Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Thơ Hồ Xuân Hương và sự tiếp nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975

Thơ Hồ Xuân Hương và sự tiếp nhận
của các nhà nghiên cứu, phê bình
văn học miền Nam 1954 - 1975

Đọc những công trình nghiên cứu, phê bình về thơ Hồ Xuân Hương trong văn học miền Nam 1954-1975, một điều dễ nhận thấy, phần lớn các nhà nghiên cứu, phê bình đều xác quyết Hồ Xuân Hương là một thiên tài thi ca. Điều nầy đã được minh chứng qua các bài viết về Hồ Xuân Hương trong văn học miền Nam.
Mở
      Hồ Xuân Hương, một trong những thi tài độc đáo của văn học nước nhà mà không người Việt nào, lại không thuộc, ít nhất một bài thơ của Nữ sĩ. Bởi, thơ bà gần với tục ngữ, ca dao, với lời ăn tiếng nói của người bình dân nhưng để hiểu thơ Hồ Xuân Hương, không phải là điều đơn giản. Thế nên, thơ Hồ Xuân Hương là một vũ trụ đầy “bí mật” cần được khai mở. Và tôi rất đồng cảm với Nguyên Sa Trần Bích Lan, trong bài viết: “Hồ Xuân Hương – Người lạ mặt”, khi ông cho rằng: “Sự thất bại ta đã bắt gặp trong khi tìm hiểu Hồ Xuân Hương. Tìm hiểu nhưng không bao giờ đạt tới. Hồ Xuân Hương người thi sĩ quen thuộc của người Việt Nam sẽ vĩnh viển là một người lạ mặt trước những kẻ đi tìm kiếm người”. Từ góc nhìn lý thuyết mỹ học tiếp nhận, việc hiểu và cảm tác phẩm văn học luôn tương thích với quá trình biến đổi của đời sống xã hội và tầm đón đợi của người đọc. Và nói như Đặng Tiến: “Yêu một tác phẩm nghệ thuật, giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm (…) Vì ở cuối dự định trở về một tác phẩm, người đọc sẽ bắt gặp một tác phẩm khác. Tác phẩm tự nó đã thay đổi ý nghĩa với thời đại và người đọc tự họ cũng thay đổi nhãn quan với thời gian. Niềm vui phóng khoáng mỗi lần khám phá như thế chính là yếu tính của nghệ thuật trong tác phẩm và khả năng lĩnh hội nghệ thuật trong độc giả”. Bởi lẽ, tác phẩm văn học không bao giờ là một công trình hoàn tất. Nó “là một sáng tạo không ngừng vì luôn luôn nó có thể mặc những ý nghĩa mới mà người đọc gán cho nó”. Cho nên, việc Nguyên Sa – Trần Bích Lan cho rằng “Sự thất bại ta đã bắt gặp trong khi tìm hiểu Hồ Xuân Hương. Tìm hiểu nhưng không bao giờ đạt tới…”. cũng là điều tất yếu. Bởi, việc đi tìm Hồ Xuân Hương không chỉ là tìm hiểu cuộc đời và thơ của một thi sĩ mà đó là việc tìm hiểu, khám phá cả một nền văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong thơ. Điều nầy sẽ được minh chứng qua tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975.
Những bình diện tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương nhìn từ nội dung tư tưởng
2.1.Hồ Xuân Hương – một thiên tài thi ca
Đọc những công trình nghiên cứu, phê bình về thơ Hồ Xuân Hương trong văn học miền Nam 1954-1975, một điều dễ nhận thấy, phần lớn các nhà nghiên cứu, phê bình đều xác quyết Hồ Xuân Hương là một thiên tài thi ca. Điều nầy đã được minh chứng qua các bài viết về Hồ Xuân Hương trong văn học miền Nam.
Nhận xét về tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng cho rằng: “Cái cười của nàng cũng như cái khóc của Nguyễn Du, vừa đau thương vừa an ủi. Hai thiên tài của đất nước đã chỉ cho ta hai lối thoát ly, tuy xa biệt nhau mà cũng giống nhau trong tác dụng. Với Nguyễn Du ta ngồi lại bên đường dưới bóng cây râm mát bên bờ suối trong, ta chờ bàn tay người mẹ hiền thấm nước rửa rịt vết thương và chim trên cành vẳng giọng ca chia sớt… Lòng ta dịu lại vì trong ta đau khổ, cả đất trời cảnh vật đã cùng ta lai láng cảm thông (…) Với Hồ Xuân Hương, ta tìm lối thoát ly cho đau thương bằng một nẻo khác. Vết thương loan máu, ta vẫn không được phép ngồi lại bên đường. Không có người mẹ hiền ngồi bên ve vuốt. Chim trên cành không vẳng giọng cảm thông, mà lại lên điệu ca nhạo báng. Và cảnh vật cùng lên giọng cợt cười: “Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn…”. Không những thế, trên cơ sở phân tích sự khác nhau giữa cái cười của Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương, Bùi Giáng đã khẳng định “Hồ Xuân Hương là một thiên tài trào phúng Việt Nam đã đi vào cõi bất diệt. Cái cười của Hồ Xuân Hương mới thật là vừa hồn nhiên, vừa tươi trẻ, vừa sâu sắc rộng lượng vô cùng. Nó không có tính cách thời sự và hẹp hòi soi mói như cái cười của Trần Tế Xương. Nàng vẫn cười người rất tàn nhẫn; “Cái kiếp tu hành nặng đá đeo/ Vị gì một tí tẻo tèo teo”. Nhưng tàn nhẫn mà không sâu độc, ác ý. Cái mới thật là lạ. Chỉ vì lẽ nàng thương nhiều hơn ghét. Thương cho người và thương cho mình”. Phải chăng, Bùi Giáng đã nhận ra phẩm tính nhân văn trong tiếng cười của Hồ Xuân Hương!? Đó là tiếng cười bi thương trước một xã hội đầy những nghịch lý và phi lý!?
