Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Lễ hội Ok- Om- Bok của người Khmer Nam bộ

Lễ hội Ok- Om- Bok của
người Khmer Nam bộ

Ở mười ba tỉnh, thành khu vực Đồng bằng song Cửu Long có hơn một triệu người Khmer (còn gọi là người Miên) sinh sống, nhiều nhất là ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Mỗi năm chỉ có một lần, vào ngày 14 và 15 tháng Kađar theo Phật lịch (tức tháng 10 âm lịch), người Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại mở hội Ok- om- bok (còn có tên là lễ hội Cúng trăng) ở các chùa, phum, sóc, và tổ chức đua ghe ngo, thả đèn gió, đèn nước rất vui. Lễ hội này nhằm tôn thờ nữ thần Mặt trăng, giúp con người có mùa màng tươi tốt, khí hậu mát mẻ, sông rạch nhiều tôm cá, người người khỏe mạnh, nhà nhà êm ấm hạnh phúc, mọi sự cầu được ước thấy, quốc thái dân an. Ok Om Bok có nghĩa là “Đút cốm dẹp bằng cách bốc bằng tay” nên lễ hội này còn có tên gọi khác là lễ hội Đút cốm dẹp.
Đua ghe Ngo ở Trà Vinh
       Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị Thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn Thần Mặt Trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer có sự tương đồng với lễ hội Thượng điền của người Việt. Vì thế đồng báo Khmer coi lễ hội này rất quan trọng, được tiến hành ở mỗi gia đình, trong từng ngôi chùa.
Ở mỗi gia đình hay mỗi ngôi chùa, người ta chọn khoảng sân cao ráo, sạch sẽ và khoáng đãng để có thể nhìn rõ mặt trăng làm nơi tiến hành cúng tế. Khi mặt trăng vừa nhô cao, chiếu ánh sáng khắp mọi nơi cũng là lúc lễ hội bắt đầu, mọi người tề tựu trên vuông chiếu trải sẵn. Vị chủ tế bày các vật phẩm của gia đình, phum sóc vừa thu hoạch, bao giờ cũng phải có cốm dẹp, chuối, khoai… ra cúng, rồi khấn nguyện tạ ơn Thần Mặt Trăng, Thần Nước, Thần Đất Đai… đã cho con người mùa vụ bội thu. Sau đó, người có tuổi sẽ bốc và vo cốm dẹp thành từng viên, kèm theo khoai, chuối đút cho trẻ vừa xoa vào lưng và hỏi chúng ao ước gì? Những lời nói hồn nhiên có phần ngây ngô của trẻ cũng là ước muốn mà mỗi nhà, mỗi phum sóc gởi đến Thần Mặt Trăng.
Khi mặt trăng vừa lên cao, một số vị bô lão được cử ra thay mặt cho các ngôi chùa và toàn thể đồng bào Khmer tiến hành nghi thức Cúng Trăng. Vật phẩm là những sản phẩm nông nghiệp vừa thu hoạch như cốm dẹp, khoai, chuối, dừa, mía… dâng lên Thần Mặt Trăng, Thần Nước, Thần Đất Đai vừa tạ ơn vừa xin lỗi vì trong quá trình lao động sản xuất, con người đã làm tổn hại, ô uế các vị thần.
Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, những chiếc đèn gió to lớn làm bằng nan tre và vải, có bùi nhùi tạo lửa bên trong, được đốt và thả lên trời cao. Theo quan niệm của các dân tộc thuộc hệ văn minh lúa nước, lửa là phương tiện duy nhất để con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh nên đèn gió bay lên sẽ mang theo ước nguyện của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người no đủ đến với Thần Mặt Trăng.
