Tiểu thuyết Gương mặt loàiChương 47
Tình hình Công Gô tiếp tục nóng lên. Quân đội Bỉ ngang nhiên
chiếm giữ tỉnh Katanga. Dân chúng nổi lên khắp nơi đòi đuổi sạch bóng quân thù.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gần như án binh bất động. Ngày 14
tháng Bảy 1960, tổng thống Kasavubu và thủ tướng Lumumba đi đến quyết định sẽ lập
quan hệ ngoại giao cùng một lúc với cả Liên Xô lẫn Mỹ.
Họ tức khắc gửi điện tín khẩn cho ông Chủ tịch Hội đồng bộ
trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev. Họ đề nghị người Nga giám sát tình hình tại
Công Gô và tìm cách giúp Công Gô thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Họ nêu mong
muốn được trợ giúp cụ thể bằng vũ khí, đạn dược, thực phẩm, vật tư y tế, xe
tăng và phi cơ để đưa quân tới tỉnh Katanga đang bị thực dân Bỉ chiếm đóng.
Phải mất mười ngày sau, khi các thủ tục hành chính hoàn tất,
anh Lumumba và các trợ lý đáp phi cơ tới New York. Anh định tìm gặp ông Tổng
thư ký Liên Hợp Quốc Hammarskjöld,
sau đó bay sang Washington, D.C. để diện kiến tổng thống Eisenhower.
Nhưng tiến triển chẳng như mong đợi. CIA đã có trong tay nội
dung bức điện tín mà Lumumba gửi cho Liên Xô. Họ quy kết Công Gô đã đứng hẳn về
phía cộng sản. Họ tức khắc đề nghị nhà chức trách Mỹ có những giải pháp thích hợp
với “nước cờ” mới.
Tại New York, ông Tổng thư ký Hammarskjöld tiếp Lumumba một
cách lạnh nhạt. Còn tại Washington, D.C., sau khi đoàn Công Gô ngồi uống nước
ngọt chán chê tại phòng khách Tòa Bạch Ốc, các thuộc hạ của ông Eisenhower
thông báo rằng tổng thống đang đi nghỉ mát.
Ngoại trưởng Mỹ Christian
Herter dành ra gần một tiếng đồng hồ tiếp thủ tướng Công Gô. Vị khách
phương xa bày tỏ nỗi bất bình đối với sự hiện diện của quân đội Bỉ tại quê
hương mình và đề nghị Mỹ ra tay giúp đỡ. Ông Herter khăng khăng rằng lâu nay Mỹ
đã trợ giúp Công Gô rồi, bằng chứng là trong tổng chi phí đóng góp cho Liên Hợp
Quốc nhằm đưa quân tới Công Gô, phần đóng góp của Mỹ lớn nhất.
Thủ tướng Lumumba tiu nghỉu trở về. Anh không ngờ chính quyền
Công Gô còn trong trứng nước phải đương đầu với quá nhiều thử thách đến như thế.
Tổng thống Kasavubu cũng tỏ ra rất băn khoăn. Cả hai không làm sao hiểu được
chính Mỹ lẫn các nước phương Tây đã lên kế hoạch “khoanh vùng” họ.
CIA, SDECE và cả MI-6 đồng loạt tăng cường các hoạt
động ngầm tại châu Phi. Có lúc, ngay tại phủ thủ tướng Công Gô, lực lượng an
ninh bản địa tình cờ chộp được một số phần tử tình nghi gián điệp, nhưng không
đủ bằng chứng kết tội.
Ngày 9 tháng Tám 1960, được sự đồng ý của tổng thống, Lumumba
đến gặp đại sứ Bỉ tại Léopoldville. Thủ tướng nêu quan điểm cực lực phản đối sự
hiện diện của quân đội Bỉ tại Công Gô và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bỉ.
Ngay chiều hôm ấy, Den Bosch rời ghế đại sứ; lá cờ Bỉ chính thức hạ xuống.
Mười sáu giờ, khí trời còn hừng hực. Trong cuộc họp báo, thủ
tướng lớn tiếng khẳng định thực dân Bỉ là kẻ phá hoại, kẻ làm cho xã hội Công
Gô rối ren.
Đến tối, theo gương Katanga, tỉnh Nam Kasai tuyên bố ly khai.
Cả tổng thống lẫn thủ tướng đều tỏ ra vô cùng bực tức.
Lumumba lập tức ra lệnh cho Quân đội Quốc gia Công Gô mở một
cuộc hành quân nhằm kiểm soát tình hình Nam Kasai. Lực lượng quân sự do đại tá
Mobutu chỉ huy chỉ sau vài ngày đã hoàn tất nhiệm vụ. Nhưng diễn biến tại đó lại
chuyển sang một chiều hướng bất ngờ: Một số sắc tộc nổi lên đòi quyền tự quyết;
nhiều sắc tộc rơi vào tình trạng xung đột đẫm máu do không thống nhất với nhau
về phạm vi ranh giới và quyền lực. Có tin đồn binh lính của ông Mobutu tham gia
thảm sát thường dân. Dân làng Luba bị kích động mạnh. Họ đem cả gậy gộc và cuốc
xẻng ra khiêu chiến với quân đội.
Lợi dụng tình thế ấy, chính quyền tỉnh Nam Kasai ra sức công
kích chính phủ Công Gô. Họ kết tội ông Lumumba là kẻ phải chịu trách nhiệm về
tình hình bạo loạn và những thiệt hại của người dân Nam Kasai.
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng đó, tổng thống Kasavubu bất ngờ đưa
ra nhận định rằng đường lối độc lập một nhà nước thống nhất của thủ tướng
Lumumba không thích hợp với Công Gô. Ông chủ trương ủng hộ một chính quyền liên
bang, thừa nhận quyền tự trị của các tỉnh. Phát biểu của ông khiến người dân
hoang mang cực độ, đồng thời phá vỡ lập tức mối liên kết lâu nay giữa ông và thủ
tướng, đẩy Lumumba vào thế bị cô lập.
Xã hội Công Gô chia rẽ trầm trọng. Một số sắc tộc chung quanh
Léopoldville, dựa hơi tổng thống, công khai chỉ trích đường lối chính trị mà thủ
tướng đang theo đuổi. Giáo hội Công giáo cũng cho rằng nguyện vọng của ngài thủ
tướng rất có thể chỉ là ảo tưởng.
Một cách cương nghị và đầy tự tin, Lumumba triệu tập hội đồng
bộ trưởng. Họ đưa ra đề nghị nên tổ chức một hội nghị nhằm tranh thủ ý kiến các
nhà lãnh đạo trong và ngoài nước, đem vấn đề Công Gô ra trước bàn dân thiên hạ
xem nên chọn phương hướng nào.
Hội nghị được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 31 tháng Tám 1960.
Đông đảo trí thức, các nhân sĩ, các học giả, các nhà chính trị kiệt xuất của
châu Phi đều nhận được thư mời. Tuy nhiên, thấy Công Gô mất an ninh, không vị
lãnh đạo quốc gia nào đến dự. Ngay cả tổng thống Kasavubu cũng chần chừ không
biết có nên đến hay không.
Không hề úp mở, thủ tướng Lumumba cho rằng cần phải có sự nhất
trí về đường lối chính trị giữa dinh tổng thống và phủ thủ tướng. Anh mong muốn
tổng thống nên phát biểu những gì có lợi nhất cho sự tồn vong và tiền đồ của đất
nước. Anh kêu gọi mọi người thẳng thắn đưa ra chính kiến của mình. Cuối buổi,
anh thổ lộ rằng nếu lời kêu gọi cuối cùng của chính phủ Công Gô nhằm hướng đến
một sự can thiệp hợp lý của lực lượng Liên Hợp Quốc đối với tỉnh Katanga mà
không được đáp ứng, chủ trương của chính phủ là sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp của
chính phủ Liên Xô.
Mọi người nhớ rõ, hôm đó, toàn thể cử tọa đều vỗ tay tán thưởng.
Cuối buổi hội nghị, khi mọi người gần như đã ra về hết, một ký giả ngoại quốc
gương mặt quen quen nán lại xin gặp thủ tướng. Ông ấy hỏi:
– Dạ thưa, thủ tướng là người thẳng thắn. Sẵn đây, tôi xin hỏi
vài câu được không?
– Được chứ.
– Thủ tướng đã từng đọc bộ sách Das Kapital của Karl
Marx chưa?
– Chưa anh.
– Vậy anh đã từng trao đổi quan điểm chính trị với các nhà
trí thức xã hội chủ nghĩa trên thế giới chưa?
– Năm ngoái, khi đến Guinée, tôi làm quen một người Nga rành
tiếng Pháp. Đó là ông Pavel Gerasimov, đại sứ Liên Xô tại đấy. Tôi biết rõ Liên
Xô sẵn sàng ủng hộ các nước thuộc địa đấu tranh giải phóng dân tộc, nhằm thoát
khỏi bàn tay bóc lột tận xương tủy của bọn thực dân.
– Tại sao nhà cầm quyền Công Gô chọn Liên Xô mà không kêu gọi
sự ủng hộ của Mỹ?
– Thoạt đầu, tôi và ngài tổng thống có ý định đi nước đôi.
Liên Xô nhiệt tình phúc đáp ngay; trong khi Mỹ quay lưng.
– Vậy theo ý thủ tướng, chính sự trợ giúp của người ngoại quốc
quyết định đường lối chính trị của Công Gô chứ bản thân đất nước này không hề
có quyền chọn lựa một lối đi rõ rệt, độc lập cho chính mình?
– Không hẳn vậy. Tự thân các diễn biến thực tế đã đưa đẩy
chúng tôi gặp gỡ chủ nghĩa xã hội, gây ra sự xung đột ngấm ngầm với Mỹ và các
nước Đồng Minh. Vả lại, giai đoạn này Mỹ đang muốn lấy lòng các nước phương
Tây; không lý gì họ trợ giúp chúng tôi để rồi phải đối đầu với các nước ấy. Tôi
cho rằng xu thế và số phận của nhiều nước nhược tiểu trên thế giới đều như thế.
– Dạ, xin cảm ơn thủ tướng.
Đột nhiên, tối ngày 5 tháng Chín 1960, chỉ năm ngày sau khi kết
thúc hội nghị, lắng nghe chương trình thời sự, Lumumba hết sức bàng hoàng. Anh
gần như không thể tin vào tai mình. Vị tổng thống từng song hành với anh trong
suốt thời gian qua bất ngờ tuyên bố không ủng hộ lập trường chính trị của thủ
tướng Lumumba. Ông còn ngang nhiên phát biểu, với quyền hạn của vị nguyên thủ
quốc gia, ông chính thức sa thải thủ tướng Lumumba và sáu vị bộ trưởng vì lý do
họ không làm tròn trách nhiệm khi xử lý các vụ việc tại tỉnh Nam Kasai.
Quá nóng giận, Lumumba xông thẳng vào đài phát thanh, nơi lực
lượng quân sự Liên Hợp Quốc đang canh gác. Anh chỉ mặt ông Kasavubu, nói rõ rằng
ông là kẻ phản bội. Kasavubu tự bào chữa rằng đây chẳng qua chỉ là giải pháp bắt
buộc. Ông nói, một số lực lượng quân sự đang muốn lật đổ chỉnh phủ trong những
ngày tới, ông ra tay trước chỉ vì muốn Công Gô khỏi đổ máu thôi.
Song song với hành vi đó, tổng thống bất ngờ ra lệnh bắt thiếu
tướng Victor Lundula với lý do không rõ ràng, bất chấp quan điểm của thủ tướng.
Không nao núng, ngày 8 tháng Chín 1960, Lumumba hiên ngang bước
vào tòa nhà quốc hội. Anh yêu cầu các thượng nghị sĩ hãy làm sáng tỏ lập trường
của mình trực tiếp bằng lá phiếu. Theo lời kể khách quan của ông Clare
Timberlake – người được mời tham dự hôm đó với tư cách đại sứ Mỹ tại
Léopoldville – thái độ của chàng trai trẻ Lumumba rất cương nghị và đầy hiểu biết.
Anh đã đánh gục luận điệu xuyên tạc quan điểm chính trị của mình một cách xuất
sắc và giành số phiếu áp đảo so với số phiếu của người đứng đầu thượng viện Joseph
Iléo.
Vị thư ký thượng viện công bố số phiếu của Lumumba đạt được
là 41; trong khi số phiếu của ông Joseph
Iléo, người được chỉ định thay anh, chỉ là 2; số phiếu trắng là 6. Tổng thống
Kasavubu rõ ràng đã không nhận được sự ủng hộ một cách chính thức của thượng viện
nhằm hạ bệ thủ tướng.
Thế nhưng, sau cuộc họp, một số đại biểu quốc hội không thừa
nhận thủ tướng Lumumba. Họ cho rằng anh đã bị tổng thống công khai truất phế
trên đài phát thanh quốc gia rồi. Ngay trong hàng ngũ các nghị sĩ lập tức chia
thành hai ba phe, liên tục công kích nhau, xỉ vả nhau; chẳng ai chịu nhường ai.
Tình hình quá hỗn loạn. Nhiều nhà ngoại giao châu Phi và
ông Rajeshwar
Dayal – Tân Chỉ huy trưởng Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc
– đã nỗ lực dàn xếp để có được tổng thống và thủ tướng hợp hiến, hợp pháp cho
Công Gô; nhưng chẳng đem lại kết quả gì.
Chương 48
Sự tin cậy lẫn nhau cộng với sự gần gũi về mặt sinh học giữa
con đực và con cái rất có thể là nguồn gốc sản sinh ra mọi sinh vật được xem là
“thượng đẳng” và niềm say mê cuộc sống của chúng trên Trái Đất này. Tôi đã từng
giản đơn hóa mối tình giữa tôi và Emila trong một công thức khái quát như thế
vào những ngày chung sống với cô tại bộ tộc Sahanana.
Bà Xhoi, mẹ cô là nhà bảo trợ số một cho cuộc hôn phối mau mắn
giữa hai chúng tôi. Y hệt như nai mẹ lót ổ cho nai con khi phát hiện nai con đến
kỳ động dục, bà tự tay dựng một túp lều đơn sơ bên túp lều của bà.
– Sarahnat Emila kasha Po! – bà trỏ vào đó và phán.
Emila diễn dịch ra để tôi hiểu bà muốn giục chúng tôi vào bên
trong.
Trời lúc ấy se se lạnh và đang tối dần. Tôi không cưỡng được
cảm xúc của mình trước tình cảm hết sức chân thật, hồn nhiên của Emila và “sự đồng
lõa” rất dễ thương của mẹ cô. Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là tôi chưa hề tiến
hành lễ cưới hỏi gì với cô ấy cả.
Thấy tôi ngần ngại, Emila hiểu ý ngay. Cô giải thích, cưới hỏi
là điều kiêng kỵ ở bộ tộc cô. Từ xưa tới nay, ở bộ tộc ấy, cứ mỗi khi phát hiện
ra trai gái yêu thương nhau, phận sự của bậc cha mẹ là vun đắp cho con. Không
ai được phép đòi nhà trai hay nhà gái phải mua sắm thứ này thứ khác. Cũng không
ai được phép tổ chức các lễ nghi. Người ta chỉ uống rượu xhokha để ăn mừng khi
đứa bé ra đời và hồn nhiên cầm tay nhau nhảy múa khi cha mẹ già trên 60 tuổi
qua đời, còn sự chung sống của đôi uyên ương thì âm thầm hai gia đình tự biết.
Tôi chẳng hiểu gì mà chỉ bặm môi, tròn mắt nhìn.
Khi nhẹ nhàng nằm xuống cạnh tôi trong lều cỏ, Emila kể thêm,
ngày xửa ngày xưa, ở bộ tộc Sahanana này người ta cũng đã từng tổ chức lễ cưới
cho các đôi trai gái. Nhưng điều hết sức kỳ lạ là đám cưới diễn ra càng linh
đình thì cuộc sống chung của đôi bạn trẻ càng trắc trở. Bà tù trưởng nảy ra ý định
tổ chức ba cuộc hôn nhân cho ba cô con gái của bà. Đám cưới của người con cả thật
náo nhiệt, có cả chiêng trống, nhảy múa và tiệc rượu. Đám cưới của người con thứ
rất đơn sơ. Còn cô út được phép chăn gối âm thầm với chàng trai mà cô yêu thích
trong lều cỏ.
Bốn tháng sau, diễn biến thật bất ngờ: Người chị cả phát hiện
chồng cô ngủ với tình nhân. Cô thứ hai bị băng huyết suýt chết. Còn cô út suốt
ngày cười đùa vui vẻ với chồng, tha hồ hái hoa bắt bướm. Lệnh ban ra, kể từ đó,
toàn bộ tộc không ai được phép đứng ra tổ chức cưới hỏi gì. Ai bất tuân, nếu bà
tù trưởng biết sẽ bị phết bùn lên mặt, đuổi khỏi làng.