    Còn trong cái nhìn của Nguyên Sa Trần Bích Lan, xuất phát từ điểm nhìn của lý thuyết mỹ học tiếp nhận, thiên tài của Hồ Xuân Hương chính là sự thách đố việc giải mã của các nhà phê bình văn học đối với thơ của Nữ sĩ. Theo Nguyên Sa : “Chúng ta đã thất bại trong việc bắt một nhịp cầu” nhưng ta không làm được điều đó. Bởi, : “Người đọc đã đi thẳng tới Hồ Xuân Hương bằng một con đường gần hơn con đường thẳng (…) Chúng ta bị đẩy vào trong cái tình cảm thất bại sâu cay. Giải thích phê bình ta đã đi quá chậm”. Rồi, Nguyên Sa cho rằng: “Lý do thất bại của chúng ta hiện ra ở chỗ Hồ Xuân Hương đã đạt tới chỗ vĩ đại của thiên tài. Đó là điều tất nhiên. Nhưng ta phải nói thêm rằng thiên tài của người chính ở chỗ đạt tới biên giới của tiếng nói”. Và trong suy niệm thấm đẫm cảm thức hiện sinh của Nguyên Sa, Hồ Xuân Hương là “Sự vượt bực của thiên tài trên mọi hoàn cảnh, sự thành công của tự do. Sự chiến thắng đó là chiến thắng của con người trong hoàn cảnh. Những con người Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương vĩ đại cô đơn”.
Hà Như Chi, trong cảm nhận của mình về tài năng của Hồ Xuân Hương, tuy không định danh Hồ Xuân Hương là thiên tài như Bùi Giáng hay Nguyên Sa, nhưng trong suy niệm của ông, thi tài của Hồ Xuân Hương cũng thuộc loại “thượng thừa”, có giá trị đặc biệt. Theo ông “Cái phóng túng sắc sảo và mềm dẻo trong tài nghệ của Xuân Hương rõ rệt hơn cả là ở trong loại thơ trào phúng của bà. Xuân Hương là nhà thơ trào phúng lão luyện nên giọng văn thật có đủ lối.
Nghĩ về tài năng của Hồ Xuân Hương, Đỗ Long Vân, tuy vẫn công nhận cái tài của Hồ Xuân Hương nhưng ông lại có một có cách nhìn khác, một sự cảm nhận khác với các nhà nghiên cứu, phê bình ở miền Nam như: Bùi Giáng, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Hà Như Chi… khi ông nhìn nhận tài năng của Hồ Xuân Hương với một tư duy triết học mang tính nhị nguyên. Theo Đỗ Long Vân: “Cái tài của Hồ Xuân Hương ai mà không ca ngợi! Như nó có thể chuộc lại được cái tục của nàng. Hay nói đúng hơn thì người ta đã tha thứ cái tục ấy như một phần của cái tài làm thơ. (…) Cái phần đếm được ấy là cái người ta thường lấy để khen nàng là tài. Và cái tài ấy có lẽ là cái phần đáng bỏ đi nhất trong thơ nàng, nếu nàng không là người đầu tiên riễu nó và nếu người ta không biết rằng nó là tất cả những gì còn lại cho nàng để tố giác một thế giới đã hết ân tình. Cho đến khi ân tình ấy không còn nữa, nàng cũng quên đi, và quên cả tố giác, nàng cũng quên cả cái tài của mình để, trong một cái nhìn lơ đãng, làm thế giới và, qua thế giới, ngôn ngữ lại trở nên thái bình. Thành ra người ta có thể nói rằng, tài thì tài, Hồ Xuân Hương vẫn đáng yêu”. Việc, Đỗ Long Vân có cái nhìn khác khi luận bàn về thiên tài của Hồ Xuân Hương cũng là điều bình thường trong tiếp nhận văn học, nhất là ở một xã hội mang tính đa nguyên về tư tưởng, chấp nhận mọi sự khác biệt trong đời sống xã hội, trong đó, có sự khác biệt về khoa học như ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Sự luận giải về tài năng Hồ Xuân Hương của Đỗ Long Vân cho thấy ở ông một tư duy tư biện sắc sảo, một năng lực cảm thụ văn học độc đáo, kết hợp diệu kỳ giữa văn học và triết học. Thiên tài thơ Hồ Xuân Hương, theo Đỗ Long Vân là một “nguồn nước ẩn” cần tìm hiểu, khám phá và sáng tạo, nhưng để giải mã đến cùng là điều không dễ. Bởi, nói như Nguyên Sa: “Sự phân tỏa của những quan niệm có thể là dấu hiệu của những tư tưởng súc tích, giàu mạnh nếu chúng ta không bị đặt trước một thực trạng quen thuộc đến không ngờ, dấu hiệu của sự ly khai, hố phân cách giữa những nhà phê bình và sức sống vượt bực của thiên tài”. Và, một trong những dấu hiệu của thiên tài Hồ Xuân Hương là ý thức phản kháng và khát vọng tự do mà các nhà nghiên cứu, phê bình ở miền Nam đã quan tâm luận bàn.
     2.2. Hồ Xuân Hương – nhà thơ cách mạng với ý thức phản kháng và khát vọng tự do
Một trong những phẩm tính của thơ Hồ Xuân Hương là ý thức phản kháng và khát vọng tự do mà có nhà nghiên cứu căn cứ vào các yếu tố nầy cho rằng Hồ Xuân Hương là nhà thơ cách mạng. Song, đây là vấn đề còn có những ý kiến khác nhau từ các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954-1975 khi tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương.
