Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Hoa lưng chừng núi

Hoa lưng chừng núi

Tôi đặt bàn chân mình lên cỏ. Phía xa, mặt trời kéo một vệt sáng phớt hồng trên nền trời xanh biếc. Gió sớm lùa qua hàng thông rồi sà xuống bên tôi. Tôi rùng mình kéo cao cổ áo. Con đường dẫn tôi đi…
Đêm. Yên tĩnh bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Suốt một ngày ngồi xe làm tôi mệt rã rời. Chiếc giường tôi nằm cứ như lắc lư, chao đảo. Tôi kéo chăn đến tận cằm. Tấm chăn bông mềm mại ấm áp, tấm nệm êm êm dưới lưng. Mùi thơm thoang thỏang của mái tóc mới gội xong chưa khô hẳn. Chiếc áo ngủ mới mặc lần đầu, sợi vải mịn màng cọ vào thân thể. Tôi duỗi người. Mẹ vẫn bảo khi nằm tôi cong người như con tôm. Cái dáng nằm đó rồi thì cả đời không thảnh thơi được. Tôi nhớ đến căn gác nhỏ của tôi với tấm nệm thước hai đặt nơi xó góc. Trời nóng, nằm trên nệm. Trời lạnh, tự động tôi lăn xuống sàn. Đêm, trăm thứ âm thanh lọt vào cho đến tận khuya. Tiếng vợ chồng hàng xóm cãi nhau, trẻ con khóc. Tiếng xe rú ga vào hẻm nhấn còi inh ỏi. Tiếng mì gõ lóc cóc. Xô chậu nhà ai va đập lỏang xỏang. Tôi ngủ thiếp đi trong mớ âm thanh hỗn tạp đó sau một ngày làm việc mệt nhòai. Phải rồi, một ngày tám tiếng hoặc hơn tôi ngồi thẳng lưng trước bàn làm việc. Nhẫn nại, cần cù, tỉ mẫn. Có lẽ như một quy luật bù trừ, đợi đêm về, ngã người xuống nệm cái lưng tôi tự động uốn cong. Trong mơ tôi nghe tiếng mẹ khẽ khàng lên xuống thang gác. Khẽ khàng vì sợ tôi thức giấc. Trên chiếc giường đặt cuối phòng kia, bố trở mình ho, đòi uống nước, đòi tiểu đêm, cằn nhằn gọi mẹ. Giấc ngủ tôi chìm và nặng. Giấc mơ tôi không có cánh. Giấc mơ luẩn quẩn như cuộc đời của mẹ. Trên đầu giường của bố có một ô cửa nhỏ. Cái ô cửa lạ thường cao gần sát mái mở ra một chút trời xanh. Phía dưới ô cửa, chạm ngay mái nhà bên cạnh  nên nếu nhà người ta xây cao thêm chút nữa thì chút xíu trời xanh này cũng phải bịt kín luôn. Tôi thấy mẹ thường ngồi trên chiếc ghế con, bên giường bố và ngước nhìn ô cửa đó. Trời mưa, dăm ba hạt nước hắt vào. Trời nắng được một mảng nắng vàng hoe. Ôi, mảnh trời cỏn con của mẹ. Nếu như suốt ngày người ta chỉ sống với một mảnh trời cỏn con như thế!.. Không ngăn được tôi ngồi bật dậy đưa tay lùa cánh cửa sổ. Hơi lạnh ùa vào làm tôi rùng mình. Đêm ẩm ướt nồng nàn mùi đất, mùi nhựa cây, mùi lá khô ỏai mục. Tôi nghe tiếng gió rong ruỗi qua các ngọn cây. Mênh mông gió. Tôi nhìn xa xa… Một vùng sáng nhạt nhòa trong màn sương bàng bạc. Có lẽ đó là trung tâm thành phố. Đèn màu, xe cộ và du khách. Tôi, tôi cũng chỉ là du khách. một du khách trên mảnh đất mẹ sinh ra và sống hết thời thiếu nữ. Thời thiếu nữ của mẹ cũng như thành phố