ngỡ ngàng, vui vui rồi lắng đọng lại đó một câu hỏi? Ai đây? Anh đang tham dự một cuộc họp nên tôi ra về. Tôi nghĩ anh không còn nhận ra tôi.
 
Đây là lần thứ nhì, tôi gặp lại anh. Hai anh em ngồi kể chuyện cho nhau nghe. Anh rất ít nói, ai nói gì anh chỉ lắng nghe và cười. Tôi kể cho anh nghe những ngày sống xa quê hương. Mỗi khi nghe ai hát bài “Quê Hương” tôi lại nhớ nhạc sĩ Giáp Văn Thạch và người bạn gái của tôi (người yêu anh). Khi nghe ai bài hát “Xin Đừng Trách Đa Đa” tôi lại nhớ đến Võ Đông Điền. Tôi nhớ bạn bè, nhớ quê hương Bình Dương tha thiết. Tôi hỏi anh: “Anh sáng tác bản nhạc “Xin Đừng Trách Đa Đa” vào lúc nào vậy?”. Anh nói đùa một câu: “Em đi mấy năm sau thì anh nhớ em nên sáng tác bài hát nầy. Vậy có vừa lòng chưa?”. Tôi cười vì biết anh chỉ nói đùa. Tôi lại hỏi anh: “Lần trước em trở về Việt Nam chắc anh không nhận ra? Anh còn nhớ em mặc áo gì không?” Anh đáp: “Nhớ chứ. Em mặc bộ đồ đen. Khi anh họp xong, anh đi tìm em thì em đã biến mất”. Anh lấy trong tủ ra hai cái diã DVD tặng tôi: “Quê Hương Những Khúc Tình Ca” gồm có 12 bản nhạc chọn lọc, và “Cánh Hoa Bay” gồm 8 bài ca cổ nhạc. Anh giỏi cả tân nhạc và cổ nhạc. Anh cũng như tôi yêu bài hát Quê Hương và Cánh Hoa Dầu của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Anh cho tôi biết anh sáng tác bài hát “Xin Đừng Trách Đa Đa” vào tháng 9 năm 1993. Đúng hai năm, sau khi tôi rời khỏi Việt Nam. Tôi rời Việt Nam vào ngày 19 tháng 9 năm 1991 và ngày cưới của tôi vào tháng 9 năm 1993. Tháng 9 tôi lên xe hoa rời bỏ cuộc sống cô đơn. Tôi nghĩ đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bài hát ra đời chỉ được phổ biến trong tỉnh và thỉnh thoảng được phổ biến trên đài phát thanh của tỉnh Bình Dương. Mãi đến năm 1999 bài hát nầy mới nổi tiếng và được nhiều người biết đến khi được ca sĩ hải ngoại trình diễn. Những nhạc sĩ tỉnh lẻ, người miền Nam dù có tài cũng ít được ai quan tâm, biết đến. Vì truyền thông ở Việt Nam sau năm 1975, chỉ bơm hơi, tiếp sức, thổi bong bóng cho người Miền Bắc XHNC. Cho đến hôm nay, những bản nhạc ca ngợi lãnh tụ hay chế độ XHCN một thời được hát rĩ rả đến nhức óc mỗi ngày trên truyền hình, truyền thông báo chí tại Việt Nam đã thực sự bị đào thải.
 
