Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận

Tiểu thuyết Gương mặt  loài
Homo Sapiens của Trần Như Luận

Chương 38 
Niên khóa ấy tôi được học với chín vị giảng viên; trong đó, người tôi ngưỡng mộ nhất là linh mục Casimir. Ngài có gương mặt khả ái, dáng cao dong dỏng. Dường như chính vì thế mà trông ngài rất hợp với chiếc áo chùng đen cổ áo La Mã. Điều chính yếu khiến tôi nể phục ngài là lòng quả cảm của ngài. Nghe nói, có dạo ngài đã từng tham gia chống bọn Phát xít Đức mà không sợ.
– Thưa cha, con thắc mắc không hiểu cuốn Mein Kampf xuất bản năm 1925 của quốc trưởng Hitler nói tới những điều gì – một hôm, người bạn ngồi sát tôi nêu câu hỏi.
Thay vì giải đáp ngay, cha Casimir nói:
– Đó là câu hỏi rất hay! Nhưng trước hết, cha muốn biết, trong các con, ai từng đọc cuốn đó?
Tôi nhìn quanh, hóa ra, ngoài tôi ra không có ai dong tay tự nhận mình đã đọc cuốn ấy. Cũng phải thôi, vì đó là sách chưa được phép lưu hành tại Hà Lan. Vị linh mục chỉ định tôi phát biểu. Tôi thưa rằng đó là cuốn tự truyện, đồng thời là sách nêu chính kiến của tác giả. Một mặt, ông Hitler nêu lên tinh thần tự tôn dân tộc một cách cuồng nhiệt. Ông cũng khẳng định chủ trương giải quyết mối thâm thù giữa Đức với Pháp bằng cách phát động một cuộc chiến ngõ hầu chiếm trọn nước Pháp, đồng thời mở rộng không gian về phía đông, chiếm luôn cả Nga, khôi phục lại đường ranh giới của Đế quốc La Mã Thần Thánh 600 năm về trước. Mặt khác, ông đề cao việc thiết lập một đế chế dựa hoàn toàn vào những người mà ông gọi là “chủng tộc Aryan hoàn hảo” dù đang sống tại Đức hay các quốc gia khác ở châu Âu. Ông cũng đề cập điều mà ông cho là tính ưu việt, tính thuần khiết của “chủng tộc Aryan” ấy và coi các tộc người khác bao gồm người Do Thái và người Slav, kể cả người da đen như tôi là thứ mạt hạng.
Vị giảng viên khen tôi có trí nhớ tốt. Nhân đó, ngài nói thêm để các bạn trong lớp hiểu về đời tư của vị lãnh tụ đang được đông đảo người Đức hết dạ tôn sùng.
Hitler sinh ở Áo, lớn lên gần Linz. Cha Casimir nói rằng lúc ông ta sống ở Vienna thì thành phố ấy là “căn cứ địa” của những thành kiến sâu sắc về tôn giáo và chủng tộc. Ông chịu ảnh hưởng bởi Karl Lueger, vị thị trưởng có đầu óc bài Do Thái. Cũng trong thời gian ấy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng tư tưởng chống Do Thái, chống Slav, chống Công giáo của Von Schönerer đã ảnh hưởng lên đầu óc còn non nớt của Hitler. Ông cũng là “sản phẩm tập thể” của những người có tên tuổi khác như Darwin, Nietzsche, Le Bon và Schopenhauer. Đặc biệt, triết lý rẻ tiền kiểu Nietzsche nhằm đề cao tính kiêu ngạo, khinh miệt dân nghèo, suy tôn quyền lực và khởi xướng một “cuộc đổi đời” bằng cách “siêu nhân hóa” con người đã ám vào tâm trí Hitler.
Trong thế chiến thứ nhất, Hitler ở quân ngũ. Ông chiến đấu kiên cường. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, ông bất mãn vì Đức bại trận, lòng tự tôn dân tộc trong ông bị tổn thương. Ông cũng như khá đông người Đức khác có xu hướng đổ mọi tội lỗi lên đầu các chiến binh Do Thái và những người Do Thái chỉ ở hậu phương để kinh doanh. Ông khăng khăng rằng họ là “những kẻ đâm sau lưng người Đức”, từ đó lòng oán hận người Do Thái càng thêm chồng chất.
Cũng có một chuyện khá riêng tư là năm Hitler 18 tuổi, mẹ bị ung thư. Vị bác sĩ chữa bệnh cho bà là người Do Thái. Do nghi ngờ về tính trung thực của vị thầy thuốc ấy, sau khi mẹ qua đời, ông nuôi lòng oán thù người Do Thái.