này, bàng bạc mù sương. Tôi chỉ lóang thóang nghe rằng gia đình bên ngọai tôi khá giả. Ông bà ngọai mất đi, căn nhà ở một con đường nào đó trong thành phố này cũng biến mất không hề lưu một dấu ấn nào trong chị em tôi. Lớn lên tôi chỉ thấy khuôn mặt mẹ khép kín, lặng lẽ, chịu đựng và những giọt nước mắt âm thầm… Tôi ý thức rất sớm rằng gia đình tôi không hạnh phúc. Nước mắt của mẹ thấm vào tim tôi từ khi mới lên hai, lên ba. Bố không cam phận làm một anh công chức xòang, bỏ việc nhảy ra ngòai hội nhập với nền kinh tế thị trường dầu sôi lửa bỏng. Người ta bảo bố thức thời; người ta bảo bố đầy bản lĩnh.Vây bọc lấy người đàn ông phong độ đó là rất nhiều phụ nữ. Họ ngang nhiên xuất hiện bên cạnh bố, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc chỗ này, khi chỗ khác. Mẹ chỉ là chiếc bóng mờ trong cuộc đời sôi động của bố. Đau đớn, nhẫn nhục mẹ co người lại sống cuộc đời hẫm hút bên tôi. Vậy mà vẫn có thêm em Thương. Mẹ không muốn có em, quyết liệt không muốn có nhưng cuối cùng em vẫn phải ra đời. Mẹ ôm em mà khóc rồi đặt tên em là Thương. Thương em lắm! Từ đó, tôi không thấy mẹ khóc nữa. Tôi đọc được trên khuôn mặt khép kín ẩn nhẫn kia cái quyết tâm của một người từng bước một lê dần đến đích. Mẹ thầm lặng dạy chúng tôi rằng lòng tự trọng chỉ thực sự sống khi con người biết tự nuôi sống bản thân. Chị em tôi hiểu, hiểu lắm. Tôi chờ đợi ngày tôi đi làm, ngày tôi góp nhặt từng đồng xu để vun vén lo toan, và mẹ có thể đàng hòang xin phép bố được một lần rạch ròi mọi lẽ. Rạch ròi cả trên tình cảm và cả trên pháp lý. Tự do dẫu muộn màng vẫn là điều tuyệt diệu. Lần đầu tiên chạm tay vào đồng tiền mình kiếm được tôi bồi hồi như chạm tay vào một cánh cửa có thật, cánh cửa sẽ mở tung ra và bên ngòai là trời xanh… Công việc đi dần vào ổn định, thu nhập vừa có dấu hiệu khả quan, em Thương đậu vào Đại học thì đùng một cái, bố trở về. Bố đột qụy. Có cái gì vỡ toang ra từng mãnh. Tôi chóang váng. Cánh cửa đóng sập lại trước mắt tôi. Trần trụi và nghiệt ngã. Cả bầu trời xanh lồng lộng của tôi thu lại thành ô cửa như cái lỗ thông hơi trên đầu giường người bệnh. Thấy tôi xớ rớ đến gần, mẹ xua tay nuốt nước mắt nói như van vĩ: “Để đó cho mẹ. Con ra ngoài đi.” Con ra ngoài đi! Mẹ đẩy tôi về phía trời xanh. Đẩy tôi hòa nhập vào dòng đời náo động ngoài kia. Tôi đi sao đành! Tim tôi nức nở. Giữa bạn bè, giữa đám đông tôi vẫn hoàn toàn cô độc. Thì đó, bạn bè tôi dưới kia, tưng bừng phố xá. Còn tôi, tôi ẩn mình vào bóng đêm như con thú tật nguyền. Đêm, bóng tối và tôi. Ngọn đèn đường nhòe nhoẹt. Sao lại có một thành phố buồn đến thế này. Lạnh lẽo, mịt mù sương…
