Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

"Dị nhân" Văn Thùy - Hết khâu thơ lại vá răng

"Dị nhân" Văn Thùy
Hết khâu thơ lại vá răng

Sau 5 năm, tôi gặp lại dị nhân Văn Thùy và bắt đầu cuộc vạch lá tìm lại những câu thơ phá tan mọi sự ràng buộc đời thường.
Dị nhân Văn Thùy và tác giả trong đêm mưa nơi quán cóc.
5 năm trước, trong một dịp tình cờ tôi gặp lão dị nhân lục bát Văn Thùy đang lang bạt tại Sài Gòn. Những cú sốc và nụ cười giòn tan trong các cuộc đấu khẩu văn chương vẫn còn hương vị đọng lại. Hôm nay, giữa tháng 7 bỗng nhiên lão lại lù lù xuất hiện trước mặt tôi. Sau cái bắt tay hồ hởi, lão hất hàm và ra hiệu gỡ hộ cái ba lô to đùng và điếu cày to tướng trên vai xuống, tất nhiên là kèm theo một nụ cười hóm hỉnh. Tôi nhìn nét mặt của lão ẩn sau cặp kính cận khá dày vẫn roi rói ánh cười tinh quái, có lẽ con mắt ấy là đặc trưng của những câu thơ dí dỏm, hài hước đến chết người của lão.
Ngày trước, lão chẳng dám cười vì hàm răng cửa rụng gần hết. Nên điệu bộ nghiêm trang, đọc thơ làm người khác cười sặc sụa nhưng người đọc không dám cười, càng làm những người nghe thơ thấy hứng thú. Hôm nay, lão đã chịu… mỉm cười làm tôi nhớ cái lý sự cùn của lão, bảo rằng thiên hạ đọc thơ của mình cười hộ cả rồi. Bỗng nhiên tôi nhớ lại mấy câu thơ về đề tài răng mà lão nhắn tin vào điện thoại của tôi:
Răng cửa ly dị răng ranh
Cứ nhìn thiên hạ ăn nhanh mà thèm
Ăn thì chọn miếng mềm mềm
Ấy thì chỉ kén những em đã gì..
và:
Về già khủng hoảng thiệt thòi
Vợ chồng răng lợi luôn đòi ly hôn….
– Thế sao anh bảo với em rằng thời gian ấy anh vô Sài Gòn tặng thơ múi mặt, anh em đã “gây…răng” cho hơn chục triệu để ra Bắc làm bộ răng mới – Tôi hỏi
Lão đáp: Ôi dào! Ăn thua gì, nghe nói người ta kháo nhau làm cả “chi đoàn hàm răng trên” khoảng hai chục triệu, vậy là không dám vác mồm đi trình diện.
– Thế sao không dành dụm thêm mà xúc tiến? – Tôi hỏi tiếp
Ơ hay cái thằng này, nếu ky cóp mà thực hiện cho cái hàm răng thì còn gì là “thơ sĩ bụi” nữa, bay mẹ nó hết từ lâu rồi, tiền đâu chi phí lanh quanh bia rượu, thuốc lào, đi photocopy thơ để có cái làm quà cho anh em? – Lão nheo mắt nhìn tôi cười khảy.
Biết sở trường sở đoản của lão, tôi không chất vấn nữa. Lão cho biết: “Riêng tiền đi photo thơ cũng tốn ra phết!”. Bởi lẽ 1 bài thơ chỉ vài 3 hôm sau đã trở thành dở ẹc, lão sửa lại, thêm bớt giống như con gái thời nay sơn sửa móng chân móng tay, huống chi là cả hàng trăm bài thơ dài ngắn của tập chép tay, ấy là chưa kể lão bày binh bố trận, bài nào đặt trước đặt sau cứ như cơ cấu cán bộ ban ngành vậy.
“Dị nhân” – nhà thơ Văn Thùy (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả và người yêu thơ.
Đúng là cái tật chuyên quẳng nhà đi lang thang nay đây mai đó, phiêu lãng phiêu du. Lão cho biết: Các cụ xưa đã dạy rồi, đi một ngày đàng học một sàng khôn, phải đi mới “ngửi” thấy chất liệu, đề tài, phải đi mới tai nghe mắt thấy sự đời mà ngắm, thì mới có việc, có chữ mà viết mà lách, chứ cứ như mấy ông bà ngồi phòng lạnh mùa hè nằm máy sưởi mùa đông đọc sách báo, nghe đài, hóng tivi, ngóng thế sự có gì là “bám càng” viết, kiểu “ăn theo nói leo” ấy thì chỉ là văn chương thông dụng “duyệt binh” cả thôi.