Khi trở lại Munich theo dõi hoạt động của Đảng Lao động Đức (DAP), Hitler bị cuốn hút bởi tư tưởng của Anton Drexler. Gã ấy chủ trương kiến tạo một chính phủ hoạt động mạnh mẽ, một “phiên bản” của chủ nghĩa xã hội nhưng không có bàn tay người Do Thái. Hitler gia nhập tổ chức chính trị ấy. Ông có dịp gặp Dietrich Eckart, xem ông này là cố vấn tinh thần của mình, rồi đổi tên đảng thành Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia Đức (NSDAP). Điều đáng tiếc là cả hai người này đều có tư tưởng bài Do Thái hết sức cực đoan.
Cha Casimir nêu quan điểm rằng sự bách hại người Do Thái là sai lầm nghiêm trọng nhất của Hitler. Tôi hết sức cảm phục tính cương nghị và tinh thần bất khuất của cha Casimir. Tôi nghĩ, nếu mọi người biết đoàn kết chống lại cái ác một cách mạnh mẽ như ngài thì họa may thế giới loài người mới trở lại yên bình.
Lát sau, cha Casimir bước xuống cạnh tôi:
– Po, con đọc cuốn Mein Kampf ấy ở đâu? Nếu còn trong cư xá sinh viên thì con phải giấu kỹ đi, kẻo gặp rắc rối!
Tôi thưa rằng tôi đọc cuốn đó khi còn ở Paris, tại nhà một người Pháp gốc Do Thái khá nổi tiếng. Khi vị linh mục tò mò hỏi thêm, tôi tiết lộ đó là ông Albert Kahn, người đã từ trần hồi tháng Mười Một 1940 ở Hauts-de-Seine.
Tôi thấy cha Casimir đứng chết lặng một hồi lâu. Tôi có cảm giác ngài đang run lên vì xúc động.
– Cha rất đau lòng khi nghe tin ấy – ngài nói, mắt ngấn lệ. Thầy Kahn là một người mẫu mực, nhân từ, hay giúp đỡ mọi người. Thầy từng là ân nhân lớn của cha, Po ạ.
Hôm ấy thứ Bảy, một bóng hồng bước vào cổng ngõ nhà tôi. Tôi khẽ giật mình nhận ra đó là Margot, chị của Anne. Margot mặc quần tây, sơ mi trắng, nơi ngực áo thêu mấy chữ họ tên gì đó mà tôi chưa kịp đọc ra. Cô nói cô đã xem xấp ảnh của bà Miep rồi. Cô hết lời ca ngợi kỹ thuật chụp hình của tôi. Cuối cùng, cô nhờ tôi sang nhà chụp cho chị em cô ít kiểu.
Cơ hội đến rồi! Tôi mừng thầm trong bụng, nhưng không ra đằng sau lấy máy ảnh ngay, mà nở nụ cười, hỏi:
– Margot nè, sao em và Anne lánh mặt anh hoài vậy?
Margot hơi biến sắc, nhưng nhanh nhẩu đáp:
– Ôi, bọn em có tránh né gì đâu! Chỉ tại bà Miep cho gia đình em ở tít tầng hai và tầng ba, mà lại ở dãy sau, nên ít khi được gặp anh thôi.
Thoát được nỗi mặc cảm tự cho rằng lâu nay các cô chẳng coi người da đen chúng tôi ra gì, tôi nhe răng ra cười. Rồi tôi nhìn kỹ bảng tên của Margot, thân mật hỏi:
– Em là Margot. Sao bảng tên lại là Bep Voskuijl?
Margot bảo cô đang tham gia lớp học tốc ký nên hay mặc áo này. Cô còn nói rõ Margot chẳng qua là tên gọi ở nhà thôi. Cô yêu cầu tôi từ nay về sau chỉ nên gọi cô là Bep.
Tuyệt vời! Tôi đã trải qua những giây phút rung động sâu sắc bên cạnh Anne. Nét mặt xinh tươi cùng vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh của nàng đã chiếm trọn trái tim tôi. Dù ở đâu, làm gì, dù trong giờ học hay trong giấc mơ, tôi cứ thấy nàng như đang nheo mắt nhìn tôi, vừa tinh nghịch vừa duyên dáng lạ lùng.
May cho tôi, cả xấp ảnh tôi chụp hôm ấy đều đẹp tuyệt. Trước khi sang giao ảnh cho hai chị em, tôi cứ ngồi ngắm đi ngắm lại, thầm thán phục cách chỉnh  ánh sáng, chọn bố cục cũng như cách chọn góc nhìn của mình. Tôi vỗ về chiếc máy ảnh, thầm cảm ơn nó, vì nhờ nó mà trái tim đa cảm của tôi có dịp ở bên nàng.
Anne đứng sát bên tôi, vô tư ngắm mấy bức ảnh của nàng. Tư thế của nàng vô tình khiến cánh tay nõn nà của nàng áp sát vào hông tôi. Tôi ước chi phút giây ấy kéo dài bất tận để tôi hưởng trọn niềm hạnh phúc tuyệt trần mà bao hương sắc của nàng đã vô tình ban phát cả cho tôi.