Tôi đặt bàn chân mình lên cỏ. Phía xa, mặt trời kéo một vệt sáng phớt hồng trên nền trời xanh biếc. Gió sớm lùa qua hàng thông rồi sà xuống bên tôi. Tôi rùng mình kéo cao cổ áo. Con đường dẫn tôi đi. Những mái nhà còn ngái ngủ sau hàng giậu đẫm sương. Vài người chở rau củ đạp xe cọc cạch. Màu đất đỏ bê bết, hồn nhiên. Tôi ngửng cao đầu. Gió thổi ngược tóc tôi. Những chiếc lá hình kim trên đầu lại lao xao, lao xao… Gió đưa tiếng lá đi xa về gần rồi chợt vỡ òa rạt rào chóang ngợp. Giữa hai bờ đá tảng con đường len lỏi đi. Và tôi, tôi đi về phía mặt trời. Núi đồi trở mình trong nắng ấm. Giọt nắng óng vàng như ướp bằng sương và mật. Hai bên đường chợt rực lên, nồng nàn một mầu dã qùy hoang dại. Tôi đứng trên nền đá cao nhìn những con đường quanh co uốn lượn dưới chân mình. Rất gần tôi, trên sườn đồi thoai thỏai, một ngôi nhà hiện ra dưới ánh mặt trời. Bình thường, giản dị mà sao như cổ tích. Mái ngói đỏ, cửa kính trắng, mấy gốc thông non… Ngôi nhà trông ngon lành như miếng bánh bông lan bày trên dĩa sứ. Tôi tựa mình vào gốc cây khép mắt rồi lại mở mắt ra. Bừng lên trong màu nắng, một góc nhỏ bên hông nhà là một ô cửa sổ mở tung ra. Rèm voan trắng buộc lửng,và bên thành cửa sổ, một lọ hoa vàng rực rỡ, bình yên. Hồng vàng. Tôi biết chắc đó phải là hoa hồng vàng. Tôi bước xuống những bậc đá, len lỏi dưới rặng thông và băng qua một chiếc cầu gỗ thô sơ chênh vênh không tay vịn. Như người mộng du tôi bước dần về phía giấc mơ. Không, không phải là mơ. Tay tôi đang chạm vào cánh cổng sắt đen mát lạnh. Màu sơn còn mới lắm. Những hoa văn điệu đàng uốn cong, quấn quýt vài giây tường vi hoa lấm tấm. Một mảnh sân nhỏ tràn trề sắc xanh cây lá. Tôi nhìn vào ô cửa mở. Mình không mơ. Chắc chắn đây là sự thật. Nhưng ô cửa kia, tấm rèm kia, mầu vàng dịu dàng của mấy cánh hồng kia… Tôi nhặt một viên sỏi nhỏ nắm chặt trong tay mình rồi quay bước. Một quán cà phê bên đường chênh vênh như mở cửa ra đón gío. Quán mộc mạc, đơn sơ và vắng vẻ. Tôi chọn một chiếc ghế, thả mình xuống úp mặt vào đôi tay. Ngôi nhà… Tôi đã thấy một lần trong tấm ảnh rất xưa của mẹ. Cánh cửa sổ mở rộng, rèm voan trắng và lọ hồng vàng… Mẹ đứng nhòai người bên thành cửa, xõa tóc, đưa tay ra như đang nói điều gì đó. Vâng, thiếu nữ đó là mẹ mặc dù chẳng giống chút gì với mẹ của tôi bây giờ. Khi tôi đưa tấm hình ra hỏi, mẹ lặng lẽ cầm lấy cất đi và không trả lời tôi. Vẫn khuôn mặt héo hắt, những giọt nước mắt cạn kiệt đã khô tận đáy lòng. Mặt trái cuộc đời… Khi hiểu ra thì đã muộn. Việc thanh không biết, việc thô không hay, mẹ hòan tòan lệ thuộc vào chồng. Một sự lệ thuộc đầy tủi nhục. Tôi biết, dưới sự phủ phàng của bố, mọi thứ trong mẹ sụp đổ chóng vánh tan tành. Tuổi thanh xuân, ước mơ, niềm tin yêu cuộc sống… Nhưng