Lão kể nhiều chuyện nghệ sĩ phân khối lớn, phân khối bé thường hay lên giọng chỉnh đời và tranh luận hay dở với nhau để “tranh khôn” lúc ấy là lúc lão xin rút lui có trật tự. Nhưng đáo để lắm – nghĩa là lão đứng lên rất nho nhã chắp tay xin kiếu và cười rất tươi rằng:
– Thôi tôi xin phép các chư vị, tôi phải đi đây. Trước khi lưu luyến tạm biệt mọi người, xin phép đọc 2 mẩu thơ:
Không tưới cho hoa ni long
Không tâm sự với người không hiểu mình
Đây là bài của cụ Bảo Sinh – Khách sạn chó mèo.
Còn đây là của bọ, tức của dị nhân lục bát Văn Thùy:
Người ngu uống rượu người đần
Mỗi ngày xuất khẩu chục lần tranh khôn
Rồi lão xách cái ống điếu cày đi thẳng. Lão chẳng va chạm với ai bao giờ. Bởi gặp lão là cái chất hài trong thơ, trong cử chỉ cứ tuồn tuộc tuôn ra, chỉ có cười và cười. Hơn nữa, mấy cái mồm bợm rượu không địch nỗi mồm lão. Bởi lão uống dữ dằn hơn, toàn rượu cỡ đại bác, đồng thời không ai tranh khôn với lão làm gì, vì thừa biết lão từng công bố: Lưỡi lão là loại có nhiều đốm, rất nhiều gã khờ khạo ồ lên, đốm lưỡi thì nuôi, ô hô anh là… chó à?
– Thế đợt này vô Sài Gòn mục đích chính gì không ?- tôi hỏi
Còn là gì nữa – gặp gỡ những người yêu thơ 6/8, thăm vợ con ở Bình Dương và thăm mày…. Kẻo vài chục năm nữa già hơn… hổng đi nổi
– Ủa ! năm nay anh 74 tuổi rồi?
Yên tâm, anh đã viết 11 cái di chúc rồi, hơn nữa anh đã làm đơn trình với cái cấp có thẩm quyền xin phép sống đến 99 tuổi – Lão cười mỉm
Làm gì thọ giữ vậy? – Biết mình hỏi vô duyên nhưng tôi vẫn hỏi
Ơ hay, phải tin tưởng chứ! Tao đã gửi 1 trong 2 văn bản, ký tên đóng dấu hẳn hoi. Hai bên A – B cam kết. Bên nào phá vỡ hợp đồng, nghĩa là chết trước 99 tuổi thì bên kia phải chịu trách nhiệm…
Đại loại là chuyện của lão móm và hóm là vậy, ai mà phét qua lão được!
Tôi hẹn tối mai đến quán cóc ở quận Tân Bình. Hôm sau, lại phải tốn điện thoại hướng dẫn đường cho lão đến cả chục lần. Cuối cùng lão cũng đến nơi, liền phân bua: Tao già rồi, mắt toét cận thị đi xe máy trong Sài Gòn xe cộ như bươm bướm đèn, xe chói mắt hổng quan sát ra phố, tao vào tới 3 đồn công an hỏi đường mới đến được đây.
Cuộc tao ngộ đêm ấy tôi điện thoại mời một bác sĩ nha khoa tên Lâm có phòng nha ở Quận 12. Người mà tôi tái bản lại 1 tập thơ chép tay của lão để tặng. Anh ao ước một lần gặp được Văn Thùy, thì dịp này với bác sĩ Lâm là sướng tê…
Thong thả phóng khói từ điếu cày trên hè phố Sài Gòn.
Vừa tấp xe vô lề, chưa kịp tắt máy, anh đã nhanh chân chạy đến ôm chầm lấy Văn Thùy, cứ như tù Côn Đảo được trả năm xưa. Không cần hỏi tên 2 người bạn của tôi, lão chìa ngay cho mỗi người một chiếc name card mà nhìn sơ qua ai cũng té cười. Lão giới thiệu: Tôi, Chủ nhiệm Hợp tác xã thơ Hòn Rơn – Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch giá sĩ, có khuyến mãi cho những người yêu thơ cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. đặc biệt luôn ưu tiên cho anh họ, em họ và vợ họ… Chúng tôi cười ồ sau lời giới thiệu của lão.
