Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Còn rung động thì còn viết

Còn rung động thì còn viết

Võ Chí Nhất, tác giả của tập truyện trinh thám Muội tro (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành, ảnh) hiện đang công tác tại Công an huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), là nhà văn trẻ tuổi nhất được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh kết nạp năm 2017. Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh về chuyện văn, chuyện nghề.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
– Ở Việt Nam ta còn ít người viết về dòng văn học trinh thám, anh đi theo con đường này có sợ… lẻ loi?
– Tôi có đọc kha khá bài viết về thể loại trinh thám trên mạng của một số cây bút thành danh để xác định sự phát triển của thể loại này ở nước ta một cách thật khách quan nhưng đúng là thể loại này nhiều người đọc nhưng lại ít người viết. Chính vì nhiều người đọc nên các Nhà xuất bản phải đáp ứng nhu cầu người đọc bằng cách xuất bản sách của các nhà văn nước ngoài. Ngay cả cuốn truyện trinh thám đầu tiên tôi đọc cũng là sách dịch. Ban đầu khi viết truyện trinh thám tôi cũng cảm thấy khá… lẻ loi, nhưng sau đó, qua quá trình tìm kiếm tài liệu tôi lại được quen biết nhà văn Lâm Hà chuyên viết thể tài tình báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tác giả cuốn Phạm Xuân Ẩn… và nhà thơ Trần Ngọc Mai hiện đang công tác tại trường Đại học An ninh.
– Anh làm trong ngành công an, liệu đó có phải là thế mạnh để đi theo dòng trinh thám?
– Tôi bắt đầu đọc sách từ năm học lớp 7. Lúc đó Mẹ không cho tôi đọc sách nên tôi thường tranh thủ đọc trong giờ ra chơi hoặc là nấp trong nhà Nội, cạnh một cánh cửa sổ để mở đọc lấy đọc để. Ban đầu là truyện tranh thám tử lừng danh Conan và sau đó là những truyện ngắn của Sherlock Holmes. Tôi mê truyện trinh thám từ đó và tập tành viết.
Truyện trinh thám đầu tiên tôi viết có tựa là “Dòng máu bạc” đến giờ vẫn còn giữ bản thảo (hiện tôi đã triển khai thành một tiểu thuyết và sẽ trình làng trong thời gian tới). Vì thế, tôi cho rằng không hẳn công tác trong ngành Công anh hay Tình báo mới theo đuổi dòng trinh thám mà nó bắt nguồn từ đam mê, và vì đam mê mà theo đuổi.
– Văn học trinh thám không đơn thuần là những câu chuyện vụ án. Anh đã làm gì để tác phẩm đạt hiệu quả cao, có văn, hấp dẫn bạn đọc?
– Đúng. Truyện trinh thám không đơn thuần là những câu chuyện vụ án mà được phải “dựng” lại từ những vụ án có thật theo nguyên tắc (mà tôi tự vạch ra) là 7 phần thật, 3 phần thêm thắt như truyện Muội tro, hoặc từ một cái tứ quen thuộc như “kẻ cắp gặp bà già” và tôi có truyện Đừng xem đó là bẫy, hoặc Sơ Lốc Hôm mặc váy chẳng hạn.
Một truyện trinh thám hấp dẫn cần nhiều yếu tố. Tôi thường đọc nhiều trước khi viết, và điều cần thiết nữa là có một vụ án tương đối hay để xây dựng một cốt truyện hấp dẫn và đáng tin, các nhân vật do mình tạo ra phải có những đặc điểm đặc biệt, lối hành văn đặc trưng, bố cục, cách dẫn chuyện, chủ đề của câu truyện… Nói đơn giản, một cốt truyện trinh thám hay sẽ làm nên một truyện trinh thám hay.
– Tác phẩm Muội tro anh mới xuất bản, gồm 10 truyện ngắn, với nhân vật xuyên suốt là nữ cảnh sát hình sự Hà “Ớt”. Vì sao anh có ý tưởng này, nhằm mục tiêu gì?
– Như đã nói ở trên, trước khi viết tôi thường hay đọc, và tôi đọc nhiều những xê ri truyện trinh thám của nước ngoài như xê ri truyện của thám tử Hercule Poirot, bà Marple của nhà văn người Anh, Agatha Chistie, hay xê ri truyện của thám tử nổi tiếng Sherlock Holmes của nhà văn Conan Doyle. Họ đều sử dụng một nhân vật chính xuyên suốt cho những tác phẩm của mình. Và tôi cũng có tham vọng đó. Hihi.
– Lựa chọn dòng truyện này, anh có tự tin mình đi được đường dài?
– Càng cô đơn tôi lại càng viết. Lúc vui cũng viết, buồn cũng viết. Đa phần là truyện ngắn. Vì bởi lẽ tôi thấy con người trong cuộc sống hiện tại (mà tôi thấy) quá bận bịu với guồng quay của cuộc sống, họ không có thời gian để nghỉ ngơi và chơi đùa. Thế nên tôi mới viết những truyện ngắn trinh thám xu hướng nhẹ nhàng, dí dỏm chỉ để giúp người đọc có được giây phút thưởng thức văn chương, vừa được giải trí qua những vụ án đầy chất trí tuệ như ăn một trái lê mùa hạ. Và ngày nào tôi còn rung động trước những vụ án xảy ra thì tôi sẽ còn viết.
– Theo đánh giá của một số nhà phê bình văn học, văn chương trẻ hiện nay đang “tắc”, “dò” tìm đề tài, trong khi rất nhiều đề tài nóng bỏng của xã hội họ lại không quan tâm. Anh có ý kiến gì?
– Không hẳn là văn chương trẻ không quan tâm mà có thể do họ đang suy nghĩ, tìm cách khai thác phù hợp, cũng có thể do đề tài nóng bỏng đó lại không nằm trong số chủ đề mà các nhà văn trẻ yêu thích nên còn ngại khai thác, khám phá.
– Xin trân trọng cảm ơn anh!. 
1/12/2022
Nguyễn Văn Học
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...