có một điều vẫn tồn tại, kiên trì và ngấm ngầm tồn tại trong vóc dáng mảnh mai, tàn tạ đó. Lòng tự trọng. Tự trọng đến mức quằn quại vì đau đớn. Vậy mà mẹ vẫn phải bám vào bố. Dứt khóat với bố thì lại phải tựa vào người khác. Mẹ rùng mình… Còn hai đứa con… Bố là cha. Bố có bổn phận. Chị em tôi có quyền đàng hòang nhận sự dưỡng nuôi từ bố. Mẹ biết, một khi đã dứt khoát thì ba mẹ con đừng hòng nhận được một đồng trợ cấp. Bố cũng biết, biết rất rõ nên tháng tháng chị em tôi vẫn nhận vừa đủ tiền ăn học. Vừa đủ để cả ba sống hẩm hút trong căn hẻm tồi tàn. Lâu lâu bố ghé qua. Khi thì một mình, khi thì một cô, một dì nào đó kèm theo. Bố nhìn quanh nhà, nhún vai cười khẩy: “Mẹ con bà thì đâu cần nhà cao cửa rộng. Những thứ đó… đời thường quá mà”. Mẹ lặng lẽ quay đi, đau đớn không phải vì ghen. Tôi nhìn hai người và hiểu, hiểu tất cả.
Nắng đã lên cao rồi. Mặt trời hào phóng ném những tia nắng vàng kim xuống núi đồi xanh biếc. Rặng thông chở đầy những búp non xòe tay vươn mình đón nắng. Mầu nắng trong veo. Bầu trời trong veo, Tiếng chim, tiếng gió cũng trong veo… Tất cả trải ra trước mắt tôi như một mảnh đời bằng pha lê, chạm vào sẽ vỡ.
- Này, đây là quán cà phê, không phải đang ngồi trước cái máy tính đâu nhé.
Tôi giật mình quay đầu lại. Quân đang vịn tay vào thành ghế nhìn tôi cười. Rồi cũng rất tự nhiên anh kéo một chiếc ghế ngồi đối diện tôi:
- Đi ngòai kia nhìn cái dáng em ngồi trong quán là nhận ra ngay. Không nhầm vào đâu được. Cái lưng lúc nào cũng thẳng chín mươi độ.
Tôi cười. Thay vì ngả lưng ra thì lại nhòai người xuống bàn tựa cằm vào đôi tay. Anh là sếp của tôi, dĩ nhiên chỗ ngồi và cách ngồi phải khác. Tôi nhìn lên bàn. Chiếc máy ảnh đựng trong túi da đen bóng của anh đặt bên cạnh chiếc ví cũ sờn của tôi. Chiếc ví nhỏ có con bướm bạc tôi mua từ hôm nhận được đồng lương đầu tiên. Anh vớ lấy chiếc máy ảnh loay hoay mở nắp đưa ống kính ngắm nhìn xung quanh rồi hỏi bâng quơ:
- Em đi làm được mấy năm rồi nhỉ?
- Dạ ba năm.
- Ừ, tôi cũng nhớ là ba năm. Thế có bao giờ em chán Cao Đăng và muốn tìm nơi khác không?
Tôi cúi đầu. Chán! Hình như trong công việc chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến điều này. Tôi nghiêm túc, cần cù, tỉ mẩn. Tôi kiên trì, thận trọng từng bước một. Quân vẫn loay hoay với cái máy ảnh, không nhìn tôi:
- Cứ ngồi mãi một chỗ thì cũng chán.
- Nhưng với em, để có một chỗ ngồi cũng khó lắm anh. Người ta đâu có dành sẵn chỗ cho mình.
Anh đặt chiếc máy xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi cười:
- A, thế nghĩa là vẫn có những cái ghế dành sẵn. Như tôi… Mà em nói đúng. Nếu tôi không là con giám đốc có lẽ tôi đã ngồi ở một chỗ khác, thú vị hơn.