– Thế, em muốn anh trao lễ vật gì trước khi chúng ta chính thức
là của nhau?
– Muốn chứ!
– Em nói đi!
– Em muốn anh hôn em. Bởi vì em rất thương yêu anh, anh Po ạ!
Và với những lời chân thành như thế, chúng tôi đã chính thức
thành thân. Tôi ghì lấy Emila với niềm rung động thiết tha.
Nhưng tôi chợt có cảm nghĩ mình không phải là một người chồng
chân thật. Trong luồng ánh sáng mờ ảo của vầng trăng tròn chiếu qua ô cửa nhỏ,
lúc Emila vội vàng và run rẩy tự cởi chiếc áo ngực ra, chẳng hiểu ma xui quỷ
khiến thế nào, tôi bất ngờ nhớ tới tấm thân mỹ miều của Anne. Tôi suýt gọi nhầm
Emila là Anne và thấy nhan sắc nàng chập chờn trong trí óc tôi. Lúc tự cởi y phục,
lòng cứ hỏi lòng: phải chăng tôi không hẳn yêu Emila mà chỉ ham thích cái nữ
tính của cô?
Một buổi sáng, tôi nói thật với Emila, tôi cảm thấy có lỗi.
Tôi kể rõ tình cảm của tôi dành cho Anne. Không ngờ Emila cười xòa. Tiếng cười
của cô thoải mái và vô tư làm sao! Rồi cô trấn an tôi. Cô cho rằng đó chỉ là những
phản ứng mang tính sinh vật, chẳng có vấn đề đạo đức gì ở đó cả. Ra vẻ hiểu biết,
cô bảo, mọi thú vật khi để tâm ngắm nghía thú vật đồng loại khác giống đều có
phản ứng như thế. Cô còn cho rằng đó không phải là tình yêu, mà chỉ là sự ham
muốn nhất thời.
Tôi suýt phản đối Emila vì cô phủ nhận tình yêu đầu đời tôi
dành cho Anne; nhưng tôi biết điều ấy chẳng ích lợi gì, nên chỉ cười trừ.
Càng sống gần cô và bộ tộc cô, tôi càng thấy họ vô cùng hạnh
phúc. Họ ôm choàng nhau sung sướng khi quây quần bên nhau. Họ cầm tay nhau nhảy
múa hào sảng khi trông thấy trăng sáng về đêm. Họ chăm sóc nhau khi đau ốm. Họ
mừng vui khi sinh đẻ an toàn. Gương mặt họ rạng ngời khi trông thấy vầng dương
rực rỡ sau chuỗi ngày âm u.
Tôi biết họ không hề để ý xem ai trữ kê và ngô nhiều hơn ai;
họ cũng không lưu tâm xem ai thù ghét ai. Dê bắt được họ đem chia cho nhiều gia
đình cùng ăn. Họ có một giàn vật dụng xếp nối tiếp nhau ngay trước sân, nối từ
lều này sang lều khác. Ở đó, nào dao rựa, búa kềm, nào bút mực, giấy má, nào trống,
chiêng, tù và… Ai thích gì cứ lấy mà dùng.
Họ
khác xa so với những người tôi từng gặp trong các xứ sở “văn minh”. Không hề có
ông Henri vừa cố chấp vừa hung dữ, từng làm “sư tử đầu đàng” nhưng khiến nhiều
thành viên điêu đứng. Không hề có bọn cướp của giết người vô cùng ác độc như
tôi gặp tại Lamu. Không có những kẻ lật lọng như bọn cảnh sát Anh ở thành
phố Mombasa. Không hề có hủ tục cắt xẻo âm vật dã man phi nhân tính như ở thành
phố Mogadishu. Cũng không có những kẻ ngoi đầu lên nhờ ba tấc lưỡi với lòng dạ
xấu xa, thâm độc như Mussolini và Hitler. Không hề có những kẻ tuôn ra hằng đống
chữ nghĩa nhưng vô tình hoặc cố ý đẩy xã hội đến chỗ vô luân – như Marr tại
Vienna, như de Gobineau tại Pháp, như Dühring và Nietzsche tại Đức.
Ở đây không hề có nạn bắt bớ, giam cầm và tàn sát nhau như
tôi từng chứng kiến tại Somaliland thuộc Ý, hoặc tại Pháp và Hà Lan. Không hề
có “mối thâm thù” giữa người Đức với người Pháp do Hitler đầy hoang tưởng dựng
lên, đẩy hằng triệu thanh niên lao vào cuộc chiến phi nghĩa – họ không hề thù
oán nhau mà phải ôm súng bắn nhau. Không hề có tình trạng dùng vũ lực cướp nước
rồi bỏ dân bản địa chết đói như tôi từng chứng kiến đối với bọn Đức Quốc Xã tại
Hà Lan và bọn Phát xít Nhật tại Việt Nam.
Trong những ngày ở cạnh Emila, dù bị mê hoặc bởi sức hấp dẫn
của ái tình, sống chan hòa với những người hiền lương và lắm lúc thênh thang trải
lòng đón nhận vẻ kỳ vĩ của núi rừng bạt ngàn, lòng tôi không ngớt nghĩ tới bộ tộc
tôi. Tôi nhớ Pat, nhớ Min, nhớ con bé Mid và những mảnh vườn hoa thơm trái ngọt
cùng tiếng suối róc rách suốt ngày đêm nơi tôi lớn lên trong những năm tháng đầu
đời.
Tôi mong ước quay về hôn lên mảnh đất của bộ tộc tôi!
Chương 49
Bên ngoài trời bắt đầu nổi giông. Vài tia chớp lóe lên rồi tắt.
Tiếng sấm ùng oàng. Duyên dáng trong y phục truyền thống, Imani khẽ bước vào
phòng Blaise, bất ngờ hỏi chồng:
– Tại sao cuối cùng Po Martin chẳng đề cập gì tới chuyện anh
ta có về tới bộ tộc của mình hay không vậy, ông xã?
Blaise ngồi dậy, trố mắt lên. Với vẻ mặt ngộ nghĩnh, anh nói
như diễn kịch:
– Ai cho phép cô vào phòng tôi, lén lút đọc thứ nọ thứ kia? Chính
tay cô cầm bút viết từng chữ khi Marie dịch ra, vậy mà quên nội dung cả rồi
sao?
Imani bật cười, đến sát bên chồng:
– Dạo đó em cứ hí hoáy viết, chẳng mấy quan tâm tới nội dung.
Blaise cầm tay vợ, hơi nhếch mép:
– Thế… em đọc lại rồi chứ?
– Ba lần rồi! Nhưng em thắc mắc không biết hiện giờ cuộc đời
thật của ông Po Martin ra sao – nắm tay chồng, cô hỏi. À, anh ơi! Anh kiếm đâu
ra bản gốc tập hồi ký quái lạ ấy?
– Em thấy ông ấy thế nào? – Blaise né tránh câu hỏi kia,
quàng tay ôm vợ.
Imani vừa vân vê chiếc cúc áo pyjama của chồng, vừa đáp:
– Kiến thức uyên bác; nhận định của ông ta rất sâu sắc. Em
thích nhất là tư tưởng nhân văn, lối sống gần gũi thiên nhiên, lánh xa mọi nỗi
ưu phiền ở đời.
– Anh cũng nghĩ vậy – Blaise thân mật nói. Anh thấy tư tưởng
của Po Martin thật nhân ái… À, có chuyện này anh muốn bàn với em.
– Chuyện gì anh? – Imani tròn mắt.
– Anh định cho Matthew du học ở Mỹ. Ý em sao?
Imani buông tay chồng ra, tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Thằng Michael học ở Pháp; giờ lại đưa cả em nó đi thì gia
đình mình vắng lắm!
– Michael đi vì tương lai của nó; còn Matthew đi vì sự an
toàn. Anh thấy tình hình ở đây phức tạp quá, rất lo cho con.
– Thôi được. Để em suy nghĩ đã…
Đúng 12 giờ khuya. Y hẹn, chuông điện thoại reng lên. Vì
Blaise đã khéo dùng hệ thống hãm thanh gắn vào trước đó, nên tiếng chuông nghe
cũng không lớn lắm. Người ở đầu dây bên kia nói bằng tiếng Anh:
– Anh nghĩ ra cách hành động chưa?
Blaise nói, giọng thì thào:
– Ông ạ, vấn đề ở đây không phải là cách thức như thế nào, mà
là quyết định ấy liệu đã chín chắn chưa.
– Chần chừ chi cho mệt xác! Xưa nay anh quyết đoán lắm mà.
– Tôi cho rằng ra tay như vậy thật quá đáng!
– Tôi chưa hiểu ý anh.
– Nói thẳng ra, tôi thấy hắn là người có chính nghĩa. Hắn
không đáng phải bị như thế.
– Anh muốn chống lệnh phải không?
Blaise ngập ngừng một lát, rồi nói:
– Ông nên nhớ tôi là người có lương tâm. Cấp trên giao cho
tôi việc gì thì nên quan tâm tới nguyên tắc sống của tôi chứ.
– Thôi được, đơn giản thế này: Anh hãy sai người đưa kem đánh
răng do tôi chuyển đến vào phòng riêng của hắn hoặc bí mật thoa lên bàn chải
răng của hắn. Chỉ vậy thôi, được chứ?
Có vẻ như Blaise đang nổi cáu nhưng cố sức kiềm chế:
– Tôi cho rằng giết người kiểu đó hèn mọn lắm.
– Hừ! Anh hãy ở yên đấy với những nguyên tắc sống của anh đi!
Chào anh!
Sau câu nói đầy vẻ đe dọa ấy, phía đầu dây bên kia gác điện
thoại.
Blaise suốt đêm đó không sao chợp mắt được. Anh châm thuốc
hút liên miên. Căn phòng gần như ngập khói.
Đêm hôm sau, gã có mật danh A9 kia thông báo cho Blaise biết:
Nếu anh không hành động theo mệnh lệnh, anh sẽ bị sa thải, đồng thời phải hoàn
trả 50% chi phí do dự án Sanchez bị phá sản. Ngoài ra, nếu rò rỉ thông tin ra
bên ngoài, anh sẽ bị trừng trị.
Quyết định quái ác ấy khiến Blaise mất ăn mất ngủ. Anh hơi bối
rối, vì nếu phải bỏ ra một khoản tiền bồi thường quá lớn như vậy hóa ra hằng chục
năm qua anh làm việc cho người ta cũng bằng không. Còn ra tay giết thủ tướng
Lumumba thì anh không nỡ. Hình như tư tưởng nhân ái của Po Martin trong tập hồi
ký kia đã ngấm ngầm ảnh hưởng tới anh rất sâu sắc.
Đêm tiếp theo, Blaise quyết định nhấc điện thoại lên; anh
nói:
– A9! Tôi dứt khoát rồi.
– O.K! Anh quyết định như vậy thật sáng suốt!
– Không phải! Tôi muốn nói: tôi đồng ý bồi thường và không
còn dây dưa gì với các ông nữa.
– Ồ, được thôi. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên đấy. Số tiền bồi
thường tương đương với cả một đời cật lực.
– Mặc tôi. Ông cứ báo với cấp trên y như vậy.
Tân giám đốc Xưởng dệt may Léopoldville là một người đàn ông
trán cao vút, lưng thẳng đuột, hay mặc quần ka-ki, áo pun bỏ ngoài quần. Gã kém
Blaise Sanchez chừng ba bốn tuổi gì đó nhưng rất đạo mạo. Gã xem các xưởng dệt
may là nơi tiếp xúc thường xuyên với một số nhân viên mật của gã đồng thời có
thêm một khoản thu nhập, trong khi nơi làm việc chính thức của gã là Đại sứ
quán Mỹ nằm ở đường Léopold, trục giao thông chính của thủ đô.
Gã tên là L.D, được giao trọng trách trưởng trạm CIA tại Công
Gô, thay thế vị trí của Blaise. Nhưng lẽ dĩ nhiên, điều ấy không mấy ai được biết.
Ngay các nhân viên đại sứ quán cũng sẽ trố mắt kinh ngạc nếu bỗng dưng phát hiện
ra bí mật ấy.
L.D. chậm rãi bước vào căn phòng mà Blaise gắn bó nhiều năm
qua. Đầu tiên gã thấy rất khoái mùi thuốc lá thơm thơm. Rồi gã mê luôn màu drap
trải giường và cặp gối. Gã cũng thích chiếc đồng hồ treo tường và mấy cuốn sách
mà ai đó đã trưng sẵn trên kệ.
Đêm đến, L.D. ngủ hẳn tại căn phòng ấy. Đúng mười hai giờ
khuya, gã quây số để gọi cho một ai đó. Khi đầu dây bên kia đã có người thưa,
gã nói:
– AF03 đây! Tôi không biết ông nghe rõ không?
– O.K. Âm thanh tốt mà.
– Tôi đã liên lạc với C08 rồi. Hắn hợp tác rất tốt! Quả
thật như ông nói, hắn là người Công Gô khôn khéo nhất mà tôi biết.
– Vậy tốt rồi. Ngoài ra, hãy lưu ý: Lệnh từ trung ương là nhớ
cho nhân viên theo dõi hành tung của 09AF. Nếu có dấu hiệu gã tiết lộ bất cứ bí
mật nào của chúng ta thì tức khắc báo ngay cho tôi.
– Vâng, cảm ơn ông.
L.D. gác máy.
Nhưng ngay tức thì, gã để mắt tới tập tài liệu chép tay bằng
tiếng Pháp mà ai đó đặt sẵn nơi đầu giường, gần cây đèn ngủ có loa chụp màu tím
nhạt.
Gã lật ra xem thử. Gã vô tình bị cuốn hút ngay bởi lối hành
văn mạch lạc và những phát hiện kỳ lạ tuy có chút ngây ngô của Po Martin. Với
chứng mất ngủ cố hữu, gã say mê đọc liền tù tì trong suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Suốt ngày hôm sau gã lại ôm tập hồi ký ấy đọc tiếp. Gã liên tục
dán mắt vào đấy. Với vốn tiếng Pháp phong phú, gã gần như bị thôi miên bởi những
ý tưởng hiền lương, những phát hiện sâu sắc về cách sống và tư tưởng yêu chuộng
hòa bình, chán ghét chiến tranh.
Gã chăm chú đọc mấy dòng nơi trang cuối, những dòng chữ mà ai
đó đã dùng bút chì gạch dưới rất đậm nét:
Vậy đó, lắm lúc chỉ vì suy nghĩ khác nhau mà người ta đối xử
với nhau thật tệ hại; họ sinh ra hiềm khích nhau, ẩu đả nhau, thậm chí giết hại
nhau một cách dã man. Do đó, có thể nói, trong lịch sử loài homo sapiens, sự hợp
nhất của những cái dị biệt được kiến tạo một cách cởi mở, thân thiện, cũng như
sự chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt chính là nền móng của sự sinh tồn
và phát triển vậy.
Bạn có bao giờ mong muốn ai đó đối xử dã man với bạn không?
Đương nhiên là không? Vậy thì, tôi mong bạn đừng bao giờ đối xử dã man với bất
cứ ai. Những kẻ manh tâm hành động dã man không xứng đáng là người đâu. Họ là
ác quỷ đấy!
Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời, gã suy nghĩ lung lắm. Mấy
gương mặt trắng bệch, máu me đầm đìa hoặc tím ngắt vì nhiễm độc của những nạn
nhân đã từng chết dưới tay gã cứ hiện ra trong giấc ngủ chập chờn của gã.
Đêm hôm sau, chuông điện thoại vang lên. Lịch sử lặp lại một
cách khó tin. Người ở đầu dây bên kia hỏi:
– Anh nghĩ ra cách hành động chưa?
L.D. nói, giọng thì thào:
– Ông ạ, vấn đề ở đây không phải là cách thức như thế nào, mà
là quyết định ấy liệu đã chín chắn chưa.
– Chần chừ chi cho mệt xác! Xưa nay anh quyết đoán lắm mà.
– Tôi cho rằng ra tay như vậy thật quá đáng!
– Tôi chưa hiểu ý anh.
– Nói thẳng ra, tôi thấy hắn là người có chính nghĩa. Hắn
không đáng phải bị như thế.
– Anh muốn chống lệnh phải không?
L.D. ngập ngừng một lát, rồi nói:
– Ông nên nhớ tôi là người có lương tâm. Cấp trên giao cho
tôi việc gì thì nên quan tâm tới nguyên tắc sống của tôi chứ.