Dường như hôm ấy Anne quá vui sướng nên tha hồ nói năng linh hoạt lắm. Có lẽ nàng đã hết lời ca ngợi kỹ năng chụp ảnh của tôi, nhưng đôi tai tôi khờ khệch mất. Tôi thấy nàng cứ ngắm nghía từng bức ảnh không chớp mắt. Nàng đưa chúng lên môi hôn và liến thoắng:
– Ôi! Lạy Chúa! Em chết mê chết mệt với mấy bức ảnh này rồi anh Po ơi!
Tôi định tiết lộ để nàng biết chính tôi đây mới là kẻ chết mê chết mệt vì nàng, nhưng dĩ nhiên tôi không dám. Tôi thấy nàng nhảy chân sáo về phía cầu thang, không quên ngoái đầu lại nói lời cảm ơn và vẫy tay chào tôi khiến lòng tôi vô cùng xao xuyến.
Một tuần sau, Bep và Anne mặt ủ mày ê bước sang nhà tôi. Bep kể rằng cha cô đã nổi cáu xé nát xấp ảnh cực đẹp của Anne rồi. Chẳng những thế, hai chị em còn phải quỳ gối khoanh tay hứa từ rày về sau không chụp ảnh nữa. Tôi thật sự bối rối và xót xa khi trông thấy Anne khóc.
Nhìn sâu vào mắt nàng, tôi dỗ dành:
– Anne ạ, em yên tâm. Anh còn giữ cuộn phim đó. Anh sẽ ra hiệu ảnh rửa ngay cho em.
Đúng lúc tôi đang ra sức an ủi nàng và tận hưởng cảm giác thân thiết với nàng thì chú bưu tá lấp ló ở cổng. Tôi nhanh chân chạy ra nhận phong thư. Tôi gần như không hề xem qua vì chắc mẩm đó là thư chú Antoine gửi sang như mọi khi. Tôi thản nhiên ngồi xuống, thản nhiên xé bì thư trước mặt hai chị em, lôi mấy thứ bên trong ra.
Tôi phát hoảng! Trước mặt tôi, ngay giữa bàn, không phải là thư của chú Antoine; trái lại, đó là thư kèm mấy tấm ảnh do anh Saharat gửi. Tấm ảnh nằm trên cùng, ngay trước mặt chúng tôi là chân dung Emila, em gái anh ấy. Emila mỉm cười trong ảnh. Màu áo trắng tinh và hàm răng trắng sáng làm nổi bật màu da đen bóng của cô.
Anne lau nước mắt, reo lên:
– Ồ! Chị da đen này là bồ anh Po hả?
Chương 39
 Từ tờ mờ sáng, hai chiếc xe Jeep – một trắng, một màu tờ-rây-zi – đã nhanh chóng đưa hai vị lãnh đạo cao nhất nhà nước Công Gô tự do về tới Sân vận động Léopoldville. Đó là khoảnh sân rộng thoáng, nơi được chọn để tổ chức Lễ tuyên bố độc lập Công Gô.
Ánh nắng ban mai tỏa lan dìu dịu. Hằng vạn hạt sương còn đọng trên từng phiến lá non tơ khẽ nghiêng mình rung rinh trong gió. Chúng đẹp lung linh như thể bao ánh mắt hồn nhiên, sinh động cố ngước lên thật cao để nhìn đất mẹ hồi sinh.
Lũ lượt từ khắp các tỉnh, hằng vạn đại biểu đã tập trung về Léopoldville tham dự buổi lễ. Vừa tới cổng ngõ, họ đã trông thấy hằng chục biểu ngữ nói lên niềm hân hoan của nhân dân Công Gô. Bước dần vào bên trong, họ lần lượt chiêm ngưỡng một quang cảnh vô cùng tươi sáng. Cờ ngũ sắc tung bay rần rật khắp nơi. Đội quân nhạc mặc lễ phục, đứng nghiêm trang với đủ thứ nhạc cụ sáng loáng. Các chính khách Công Gô chuyện trò rôm rả. Ai nấy y phục tề chỉnh. Mặt mày hớn hở. Làm như thể họ đã dễ dàng quên đi chuỗi ngày tăm tối để nhanh chóng đắm mình vào không khí tưng bừng của ngày hội lớn quê hương.
Ông vua trẻ, người mà dân Công Gô thường hay gọi là “chàng trai đẹp mã” đang ngồi ngay chính giữa khán đài. Quanh ông có chừng hai chục vệ sĩ trang bị súng lục, súng trường bước lui bước lại, ngó trước nhìn sau. Cách đó vài dãy ghế là các đại biểu của các tổ chức chính trị Công Gô, gồm ABAKO, PNP, MNC-L và MNC-K, tất cả đều tỏ ra hăm hở. Bên cạnh họ, các vị cố vấn Bỉ cùng có mặt.