Tôi không trả lời anh. Anh nhấp một ngụm cà phê, vẫn nhìn vào mắt tôi:
- Nói thật nhé. Em làm việc cần mẫn và đầy tinh thần trách nhiệm. Em có năng lực và thông minh nữa …
Anh bỏ lửng câu nói, nhẩn nha nhấp một ngụm cà phê nữa rồi thong thả:
- Nhưng em thiếu một chút liều lĩnh của tuổi trẻ. Một chút thôi mà đôi khi nhờ nó lại thay đổi hẳn cả tương lai.
Tôi như vừa bước hụt chân. Liều ư? Nếu sơ sẩy tôi bám vào đâu? Bạn bè cùng lứa với tôi ra trường tụi nó nhảy năm bảy chỗ. Có đứa thành công, lên vùn vụt, có đứa mất việc cả năm trời không tìm được chỗ làm. Tôi dám liều không? Không! Cả mấy mẹ con trông chờ vào đồng lương của tôi. Giờ thêm cả bố…
Đột qụy lần thứ nhất, chị em tôi hay tin tìm đến thăm. Bố nằm phòng lạnh. Sữa ngọai, trái cây đắt tiền chất đầy chiếc bàn con. Dì Mai đón được bố về chăm sóc cười hể hả: “Ổng cứ như ông trời con.” Chị em tôi giấu mấy trái cam dưới gậm bàn. “Ông trời con” nằm đó vẫn tràn trề quyền uy và sức sống. Rồi bố dần dần hồi phục. Rồi du lịch, rong chơi, biệt mù tăm cá. Đột qụy lần thứ hai. Lần này thì không gượng dậy được nữa. Chị em tôi hay tin, chưa biết tìm đến đâu thăm viếng. Bố trở về, trên chiếc taxi với một ông bạn già. Mẹ là người tỉnh táo đầu tiên chạy ra đón bố. Không ai nói với ai lấy nửa lời. Ông bạn gìa ngượng ngập, lúng túng “bàn giao” xong vội vã cáo lui. Từ đó, tấm thân bất động nằm dán xuống giường. Đầu óc không bình thường nữa, lúc quên, lúc nhớ. Không còn gì cả. Sạch sành sanh!… Thực tế giáng vào mặt tôi một đòn chí tử. Tôi không có quyền gục ngã nhưng tôi lảo đảo bước chông chênh… Liều lĩnh! Thiếu một chút liều lĩnh có nghĩa là tôi thiếu tự tin và có nghĩa là mặt năng động có phần hạn chế. Tôi hoang mang. Một ông sếp đang mổ xẻ nhân viên. Đắn đo cân nhắc như cầm một công cụ trong tay để liệu cách dùng. Sếp đang nhìn rõ vào điểm yếu của tôi nhận định rạch ròi. Tôi sắp mất việc làm ư? Quân vẫn hướng thẳng tia nhìn vào tôi:
- Tôi có trách nhiệm với Cao Đăng, công ty của gia đình tôi. Tôi phải ngồi đúng chỗ của tôi để tiếp tục gánh vác công việc. Tôi có bổn phận phải phát triển công ty cho xứng tầm của nó. Để đảm nhận gánh nặng này tôi cần phải tích lũy kinh nghiệm, phải vạch chiến lược năm năm, mười năm. Đó là chuyện của một công ty. Còn việc của mỗi cá nhân lại khác. Tương lai một con người đôi khi chỉ quyết định trong thời gian ngắn. Thời gian ủng hộ tôi và công việc của tôi, nhưng thời gian không chờ đợi em.
Tôi nhìn anh, lòng đầy lo sợ. Anh nói với tôi những điều đó để làm gì? Liệu đây có phải là cách vào đề khéo léo…
- Nói thẳng ra là thế này. Cao Đăng không rộng đường cho em thăng tiến. Mà em thì có năng lực và tuổi trẻ. Nhìn cách em làm việc tôi thấy rõ điều này. Tôi quen vài chỗ. Tôi mạnh dạn giới thiệu em đến đó. Em sẽ mở rộng tầm nhìn, sẽ rộng đường bay.