– Thôi được, đơn giản thế này: Anh hãy sai người đưa kem đánh
răng do tôi chuyển đến vào phòng riêng của hắn hoặc bí mật thoa lên bàn chải
răng của hắn. Chỉ vậy thôi, được chứ?
Có vẻ như L.D. đang nổi cáu nhưng cố sức kiềm chế:
– Tôi cho rằng giết người kiểu đó hèn mọn lắm.
– Hừ! Anh hãy ở yên đấy với những nguyên tắc sống của anh đi!
Chào anh!
Sau câu nói đầy vẻ đe dọa ấy, phía đầu dây bên kia gác điện
thoại.
L.D. nằm thao thức hai đêm liền rồi bất thần gọi điện cho A9.
Gã bảo, gã đang cân nhắc; gã dự định sẽ không trực tiếp ra tay, nhưng sẽ tìm ra
phương án khác hay hơn.
Đầu tiên, gã ra sức tìm hiểu đường lối chính trị của Lumumba
để tự xác định hướng đi.
Gã biết Lumumba đang được nhiều nước trong phe xã hội chủ
nghĩa tin tưởng. Nào Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức, Ghana, Guinée, Việt Nam và cả
Trung Hoa nữa. Nhưng đó không phải là bằng chứng để quy kết hắn theo cộng sản.
Trong một buổi trò chuyện, L.D. và đại sứ Clare Timberlake, “loa phát thanh” tại
cơ quan gã đi đến kết luận: Patrice Lumumba tuy không phải là cộng sản, nhưng
đang bị Liên Xô và KGB giựt dây.
Gã quyết định sẽ không giết nhưng nhất quyết loại bỏ Lumumba
khỏi chính trường. Gã bí mật gặp các “thủ lĩnh chính trị” có tư tưởng chống đối
thủ tướng Công Gô. Nào Albert Kalonji – chủ tịch MNC-K kiêm thủ lĩnh nhóm
Balubas ở Nam Kasai. Nào Soumialot, gã thư ký được tín nhiệm tại phủ thủ tướng.
Nào Justin Bomboko – Bộ trưởng Bộ ngoại giao Công Gô, tay chân của gã. Gã xác định
những tay ấy có thể trở thành con bài của gã khi cần.
L.D. tìm cách gặp tổng thống Kasavubu để thăm dò “tư tưởng”
ông ta. Qua điện thoại, ông ta hẹn gã tới dinh tổng thống lúc 17 giờ 30, khi
tan họp.
Lúc gã đến, hội trường vắng ngắt. Có lẽ buổi họp đã kết thúc
từ lâu. Tay thư ký bảo gã chờ một lát ngay tại đó.
Bỗng một người lạ mặt mang quân hàm đại tá cùng hai binh sĩ
bước vào. Tay đại tá hất hàm bảo hai cận vệ ra ngoài, đoạn lân la đến cạnh gã.
Hắn bắt tay ra vẻ muốn làm quen.
L.D. đoán hắn là đại tá Mobutu – tham mưu trưởng quân đội.
– Thưa ngài – tay đại tá nói, giọng khàn khàn. Từ lâu tôi rất
muốn thưa chuyện với ngài. Tôi đã chán ngấy ba cái trò chính trị lắm rồi! Đó
không phải là cách làm cho Công Gô mạnh lên. Rồi chẳng mấy chốc Liên Xô sẽ chiếm
trọn mảnh đất này. Ngài biết không, họ đã tới tận trại Kokolo mở lớp dạy chủ
nghĩa Marx và phát tài liệu tuyên truyền cho binh lính. Tôi báo cho ông Lumumba
về chuyện đó, nhưng ông ta tỏ ra chẳng hài lòng về tôi. Ngài nghĩ coi, đất nước
này bám đít Liên Xô thì tương lai sẽ đi về đâu?
L.D. chưa tin tưởng gì hắn. Nhìn vẻ mặt trơ tráo lạ lẫm và
ánh mắt láo liên của hắn, gã chưa vội mở lời. Tên đại tá nói tiếp:
– Tôi đã chiêu mộ được các vị chỉ huy quân sự. Chúng tôi sẵn
sàng lật đổ Lumumba, lập ra một chính phủ dân sự. Ngài ủng hộ chúng tôi chứ?
Trong lúc L.D. chưa trả lời câu hỏi ấy thì Justin Bomboko hăm
hở bước vào. Y là kẻ được L.D. tin tưởng. Sau khi bắt tay vồn vã, y nhét vào
tay trùm CIA một mảnh giấy.
Vẻ mặt vẫn lầm lầm lì lì, L.D. mở ra đọc:
HELP HIM, PLEASE, SIR.
Hướng mặt về phía vị đại tá, gã nhếch mép:
– Nếu cậu thiết tha với việc ấy, Mỹ ủng hộ.
Như mở cờ trong bụng, Mobutu reo lên:
– Ngài hứa rồi đấy nhé! Tôi chỉ cần năm nghìn đô cho tụi đàn
em. Bởi vì nếu đảo chính bất thành, tụi nó thất nghiệp hết.
– O.K. Mai cậu sẽ có khoản đó.
Sau câu nói, L.D. ngẩng đầu lên tỏ vẻ lóng ngóng. Biết ý,
Bomboko vội nói, thái độ hơi khúm núm:
– Ồ, ngài tổng thống đã bước sang phòng nghỉ rồi. Đành hẹn
ngài lúc khác. Thành thật xin lỗi ngài! Xin lỗi ngài ạ.
Allen Dulles, giám đốc CIA nghiên cứu kỹ bản tường trình của
L.D. trong hai ngày. Ông lấy làm lạ không hiểu sao L.D. vội đề xuất giao việc ấy
vào tay Mobutu trong khi trước đó, Billy Smith đã tiếp xúc với hắn và thấy hắn
chẳng đáng tin.
Sau một hồi cân nhắc, chẳng có lựa chọn nào khác, ông phúc
đáp gọn lỏn:
Well, I believe you.
Đằng sau câu nói đó, ý ông là nếu công việc êm xuôi, L.D. thật
đáng tin tưởng. Nhưng nếu mọi chuyện hỏng bét, gã sẽ chịu trách nhiệm hoàn
toàn.
Tại nhà vị bộ trưởng ngoại giao, chủ và khách ngồi đối diện,
chúi mũi vào bàn cờ vua.
– Chiếu! – Mobutu la lớn.
Bomboko tỏ ra lúng túng.
Khách cười hô hố:
– Ồ! Tôi thắng nữa rồi! Hôm nay anh sao vậy?
Bomboko cười nụ:
– Ván hồi nãy cậu tấn công lúc tớ chẳng đề phòng. Ván này cậu
giương đông kích tây để lừa đối phương. Thắng như cậu chẳng vẻ vang gì!
– Nhưng điều quan trọng là tôi đã thắng!
– Thôi, dẹp! Tớ không chơi nữa. Tớ đang bị phân tâm.
– Anh lo lắng chuyện gì?
– Lo gì đâu! Nhưng tớ không hiểu cậu mang tới thứ quái gì
trong cái hộp con con hồi nãy.
Mobutu tỏ ra hơi ngần ngại. Hắn nói:
– Anh sốt ruột muốn xem à? O.K, để tôi mở cho.
Bomboko trông thấy viên kim cương trong suốt lấp lánh màu hồng
vô cùng xinh đẹp hiện ra trước mắt y. Y thầm đoán ít ra nó cũng có giá từ 30 tới
40 nghìn francs. Mắt sáng rỡ, người y như muốn nhảy cẫng lên.
– Tớ rất mừng! – y nói như reo. Sắp sinh nhật vợ mà tớ không
biết mua gì. Đúng là cậu đi guốc trong bụng tớ rồi. Cậu thật tuyệt!
***
Chán ngán thời cuộc, trung sĩ Awax – em ruột thiếu tướng Victor
Lundula – xin nghỉ phép bốn hôm. Anh lấy lý do mẹ ốm, xin về quê. Mà anh đeo ba
lô, về quê thật. Anh về tận làng Onalua. Đó là một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh
Kasai.
Mẹ anh nhỏ thó, lưng còng, tóc bạc. Bà hay lui tới nhà bà
Julienne, còn chồng bà chơi thân với ông François; do vậy, giữa nhà anh và gia
đình thủ tướng Patrice Lumumba từ lâu đã có mối thâm tình.
Lúc anh sắp sửa quay lại Léopoldville thì bà Julienne đòi đi
theo. Đây quả là điều khó xử cho anh. Anh không có phương tiện liên lạc gì để hỏi
xem liệu thủ tướng có đồng ý như vậy không. Nhưng quá lâu rồi bà Julienne chưa
được gặp con trai. Bà rất nhớ Patrice. Awax liền bàn với ông François thuê xe ô
tô đưa bà đi.
Hôm ấy nhằm ngày 15 tháng Chín 1960. Khi chiếc ô tô mang biển
số tỉnh Kasai tới gần tòa nhà phủ thủ tướng thì đường kẹt cứng. Anh xuống xe, hỏi
thì mới biết mặc dù quốc hội đã họp lại vào ngày 13 tháng Chín vừa qua – họ đã
thống nhất bầu lại anh Lumumba làm thủ tướng – nhưng hôm qua, 14 tháng Chín, đã
xảy ra vụ đảo chính. Ông Mobutu đã ngang nhiên lật đổ chính phủ. Thủ tướng lẫn
tổng thống đều đang bị quản thúc. Như vậy, quyền điều hành đất nước hiện nay có
nguy cơ lọt vào tay đại tá thân Mỹ Mobutu.
Bao lấy phủ thủ tướng là một trung đội lực lượng gìn giữ hòa
bình của Liên Hợp Quốc do ông Rajeshwar
Dayal điều đến. Họ muốn bảo đảm tính mạng cho thủ tướng. Vòng vây rộng
lớn bên ngoài là lực lượng nổi dậy của ông Mobutu, những người đang muốn phá cổng,
vào sâu bên trong để tìm bắt ông Lumumba.
– Thưa bác, ở thủ đô xe cộ và người ngợm đông quá nên hay bị
kẹt đường. Hay là bác tạm sang nhà cháu, chờ lúc thư thả chúng ta sẽ quay lại
đây bác nhỉ?
Bà Julienne gật đầu. Awax liền hướng dẫn cho xe quay trở lại
nhà anh. Đoạn anh dìu bà xuống, trả tiền ô tô rồi bảo người tài xế quay về
Onalua, thưa với ông François là bà đã tới nơi.
Awax chăm sóc thân mẫu anh Lumumba tại nhà trọ của mình. Sáng
hôm sau, hai vòng vây phủ thủ tướng vẫn duy trì y như cũ. Bà Julienne lấy làm lạ
sao ở thủ đô “kẹt đường” hoài vậy. Bà hỏi Awax. Anh đánh liều trả lời anh có gọi
điện rồi, bên phủ thủ tướng cho hay anh Patrice đang rất bận, anh ấy chưa thu xếp
thời gian tiếp bà được.
Đến chiều, Awax tiếp tục đối mặt với câu hỏi của bà Julienne.
Trông gương mặt khắc khoải của bà, anh rất thương. Nhưng anh chẳng biết phải
làm sao.
Cuối cùng, anh sang nhà thiếu tướng Victor, sử dụng chiếc điện
thoại bên ấy.
– A-lô! Tôi nghe đây – phía đầu dây bên kia là giọng nói quen
thuộc của thủ tướng.
– Hai hôm nay em rất lo. Anh có sao không? – Awax thưa, giọng
đầy xúc động.
– Anh không sao.
– Em không ngờ mọi chuyện đâm ra như thế. Tụi em thật có lỗi
với anh.
– Lỗi hoàn toàn ở tôi, Awax ạ. Vì lo lắng và bận rộn cùng một
lúc quá nhiều việc, tôi đã mất cảnh giác.
– Xin thủ tướng hãy hết sức cẩn thận.
– Cảm ơn em.
Awax chậm rãi đặt chiếc điện thoại xuống. Tim anh đập thình
thịch. Anh không nỡ báo cho anh Patrice biết là mẹ anh đang tìm thăm anh. Anh vừa
hình dung trong đầu rằng nếu anh ấy có thêm một mối lo nữa chắc không thể chịu
đựng nổi.
Awax quay về nhà, cố trấn an bà. Nhưng bà Julienne hết sức
hoang mang. Bà không thể tin rằng tại sao con trai bà bận đến nỗi không thể tiếp
bà.
Rồi bà gục đầu xuống mép bàn, đôi vai gầy run lên. Bà khóc.
Sáng hôm sau, vừa thức giấc bà đã nghe nhiều âm thanh huyên
náo ở bên ngoài. Mở cửa sổ, bà trông thấy vô số thường dân nắm tay nhau dang
thành hàng ngang, hết hàng nọ tới hàng kia, hiên ngang đi giữa phố.
Bà nghe người ta hô vang các câu khẩu hiệu bằng tiếng Pháp:
– Nous soutenons Le Premier Ministre Patrice Lumumba!
– Vive Le Mouvement National Congolais!
Với vẻ lo lắng vì không biết chuyện gì, bà hỏi Awax. Anh
trung sĩ vui vẻ đáp:
– Dạ, dân chúng biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với anh
Patrice đó bác.
Ngay trưa hôm ấy, dưới áp lực mạnh mẽ của đoàn biểu tình càng
lúc càng đông, vòng vây của quân nổi dậy quanh phủ thủ tướng chính thức giải
tán.
Awax đưa bà đến tận nơi. Phải đi qua đám đông của lực lượng
gìn giữ hòa bình, rồi qua sự kiểm soát của đội cận vệ và vô số hành lang rộng,
bà mới tìm tới được phòng riêng của con.
Patrice hé cửa ra. Bà sung sướng ôm chầm lấy anh.
– Con thật vất vả! – bà nói, giọng run run. Con lo việc nước
nhiều quá. Mẹ thấy con gầy đi.
Rồi bà ôm con khóc. Patrice cũng không sao cầm được nước mắt
khi gặp lại mẹ sau nhiều tháng xa cách.
Công Gô đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Từ các giới chức đến
thường dân, ai nấy ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Nạn cướp bóc nổi lên khắp nơi. Tình
trạng say rượu, say bia, ẩu đả và phạm pháp chẳng ai giải quyết.
Trước tòa nhà phủ thủ tướng, người ta không ngớt bàn tán về
vai trò của anh Lumumba. Nhiều người vẫn đặt hết niềm tin nơi anh, nên họ tỏ ra
rất lo lắng. Trên một số trang báo, chẳng hiểu sao những bài thơ của thủ tướng
vẫn được đăng tải ở những vị trí rất trang trọng.
Sau khi đi thăm anh Victor vừa mới được thả ra, Awax đi đến
quán cà phê lụp xụp trước mặt phủ thủ tướng. Anh thích ngồi nhâm nhi ly cà phê
với điếu thuốc trên tay. Thỉnh thoảng anh đọc thơ và những bài xã luận trên các
trang báo. Hôm nay, những câu cuối trong bài thơ Khóc đi hỡi người anh em
yêu dấu (Pleure, O Noir Frère bien-aimé) của Patrice Lumumba cứ hiện
lên trong trí anh:
Rồi Mặt Trời rực rỡ trên bầu trời thủy tinh
Sẽ thiêu rụi nỗi buồn của chúng ta bằng những tia nắng ấm
Muôn tia sáng hiền hòa sẽ làm khô mãi
Bao dòng lệ bi thương của liệt tổ liệt tông
Bao anh hùng bất khuất trước đòn roi
Bao oan trái dưới bàn tay bạo ngược
Và trên Trái Đất yêu kiều dấu ái
Bạn sẽ tha hồ biến Công Gô thành hoa trái tự do
Trong trái tim yêu của châu Phi rộng mở!
Đột ngột ngày 24 tháng Mười Một 1960, những người đại
diện cho Liên Hợp Quốc tại Công Gô đã bỏ phiếu công nhận các đại biểu mới thuộc
phe Mobutu trong phiên họp Hội đồng Quốc hội Công Gô, bất chấp người được
chỉ định lúc ban đầu là Patrice Lumumba.
Không khí phòng họp như bão nổi. Các phe phái kịch liệt mắng
nhiếc nhau. Người ta suýt đánh nhau ngay tại hành lang.
Nhưng không hề chùn bước, Lumumba lên kế hoạch thành lập một
chính phủ mới cùng phó thủ tướng Antoine Gizenga tại Stanleyville và trực tiếp
lãnh đạo một chiến dịch giành lại quyền lực. Ba ngày sau, vào một đêm sấm
chớp liên hồi, dưới sự hộ tống của thiếu tướng Victor Lundula và các tiểu đội cận
vệ, anh bí mật rời khỏi Léopoldville, sang Stanleyville. Người dân Công Gô khắp
nơi vẫn nuôi hy vọng anh sẽ chiến thắng trong cuộc đối đầu khốc liệt với tên đại
tá thân Mỹ và những kẻ chống đối anh.