Luận giải vấn đề ý thức phản kháng và khát vọng tự do trong thơ Hồ Xuân Hương nhìn từ cái tôi bản thể của nữ sĩ, Hà Như Chi cho rằng: “Thơ Hồ Xuân Hương phản chiếu đầy đủ bản ngã của Xuân Hương: Bản ngã ấy là một bản ngã ưa tự do, nên lời thơ không uốn nắn đẻo gọt, không theo lề lối, mà đôi khi xuôi ngược điên đảo ngang tàng”. Còn trong cái nhìn của Thanh Lãng, sở dĩ thơ Hồ Xuân Hương thể hiện mạnh mẽ tinh thần phản kháng và khát vọng tự do, bởi, Hồ Xuân Hương là con người: “coi khinh tất cả những cái gì gọi là cổ kính của xã hội xưa (…) Sống để mà chơi, chơi để mà thù xã hội. Đời sống phóng nhiệm của nàng là những nhát búa nặng bổ vào cái luân lý đã kiến thiết nên cái xã hội mà nàng đang cảm thấy mình chỉ là một nạn nhân. Con người và cuộc đời Hồ Xuân Hương thể hiện rất đúng bộ mặt thác loạn của thế kỷ XIII”. Từ góc nhìn xã hội học, theo Thanh Lãng đọc thi phẩm Hồ Xuân Hương: “ta thấy bằng ấy hệ số, về thiên nhiên, về xã hội, đã liên kết lại để ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng của nữ sĩ, khiến nàng trở nên một tay cách mạng lật đổ luân lý cũ với những ý tưởng lãng mạn, và một nhân sinh kỳ quái”. Với cách nhìn nầy, Thanh Lãng là một trong những nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 đã định danh cho Hồ Xuân Hương là nhà thơ cách mạng. Đây cũng là quan điểm của Bà Phương Lan trong Anh thư nước Việt (từ lập quốc đến hiện đại) khi luận giải về nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương mà trong suy niệm của Bà “bằng hình thức văn tự Xuân Hương dùng những tiếng “rất Việt Nam” hạ những chữ rất táo bạo, gieo những vần rất hiểm hóc oái oăm để phá cái thành trì kiên cố của lối thơ khoa cử, lối thơ ứng chế, lối thơ phong kiến, lối thơ “ngự dụng”. Trước sức tấn công anh dũng của bà về phương diện văn chương, đối phương chống lại cũng rất mãnh liệt (…) Nhưng từ chỗ trung kiên của nhà thơ cách mạng ấy đã tỏa ra giữa đám bình dân ở đương thời, và đời sau những ảnh hưởng rất sâu rộng”. Nhưng để hiểu thế nào là nhà thơ cách mạng không phải đơn giản. Vì thế, theo Hà Như Chi: “muốn dùng đến danh từ “cách mạng” để chỉ tài nghệ Hồ Xuân Hương, ta chỉ nên hiểu danh từ ấy theo một ý nghĩa hẹp, vừa phải, trong phạm vi văn chương và dùng nó không ngoài mục đích là nhấn mạnh vào những cái mới mẻ, bạo dạn, phóng túng trong những bài thơ sắc sảo của nữ sĩ họ Hồ”.
Không tranh luận “chừng mực” kiểu Hà Như Chi, Nguyên Sa Trần Bích Lan, với tư duy của một nhà thơ, nhà lý luận phê bình, trong bài viết: “Hồ Xuân Hương – Người lạ mặt” đã đặt vấn đề “thẳng thắng” khi luận bàn về sự “nỗi loạn” hiện sinh trong thơ Hồ Xuân Hương để “tranh luận” lại với quan điểm cho rằng Hồ Xuân Hương là “nhà thơ cách mạng”. Theo ông: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ cách mạng hay phản động, cấp tiến hay thoái hóa, lành mạnh hay nạn nhân của một căn bệnh quái đản? bấy nhiêu câu hỏi và giải đáp người ta đã đề nghị vẫn xoay quanh chúng ta”. Rồi, Nguyên Sa lý giải: “Tất cả những thuộc từ nhà phê bình cũng như giáo sư vẫn gán ghép cho Hồ Xuân Hương đều không sai. Dưới những khía cạnh khác nhau, ta có thể bảo rằng thi ca của họ Hồ mang nặng những tính chất cách mạng, phản động cấp tiến, thoái hóa, lành mạnh, bệnh hoạn. Ta có thể viện hơn một câu thơ của nữ sĩ họ Hồ để chứng minh những thuộc từ trên. Không một ai phản đối cả. Nhưng trên môi người đọc cũng như trên nét mực láu lỉnh của những người học trò vẫn nở một nụ cười bao hàm ý nghĩa: Hồ Xuân Hương còn là một chút gì hơn tất cả, vượt lên trên tất cả những thuộc từ đó. Nụ cười đó là dấu hiệu của thông cảm giữa người đọc và tác giả”. Vì vậy, theo Nguyên Sa: “Nụ cười cũng là dấu hiệu thành công của tác giả và thất bại của nhà phê bình. Nếu ta không nói rõ cái đặc biệt của Hồ Xuân Hương vượt lên trên mọi thuộc từ ước lệ nghĩa là ta chưa nói được gì cả”.
Cũng như quan điểm của Nguyên Sa, với một cái nhìn phản biện sắc sảo, khi luận bàn ý kiến cho rằng Hồ Xuân Hương là “nhà thơ cách mạng”, Đỗ Long Vân cũng cái nhìn riêng. Theo ông, nếu cho rằng: “Hồ Xuân Hương làm thơ cách mạng. Nếu thế thì thượng lưu trí thức ở xứ này toàn là những người siêu cách mạng cả sao? Những chữ cách mạng cũng như tất cả những chữ điêu khắc của thời đại như: biện chứng, mặc cảm, tự do v.v… là một chữ đã mắc bệnh nghĩa là ai cũng lấy dùng nhưng chỉ để dùng sái nghĩa. Hình như người ta quên rằng làm cách mạng là lấy trật tự xã hội này thay thế trật tự xã hội khác. Mà cảnh cực lạc của Hồ Xuân Hương không có tính cách xã hội. Nó là một giải thoát cá nhân. Và nó đòi một sự chan hòa không để một trật tự nào sống sót thì tính cách phản cách mạng của nó đã rõ. Hơn nữa để nói đến cùng thì còn gì phản cách mạng hơn là một yêu sách tự do nhục tình? Sự thật đáng buồn là tất cả những cuộc cách mạng, đến buổi thoái trào nghĩa là khi những nguyện vọng thuở đầu đã vỡ đều lên án tự do nhất là tự do nhục tình và mượn đạo đức để minh oan cho những yêu sách của nó càng ngày xa những có thể của thực tại và không thuận lòng người”. Còn khi luận bàn về ý thức phản kháng và khát vọng tự do trong thơ Hồ Xuân Hương, với cái nhìn của một nhà phê bình có nền tảng tư duy triết học, Đỗ Long Vân đã có những nhận xét sắc sảo. Theo ông, thơ Hồ Xuân Hương “không là thơ của những cuộc đời đã tháo lui vào thế giới ở trong. Nàng không ca ngợi nội tâm như người ta đã ca ngợi chữ trinh còn lại của Thúy Kiều, là cái két tự để dành của những tâm hồn chọn lọc. Mà nói đến nội tâm, trong thơ nàng, như một sự sống cũng không thể. Cái ở trong còn ở trong thì sống chỉ là sống tù, sống mượn, sống giả và Hồ Xuân Hương đòi người ta sống theo lòng mình nghĩa là sống tự do, sống mở và sống cho cũng như để có cái biết thực trong thâm tình của mọi vật, nàng đòi người ta xé vỏ chúng”.