Tôi mở to mắt, có cảm tưởng mình vừa rơi xuống từ đâu đó:
- Nhưng em…
- Em sợ chứ gì? Không dám liều chứ gì? Cứ thử đi, nếu không thích hợp thì trở về. Cao Đăng sẵn sàng mở cửa.
Anh đứng dậy, quay lưng về phía tôi. Lại đưa máy ảnh lên thản nhiên nhìn ngắm, bấm máy:
- Về công ty em đến gặp tôi nhé. Mình bàn vấn đề này cụ thể hơn.
Vẫn không quay lại, anh nhảy xuống từng bậc đá, cười thành tiếng:
- Mà tôi nói trước nhé, không có ghế dành sẵn cho em đâu. Em phải chứng tỏ có đủ năng lực ngồi vào chỗ đó.
Tiếng cười anh giòn tan trong màu nắng trong veo.
Tôi không ngủ được. Làm sao tôi ngủ được. Lời đề nghị lạ lùng của anh ám ảnh tôi. Liệu tôi có nên thả mồi bắt bóng? Nhưng cánh cửa tương lai vừa hé mở kia hứa hẹn một bầu trời thênh thang quyến rũ quá. Tôi có đủ sức bay không? Điều gì chờ đợi tôi phía trước? Tôi đang tựa vào đâu đây? Lòng tốt ư? Lòng tốt… Tôi chợt rùng mình. Mai tôi về rồi. Bỏ lại thành phố đầy những điều kỳ diệu. Thành phố như mơ, như thần thọai. Ba hôm liền tôi bỏ bạn bè đi lang thang. Đi theo đòan thì cũng chỉ có lên xe, xuống xe, tạo dáng chụp hình và mua sắm. Nhưng tối qua mấy cô bạn cùng phòng bắt đầu bàn tán về chuyến tham quan du lịch lạ thường của tôi. Càng lạ lùng hơn nữa là mấy hôm rồi sếp cũng biệt tăm. Không đi theo đòan vậy thì đi đâu? Người ta nhìn tôi ngờ vực. Không, tôi đâu biết gì, tôi chỉ gặp anh một lần duy nhất, bữa đầu tiên. Sếp có việc của sếp. Quan tâm làm gì. Nhưng bạn bè không nghĩ như tôi. Người ta xầm xì khúc khích: “Một kiểu Lọ Lem thời a còng”. Tôi nghe nhưng bỏ ngòai tai. Nói chung, tôi chẳng mơ gì đến Lọ Lem, dù a còng, a móc gì cũng vậy. Cứ ngồi nhặt hạt đậu đen đậu trắng, đậu trắng đậu đen và chờ hoàng tử. Mà nếu hoàng tử không đến thì cuộc đời chẳng lẽ chỉ đậu trắng với đậu đen… Phớt lờ trước những ánh mắt hòai nghi tôi lại kéo cao cổ áo ra đi một mình từ sáng sớm. Ba hôm liền, sáng nào cũng vậy, điểm đến đầu tiên trong ngày là ngôi nhà nhỏ. Tôi không gặp ai trong nhà nhưng ô cửa thì cứ mở rộng như chờ đợi tôi. Tôi nhìn trời nhìn đất nhìn ô cửa nhỏ ứa nước mắt. Đây cũng là một cảnh đời ư? Thế còn cảnh đời tôi đang sống? Một lần về muộn, vừa bước lên gác tôi nghe tiếng bố quát tháo:
- Này, tôi biết chán đi chứ. Tối nào cũng la cà ngoài xe hủ tiếu gõ. Thằng cha đó, nó… nó chết vợ, nhưng còn bà, bà… bà phải biết, chồng bà vẫn còn sống… nằm đây.