– Thưa tất cả quý vị! – vị vua trẻ dõng dạc phát biểu ngay sau khi được giới thiệu; giọng ông sang sảng nhờ hệ thống loa giăng mắc khắp nơi. Giờ phút mà quý vị chờ đợi trong mấy tháng qua đã tới! Hôm nay, ngày 30 tháng Sáu 1960, như đã hoạch định trong nhiều tháng trước, tôi tuyên bố đất nước thân yêu của các bạn đã trở thành một đất nước độc lập…
Vị vua chưa dứt lời, hằng trăm người dân Công Gô đứng quanh đó đã tự động hô vang: “Công Gô độc lập muôn năm! Công Gô độc lập muôn năm!”
Nhà vua hơi xuống giọng:
– Rồi đây, các bạn sẽ trải qua một thời kỳ lắm gian nan. Nhưng nên nhớ, bên cạnh các bạn, luôn luôn có bàn tay nâng đỡ của người Bỉ. Các bạn đừng vội đưa ra những cải cách lớn. Cũng đừng vội thay thế những công trình mà chúng tôi đã dày công vun đắp cho đến khi các bạn đủ lớn mạnh. Các bạn đừng ngại hỏi ý kiến các chuyên gia Bỉ. Bởi vì theo lệnh tôi, tất cả công dân Bỉ đều có trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ các bạn.
Ngước nhìn vẻ yên tĩnh của cả vạn con người đang cố lắng tai nghe, nhà vua nhấn mạnh:
– Thưa quý vị! Tình hữu nghị chúng ta đang có, không phải chỉ mới diễn ra trong mấy năm gần đây, mà đã được hun đúc từ hằng trăm năm trước kể từ khi người ông vĩ đại của tôi, vị hoàng đế thiên tài nước Bỉ đã sai người đặt chân đến đây vào năm 1885. Tôi tin rằng, quan hệ song phương giữa Bỉ và Công Gô trên mọi lĩnh vực sẽ tiếp tục phát triển. Chúc các bạn, từ tổng thống Joseph Kasavubu cho đến tất cả mọi người dân có mặt nơi đây luôn mạnh khỏe và thắng lợi.
Tiếp theo lời tuyên bố của nhà vua, tiếng quân nhạc vang lên hùng tráng. Rồi tổng thống Kasavubu được mời lên. Ông tha hồ ca ngợi những thành quả mà ông cho là vô cùng to lớn của người Bỉ và những ấn tượng sâu đậm của họ trên đất nước Công Gô. Đoạn ông ngỏ lời cảm ơn vị vua trẻ đã đề cao tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Thủ tướng Patrice Lumumba đã không hề được mời phát biểu. Dường như ban tổ chức e sợ cả những lời lẽ thẳng thắn của anh. Nhưng ngay lúc tổng thống vừa bước xuống, thủ tướng nhanh chân bước lên.
– Kính thưa Tổng thống Joseph Kasavubu – giọng anh oang oang. Thưa tất cả các công dân Công Gô độc lập. Thưa các vị khách, trong đó có ngài hoàng đế Baudouin. Tôi, Patrice Lumumba, nhân danh người đứng đầu chính phủ Công Gô độc lập, đại diện những người Công Gô được bầu một cách hợp pháp, hợp hiến trên tinh thần dân chủ triệt để của nhân dân Công Gô, xin có mấy lời như sau: Thứ nhất, tôi không hoàn toàn đồng tình với phát biểu của nhà vua Bỉ: Người dân chúng tôi không chỉ chờ đợi giờ phút này trong mấy tháng qua như ngài vừa nói; trái lại, chúng tôi đã đấu tranh quyết liệt để có giờ phút này trong suốt 229 năm dài đằng đẵng. Trong cuộc đấu tranh kiên cường và anh dũng đó, hằng vạn người Công Gô đã ngã xuống trước họng súng và đòn roi tàn bạo của các ông. Thứ hai, nhân dịp này, tôi bày tỏ niềm tri ân sâu sắc của nhân dân Công Gô đối với sự nghiệp to lớn của anh hùng Pende, người đề xướng phong trào chống Bỉ năm 1931 và đã hy sinh. Tôi cũng vinh danh những vị anh hùng dân tộc khác đã bỏ mình trong cuộc cách mạng bất thành tại Luluabourg năm 1944. Tôi ghi nhớ công ơn của nhà văn hóa Simon Kimbangu, một nhà tiên tri, đồng thời là tù nhân dưới ách thống trị của Bỉ đã từng đề xướng chủ trương bài xích thực dân. Đồng thời, tôi tiếp tục giương cao ngọn cờ Pax belgica, mong muốn xây dựng một đất nước đa sắc tộc hùng cường, thống nhất và trung lập, không cần bàn tay của kẻ thực dân. Tôi cũng không quên nhắc tới công ơn lớn lao của những nhà trí thức Bỉ đầy nhân ái đã đỡ đầu cho các tổ chức cách mạng Công Gô. Thứ ba, tôi muốn nhắc để đồng bào Công Gô ghi nhớ rằng: Nền độc lập, tự do mà chúng ta có được ngày hôm nay không phải là sự ban ơn của người Bỉ; thực chất,  đó  là  cuộc chiến đấu bền bỉ hằng ngày, một cuộc chiến đấu hăng hái và đầy lý tưởng, không chỉ bao gồm sự chịu đựng và đau khổ, mà cả xương máu và sự hy sinh. Đó là cuộc đấu tranh kiên cường và bất khuất, cao quý và cần thiết để chấm dứt vĩnh viễn chế độ nô lệ đầy sỉ nhục áp đặt lên chúng ta bằng vũ lực. Chúng ta đã chiến thắng! Chúng ta có quyền tự hào về cuộc đấu tranh kiên cường và thắng lợi vĩ đại này!