2.3.Đi tìm lời giải về bản năng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương
Vấn đề bản năng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương là một trong những vấn đề các nhà nghiên cứu, phê bình văn chương của mọi thời đều quan tâm tìm hiểu nhưng khó có tiếng nói chung. Đây cũng là một vấn đề của tiếp nhận văn học và mọi sự khác biệt đều xuất phát từ những tầm đón đợi khác nhau. Trong văn học miền Nam 1954-1975, khi luận bàn về bản năng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương cũng có những ý kiến trái chiều. Song, nhìn chung các nhà nghiên cứu, phê bình ở miền Nam đều hướng đến phương diện mỹ cảm, tính hướng thượng của bản năng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương chứ không chỉ đơn thuần quan tâm đến yếu tố “sex” của bản năng tính dục.
Theo Hà Như Chi, đọc thơ Hồ Xuân Hương: “ai cũng nhận thấy rằng bản năng tình dục không phải ẩn hiện tinh vi kín đáo mà bộc lộ hết sức rõ rệt. Ta không cần đi sâu vào tiềm thức mới tìm thấy bản năng ấy mà có thể gặp nó ngay trong phạm vi sáng tỏ của ý thức Xuân Hương. Như thế, nghĩa là không cần phải dùng khoa tâm phân học để tìm hiểu nguyên nhân của thơ Xuân Hương”.  Xuất phát từ quan điểm như thế, khi luận bàn  nguyên nhân tạo nên tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương, Hà Như Chi không đồng tình với việc lấy học thuyết freud để luận giải vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương, xem đó là một sự “ẩn ức” từ sự “khao khát nhục cảm” của nhà thơ. Bởi, theo ông “nguyên nhân của lối thơ ấy trước hết là nguyên nhân xã hội. Xuân Hương sinh vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, vào lúc mà xã hội Việt Nam rơi vào cảnh loạn lạc không cùng, do đó bao nhiêu ràng buộc của lễ giáo đều bị phá tung và nhiệt độ tình cảm của con người dâng lên cao, Ấy là thời của những cuốn truyện rặc tình cảm như: Mai Đình mộng ký, Phan Trần, Đoạn Trường Tân Thanh, Sơ kính tân trang v.v… Hồ Xuân Hương chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh ấy nên trong thi văn mới có cái giọng điệu ngang tàng phóng túng không e dè kiêng nể đối với những mãnh lực tinh thần đang đè nặng trên xã hội đương thời”. mà theo Hà Như Chi “Để cắt nghĩa lối thơ Xuân Hương, ta có thể nói rằng bà là một người rất dồi dào tình cảm và rất cần yêu đương nhưng ở đời lại thường gặp nhiều thất vọng, bất như ý, nên mới có giọng văn ngấm ngầm trắng trợn, cái trắng trợn của một kẻ ngán ngẫm việc đời”. Còn theo Phạm Thế Ngũ, vấn đề bản năng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương, gần với cảm hứng và tâm thức của tiếng cười trong văn học bình dân. Mặt khác, Phạm Thế Ngũ còn có một ý kiến mà theo chúng tôi cần được quan tâm và nhận thức lại cho đúng khi ông cho rằng: “Đa số những bài thơ Xuân Hương có lẽ ra đời trong cái không khí nửa tục nửa thanh của những cuộc xướng họa bình dân, nửa hư nửa thực của những cuộc bộc lộ bỡn cợt. Rằng trong đó hiện tượng “nhục cảm dồn ép”, ta không hoàn toàn phủ nhận. Lý thuyết freud là một cái gì quá tổng quát mà cũng quá tinh vi nữa khiến nhiều khi ta phải đầu hàng cái nhìn soi mói của ông. Nhưng đến chỗ rằng Hồ Xuân Hương đã lên tiếng vì lý tưởng cách mạng xã hội như nhà phê bình duy vật sử quan lập luận thì thật đi quá xa sự thật”. Như vậy, trong cái nhìn của Phạm Thế Ngũ việc lý giải bản năng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương có thể dùng học thuyết Freud nhưng nếu dùng lý thuyết phê bình duy vật sử quan để diễn giải thì không phù hợp vì theo ông: “Thơ Xuân Hương trong ý nghĩa tổng quan của nó, chỉ là đại biểu cho cái khuynh hướng cười cợt tục tĩu trong văn nghệ bình dân Việt Nam, cái cười thường khi chỉ để mua vui chớ chẳng bao hàm một hậu ý làm luân lý, chính trị gì hết. Khuynh hướng ấy vốn thường thấy trong ca dao cổ tích và đến cuối Lê sang Nguyễn thì gặp những điều kiện thuận tiện như xã hội lộn xộn, phong tục cởi mở, thái độ a tòng của một số cây bút nho sĩ đọa lạc cho nên được dịp nẩy nở. Rồi người nữ thi nhân sinh ra trong hoàn cảnh ấy đã đem tính tình và tài nghệ của mình đâu theo khuynh hướng để tạo ra một thi nghiệp thật là kỳ dị”. Tôi chia xẻ với quan điểm của Phạm Thế Ngũ về vấn đề nầy. Dẫu rằng, trong tiếp nhận văn học chúng ta tôn trọng những cách tiếp nhận khác nhau về một hiện tượng văn học mà do tầm đón đợi của đối tượng tiếp nhận qui đinh. Nhưng dẫu sao, sự tiếp nhận nào tiệm cận hơn với chân lý khoa học và chân lý đời sống vẫn có sức thuyết phục và có sức sống bền lâu hơn. Đó là sự thật mà chúng ta không thể nào phủ nhận. Và điều nầy chúng ta cũng tìm thấy trong việc tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương ở miền Nam 1954 – 1975.
Tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương nhìn từ nghệ thuật biểu hiện
3.1. Chất trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương
Luận bàn về lối thơ của Hồ Xuân Hương, Hà Như Chi cho rằng: “Hồ Xuân Hương là một hình ảnh đặc biệt trong thi văn Việt Nam. Đặc biệt vì đó là một nữ thi sĩ mà nữ thi sĩ ấy lại có một lối làm thơ khác thường, không giống những nữ thi sĩ khác như Bà Đoàn Thị Điểm và Bà Huyện Thanh Quan. Các bài thơ của Hồ Xuân Hương hoặc tả những vật tầm thường, hoặc tả thắng cảnh, hoặc tự vịnh, bao giờ cũng có ý lẳng lơ với những hình ảnh “tục” ẩn hiện sau những lời thơ và chữ dùng mập mờ láu lĩnh”. Rõ ràng, thơ Hồ Xuân Hương như đã nói ở trên, là một hiện tượng đặc biệt, thậm chí “cá biệt”. Nó không giống bất cứ thi sĩ nào trong thi ca Việt Nam mà cái khác biệt đầu tiên, đó là chất trào phúng trong thơ của Nữ sĩ.
Luận giải về vấn đề nầy, Hà Như Chi cho rằng, Hồ Xuân Hương làm thơ trào phúng là “để phô bày những nỗi bực tức ghét giận của bà đối với những cái xấu xa mà chính bà là nạn nhân không ít thì nhiều. Vậy đọc thơ trào phúng của bà ta đã có thể hiểu gián tiếp những nỗi đau đớn khổ sở của bà đã gặp. Nhưng trong thi văn của bà còn có một phần khác, trong đó bà đả động trực tiếp đến thân thế của bà với một giọng văn đôi khi hằn học trắng trợn nhưng cũng rất thành thật cảm động. Đó là những bài than trách số phận hồng nhan, tình cảnh đơn chiếc lẽ mọn”. Còn trong cảm nhận của Bà Phương Lan thì tính chất trào phúng là một điểm trội trong nghệ thuật thơ của Hồ Xuân Hương, bởi theo Bà, thơ Hồ Xuân Hương “mới mẻ, thoát sáo, vượt ngoài khuôn khổ trường ốc, linh động như tranh, thật là “thi trung hữu họa”, lại trội về lối tả chân, nhất là nghệ thuật “hí hước trào phúng”. Còn Phạm Thế Ngũ, khi nhận xét về chất trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương cho rằng: “Một tính chất phổ biến và hiển hiện của thơ Hồ Xuân Hương là tính chất trào phúng. Mỗi khi bà cất bút là để riễu cợt phúng thích. Đi vào phân tích thi tập của bà ta thấy bà đã bắn những mũi tên trào phúng vào đủ hạng người trong xã hội. Từ ông Củ Võ: “Đầu đậu nón da loe chớp đỏ” đến chàng văn nhân dốt nát mà sính chữ “chơi trèo”. Từ ông quan thị đến ông thầy chùa. Nhất là phái tăng sãi hay bị Xuân Hương trêu chọc. Nào chế sư bị ong đốt, nào chế sư phải lòng gái bị làng đuổi, khi lại mô tả với những nét hoạt kê cuộc đời tu hành của sãi vãi”. Rồi, ông tiếp tục luận giải về nguyên nhân tạo nên chất trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương mà theo Phạm Thế Ngũ “Cái cười tục nhã dường như là bản chất của thơ Hồ Xuân Hương ta thấy nó đã có từ lâu trong những truyện tiếu lâm, những câu tục ngữ ca dao trào phúng của bình dân Việt Nam”. mà những thể tài văn học trào phúng nầy xuất hiện khá sôi nỗi trong thời Lê mạc và Nguyễn Sơ và trong cái nhìn của Phạm Thế Ngũ: “Thơ Hồ Xuân Hương đã nẩy mầm ngay từ đời Lê mạc đến đời Nguyễn Sơ, có lẽ nó gặp thêm điều kiện thuận lợi như sự an ninh trở lại, việc chấn hưng lễ giáo của Triều Nguyễn chưa kịp thi hành nên đã đặc biệt nẩy nở dưới cây bút của một thi nhân mà nguồn gốc hoàn cảnh và chắc chắn cá tính nữa đã là những yếu tố quyết định”.
Một điều khác biệt của Phạm Thế Ngũ so với các nhà nghiên cứu, phê bình khác là ở chỗ, khi luận bàn về tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương, ông không chỉ thấy đơn thuần chất trào phúng tạo ra từ tiếng cười mà còn nhìn thấy chất trữ tình ẩn chứa trong tiếng cười ấy mà theo ông chất trữ tình nầy, mới thực sự lột tả được ý nghĩa của tính chất trào lộng trong tiếng cười, cho thấy được tính bi kịch trong cuộc đời và thân phận lưu đày của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một con người bình thường nhưng lại rất khác thường. Và phải chăng, tiếng cười ấy là những giọt nước mắt khô không lệ trong tâm hồn của một phụ nữ cô độc, sự cô độc đớn đau của một cái tôi bản thể – cái tôi Hồ Xuân Hương. Vì vậy, trong cảm nhận của Phạm Thế Ngũ: “Thơ Xuân Hương có ý nghĩa về văn học sử nhiều hơn là xã hội luận. Nó không phải là tiếng nói tranh đấu cách mạng của quần chúng. Và nếu ta chịu khó nghe xem thì thấy nó còn nặng chĩu tình cảm cá nhân. Nếu Xuân Hương có lên tiếng đòi hỏi gì thì không phải là đòi hỏi cho xã hội, cho quần chúng mà chính cho phận nàng, lòng nàng. Đây chính là một khía cạnh khác về chân tướng thơ của Hồ Xuân Hương: khía cạnh trữ tình. Người ta thường chỉ để ý đến cái cười cái tục trong thơ Xuân Hương. Không biết rằng sau cái cười ấy lại có nước mắt và cái tục ấy nhiều khi chỉ là sự mỉa mai hờn dỗi phát lộ ra. Tác giả đã quá đau khổ trong cuộc đời mình. Nhân duyên dang dở số phận long đong, tình cảnh đơn chiếc. Những bài thơ cảm hoài của bà cho ta nghe rõ một tiếng than vãn khi não nùng khi chua chát: “Canh khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non” “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm” (…) Thơ Xuân Hương tóm lại không chỉ khiến cho người ta một dịp suy nghĩ về cái cười tục nhã của nó. Nó còn cho ta nghe ra một tâm tình khi che kín, khi bộc lộ và làm cho chúng ta phải cảm động. Do đó, chúng ta càng thấy sự duy nhất của tác phẩm và tin vào sự có thật của con người”.