Ngồi vào bàn khá lâu mà không thấy lão ăn gì, tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm và một anh bạn tên Lê Văn Tuấn liên tiếp gắp thức ăn cho lão. Nhưng càng tiếp đồ nhậu thì chén lão càng đầy, chỉ cốc bia là liên tục vơi. Té ra là lão không gặm được thứ gì kể cả thứ mềm như sò huyết – Như chợt nhớ ra, tôi giải thích với bác sĩ Lâm:
Văn Thùy hổng có răng – cả hàm trên đã thoái hóa biến chất và bị khai trừ ra khỏi mồm rồi.
Ánh mắt ông bác sĩ ánh lên tia ái ngại, ngay sau cái cụng ly, anh mời Văn Thùy sáng mai đến phòng răng và hứa sẽ thiết kế cho bộ răng mới.
Nghe được tài trợ hàm răng, lão hỏi dồn:
Chuẩn loại răng gì?
Loại nào cũng có – Bác sĩ Lâm nhanh miệng đáp.
Giá cả thế nào?
Ơ hay – bác chả có thông tin gì về em à? – Anh Lâm thắc mắc.
Đâu biết, thằng Phùng Hiệu có nói gì đâu – lão phân bua.
Bác sĩ Lâm đứng dậy giới thiệu: Em tên là Lâm – bác sĩ nha khoa – thời gian trước làm ở bệnh viện nhà nước, vài năm trở lại đây xin ra mở phòng tư. Em tham gia các phái đoàn từ thiện và đã làm từ thiện cho rất nhiều người rồi. Được hiến tặng cho Văn Thùy bộ răng mới là em sung sướng lắm, nhà thơ khỏi lo chi phí gì cả.
Đêm ấy, trăng đã lặn mà chúng tôi vẫn còn quyến luyến chưa chịu chia tay. Nhìn  trời sắp sáng, tôi bất chợt ngẫu hứng ra 2 câu thơ:
Ô hay! đêm đã trắng rồi
Bốn thằng ngứa chữ vẫn ngồi gãi thơ…
Cuối cùng, cả bọn cũng phải chia tay. Tôi đèo lão về khi trởi hừng sáng.
Hôm sau, Văn Thùy theo lời hẹn phóng xe đến phòng nha vui vẻ ngoác mồm cho bác sĩ Lâm “thăm dò diện tích”, sau đó là các thao tác nghiệp vụ, mà Văn Thùy bảo là đang ở giai đoạn “đào móng đóng cọc”.
Chiều hôm sau Văn Thùy réo vào điện thoại tôi:
Hiệu ơi – chiều nay bác sĩ bảo rằng đã đo đạc xác định lộ giới xong, có khuôn mẫu rồi, đang chuẩn bị “lợp mái tái hiện đội ngũ răng”. Lão nói một cách văn nghệ thế tức là công việc tạo răng đã hoàn tất, chỉ việc ngoác mồm ra, bác sĩ ấn vào vòm lợi là xong.
Tôi vội phóng xe tới để thưởng thức cái nét cười mới của lão dị nhân sau 5 năm vắng bóng trên khẩu hình.
Ồ! đẹp thiệt, ngoài cái răng gọn gàng đẹp đẻ hơn lúc cha mẹ sinh ra, Văn Thùy còn cười cả trong ánh mắt, lúc này tôi mới thấm cái hay của câu thơ do lão bịa ra:
Người cười con mắt không cười
Chỉ là răng lợi đứng chơi ngoài mồm
Văn Thùy cho biết, trước lúc tạ từ, lão đã thử 1 bình rượu của Tàu có vẻ rất đẹp, định bụng sẽ khui ra uống vào dịp nào thích hợp nhất. Nhưng hết ruột rồi, thì lão sẽ mang về nhà cái vỏ thôi. Bởi nó có dáng lạ, men gốm sứ màu nâu và đắp nổi phù điêu rất tinh xảo và cổ quái. Nhưng rồi Văn Thùy quyết định tặng luôn cho “thầy răng”, chả có cái vật chất nào quý bằng cái tình người cả.