Trước khi anh đi, phu nhân Pauline cầm tay anh, rưng rưng nước
mắt:
– Em thấy tình hình vô cùng căng thẳng. Đủ thứ cạm bẫy đang
giăng ra trước mắt anh. Anh nhớ cẩn thận tối đa và luôn đề cao cảnh giác đó.
– Anh sẽ rất thận trọng. Phần em và các con, anh đã giao
trách nhiệm cho mấy anh em đồng hương rồi. Họ sắp xếp thế nào, em thực hiện y nấy!
Nói xong, anh ôm vợ. Anh khẽ hôn lên trán chị, rồi lần lượt
ôm hôn các con, từng đứa một; sau đó, anh khoác vội áo mưa, bước ra xe.
Pauline đứng thảng thốt ở thềm cửa. Chị định nói với anh:
“Anh luôn khẳng định, hễ có chính nghĩa và được nhân dân ủng hộ thì mình sẽ chiến
thắng; nhưng trước những tham vọng cá nhân của bọn cáo già chính trị, kẻ thân Mỹ,
người thân Bỉ, liệu chính nghĩa của chúng ta có thắng được bọn họ không? Em lo
lắm! Em lo lắm, ông xã ơi.”
Chị nghĩ thế nhưng không dám nói ra. Chị sợ nỗi lo âu của chị
khiến chồng giảm sút niềm tin hoặc trở nên yếu đuối.
Mười phút sau, y hẹn, hai chiếc ô tô do trung sĩ Awax và
một người thân tín bí mật trờ tới. Trong lúc trời mưa tầm tã, cuồng phong nổi dậy
tứ bề, hai vị sĩ quan phụ giúp phu nhân đưa hết hành lý và bốn đứa trẻ ra xe.
Hai chiếc xe lần lượt rồ máy, phóng nhanh lên hướng bắc.
Chương 50
Khoảng chín giờ tối, tại phòng riêng của L.D., chuông điện
thoại reng lên.
– A lô?
– Dạ thưa ngài, tôi là A11.
– Gì đó?
– Tôi định hỏi về chủ trương của ngài đối với Lumumba.
– Chưa có gì mới cả. Nhưng tôi nói cho ông rõ: Lumumba không
phải là Hitler, ông hiểu chưa?
– Dạ, tôi hiểu.
– Tôi cũng không hề yêu cầu ông lật đổ tổng thống và giam lỏng
ông ta. Ông đừng làm càn!
– Dạ dạ, tôi hiểu rồi.
L.D. đặt điện thoại xuống, mặt nhăn nhó, bực bội.
Bỗng chuông điện thoại lại reng lên.
– A lô? – L.D. hỏi, giọng hơi gắt.
– A9 đây! – phía bên kia đáp. A9 là mật danh của một gã CIA
tên là Joe, chuyên viên chuyển tiếp mệnh lệnh có khả năng phát hiện mọi cuộc
nghe lén. Dường như hắn ở tận Paris thì phải.
– Có gì ông nói đi!
– Có lệnh khẩn cấp: phải thanh toán ngay mục tiêu 02.
– Quái! Ông hãy nói rõ: đó là lệnh của ai!
– Đó là lệnh của cấp phó – hắn muốn ám chỉ ông Dick Bissell,
phó giám đốc kế hoạch.
– Ông hãy xác định xem mệnh lệnh đó có phải đến từ một cấp
nào cao hơn không?
– Vâng, cấp phó nhận lệnh trực tiếp từ ngài A1, anh ạ – trong
câu này, A1 ám chỉ tổng thống Eisenhower.
– Tôi thấy nguồn tin này không có gì chắc chắn cả. Ông hỏi lại
thật kỹ rồi báo tôi.
– Vâng, chào anh.
Chỉ chờ có thế, L.D. úp điện thoại, ngủ tiếp.
Sáng sớm thức dậy, trên tờ báo địa phương, người ta đăng tải
đủ thứ tin giựt gân; nhưng dường như L.D. chẳng quan tâm nhiều như trước.
Bất ngờ, đập vào mắt gã là một vẻ đẹp quyến rũ. Tên cô ấy là
Rosa Margaret Enpad. Ảnh đăng trên trang nhì tờ nhật trình. Ai đó đưa tin: cô
ta vừa nhận được huân chương đế chế Anh. Cô đang làm lãnh sự của Anh tại
Léopoldville. Gương mặt khả ái, ánh mắt trong sáng và cách đội mũ bia-rê
nghiêng nghiêng lệch lệch của cô khiến gã rất ái mộ.
Gã không hề biết rằng đúng thời khắc đó, Rosa với ánh mắt sắc
sảo, dáng dấp xinh xắn đang phóng ô tô về phía làng ngoại ô Osake, càng lúc
càng xáp gần về phía tòa nhà gã ở. Nhưng bỗng nhiên xe rẽ phải, chầm chậm đi
vào con đường lát sỏi. Đến trước cửa phòng làm việc của bà giám đốc Công ty
Victor, cô thắng xe, bước xuống.
Bà Kangelu Congo tiếp cô với vẻ mặt nghiêm nghị. Đến cuối câu
chuyện, Rosa lôi từ trong ví ra một khẩu súng Colt. Đó là loại súng hãm thanh,
gọn nhẹ, bóng đẹp. Rosa nói cô tặng bà Congo “của quý” ấy để bà thi hành nhiệm
vụ.
Rồi cô đứng dậy chào, lập tức ra về.
Bà Congo khép cửa phòng, ngồi đăm chiêu suốt nửa tiếng đồng hồ.
Nói đúng ra, cả ngày hôm đó gần như bà không làm được việc gì. Tâm trí bà gần
như hoàn toàn tê liệt bởi mệnh lệnh bất ngờ của Rosa.
Khước từ hợp tác với MI-6 ư? Hoàn toàn không thể được! Mấy
năm nay cả bà lẫn Maxime Peeters đều ăn lương của họ cả rồi. Nhưng nếu răm rắp
thi hành mật lệnh của cơ quan tình báo ấy thì bà không nỡ. Tư cách, thái
độ, kiến thức cũng như lòng nhiệt thành của Lumumba dành cho đất nước Công Gô
thì bà có lạ gì đâu.
Đến tối, bà Congo vẫn tiếp tục mang tâm trạng như thế. Maxime
hỏi, bà thú thật là mình đang vô cùng bối rối. Rồi bà đem toàn bộ câu chuyện và
mệnh lệnh của Rosa – sĩ quan tình báo cao cấp của MI-6 – nói cả cho chồng nghe.
Tâm trí Peeters cũng rối bời. Y bước tới bước lui, chặc lưỡi
liên miên. Cuối cùng y phân tích rằng lâu nay đối với Lumumba, y thường tìm cách
bênh vực tối đa. Song, mọi vốn liếng hai vợ chồng có được hiện nay xuất phát từ
đồng lương của MI-6 chứ không phải từ chính phủ Công Gô. Chính vì vậy, y khuyên
vợ nên tìm cách thi hành mệnh lệnh.
Thật ra, cả đêm hôm đó y không tài nào chợp mắt được. Ánh mắt
trong sáng, chân thành, dáng dấp cao cao, đĩnh đạc, và những phát ngôn đáng nể
của Patrice Lumumba cứ ám vào tâm trí y. Song, trước khi trời sáng, y thì thầm
vào tai vợ, rằng nếu bà không dám ra tay, hãy mượn tay thằng cha Mobutu hám lợi
kia cho đỡ áy náy.
Sáng ngày 1 tháng Mười Hai 1960, theo mệnh lệnh trực tiếp từ
phó chỉ huy kế hoạch Dick
Bissell, bất chấp thái độ lưỡng lự đến mức khó hiểu của ông L.D., với sự ủng
hộ bí mật của Maxime Peeters và nhiều sĩ quan Bỉ, đại tá Mobutu trực tiếp chỉ
huy một cuộc lùng sục hết sức gắt gao tại thị trấn Lodi.
Ở tả ngạn sông Sankuru, đội cận vệ của thủ tướng Patrice
Lumumba đã không thể kháng cự nổi một lực lượng quân sự đông đảo trang bị khí
giới tối tân hơn họ gấp nhiều lần. Người ta lôi cổ anh Patrice Lumumba cùng hai
cộng sự đắc lực là Bộ trưởng Bộ quốc phòng Maurice Mpolo và Chủ tịch Quốc hội
Joseph Okito lên xe. Người ta trói gô anh lại, ra sức đánh đập. Hôm sau, với
gương mặt đầy thương tích, anh và hai đồng sự bị chuyển về thành phố Port
Francqui, rồi bị ép lên phi cơ quay về thủ đô.
Hành động man rợ nói trên đã diễn ra kín đáo đến nỗi người
dân thủ đô vẫn tưởng anh Lumumba còn bình yên đi vận động chính trị tại
Stanleyville.
Nhưng tin truyền miệng lan nhanh, bí mật dần dần hé lộ.
Mobutu buộc phải chính thức trả lời cho công chúng rằng thủ tướng Lumumba đã bị
bắt. Trên đài phát thanh, y vu cáo thủ tướng có âm mưu kích động quân đội nổi dậy
chống y và nhiều tội ác khác nữa.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lên tiếng yêu cầu tổng thống
Kasavubu phải xử lý vụ việc theo đúng trình tự và thủ tục tố tụng.
Mấy ngày sau, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn. Lý do
là vì Liên Xô yêu cầu Liên Hợp Quốc tìm cách giải cứu cho Lumumba ngay lập tức,
đồng thời khôi phục chức vụ người đứng đầu chính phủ Công Gô cho anh. Liên Xô
yêu cầu giải giáp quân đội của ông Mobutu và tổ chức di tản người Bỉ ra khỏi
Công Gô. Họ cũng lên án và đòi ông Hammarskjöld từ chức, vì thực chất ông ta
làm việc theo lệnh của Mỹ. Liên Xô cũng yêu cầu bắt giữ Joseph-Désiré Mobutu lẫn
Moïse Tshombé, đồng thời thu hồi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại
Công Gô.
Song, thật đáng tiếc, nghị quyết bảo vệ quyền lợi chính trị hợp
pháp cho Công Gô và Lumumba đã bị bỏ qua, vì chỉ đạt số phiếu 2/10.
Người dân Công Gô hoàn toàn không biết thủ tướng Lumumba bị
giam giữ ở đâu. Một số nhân viên phủ thủ tướng bất mãn, bỏ việc. Khá đông binh
sĩ chán nản, bỏ hàng ngũ. Các thành viên trung kiên của phong trào MNC-L liên tục
tổ chức biểu tình quy mô lớn. Họ giương cao các câu biểu ngữ, đồng loạt hô
vang:
– Hãy trả tự do cho thủ tướng Lumumba!
– Giam cầm thủ tướng Lumumba là phạm pháp!
– Chúng tôi ủng hộ thủ tướng Lumumba!
– Ủng hộ! Ủng hộ! Ủng hộ!
Mobutu lập tức trấn áp các cuộc biểu tình hợp pháp đó bằng
cách ra lệnh binh sĩ bắt bớ, đánh đập những người cầm đầu một cách tàn nhẫn. Y
sai thuộc hạ tăng cường sử dụng lựu đạn cay và hơi ngạt. Y thuê bọn du côn trà
trộn vào hàng ngũ những người biểu tình và thẳng tay trừng trị họ bằng vũ lực.
Y biến thủ đô Léopoldville thành hỏa ngục.
Linh tính có gì bất ổn, bà Julienne tìm xuống thành phố thủ
đô thêm lần nữa với mong ước được gặp con trai, con dâu và các cháu. Nhưng Awax
đành nói dối rằng thủ tướng đi công tác xa, chị Pauline đang đưa các cháu về
quê ngoại. Ruột đau như cắt, bà ngậm ngùi ra về, lòng vô cùng hoang mang.
Vẫn ngấm ngầm giữ quan điểm chỉ loại trừ khỏi chính trường,
không giết Lumumba, một buổi tối, L.D. gọi điện cho Mobutu. Gã hỏi, giọng mỉa
mai:
– Chú mày nhận được Huân chương Danh dự rồi chứ?
– Xin lỗi, ngài nói gì tôi chưa hiểu? – Mobutu hơi lắp bắp.
– Ông giỏi thật! Chưa có lệnh tôi mà ông muốn bắt ai là bắt
mà.
– Dạ dạ, xin ngài hiểu cho. Dù sao cũng đã có lệnh của ngài
phó chỉ huy kế hoạch rồi mà.
– Ông liệu hồn đó! Giờ, nếu ông hoặc lính của ông đụng tới một
sợi lông chân của ông Lumumba thì chết ngay với tôi!
– Dạ dạ, tôi hiểu – Mobutu đáp, giọng run rẩy.
Chờ đầu dây bên kia gác điện thoại, đại tá Mobutu ngồi thở dốc;
trán nhễ nhại mồ hôi. Hắn không ngờ mọi chuyện đâm ra rắc rối thế. Hắn gọi điện
ngay cho bọn cai quản trại giam, dặn họ không được đánh đập Patrice Lumumba nữa.
Sáng ra, hắn gấp rút hỏi ý kiến một số sĩ quan Bỉ và chính
quyền Công Gô xem giờ nên xử trí thế nào đối với ông Lumumba.
Hôm đó ngày 13 tháng Một 1961. Lumumba và hai đồng sự của anh
đang bị giam bí mật tại trại lính Hardy, ở Thysville, cách Léopoldville 150 km.
Họ đã ở đấy suốt 41 ngày qua. Họ liên tục bị hành hung và gần như bị bỏ đói.
Nhưng với lệnh mới, đám binh lính ở đó bắt đầu tính tới chuyện
lo thức ăn nước uống cho tù nhân. Họ lớn tiếng kình cãi nhau. Một vài binh sĩ bảo
rằng ông Lumumba ở đấy thật là phiền phức. Khá đông hạ sĩ quan nói, lẽ ra phải
thả anh ấy ra, anh ấy không có tội. Có người thậm chí còn nêu ra yêu sách phải
có tiền thù lao thì mới chăm sóc tù nhân. Đám binh lính của ông Mobutu chia phe
chia phái, xỉ vả nhau, gần như muốn làm loạn.
Đối phó với tình hình đó, Mobutu thuyết phục tổng thống
Kasavubu, cùng ông Bomboko, bộ trưởng bộ ngoại giao và ông Bika, trưởng phòng
an ninh cùng đến trại Hardy. Họ kêu gọi binh lính giữ kỷ cương. Họ bí mật bàn bạc,
rồi cùng đưa ra giải pháp chuyển ba tù nhân sang Bang Katanga.
Đó quả là âm mưu vô cùng thâm độc. Từ lâu, họ thừa biết những
người trong bộ máy lãnh đạo của Bang Katanga có mối thâm thù với Lumumba. Đã
nhiều lần ông tỉnh trưởng tỉnh ấy – mà nay là tổng thống Moïse Tshombé – thề
bán sống bán chết sẽ tìm cách triệt hạ Lumumba. Nay, nếu giao nộp Lumumba cho họ
chẳng khác nào ném thịt tươi trước miệng hổ đói.
Nhưng Mobutu thở phào nhẹ nhõm. Hắn nghĩ như vậy kể từ nay hắn
đỡ phải lo.
Trên các nẻo đường tại Léopoldville, người dân vẫn tụm năm tụm
bảy bàn tán. Họ quay quắt không biết số phận của vị thủ tướng tha thiết nhất với
nền độc lập Công Gô giờ ra sao.
Một hôm, trời bên ngoài mưa lất phất và gai gai rét. Trung sĩ
Awax đang nằm nghỉ, chợt nghe tiếng ai gõ cửa. Mở cửa ra, anh trông thấy bà
Julienne dìu chồng lễ mễ bước vào, mình mang tơi, đầu đội nón, tay ôm túi quần
áo luộm thuộm. Anh khá ngạc nhiên bởi vì kể từ khi mắt bị mù, ông François chưa
bao giờ dám bước chân ra khỏi nhà.
Vô cùng thương tâm, Awax vội lấy khăn lau cho hai ông bà. Rồi
anh chỉ chỗ để họ thay đồ. Đoạn anh pha bình trà nóng, mời họ uống.
Hôm nay ông bà nhất quyết tìm gặp con. Ông François nói rằng
quá lâu ông không sờ được vào người con. Bà Julienne vừa khóc vừa nói rằng bà rất
nhớ Patrice. Awax ấp úng nói dối như hôm trước; nhưng lần này cả bà lẫn ông đều
không tin.
Chờ tới tận chiều tối mà chưa gặp được con, họ cùng nhau lẻn
ra đường. Bà đi trước; ông đi sau. Nối giữa ông bà là một chiếc gậy trúc cũ kỹ,
nứt nẻ.