Hằng nghìn người Công Gô đã bật khóc, rồi bất giác ngẩng cao đầu, cùng vỗ tay thật to thành một tràng dài, vang động cả bầu không khí từ bên trong, nơi tổ chức buổi lễ cho đến tận các dãy phố ở bên ngoài.
Loạt tiếng vỗ tay ấy kéo dài tưởng như bất tận.
Tất cả ký giả châu Âu thật sự bị sốc bởi những lời lẽ vô cùng đanh thép của vị thủ tướng. Nhà vua Bỉ trợn tròn đôi mắt vừa kinh ngạc vừa giận dữ. Đôi bàn tay ngài cứ run bần bật. Ngài càu nhàu gì đó với đám tướng lĩnh mặt đỏ như gấc đang bao lấy chung quanh, rồi đột ngột đứng lên, ra lệnh trở về Dinh toàn quyền. Chiều hôm đó ngài khăng khăng đòi về nước ngay, nhưng thủ tướng Eyskens đã hết lời can ngăn.
Bầu không khí thủ đô Léopoldville chứa chan ánh nắng – thứ ánh nắng gay gắt, sáng rực cả bầu trời. 
Chương 40
Trong những tháng ngày cõi lòng tôi mải đắm say với tình yêu trọn vẹn dành cho Anne, thì tại các nước bị Đức chiếm đóng như Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp và nhiều thành phố ở Liên bang Xô viết, bọn Đức Quốc Xã ráo riết thực hiện những hành vi tội ác.
Chúng ra sức giam cầm rồi tiêu diệt hằng chục vạn người Do Thái, bức hại vô số người chủng tộc Slav, loại bỏ không thương tiếc cả những người Di-gan nghèo khó sống rày đây mai đó. Tại những vùng rộng lớn ở phía nam và phía đông Kiev, tiếp đó là ngay tại thành phố ấy cũng như tại Voronezh, hằng chục nghìn đảng viên cộng sản bị chúng sát hại. Hầu hết những gì mà tên đầu sỏ Adolf Hitler vạch ra trong cuốn Mein Kampf đều được lũ quý sứ đem ra thực thi. Tên đại đồ tể ấy còn ra lệnh hễ ở đâu có 1 quân nhân Đức bị lực lượng kháng chiến tiêu diệt thì ở đó ít ra phải có 20 thường dân bị giết để trà thù.
Tại Mặt trận phía Đông, bắt đầu từ giữa tháng Chín 1942, quân Đức đã tiến dần vào Stalingrad. Quân đội Xô viết gan dạ tử thủ. Liên Xô liên tục đưa quân tới tiếp viện. Các đơn vị liên tiếp được đưa vào chiến đấu cho dù vượt sông vào thành phố là việc hết sức gian lao. Trong cuộc tử thủ này, nổi bật hơn cả là tập đoàn quân 62 Tư lệnh. Đơn vị này đã trụ vững trong thành phố xen kẽ với quân Đức, bảo vệ từng dãy phố, từng căn nhà.
Ngày 15 tháng Mười, đám quân Đức đông đảo và man rợ ùa tới sông Volga tại phía nam nhà máy Baricada. Nhưng cũng chính lúc ấy, sức mạnh tiến công của tập đoàn quân số 6 đã cạn kiệt. Quân Đức đã đi quá xa nguồn tiếp tế của chúng và lối đánh nhau trong thành phố đã làm chúng mất dần lợi thế.
Tôi vô cùng chán ngán với thực trạng hằng chục triệu người trên Trái Đất không những không biết đùm bọc nhau nhằm vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà ra sức tàn sát nhau. Ở Mặt trận phía Đông, mặc dù nói gọn là Đức đánh Liên Xô, nhưng thật ra, bên cạnh Đức còn có sự tham gia lần lượt của nhiều nước. Đức huy động gần như toàn bộ nền công nghiệp quân sự của cả Tây Âu và Trung Âu vào cuộc chiến. Ngoài ra, chúng còn tuyển mộ hàng trăm nghìn lính đánh thuê từ các nước vùng Baltic, Nam Tư, Đan Mạch và cả người Cozak nữa.