Nhạc sĩ Võ Đông Điền sinh năm 1952 tại xã Phú Thọ, Thị Xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, Việt Nam. Anh là giáo sư Âm Nhạc trường Cao Đẳng Sư Phạm Bình Dương. Anh sáng tác hơn 100 ca khúc dành cho người lớn và trẻ em. Anh say mê tân nhạc nhưng cũng rất ghiền cổ nhạc nên cũng dành thời gian viết hơn 40 bài hát cổ nhạc được giới ca cổ rất yêu thích. Những năm gần đây, những hảng phim truyện Việt Nam vẫn mời anh viết ca khúc cho phim như bài hát: “Ký Ức Một Miền Quê”, “Xuân Trên Đồi Bằng Lăng”, “Bóng Mát Cuộc Đời”, “Em Tôi”, “Bến Mơ”... Tất cả những ca khúc của anh ngân nga như những bài ca dao, dân ca đưa chúng ta trở về quê hương Việt Nam yêu dấu trong vòng tay của mẹ hiền, bên chiếc võng đong đưa lời ru ngọt ngào, êm đềm của mẹ, trong cánh diều bay vun vút trời xanh, trong cánh hoa bằng lăng tím ngát, hay bên dòng sông muôn đời hiền hoà có dòng nước trôi xuôi, có con đò đưa khách sang sông. Và chúng ta có thể tìm nơi những ca khúc của anh tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người nở hoa bất tận. Đặc biệt, tình yêu trai gái là đề tài thật lãng mạn, thật đẹp và thơ mộng luôn ẩn hiện trong suốt những dòng nhạc sâu lắng dịu dàng và tha thiết của người nhạc sĩ miền sông nước mênh mông như bài hát “Bất Chợt Ta Nhìn Nhau”:
 
“Bất chợt em nhìn anh, lắng nghe từng kỷ niệm. Bất chợt anh nhìn em, nhớ những ngày xa xưa. Ta quen nhau, ta yêu nhau, ta xa nhau chẳng nhớ độ nào. Dòng sông xanh đã trôi đi theo tháng năm âm thầm sóng vỗ. Tuổi ngây thơ đã trôi đi theo ước mơ, có chăng là nỗi nhớ, nhớ...”
 
Nhịp đi của nhạc biến hoá tài tình ở đoạn cuối phần một của từ “nhớ...” Từ điệu Slow Surt, nốt Fa kéo dài đến La, chuyển tiếp đến Si và cao vút, ngân nga đến Đô...(Tacet).
 
Tình yêu đó đã trở thành dĩ dãng xa xuôi, có chăng chỉ còn là kỷ niệm không bao giờ tìm lại được. Em yêu ơi! Dòng đời đầy ghềnh thác, biết bao nhiêu chông gai, cay đắng lỡ làng. Ngỡ rằng tình xưa như một giấc mơ nhưng tôi đã gặp lại em, ánh mắt xưa ngập tràn bao nhung nhớ, và trái tim nhạc sĩ thổn thức:“ ...Tình yêu xưa ngỡ phôi phai như giấc mơ, cung đàn đã lỡ. Đập gương xưa có thấy đâu trong bóng gương...vỡ tan lỡ làng...Tình cờ gặp nhau đây, tưởng rằng phôi phai, buâng khuâng người em gái....” Và niềm hối tiếc sâu xa đã tràn ngập hồn người nhạc sĩ đa tình. Anh viết: “Sao không như ngày ấy, ngày em tròn hai mươi tuổi. Sao không như ngày ầy, để anh mãi còn đôi mươi”. Ai cũng có tình yêu và trong mỗi chúng ta ai cũng có những mối tình dang dỡ. Do đó, bài hát làm rung động người nghe vì nó đã khái quát được những cuộc tình thơ ngây, lãng mãn, nhưng cuối cùng chia ly và đầy hối tiếc.
 
Trong DVD có 12 ca khúc, phần lớn được các ca sĩ trong nước và hải ngoại hát trong chương trình Thúy Nga Paribynight như “ Tiếng Hát Chim Đa Đa, Xin Đừng Trách Đa Đa, Bất Chợt Ta Nhìn Nhau, Em Tôi...” Với giọng ca truyền cảm, ca sĩ Quang Linh đã  trình diễn xuất sắc những ca khúc của nhạs sĩ Võ Đông Điền. Ca sĩ Tâm Đoan với “Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc Dân Ca”, Hương Lan trong nhạc phẩm “Bình Dương Một Khúc Tình Quê”, Hoàng Lan trong bài “Người Đẹp Bình Dương”, Cẩm Ly với hát bài “Những Cánh Diều Quê Hương”, Trung Hậu trong bải “Nhớ Quê”, đôi song ca Trọng Phúc và Hà My đã trình bày bài “Mưa Xuân” thơ Nguyễn Bính, nhạc Võ Đông Điền và “Bình Dương Hương Sắc Dịu Dàng” do Trọng Phúc và Hạnh Nguyên trình bày.
 