Bà Julienne vừa dắt chồng đi vừa dáo dác nhìn quanh. Đường sá
ở đây tấp nập, ồn ào, không giống như ở quê, nên bà phải lò dò từng bước một.
Đôi lúc, mấy chiếc ô tô bóp còi inh ỏi, bật đèn sáng lóa, phóng qua vun vút khiến
ông bà giật thót cả người.
Cả hai cứ đi. Thỉnh thoảng, sấm chớp rung chuyển bầu trời. Rồi
trời đổ mưa. Ông bà vẫn lầm lũi bước, với hy vọng tìm gặp con trai.
Chốc chốc, ông dí gậy xuống đường, ngước mặt lên hỏi:
– Bà liệu còn bao xa?
– Tôi nhớ rõ, lần trước đi theo hướng này thì gặp thằng
Patrice, ông ạ.
– Vậy thì cứ đi.
– Vâng, ông cẩn thận đó.
Trong ánh điện đường mờ mờ tỏ tỏ, trời vẫn cứ mưa.
10/12/2022
Trần Như Luận
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Tình hình Công Gô tiếp tục nóng lên. Quân đội Bỉ ngang nhiên chiếm giữ tỉnh Katanga. Dân chúng nổi lên khắp nơi đòi đuổi sạch bóng quân thù. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gần như án binh bất động. Ngày 14 tháng Bảy 1960, tổng thống Kasavubu và thủ tướng Lumumba đi đến quyết định sẽ lập quan hệ ngoại giao cùng một lúc với cả Liên Xô lẫn Mỹ.
Họ tức khắc gửi điện tín khẩn cho ông Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev. Họ đề nghị người Nga giám sát tình hình tại Công Gô và tìm cách giúp Công Gô thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Họ nêu mong muốn được trợ giúp cụ thể bằng vũ khí, đạn dược, thực phẩm, vật tư y tế, xe tăng và phi cơ để đưa quân tới tỉnh Katanga đang bị thực dân Bỉ chiếm đóng.
Phải mất mười ngày sau, khi các thủ tục hành chính hoàn tất, anh Lumumba và các trợ lý đáp phi cơ tới New York. Anh định tìm gặp ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Hammarskjöld, sau đó bay sang Washington, D.C. để diện kiến tổng thống Eisenhower.
Nhưng tiến triển chẳng như mong đợi. CIA đã có trong tay nội dung bức điện tín mà Lumumba gửi cho Liên Xô. Họ quy kết Công Gô đã đứng hẳn về phía cộng sản. Họ tức khắc đề nghị nhà chức trách Mỹ có những giải pháp thích hợp với “nước cờ” mới.
Tại New York, ông Tổng thư ký Hammarskjöld tiếp Lumumba một cách lạnh nhạt. Còn tại Washington, D.C., sau khi đoàn Công Gô ngồi uống nước ngọt chán chê tại phòng khách Tòa Bạch Ốc, các thuộc hạ của ông Eisenhower thông báo rằng tổng thống đang đi nghỉ mát.
Ngoại trưởng Mỹ Christian Herter dành ra gần một tiếng đồng hồ tiếp thủ tướng Công Gô. Vị khách phương xa bày tỏ nỗi bất bình đối với sự hiện diện của quân đội Bỉ tại quê hương mình và đề nghị Mỹ ra tay giúp đỡ. Ông Herter khăng khăng rằng lâu nay Mỹ đã trợ giúp Công Gô rồi, bằng chứng là trong tổng chi phí đóng góp cho Liên Hợp Quốc nhằm đưa quân tới Công Gô, phần đóng góp của Mỹ lớn nhất.
Thủ tướng Lumumba tiu nghỉu trở về. Anh không ngờ chính quyền Công Gô còn trong trứng nước phải đương đầu với quá nhiều thử thách đến như thế. Tổng thống Kasavubu cũng tỏ ra rất băn khoăn. Cả hai không làm sao hiểu được chính Mỹ lẫn các nước phương Tây đã lên kế hoạch “khoanh vùng” họ.
CIA, SDECE và cả MI-6 đồng loạt tăng cường các hoạt động ngầm tại châu Phi. Có lúc, ngay tại phủ thủ tướng Công Gô, lực lượng an ninh bản địa tình cờ chộp được một số phần tử tình nghi gián điệp, nhưng không đủ bằng chứng kết tội.
Ngày 9 tháng Tám 1960, được sự đồng ý của tổng thống, Lumumba đến gặp đại sứ Bỉ tại Léopoldville. Thủ tướng nêu quan điểm cực lực phản đối sự hiện diện của quân đội Bỉ tại Công Gô và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bỉ. Ngay chiều hôm ấy, Den Bosch rời ghế đại sứ; lá cờ Bỉ chính thức hạ xuống.
Mười sáu giờ, khí trời còn hừng hực. Trong cuộc họp báo, thủ tướng lớn tiếng khẳng định thực dân Bỉ là kẻ phá hoại, kẻ làm cho xã hội Công Gô rối ren.
Đến tối, theo gương Katanga, tỉnh Nam Kasai tuyên bố ly khai. Cả tổng thống lẫn thủ tướng đều tỏ ra vô cùng bực tức.
Lumumba lập tức ra lệnh cho Quân đội Quốc gia Công Gô mở một cuộc hành quân nhằm kiểm soát tình hình Nam Kasai. Lực lượng quân sự do đại tá Mobutu chỉ huy chỉ sau vài ngày đã hoàn tất nhiệm vụ. Nhưng diễn biến tại đó lại chuyển sang một chiều hướng bất ngờ: Một số sắc tộc nổi lên đòi quyền tự quyết; nhiều sắc tộc rơi vào tình trạng xung đột đẫm máu do không thống nhất với nhau về phạm vi ranh giới và quyền lực. Có tin đồn binh lính của ông Mobutu tham gia thảm sát thường dân. Dân làng Luba bị kích động mạnh. Họ đem cả gậy gộc và cuốc xẻng ra khiêu chiến với quân đội.
Lợi dụng tình thế ấy, chính quyền tỉnh Nam Kasai ra sức công kích chính phủ Công Gô. Họ kết tội ông Lumumba là kẻ phải chịu trách nhiệm về tình hình bạo loạn và những thiệt hại của người dân Nam Kasai.
Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng đó, tổng thống Kasavubu bất ngờ đưa ra nhận định rằng đường lối độc lập một nhà nước thống nhất của thủ tướng Lumumba không thích hợp với Công Gô. Ông chủ trương ủng hộ một chính quyền liên bang, thừa nhận quyền tự trị của các tỉnh. Phát biểu của ông khiến người dân hoang mang cực độ, đồng thời phá vỡ lập tức mối liên kết lâu nay giữa ông và thủ tướng, đẩy Lumumba vào thế bị cô lập.
Xã hội Công Gô chia rẽ trầm trọng. Một số sắc tộc chung quanh Léopoldville, dựa hơi tổng thống, công khai chỉ trích đường lối chính trị mà thủ tướng đang theo đuổi. Giáo hội Công giáo cũng cho rằng nguyện vọng của ngài thủ tướng rất có thể chỉ là ảo tưởng.
Một cách cương nghị và đầy tự tin, Lumumba triệu tập hội đồng bộ trưởng. Họ đưa ra đề nghị nên tổ chức một hội nghị nhằm tranh thủ ý kiến các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước, đem vấn đề Công Gô ra trước bàn dân thiên hạ xem nên chọn phương hướng nào.
Hội nghị được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 31 tháng Tám 1960. Đông đảo trí thức, các nhân sĩ, các học giả, các nhà chính trị kiệt xuất của châu Phi đều nhận được thư mời. Tuy nhiên, thấy Công Gô mất an ninh, không vị lãnh đạo quốc gia nào đến dự. Ngay cả tổng thống Kasavubu cũng chần chừ không biết có nên đến hay không.
Không hề úp mở, thủ tướng Lumumba cho rằng cần phải có sự nhất trí về đường lối chính trị giữa dinh tổng thống và phủ thủ tướng. Anh mong muốn tổng thống nên phát biểu những gì có lợi nhất cho sự tồn vong và tiền đồ của đất nước. Anh kêu gọi mọi người thẳng thắn đưa ra chính kiến của mình. Cuối buổi, anh thổ lộ rằng nếu lời kêu gọi cuối cùng của chính phủ Công Gô nhằm hướng đến một sự can thiệp hợp lý của lực lượng Liên Hợp Quốc đối với tỉnh Katanga mà không được đáp ứng, chủ trương của chính phủ là sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp của chính phủ Liên Xô.
Mọi người nhớ rõ, hôm đó, toàn thể cử tọa đều vỗ tay tán thưởng. Cuối buổi hội nghị, khi mọi người gần như đã ra về hết, một ký giả ngoại quốc gương mặt quen quen nán lại xin gặp thủ tướng. Ông ấy hỏi:
– Dạ thưa, thủ tướng là người thẳng thắn. Sẵn đây, tôi xin hỏi vài câu được không?
– Được chứ.
– Thủ tướng đã từng đọc bộ sách Das Kapital của Karl Marx chưa?
– Chưa anh.
– Vậy anh đã từng trao đổi quan điểm chính trị với các nhà trí thức xã hội chủ nghĩa trên thế giới chưa?
– Năm ngoái, khi đến Guinée, tôi làm quen một người Nga rành tiếng Pháp. Đó là ông Pavel Gerasimov, đại sứ Liên Xô tại đấy. Tôi biết rõ Liên Xô sẵn sàng ủng hộ các nước thuộc địa đấu tranh giải phóng dân tộc, nhằm thoát khỏi bàn tay bóc lột tận xương tủy của bọn thực dân.
– Tại sao nhà cầm quyền Công Gô chọn Liên Xô mà không kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ?
– Thoạt đầu, tôi và ngài tổng thống có ý định đi nước đôi. Liên Xô nhiệt tình phúc đáp ngay; trong khi Mỹ quay lưng.
– Vậy theo ý thủ tướng, chính sự trợ giúp của người ngoại quốc quyết định đường lối chính trị của Công Gô chứ bản thân đất nước này không hề có quyền chọn lựa một lối đi rõ rệt, độc lập cho chính mình?
– Không hẳn vậy. Tự thân các diễn biến thực tế đã đưa đẩy chúng tôi gặp gỡ chủ nghĩa xã hội, gây ra sự xung đột ngấm ngầm với Mỹ và các nước Đồng Minh. Vả lại, giai đoạn này Mỹ đang muốn lấy lòng các nước phương Tây; không lý gì họ trợ giúp chúng tôi để rồi phải đối đầu với các nước ấy. Tôi cho rằng xu thế và số phận của nhiều nước nhược tiểu trên thế giới đều như thế.
– Dạ, xin cảm ơn thủ tướng.
Đột nhiên, tối ngày 5 tháng Chín 1960, chỉ năm ngày sau khi kết thúc hội nghị, lắng nghe chương trình thời sự, Lumumba hết sức bàng hoàng. Anh gần như không thể tin vào tai mình. Vị tổng thống từng song hành với anh trong suốt thời gian qua bất ngờ tuyên bố không ủng hộ lập trường chính trị của thủ tướng Lumumba. Ông còn ngang nhiên phát biểu, với quyền hạn của vị nguyên thủ quốc gia, ông chính thức sa thải thủ tướng Lumumba và sáu vị bộ trưởng vì lý do họ không làm tròn trách nhiệm khi xử lý các vụ việc tại tỉnh Nam Kasai.
Quá nóng giận, Lumumba xông thẳng vào đài phát thanh, nơi lực lượng quân sự Liên Hợp Quốc đang canh gác. Anh chỉ mặt ông Kasavubu, nói rõ rằng ông là kẻ phản bội. Kasavubu tự bào chữa rằng đây chẳng qua chỉ là giải pháp bắt buộc. Ông nói, một số lực lượng quân sự đang muốn lật đổ chỉnh phủ trong những ngày tới, ông ra tay trước chỉ vì muốn Công Gô khỏi đổ máu thôi.
Song song với hành vi đó, tổng thống bất ngờ ra lệnh bắt thiếu tướng Victor Lundula với lý do không rõ ràng, bất chấp quan điểm của thủ tướng.
Không nao núng, ngày 8 tháng Chín 1960, Lumumba hiên ngang bước vào tòa nhà quốc hội. Anh yêu cầu các thượng nghị sĩ hãy làm sáng tỏ lập trường của mình trực tiếp bằng lá phiếu. Theo lời kể khách quan của ông Clare Timberlake – người được mời tham dự hôm đó với tư cách đại sứ Mỹ tại Léopoldville – thái độ của chàng trai trẻ Lumumba rất cương nghị và đầy hiểu biết. Anh đã đánh gục luận điệu xuyên tạc quan điểm chính trị của mình một cách xuất sắc và giành số phiếu áp đảo so với số phiếu của người đứng đầu thượng viện Joseph Iléo.
Vị thư ký thượng viện công bố số phiếu của Lumumba đạt được là 41; trong khi số phiếu của ông Joseph Iléo, người được chỉ định thay anh, chỉ là 2; số phiếu trắng là 6. Tổng thống Kasavubu rõ ràng đã không nhận được sự ủng hộ một cách chính thức của thượng viện nhằm hạ bệ thủ tướng.
Thế nhưng, sau cuộc họp, một số đại biểu quốc hội không thừa nhận thủ tướng Lumumba. Họ cho rằng anh đã bị tổng thống công khai truất phế trên đài phát thanh quốc gia rồi. Ngay trong hàng ngũ các nghị sĩ lập tức chia thành hai ba phe, liên tục công kích nhau, xỉ vả nhau; chẳng ai chịu nhường ai.
Tình hình quá hỗn loạn. Nhiều nhà ngoại giao châu Phi và ông Rajeshwar Dayal – Tân Chỉ huy trưởng Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc – đã nỗ lực dàn xếp để có được tổng thống và thủ tướng hợp hiến, hợp pháp cho Công Gô; nhưng chẳng đem lại kết quả gì.
Chương 48
Sự tin cậy lẫn nhau cộng với sự gần gũi về mặt sinh học giữa con đực và con cái rất có thể là nguồn gốc sản sinh ra mọi sinh vật được xem là “thượng đẳng” và niềm say mê cuộc sống của chúng trên Trái Đất này. Tôi đã từng giản đơn hóa mối tình giữa tôi và Emila trong một công thức khái quát như thế vào những ngày chung sống với cô tại bộ tộc Sahanana.
Bà Xhoi, mẹ cô là nhà bảo trợ số một cho cuộc hôn phối mau mắn giữa hai chúng tôi. Y hệt như nai mẹ lót ổ cho nai con khi phát hiện nai con đến kỳ động dục, bà tự tay dựng một túp lều đơn sơ bên túp lều của bà.
– Sarahnat Emila kasha Po! – bà trỏ vào đó và phán.
Emila diễn dịch ra để tôi hiểu bà muốn giục chúng tôi vào bên trong.
Trời lúc ấy se se lạnh và đang tối dần. Tôi không cưỡng được cảm xúc của mình trước tình cảm hết sức chân thật, hồn nhiên của Emila và “sự đồng lõa” rất dễ thương của mẹ cô. Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là tôi chưa hề tiến hành lễ cưới hỏi gì với cô ấy cả.
Thấy tôi ngần ngại, Emila hiểu ý ngay. Cô giải thích, cưới hỏi là điều kiêng kỵ ở bộ tộc cô. Từ xưa tới nay, ở bộ tộc ấy, cứ mỗi khi phát hiện ra trai gái yêu thương nhau, phận sự của bậc cha mẹ là vun đắp cho con. Không ai được phép đòi nhà trai hay nhà gái phải mua sắm thứ này thứ khác. Cũng không ai được phép tổ chức các lễ nghi. Người ta chỉ uống rượu xhokha để ăn mừng khi đứa bé ra đời và hồn nhiên cầm tay nhau nhảy múa khi cha mẹ già trên 60 tuổi qua đời, còn sự chung sống của đôi uyên ương thì âm thầm hai gia đình tự biết.
Tôi chẳng hiểu gì mà chỉ bặm môi, tròn mắt nhìn.
Khi nhẹ nhàng nằm xuống cạnh tôi trong lều cỏ, Emila kể thêm, ngày xửa ngày xưa, ở bộ tộc Sahanana này người ta cũng đã từng tổ chức lễ cưới cho các đôi trai gái. Nhưng điều hết sức kỳ lạ là đám cưới diễn ra càng linh đình thì cuộc sống chung của đôi bạn trẻ càng trắc trở. Bà tù trưởng nảy ra ý định tổ chức ba cuộc hôn nhân cho ba cô con gái của bà. Đám cưới của người con cả thật náo nhiệt, có cả chiêng trống, nhảy múa và tiệc rượu. Đám cưới của người con thứ rất đơn sơ. Còn cô út được phép chăn gối âm thầm với chàng trai mà cô yêu thích trong lều cỏ.