Trên lớp học, linh mục Casimir thường hay lắc đầu ngao ngán về những tội ác tày đình của bọn Phát xít.
Ngày 2 tháng Hai 1943, Đài BBC bất ngờ đưa tin các bộ phận còn lại của Đức đã buông vũ khí đầu hàng. Hơn 20 vạn lính Đức đã đền tội chỉ trong một  tháng cuối cùng của trận đánh. Tên tướng sừng sỏ Paulus và gần 10 vạn lính Đức còn lại đều bị bắt làm tù binh. Tiếp đó, khoảng một triệu quân Đức đã bị đánh tơi bời trong một trận tiêu diệt lớn. Các bộ phận còn lại của Đức vội vã tháo lui khỏi miền Kavkaz để tránh bị bao vây.
Trong cuộc thảo luận sôi nổi về tình hình chiến sự, linh mục Casimir nói với chúng tôi:
– Lạy Chúa! Ta không thuộc phe phái nào. Nhưng ta chỉ mong cuộc chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô sớm đạt được thắng lợi. Các con hãy siêng năng cầu nguyện để những người có chính nghĩa bảo toàn lực lượng và sự chết chóc cả đôi bên càng ít càng hay.
Cuối tháng Hai 1943, đột nhiên các buổi học với cha Casimir đều bị hủy bỏ. Sinh viên cả trường hết sức hoang mang.
Một tuần sau, có tin đồn linh mục bị bọn mật thám Đức bắt giam vì tình nghi tham gia lực lượng kháng chiến do giáo sư tiến sĩ Schermerhorn cầm đầu. Đó là nhóm kháng chiến đã từng liên lạc được với chính phủ lưu vong của Hà Lan tại London.
Cũng trong những tháng ngày căng thẳng ấy, bọn Waffen-SS  viện đủ lý do để đột nhập nhiều trường đại học ở Hà Lan. Lũ chúng tôi chỉ là sinh viên, vô tư học hành, thế nhưng hằng ngày phải căng đầu ra trả lời những câu tra khảo ngớ ngẩn của chúng. Mãi tới mấy tháng sau chúng tôi mới hiểu chúng đang muốn truy bắt các sinh viên đã tham gia trong vụ ám sát tên sĩ quan Seyffardt nhiều nợ máu.
Tháng Ba năm ấy, vào một buổi chiều trời mây u ám, bà Miep bất ngờ gọi điện hối thúc tôi về nhà ngay. Tôi gần như bị sốc khi chứng kiến bốn binh sĩ Đức khiêng bọc ni-lông to, dài, nặng, bước dần tới cổng nhà tôi. Họ báo cho tôi biết đó là thi thể vị sĩ quan Đức. Ông ấy là Klaus-Peter Müller, em ruột chú Deiter.
Họ trao cho tôi lá cờ vải thật to, ở giữa là chữ vạn đen trên một nền tròn trắng, phần còn lại đỏ rực như máu. Họ đưa tiền, dặn sáng hôm sau lo mua quan tài để chôn cất. Cuối cùng, họ leo hết lên chiếc xe nhà binh đặng tới nhiều khu dân cư khác nữa.
Tôi và bà Miep nhìn nhau sửng sốt. Với tình láng giềng thân thiết, bà bật khóc. Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao loài người hành  xử với nhau tệ hại tới mức này! Liệu tới bao giờ những tên ác ôn như Hitler và bọn tay sai của hắn mới tỉnh ngộ để hiểu được rằng chính hắn và những ảo tưởng của hắn đã gieo rắc bao mất mát, tang thương cho hằng chục triệu gia đình như thế này?
Một ngày nọ, với sự “xúi giục” khá dễ thương của Anne và Bep, tôi bỏ ra một khoản tiền mua máy ảnh mới. Đó là máy hiệu Agfa do Đức sản xuất. Nó sử dụng loại phim đảo dương màu 35 mm, mang nhãn hiệu Agfacolo. Tôi mừng vì không những làm đẹp lòng Anne, mà còn có cơ hội trổ tài trước bạn bè trong các dịp hội hè của lớp.
May cho lũ chúng tôi, chú Otto không còn cấm đoán nhiều như trước. Có lúc, chú còn nhờ tôi chụp ảnh gia đình. Những lúc như vậy, thấy Anne ăn mặc trang nhã, nhoẻn miệng cười tươi, tôi vô cùng hạnh phúc.