Mẹ ngồi dưới sàn lênh láng nước, chiếc thau nhựa lăn lóc, xuôi hai tay ngước nhìn trần nhà rên rĩ:
- Ông để cho tui sống với. Tui sống, tui hầu hạ ông.
Bà nuốt nước mắt cúi đầu nhìn tô hủ tiếu của “tình nhân”. Tôi nhìn theo súyt cười thành tiếng. Một tô nước lỏng bỏng loe ngoe mấy cọng mì với mấy miếng thịt mỏng tang như giấy. Tối tối chị em tôi về muộn, mẹ chờ cơm vẫn thường lót dạ tô mì. Tôi ngao ngán. Nguyên nhân cơn thịnh nộ là đây. À, thì ra con người tung hòanh ngang dọc một thời giờ đây trở về ghen với anh… hủ tiếu gõ. Sau lần đột qụy, đầu óc không còn bình thường đó vẫn còn đủ sáng suốt để hiểu rằng bà vợ già, héo hắt mà mình quăng lăn lóc giờ đây là chiếc phao cuối cùng phải bám vào. Và ông sợ hãi bám riết. Đêm, ông bắt mẹ phải kê giường nằm bên. Tôi nhìn tấn bi hài kịch đó không biết nên khóc hay cười.  Tôi ấm ức. Vậy thì các cô, các dì đâu hết? Còn con riêng, con chung… Tôi không rõ gì mấy. Chỉ nghe một dạo bố có con trai, rồi một thời gian sau nghe đâu bố bị người khác đòi lại quyền làm bố. Nào ai hiểu. Bây giờ họ lặn mất cả. Chỉ còn một người biết có trước có sau đưa lưng vào gánh hết…
Tôi lại đứng trước cánh cổng sơn đen. Thôi nhé, ngày cuối cùng. Chào ô cửa nhỏ, chào lọ hồng vàng, chào núi đồi, dã qùy rực ấm. Tôi đưa tay kéo cao cổ áo.
- Đã đến thì vào.
Tôi giật mình nhìn lên. Quân ở đó. Chưa hết bàng hòang, tôi đứng chôn chân nhìn anh mở rộng cửa:
- Thì em cứ vào chơi.
Tôi ngỡ ngàng, hoang mang nghe anh nhắc lại lời mời lần thứ hai. Những viên sỏi dưới chân tôi lạo xạo. Không dám mạnh chân tôi cứ sợ chúng bằng pha lê. Tôi đi giữa vạt thạch thảo tím mênh mông, hoa bươm bướm nhún nhảy, xòe cánh tung bay. Tôi qua một dãy hành lang lao xao thông xanh và chiếc bàn đá thấp. Tôi bước lên  những bậc thang mát lạnh và cuối cùng đứng trước ô cửa “của tôi”. Ô cửa mở tung. Gió lay rèm voan trắng. Tôi nhòai người ra cửa sổ, chạm tay vào đóa hồng vàng. Tôi nhìn Quân, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
- Em ngồi chơi. Tôi thay mặt chủ nhân… tiếp khách.
Rồi anh lại cười:
- Chủ nhà đang bận chút việc. Mà thôi, nói để em khỏi ngạc nhiên. Tôi cũng như em thôi, cũng rất thích cái vẻ bình yên thanh thản của ngôi nhà này. Nhưng tôi gõ cửa. Thấy ngôi nhà đẹp, tôi gõ cửa làm quen. Chuyện đơn giản là thế.
Một thiếu phụ bước vào, chiếc khay nhỏ trên tay khoan thai từ tốn nhìn tôi mỉm cười:
- Cô Thư đấy phải không? Anh Quân có nhắc đến cô. Mà tiếc thật. Mai hai em lại về Sài Gòn rồi.
Quân hất mái tóc ngả người ra ghế:
- Về rồi… đến hẹn lại lên.
- Cà phê buổi sáng nhé. Ừ, có những cái hẹn như thế đó. Đôi khi chẳng hẹn với ai, chỉ hẹn với lòng mình. Như tôi với thành phố này… Mấy chục năm trước tôi cũng ở thành phố này. Rồi bôn ba xứ ngươi… nhớ lắm.