      Đua ghe Ngo:
Cứ vào tháng 10 âm lịch, là các phum sóc của đồng bào Khmer lại rộn rã hẳn lên. Người ta tu chỉnh lại chùa chiền, tượng Phật, sơn phết lại ghe, và làm đèn gió, đèn nước để chuẩn bị cho lễ hội Ok-om-bok. Lễ hội thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe Ngo (Um-Tuk-Ngua) diễn ra vào khoảng 12 giờ trưa trên sông Long Bình ở Trà Vinh, sông Sung Đinh (Maspero) ở Sóc Trăng, hay trên sông Xà-no, đoạn chảy qua Thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), hoặc sông Cái Lớn ở Gò Quao (Kiên Giang)…Ghe Ngo (tiếng Khmer là Tuk-ngo), mỗi địa phương đầu tư mỗi năm từ 20 đến 80 triệu đồng (kể cả một phần kinh phí nhà nước hỗ trợ) để đóng mới, tu sửa và bồi dưỡng đội đua (khoảng 40 đến 60 người). Ghe được làm bằng loại gỗ cây “sao” rất cứng và dẻo, chịu nước tốt. Chiếc ghe dài hơn chục mét được khoét từ thân cây “sao” bự, nó giống như thuyền độc mộc của người Kinh, và được trang trí rất cầu kỳ, đẹp mắt từ đầu đến mũi lái ghe. Đầu mũi ghe được vẽ những hình linh thiêng như: rồng, sư tử, rắn thần, ó biển, đại bàng, và chạy dọc theo thân là những hoa văn mang hoạ tiết, màu sắc dân tộc Khmer, thường vẽ bằng màu gốc (màu nóng). Ở mũi ghe là hình con rồng, con rắn uốn lượn chồm về phía trước, sẵn sáng phóng tới. Trước mũi ghe đôi khi có một cây lộng nhỏ sặc sỡ che cho một tượng Phật nhỏ uy nghiêm. Người chỉ huy (còn gọi là người cầm “trịch” hay đội trưởng) đầu đội khăn đỏ, tay cầm cái dầm ngồi trước mũi ghe múa may, la hét điều khiển. Giữa ghe có một người cầm một caí chiêng nhỏ đánh nhịp và một người hoá trang tay hề chọc cho các tay chèo cười vui. Cuối nghe là người cầm lái giỏi, đã có nhiều kinh nghiệm. Các tay chèo là những thanh niên khoẻ mạnh, mặc đồng phục, ngồi thành hai dãy song song trong tư thế chèo. Tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, đồng loạt để tạo nên sức mạnh. Mũi và lái ghe có treo cờ phướn, cắm bùa, cắm nhang để cúng cô hồn trước khi tranh tài. Mỗi ghe đua có thể chứa được một đội từ 40 đến 60 người.
Thả đèn gió
       Khi tiếng trống của trọng tài báo hiệu cuộc đua bắt đầu, các đội đưa ghe vào vị trí có xuất phát. Đường đua dài chừng 3 km tính tới vạch phao quy định. Khi ghe tới vạch phao rồi, liền quay ngay lại, phóng về điểm xuất phát ban đầu. Khi trọng tài phất cờ, các ghe bắt đầu tranh tài. Hai hàng tay chèo trên ghe chèo rất điêụ nghệ, nhịp nhàng theo tiếng người cầm “trịch” (đội trưởng). Cứ thế tốc độ tăng dần theo tiếng hô “Muôn ơi muôn” (có nghĩa là “Một ơi một”) của người đội trưởng. Hai bên bờ, người coi đứng đông nghịt hò la, đập trống, chiêng, đập thùng hay một vật liệu gì có thể phát ra âm thanh để cổ vũ.  Người hò cứ hò, người coi cứ hét, không khí như sôi lên cho tới khi kết thúc cuộc thi. Tỉnh Sóc Trăng là nơi có nhiều ghe đua đẹp nhất, có gần 40 đội đua của 92 chùa và phum sóc thường xuyên luyện tập, và nhiều năm dẫn đầu các cuộc đua ghe Ngo ở khu vực ĐBSCL. Ngoài cuộc đua chính diễn ra ở lễ hội Ok-om-bok, đua ghe Ngo còn được tổ chức vào một số ngày lễ lớn như ngày quốc khánh 2- 9, ngày giải phóng miền Nam  30- 4. Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ là một môn thể thao có nhiều ý nghĩa văn hoá, tâm linh. Nó trở thành nét đẹp truyền thông không những của đồng bào Khmer Nam Bộ mà còn của các dân tộc khác như Kinh, Hoa, Chăm… cộng cư ở vùng sông nước này.