Tình yêu như khúc nhạc vui ngân lên trong lòng tôi. Tình yêu là niềm cảm hứng bất tận trong tâm hồn tôi. Đi đâu, làm gì, tôi cũng luôn nhớ tới Anne. Tôi nhớ khuôn mặt trái xoan, đôi môi đỏ nhuận và cái kiểu nghiêng người e lệ của nàng. Tôi nhớ ánh mắt nàng sáng bừng lên khi tôi kể về lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su dành cho nhân loại. Tôi cũng nhớ tới hàm răng trắng ngà xinh xắn của nàng khi nàng hé môi cười, nhận lấy chiếc thánh giá cùng đóa hoa hồng tôi tặng nhân buổi sinh nhật nàng.
Thêm vài lần nữa tôi vô tình trông thấy nàng phả nước tắm ở phòng bên và ngửi được mùi xà phòng thơm phức. Thân thể nõn nà của nàng như một bông hoa thắm, với những đường cong lả lướt gợi tình. Những lần như thế, người tôi nóng ran lên. Có những đêm, tôi mơ thấy mình ôm ấp nàng trong vòng tay khao khát yêu đương của tôi. Niềm mơ mộng và lòng yêu thương thú vị ấy trở thành phần đời quan trọng nhất trong suốt mấy năm đại học của tôi. Tôi phần nào hiểu ra rằng, nếu trên đời này không có nàng, cuộc sống của tôi hóa ra chỉ là những tháng ngày vô vị mà thôi.
Một hôm, tôi bỗng phát hiện điều lạ: Hóa ra, bên nhà bà Miep, không phải chỉ có một Bep Voskuijl mà có tới hai. Một cô gái gầy nhom, mặt đầy mụn cũng mang họ tên ấy. Tôi đem thắc mắc này hỏi bà Miep. Thoạt đầu bà nói vòng vo, nhưng cuối cùng hé lộ chút ít sự thật. Hóa ra Margot, chị của Anne đã mượn tên Bep Voskuijl để đăng ký đi học. Tôi hỏi lý do, nhưng bà tảng lờ.
Mối tình thầm lặng và đầy mơ mộng của tôi kéo dài êm ả cho đến kỳ nghỉ học đầu tháng Tám 1944 của trường tôi. Tôi nhớ rõ hôm ấy trời còn mù sương. Tôi đang vươn vai hít thở khí trời trước hiên nhà thì một tiểu đội cảnh sát Đức ùn ùn kéo đến. Chúng xuống xe, mặt hằm hằm, tay ôm súng, xếp hàng một, chạy như hành quân, tuôn cả vào nhà bà Miep Gies. Mười phút sau, chúng kề súng giải ra xe khoảng mười người, ai nấy mặt cắt không còn chút máu. Một gia đình khác, cùng gia đình Frank gồm chú Otto, cô Edith, Anne và Margot (cô bé mà lâu nay tôi quen gọi là Bep) đã bị bắt trọn. Bà Miep mập ú và cô bé Bep Voskuijl gầy gầy cũng bị dẫn đi nhưng không phải mang còng.
Lạy Chúa! Con biết làm sao đây? Chẳng lẽ cô gái 15 tuổi trong trắng như Anne lại phạm phải một tội tày đình buộc phải giam giữ sao? Chẳng lẽ cả gia đình Frank lương thiện ấy phải vào tù sao? Tôi quay quắt khổ sở. Tôi muốn gào lên. Tôi muốn bầu trời sụp đổ hẳn đi xóa tan những chuỗi ngày không đáng sống.
Đêm hôm đó, tôi không tài nào chợp mắt được. Nước mắt tuôn thành dòng.
Sáng ra, bà Miep và cô bé Bep Voskuijl gầy gầy được thả ra. Bà vừa khóc vừa tiết lộ với tôi rằng thật ra gia đình Frank gốc Do Thái. Ngay cả nha sĩ Pfeffer và gia đình Van Pels cùng bị bắt cũng là người Do Thái. Bà thiệt thà nói rằng sở dĩ bà bí mật bảo bọc họ vì thực ra họ có tội lỗi gì đâu.
Theo sự bảo ban của bà, hôm sau tôi mua đủ thứ đồ ăn thức uống lặn lội tìm tới trụ sở Gestapo. Nhưng bọn SS ở đó lắc đầu. Tôi lại tìm sang nhà tù Weteringschans, rồi cả trại tù Westerbork, nơi giam giữ cả vạn người Do Thái; nhưng không cách nào tìm ra tăm tích gia đình Anne.
Trong lúc trải qua chuyện đời quá ư đau buồn như thế, bỗng tôi hồi hộp nhận được một lá thư. Phong bì ghi họ tên người gửi là Star Mark, nhưng kỳ thật bên trong là thư của linh mục Casimir gửi tôi. Ngài hỏi tôi học hành thế nào, nghe nói đang trong kỳ nghỉ phải không. Cuối thư ngài khuyên tôi tìm gặp một chị y tá, chị ấy sẽ tiếp tục hướng dẫn để tôi biết nên làm gì.