Bốn tháng sau, diễn biến thật bất ngờ: Người chị cả phát hiện chồng cô ngủ với tình nhân. Cô thứ hai bị băng huyết suýt chết. Còn cô út suốt ngày cười đùa vui vẻ với chồng, tha hồ hái hoa bắt bướm. Lệnh ban ra, kể từ đó, toàn bộ tộc không ai được phép đứng ra tổ chức cưới hỏi gì. Ai bất tuân, nếu bà tù trưởng biết sẽ bị phết bùn lên mặt, đuổi khỏi làng.
– Thế, em muốn anh trao lễ vật gì trước khi chúng ta chính thức là của nhau?
– Muốn chứ!
– Em nói đi!
– Em muốn anh hôn em. Bởi vì em rất thương yêu anh, anh Po ạ!
Và với những lời chân thành như thế, chúng tôi đã chính thức thành thân. Tôi ghì lấy Emila với niềm rung động thiết tha.
Nhưng tôi chợt có cảm nghĩ mình không phải là một người chồng chân thật. Trong luồng ánh sáng mờ ảo của vầng trăng tròn chiếu qua ô cửa nhỏ, lúc Emila vội vàng và run rẩy tự cởi chiếc áo ngực ra, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi bất ngờ nhớ tới tấm thân mỹ miều của Anne. Tôi suýt gọi nhầm Emila là Anne và thấy nhan sắc nàng chập chờn trong trí óc tôi. Lúc tự cởi y phục, lòng cứ hỏi lòng: phải chăng tôi không hẳn yêu Emila mà chỉ ham thích cái nữ tính của cô?
Một buổi sáng, tôi nói thật với Emila, tôi cảm thấy có lỗi. Tôi kể rõ tình cảm của tôi dành cho Anne. Không ngờ Emila cười xòa. Tiếng cười của cô thoải mái và vô tư làm sao! Rồi cô trấn an tôi. Cô cho rằng đó chỉ là những phản ứng mang tính sinh vật, chẳng có vấn đề đạo đức gì ở đó cả. Ra vẻ hiểu biết, cô bảo, mọi thú vật khi để tâm ngắm nghía thú vật đồng loại khác giống đều có phản ứng như thế. Cô còn cho rằng đó không phải là tình yêu, mà chỉ là sự ham muốn nhất thời.
Tôi suýt phản đối Emila vì cô phủ nhận tình yêu đầu đời tôi dành cho Anne; nhưng tôi biết điều ấy chẳng ích lợi gì, nên chỉ cười trừ.
Càng sống gần cô và bộ tộc cô, tôi càng thấy họ vô cùng hạnh phúc. Họ ôm choàng nhau sung sướng khi quây quần bên nhau. Họ cầm tay nhau nhảy múa hào sảng khi trông thấy trăng sáng về đêm. Họ chăm sóc nhau khi đau ốm. Họ mừng vui khi sinh đẻ an toàn. Gương mặt họ rạng ngời khi trông thấy vầng dương rực rỡ sau chuỗi ngày âm u.
Tôi biết họ không hề để ý xem ai trữ kê và ngô nhiều hơn ai; họ cũng không lưu tâm xem ai thù ghét ai. Dê bắt được họ đem chia cho nhiều gia đình cùng ăn. Họ có một giàn vật dụng xếp nối tiếp nhau ngay trước sân, nối từ lều này sang lều khác. Ở đó, nào dao rựa, búa kềm, nào bút mực, giấy má, nào trống, chiêng, tù và… Ai thích gì cứ lấy mà dùng.
Họ khác xa so với những người tôi từng gặp trong các xứ sở “văn minh”. Không hề có ông Henri vừa cố chấp vừa hung dữ, từng làm “sư tử đầu đàng” nhưng khiến nhiều thành viên điêu đứng. Không hề có bọn cướp của giết người vô cùng ác độc như tôi gặp tại Lamu. Không có những kẻ lật lọng như bọn cảnh sát Anh ở thành phố Mombasa. Không hề có hủ tục cắt xẻo âm vật dã man phi nhân tính như ở thành phố Mogadishu. Cũng không có những kẻ ngoi đầu lên nhờ ba tấc lưỡi với lòng dạ xấu xa, thâm độc như Mussolini và Hitler. Không hề có những kẻ tuôn ra hằng đống chữ nghĩa nhưng vô tình hoặc cố ý đẩy xã hội đến chỗ vô luân – như Marr tại Vienna, như de Gobineau tại Pháp, như Dühring và Nietzsche tại Đức.
Ở đây không hề có nạn bắt bớ, giam cầm và tàn sát nhau như tôi từng chứng kiến tại Somaliland thuộc Ý, hoặc tại Pháp và Hà Lan. Không hề có “mối thâm thù” giữa người Đức với người Pháp do Hitler đầy hoang tưởng dựng lên, đẩy hằng triệu thanh niên lao vào cuộc chiến phi nghĩa – họ không hề thù oán nhau mà phải ôm súng bắn nhau. Không hề có tình trạng dùng vũ lực cướp nước rồi bỏ dân bản địa chết đói như tôi từng chứng kiến đối với bọn Đức Quốc Xã tại Hà Lan và bọn Phát xít Nhật tại Việt Nam.
Trong những ngày ở cạnh Emila, dù bị mê hoặc bởi sức hấp dẫn của ái tình, sống chan hòa với những người hiền lương và lắm lúc thênh thang trải lòng đón nhận vẻ kỳ vĩ của núi rừng bạt ngàn, lòng tôi không ngớt nghĩ tới bộ tộc tôi. Tôi nhớ Pat, nhớ Min, nhớ con bé Mid và những mảnh vườn hoa thơm trái ngọt cùng tiếng suối róc rách suốt ngày đêm nơi tôi lớn lên trong những năm tháng đầu đời.
Tôi mong ước quay về hôn lên mảnh đất của bộ tộc tôi!
Chương 49
Bên ngoài trời bắt đầu nổi giông. Vài tia chớp lóe lên rồi tắt. Tiếng sấm ùng oàng. Duyên dáng trong y phục truyền thống, Imani khẽ bước vào phòng Blaise, bất ngờ hỏi chồng:
– Tại sao cuối cùng Po Martin chẳng đề cập gì tới chuyện anh ta có về tới bộ tộc của mình hay không vậy, ông xã?
Blaise ngồi dậy, trố mắt lên. Với vẻ mặt ngộ nghĩnh, anh nói như diễn kịch:
– Ai cho phép cô vào phòng tôi, lén lút đọc thứ nọ thứ kia? Chính tay cô cầm bút viết từng chữ khi Marie dịch ra, vậy mà quên nội dung cả rồi sao?
Imani bật cười, đến sát bên chồng:
– Dạo đó em cứ hí hoáy viết, chẳng mấy quan tâm tới nội dung.
Blaise cầm tay vợ, hơi nhếch mép:
– Thế… em đọc lại rồi chứ?
– Ba lần rồi! Nhưng em thắc mắc không biết hiện giờ cuộc đời thật của ông Po Martin ra sao – nắm tay chồng, cô hỏi. À, anh ơi! Anh kiếm đâu ra bản gốc tập hồi ký quái lạ ấy?
Imani vừa vân vê chiếc cúc áo pyjama của chồng, vừa đáp:
– Kiến thức uyên bác; nhận định của ông ta rất sâu sắc. Em thích nhất là tư tưởng nhân văn, lối sống gần gũi thiên nhiên, lánh xa mọi nỗi ưu phiền ở đời.
– Anh cũng nghĩ vậy – Blaise thân mật nói. Anh thấy tư tưởng của Po Martin thật nhân ái… À, có chuyện này anh muốn bàn với em.
– Chuyện gì anh? – Imani tròn mắt.
– Anh định cho Matthew du học ở Mỹ. Ý em sao?
Imani buông tay chồng ra, tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Thằng Michael học ở Pháp; giờ lại đưa cả em nó đi thì gia đình mình vắng lắm!
– Michael đi vì tương lai của nó; còn Matthew đi vì sự an toàn. Anh thấy tình hình ở đây phức tạp quá, rất lo cho con.
– Thôi được. Để em suy nghĩ đã…
Đúng 12 giờ khuya. Y hẹn, chuông điện thoại reng lên. Vì Blaise đã khéo dùng hệ thống hãm thanh gắn vào trước đó, nên tiếng chuông nghe cũng không lớn lắm. Người ở đầu dây bên kia nói bằng tiếng Anh:
– Anh nghĩ ra cách hành động chưa?
Blaise nói, giọng thì thào:
– Ông ạ, vấn đề ở đây không phải là cách thức như thế nào, mà là quyết định ấy liệu đã chín chắn chưa.
– Chần chừ chi cho mệt xác! Xưa nay anh quyết đoán lắm mà.
– Tôi cho rằng ra tay như vậy thật quá đáng!
– Tôi chưa hiểu ý anh.
– Nói thẳng ra, tôi thấy hắn là người có chính nghĩa. Hắn không đáng phải bị như thế.
– Anh muốn chống lệnh phải không?
Blaise ngập ngừng một lát, rồi nói:
– Ông nên nhớ tôi là người có lương tâm. Cấp trên giao cho tôi việc gì thì nên quan tâm tới nguyên tắc sống của tôi chứ.
– Thôi được, đơn giản thế này: Anh hãy sai người đưa kem đánh răng do tôi chuyển đến vào phòng riêng của hắn hoặc bí mật thoa lên bàn chải răng của hắn. Chỉ vậy thôi, được chứ?
Có vẻ như Blaise đang nổi cáu nhưng cố sức kiềm chế:
– Tôi cho rằng giết người kiểu đó hèn mọn lắm.
– Hừ! Anh hãy ở yên đấy với những nguyên tắc sống của anh đi! Chào anh!
Sau câu nói đầy vẻ đe dọa ấy, phía đầu dây bên kia gác điện thoại.
Blaise suốt đêm đó không sao chợp mắt được. Anh châm thuốc hút liên miên. Căn phòng gần như ngập khói.
Đêm hôm sau, gã có mật danh A9 kia thông báo cho Blaise biết: Nếu anh không hành động theo mệnh lệnh, anh sẽ bị sa thải, đồng thời phải hoàn trả 50% chi phí do dự án Sanchez bị phá sản. Ngoài ra, nếu rò rỉ thông tin ra bên ngoài, anh sẽ bị trừng trị.
Quyết định quái ác ấy khiến Blaise mất ăn mất ngủ. Anh hơi bối rối, vì nếu phải bỏ ra một khoản tiền bồi thường quá lớn như vậy hóa ra hằng chục năm qua anh làm việc cho người ta cũng bằng không. Còn ra tay giết thủ tướng Lumumba thì anh không nỡ. Hình như tư tưởng nhân ái của Po Martin trong tập hồi ký kia đã ngấm ngầm ảnh hưởng tới anh rất sâu sắc.
Đêm tiếp theo, Blaise quyết định nhấc điện thoại lên; anh nói:
– A9! Tôi dứt khoát rồi.
– O.K! Anh quyết định như vậy thật sáng suốt!
– Không phải! Tôi muốn nói: tôi đồng ý bồi thường và không còn dây dưa gì với các ông nữa.
– Ồ, được thôi. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên đấy. Số tiền bồi thường tương đương với cả một đời cật lực.
– Mặc tôi. Ông cứ báo với cấp trên y như vậy.
Tân giám đốc Xưởng dệt may Léopoldville là một người đàn ông trán cao vút, lưng thẳng đuột, hay mặc quần ka-ki, áo pun bỏ ngoài quần. Gã kém Blaise Sanchez chừng ba bốn tuổi gì đó nhưng rất đạo mạo. Gã xem các xưởng dệt may là nơi tiếp xúc thường xuyên với một số nhân viên mật của gã đồng thời có thêm một khoản thu nhập, trong khi nơi làm việc chính thức của gã là Đại sứ quán Mỹ nằm ở đường Léopold, trục giao thông chính của thủ đô.
Gã tên là L.D, được giao trọng trách trưởng trạm CIA tại Công Gô, thay thế vị trí của Blaise. Nhưng lẽ dĩ nhiên, điều ấy không mấy ai được biết. Ngay các nhân viên đại sứ quán cũng sẽ trố mắt kinh ngạc nếu bỗng dưng phát hiện ra bí mật ấy.
L.D. chậm rãi bước vào căn phòng mà Blaise gắn bó nhiều năm qua. Đầu tiên gã thấy rất khoái mùi thuốc lá thơm thơm. Rồi gã mê luôn màu drap trải giường và cặp gối. Gã cũng thích chiếc đồng hồ treo tường và mấy cuốn sách mà ai đó đã trưng sẵn trên kệ.
Đêm đến, L.D. ngủ hẳn tại căn phòng ấy. Đúng mười hai giờ khuya, gã quây số để gọi cho một ai đó. Khi đầu dây bên kia đã có người thưa, gã nói:
– AF03 đây! Tôi không biết ông nghe rõ không?
– O.K. Âm thanh tốt mà.
– Tôi đã liên lạc với C08 rồi. Hắn hợp tác rất tốt! Quả thật như ông nói, hắn là người Công Gô khôn khéo nhất mà tôi biết.
– Vậy tốt rồi. Ngoài ra, hãy lưu ý: Lệnh từ trung ương là nhớ cho nhân viên theo dõi hành tung của 09AF. Nếu có dấu hiệu gã tiết lộ bất cứ bí mật nào của chúng ta thì tức khắc báo ngay cho tôi.
– Vâng, cảm ơn ông.
L.D. gác máy.
Nhưng ngay tức thì, gã để mắt tới tập tài liệu chép tay bằng tiếng Pháp mà ai đó đặt sẵn nơi đầu giường, gần cây đèn ngủ có loa chụp màu tím nhạt.
Gã lật ra xem thử. Gã vô tình bị cuốn hút ngay bởi lối hành văn mạch lạc và những phát hiện kỳ lạ tuy có chút ngây ngô của Po Martin. Với chứng mất ngủ cố hữu, gã say mê đọc liền tù tì trong suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Suốt ngày hôm sau gã lại ôm tập hồi ký ấy đọc tiếp. Gã liên tục dán mắt vào đấy. Với vốn tiếng Pháp phong phú, gã gần như bị thôi miên bởi những ý tưởng hiền lương, những phát hiện sâu sắc về cách sống và tư tưởng yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh.
Gã chăm chú đọc mấy dòng nơi trang cuối, những dòng chữ mà ai đó đã dùng bút chì gạch dưới rất đậm nét:
Vậy đó, lắm lúc chỉ vì suy nghĩ khác nhau mà người ta đối xử với nhau thật tệ hại; họ sinh ra hiềm khích nhau, ẩu đả nhau, thậm chí giết hại nhau một cách dã man. Do đó, có thể nói, trong lịch sử loài homo sapiens, sự hợp nhất của những cái dị biệt được kiến tạo một cách cởi mở, thân thiện, cũng như sự chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt chính là nền móng của sự sinh tồn và phát triển vậy.
Bạn có bao giờ mong muốn ai đó đối xử dã man với bạn không? Đương nhiên là không? Vậy thì, tôi mong bạn đừng bao giờ đối xử dã man với bất cứ ai. Những kẻ manh tâm hành động dã man không xứng đáng là người đâu. Họ là ác quỷ đấy!
Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời, gã suy nghĩ lung lắm. Mấy gương mặt trắng bệch, máu me đầm đìa hoặc tím ngắt vì nhiễm độc của những nạn nhân đã từng chết dưới tay gã cứ hiện ra trong giấc ngủ chập chờn của gã.
Đêm hôm sau, chuông điện thoại vang lên. Lịch sử lặp lại một cách khó tin. Người ở đầu dây bên kia hỏi:
– Anh nghĩ ra cách hành động chưa?
L.D. nói, giọng thì thào:
– Ông ạ, vấn đề ở đây không phải là cách thức như thế nào, mà là quyết định ấy liệu đã chín chắn chưa.
– Chần chừ chi cho mệt xác! Xưa nay anh quyết đoán lắm mà.
– Tôi cho rằng ra tay như vậy thật quá đáng!
– Tôi chưa hiểu ý anh.
– Nói thẳng ra, tôi thấy hắn là người có chính nghĩa. Hắn không đáng phải bị như thế.
– Anh muốn chống lệnh phải không?
L.D. ngập ngừng một lát, rồi nói:
– Ông nên nhớ tôi là người có lương tâm. Cấp trên giao cho tôi việc gì thì nên quan tâm tới nguyên tắc sống của tôi chứ.
