Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Lê Lựu và bước chuyển của văn xuôi Việt

Lê Lựu và bước chuyển
của văn xuôi Việt

Tác phẩm của Lê Lựu là cột mốc giao thời, chuyển từ giai đoạn văn học chiến tranh và mở ra con đường của văn học đổi mới từ 1986 kéo mãi về sau.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942* tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông nhập ngũ năm 17 tuổi, từng làm phóng viên báo Quân khu 3, phóng viên chiến trường tại mặt trận 559. Sau theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, trưởng ban Văn xuôi, rồi thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông về hưu với quân hàm đại tá. Sau khi nghỉ hưu ông thành lập và làm giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam.
Nhà văn theo đuổi nguyên tắc: thật
Ít ai biết nhà văn Lê Lựu xuất hiện lần đầu tiên trên báo là một cái tin 26 chữ về diệt ruồi. Kể từ đó con đường chữ nghĩa mở ra với ông, nhưng không phải với văn chương, mà là với báo chí.
Chỉ đến khi tham ra trại viết hồi kí do Quân khu 3 mở năm 1963, được các nhà văn như Xuân Thiêm, Xuân Sách, Nguyễn Khải… về nói chuyện, hướng dẫn viết lách ông mới nhận ra nhiều điều, học hỏi thêm từ những người đi trước.
Tổng kết trại ông gửi nộp bài viết về trận đánh qua lời kể của một người trong cuộc. Dự buổi tổng kết nhà phê bình Nhị Ca góp ý thẳng thắn về bài viết của ông, bảo ông chỉ nên viết những gì mình thuộc, mình biết.
Góp ý nhỏ ấy của nhà phê bình đã mở ra cho nhà văn con đường mà bấy lâu đang tìm kiếm. Từ đó, lần lượt các tác phẩm ra đời, đa dạng thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, truyện dài thiếu nhi như: Người cầm súng (1970), Phía mặt trời (1972), Đánh trận núi con chuột (1976), Mở rừng (1977), Ranh giới (1977), Campuchia một câu hỏi lớn (1979), Ở phía sau anh (1980), Đồng bằng chiến sĩ (1980), Thời xa vắng (1986), Mặt trận của người lính (1986), Một thời lầm lỗi (1988), Trở lại nước Mỹ (1989), Đại tá không biết đùa (1990), Chuyện làng Cuội (1993), Sóng ở đáy sông (1994), Hai nhà (2000), Lê Lựu tạp văn (2002), Thời loạn (2009), Chuyện quê ngày ấy (2010), Gã dở hơi (2012)…
Thế mới thấy văn là người, nó cũng đúng với cách nghĩ của nhà văn Lê Lựu về nghề văn: “Tôi là người ít học, ít đọc, vì lười nghĩ ngợi. Toàn bộ trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là ‘THẬT’. Tôi không thể viết nếu không bám vào sự thật. Tôi chỉ là người chép truyện, có gì viết nấy”.
Ở đây cái thật cần được hiểu không phải cái thô ráp, xù xì bê nguyên xi từ cuộc sống vào trang văn; mà cái thật ở đây là cái thật trong mắt nhà văn, đã được sàng lọc, tinh luyện nhiều lần trên trang giấy, cộng thêm vốn sống tích lũy ngày này qua ngày khác. Về điểm này nhà văn Lê Lựu gần gũi với người thầy của mình, nhà văn Nguyên Hồng. Nhà văn Nguyên Hồng chỉ viết cái mà mình có, mình thấy, những trang văn vì thế đi thẳng từ trái tim và trải nghiệm mà ra.
Thời xa vắng là tiểu thuyết đánh dấu bước chuyển của văn xuôi hậu chiến.
Dấu mốc Thời xa vắng
Không phải đến ba cuốn tiểu thuyết được trao giải của Hội Nhà văn năm 1991 gồm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường văn học đổi mới Việt Nam mới bắt đầu.