Đặt niềm tin nơi cha Casimir, ngày hôm sau, y theo chỉ dẫn, tôi tìm gặp chị ấy. Ngày kế tiếp, tôi ôm hành lý đi Heerlen, đến đúng địa điểm chị dặn. Tới nơi, tôi ngạc nhiên khi biết cùng đi với mình có tới 29 thanh niên khác nữa. Theo đường hầm bí mật, chúng tôi bước dần xuống khu làm việc dưới mặt đất.
Hóa ra đó là bệnh viện dã chiến khá lớn. Theo lời giới thiệu của chị y tá thì thời điểm ấy có tới 1.200 người đang được điều trị tại đó. Nhiệm vụ của nhóm thanh niên tình nguyện chúng tôi là phụ giúp các y tá chăm sóc và chuyển tải các thương bệnh binh. Trong lúc tôi định hỏi xem họ là ai, từ đâu tới, thuộc phe nào thì một vị linh mục xuất hiện khiến tôi kinh ngạc. Giọng vị ấy rất thân tình và rất quen:
– Các con ạ! Hầu hết thương bệnh binh ở đây là phi công của quân Đồng Minh. Họ chủ yếu là người Anh, Pháp, hoặc Hà Lan. Phi cơ của họ bị bắn rơi. Họ thoát chết trong gang tấc, lại không biết nương tựa vào đâu, nên chúng ta cứu họ. Các con phải giữ bí mật tuyệt đối; vì nếu lộ ra, tụi Phát xít Đức sẽ giết sạch.
– Thưa cha! – tôi ngẩng đầu lên. Con rất vui mừng được gặp cha!
Linh mục Casimir bước lại gần tôi với nụ cười trên môi.
– Ồ! Po Martin! – ngài vỗ vai tôi. Ta cũng rất vui gặp lại con.
Thì ra cha Casimir là trưởng ban điều hành bệnh viện. Ngài cùng một số trí thức Hà Lan đứng ra thành lập bệnh viện từ lâu rồi để cứu chữa cho các nạn nhân chiến tranh.
Bỗng hai chị y tá ở dãy hành lang liên tục vẫy tay gọi tôi ra. Hai chị định khiêng một chú thương binh cao to đắp drap trắng nằm băng ca. Tôi và một cậu sinh viên Hà Lan mang kiếng cận nhanh chân bước ra.
Bốn người cùng kiêng. Cả bốn đều mang khẩu trang kín mít. Đi mãi đi mãi. Hết hành lang ấy, tới hành lang khác, rồi tới một hang hóc nọ. Chúng tôi đi tới một khoảnh sân vắng vẻ. Chung quanh hoang vu, tăm tối. Mùi đất ẩm ướt bốc lên. Đó đây, leo lét vài ngọn nến buồn thiu.
Cảm thấy rợn người, tôi thưa:
– Các chị ơi, đây là đâu vậy?
Chị y tá da đen mang khẩu trang xanh bỗng giật mình, ngẩng mặt lên:
– Anh Po! Sao anh ở đây? Anh đang học ở trường V.U. Amsterdam mà?
Tôi quá đỗi ngạc nhiên nhận ra đấy là Emila. Không đợi tôi trả lời, cô ấy nói tiếp:
– Đây là nơi các linh mục thực hiện tang lễ cho những người quá cố. Anh phi công trẻ này đã chết, anh Po ạ.
Sau khi nghe xong câu ấy, người tôi nổi toàn gai ốc. Tôi nhìn sang, thấy đôi mắt Emila nhòe lệ. Lòng tôi thật vô cùng đau xót. Chiến tranh! Ôi, chiến tranh tàn ác! Nó đã tàn phá loài homo sapiens chúng ta tới mức này đây!
Đời tranh đấu của tôi (chú thích của tác giả)
Slavchỉ chung các dân tộc phân bố ở Đông Âu và Trung Âu, bán đảo Balkan và qua khỏi dãy núi phía Châu Á. Họ gồm nhánh miền Đông (Nga, Belarus, Ukraina), nhánh miền Tây (Ba Lan, Séc, Slovak) và nhánh miền Nam (Slovenia, Serb-Croatia, Macedoni, và Bulgari) – chú thích của Po Martin.
Một số tài liệu khác cho rằng buổi lễ tổ chức tại Cung điện Quốc gia chứ không phải tại đây.
Là một tộc người khoảng 12 triệu dân, bắt nguồn từ nhóm người nói tiếng Hindi ở bắc Ấn Độ. Họ rời quê hương 1.500 năm trước, sống lưu lạc nhiều nơi: Nam Âu, Đông Âu, vùng Balkans, châu Mỹ và Trung Đông (chú thích của Po Martin).
9/11/2022
Trần Như Luận
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...