Nhạc sĩ Võ Đông Điền và nhạc sĩ Giáp Văn Thạch sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, nên tình yêu của anh dành cho mảnh đất trái ngọt cây lành, nên thơ và hiền hoà nầy một tình cảm sâu đậm. Trong tuyển tập nhạc anh ký tặng cho tôi do nhà xuất bản Trẻ Sài Gòn ấn hành có tất cả 40 ca khúc, có bốn bài hát mang tên Bình Dương: Người Đẹp Bình Dương, Bình Dương Hương Sắc Dịu Dàng, Bình Dương Một Khúc Tình Quê, Trăng Bình Dương. Và trong DVD có 12 ca khúc, đã có 3 bài hát mang tên Bình Dương. Ngay cả trong những bài hát khác, lời ca cũng mang hình bóng Người Đẹp Bình Dương như bài “Miền Đất Tôi Yêu”: “Tôi yêu Bình Dương, chẳng biết yêu thuở nào. Tôi yêu Bình Dương, yêu từng góc phố không tên. Một dòng sông mênh mông sông nước. Một con đò đưa khách sang sông...”.
 
Trong hàng trăm ca khúc anh viết, bài hát “Xin Đừng Trách Đa Đa” đã gây một tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Nó đã đưa tên tuổi anh lên vị trí xứng đáng với tài năng của anh trong dòng âm nhạc Việt Nam.Tại sao? Bài hát như một huyền sử về một loài chim xuất hiện trong dòng văn học, ca dao, dân ca Việt Nam. Một loài chim ít ai biết đến. Tôi chưa bao giờ thấy và biết đến con chim Đa Đa, cho dù, tôi đã sống cả tuổi thơ trên dòng sông Sài Gòn tỉnh Bình Dương. Con chim Đa Đa chỉ có trong ca dao, dân ca miền Nam mà tôi thường nghe mẹ tôi hát từ thuở ấu thơ: “Chim Đa Đa đậu nhánh Đa Đa. Chồng gần không lấy lại lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già. Chén cơm đôi đủa, chén cà ai bưng (dâng)”. Nhạc sĩ Võ Đông Điền đang gởi gấm tâm tư và trái tim cho ai? Nếu bài hát chỉ nói về tình yêu trai gái trong luỹ tre làng thì nó không có giá trị phổ quát, gây ấn tượng sâu đậm cho những người xa xứ có thân phận lạc loài. Nó cũng chỉ làm một trong những bài hát đơn giản nói về tình yêu trai mà tôi sẽ quên nhanh như bao nhiêu bài hát khác. Tôi là người đã bỏ xứ ra đi khi tuổi còn xuân, lứa tuổi cần tình yêu và đang yêu. Nhưng tôi đã không còn dám yêu ai. Tôi rời khỏi Việt Nam và lấy chồng xứ lạ. Tôi là một trong những người thấm thía và hiểu sâu sắc bài ca anh viết. Nhưng cho đến nay, tôi cũng không thể nào hiểu được người con gái nào đi vào hồn anh sâu lắng đã khiến những nốt nhạc kia chơi vơi, buồn bả và xót xa: “Rồi con chim đa đa ngẩn ngơ đứng trông về chốn xa. Còn âm vang câu ca ngày em bước chân đi theo chồng...Nhìn mây trôi mênh mông nơi quê chồng em còn buồn không?..”. Câu hát vừa hờn trách vừa dịu dàng và đầy lòng vị tha. Anh hỏi người con gái anh yêu rằng em lấy chồng nơi quê người em còn buồn như xưa hay em đang vui duyên mới trong số phận ly hương? Câu hỏi như xoáy vào tâm hồn những ai rời bỏ quê hương để lấy chồng xa xứ. Anh trách sao người con gái vô tình và tại sao không lấy chồng gần mà lại lấy chồng xa, để “chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam”. Và anh lại trách vì sao tình đôi ta phải chia lìa “...Ai làm. Ai làm cho hạt mưa tuôn. Ướt con bướm vàng khi đậu nhánh mù u. Chim chuyền nhành ớt, nhành dâu, lấy chồng xa xứ biết đâu mà tìm..” Giọt mưa sa hay nước mắt của người con gái rời khỏi quê hương đã làm ướt đôi cánh của con bướm vàng đậu nhánh mù u. Nội dung lời ca đơn giản, mộc mạc, gần gủi nhưng đã mang một dấu ấn quan trọng về những biến động xã hội, lịch sử và thân phận người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mở cửa và tiếp cận thế giới bên ngoài ( bài hát ra đời tháng 9 năm 1993).  