Khác với Phạm Thế Ngũ, luận bàn về chất trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương, Thanh Lãng lại nghiêng về tính chất phê phán, mỉa mai trong thơ của bà, cho nên trong cái nhìn của Thanh Lãng, Hồ Xuân Hương là một “thi sĩ châm biếm”. Theo Thanh Lãng : “Các cụ ta xưa bị trói buộc trong khuôn khổ chật hẹp của lễ giáo, nên ít khi phá lên tiếng cười mai mỉa, kín đáo. Nhưng từ cô Hồ, cái dè giữ kia không còn nữa. Không những nàng đã lên tiếng cười giữa ngã ba đường cái mà tiếng cười của nàng còn có tất cả cái suồng sả của những trai đàng gái điếm.. Nàng là một thi sĩ chuyên môn “nói lái” như trong những bài Vịnh Chùa Quán Sứ, Tiễn Hành sư ông, Qua sông vỗ sóng. Rồi những vận nàng gieo, những tiếng nàng dùng, những câu nàng đặt… Tất cả là những dịp cười sặc sụa hóa kiếp, hiện lên trang giấy để mà châm chọc thù hằn đời”. Đi sâu vào cái tôi bản thể của Hồ Xuân Hương với một sự thấu cảm sâu sắc về bi kịch thân phận mà người đàn bà Hồ Xuân Hương phải nhận lãnh, Bùi Gáng nhận ra tính bi kịch trong tiếng cười của Hồ Xuân Hương và cho rằng Hồ Xuân Hương: “Cười người mà cũng chính là tự cười mình. Cười người “vị gì một tí tẻo tèo teo”, nhưng chính nàng đã há không bao lần từng cười mình đã vì cái thúc bách của “tí tèo teo” mà ôm lòng chịu tủi nhục đó sao?. Thế rồi khi nhận rõ nguyên nhân của tủi nhục nó phi lý lạ lùng đến thế thì thôi, là tấm lòng của nữ sĩ có phải đã cùng với nghệ thuật mà trao đổi một chuỗi cười hân hoan? Hân hoan và đau khổ quả đã thật xen hòa. Nhưng ta không dám quả quyết rằng hân hoan đã làm nguôi đau khổ?”. Như vậy, việc luận giải về chất trào phúng ở thơ Hồ Xuân Hương trong tiếp nhận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975, còn có những khác biệt mà nguyên nhân, do xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau. Song, dù còn những khác biệt nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu, phê bình đều xem chất trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương là một hệ giá trị độc đáo, gắn với văn hóa dân tộc, thể hiện tài năng và phong cách thi ca của Nữ sĩ.
3.2. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương
Ngôn ngữ là “yếu tố thứ nhất của văn học”. Đối với thơ, ngôn ngữ là hệ giá trị đặc biệt trong việc chuyên chở nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ, thể hiện tài năng và phong cách của nhà thơ. Nói như Jakobson: “Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh”. Đó là ngôn ngữ được chắt lọc, kết tinh từ đời sống xã hội. Và “ngôn ngữ thi ca là thứ ngôn ngữ kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và tư tưởng, nhiệm vụ của thi nhân là phải tạo nên sự nhiệm mầu kỳ diệu ấy”. Điều này, có thể tìm thấy trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương. Đây cũng là vấn đề, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam 1954 -1975 quan tâm luận giải với nhiều điểm nhìn khác nhau.
Theo Hà Như Chi: “Thơ Hồ Xuân Hương là lối thơ rất thật và rất tự nhiên; Thơ Hồ Xuân Hương thoát ra ngoài khuôn sáo, không dùng điển cố Hán văn, lời thơ có khi đặc nôm mà lại thường dùng chữ trong ca dao tục ngữ; Thơ Xuân Hương tả tình đã chân xác mà tả cảnh cũng không kém sắc sảo; Thơ Xuân Hương có một lối dùng chữ đặt câu rất đặc sắc, bất luận là tả cảnh, tả tình hay trào phúng”. Thanh Lãng khi nhận xét về việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương cho rằng: “Hồ Xuân Hương là nhà thơ hoàn toàn Việt Nam”. Bởi, ông cho rằng, nếu trong suốt mấy ngàn năm: “Các văn gia, thi nhân chỉ biết có chữ Hán, dùng chữ Hán trong lúc nói và viết tiếng Việt Nam. Bởi vậy văn chương Việt Nam hồi xưa chỉ là một quái vật, đầu Ngô, mình Sở. Hồ Xuân Hương là một trong những người đầu tiên dùng chữ nôm để diễn tả tình ý. Và là người tiền phong trong phong trào dùng toàn tiếng Việt Nam để diễn tả tư tưởng. Văn thơ của nàng đọc lên ta thấy mộc mạc như tiếng nói của dân quê”. Vì thế, Thanh Lãng cho rằng: “Khác với những thi nhân đi trước, chỉ chuộng về nhận công, đặt câu cốt sao cho chải chuốt, đọc lên cho thật kêu, thực rôm. Cái đặc sắc của nàng là lối thơ thoát sáo, tự nhiên và nhẹ nhàng. Nàng có biệt tài làm cho những tiếng rất tầm thường trở nên mầu nhiệm lạ lùng. Không một văn gia nào giàu tiếng Việt bằng nàng. Bất cứ bài thơ nào của nàng, ta cũng tìm được một vài tiếng kỳ thú, một vài câu, một vài kiểu nói hàng ngày của dân quê. Những tiếng mộc mạc ấy – nhưng rất kỳ thú ấy cho thơ nàng một vài tiếng “mõm mòm” “già tom” “tèo teo” “mấy ngoàn”… là những tràng cười sặc sụa của tay lãng tử…”. Còn cảm nhận của Phạm Thế Ngũ về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương chính là “sự vươn lên của văn nghệ bình dân. Lời