Rồi lão đã sắm một cái phong bì mỏng và soạn thảo một văn bản mồm khá chu đáo, lão trịnh trọng thưa với ân nhân:
– Thưa thầy lang rằng, người đã tặng cho tôi một nụ cười đánh mất mấy năm nay, đẹp hơn cả răng bẩm sinh nhưng thầy chỉ có phần thao tác, còn lại về phần thể xác răng, vật chất, nguyên liệu thì thầy lại phải mua lại của anh chắc là giám đốc Công ty đúc răng như ở khu gang thép Thái Nguyên. Vả lại anh ta chạy tới chạy lui vất vả. Thôi thì tôi nơi đất khách quê người, chẳng biết có gì tạ ơn hai vị cho xứng với ân nhân. Nay có chút quà mọn gọi là ấm trà, cơi trầu, quả cau biếu bên Công ty đúc răng, bác sĩ vui lòng nhận giúp…
Chưa nói dứt lời ông bác sĩ đã trợn mắt – bác đừng làm thế – Em đã làm từ thiện cho nhiều người rồi. Tất cả phí tổn nằm ở phòng răng này, ở trái tim nhân ái này. bác khỏi bận tâm – bác hãy giữ lại mà sử dụng cho mình, cái xe, cái điện thoại hay hết “nước bọt” lắm đấy bác ơi!
Tuy bác sĩ đã nói thế, nhưng ông vẫn nài nỉ làm cho ông bác sĩ nhìn lão với ánh mắt nghiêm khắc:
Ông dị nhân ơi! Em quý ông ở cái thơ lục bát. Ông đã tự nguyện sống độc thân 14 năm ròng rã để có cái nghệ danh này, thì mấy cài răng giả này sánh sao với con người thật của bác được… Nếu bác cứ còn tiếp tục “tấn công” em thì em sẽ thu hồi diện tích răng bất hợp pháp ngay bây giờ.
Đến đây thì lão Văn Thùy mới sực tỉnh, và bẽn lẽn nghiệm thu cái phong bì, trả về nơi xuất phát
Ờ! có thể chứ! Cảm ơn bác đã tránh xung đột – bác sĩ Lâm hài hước.
Rồi ôn tồn, ông bác sĩ yêu cầu 1 việc mà theo ông là trong tầm tay, là của nhà làm ra.
Em chỉ xin bác tặng lại nha phòng vài câu thơ viết bằng thư pháp Việt?
Nghe đến thư pháp Văn Thùy xổ luôn tiếng Anh, Ok rõ to.
Bác sĩ nha khoa Nguyễn Văn Lâm “bị” dị nhân Văn Thùy khám răng.
Hôm sau lão hốc tốc đến nhà tôi, công bố xủng xoảng một lô các cặp lục bát có mùi răng, bảo rằng: Chú xem nên chọn những câu nào hợp tình hợp lý, hợp pháp, hợp hiến để anh viết thư pháp tặng bác sĩ Lâm.
Lão lôi trong cái “bị thơ” ra một cuộn giấy (không phải loại để viết thư pháp) – lão thanh minh rằng: “Khổ thật! Trong đất phồn hoa này chỉ lắm quán cóc, tiệm ăn, tiệm uốn, chạy xe suốt ngày hỏi thăm đi tìm cái phôi giấy đúng kiểu thư pháp mà hổng có.
Lão đành phải viết tạm vào giấy “co – ky” và hứa về Hà Nội sẽ viết vào phôi giấy khác gửi vào sau.
Lão đưa tôi một số “phác thảo thơ răng” của lão:
Tuổi hoàng hôn cũng thiệt thòi
Vợ chồng răng lợi luôn đòi ly hôn
Mấy năm mồm chẳng dám cười
Trách vòm răng cửa mãi chơi quên mình
Miếng ngon trên thế gian này
Chỉ nghiêng về phía người đầy bộ nhai
Tiếng là răng giả vậy thôi
Nụ cười vẫn thật như người thật răng
Già rồi bỏm bẻm tập nhai
Trưởng ban lợi huấn luyện vài tân binh
Từ nay ấm ớ hôn nhau
Càng môi đụng lắm, càng đau lợi nhiều
Ai cười cho đứt dây diều
Đừng nghe mà đắm đám bèo lênh đênh…
Tôi mãi bận bịu với công việc nên “bỏ quên” lão tới mấy ngày, hôm sau sực nhớ thì lão đã về đến Hà Nội và không quên nhắn lại cho tôi một chùm thơ gọi là tri ân tên nghiện thơ Phùng Hiệu.
22/12/2022
Phùng Hiệu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...