Đồng thời nó cũng khái quát và dự báo về những cuộc tình dang dỡ, chia ly của kẻ ở người đi. Nó như một hồi chuông báo động thảm trạng, số phận những cô gái làng quê Việt Nam từ Bắc vào Nam vì hoàn cảnh gia đình, xã hội phải rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rúng, nơi ruộng vườn có lũy tre xanh, có đồng ruộng, sông nước hiền hoà để chấp nhận lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn... như một cứu cánh để giải thoát cuộc sống cơ hàn, đói khổ ở quê nhà. Những cô gái trẻ đẹp, thơ ngây, trong sáng đã mơ ước đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi chân trời xa lạ. Những cô gái vì chén cơm manh áo và cuộc sống tăm tối đói rách truyền miên đã phải làm vợ những người ngoại kiều mà mình chưa bao giờ biết mặt, biết rõ lai lịch họ là ai. Những cuộc hôn nhân môi giới, gã bán vì tiền đã đẩy hàng triệu phụ nữ Việt Nam phải làm vợ những tên vô học, già nua, tàn tật, bịnh hoạn. Bất hạnh hơn là đôi khi họ bị bán vào động mãi dâm và suốt đời chôn trong chốn bùn nhơ. Họ như những con thiêu thân lao vào ánh sáng rồi chết gục mà không ai biết đến.
Bản nhạc gợi hồn người xa xứ, như một bài ca dao, dân ca mang âm điệu buồn quyến rũ, êm ả ru ta vào cõi bềnh bồng của những mối tình câm lặng, tan vỡ, đầy hoài niệm và nhân bản.
Lời hát sau cùng đã lập lại tựa đề bài hát chứa chan tình người “Xin em Đừng Trách Đa Đa, xin em đừng trách Đa Đa...”. Đó là những lời an ủi, chia sẻ, cảm thông “xin đừng trách người đi...vì đâu...vì đâu em ra đi!? Nhạc sĩ Võ Đông Điền đã viết bài hát nầy cho ai? Cho một người tình? Một cô bé hàng xóm đã có tuổi thơ và một thời hoa mộng bên lũy tre làng hay một bóng hồng nào mà anh đã yêu thầm lặng? Con chim Đa Đa chỉ là một huyền sử. Có chăng nó chỉ tượng trưng cho mối tình bí ẩn và huyền hoặc mà người nhạc sĩ đa tình đã chôn sâu vào tận đáy lòng.
Chú thích: 
Tôi tìm trên các sách báo và internet về loài chim Đa Đa. Nhưng tôi vẫn chưa thể hình dung ra được chim Đa Đa là loài chim gì? Hình dáng ra sao? Chỉ xin cung cấp cho quý vị biết sơ qua về nó như sau: Chim đa đa thuộc Lớp (class) Aves (Chim), Họ (familia) Phasianidae, Loài ( species) F. pintadeanus (thuộc họ Trĩ). Loài chim Đa Đa thường xuất hiện ở Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanma, Philippin, Thái Lan. Chúng sống trong các khu rừng nhiệt đới. Người Việt Nam còn nghĩ nó là con chim Quốc vì tiếng kêu của nó. Chim Quốc thuộc họ Gà Nước (Rallidae) nhóm Porzana, tiếng Anh gọi là Crake.  Nó còn được lại gọi là chim Gia Gia (còn gọi là Đa Đa - cũng do tiếng kêu của nó) tức gà Gô hay Giá Cô 鷓鴣 (Tự Điển Thiều Cửu), có tên Anh: Chinese francolin, thuộc họ Gà.
Có người dịch bài hát nầy ra Anh Ngữ là “Please Don’t Blame the Chinese Francolin”. 
23/2/2009
Mây Ngàn Phương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...