văn nôm na, câu thơ tưởng là một lời nói của miệng: “mười bảy hay là mười tám đây ?” (…) Ngữ vựng hầu kết là nôm, có cả tiếng chửi bới, mách tục. Đôi khi cũng dùng chữ Hán song thường dùng với một hậu ý trào lộng: “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất/ Miệng túi càn khôn thắt lại rồi” (…) Đồng thời người ta thấy một kho từ vựng rất dồi dào những tỉnh từ, trạng từ thuần túy tuy nôm na mà rất có giá trị nghệ thuật”. Vì thế, nhận định tổng quát về “Những đặc thuật trong bút pháp” của thơ Hồ Xuân Hương, Phạm Thế Ngũ cho rằng: “Đi vào bề trong kỹ thuật, ta có thể tìm ra mấy bí quyết đã khiến cho những bài thơ Xuân Hương rất hấp dẫn. Tác giả dùng chữ rất chính xác, rất táo bạo. Từ ngữ nôm na của bà thường giàu giá trị miêu tả và gợi cảm. Có thể sưu tập để trở thành một bảng đầy: cầu trắng phau phau, nước trong leo lẻo, trơ toen hoẻn, vỗ phập phòm, rơi lõm bõm, tối om om, sờ rậm rạp, mó lam nham… Lời thơ đọc lên khi họa hình, khi tượng thanh, cảm tưởng gây ra rất thích thú (…) Hồ Xuân Hương quả đã sử dụng tiếng nôm một cách quá tài tình và bài thơ Đường luật với một nghệ thuật thật là độc đáo”. Còn Nguyên Sa, một thi sĩ rất tinh tế trong việc kiến tạo ngôn ngữ thi ca, một nhà lý luận phê bình khá uyên áo khi thẩm định tác phẩm văn học, vậy mà khi nhận xét về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương ông đã không tiếc lời ca ngợi: “Người đã dựng lên trước mặt ta một hàng rào danh từ: những “hỏm hòm hom”, “dê cỏn”, “dậu thưa”, “sương còn ngậm”, “suối chưa thông”. Hồ Xuân Hương đã mượn “một cái gì” để tả “một cái gì” nên ta bị đặt trước hai ngõ cụt. Không giải thích được cái gì của Hồ Xuân Hương mà chỉ qui định quanh co bằng những danh từ ước lệ ta sẽ vĩnh viễn là một kẻ đến sau bởi vì người đọc đã biết được, đã thông cảm được Hồ Xuân Hương”. “Mượn “một cái gì” để tả “một cái gì”” có lẽ, theo cách nói của Nguyên Sa đó là những “khoảng trắng”, “khoảng lặng” trong thiên tài thi ca của Hồ Xuân Hương đang “vẫy gọi” người đọc giải mã thơ Bà, mà theo Nguyên Sa điều đó mãi mãi là những “thách thức”, những “bí mật”…luôn ám ảnh tâm thức người tiếp nhận khi đến với thơ Hồ Xuân Hương!?
Như vậy, trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975, ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương luôn là những ẫn ngữ, là những viên ngọc kết tinh từ lời ăn tiếng nói của nhân dân được chiết xuất từ kho tàng ca dao tục ngữ nên có giá trị nghệ thuật diệu kỳ, thể hiện phẩm tính văn hóa Việt, thoát khỏi vòng quay của Hán ngữ đang bủa vây nền văn học nước nhà lúc bấy giờ. Ngôn ngữ thi ca Hồ Xuân Hương, vì thế là một hệ giá trị minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sinh động của tiếng Việt cũng như cho tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc, cần được giữ gìn và phát triển.
3.3.Nghệ thuật tả cảnh trong thơ Hồ Xuân Hương
Theo Thanh Lãng, nếu trong thơ văn trước kia “thi nhân Việt Nam thi nhau mà tả mà vẻ những cảnh tưởng tượng, những cảnh họ chỉ ngắm trong mơ mộng qua sách Tàu.” Hồ Xuân Hương không tả cảnh Trung Quốc nữa. Nàng đem lên giấy những cảnh nàng gặp hàng ngày. Nhưng nàng không tả những cái tầm thường của nó; Rồi với một vài nét cong đường vòng, nàng phát họa ra một cảnh thô sơ nhưng ý vị, trông như những bức họa hoạt của Mạnh Quỳnh. Cảnh của nàng không sặc sở như cảnh của Bà Huyện Thanh Quan, nó tiêu sơ lắm, nhưng mơ màng và cám dỗ”. Với cái nhìn của một nhà nghiên cứu văn học trong sự qui chiếu với tư duy triết học, Đỗ Long Vân đã luận giải tính đa nghĩa trong thơ Hồ Xuân Hương để khám phá những mỹ cảm có tính triết học, chứ không chỉ dừng lại ở mỹ cảm văn chương. Sự độc đáo trong lối phê bình thơ Hồ Xuân Hương của Đỗ Long Vân cũng bắt nguồn từ đó mà những nhận xét của ông về lối thơ tả cảnh của Hồ Xuân Hương là những minh chứng. Theo Đỗ Long Vân, cảnh trong thơ Hồ Xuân Hương “Vừa thờ ơ, vừa cám dỗ. Cũng như thơ nàng, trong thơ Hồ Xuân Hương, cảnh thường lưỡng ý. Ý cảnh ngược nhau như ý nào cũng chỉ có nửa chừng nghĩa là chưa có đã có cái ý khác chặn đường để, kết luận, người ta chẳng biết ý nào là thực. Nói một đằng cảnh chằng môt nẻo. Vừa gọi người ta nó vừa đào tẩu. Sự ởm ờ ấy làm cái điêu trác của ngoại thể. Nửa nạc nửa mở, nửa hở nửa kín, ngoại thể lừa người ta và người ta lạc trong một trò hú tim không thể giải quyết”. Rồi, Đỗ Long Vân xác quyết: “Nhưng có lẽ, người ta đã biết rằng Hồ Xuân Hương không săn trong nhục tình những mồi ngon cho ngũ giác cũng như nghệ thuật tả cảnh của nàng, như người ta sẽ thấy, không tả nhưng để phá cảnh. Cảnh càng ngọan mục thì nàng càng ngó mắt nhòm. Hẳn cái nhìn ấy không để thưởng lãm. Nhòm là một cái nhìn soi móc và tọc mạnh, như, sốt