– Thôi được, đơn giản thế này: Anh hãy sai người đưa kem đánh răng do tôi chuyển đến vào phòng riêng của hắn hoặc bí mật thoa lên bàn chải răng của hắn. Chỉ vậy thôi, được chứ?
Có vẻ như L.D. đang nổi cáu nhưng cố sức kiềm chế:
– Tôi cho rằng giết người kiểu đó hèn mọn lắm.
– Hừ! Anh hãy ở yên đấy với những nguyên tắc sống của anh đi! Chào anh!
Sau câu nói đầy vẻ đe dọa ấy, phía đầu dây bên kia gác điện thoại.
L.D. nằm thao thức hai đêm liền rồi bất thần gọi điện cho A9. Gã bảo, gã đang cân nhắc; gã dự định sẽ không trực tiếp ra tay, nhưng sẽ tìm ra phương án khác hay hơn.
Đầu tiên, gã ra sức tìm hiểu đường lối chính trị của Lumumba để tự xác định hướng đi.
Gã biết Lumumba đang được nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa tin tưởng. Nào Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức, Ghana, Guinée, Việt Nam và cả Trung Hoa nữa. Nhưng đó không phải là bằng chứng để quy kết hắn theo cộng sản. Trong một buổi trò chuyện, L.D. và đại sứ Clare Timberlake, “loa phát thanh” tại cơ quan gã đi đến kết luận: Patrice Lumumba tuy không phải là cộng sản, nhưng đang bị Liên Xô và KGB giựt dây.
Gã quyết định sẽ không giết nhưng nhất quyết loại bỏ Lumumba khỏi chính trường. Gã bí mật gặp các “thủ lĩnh chính trị” có tư tưởng chống đối thủ tướng Công Gô. Nào Albert Kalonji – chủ tịch MNC-K kiêm thủ lĩnh nhóm Balubas ở Nam Kasai. Nào Soumialot, gã thư ký được tín nhiệm tại phủ thủ tướng. Nào Justin Bomboko – Bộ trưởng Bộ ngoại giao Công Gô, tay chân của gã. Gã xác định những tay ấy có thể trở thành con bài của gã khi cần.
L.D. tìm cách gặp tổng thống Kasavubu để thăm dò “tư tưởng” ông ta. Qua điện thoại, ông ta hẹn gã tới dinh tổng thống lúc 17 giờ 30, khi tan họp.
Lúc gã đến, hội trường vắng ngắt. Có lẽ buổi họp đã kết thúc từ lâu. Tay thư ký bảo gã chờ một lát ngay tại đó.
Bỗng một người lạ mặt mang quân hàm đại tá cùng hai binh sĩ bước vào. Tay đại tá hất hàm bảo hai cận vệ ra ngoài, đoạn lân la đến cạnh gã. Hắn bắt tay ra vẻ muốn làm quen.
L.D. đoán hắn là đại tá Mobutu – tham mưu trưởng quân đội.
– Thưa ngài – tay đại tá nói, giọng khàn khàn. Từ lâu tôi rất muốn thưa chuyện với ngài. Tôi đã chán ngấy ba cái trò chính trị lắm rồi! Đó không phải là cách làm cho Công Gô mạnh lên. Rồi chẳng mấy chốc Liên Xô sẽ chiếm trọn mảnh đất này. Ngài biết không, họ đã tới tận trại Kokolo mở lớp dạy chủ nghĩa Marx và phát tài liệu tuyên truyền cho binh lính. Tôi báo cho ông Lumumba về chuyện đó, nhưng ông ta tỏ ra chẳng hài lòng về tôi. Ngài nghĩ coi, đất nước này bám đít Liên Xô thì tương lai sẽ đi về đâu?
L.D. chưa tin tưởng gì hắn. Nhìn vẻ mặt trơ tráo lạ lẫm và ánh mắt láo liên của hắn, gã chưa vội mở lời. Tên đại tá nói tiếp:
– Tôi đã chiêu mộ được các vị chỉ huy quân sự. Chúng tôi sẵn sàng lật đổ Lumumba, lập ra một chính phủ dân sự. Ngài ủng hộ chúng tôi chứ?
Trong lúc L.D. chưa trả lời câu hỏi ấy thì Justin Bomboko hăm hở bước vào. Y là kẻ được L.D. tin tưởng. Sau khi bắt tay vồn vã, y nhét vào tay trùm CIA một mảnh giấy.
Vẻ mặt vẫn lầm lầm lì lì, L.D. mở ra đọc:
HELP HIM, PLEASE, SIR.
Hướng mặt về phía vị đại tá, gã nhếch mép:
– Nếu cậu thiết tha với việc ấy, Mỹ ủng hộ.
Như mở cờ trong bụng, Mobutu reo lên:
– Ngài hứa rồi đấy nhé! Tôi chỉ cần năm nghìn đô cho tụi đàn em. Bởi vì nếu đảo chính bất thành, tụi nó thất nghiệp hết.
– O.K. Mai cậu sẽ có khoản đó.
Sau câu nói, L.D. ngẩng đầu lên tỏ vẻ lóng ngóng. Biết ý, Bomboko vội nói, thái độ hơi khúm núm:
– Ồ, ngài tổng thống đã bước sang phòng nghỉ rồi. Đành hẹn ngài lúc khác. Thành thật xin lỗi ngài! Xin lỗi ngài ạ.
Allen Dulles, giám đốc CIA nghiên cứu kỹ bản tường trình của L.D. trong hai ngày. Ông lấy làm lạ không hiểu sao L.D. vội đề xuất giao việc ấy vào tay Mobutu trong khi trước đó, Billy Smith đã tiếp xúc với hắn và thấy hắn chẳng đáng tin.
Sau một hồi cân nhắc, chẳng có lựa chọn nào khác, ông phúc đáp gọn lỏn:
Well, I believe you.
Đằng sau câu nói đó, ý ông là nếu công việc êm xuôi, L.D. thật đáng tin tưởng. Nhưng nếu mọi chuyện hỏng bét, gã sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Tại nhà vị bộ trưởng ngoại giao, chủ và khách ngồi đối diện, chúi mũi vào bàn cờ vua.
– Chiếu! – Mobutu la lớn.
Bomboko tỏ ra lúng túng.
Khách cười hô hố:
– Ồ! Tôi thắng nữa rồi! Hôm nay anh sao vậy?
Bomboko cười nụ:
– Ván hồi nãy cậu tấn công lúc tớ chẳng đề phòng. Ván này cậu giương đông kích tây để lừa đối phương. Thắng như cậu chẳng vẻ vang gì!
– Nhưng điều quan trọng là tôi đã thắng!
– Thôi, dẹp! Tớ không chơi nữa. Tớ đang bị phân tâm.
– Anh lo lắng chuyện gì?
– Lo gì đâu! Nhưng tớ không hiểu cậu mang tới thứ quái gì trong cái hộp con con hồi nãy.
Mobutu tỏ ra hơi ngần ngại. Hắn nói:
– Anh sốt ruột muốn xem à? O.K, để tôi mở cho.
Bomboko trông thấy viên kim cương trong suốt lấp lánh màu hồng vô cùng xinh đẹp hiện ra trước mắt y. Y thầm đoán ít ra nó cũng có giá từ 30 tới 40 nghìn francs. Mắt sáng rỡ, người y như muốn nhảy cẫng lên.
– Tớ rất mừng! – y nói như reo. Sắp sinh nhật vợ mà tớ không biết mua gì. Đúng là cậu đi guốc trong bụng tớ rồi. Cậu thật tuyệt!
***
Chán ngán thời cuộc, trung sĩ Awax – em ruột thiếu tướng Victor Lundula – xin nghỉ phép bốn hôm. Anh lấy lý do mẹ ốm, xin về quê. Mà anh đeo ba lô, về quê thật. Anh về tận làng Onalua. Đó là một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Kasai.
Mẹ anh nhỏ thó, lưng còng, tóc bạc. Bà hay lui tới nhà bà Julienne, còn chồng bà chơi thân với ông François; do vậy, giữa nhà anh và gia đình thủ tướng Patrice Lumumba từ lâu đã có mối thâm tình.
Lúc anh sắp sửa quay lại Léopoldville thì bà Julienne đòi đi theo. Đây quả là điều khó xử cho anh. Anh không có phương tiện liên lạc gì để hỏi xem liệu thủ tướng có đồng ý như vậy không. Nhưng quá lâu rồi bà Julienne chưa được gặp con trai. Bà rất nhớ Patrice. Awax liền bàn với ông François thuê xe ô tô đưa bà đi.
Hôm ấy nhằm ngày 15 tháng Chín 1960. Khi chiếc ô tô mang biển số tỉnh Kasai tới gần tòa nhà phủ thủ tướng thì đường kẹt cứng. Anh xuống xe, hỏi thì mới biết mặc dù quốc hội đã họp lại vào ngày 13 tháng Chín vừa qua – họ đã thống nhất bầu lại anh Lumumba làm thủ tướng – nhưng hôm qua, 14 tháng Chín, đã xảy ra vụ đảo chính. Ông Mobutu đã ngang nhiên lật đổ chính phủ. Thủ tướng lẫn tổng thống đều đang bị quản thúc. Như vậy, quyền điều hành đất nước hiện nay có nguy cơ lọt vào tay đại tá thân Mỹ Mobutu.
Bao lấy phủ thủ tướng là một trung đội lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc do ông Rajeshwar Dayal điều đến. Họ muốn bảo đảm tính mạng cho thủ tướng. Vòng vây rộng lớn bên ngoài là lực lượng nổi dậy của ông Mobutu, những người đang muốn phá cổng, vào sâu bên trong để tìm bắt ông Lumumba.
– Thưa bác, ở thủ đô xe cộ và người ngợm đông quá nên hay bị kẹt đường. Hay là bác tạm sang nhà cháu, chờ lúc thư thả chúng ta sẽ quay lại đây bác nhỉ?
Bà Julienne gật đầu. Awax liền hướng dẫn cho xe quay trở lại nhà anh. Đoạn anh dìu bà xuống, trả tiền ô tô rồi bảo người tài xế quay về Onalua, thưa với ông François là bà đã tới nơi.
Awax chăm sóc thân mẫu anh Lumumba tại nhà trọ của mình. Sáng hôm sau, hai vòng vây phủ thủ tướng vẫn duy trì y như cũ. Bà Julienne lấy làm lạ sao ở thủ đô “kẹt đường” hoài vậy. Bà hỏi Awax. Anh đánh liều trả lời anh có gọi điện rồi, bên phủ thủ tướng cho hay anh Patrice đang rất bận, anh ấy chưa thu xếp thời gian tiếp bà được.
Đến chiều, Awax tiếp tục đối mặt với câu hỏi của bà Julienne. Trông gương mặt khắc khoải của bà, anh rất thương. Nhưng anh chẳng biết phải làm sao.
Cuối cùng, anh sang nhà thiếu tướng Victor, sử dụng chiếc điện thoại bên ấy.
– A-lô! Tôi nghe đây – phía đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc của thủ tướng.
– Hai hôm nay em rất lo. Anh có sao không? – Awax thưa, giọng đầy xúc động.
– Anh không sao.
– Em không ngờ mọi chuyện đâm ra như thế. Tụi em thật có lỗi với anh.
– Lỗi hoàn toàn ở tôi, Awax ạ. Vì lo lắng và bận rộn cùng một lúc quá nhiều việc, tôi đã mất cảnh giác.
– Xin thủ tướng hãy hết sức cẩn thận.
– Cảm ơn em.
Awax quay về nhà, cố trấn an bà. Nhưng bà Julienne hết sức hoang mang. Bà không thể tin rằng tại sao con trai bà bận đến nỗi không thể tiếp bà.
Rồi bà gục đầu xuống mép bàn, đôi vai gầy run lên. Bà khóc.
Sáng hôm sau, vừa thức giấc bà đã nghe nhiều âm thanh huyên náo ở bên ngoài. Mở cửa sổ, bà trông thấy vô số thường dân nắm tay nhau dang thành hàng ngang, hết hàng nọ tới hàng kia, hiên ngang đi giữa phố.
Bà nghe người ta hô vang các câu khẩu hiệu bằng tiếng Pháp:
– Nous soutenons Le Premier Ministre Patrice Lumumba!
– Vive Le Mouvement National Congolais!
Với vẻ lo lắng vì không biết chuyện gì, bà hỏi Awax. Anh trung sĩ vui vẻ đáp:
– Dạ, dân chúng biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với anh Patrice đó bác.
Ngay trưa hôm ấy, dưới áp lực mạnh mẽ của đoàn biểu tình càng lúc càng đông, vòng vây của quân nổi dậy quanh phủ thủ tướng chính thức giải tán.
Awax đưa bà đến tận nơi. Phải đi qua đám đông của lực lượng gìn giữ hòa bình, rồi qua sự kiểm soát của đội cận vệ và vô số hành lang rộng, bà mới tìm tới được phòng riêng của con.
Patrice hé cửa ra. Bà sung sướng ôm chầm lấy anh.
– Con thật vất vả! – bà nói, giọng run run. Con lo việc nước nhiều quá. Mẹ thấy con gầy đi.
Rồi bà ôm con khóc. Patrice cũng không sao cầm được nước mắt khi gặp lại mẹ sau nhiều tháng xa cách.
Công Gô đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Từ các giới chức đến thường dân, ai nấy ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Nạn cướp bóc nổi lên khắp nơi. Tình trạng say rượu, say bia, ẩu đả và phạm pháp chẳng ai giải quyết.
Trước tòa nhà phủ thủ tướng, người ta không ngớt bàn tán về vai trò của anh Lumumba. Nhiều người vẫn đặt hết niềm tin nơi anh, nên họ tỏ ra rất lo lắng. Trên một số trang báo, chẳng hiểu sao những bài thơ của thủ tướng vẫn được đăng tải ở những vị trí rất trang trọng.
Sau khi đi thăm anh Victor vừa mới được thả ra, Awax đi đến quán cà phê lụp xụp trước mặt phủ thủ tướng. Anh thích ngồi nhâm nhi ly cà phê với điếu thuốc trên tay. Thỉnh thoảng anh đọc thơ và những bài xã luận trên các trang báo. Hôm nay, những câu cuối trong bài thơ Khóc đi hỡi người anh em yêu dấu (Pleure, O Noir Frère bien-aimé) của Patrice Lumumba cứ hiện lên trong trí anh:
Rồi Mặt Trời rực rỡ trên bầu trời thủy tinh
Sẽ thiêu rụi nỗi buồn của chúng ta bằng những tia nắng ấm
Muôn tia sáng hiền hòa sẽ làm khô mãi
Bao dòng lệ bi thương của liệt tổ liệt tông
Bao anh hùng bất khuất trước đòn roi
Bao oan trái dưới bàn tay bạo ngược
Và trên Trái Đất yêu kiều dấu ái
Bạn sẽ tha hồ biến Công Gô thành hoa trái tự do
Trong trái tim yêu của châu Phi rộng mở!
Đột ngột ngày 24 tháng Mười Một 1960, những người đại diện cho Liên Hợp Quốc tại Công Gô đã bỏ phiếu công nhận các đại biểu mới thuộc phe Mobutu trong phiên họp Hội đồng Quốc hội Công Gô, bất chấp người được chỉ định lúc ban đầu là Patrice Lumumba.
Không khí phòng họp như bão nổi. Các phe phái kịch liệt mắng nhiếc nhau. Người ta suýt đánh nhau ngay tại hành lang.
Nhưng không hề chùn bước, Lumumba lên kế hoạch thành lập một chính phủ mới cùng phó thủ tướng Antoine Gizenga tại Stanleyville và trực tiếp lãnh đạo một chiến dịch giành lại quyền lực. Ba ngày sau, vào một đêm sấm chớp liên hồi, dưới sự hộ tống của thiếu tướng Victor Lundula và các tiểu đội cận vệ, anh bí mật rời khỏi Léopoldville, sang Stanleyville. Người dân Công Gô khắp nơi vẫn nuôi hy vọng anh sẽ chiến thắng trong cuộc đối đầu khốc liệt với tên đại tá thân Mỹ và những kẻ chống đối anh.
Trước khi anh đi, phu nhân Pauline cầm tay anh, rưng rưng nước mắt:
– Em thấy tình hình vô cùng căng thẳng. Đủ thứ cạm bẫy đang giăng ra trước mắt anh. Anh nhớ cẩn thận tối đa và luôn đề cao cảnh giác đó.
– Anh sẽ rất thận trọng. Phần em và các con, anh đã giao trách nhiệm cho mấy anh em đồng hương rồi. Họ sắp xếp thế nào, em thực hiện y nấy!
Nói xong, anh ôm vợ. Anh khẽ hôn lên trán chị, rồi lần lượt ôm hôn các con, từng đứa một; sau đó, anh khoác vội áo mưa, bước ra xe.