Bà đẩy chiếc tách men sứ trắng tinh về phía chúng tôi. Cà phê sóng sánh, một làn khói mỏng tanh tỏa hương ấm áp. Giọng bà đầy hòai niệm:
- Hồi đó tôi ở dưới kia, gần chợ. Nhà nghèo, mẹ tôi gánh hàng bán rau củ. Tôi phải rửa cả thúng khoai tây, cà rốt bên cái giếng gần nhà. Trời rét cắt da, đất đỏ nhầy nhụa… Tay chân tê cóng như không còn cảm giác.
Tôi nhìn thiếu phụ. Chiếc áo khóac, cổ áo kéo cao lên như một chiếc kimono ôm lấy cần cổ mảnh mai. Mái tóc vén cao, vài sợi lòa xòa vì gió.
- Tuổi mới lớn tôi mơ một căn phòng riêng để được tự do một mình. Đơn giản chỉ để giấu đi một cuốn nhật ký, giấu đi những vui buồn riêng tư. Tôi có một cô bạn thân, là hiện thân những gì tôi mơ ước. Đến chơi, bạn đưa tôi vào phòng riêng đóng cửa lại vui đùa với nhau. Nhưng ô cửa sổ thì lúc nào cũng mở rộng. Ô cửa sổ có rèm voan trắng và cắm một lọ hồng vàng…
Tôi lặng người đi. Ai đó đang chạm vào những đường tơ rất mảnh tận đáy lòng tôi. Những đường tơ ngân lên đau đớn.
- Nhà bạn tôi ở trên một con dốc. Dạo đó thành phố không như bây giờ, còn nguyên sơ lắm. Sau này cô bạn bé nhỏ của tôi lấy một ông chồng cao lớn vững vàng như thông. Cảnh đời mỗi đứa một khác. Bạn tôi lúc nào cũng an nhàn hạnh phúc. Còn tôi, lăn lộn với cuộc đời, nổi trôi, phiêu bạt.
Tiếng Qưân cười khẽ:
- Nhưng cuối cùng thì bác vẫn trở về đây.
- Về chứ. Tôi chọn mua một mảnh đất xây một ngôi nhà nhỏ mang dáng dấp ngôi nhà mơ ước ngày xưa. Tôi cũng mở cửa sổ và cắm lọ hồng vàng… Này các bạn trẻ, cô bạn trong veo của tôi giờ không biết nơi đâu nhưng nếu hôm nào vô tình qua đây nhìn thấy ô cửa này biết đâu chẳng gõ cửa.
Quân nâng tách cà phê, mắt anh lung linh sau làn khói mỏng:
- Cô ấy sẽ gõ cửa bác ạ. Như cháu… Mặc dù cháu không phải là người bác mong đợi.
- Không, tôi vẫn mong đợi tất cả những tấm lòng. Hai bạn như tôi, yêu thành phố này, yêu một ban mai trong lành, yêu một ô cửa mở rộng. Chúng ta gặp nhau như một căn duyên. Và cả bạn tôi nữa. Cô ấy sẽ trở về…
Tôi khép mắt tựa lưng vào chiếc ghế mây. Không, cô ấy đã trở về. Từ trong tiềm thức, những gì tinh khôi trong lành nhất vẫn sống. Như những mầm cây, ngủ vùi trong đất nâu để một mai bừng dậy. Như những bụi dã qùy hoang dại cứ đến mùa lại hồn nhiên vàng rực núi đồi. Tôi mang một trái tim đau trở về giữa mùa hoa. Học bài học vỡ lòng từ cây cỏ. Núi đồi uốn những đường cong thanh xuân bao năm rồi vẫn đợi. Và màu hoa vàng, màu hoa vàng dung dị, sao quá đỗi nồng nàn rực ấm cả lòng tôi.
9/11/2022
Ngô Thị Ý Nhi
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...