ruột trước những gì trông thấy được. Hồ Xuân Hương muốn đâm thủng cái vỏ vui mắt ấy, để lột truồng mọi vật, trả lại cảnh thực tính của nó”. Và không dừng lại ở đó, trong cái nhìn của Đỗ Long Vân, cảnh vật trong thơ Hồ Xuân Hương là một thực thể hiện sinh đã chứa đựng trong nó những cung bậc đa sắc màu của cuộc nhân sinh đầy bất an và bất toàn, thậm chí đổ vỡ và nỗi loạn. Vì thế, Đỗ Long Vân cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà cái cảnh cực lạc độc nhất trong thơ nàng là một vũng tang thương! Có tang thương nghĩa là trời có long, đất có lở, thế giới có vỡ vỏ thì lòng thế giới mới ồ ra làm cho nước lộn trời. Sự sụp đổ của những trật tự, trong những cuộc đổi đời, là ngần ấy dịp may cho thực thể trở thành. Và Hồ Xuân Hương ghét những trật tự như nàng ghét những gì mà người ta gọi là ngoạn mục. Lòng người thi sĩ ấy tưng bừng reo như rào rạt nguồn thơ đúng lúc, thế giới chỉ còn là một vùng nước, thuần nhất và mênh mông, nàng không có gì để ngắm và tả nữa cho đẹp mắt người đời”. Có thể nói, qua Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Đỗ Long Vân đã thể hiện một cái nhìn lạ, mới về nghệ thuật trong thơ của Nữ sĩ, góp phần làm phong phú việc tìm hiểu về thơ Hồ Xuân Hương trong văn học miền Nam 1954-1975.
Tạm kết
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn học đặc biệt và độc đáo trong nền văn học nước nhà. Bởi, cuộc đời và thi ca của bà vẫn luôn là những “ẩn ngữ” vẫy gọi các nhà nghiên cứu, phê bình trong hành trình tìm kiếm “chân dung” Hồ xuân Hương đích thực, khả dĩ có thể lấp vào cái khoảng trống vẫn còn đó như một thách thức khi tìm hiểu về Hồ Xuân Hương. Nhận diện đời và thơ Hồ Xuân Hương qua việc tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam 1954-1975, vì thế cũng chỉ là những nét phát họa bước đầu trong việc khám phá hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương nhằm thỏa mãn phần nào lòng yêu kính của họ đối với Hồ Xuân Hương và thơ của nữ sĩ, chưa phải đã tìm được chiếc chìa khóa để mở cánh của khoa học, giải mã một cách tường minh đời và thơ Hồ Xuân Hương. Bởi, chính Đỗ Long Vân, người đã viết một chuyên luận đặc sắc Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương cũng đã thành thực thú nhận: “Thơ Hồ Xuân Hương mời người ta vào một thực thể địa tầng luận. càng vào sâu thì thực thể càng đặc, càng chắc và càng nặng”. Thế nên, để giải mã cái “thực thể địa tầng luận, càng vào sâu thì càng đặc, càng chắc và càng nặng” ấy, không chỉ là công việc của hiện tại mà còn là việc của tương lai. Dù vậy, việc tìm hiểu đời và thơ Hồ Xuân Hương của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học miền Nam 1954-1975, cũng đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn để ngẫm ngợi mà ý kiến của Bà Phương Anh trong Anh thư nước Việt (từ lập quốc đến hiện đại), Nxb. Khai Trí, 1968, là những gợi mở như thế, khi bà chất vấn: “Tại sao tiểu sử Hồ Xuân Hương không được chép vào một bộ quốc sử hay một pho liệt truyện nào? Tại sao thi phẩm Hồ Xuân Hương không được ghi vào một tập ký ức hoặc một thiên bút lục nào thế mà từ đời bà đến giờ hàng trăm rưỡi năm nay, thơ bà vẫn được truyền tụng ở cửa miệng người đời trải thế hệ này qua thế hệ khác?”. Và câu trả lời của Bà Phương Lan là, phải chăng, Hồ Xuân Hương “đã đi sát với bình dân, cảm thông với đại chúng, thơ bà bắt gốc từ nguồn sống mãnh liệt và dẻo dai của dân tộc Việt Nam, nên tác phẩm của bà mới cùng thời gian sống mãi? (…) Bình dân Việt Nam không thể rung cảm trước những vần điệu đài các, những chữ nghĩa kiểu cách, những điển tích bác học và những nét trạm trỗ từ công phủ mà thiếu khí sống. Họ không thể đồng tình với hạng nhà văn, nhà thơ; “đánh đĩ ngòi bút”, “thừa cơ múa rối” đem ngón điêu trùng tiểu kỹ cầu làm đẹp ý số ít quí tộc mà “giết lòng người” mà đầu độc dân chúng để củng cố thế lực cho giai cấp thống trị hòng hưởng đôi chút “tơ tằm mắc mưa”. Cho nên thư văn của bọn ấy dù góp lại hàng pho dày, chứa đầy hàng mấy tử, bình dân Việt Nam có thèm nhắc nhở đến đâu, truyền tụng đến đâu. Ấy thế mà thơ Hồ Xuân Hương trải bao biển dâu, qua bao binh lửa, dân Việt Nam từ đời nọ đến đời kia, ai cũng thuộc lầu, nhớ như chôn vào lòng, không cần bia đá nó vẫn trơ trơ ở bia miệng, không cần uy quyền để bắt mọi người mua hay khuyến khích người đọc mà nó vẫn lưu hành khắp dân gian”.
Vâng! Cái chân lý giản đơn mà cao quí ấy, phải chăng là câu trả lời hết sức lý thú xác quyết sự tồn sinh, bất tử của thơ Hồ Xuân Hương với muôn đời, để hôm nay, thơ Nữ sĩ họ Hồ không chỉ là hệ giá trị văn hóa dân tộc mà còn là hệ giá trị văn hóa của nhân loại…
Gò Vấp, 1/8/2022
Trần Hoài Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...