Công cuộc đổi mới diễn ra nhiều năm trước đó, về truyện ngắn nổi bật có Nguyễn Huy Thiệp, về tiểu thuyết có Thời xa vắng của Lê Lựu (hoàn thành vào năm 1984, xuất bản năm 1986). Cuốn tiểu thuyết đã đánh dấu một bước chuyển của văn học Việt.
Con người được trả về đúng vị trí của mình, có đầy đủ hỉ nộ ái ố, dằn vặt, đau đớn, khắc khoải, tiếc nuối, căm thù, biết ơn…
“Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…”.
Lời của nhân vật Giang Minh Sài ở những chương cuối truyện như hồi chuông đánh thức các nhà văn cùng thời cần nghĩ khác, viết khác. Nó là cột mốc giao thời, chuyển từ giai đoạn văn học chiến tranh và mở ra con đường của văn học đổi mới từ 1986 kéo mãi về sau.
Cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời nhân vật Giang Minh Sài, một người học giỏi, niềm tự hào của gia đình dòng họ. Nhưng cũng chính sự tự hào đó đã khiến Sài không được làm theo điều mình muốn.
Lúc nào anh cũng phải suy nghĩ, làm theo sự chỉ đạo của những người thân, với lý do đó là điều tốt nhất cho anh. Nhưng tốt nhất theo ý người thân rốt cuộc không phải là tốt nhất cho anh. Cái người anh yêu không được lấy mà phải lấy người do cha mẹ chọn, ngủ cùng vợ, sinh con đẻ cái cũng vì giữ gìn danh tiếng gia đình nơi làng quê.
Nửa đời về sau khi có thể lựa chọn cái mình cần thì anh lại lựa chọn nhầm, lựa chọn cái mình không có mà tưởng là có, cuối cùng gánh lấy sự tủi nhục, đau khổ, dằn vặt trong tâm hồn.
Cuộc đời Sài cũng là cuộc đời tiêu biểu của một tầng lớp người trong giai đoạn đó, cũng lớn lên ở làng quê, nhập ngũ, giải ngũ đi từ chiến tranh bom đạn ra, phải đối mặt với cơ chế bao cấp đang chuyển đổi dần sang cơ chế thị trường.
Giữa thời giao tranh nhộm nhoạm hỗn độn thật giả đó con người rất khó nhận ra đâu mới là chân giá trị của cuộc sống. Anh Giang Minh Sài trong truyện cuối cùng trở về làng quê, làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Hạ Vị. Anh làm đúng việc mình cần làm là xây dựng, mở mang làng quê nghèo khó của anh, để người dân không còn khổ như trước. Hạ Vị vì thế chỉ qua vài năm đã như một vùng đất mới ai bứng ở đâu về. Hình như với anh Sài, đến lúc ấy anh mới là chính mình.
Cuốn tiểu thuyết vừa ra đời đã tạo được tiếng vang lớn, là cú hích vào văn chương đương thời. Đến năm 2003, phim điện ảnh Thời xa vắng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên ra đời đã nhận được giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005, tạo được dư luận tốt với đông đảo người xem.
Cái tên Sài, cùng cái tên Núi (trong tiểu thuyết/phim truyền hình Sóng ở đáy sông) từ tác phẩm văn học, từ phim đi vào đời sống hàng ngày. Điều này cũng như Chí Phèo, Thị Nở của Nam Cao, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Mị của Tô Hoài…
Nhà văn Lê Lựu cũng chính là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông là sứ giả hòa bình, là cây cầu nối thúc đẩy việc bình thường hóa hai nước thông qua các cựu chiến binh của cả hai bên.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình nhà văn Lê Lựu đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 1967-1968 với truyện ngắn Người cầm súng; Giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984 với tiểu thuyết Thời xa vắng; Giải nhất cuộc thi do Bộ Lao động Thương binh xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Văn hóa tổ chức năm 1970- 1971 với truyện vừa Người về đồng cói; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
Nhưng giải thưởng quan trọng nhất với ông là giải thưởng trong lòng bạn đọc.
17/11/2022
Hà Chi
Nguồn: Zing
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...