 Lễ hội cúng Trăng và thả đèn gió:
Đúng đêm rằm 15 tháng 10 âm lịch (có nơi thả đêm 14) lễ cúng Trăng và thả đèn gió (còn gọi đèn trời) được tiến hành rất trang trong trong các khôn viên nhà chùa hay trước sân nhà, hoặc nơi rộng rãi có thể trông rõ Trăng nhất. Người ta đào lỗ cắm hai cây trụ có đà ngang làm cổng, trang trí bằng hoa lá rất đẹp. Bên dưới bày bàn lễ vật để cúng gồm: cốm dẹp, trái cây như dừa, khóm (dứa), bưởi, cam, và khoai lang, khoai môn, khoai mì (sắn) cùng nhiều bánh kẹo tự sản xuất…Mọi người ngồi trang nghiêm ngắm Trăng và cầu nguyện. Tới khi Trăng lên cao, tròn và sáng đẹp nhất thì mới đốt nhang, đèn cầy, rót trà, rượu mời chủ lễ (thường gọi là lục cả, tức sư trụ trì ở chùa) hoặc có khi mời một cụ lão có uy tín thay mặt cho mọi người đứng cúng. Chủ lễ khấn vái, tỏ lòng biết ơn thần mặt Trăng đã  phù hộ cho mọi người khỏe mạnh, mùa màng trúng vụ, mưa thuận gió hoà, không có tật bệnh, không còn giặc dã… Cúng xong, chủ lễ gọi một đứa trẻ vào (thường là con trai dẹp và khoẻ mạnh) để đút cốm dẹp vào miệng, và vuốt lưng, hỏi nó muốn gì? Căn cứ câu trả lời của đứa trẻ, chủ lễ đoán vận hên xui của dân làng trong năm đó. Do vậy, lễ cúng Trăng còn gọi là lễ đút cốm dẹp. Vì đây là nghi lễ quan trọng nhất. Xong lễ người ta quây quần ăn uống, nhảy múa, hò hát thâu đêm suốt sáng, như: hát du-kê, hát rô-băm, hát à-day, múa lăm-thol. Hoặc tổ chức thi kéo co, đấu võ, đấu cờ ốc, đi cà kheo, nhảy bao bố, biểu diễn trang phục dân tộc giữa các phum sóc. Tiếng trống xa-dăm, tiếng chiêng, thanh la não bạt vang vọng cả một vùng trời đất, sông nước.
Khi lễ cúng Trăng xong là hội thả đèn gió. Đèn được làm bằng nhiều mảnh giấy lớn hoặc vải mỏng bao quanh nan tre, bên trong có bùi nhùi làm mồi lửa. Khi không khí bị đốt nóng đẩy đèn từ từ bay lên cao mang theo lời khấn nguyện của người dân tới thần mặt Trăng. Khi nào lửa tắt thì đèn mới rớt. Ngoài đèn gió còn có đèn nước, đáy làm bằng thân cây chuối hoặc tre. Trên căm cờ phướn, đèn cầy, hoa lá và bày cốm dẹp, trái cây, bánh kẹo, khoai, muối. Mọi người đốt đèn, khấn vái, đọc kinh rì rầm rồi thả đèn xuống sông cho trôi theo dòng nước, hoặc bập bềnh trên ao, cầu mong thần Nước giúp cho mọi người gặp được nhiều điều tốt lành trong năm. Nhiều đôi tình nhân rủ nhau làm những chiếc đèn nhỏ xinh xinh thả trên sông nước, mong cho tình duyên lứa đôi được bền chặt mãi mãi và sớm có con cháu.
Xong hai ngày lễ hội, đồng bào Khmer laị lao vào sản xuất để chuẩn bị đón tết Nguyên Đán cùng người Kinh, và chuẩn bị cho tết Chon-chnam-thmay là tết lớn nhất trong năm của người Khmer.
8/11/2022
Lê Xuân
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...