Pauline đứng thảng thốt ở thềm cửa. Chị định nói với anh: “Anh luôn khẳng định, hễ có chính nghĩa và được nhân dân ủng hộ thì mình sẽ chiến thắng; nhưng trước những tham vọng cá nhân của bọn cáo già chính trị, kẻ thân Mỹ, người thân Bỉ, liệu chính nghĩa của chúng ta có thắng được bọn họ không? Em lo lắm! Em lo lắm, ông xã ơi.”
Chị nghĩ thế nhưng không dám nói ra. Chị sợ nỗi lo âu của chị khiến chồng giảm sút niềm tin hoặc trở nên yếu đuối.
Mười phút sau, y hẹn, hai chiếc ô tô do trung sĩ Awax và một người thân tín bí mật trờ tới. Trong lúc trời mưa tầm tã, cuồng phong nổi dậy tứ bề, hai vị sĩ quan phụ giúp phu nhân đưa hết hành lý và bốn đứa trẻ ra xe.
Hai chiếc xe lần lượt rồ máy, phóng nhanh lên hướng bắc.
Chương 50
Khoảng chín giờ tối, tại phòng riêng của L.D., chuông điện thoại reng lên.
– A lô?
– Dạ thưa ngài, tôi là A11.
– Gì đó?
– Tôi định hỏi về chủ trương của ngài đối với Lumumba.
– Chưa có gì mới cả. Nhưng tôi nói cho ông rõ: Lumumba không phải là Hitler, ông hiểu chưa?
– Dạ, tôi hiểu.
– Tôi cũng không hề yêu cầu ông lật đổ tổng thống và giam lỏng ông ta. Ông đừng làm càn!
– Dạ dạ, tôi hiểu rồi.
L.D. đặt điện thoại xuống, mặt nhăn nhó, bực bội.
Bỗng chuông điện thoại lại reng lên.
– A lô? – L.D. hỏi, giọng hơi gắt.
– A9 đây! – phía bên kia đáp. A9 là mật danh của một gã CIA tên là Joe, chuyên viên chuyển tiếp mệnh lệnh có khả năng phát hiện mọi cuộc nghe lén. Dường như hắn ở tận Paris thì phải.
– Có gì ông nói đi!
– Có lệnh khẩn cấp: phải thanh toán ngay mục tiêu 02.
– Quái! Ông hãy nói rõ: đó là lệnh của ai!
– Đó là lệnh của cấp phó – hắn muốn ám chỉ ông Dick Bissell, phó giám đốc kế hoạch.
– Ông hãy xác định xem mệnh lệnh đó có phải đến từ một cấp nào cao hơn không?
– Vâng, cấp phó nhận lệnh trực tiếp từ ngài A1, anh ạ – trong câu này, A1 ám chỉ tổng thống Eisenhower.
– Tôi thấy nguồn tin này không có gì chắc chắn cả. Ông hỏi lại thật kỹ rồi báo tôi.
– Vâng, chào anh.
Chỉ chờ có thế, L.D. úp điện thoại, ngủ tiếp.
Sáng sớm thức dậy, trên tờ báo địa phương, người ta đăng tải đủ thứ tin giựt gân; nhưng dường như L.D. chẳng quan tâm nhiều như trước.
Bất ngờ, đập vào mắt gã là một vẻ đẹp quyến rũ. Tên cô ấy là Rosa Margaret Enpad. Ảnh đăng trên trang nhì tờ nhật trình. Ai đó đưa tin: cô ta vừa nhận được huân chương đế chế Anh. Cô đang làm lãnh sự của Anh tại Léopoldville. Gương mặt khả ái, ánh mắt trong sáng và cách đội mũ bia-rê nghiêng nghiêng lệch lệch của cô khiến gã rất ái mộ.
Gã không hề biết rằng đúng thời khắc đó, Rosa với ánh mắt sắc sảo, dáng dấp xinh xắn đang phóng ô tô về phía làng ngoại ô Osake, càng lúc càng xáp gần về phía tòa nhà gã ở. Nhưng bỗng nhiên xe rẽ phải, chầm chậm đi vào con đường lát sỏi. Đến trước cửa phòng làm việc của bà giám đốc Công ty Victor, cô thắng xe, bước xuống.
Bà Kangelu Congo tiếp cô với vẻ mặt nghiêm nghị. Đến cuối câu chuyện, Rosa lôi từ trong ví ra một khẩu súng Colt. Đó là loại súng hãm thanh, gọn nhẹ, bóng đẹp. Rosa nói cô tặng bà Congo “của quý” ấy để bà thi hành nhiệm vụ.
Rồi cô đứng dậy chào, lập tức ra về.
Bà Congo khép cửa phòng, ngồi đăm chiêu suốt nửa tiếng đồng hồ. Nói đúng ra, cả ngày hôm đó gần như bà không làm được việc gì. Tâm trí bà gần như hoàn toàn tê liệt bởi mệnh lệnh bất ngờ của Rosa.
Khước từ hợp tác với MI-6 ư? Hoàn toàn không thể được! Mấy năm nay cả bà lẫn Maxime Peeters đều ăn lương của họ cả rồi. Nhưng nếu răm rắp thi hành mật lệnh của cơ quan tình báo ấy thì bà không nỡ. Tư cách, thái độ, kiến thức cũng như lòng nhiệt thành của Lumumba dành cho đất nước Công Gô thì bà có lạ gì đâu.
Đến tối, bà Congo vẫn tiếp tục mang tâm trạng như thế. Maxime hỏi, bà thú thật là mình đang vô cùng bối rối. Rồi bà đem toàn bộ câu chuyện và mệnh lệnh của Rosa – sĩ quan tình báo cao cấp của MI-6 – nói cả cho chồng nghe.
Tâm trí Peeters cũng rối bời. Y bước tới bước lui, chặc lưỡi liên miên. Cuối cùng y phân tích rằng lâu nay đối với Lumumba, y thường tìm cách bênh vực tối đa. Song, mọi vốn liếng hai vợ chồng có được hiện nay xuất phát từ đồng lương của MI-6 chứ không phải từ chính phủ Công Gô. Chính vì vậy, y khuyên vợ nên tìm cách thi hành mệnh lệnh.
Thật ra, cả đêm hôm đó y không tài nào chợp mắt được. Ánh mắt trong sáng, chân thành, dáng dấp cao cao, đĩnh đạc, và những phát ngôn đáng nể của Patrice Lumumba cứ ám vào tâm trí y. Song, trước khi trời sáng, y thì thầm vào tai vợ, rằng nếu bà không dám ra tay, hãy mượn tay thằng cha Mobutu hám lợi kia cho đỡ áy náy.
Sáng ngày 1 tháng Mười Hai 1960, theo mệnh lệnh trực tiếp từ phó chỉ huy kế hoạch Dick Bissell, bất chấp thái độ lưỡng lự đến mức khó hiểu của ông L.D., với sự ủng hộ bí mật của Maxime Peeters và nhiều sĩ quan Bỉ, đại tá Mobutu trực tiếp chỉ huy một cuộc lùng sục hết sức gắt gao tại thị trấn Lodi.
Ở tả ngạn sông Sankuru, đội cận vệ của thủ tướng Patrice Lumumba đã không thể kháng cự nổi một lực lượng quân sự đông đảo trang bị khí giới tối tân hơn họ gấp nhiều lần. Người ta lôi cổ anh Patrice Lumumba cùng hai cộng sự đắc lực là Bộ trưởng Bộ quốc phòng Maurice Mpolo và Chủ tịch Quốc hội Joseph Okito lên xe. Người ta trói gô anh lại, ra sức đánh đập. Hôm sau, với gương mặt đầy thương tích, anh và hai đồng sự bị chuyển về thành phố Port Francqui, rồi bị ép lên phi cơ quay về thủ đô.
Hành động man rợ nói trên đã diễn ra kín đáo đến nỗi người dân thủ đô vẫn tưởng anh Lumumba còn bình yên đi vận động chính trị tại Stanleyville.
Nhưng tin truyền miệng lan nhanh, bí mật dần dần hé lộ. Mobutu buộc phải chính thức trả lời cho công chúng rằng thủ tướng Lumumba đã bị bắt. Trên đài phát thanh, y vu cáo thủ tướng có âm mưu kích động quân đội nổi dậy chống y và nhiều tội ác khác nữa.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lên tiếng yêu cầu tổng thống Kasavubu phải xử lý vụ việc theo đúng trình tự và thủ tục tố tụng.
Mấy ngày sau, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn. Lý do là vì Liên Xô yêu cầu Liên Hợp Quốc tìm cách giải cứu cho Lumumba ngay lập tức, đồng thời khôi phục chức vụ người đứng đầu chính phủ Công Gô cho anh. Liên Xô yêu cầu giải giáp quân đội của ông Mobutu và tổ chức di tản người Bỉ ra khỏi Công Gô. Họ cũng lên án và đòi ông Hammarskjöld từ chức, vì thực chất ông ta làm việc theo lệnh của Mỹ. Liên Xô cũng yêu cầu bắt giữ Joseph-Désiré Mobutu lẫn Moïse Tshombé, đồng thời thu hồi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Công Gô.
Song, thật đáng tiếc, nghị quyết bảo vệ quyền lợi chính trị hợp pháp cho Công Gô và Lumumba đã bị bỏ qua, vì chỉ đạt số phiếu 2/10.
Người dân Công Gô hoàn toàn không biết thủ tướng Lumumba bị giam giữ ở đâu. Một số nhân viên phủ thủ tướng bất mãn, bỏ việc. Khá đông binh sĩ chán nản, bỏ hàng ngũ. Các thành viên trung kiên của phong trào MNC-L liên tục tổ chức biểu tình quy mô lớn. Họ giương cao các câu biểu ngữ, đồng loạt hô vang:
– Hãy trả tự do cho thủ tướng Lumumba!
– Giam cầm thủ tướng Lumumba là phạm pháp!
– Chúng tôi ủng hộ thủ tướng Lumumba!
– Ủng hộ! Ủng hộ! Ủng hộ!
Mobutu lập tức trấn áp các cuộc biểu tình hợp pháp đó bằng cách ra lệnh binh sĩ bắt bớ, đánh đập những người cầm đầu một cách tàn nhẫn. Y sai thuộc hạ tăng cường sử dụng lựu đạn cay và hơi ngạt. Y thuê bọn du côn trà trộn vào hàng ngũ những người biểu tình và thẳng tay trừng trị họ bằng vũ lực. Y biến thủ đô Léopoldville thành hỏa ngục.
Linh tính có gì bất ổn, bà Julienne tìm xuống thành phố thủ đô thêm lần nữa với mong ước được gặp con trai, con dâu và các cháu. Nhưng Awax đành nói dối rằng thủ tướng đi công tác xa, chị Pauline đang đưa các cháu về quê ngoại. Ruột đau như cắt, bà ngậm ngùi ra về, lòng vô cùng hoang mang.
Vẫn ngấm ngầm giữ quan điểm chỉ loại trừ khỏi chính trường, không giết Lumumba, một buổi tối, L.D. gọi điện cho Mobutu. Gã hỏi, giọng mỉa mai:
– Chú mày nhận được Huân chương Danh dự rồi chứ?
– Xin lỗi, ngài nói gì tôi chưa hiểu? – Mobutu hơi lắp bắp.
– Ông giỏi thật! Chưa có lệnh tôi mà ông muốn bắt ai là bắt mà.
– Dạ dạ, xin ngài hiểu cho. Dù sao cũng đã có lệnh của ngài phó chỉ huy kế hoạch rồi mà.
– Ông liệu hồn đó! Giờ, nếu ông hoặc lính của ông đụng tới một sợi lông chân của ông Lumumba thì chết ngay với tôi!
– Dạ dạ, tôi hiểu – Mobutu đáp, giọng run rẩy.
Chờ đầu dây bên kia gác điện thoại, đại tá Mobutu ngồi thở dốc; trán nhễ nhại mồ hôi. Hắn không ngờ mọi chuyện đâm ra rắc rối thế. Hắn gọi điện ngay cho bọn cai quản trại giam, dặn họ không được đánh đập Patrice Lumumba nữa.
Sáng ra, hắn gấp rút hỏi ý kiến một số sĩ quan Bỉ và chính quyền Công Gô xem giờ nên xử trí thế nào đối với ông Lumumba.
Hôm đó ngày 13 tháng Một 1961. Lumumba và hai đồng sự của anh đang bị giam bí mật tại trại lính Hardy, ở Thysville, cách Léopoldville 150 km. Họ đã ở đấy suốt 41 ngày qua. Họ liên tục bị hành hung và gần như bị bỏ đói.
Nhưng với lệnh mới, đám binh lính ở đó bắt đầu tính tới chuyện lo thức ăn nước uống cho tù nhân. Họ lớn tiếng kình cãi nhau. Một vài binh sĩ bảo rằng ông Lumumba ở đấy thật là phiền phức. Khá đông hạ sĩ quan nói, lẽ ra phải thả anh ấy ra, anh ấy không có tội. Có người thậm chí còn nêu ra yêu sách phải có tiền thù lao thì mới chăm sóc tù nhân. Đám binh lính của ông Mobutu chia phe chia phái, xỉ vả nhau, gần như muốn làm loạn.
Đối phó với tình hình đó, Mobutu thuyết phục tổng thống Kasavubu, cùng ông Bomboko, bộ trưởng bộ ngoại giao và ông Bika, trưởng phòng an ninh cùng đến trại Hardy. Họ kêu gọi binh lính giữ kỷ cương. Họ bí mật bàn bạc, rồi cùng đưa ra giải pháp chuyển ba tù nhân sang Bang Katanga.
Đó quả là âm mưu vô cùng thâm độc. Từ lâu, họ thừa biết những người trong bộ máy lãnh đạo của Bang Katanga có mối thâm thù với Lumumba. Đã nhiều lần ông tỉnh trưởng tỉnh ấy – mà nay là tổng thống Moïse Tshombé – thề bán sống bán chết sẽ tìm cách triệt hạ Lumumba. Nay, nếu giao nộp Lumumba cho họ chẳng khác nào ném thịt tươi trước miệng hổ đói.
Nhưng Mobutu thở phào nhẹ nhõm. Hắn nghĩ như vậy kể từ nay hắn đỡ phải lo.
Trên các nẻo đường tại Léopoldville, người dân vẫn tụm năm tụm bảy bàn tán. Họ quay quắt không biết số phận của vị thủ tướng tha thiết nhất với nền độc lập Công Gô giờ ra sao.
Một hôm, trời bên ngoài mưa lất phất và gai gai rét. Trung sĩ Awax đang nằm nghỉ, chợt nghe tiếng ai gõ cửa. Mở cửa ra, anh trông thấy bà Julienne dìu chồng lễ mễ bước vào, mình mang tơi, đầu đội nón, tay ôm túi quần áo luộm thuộm. Anh khá ngạc nhiên bởi vì kể từ khi mắt bị mù, ông François chưa bao giờ dám bước chân ra khỏi nhà.
Vô cùng thương tâm, Awax vội lấy khăn lau cho hai ông bà. Rồi anh chỉ chỗ để họ thay đồ. Đoạn anh pha bình trà nóng, mời họ uống.
Hôm nay ông bà nhất quyết tìm gặp con. Ông François nói rằng quá lâu ông không sờ được vào người con. Bà Julienne vừa khóc vừa nói rằng bà rất nhớ Patrice. Awax ấp úng nói dối như hôm trước; nhưng lần này cả bà lẫn ông đều không tin.
Chờ tới tận chiều tối mà chưa gặp được con, họ cùng nhau lẻn ra đường. Bà đi trước; ông đi sau. Nối giữa ông bà là một chiếc gậy trúc cũ kỹ, nứt nẻ.
Bà Julienne vừa dắt chồng đi vừa dáo dác nhìn quanh. Đường sá ở đây tấp nập, ồn ào, không giống như ở quê, nên bà phải lò dò từng bước một. Đôi lúc, mấy chiếc ô tô bóp còi inh ỏi, bật đèn sáng lóa, phóng qua vun vút khiến ông bà giật thót cả người.
Cả hai cứ đi. Thỉnh thoảng, sấm chớp rung chuyển bầu trời. Rồi trời đổ mưa. Ông bà vẫn lầm lũi bước, với hy vọng tìm gặp con trai.
Chốc chốc, ông dí gậy xuống đường, ngước mặt lên hỏi:
– Bà liệu còn bao xa?
– Tôi nhớ rõ, lần trước đi theo hướng này thì gặp thằng Patrice, ông ạ.
– Vậy thì cứ đi.
– Vâng, ông cẩn thận đó.
Trong ánh điện đường mờ mờ tỏ tỏ, trời vẫn cứ mưa.
Trần Như Luận
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét