Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Mộng dưới hoa 1

Mộng dưới hoa 1

CHƯƠNG 1
Nhưng khi thấy cậu công tử con ông giám đốc thắng xe bước xuống, thì anh ta khựng lại, rồi rút lui ra cổng. Bốn chiếc xe phân khối lớn phóng ào qua cổng của công ty vải sợi Khánh Bình, chạy thẳng vào sân. Anh bảo vệ đứng phắt dậy định gọi lại, yêu cầu xuống xe.
Trong nhóm bốn người đó, có ba tên con trai và một tên...hơi giống con trai.
Nghĩa là một cô gái chính cống. Nhưng có phong cách của một cậu trai chịu chơi và phóng khoáng.
Cô ta chạy chiếc xe cồng kềnh không khác xe của ba tên con trai kia. Quần jean xăn dưới ống, áo sơ mi rộng và dài. Chiếc mũ lưởi trai bằng vải jean chụp lên mái tóc ngắn ngủn. Chỉ thoạt nhìn thì có thể nghĩ đó là một cậu trai dễ thương và nho nhã.
Cái cách cô ta dựng xe cũng mạnh bạo y như ba tên con trai kia. Có điều tay chân mảnh khảnh nên không được dứt khoát lắm. Khi xuống xe cô ta cũng nhanh nhẹn sánh vai mấy tên con trai đi vào cửa. vừa đi vừa nói cười thoải mái như vào chỗ không người.
Đến cửa, Tấn Bình đứng lại, nói như dặn:
– Tụi bây vô phòng khách chờ đi, xin xong là tao ra ngay.
Hoàng Nhi vỗ vai anh chàng một cái:
– Làm ơn nhanh nghe, lâu lầm là mười phút thôi, đừng có bắt bọn nầy thành đá vọng phu đó.
Tấn Bình hơi lúng túng:
– Có chờ cũng phải chịu chứ sao, xin tiền thì ít nhất cũng phải nói chuyện tình cảm cho nó thắm thiết, vậy xin mới nhiều chứ.
Hoàng Nhi nhún vai:
– Nói nghe thấy ớn, thôi đi nhanh đi.
Tấn Bình đi về phía cầu thang lên lầu. Chẳng mấy lúc biến mất trong một phòng nào đó.
Ba người còn lại ngồi xuống băng đá chờ. Năm phút, rồi mười phút, rồi hai mươi phút đi qua. Tấn Bình vẫn biệt tăm.
Hoàng Nhi bắt đầu sốt ruột:
– Sao lâu thế không biết.
Liêm và Linh Tâm ngồi im hút thuốc, điệu bộ có vẻ ung dung hơn. Thỉnh thoảng hai người liếc nhìn về phía cầu thang. Không thấy Tấn Bình, cả hai lại tiếp tục ngồi im.
Hoàng Nhi càu nhàu:
– Thật là chịu hết nổi.
Linh Tâm lên tiếng:
– Chịu khó chút nữa mà, mẹ nó khó lắm, mỗi lần cho tiền là hỏi tới hỏi lui mấy chục lần. Chưa ra bây giờ đâu.
Hoàng Nhi đứng dậy, đi thơ thẩn trong sân, tò mò nhìn vào những dãy phòng đầy máy móc.
Khi đi ngang qua hồ nước, cô thấy một phòng nhỏ bày trí khá đẹp, nhưng không có ai trong đó. Cô vào cửa, nhìn ngữa nghiêng tìm người. Căn phòng đẹp thế nầy mà không có ai, chắc là để tiếp khách.
Thế là cô mạnh dạn đẩy cửa bước vào. Trên chiếc bàn rộng, có một chiếc máy tính và đầy những mẫu giấy bừa bộn. Hoàng Nhi tò mò bước tới cầm lên xem. Đó là những bức vẽ đủ thứ, từ hoa văn đến mẫu vẽ thú nho nhỏ rất dễ thương, những bức vẽ phối màu rất hài hòa. càng nhìn càng thích.
Hoàng Nhi cầm lên xem một cách say mê. Có một tờ giấy vẽ những chú chim cánh cụt trên nền màu xanh, cực kỳ dễ thương. Cô ngắm không chán mắt.
Rồi xếp lại định bỏ vào túi áo.
Chợt có tiếng động phía sau làm cô giật mình quay lại. Phía chiếc bàn sát tường, một người đàn ông, đúng hơn là một thanh niên lớn hơn cô. Anh ta đứng dựa cạnh bàn, tay khoanh trước ngực đang nhìn cô với vẻ quan sát.
Hoàng Nhi giật bắn mình, đưa tay chận ngực, miệng lắp bắp:
– Xin lỗi.
Giọng anh ta nghiêm nghị pha lẫn vẻ đe dọa:
– Cô bé là ai? Sao dám vào đây?
Hoàng Nhi vội giấu tờ giấy ra phía sau, liếm môi cười lấp liếm:
– Dạ, em có người quen trong nầy, chỉ vô đây chơi thôi, không có phá gì cả.
– Có biết đây là chỗ nào không mà dám vô vậy?
– Hì hì. em không biết, thấy phòng nầy không có ai nên em vào thứ, em từng là phòng khách đó chứ.
Người thanh niên nghiêng đầu nhìn nhìn ra phía sau cô:
– Giấu gì đó, đưa tôi xem.
Bị bắt quả tang ăn trộm, Hoàng Nhi đỏ mặt, miễn cưỡng chìa tờ giấy ra, rụt rè:
– Em chỉ muốn giữ để xem thôi, không có ý gì cả.
Người thanh niên nhướng mắt:
– Muốn giữ để xem à? Có biết đây là cái gì không?
Hoàng Nhi lắc đầu chậm chậm:
– Em không biết.
Đây là mẫu thiết kế in trên vải, những mẫu nầy được giữ rất kỷ, người lạ không được phép vào, sao dám xông xáo vậy? Phải giao cô cho bảo vệ thôi. Rồi họ sẽ giao cho công an.
– Hả?
Hoàng Nhi hỏi với vẻ hoảng sợ, hai mắt tròn xoe kinh ngạc. Chỉ xem bản vẽ có chút xíu mà phải làm nghiêm trọng vậy sao?
Cô xua tay rối rít:
– Đừng gọi, đừng giao em cho công an, em không cố ý ăn cắp đâu, mà cũng không biết nó quan trọng như vậy, cho em xin lỗi.
– Không được, nếu tha dễ dàng, cô sẽ lộ bí mật của công ty thì sao, phải chịu thôi.
Vừa nói anh ta vừa quay lại bấm số điện thoại. Hoàng Nhi sợ tái mặt, chạy ào đến chận tay anh lại:
– Đừng mà, anh mà giao cho công an thì em chết mất, em sợ vô đó lắm. Mà em đâu có tiết lộ bí mật là gì, lộ với ai bây giờ, em chỉ nhìn vì thấy nó đẹp thôi, không cố ý đâu mà.
– Bỏ tay ra đi chứ, sao cứ nắm tay tôi vậy?
Nhưng Hoàng Nhi sợ quá nên không dám buông. Cô nói như năn nỉ:
– Đừng gọi mà, em xin anh đó, mai mốt em không dám tò mò nữa đâu.
Người thanh niên chợt bỏ điện thoại, quay lại ngồi cạnh bàn nhìn cô thật lâu:
– Vào đây tìm ai vậy?
– Em không tìm ai cả, chỉ theo bạn vô thôi, mẹ của bạn em làm ở đây nên nó vô xin tiền.
Anh ta nhướng mắt:
– Vô xin tiền à? Có phải Tấn Bình không?
Mắt Hoàng Nhi sáng lấp lánh:
– Anh biết Tấn Bình hả?
Người thanh niên không nói gì, chỉ khoát tay:
– Thôi, đi ra đi, mai mốt có vào đây không được đi lung tung nghe chưa.
Hoàng Nhi mừng rối rít:
– Cám ơn anh nhiều lắm, chào anh.
Nói xong cô quay người bỏ chạy. Nhưng anh ta gọi lại:
– Này.
Hoàng Nhi lập tức đứng lại, hồi hộp:
– Dạ.
– Thích mẫu vẽ đo lắm hả?
– Vâng, nhưng em sẽ không tiết lộ với ai đâu ạ.
Người thanh niên bỗng cười lớn:
– Đùa chút thôi, nếu thích thì tôi cho đó, cứ giữ đi.

Vừa nói anh vừa bước tới đưa mẫu giấy cho cô. Hoàng Nhi không dám tin vào mắt mình. Cô hỏi gặn:

– Cho em à?

– Cứ giữ mà xem đi.

Hoàng Nhi mừng rối lên. Cô nắm tay anh ta lắc lắc:

– Cám ơn anh nhiều lắm nhé, nếu có dịp gặp lại em sẽ mời anh uống café.

Người thanh niên nhướng mắt nhìn cô, nhưng không nói gì. Mà Hoàng Nhi cũng không còn thời giờ để nhìn ra cái nhìn lạ lùng đó. Cô cười với anh một cái, rồi dọt ra ngoài.

Cô trở lại chỗ băng đá. Vừa lúc Tấn Bình cũng từ trên lầu chạy xuống, mặt hắn tươi rói:

– Xong rồi, hao nhiêu đầy đủ chơi hết ngày luôn. Bây giờ đi.

Bốn người đứng dậy đi ra sân. Hồng Nhi đeo găng tay, rồi phóng xe ra đường. Cô hoàn toàn không biết người thanh niên lúc nãy đứng giữa sân nhìn chiếc xe cồng kềnh và dáng điệu phóng khoáng của cô bằng cái nhìn ngạc nhiên. Như thấy một hiện tượng lạ lùng.

Hoàng Nhi thắng xe lại trước cổng. Tiếng rít của xe thắng gấp như khuấy động cả không gian yên tĩnh của đêm. Làm con chó trong sân sủa vang lên, kinh động cả dãy phố.

Hoàng Nhi hoảng hồn dựng xe vào cổng, bước tới quát khẽ:

– Có im không, làm gì la um sùm vậy?

Chú tô tô nhận ra cô chủ nhỏ, nó nhảy chồm lên cửa, sủa ăng ẳng, cái đuôi vẫy lia lịa mừng rỡ. Hình như nó thức chờ Hoàng Nhi, nên bây giờ cô về là chú ta mừng rối rít.

Hoàng Nhi luồn tay vào mở cửa. Nhưng tay cô chạm phải ống khóa to kềnh, lạnh ngắt.

Chết toi! Như vậy có nghĩa là ba về. Và cũng cớ nghĩa là cô phải nghe một bài kinh co ran ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Cùng một loạt hình phạt như cấm cung, cắt tiền...và gì nữa thì có trời mới biết. Vì mỗi lần về là ba lại có hình phạt mới. Không cái nào giống cái nào. Nhưng cái nào cũng làm cô chết dở như nhau.

Ba khóa cửa thế nầy, có nghĩa là cô phải gọi mới được vào nhà. Mà khi gặp ba rồi thì đời cô khổ tới nơi. Có dại mới gọi. Phải tìm cách khác thôi.

Hoàng Nhi suy nghĩ một lát. Rồi bước tới lấy khóa vòng, khóa chiếc xe vào cổng. Xong cô dặn chú tô tô:

– Coi chừng xe nghe chưa, ai mở khóa thì sủa nhiều vào. Nhớ nghe.

Chú chó ẳng ẳng trong cổ, như đồng tình với cách giải quyết của cô bạn thân.

Đúng là tri kỷ của Hoàng Nhi. Vì nó luôn tỏ ra đắc lực trong việc giúp cô giữ xe mỗi khi bị nhốt.

Giải quyết xong chiếc xe, Hoàng Nhi đi qua nhà kế bên, thoăn thoắt leo cổng, nhảy phóc xuống sân, nhẹ như con mèo.

Cô chạy nép bên hông nhà, định leo lên cây mận gọi Trúc Hương. Vì cửa sổ phòng con nhỏ ngang với cây mận. Chỉ cần gọi nhỏ là nó nghe ngay. Và những lần như vậy, Hoàng Nhi ngủ luôn bên nhà Trúc Hương, sáng dậy ba mẹ co hỏi thì cô có thể mạnh dạn mà bảo đêm qua mình học bài với bạn bè đến tận khuya.

Thế là an toàn.

Nhưng Hoàng Nhi mới vịn gốc cây thì một giọng con trai vang lên phía sau:

– Này.

Hoàng Nhi giật mình quay lại. Trong bóng tối, cô thấy Tấn Kiệt đang đứng ở cửa, tay khoanh trước ngực, nhìn cô một cách tinh quái. Không biết anh mở cửa từ lúc nào. Mà không chừng anh đã thấy cô trèo tường rồi cũng nên.

Hoàng Nhi cười giả lả, tìm cách đánh lạc hướng câu chuyện mà cô biết chắc Tấn Kiệt sẽ nói:

– Anh Phong chưa ngủ hả? Còn sớm mà, hé anh Phong? Hôm nay trời đẹp thật đó.

Tấn Kiệt không hề mắc lừa cô, anh lên tiếng:

– Định leo cây nữa phải không? Em là con gái hay con trai vậy Nhi?

– Em đâu có leo cây đó cao thấy mồ, leo té chết.

– Vậy bước lên làm gì?

– À, chỉ là... em định ngồi chơi chút thôi, ngồi dưới gốc ngắm trăng một chút, còn sớm mà.

Tấn Kiệt hất mặt qua phía nhà cô:

– Nếu còn sớm thì chú Khải đã không khóa cửa, bị nhốt rồi phải không?

– Đâu có, đâu có.

– Đừng có chối, không có thì tại sao phải trèo tường nhà anh, định leo lên cửa sổ gọi Trúc Hương chứ gì?

Hoàng Nhi liếm môi. Cái gì anh Phong cũng biết, có giấu cũng không được.

Cô cười khì:

– Anh biết rồi thì đừng có nói với ba em nghe, coi như anh không biết gì hết nhé.

Tấn Kiệt lắc đầu:

– Em quá lắm đó Nhi, con gái mà đi tới khuya mới về, chơi thì cũng vừa phải thôi chứ? em còn trẻ, còn nhiều ngày để đi chơi lắm, đừng có dốc hết sức như vậy.

Hoàng Nhi che miệng ngáp một cái:

– Vâng.

– Vâng, nhưng mà có chịu nghe anh nói không đó.

Hoàng Nhi cố ngăn cái ngáp, gật đầu lia lịa:

– Em nghe chứ, tất nhiên là nghe rồi.

Tấn Kiệt nhìn nhìn cô:

– Nói vậy chứ anh biết em không nghe gì đâu, chuyện nầy xảy ra mấy lần rồi, anh đã nghe mẹ em than thở với mẹ anh đến thuộc từng lời. Em làm bộ ngoan làm gì.

Đang buồn ngủ muốn chết mà Hoàng Nhi cũng nhướng mắt phật ý:

– Em làm gì mà không ngoan chứ.

– Nếu là cô gái ngoan thì em đã không làm ba mẹ em đau đầu. Đáng lẽ anh phải đuổi em về nhà cho chú Khải phạt em, nhưng bây giờ khuya quá rồi, lần nầy anh nhượng bộ em đó. lên phòng Trúc Hương ngủ đi.

– Vâng, cám ơn anh, anh thật là dễ thương.

Nói xong cô phóng tuốt vào nhà. Nhưng Tấn Kiệt gọi lại:

– Khoan đã.

Hoàng Nhi miễn cưỡng quay lại:

– Gì vậy anh Phong?

– Xe em để đâu?

Hoàng Nhi lúng túng tìm cách nói dối. Nhưng tìm hoài không xong, cô đành nói thật:

– Em để phía trước ấy.

Tấn Kiệt nhướng mắt:

– Bỏ ngoài đường?

Hoàng Nhi liếm môi:

– Đâu có, có con chó giữ mà.

– Ra đây bảo, để ở đâu?

Hoàng Nhi tìm cách thoái thác:

– Anh Phong vô ngủ đi, để em khóa cửa cho.

Nhưng Tấn Kiệt vẫn đi ra ngoài cửa. nhìn qua nhà Hoàng Nhi. Thấy chiếc xe dựng ngoài cửa, anh lắc đầu:

– Thật không tưởng tượng nổi một cô gái có thể quậy như thế, em mà là con trai thì...

Anh ngừng nói, và chỉ có thể diễn đạt bằng một cái nhún vai, như không còn từ nào để diễn tả cho hết sự quậy phá của Hoàng Nhi.

Anh lấy chìa khóa từ tay cô, đến mớ khóa, dắt qua nhà mình. Chưa thấy cô gái nào xài đồ kiểu ngầu như thế. Con gái mà chọn xe đạp leo núi. Y phục của cô thường là quần jean hoặc short. Nón jean kiểu cũng của con trai. Chẳng bao giờ thấy cô mặc đầm hay áo dài cho ra vẻ thục nữ. Đi đứng thì mạnh bạo hơn cả một thằng con trai. Học thì cũng chọn ngành thứ dữ. Nếu không chơi với Trúc Hương, chắc cô nàng chẳng có một cô bạn gái nào. Ngoài đám bạn trai cũng quậy bốc trời.

Tấn Kiệt cất xe xong, nghiêm mặt nhìn Hoàng Nhi:

– Ra đây nói chuyện một chút.

“Trời ơi khổ, tránh được ba thì lại bị ông cụ non nhà hàng xóm, chạy trời cũng không thoát được nắng” - Hoàng Nhi rên rỉ thầm trong bụng. Nhưng mặc dù buồn ngủ díp cả mắt, cô cũng không dám cãi Tấn Kiệt.

Cô đi theo anh ra sân. Tấn Kiệt đến ngồi dưới giàn hoa giấy, chỉ cao Hoàng Nhi ngồi xuống bên cạnh. Bắt đầu tra vấn:

– Em đi đâu tới giờ nầy vậy?

– Mới có mười một giờ mà bảo tới, ở thành phố mà làm như ở quê không bằng.

– Con gái mà ở ngoài đường tới mười một giờ, hay lắm à? Mà anh hỏi tối nay em đi đâu?

– Đi karaoké.

– Với ai?

– Thì bạn em.

– Toàn là con trai không à?

– Chứ rủ tụi con gái nó không đi, thì tui em phải đi riêng chứ sao.

– Theo anh biết thì lớp em có đến ba cô nữ, sao em không chơi với mấy cô đó.

Hoàng Nhi thở khì một cái:

– Mấy nhỏ đó õng ẹo như tiểu thư ấy, em là chịu không nổi rồi. Con gái gì lúc nào cũng yểu điệu yếu đuối, cười cũng không dám cười lớn, đi đâu chờ nó sửa soạn cả buổi, son son phấn phấn, lỉnh kỉnh các thứ phụ tùng, mệt.

– Chứ em nghĩ con gái là phải thế nào, mạnh bạo như em vậy đó à?

– Em không biết, nhưng thấy tụi nó nhiễu sự quá em chịu không nổỉ.

Tấn Kiệt khoát tay:

– Không nói chuyện đó nữa, nhưng em nên bớt đi chơi lại đi Nhi, đừng quên em là con gái, cái gì cũng phải có giới hạn chứ, em biết ba mẹ em rầu về cm lắm không?

Hoàng Nhi hỉnh mũi:

– Sợ em hư chứ gì?

Tấn Kiệt gật đầu:

– Một cô gái mê chơi, mà chơi bạn toàn là con trai, không đáng lo sao? Khi nào làm cha mẹ em sẽ hiểu.

Hoàng Nhi vỗ vai anh cái chát, rồi cười ầm ĩ:

– Sợ em hư chứ gì? Tức cười quá, cái đó để sợ cho mấy đứa con gái kìa.

Tấn Kiệt bẻ lại:

– Vậy em không phải la con gái à?

Hoàng Nhi nhún vai, tỉnh bơ:

– Em không có yếu đuối như bọn nó. Tên nào giở trò sàm sỡ là em dợt liền.

Tấn Kiệt châm chích nhẹ:

– Mà anh nghĩ đám con trai đó không nghĩ chuyện sàm sỡ với người cùng phái đâu.

Hoàng Nhi hiểu, nhưng tỉnh bơ:

– Tất nhiên. Tụi nó đàng hoàng lắm, dĩ nhiên em chỉ chơi được với người đứng đắn.

– Em nói chuyện giống con gái quá nhỉ?

Hoàng Nhi bắt đầu nổi sùng:

– Anh bắt em ra đây ngồi nghe anh châm chích em đó hả?

Tấn Kiệt điềm nhiên:

– Anh chỉ muốn khuyên em tốp bớt lại, thục nữ một chút, ngoan một chút, em sẽ là cô gái tuyệt vời đó Nhi.

– Em đâu có khoái làm người tuyệt vời. Tuyệt vời thì chỉ làm vừa lòng người khác, còn mình thì phải ép mình làm những điều mình không muốn, em chán lắm.

– Vậy em có nghĩ đến chuyện em làm ba mẹ em lo không?

Hoàng Nhi nhăn mặt, khuỳnh tay lên trong cử chỉ y hệt con trai:

– Em không hiểu ba mẹ em lo cái gì, em có mê chơi bỏ học đâu, mà cũng không bồ bịch lăng nhăng, em chỉ có mỗi tội đi chơi với bạn em thôị.... Tấn Kiệt ngắt lời:

– Nhưng toàn là bạn trai, trong nhóm chỉ có mỗi mình em là con gái, nghĩ như vậy thôi cũng hiểu mẹ em lo đến mức nào.

Hoàng Nhi nhún vai:

– Em chỉ thích chơi với con trai, tụi con gái chỉ giỏi nhiễu sự, chơi bực mình lắm.

– Rất may em không thấy Trúc Hương là nhiễu sự.

– Trúc Hương thì lại khác, nó là người trong nhà rồi.

Và sợ Tấn Kiệt lại nói thêm, cô che miệng ngáp, rồi vươn vai đứng dậy:

– Em chịu hết nổi rồi, em đi ngủ đây.

Nói xong cô phóng nhanh vào nhà. Đi thẳng lên phòng Trúc Hương. Cô nàng đã ngủ. Hoàng Nhi đến mở tủ lấy bộ đồ rồi thay, rồi nằm xuống bên cạnh Trúc Hương. Cô ôm chiếc gối vào lòng. Chỉ một phút sau là đã bay tuốt lên cung trăng. Hôm nay học xong nguyên đám kéo đi chơi đến khuya, mệt ngất ngư cả người.

Sáng hôm sau, trong lúc Hoàng Nhi còn say sưa ngủ, thì bị Trúc Hương lay mạnh:

– Dậy đi. dậy đi ông, ba ông qua tìm kìa.

Hoàng Nhi lười biếng mở mắt, giọng nhừa nhựa:

– Cái gì vậy?

– Ba ông qua kìa.

Nghe chữ ba, Hoàng Nhi tỉnh ngủ hẳn. Cô tung người ngồi lên:

– Hả, ba hả?

– Chú Khải đang ngồi dưới phòng khách ấy.

– Chết rồi, làm sao bây giờ.

Hoàng Nhi quýnh quáng đến mở tủ áo, tìm một bộ thay. Trúc Hương nhìn cử chỉ hơ hải của cô, cười tủm tỉm:

– Từ từ, làm gì dữ vậy?

Hoàng Nhi cầm bộ đồ trên tay, lo lắng:

– Sao ba qua sớm thế nhỉ?

– Sớm gì, chín giờ rồi đó.

– Hả? Hoàng Nhi tròn xoe mắt kinh ngạc – Trưa vậy hả? Sao ông không gọi tôi?

– Đêm qua ông đi chơi khuya mà, gọi làm gì.

Hoàng Nhi làu bàu:

– Khổ thật, lại phải nói dối nữa, sao ba cứ bắt mình phải nói dối hoài thế không biết, sáng tác một câu chuyện cho trơn tru cũng mệt.

Trúc Hương khều nhẹ:

– Từ đó giờ ông đã sáng tác vô số chuyện rồi, lần nầy nữa cũng đâu có sao Chợt nhớ ra, Hoàng Nhi quay lại:

– Anh Phong có ở dưới không?

– Đi làm rồi.

– Chậc, chết nữa rồi.

– Chết gì, định nhờ anh Phong đỡ đạn chứ gì?

– Hôm qua nếu không có anh Phong thì chắc tôi phải ngủ ngoài sân rồi, gọi ông chắc phải cần tới đại bác, con gái gì mà ngủ dữ.

Trúc Hương bẻ lại:

– Ủa, vậy ông là con trai đó hả? Hở một chút là con gái thế nầy con gái thế kia ai nghe chắc tưởng ông là con trai đó.

Hoàng Nhi ngắc ngứ không nói được, cô phẩy tay cho qua:

– Vớ vẩn.

– Đúng chứ vớ vẩn gì, chưa thấy con gái nào quậy tưng bừng như ông, ông mà thục nữ một chút chắc cô Hân sẽ trẻ đi mười tuổi vì mừng đó.

Hoàng Nhi làm lơ như không nghe. Cô xuống rửa mặt, rồi phóng ra phòng khách. Không thấy ba đâu. Vậy là ba đã về nhà. Cô đứng dưới chân cầu thang, nói với lên:

– Tôi về nghe.

Tiếng Trúc Hương vọng xuống:

– Ù, chúc nghe vọng cổ vui vẻ.

Nếu Trúc Hương đứng gần đó, chắc Hoàng Nhi đã bóp cổ cô nàng rồi.

Nhưng lười phải lên cầu thang, nên cô đành làm ngơ. Cô thừa biết mỗi lần mình bị dủa là Trúc Hương rất chịu. Vì cô nàng ghét nhất là cô hay đi chơi với bọn con trai. Ai bảo rủ không đi, rồi ở đó tức.

Trúc Hương chỉ thích rủ cô đi siêu thị, dạo qua các gian hàng ngắm nghía quần áo thời trang. Hoặc ngồi quán café thủ thỉ chuyện tình cảm... toàn là những thứ cô không thích. Bảo sao không từ chối cho được.

Đôi lúc ngẫm nghĩ, cô không hiểu được tại sao mình thân với Trúc Hương.

Tính cô nàng nhỏng nhảnh chịu không được, cái gì Hoàng Nhi dị ứng thì Trúc Hương thích một cách say sưa. Vậy mà hai người không nghỉ chơi nhau được.

Vừa đi vừa suy nghĩ. Hoàng Nhi quên mất tiêu chuyện sáng tác cách nói dối.

Đến lúc thấy ông Khải ngồi chờ ở salon, cô mới hoảng hốt, quýnh quáng suy nghĩ.

Cô rụt rè đi về phía salon:

– Lúc nãy ba tìm con hả ba?

Nhưng, ngoài sự tưởg tượng của Hoàng Nhi, ông Khải có vẻ suy nghĩ chuyện gì đó, chỉ khoát tay nói qua loa:

– Ba qua tìm thằng phong, con lên lầu đi, ba đang chờ khách tới, đừng làm rộn ba.

Hoàng Nhi đâu có khoái làm rộn đâu. Cô đang thở phào, thấy mình nhẹ như bông gòn, nhẹ như chim, muốn di chuyển là bay chứ khỏi cần đi. Hôm nay trời đã cứu cô một bàn thua trông thấy. Vậy là lúc nãy nhỏ Hương hù mình. Đồ chết tiệt.

Hoàng Nhi vừa đi vừa lẩm bẩm nguyền rủa Trúc Hương. Qua khỏi tầm mắt ông Khải, cô phóng như tên bắn lên phòng mình. Cô ngã đùng xuống giường, đập tay chân một cách khoan khoái. Miệng cười hăng hắc một mình.

Hôm nay là chủ nhật, tất nhiên là phải sử dụng cho kỳ hết ngày rảnh rổi hiếm hoi nầy. Cô tung mình lên, bước qua bàn chụp chiếc điện thoại định gọi cho Tấn Bình. Nhưng vừa lúc đó bà Khải đi vô. Câu đầu tiên là:

– Đêm qua con đi đâu vậy Nhi? Đi đâu mà tắt điện thoại vậy? Không dám để mẹ liên lạc phải không?

Lập tức Hoàng Nhi tuôn ra một cách trơn tru:

– Con ở bên nhà Trúc Hương học bài, xong rồi ngủ quên luôn, bởi vậy con không nhà về cho mẹ biết, con có dặn nhỏ Hương rồi mà nó quên đó mẹ.

Nói xong, cô đứng im? chuẩn bị tinh thần để nghe tra vấn tiếp. Nhưng thật cứ như mơ, hôm nay mẹ cũng dễ một cách kỳ lạ. Chỉ hỏi ''Vậy hả?'' một cách ngắn gọn. Rồi ngồi xuống giường, nhìn nhìn cô.

– Con ăn sáng chưa?

– Dạ chưa.

– Chưa thì đi chợ ăn luôn với mẹ.

Cái gì? Đi chợ với mẹ hả? Khủng khiếp quá? Hoàng Nhi từ chối ngay:

– Thôi mẹ ạ, hôm nay con bận lắm, con hẹn với bạn con vô trường ôn bài rồi.

– Mới thi xong, còn học hành gì nữa, không nói nhiều, thay đồ đi.

Rồi bà đi ra khỏi phòng. Thái độ chắc như đinh đóng cột. Hoàng Nhi thở hắt một cách ngán ngẫm. Nhưng không dám cãi. Hôm nay có ba ở nhà, mẹ mà nói với ba là cô tới số.

Hoàng Nhi miễn cưỡng thay đồ. Rồi gọi điện hủy cái hẹn với bọn Tấn Bình.

Cô đang nói say sưa thì bà Khải bước vào, chờ cô gác máy, bà lên tiếng:

– Đi.

Vừa nói bà vừa nhìn nhìn Hoàng Nhi. Chiếc sơ mi sọc và quần jean bạc phếch, cùng dáng điệu ngông nghênh, con bé có dáng một tên con trai ngang ngạnh, hơn là con gái con nhà nề nếp. Hoàng Nhi không giống Trúc Hương tí nào. Giá con bé mà được một chút thùy mị yểu điệu của Trúc Hương, thì bà đỡ lo biết bao nhiêu.

Hoàng Nhi ôm vai mẹ đi ra khỏi phòng. Cái cách cô biểu hiện tình cảm cũng làm bà Khải thở dài. ''Sao mà nó chẳng có chút nhu mì nào thế?'' Hoàng Nhi hoàn toàn không biết nổi ý nghĩ của mẹ. Cô vô tư huýt sáo một bản nhạc. Và ra sân lấy xe. Cô có hai chiếc xe, một là chiếc @ to kềnh chỉ hợp với con trai, hai là xe đạp leo núi cũng ít khi thấy con gái nhu mì nào dám chạy.

Hôm nay chở mẹ nên không thể đi xe đạp, chứ cô thì khoái đạp xe luồn lách ngoài đường hơn.

Ngay cả cách cô chọn xe cũng làm bà Khải ngán ngẫm. Ngồi phía sau con gái mà bà có cảm giác mình đang có đứa con trai xốc vác. Ngay cả cách nó vui vẻ huýt sáo cũng làm bà rầu rĩ.

Vào chợ. Hoàng Nhi gởi xe rồi đi theo mẹ vào hàng quần áo thời trang.

Trong khi bà Khải mãi tìm một kiểu cho cô, thì cô lơ đảng nhìn những chiếc váy và những chiếc đầm thanh mảnh, thừa nhận nó đẹp tuyệt. Nhưng hoàn toàn không có ý định chọn nó. Những thứ ấy là để bọn con gái hay diện chứ không phải để cho mình.

Cho nên Hoàng Nhi lắc đầu nguầy nguậy, khi bà Khải ướm một chiếc đầm lên người cô:

– Con vào thay thử bộ nầy xem.

– Thôi mẹ ơi, con không thích đâu.

– Nó đẹp đó chứ thử đi.

– Áo gì dài lượt thượt, đi lơ mơ là vấp té gãy răng, con không chịu đâu.

– Vậy thì chọn chiếc váy kia vậy, cái đó mặc với áo ren trắng cũng đẹp lắm.

Hoàng Nhi càng lắc đầu dữ hơn:

– Mấy cái đó hợp với con gái hơn con không thích đâu.

Bà Khải lừ mắt:

– Chứ con là con trai à?

Cô bán hàng đứng nhìn Hoàng Nhi, che miệng cười. Làm cô hơi quê. Cô vội túm cả đầm và váy đi nhanh vào phòng thử đồ. Kéo cửa cái rẹt.

Vài phút sau cô đi ra. Mặt nhăn nhó như bị đau răng. Thật không thể nào chịu được. Đầm gì dài lê thê xuống chân, cứ bó người như khăn quấn em bé. Đi không khéo là té lăn quay. Mặc thế nầy thà quấn khăn sướng hơn.

Bà Khải và cô bán hàng nhìn Hoàng Nhi thật lâu. Không thể không khen.

Thật ra cô có vóc dáng cân đối và thon thả như người mẫu. Chỉ tại mặc đồ rộng thùng thình kiểu con trai. Nhìn sao ra dáng chứ.

Với khuôn mặt thon thon hoàn hảo đến từng milimet, nếu biết chăm chút làn da hơn nữa, thì cô có thể là người mẫu quảng cáo mỹ phẩm. Không hiểu sao cô cứ làm cho mình xấu đi như thế.

Bà Khải hết xoay cô ra sau rồi lại bắt quay phía trước, nhìn nghiêng nhìn dọc. Vẻ mặt hài lòng rõ rệt:

– Chọn bộ nầy đi, con thay ra thử bộ kia mẹ xem.

– Nhưng con không mặc đâu, mẹ mua là con cho Trúc Hương đó.

– Đừng nói nhiều, thay ra đi.

“Trời ơi là trời, chán chết được” - Hoàng Nhi vừa đi vừa kêu la trời đất. Hối hận không để đâu cho hết. Nếu lúc nãy lấy cớ gì đó ở nhà, thì giờ nầy có thể đi chơi bóng bàn với bọn Tấn Bình. Chứ đâu có phải ẹo tới ẹo lui thay quần áo thế nầy. Cái nầy có gì để thích chứ.

Không đầy năm phút sau, cô lại phải trình diễn bộ váy khác. Khi cô đi ra, cô bán hàng buột miệng:

– Chân em đẹp quá, sao em không lựa mấy kiểu giày cao gót cho đẹp, mang giày kiểu nầy giống con trai quá.

Hoàng Nhi làm thinh như không nghe. Chưa thấy ai vô duyên như cái bà nầy để ý từng li từng tí, người ta mang gì kệ người ta, nói một lát mẹ người ta bắt thử giày nữa thì sẽ chết toi, làm ơn khép mỏ lại dùm cho thiên hạ nhờ.

Hoàng Nhi đứng thẳng đơ cho mẹ ngắm nghía. Bụng thầm cầu trời cho bà đừng bắt thử giày. Và tốt nữa thì rút khỏi chỗ nầy càng sớm càng tốt.

Nhưng trời không thương Hoàng Nhi, vì bà Khải mua xong hai bộ đồ đó lại kéo cô qua hàng khác mua tiếp, sau đó qua hàng giày. Lại thử có đến chục đôi, giày cao giày thấp, những thứ dù đẹp nhưng Hoàng Nhi không ưa chút nào.

Gần như suốt buổi sáng cô chỉ làm mẫu thử đồ. Đến lúc về thì hai mẹ con xách lỉnh kỉnh đến chục túi xách. Hoàng Nhi tối tăm mặt mũi, đến mức không nhớ nổi mẹ đã mua mấy bộ.

Về nhà cô uể oải nằm phịch xuống giường. Chuyện mua sắm của phụ nữ coi thế mà mệt không thể tưởng.

Buổi tối Hoàng Nhi định chuồn đi chơi, thì mẹ lại vào phòng, nói như ra lệnh:

– Tối nay con không được đi đâu nghe chưa, ở nhà đi ăn với ba mẹ.

Hoàng Nhi lén nhăn mặt:

– Phải đi ăn với ba mẹ hả mẹ, sao tự nhiên hôm nay mẹ bắt con đi chung vậy?

Bà Khải nổi giận:

– Đi ăn với ba mẹ mà bảo bắt à? Con thật quá lắm, càng ngày càng ăn nói chẳng ra sao cả, lúc nhỏ con đi theo ba mẹ thì sao, bây giờ không chịu hả?

Hoàng Nhi nói ỉu xìu:

– Con đâu có không chịu, chỉ ngạc nhiên thôi.

– Có gì đâu mà ngạc nhiên. Muốn đi chui với bạn nên mới nói vậy phải không?

Hoàng Nhi làm thinh. Mỗi lần mẹ nhắc tới bạn là cô thấy sợ. Vì y như rằng sau đó mẹ sẽ giảng rất nhiều về quan hệ nam nữ. Rồi kết luận cô không nên chơi với bọn Tấn Bình. Nhưng cô đâu có coi mấy tên đó là người khác phái. Bởi vậy cô thấy tức vì bị cấm.

Bà Khải nhìn đồng hồ. Rồi đến tủ quần áo, lựa một bộ mới mua lúc sáng, thảy xuống giường. Rồi lấy một đôi giày còn nguyên trong hộp, đặt xuống sàn nhà:

– Lát nữa con mặc bộ nầy và mang giày nầy. Bỏ mấy bộ đồ kia đi.

Hoàng Nhi bước tới nhìn nhìn. Trời ơi là trời, bộ đầm mà cô ghét nhất lúc sáng, bây giờ phải mặc nó. Đã vậy còn mang giày cao gót mỏng manh như tờ giấy. Đi thế nào được mà đi.

Cô kêu lên một cách hoảng hốt:

– Sao phải mặc đồ kinh dị vậy hả mẹ, chỉ là đi ăn thôi mà.

– Đồ đẹp thế nầy mà bảo kinh dị con thật không có khiếu thẩm mỹ gì cả.

– Nhưng đi ăn mà cần gì phải mặc đồ đẹp hả mẹ? Lại còn mang giày cao nghệu thế nầy, đi chắc té chết con luôn.

– Không quen thì tập cho quen. Không được phản đối.

Rồi bà nói như dặn:

– Lát nữa tới đó là phải tỏ ra nhu mì nghe chưa, mình sẽ đi ăn với khách của ba, người ta là con nhà tử tế, cho nên con phải tỏ rỏ có giáo dục đấy.

Hoàng Nhi phản đối:

– Nhưng con có làm gì đâu mà mẹ nói con không có giáo dục.

– Con gái ngổ ngáo như con trai thế kia, vậy mà không chịu là khó dạy hả?

Đừng hỏi nhiều, mẹ tức lên bây giờ đó. lo thay đồ đi, ba về là đi liền đó.

Rồi bà đi về phòng. Hoàng Nhi thay đồ mà tức ấm ách. Tức vì bị mắng là vô giáo dục. Cô chỉ có mỗi tội đi chơi, chứ có phá phách gì đâu mà mẹ bảo khó dạy.

Rồi còn phải mặc bộ đồ dài lê thê nầy nữa. Thế nầy làm sao mà đi cho được đây.

Hoàng Nhi mang giày vào chân đi thử mấy bước. Nhưng mới nhấc chân lên đã té nhào xuống giường. Cô hoảng hồn ngồi im. Rồi lập tức tháo đôi giày chết tiệt đó ra, quẳng vào gầm tủ. Và chọn một đôi sandal mỏng mang vào.

Đôi nầy có quai thật khó chịu, nhưng dù sau cũng đỡ hơn là giày cao gót.

Nếu mẹ bắt cô phải mang thứ đó, cô sẽ phản đối đến cùng.

Lát sau bà Khải qua phòng cô. Bà đã trang điểm xong. Rất nhẹ, nhưng đẹp quí phái. Hoàng Nhi giống hệt mẹ, nhưng cử chỉ thì hoàn toàn trái ngược. Bà Khải nhìn mái tóc ngắn ngủn, tém gọn ra sau của cô mà thấy bực. Nhưng bây giờ có mắng thì nó cũng không dài ra ngay được, nên bà đành bỏ qua.

May là lúc đó ông Khải về, nên bà không để ý đôi giày đã bị đổi của Hoàng Nhi.

Lúc cô xuống sân thì thấy Tấn Kiệt và Trúc Hương đang ngồi dưới giàn hoa giấy nói chuyện. Thấy Hoàng Nhi, Trúc Hương tròn mắt kêu lớn:

– Ông đó hả Nhi?

Tấn Kiệt cũng nhìn cô chăm chăm với vẻ ngạc nhiên. Nhưng không nói gì.

Trúc Hương chợt cười nghiêng ngửa:

– Hôm nay giống con gái quá, đẹp hết ý, đâu có thua gì người mẫu.

Hoàng Nhi bặm môi, làm như không nghe. Nhưng Trúc Hương càng nói lớn hơn:

– Đi đâu mà đẹp quá vậy? Lần đầu tiên thấy ông mặc đầm, thật là chuyện phi thường. Tôi có nằm mơ không đây?

Hoàng Nhi quay phắt lại, trừng mắt:

– Im mỏ.

Rồi cô hối hả đi ra xe. Còn nghe tiếng cười dòn dã của Trúc Hương vọng theo. Khiến cô tức ấm ách.

Đến nhà hàng, Hoàng Nhi xuống xe, lướt thướt đi theo mẹ. Vì thấy vướng nên cô cứ xách áo lên. Nhưng bà Khải bấm tay cô gắt nhỏ:

– Bỏ xuống.

– Nhưng nó cứ bám vào chân, con đi không được.

– Cứ đi thoải mái, không có té đâu mà sợ.

– Vâng.

Hoàng Nhi bỏ áo xuống, lướng vướng tháo chiếc xắc tay ra khỏi vai, rồi xách đung đưa theo bước đi. Cử chỉ của cô làm bà Khải vô cùng chướng mắt.

Nhưng đã vào nhà hàng. nên bà đành làm ngơ.

Hình như có hẹn trước, nên Hoàng Nhi thấy một người đàn ông ở bàn khuất sau hàng cột đứng dậy, như đón ba mẹ:

Ban đầu cô không để ý bàn đó. Nhưng khi theo ba mẹ tiến về phía ông ta.

Hoàng Nhi thấy trong bàn không phải chỉ có một người, mà còn một người khác. Mà Vừa thấy người đó, cô đã buột miệng mừng rỡ:

– A, chào anh.

Bà Khải quay qua nhìn cô, hỏi nhỏ:

– Con biết cậu ấy à?

– Dạ.

Bà Khải chưa kịp nói gì thêm, thì người đàn ông đã bước ra bàn, mời mọi người ngồi một cách lịch thiệp.

Hoàng Nhi ngồi đối diện với người thanh niên, vừa yên vị, cô đã bắt chuyện ngay:

– Anh cũng tới đây hả? Không ngờ gặp anh lần nữa. vậy mà em nghĩ sẽ không khi nào gặp lại, em vẫn nhớ là em còn thiếu anh một buổi uống café, anh có nhớ không?

Người thanh niên gật đầu:

– Tất nhiên là tôi nhớ.

Ông Khải ngạc nhiên:

– Vậy là con biết anh Phong à?

– Dạ.

Người đàn ông lớn tuổi nhìn Hoàng Nhi:

– Cháu Nhi bao giờ ra trường nhỉ?

Sao bác nầy biết mình còn đi học nhỉ? Hoàng Nhi rất ngạc nhiên, nhưng cũng trả lời:

– Dạ còn hai năm nữa ạ.

Ông Khải nói như giới thiệu:

– Con gọi bác là bác Dũng, bác Dũng là chỗ làm ăn với ba đó.

– Dạ.

Ông Dũng đưa menu cho Hoàng Nhi:

– Cháu chọn món nào cháu thích đi, và cứ gọi thoải mái nhé.

Hoàng Nhi định cầm, nhưng bà Khải đã ngăn cô lại. Và nói với ông Dũng:

– Cháu nó không sành ăn đâu, anh cứ chọn đi ạ.

Ông Dũng khoát tay:

– Cứ để cháu gọi đi chị.

Phong cũng lên tiếng:

– Cô bé có thể gọi tùy thích, cứ tự nhiên đi nhé.

Hoàng Nhi nhìn bà Khải. Thấy bà không phản đối, cô khoái chí gọi một hơi mấy món, mà toàn là đồ ngọt. Bà Khải lắc đầu chận lại:

– Thôi nào, ăn gì kỳ vậy con.

Ông Dũng cười dễ dãi:

– Con gái thường thích ăn đồ ngọt, cứ để cháu gọi đi chị.

Trong khi ông nói câu đó, Hoàng Nhi thấy Duy Phong cười một tiếng. Như nghe một câu ngộ nghĩnh. Tự nhiên cô cũng cười lại với anh.

Duy Phong nhắc lại:

– Vâng, con gái thường thích đồ ngọt.

Hoàng Nhi biết anh đang trêu mình, cô phá lên cười dòn tan. Lập tức, bà Khải đá nhẹ chân cô một cái, khiến cô vội nín cười, ngơ ngác nhìn mẹ. Thấy cái nhìn răn đe của bà, cô ngồi im, mà cũng không hiểu tại sao bị mẹ nhắc.

Khi người tiếp viên hỏi uống gì, ba người đàn ông chọn bia. Bà Khải gọi hai phần nước ngọt. Nhưng Hoàng Nhi lắc đầu:

– Con không uống pepsi đâu, con uống bia.

Lập tức bà Khải nói át đi:

– Nếu con không thích pepsi thì gọi thứ khác, hay là uống cam vắt nghe con.

Hoàng Nhi lắc đầu:

– Uống cái đó giống con gái lắm, con thích bia hơn, đi với bạn con chỉ toàn chơi bia thôi.

Bà Khải tức cành hông, định đá chân cô ra hiệu. Nhưng ông Dũng đã cười lớn:

– Con gái bây giờ hiện đại lắm, thích phong cách mới hơn. cứ để cháu gọi bia đi chị.

Bà Khải lắc đầu cố cười như không có gì:

– Cháu nó hay bắt chước, chứ không biết uống đâu anh ạ, nó chê đáng rồi lai bỏ đó.

Rồi bà quay qua cô tiếp viên, nói luôn:

– Cho thêm ly cam vắt nhé.

Hoàng Nhi tiu nghỉu nhìn theo cô ta. Khi quay lại cô thấy Duy Phong không ngớt mỉm cười. Đôi mắt anh nheo lại khi nhìn cô. Như muốn nói:

– Bị mẹ áp đảo quá hả?

Hoàng Nhi khẽ hỉnh mũi, gật gật đầu như trả lời:

– Anh biết rồi hả? Thấy em khổ ghê chưa?

Hình như Duy Phong hiểu ý nghĩ của cô, nên lại cười. Nhìn anh thật dễ gần khi ngầm thông cảm như vậy.

Trong lúc ăn, chủ yếu là ông Khải nói chuyện với khách, bà Khải thỉnh thoảng cũng xen vào vài câu. Chỉ có Hoàng Nhi và Duy Phong là ngồi im.

Thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau một cách tò mò.

Hoàng Nhi thấy anh nhìn mình, bèn cười với anh. Anh cũng cười lại với cô.

Sau đó anh gấp cho cô một con tôm to đùng. Lần đầu tiên có người galăng với cô kiểu đó, làm cô thấy mình giống con gái hết sức.

Cô cũng làm một cử chỉ đáp lễ, đó là gắp lại cho Duy Phong một miếng mực, và cười tươi:

– Mời anh.

Bà Khải khẽ ấn vào chân cô dưới gầm bàn, như ra hiệu không đồng ý. Khiến cô lại nhìn bà ngơ ngác. Rồi ngồi im.

Nhưng chỉ được một lát, Hoàng Nhi lại tìm cách bắt chuyện với Duy Phong:

– Hôm nọ bị anh đòi giao em cho bảo vệ, em sợ hết hồn, lúc về nhớ lại em còn thấy tức cười, có nhải lúc đó anh chỉ muốn hù cm không?

Duy Phong gật đầu, kèm theo một nụ cười rất đặc biệt.

Hoàng Nhi liến thoắng nói tiếp:

– Nếu biết bị anh dọa thì lúc đó em không sợ đâu.

– Vậy cô bé sẽ làm gì?

– Sẽ tìm cách hù lại anh.

Duy Phong nhướng mắt:

– Bằng cách nào?

Hoàng Nhi nghiêng đầu suy nghĩ:

– Em sẽ làm bộ ngất xỉu, cho anh hoảng chơi.

Duy Phong bật cười chứ không nói gì. Hoàng Nhi nói tiếp:

– Em thích hết các mẫu thiết kế của anh, nhưng mê nhất là mấy con chim cánh cụt, dễ thương cực kỳ luôn. Anh vẽ tiếp chim cánh cụt đi.

Duy Phong gật đầu:

– Có vài mẫu nữa, nhưng màu sắc khác, phối với cảnh khác.

– Vậy hả? Cho em được không?

– Khoảng tuần nữa anh sẽ cho cô bé, bây giờ thì chưa được.

Hoàng Nhi vòi vĩnh:

– Vậy cho tất cả các mau có chim cánh cụt nhé.

– Cô bé có vẻ thích chim cánh cụt quá hả?

– Vâng, em mê lắm, nhà em có cả bộ sưu tập luôn, nhưng bằng thủy tinh, đủ màu dễ thương lắm.

Bà Khải chợt đứng dậy:

– Xin lỗi, tôi đi ra ngoài một chút.

Rồi bà bấm tay ra hiệu cho Hoàng Nhi đi theo. Cô cũng lững thững đi phía sau. Vào toalet, bà bắt đầu trừng mắt nhìn cô:

– Con thật quá lắm, nảy giờ mẹ không đồng ý con chút nào.

Hoàng Nhi ngạc nhiên:

– Sao kia, con có làm gì đâu.

– Còn đòi làm gì nữa, tự nhiên đòi uống bia, khi mẹ bảo gọi cáỉ khác thì nghe lời đi, còn dám cãi nữa.

Hoàng Nhi tiu nghỉu:

– Thì con đã uống cam vắt rồi, con có đòi bia nữa đâu.

– Còn nữa, làm gì mà nói chuyện với cậu ấy hoài vậy? Phải biết giữ khoảng cách chứ, ngồi đó tía lia cái miệng, không nhu mì chút nào cả.

– Gặp người quen thì con nói chuyện có làm gì quá đáng đâu, sao mẹ la con.

Bà Khải lắc đầu:

– Cho dù là quen cũng không được nói năng tự nhiên thế, không phải chỉ có cậu ấy, mà ba cậu ấy còn đánh giá con nữa.

Hoàng Nhi bướng bỉnh:

– Bác Dũng có đánh giá gì đâu, bác ấy còn dễ hơn mẹ nhiều.

– Người ta dễ dãi, nhưng cũng ngầm đánh giá mình, nói không hiểu mà còn cãi. Lát nữa ra ngoài đó không được tía lia nữa nghe chưa?

Hoàng Nhi xụ mặt:

– Dạ nghe.

– Mà cũng không được lăng xăng thế nữa, nói chuyện phải mềm mỏng một chút, cười cũng ít thôi, con gái mà cười như pháo nổ, thật coi không được.

– Vâng, con sẽ không cười nữa.

– Càng cười ít càng tốt, nhất là phải to ra nhu mì đó.

Hoàng Nhi dạ luôn miệng, bụng thấy ngán ngẫm chịu không nổi. Mẹ bắt cô làm toàn những cái không làm được. Mẹ sợ bác Dũng đánh giá, nhưng bác Dũng đánh giá đâu không thay chỉ thấy mẹ khe khắt như một bà già khó tính.

Mà chỉ khó với mình cô thôi.

Bà Khải dặn Hoàng Nhi một hồi nữa mới đi ra. Hoàng Nhi đi phía sau.

Miệng ngậm như ngậm thóc. Cô ngồi xuống bàn, cầm ly nước lên, im lặng uống. Hy vọng với cứ chỉ nầy, mẹ sẽ không thấy chướng nữa.

Duy Phong nhìn vẻ ỉu xìu của cô một cách ngạc nhiên. Phải nói là thay đổi độ. Anh bèn nháy mắt ra hiệu với Hoàng Nhi. Rồi nhìn bà Khải:

– Bác cho phép con đưa Hoàng Nhi ra ngoài một lát, con có vài chuyện hỏi thăm cô ấy.

Bà Khải chưa kịp trả lời thì ông Khải khoát tay:

– Hai anh em cứ đi đi.

Được lời như chim sổ lồng, Hoàng Nhi lập tức đứng dậy, đi theo Duy Phong.

Biết là mẹ nhìn phía sau nên cô không dám đi nhanh. Đến chừng thoát ra cửa, cô thở phào, vung hai tay ra một cách thoải mái:

– Dê thở quá.

Duy Phong im lặng quan sát cử chỉ của cô. Rồi cười:

Lúc nãy bị mẹ mắng phải không?

– Sao anh biết?

– Nhìn mặt cô bé thì biết, có vẻ khổ sở quá.

Hoàng Nhi ỉu xìu:

Mẹ Bảo không được nói tía lia, không được cười lớn. Chuyện vui mà không cười lớn thì chịu sao nổi. Ôi trời, em ngộp thở chết được.

– Hình như em luôn làm mẹ em lo lắng phải không?

Hai mắt Hoàng Nhi mở lớn, vừa ngạc nhiên, vừa bất bình:

– Sao anh biết.

Duy Phong nheo mắt:

– Nhìn thì biết.

– Mới gặp lần đầu đã biết rồi à? Chán thật đó, như vậy chứng tỏ em giống như con nít, mẹ làm em tự ái dễ sợ.

Duy Phong chợt đi về phía hồ nước, làm Hoàng Nhi cũng lững thững đi theo. Anh ngồi xuống thành hồ, nhìn Hoàng Nhi vừa cầm xắc tay, vừa xách áo lên một cách chật vật. Không hiểu anh nghĩ gì mà tự nhiên cười một mình.

Hoàng Nhi phật ý:

– Anh cười gì thế bộ nhìn em tức cười lắm hả?

– Cô bé có vẻ khổ sở quá, cứ như phải khoát lên người một mớ bòng bong, không quen phong cách nầy phải không?

Hoàng Nhi chặc lưỡi:

– Anh tinh ý thật đó, cái gì cũng biết cả.

– Không phải anh tinh ý, mà vì anh thấy sự khác biệt của cô bé với lần gặp trước, ai cũng phải nhận ra thôi.

Hoàng Nhi thở dài:

– Mẹ bắt đó, sáng nay tự nhiên bắt em đi chợ với mẹ, rồi mua cả đống đồ mới, giày mới, bắt em phải ăn mặc thế nầy tới đây.

Cô thở hắt ra:

– Ôi em chán chết được.

– Phải mua nhiều đồ thế à?

– Vâng.

Rồi cô kể luôn:

– Mà em đâu có quen mang giày cao gót, lúc chiều vừa mang vô, mới đi được một bước thì té ầm xuống giường, làm em hết cả hồn.

Duy Phong chăm chú nghe cô nói, rồi cười nghiêng ngửa. Cười đến rung cả người. Như lần đầu tiên anh gặp một chuyện khôi hài thế.

Thấy gương mặt giận giận của cô, anh cố nín cười, nói qua chuyện khác:

– Anh có thể hút thuốc được không?

– Anh cứ tự nhiên, em không biết hút, nhưng không thấy khó chịu đâu.

– Cám ơn cô bé.

– Anh lấy thuốc ra, loay hoay châm lửa. Hoàng Nhi thấy môi anh cứ mím lại để đừng cười. Không hiểu anh thú vị cái gì thế.

Nhưng dù sao ra đây ngồi chơi với Duy Phong cũng thoải mái hơn nhiều.

Anh là người lớn, lại dễ hòa đồng, nói chuyện cũng hợp gu với cô. Cần gì phải quen lâu mới coi được là bạn.

Duy Phong chợt lên tiếng:

– Lúc nãy mẹ em mắng cái gì vậy?

– Không cho em nói chuyện thoải mái với anh, và cấm em cười lớn.

– Còn gì nữa không? Nếu chỉ có như vậy thì sao đi lâu, chắc là cấm nhiều chuyện lắm đây.

Hoàng Nhi thở hắt ra:

– Nghĩ lại thật dại dột, lúc nãy em đòi uống bia làm chi không biết.

– Mắng luôn chuyện đó nữa à?

– Vâng.

Cô chống tay dưới cằm, thở dài:

– Ngoài mấy bạn em ra, hình như ai cũng phản đối em hết, em làm chuyện gì cũng bị phê bình cả, về nhà thì ba mẹ rầy. Qua nhà nhỏ bạn chơi thì anh em nó xúm lại nói, em chán lắm.

Sợ Duy Phong không hiểu, cô giải thích thêm:

– Sát nhà em cũng có bạn nữa, em thân với hai anh em nó, mỗi người một cách thân khác nhau, nhưng hai người ai cũng bảo em phải thay đổi.

Cô thở cái khì:

– Tự mình đã như vậy, thay đổi làm sao bây giờ. Mà cũng thật bực mình, ai làm gì em đâu có ý kiến gì đâu, còn họ thì cứ lại nhè em mà chăm bẳm, nhiều lúc tức không chịu được.

Duy Phong nói như gợi ý:

– Mỗi người có một tính cách khác nhau, cho dù khác thường thì đó cũng là phong cách riêng của mình, mình cứ là mình, cần gì phải ulet ý của người khác.

Hoàng Nhi chong cằm nghe chăm chú. Rồi buông tay xuống, cười tươi nói:

– Đây là lần đầu tiên có người đồng tình với em, anh đúng là tri kỷ đó.

Cô nắm tay anh, lắc lắc mấy cái:

– Em chịu mấy người như vậy đó, đừng có coi em là khác thường, thế mới là đồng điệu chứ, anh có đồng ý không?

– Cô bé cứ coi anh như Tấn Bình đi. anh với nó không khác bao nhiêu đâu.

Hoàng Nhi ngạc nhiên:

– Ủa, sao anh biết Tấn Bình.

Duy Phong nói tránh đi:

– Lúc nãy nghe cô bé nhắc thì anh biết thôi, anh biết em có người bạn tên Tấn Bình, và hai anh em người hàng xóm nữa.

– Đúng đó, nhưng trong đám bạn, em thân với Tấn Bình nhất, anh nói em mới nhận ra, nó có nhiều điểm giống anh lắm.

Duy Phong quay lại nhìn cô:

– Cụ thể là gì?

– Thì là... em không nói cụ thể được, nhưng em cảm thấy vậy đó, em thấy anh với bạn em có nhiều nét giống nhau lắm. Hôm nào tụi em đi uống café, em gọi anh há.

Duy Phong búng tay cái tách:

– OK.

Anh nhìn đồng hồ, rồi quay qua Hoàng Nhi:

– Mình ra ngoài nầy lâu quá không hay, đi vô thôi.

Hoàng Nhi miễn cưỡng:

– Ngồi chơi chút nữa đi anh Phong, vô đó chán thấy mồ.

– Không được cô bé ạ, dù sao anh cũng phải giữ ý với mẹ em, đi thế nầy mẹ em không đồng ý đâu.

Hoàng Nhi đành đứng dậy, nhưng vẻ mặt cứ nhăn nhó:

– Em ngán nhất là ở gần mẹ, tất cả mọi chuyện em làm mẹ đều không hài lòng, sau nầy đi làm em sẽ tìm chỗ nào càng xa nhà càng tốt. Lúc đó mẹ khỏi quản lý được em luôn.

Duy Phong cười, lắc đầu:

– Bây giờ em thích tự do, nhưng khi tự do rồi em sẽ lại cần mẹ đó.

– Không khi nào, không khi nào.

Duy Phong không cãi với cô, anh khoát tay ra hiệu:

– Mình vô đi chứ.

Thấy Hoàng Nhi lại xách áo lên, anh nói như nhắc:

– Có lẽ mẹ em sẽ không hài lòng cử chỉ đó đâu, người ta nhìn thì cũng không hay lắm, em cứ tự nhiên đi, nó không đến nỗi làm em té đâu.

Hoàng Nhi vội buông áo xuống. Không hiểu nghĩ gì mà cô cứ thở dài sườn sượt. Khiến Duy Phong phải cố lắm mới khỏi cười. Lần đầu tiên anh thấy một cô gái quý tộc trăm phần trăm, lại dị ứng thời trang như Hoàng Nhi. Và cũng lần đầu tiên anh gặp một cô gái quá có cá tính như vậy.

Bà Mỹ Hương ngồi trước bàn phấn, vừa xoa nhẹ lớp kem lên mặt, bà vừa liếc nhìn ông Dũng đang ngồi đọc báo phía giường:

– Bên đó có đưa con gái đi theo không? Ông thấy con bé thế nào?

Ông Dũng bỏ tờ báo qua một bên gật đầu:

– Con bé còn con nít một chút, năng động, hoạt bát, coi cũng được.

Bà Hương có vẻ chú ý:

– Còn con nít lắm à?

– Ừ, hình như chị Khải kèm cặp con bé dữ lắm, ngồi một chút mà thấy mắng nó tới mấy lần, hình như con bé nghịch quá nên chị ấy không yên tâm.

Bà Hương bỏ hộp kem xuống, vẻ mặt đăm chiêu:

– Còn con nít mà lại nghịch ngợm, đến nỗi mẹ phải kềm cặp kiểu đó, biết có hợp với thằng Phong không?

– Thấy hai đứa nó nói chuyện cũng có vẻ hợp, hình như nó biết nhau trước rồi.

Bà Hương ngạc nhiên:

– Biết nhau rồ à? Nó nhỏ hơn thằng Phong, đâu phải bạn bè trang lứa, mà nó cũng còn đi học, làm sao biết nhau được chứ.

Ông Khải mỉm cười dễ dãi:

– Thì có thể nó gặp nhau ở tiệc tùng hay lúc đi chơi với bạn bè, đâu có nhất thiết cùng giới làm ăn mới biết nhau.

Bà Hương vẫn nghĩ gì đó một cách đăm chiêu, rồi hỏi lại:

– Ông thấy con bé tinh nghịch à?

– Chắc không được quá, phải tìm một cô gái chín chắn và giỏi làm ăn, chứ kiểu con gái mà mẹ phải kềm cặp thì được tích sự gì chứ.

– Vấn đề là thằng Phong có chọn hay không, chứ mình làm sao mà quyết định cho nó, nó không đồng ý để mình chọn vợ cho nó đâu.

Bà Hương mỉm cười:

– Tôi cũng đâu có ra mặt chọn, thì cứ tạo điều kiện cho nó gặp nhiều người, rồi tùy nó chọn. Chẳng lẽ giới thiệu cả chục cô mà nó không thích được cô nào.

– Hình như nó hợp với con bé nầy, thấy nó đưa con bé ra ngoài chơi. mà con bé cũng có vẻ thích nó lắm.

Bà Hương quay hẳn lại, như rất chú ý:

– Nó thích con bé nầy à? Ông thấy như vậy à?

– Chắc vậy, từ đó giờ có bao giờ nó mời một cô nào đi nói chuyện riêng đâu.

– Một con bé còn lóc chóc mà nó thích được à?

Bà phẩy tay một cách tiếc rẻ:

– Nếu biết vậy tối nay tôi từ chối đi với chị Phát. Dù sao cũng phải đích thân xem mặt con bé tôi mới yên tâm, hay là mình mời bên đó đi ăn lần nữa.

– Có tiện không, như vậy thì có vẻ như mình chủ động tiến tới, rủi thằng Phong rút lui thì kỳ với người ta.

Bà Hương đứng dậy:

– Để tôi dò ý nó xem sao.

Rồi bà đi qua phòng Duy Phong. Anh đang thiết kế một mẫu hoa văn trên máy. Thấy bà đi vào, anh quay người nhìn ra:

– Me chưa ngủ hả?

– Khuya rồi sao con không đi ngủ đi.

Duy Phong mỉm cười:

– Chưa đến nửa đêm mà mẹ. Mẹ có chuyện gì phải không?

Bà Hương ngồi xuống giường, hỏi một cách kín đáo:

– Tối nay đi ăn vui không con.

Duy Phong nhìn bà một cái, như hỏi lạ về cách quan tâm đó, nhưng vẫn trả lời:

– Con thấy cũng bình thường, nhưng sao mẹ lại hỏi vậy?

– Có gì đâu, mẹ muốn biết vậy mà.

– Những lần đi giao dịch kiểu đó, có bao giờ mẹ quan tâm đâu.

Bà Hương hỏi xa xôi:

– Mẹ nghe ba nói anh Khải có cô con gái dễ thương lắm phải không? Con có quen với con bé đó à?

– Dạ.

Chờ hoài không thấy Duy Phong nói gì thêm, bà hỏi tiếp:

– Ba con bảo con bé còn con nít lắm hả?

– Dạ.

– Con có ý gì với nó không?

Duy Phong hỏi một cách ngạc nhiên:

– Sao mẹ lại hỏi vậy?

– Mẹ nghe ba nói con thân với con bé nên mẹ muốn biết vậy mà.

Duy Phong lắc đầu:

– Con chỉ mới gặp cô bé đó hai lần thôi.

– Hai lần thôi à? Vậy mà mẹ tưởng...

Bà Hương bỏ lững câu nói, tay khoát như tự cười mình. Cử chỉ của bà làm Duy Phong nghi ngờ. Bất chợt anh cười với chút chế giễu:

– Con biết mẹ nghĩ gì rồi, nảy giờ con nghĩ không ra, vì như vậy nên mẹ qua hỏi con phải không.

– Con biết mẹ nghĩ gì chứ?

Duy Phong nói chẳng cần rào đón:

– Ba mẹ muốn tìm một cô con dâu, và tối nay thấy con nói chuyện với cô bé đó, ba tưởng con đã thích cô ta, và mẹ qua điều tra con ngay, con nói đúng phải không?

Bà Hương bật cười:

– Đã biết vậy sao không nói thẳng, còn quanh co với mẹ.

– Lúc nãy con chưa nghĩ ra. Nhưng chắc là mẹ thất vọng rồi, cô ta chỉ là cô bé con, thậm chí cô ta không hiểu nổi ý nghĩ của người lớn đâu.

– Có nghĩa là con không chấm cô ta phải không?

– Con hoàn toàn không nghĩ đến chuyện có một cái gì đó với cô ta, nên không thể có chuyện chấm hay không.

Anh ngừng lại, nhìn bà chăm chú:

– Hình như ba nói gì đó nên mẹ lo?

Bà Hương gật đầu:

– Mẹ nghe nói con bé đó tính có vẻ không đằm thắm, còn nghịch ngợm lắm phải không?

– Vâng, rất con nít.

– Cho nên mình sẽ không mời gia đình đó thêm một lần nữa, mẹ sợ làm người ta hiểu lầm, hoặc hy vọng một cái gì đó, dù sao cũng không được làm mất duyên con gái người ta.

Duy Phong không nén được, anh bật cười lớn:

– Trời ơi, ba mẹ nghĩ cái gì vậy?

Anh chợt nheo mắt nhìn bà:

– Chuyện nầy làm con nghĩ ra, có phải mấy lần trước ba mẹ cũng sắp sếp những cuộc gặp kiểu nầy cho con không? Tưởng như là giao dịch làm ăn, nhưng thực chất là để con xem mắt. Thật là...

Anh ngừng lại, lắc đầu:

– Con không biết nói gì nữa, tới mãi bây giờ con mới biết, đáng lẽ phải nhận ra sớm hơn.

– Dù sao thì con cũng đã ra trường mấy năm rồi, phải tính đến chuyện vợ con chứ.

Duy Phong trêu chọc:

– Nếu con là con gái, chắc mẹ còn lo nhiều hơn, ở tuổi nầy con gái mà chưa lấy chồng là xem như ế rồi phải không mẹ?

– Cái thằng nầy.

Bà Hương vừa nói vừa phát vào vai anh một cái. Giọng âu yếm:

– Mẹ không sợ con gái không thích con, mà sợ con quá khó tính, dù sao thì cũng phải tìm một người xây dựng với mình chứ con.

– Chuyện đó để nói sau đi mẹ, bây giờ khuya rồi.

Bà Hương vẫn không muốn ra khỏi phòng, bà nhìn Duy Phong, tự hào không để đâu cho hết. Dáng dấp cao ráo và gương mặt khôi ngô như thế, khiêm tốn lắm bà mới chỉ phải nói là khá. Tìm đâu ra một thanh niên quá nhiều ưu điểm thế nầy chứ.

Duy Phong hiểu cái nhìn đó. Anh mỉm cười với một chút âu yếm. Rồi đẩy bà đi ra cửa:

– Thay vì lo chuyện của con, mẹ hãy để thời giờ đó nghĩ ra một cái gì đó vui hơn. Chúc mẹ ngủ ngon nhé.

– Cái thằng.

Bà Hương đi ra ngoài. Duy Phong khép cửa lại, trở lại máy ngồi. Nhưng không còn hứng thú vẽ nữa, anh mở nhạc ra nghe một chút. Rồi tắt máy.

Anh nằm xuống giường, tắt đèn. Chuyện lúc nãy làm anh thấy buồn cười.

Không ngờ cuộc gặp lúc tối là ba mẹ cố ý sắp đặt, đáng lẽ phải nhận ra từ lâu rồi mới phải.

Nghĩ đến chuyện đó, anh lại nhớ đến Hoàng Nhi. Rồi cười một mình.

Cái cô bé con đó, chắc là mọi người thấy cô ta giống con trai, nhưng trong mắt anh, cô ta chẳng nam tính chút nào. Chỉ là một cô con gái chưa kịp trưởng thành, chưa đến lúc nhận ra mình là một cô gái. Tất cả những gì cô ta làm, những cử chỉ của cô ta... tưởng là nam tính, nhưng thật sự chỉ là những trò tinh nghịch của một cô bé còn quá vô tư. Sao ba mẹ lại không hiểu điều đó nhỉ?

Cái phút đầu tiên thấy cô ta, vào cái lúc cô ta quay lại, đôi mắt tròn xoe hoảng sợ, cử chỉ đó là của một cô gái đầy nữ tính. Đó mới thật sự là bản chất của cô ta. Còn những cái khác đều chỉ là vẻ bề ngoài không đáng để một bà mẹ quá lo âu.

Trước lúc chia tay, cô ta còn hứa chắc là sẽ rủ anh đi uống cafe. Không biết cô ta sẽ thực hiện như thế nào, nếu cô bé mời, chắc chắn anh sẽ không từ chối, dù anh rất tiết kiệm thời giờ.

Mấy ngày sau, buổi chiều Duy Phong đi công việc. Trên đường về công ty thì thấy Hoàng Nhi ngồi bên lề đường. Cô đang chờ sửa xe. Anh bèn tấp vào lề, nghiêng người qua kéo cửa kính xuống, gọi lớn:

– Nhi.

Hoàng Nhi quay lại. Vẻ mặt chán nản bỗng tươi rói lên mừng rỡ. Cô chạy nhanh ra xe, cười hớn hở.

– Anh Phong đi đâu vậy?

– Đi công việc, ngang qua đây thấy Nhi nên anh tấp vào, xe sao vậy?

– Em không biết, tự nhiên nó không chạy nữa, phải sửa ít nhất là đến tối, nảy giờ em định bỏ về đó.

– Lên xe đi chứ.

Hoàng Nhi mở cửa ngồi vào xe hình như gặp Duy Phong vui lắm, nên cô cứ cười luôn miệng:

– Gặp anh em mừng dễ sợ, nảy giờ em chán muốn chết được.

– Sao không gọi điện rủ bạn tới?

– Không biết máy nó bị gì ấy, em không liên lạc được.

– Bây giờ cô bé muốn đi đâu?

– Để em suy nghĩ đã.

Duy Phong gợi ý:

– Anh chờ em mời uống café hoài sao chẳng thấy gọi. Còn nhớ không hả?

– Nhớ chứ, nhớ, nhưng mà bây giờ đừng vào quán.

– Vậy chứ đi đâu.

– Gặp anh thế nầy, phải đi một chỗ nào cho đáng, vào quán chán lắm.

Duy Phong tò mò:

– Vậy cụ thể là chỗ nào?

– Đi tới đi, tới đâu em chỉ tới đó, quán nầy không có tên.

Duy Phong cho xe lướt tới. Chạy đến ngã tư, Hoàng Nhi điều khiển rẻ phải, sau đó rẻ thêm vài đường nữa. Cuối cùng là đến một con hẻm tương đối nhỏ, xe có thể vào được. Duy Phong đưa mắt tìm một quán ăn. Nhưng chẳng thấy quán nào. Anh định hỏi thì Hoàng Nhi đã khều tay anh:

– Ngừng lại đi anh Phong, chỗ nầy nè.

Duy Phong xuống xe, đi theo cô. Bây giờ anh mới thấy quán mà Hoàng Nhi nói. Đó là một khoảng sân rộng, nhiều cây, bày khá nhiều bàn ghế. Khách cũng tương đối đông. Dưới cây trứng cá là tủ kiếng khá lớn. Không biết bán thứ gì, nhưng chất đầy cả tủ.

Hoàng Nhi kéo anh đến ngồi dưới gốc cây trứng cá, hỏi một cách chăm sóc:

– Anh Phong ăn gì?

– Ở đây có cái gì?

Hoàng Nhi liệt kê một hơi:

– Gỏi cuốn, chuối chưng, chè, trái cây, rau câu trái cây...

Duy Phong ngồi im nghe cô nói. Phải nói là Hoàng Nhi có trí nhớ rất tốt.

Chắc là thuộc lòng các món ở đây. Nhưng anh nghĩ mãi vẫn không thấy thứ nào ăn được. Toàn là quà vặt của con gái. Trong khi anh tưởng cô đòi đi ăn tối.

Duy Phong giơ tay chận lại.

– Món ăn thì có nhiều đó, nhưng có cái nào ăn được không Nhi?

Hoàng Nhi tròn xoe mắt:

– Thì đó là những thứ để ăn đó, chứ anh đòi gì nữa.

– Không, ý anh là... em không cần ăn tối sao?

– Thì mình đang ngồi trong quán ăn đó thôi.

Duy Phong khoát tay:

– Thôi được rồi, em cứ gọi đi.

– Nhưng anh Phong ăn gì?

– Gì cũng được.

Hoàng Nhi bèn gọi món gỏi cuốn trước. Kế đến là chuối chưng, rau câu trái cây, chè đậu. Mỗi thứ hai ly bày đầy cả bàn. Duy Phong ngạc nhiên nhìn cô:

– Sao không để ăn hết rồi gọi tiếp?

– Chỗ nầy đông lắm, gọi một lượt luôn, để một lát người ta qua bàn khác thì chờ lâu lắm, chờ là em mất hứng.

Rồi cô đẩy chén nước chấm đến trước mặt Duy Phong, mặt tươi rói:

– Anh Phong ăn đi.

Duy Phong cầm một cuốn gỏi lên, nhìn nhìn, rồi cắn một miếng. Không biết nó có gì hấp dẫn mà Hoàng Nhi cứ khen luôn miệng. Anh chỉ ăn nổi hai cuốn rồi lắc đầu:

– Nhi ăn hết đi.

– Sao vậy? Bộ anh không thích hả?

– Cũng thích.

– Hay là em gọi món khác cho anh nghe.

Duy Phong nhìn về phía tủ. Biết có gọi tìm mấy đi nữa, cũng chỉ toàn là mấy món ngọt của con gái. Nên anh lắc đầu:

– Thôi khỏi, em cứ ăn thoải mái đi. Lúc nãy anh ăn rồi.

– Vậy hả?

Hoàng Nhi ăn một cách ngon lành. Duy Phong lấy thuốc ra hút. Kín đáo quan sát Hoàng Nhi. Cô mang giày Adidas, quần short trắng, áo sơ mi xăn tay tới khuỷu. Hoàn toàn không có nữ trang nào trên người. Anh nhìn xuống bàn tay nhỏ nhắn. Những ngón tay không hề đeo nhẫn. Chỉ có chiếc đồng hồ ở cổ tay tròn trỉnh. Mà nó cũng không có tí gì là màu mè kiểu cọ.

Hoàng Nhi có bàn tay quá đẹp, nhưng hình như cô không biết điều đó. Nếu có một món nữ trang nào trên cổ tay trắng ngần ấy, chắc chắn sẽ dễ thương hơn nhiều.

Đúng là một cậu trai dễ thương. Chưa hay là không hề ý thức mình là con gái. Chưa biết làm dáng điệu đàng. Mà có lẽ cô bé cũng không phân biệt giới tính khi ngồi trước mặt một thanh niên như anh.

Chỉ khi ăn uống thế nầy, cô mới thể hiện mình là con gái.

Tự nhiên Duy Phong cười một mình.

Nếu là ai đó, bị nhìn như thế chắc sẽ ngượng lắm. Nhưng Hoàng Nhi chỉ mở to mắt thắc mắc:

– Anh cười cái gì thế? Mà làm gì nảy giờ anh cứ nhìn em hoài vậy?

– Anh không nhìn Nhi, chỉ quan sát mấy món ăn thôi. Chắc là em quen với chỗ nầy lắm.

Hoàng Nhi vừa múc muổng chè cho vào miệng, vừa gật đầu:

– Tất nhiên, em biết chỗ nầy lúc còn học cấp ba lận, ở đây làm thứ gì cũng ngon, mà lại nhiều món. Vào mấy quán khác chỉ có vài món, chán lắm.

Duy Phong tò mò:

– Em có hay rủ Tấn Bình tới đây không?

– Có chứ, đi nguyên nhóm luôn.

– Vậy tụi nó có ăn không?

– Có, nhưng ăn ít lắm, chủ yếu là chờ em.

Duy Phong gật gù như hiểu:

– Ra là vậy?

– Ý anh muốn nói gì?

– Anh hơi thắc mắc, không hiểu sao em hợp được với bọn con trai, trong khi sở thích ăn uống luôn trái ngược nhau.

Hoàng Nhi vô tư:

– Đâu có gì trái ngược, bọn nó chìu em lắm.

Cô vét hết chè. Rồi bỏ ly xuống:

– No quá trời.

Duy Phong nhìn xuống bàn. Tất cả những món cô gọi đều đã hết sạch, chỉ trừ những ly anh không ăn. Anh không hiểu nổi tại sao Hoàng Nhi có thể ăn quá nhiều đồ ngọt như thế. Trong khi anh không thể nào ăn hết nổi một chén chè.

Tự nhiên anh mỉm cười:

– Đây là buổi ăn tối của em đó hả?

– Vâng, thế nầy là no rồi. Giờ mình đi chỗ khác nhé.

Duy Phong quay qua gọi tính tiền. Rồi nhìn Hoàng Nhi:

– Đi đâu nữa?

– Em chưa nghĩ ra, cứ đi đi rồi tính nữa.

Duy Phong rất muốn biết cách đi chơi của Hoàng Nhi. Nên không muốn chủ động đề nghị. Anh làm như rất thụ động, xem cô bé sẽ điều khiển mình như thế nào.

Đi trên đường rồi, Hoàng Nhi bắt đầu hỏi:

– Anh có biết nhảy không?

– Biết.

– Vậy mình tới vũ trường chơi nhé.

– Đồng ý.

– Nhưng trước hết phải ghé một quán ăn đã.

Duy Phong quay nhanh lại nhìn cô, kinh ngạc:

– Lại đó nữa rồi à?

Hoàng Nhi hỉnh mũi:

– Không, là để anh ăn đó chứ.

– Thôi khỏi, anh chưa đói đâu.

– Vậy anh ăn hồi lúc nào?

– Trưa.

Hoàng, Nhi lắc đầu nguầy nguậy:

– Không được, vậy mà cũng bảo là ăn rồi.

Chợt cô nhìn bên đường, rồi kéo tay Duy Phong:

– Anh ngừng lại đi.

– Chi vậy?

– Thì anh cứ ngừng đi.

Duy Phong thắng xe lại:

– Nhi đi đâu vậy?

Nhưng anh chưa kịp hỏi hết câu thì Hoàng Nhi đã nhảy xuống đường. Cô chạy ào về phía xe bánh mì. Lát sau trở ra, đưa ổ bánh cho Duy Phong:

– Ăn đi, nếu đói anh chơi không nổi đâu.

“Cô bé chu đáo thật” - Duy Phong nghĩ thầm một cách ngạc nhiên:

Anh không ngờ cô cũng biết chăm sóc người khác. Nghĩ về người khác. Có lẽ vì vậy nên bọn con trai trong nhóm luôn chìu chuộng cô.

Duy Phong chưa kịp cầm ổ bánh thì Hoàng Nhi đã nói như ra lệnh:

– Anh qua đây ngồi đi.

– Chi vậy?

– Để em lái xe cho, trong lúc đó anh sẽ tranh thủ ăn.

Duy Phong khoát tay, mỉm cười:

– Được rồi, để anh tự xoay sở. Nhưng này, em biết lái xe à?

– Vâng?

– Học từ lúc nào vậy?

– Em mới học mấy tháng nay, Tấn Bình dạy em đó.

Duy Phong nhăn mặt làm ra vẻ sợ hãi:

– Thôi, anh không dám giao tính mạng cho Hoàng Nhi đâu.

Hoàng Nhi hứ một tiếng:

– Khi dễ hả?

– Không, chỉ thấy ngạo nghễ thôi.

Hoàng Nhi phì cười. Rồi dứ dứ tay đe dọa:

– Anh biết cái nầy là cái gì không?

– Dám đánh anh không?

– Nếu đánh thua thì em cắn, em đâu có sợ. Tấn Bình bị em cắn hoài chứ gì.

Duy Phong cười phá lên, rồi gật gù:

– Anh không ngờ Hoàng Nhi cũng có đòn tự vệ đặc biệt vậy, chắc như vậy em mới chơi được với bọn con trai nhỉ?

Anh rất muốn nói thêm ''Càng tiếp xúc anh càng thấy em rất nữ tính''. Nhưng lại thôi, Hoàng Nhi mà biết anh cũng cho cô là con trai, cô sẽ đề phòng luôn cả anh.

Duy Phong vừa lái xe vừa nhai bánh mì. Anh thấy vô cùng kỳ cục, nhưng hình như Hoàng Nhi không thấy điều đó, cô thích gì thì cứ làm nấy, chẳng quan tâm sợ như vậy có kỳ không. Đúng là còn con nít.

Khi vào vũ trường thì sàn nhảy đã đông, nhạc dồn dập lôi cuốn. Hoàng Nhi không chịu ngồi lâu, cô kéo tay Duy Phong đứng dậy:

– Đi anh Phong.

Duy Phong để yên cho cô kéo đi. Cả hai lẩn vào giữa, nhanh chóng hòa theo nhạc. Phải nói là Hoàng Nhi rất quậy, cô nhảy rất nhiệt tình, vừa nhảy vừa đùa giỡn thật trẻ con. Duy Phong cũng không giữ vẻ chửng chạc nữa, anh nhéo mũi cô một cái. Lập tức Hoàng Nhi đấm lên vai anh trả lễ. Rồi cười dòn tan. Cô khiến Duy Phong cũng phải đùa giỡn theo cô một cách vô tư.

Khi còn học đại học, Duy Phong cũng hay đi nhảy với bạn bè. Nhưng chưa bao giờ anh gặp một người bạn vui như vậy. Chưa có ai đùa giỡn trên sàn nhảy giống như Hoàng Nhi. Cô làm anh thấy vui thật sự.

Mà Hoàng Nhi rất mê chơi, cô không bỏ bản nào. Nhảy suốt không biết mệt là gì. Mấy lần Duy Phong nhìn đồng hồ. Thấy gần mười giờ, anh định nhắc cô về mấy lần. Nhưng lần nào Hoàng Nhi cũng lắc đầu không chịu. Mà anh thì cũng không nỡ phá ngang cuộc vui của cô.

Cuối cùng thấy gần 11 giờ, anh cương quyết kéo Hoàng Nhi ra khỏi sàn nhảy. Cô nói một cách miễn cưỡng:

– Chưa đóng cửa mà anh Phong.

– Không được, em phải về, để mẹ em chờ cửa đó.

Nghe nhắc đến mẹ, Hoàng Nhi như cụt hứng ngay. Cô ngoan ngoãn theo Duy Phong đi ra xe. Nhưng còn tiếc nuối:

– Còn sớm quá.

– Hôm nào rảnh anh sẽ rủ Nhi đi nữa, bây giờ khuya rồi, phải về thôi.

– Thì em có nói gì đâu.

Duy Phong nhận xét:

– Em ham chơi thật đó Nhi.

– Em đâu có nói là em ngoan đâu.

Duy Phong liếc nhìn vẻ phụng phịu ngầm của cô, rồi cười thành tiếng:

– Về khuya thế nầy em không sợ sao?

– Mẹ không khi nào nhốt em đâu, còn nếu bị đóng cửa thì qua nhà nhỏ Hương ngủ.

Duy Phong nhướng mắt ngạc nhiên:

– Lần đầu tiên anh thấy có một cô gái dạn dĩ như vậy.

Hoàng Nhi định trả lời, Nhưng xe đã ngừng lại nên cô làm thinh. Cô bước xuống, khẽ vẩy tay:

– Chào anh, hẹn gặp lại.

Duy Phong mở cửa bước xuống, hỏi như nhắc:

– Còn xe đang bỏ sửa thì sao?

– Ngày mai bạn em đưa em tới lấy, có gì đâu.

– Thôi được, em vô nhà đi.

– Anh Phong về đi. Đi đi.

– Em mở cửa xem có bị nhốt không, chừng nào em vào nhà anh sẽ về.

Hoàng Nhi bước tới mở cửa. Nhưng nó đã bị khóa. Cô bèn quay lại. Duy Phong, định nói thì anh đã lên tiếng trước:

– Khóa cửa rồi phải không?

– Dạ Rồi cô nói như đuổi:

– Anh Phong về đi mà, chừng nào anh về em mới vô.

Duy Phong hất mặt:

– Em gọi cửa đi.

– Thì cứ để em lo, anh về đi mà.

Hai bên dằn co khá lâu. Hoàng Nhi nhất định chờ Duy Phong đi mới chịu vô nhà. Cuối cùng anh cũng đành thua cô. Anh bèn lên xe đi:

Nhưng chạy một đoạn, anh bèn quay đầu chạy ngược lại, xem Hoàng Nhi vô nhà bằng cách nào.

Thật như không tin vào mắt mình. Duy Phong ngồi yên sau tay lái, nhìn thật lâu về phía cổng. Anh thấy Hoàng Nhi đang thoăn thoắt leo lên cửa. Rồi nhảy phóc xuống sân nhà kế bên.

Duy Phong cho xe lùi lại để nhìn vào sân. Anh thấy cái bóng nhỏ nhắn của cô chạy luồn theo bờ tường, rồi nhanh nhẹn leo lên cây mận, nhanh như con sóc.

Anh chỉ còn biết lắc đầu một mình. Lần đầu tiên anh thấy một cô gái quậy đến vậy. Hết biết!

CHƯƠNG 2

T

rúc Hương mua vé xong, chạy đến ngồi lên phía sau xe Tấn Kiệt. Anh quay lại nhìn phía sau:

– Nhi tới chưa?

– Em không thấy, chờ chút nữa xem.

– Lúc nãy con bé còn chạy phía sau mình mà.

– Chắc nó bị kẹt lại rồi, để em trở ra xem.

Trúc Hương xuống xe, định đi ngược ra cửa thì thấy Hoàng Nhi. Xe đông như vậy mà cô luồn lách rất nhanh. Cô định mua vé thì Trúc Hương đã giơ tay lên ra hiệu:

– Có vé rồi nè, nhanh đi.

Lúc đó phà sắp chạy, chỉ còn lác đác vài xe vội vã chạy xuống cầu. Tấn Kiệt quay lại nhắc:

– Nếu không kịp thì đợi chuyến sau, em không quen chạy mấy chỗ nầy đâu, cứ từ từ thôi nghe.

Rồi anh chạy kè bên cô. Nhưng Hoàng Nhi đã phóng ào ào xuống cầu. Vượt qua mấy xe trước, vọt cái ào lên phà. Rồi thắng xe cái kịt. Khiến mấy người gần đó phải ngoái lại nhìn một cách tò mò.

Mà không tò mò sao được khi cô có về nổi cộm so với hành hành khách xung quanh. Trong khi mọi người thuộc dân tỉnh, ăn mặc rất đơn sơ. Còn cô thì khoác trên người nguyên bộ jean, nón bảo hiểm kín đầu. Mà nổi nhất là dáng người nhỏ nhắn tương phản với chiếc @ cồng kềnh màu đỏ. Không biết làm cách nào mà cô điều khiển cho nổi một chiếc xe nặng nề như vậy.

Tấn Kiệt vội chạy nhanh theo cô. Anh lắc đầu:

– Con bé nầy, hết biết.

Trúc Hương ngồi phía sau cũng hơi run. Khi Tấn Kiệt dựng xe sát xe Hoàng Nhi, cô nhăn nhó:

– Ông chạy đi đâu dữ vậy. Rủi lạc tay lái bay luôn xuống sông thì sao?

– Thì thành tử sĩ chứ sao.

– Hứ, tướng ông chết thành quỷ chứ ở đó mà tử sĩ.

Hoàng Nhi cười hì hì, không trả lời. Chợt thấy một cô bé đứng gần đó, nhìn mình bèn gỡ nón bảo hiểm xuống, mỉm cười với cô nàng.

Cô ta buột miệng:

– Thì ra là con gái, tưởng đâu...

Rồi cô ta im bặt.

Trúc Hương cười nghiêng ngữa:

– Nếu ông mang khẩu trang, chắc chắn thiên hạ sẽ có khối người lầm, biết vậy đừng gỡ nón.

Hoàng Nhi vuốt mái tóc ngắn ngủn, nheo mắt với cô nàng kia một cái. Rồi cười khúc khích với Trúc Hương:

– Biết vậy tôi giả làm con trai cua cô bé đó chơi.

Trúc Hương chậm chích:

– Ông cần gì phải giả, ông không nói thì tôi không biết ông là con gái đó chứ.

– Hứ, vớ vẩn.

– Biết hai nàng lại sắp kê nhau, Tấn Kiệt xen vào:

– Mình lên tầng trên đi, lên đó Nhi ngắm cảnh cho biết.

Hoàng Nhi đồng ý, búng tay cái tách:

– OK, đứng dưới nầy khói quá. Đi nào.

Rồi không đợi anh em Tấn Kiệt, cô phóng một lúc hai bậc thang đi lên tầng trên.

Cô đứng tựa một chân lên băng ghế. Hai tay chống theo chấn song sắt, nheo mắt nhìn ra xa. Hoàn toàn không biết cử chỉ của mình vô cùng phóng khoáng kiểu con trai.

Trúc Hương lên tới, kéo tay cô:

– Làm ơn ngồi xuống đàng hoàng đi.

Hoàng Nhi không để ý chuyện đó, cô chỉ đám lục bình trôi trên, mặt nước, thắc mắc:

– Sao giữa sông lại có lá gì vậy? Lá ở đâu mà rớt nguyên chùm xuống đây lận?

Tấn Kiệt phì cười. Trúc Hương giải thích:

– Lục bình đó.

– Lục bình là cái gì?

– Là... thì nhìn sao biết vậy đi, hỏi làm gì. Nếu mỗi cái mỗi hỏi thì xuống đến dưới chắc trả lời mệt với ông quá.

Hoàng Nhi hứ một cái:

– Không biết thì nhận là không biết đi, bày đặt làm ra vẻ rành rẽ, rồi giải thích chẳng đi tới đâu.

Cô quay qua Tấn Kiệt:

– Anh nói sông ở miền tây nhiều phù sa, sao nảy giờ em không thấy phù sa ở đâu anh?

Tấn Kiệt cười cười chỉ xuống nước:

– Ở dưới đó.

Hoàng Nhi nghiêng tới ngó xuống, rồi lắc đầu:

– Em chẳng thấy gì cả.

Trúc Hương bấm tay cô một cái:

– Lát nữa lên bờ, ông thấy hai bên có nhiều bùn, cái đó là do phù sa bồi đắp đó, bây giờ làm ơn ngồi im đi, đừng có hỏi nữa.

Hoàng Nhi bỉu môi:

– Tại vì hỏi thì ông không biết cách trả lời chứ gì?

– Ai không biết cách, xí.

Hoàng Nhi tủm tỉm cười một mình. Cô biết chắc Trúc Hương cũng không rành hơn cô bao nhiêu. Nói là quê ở đây, chứ cô nàng có sống thường đâu mà biết.

Từ lâu Hoàng Nhi rất thích về quê chơi, nhưng chẳng có dịp nào để đi. Nếu anh em Trúc Hương không về quê đám giỗ lúc nầy, thì chắc cô cũng không có dịp nào để đi.

Một lát sau thì phà cập bến. Lần nầy Hoàng Nhi không dám phóng đua với Tấn Kiệt nữa, mà cứ chạy bám theo anh vì sợ lạc đường.

Đến gần chiều thì về tới nhà dì Út của Trúc Hương.

Dì Út có vẻ hiền và dễ gần. Khi ba người vào nhà, dì chặt dừa cho mỗi người một trái. Và không ngớt cười với Hoàng Nhi:

– Lúc nãy thấy con chạy ngoài ngỏ, dì tưởng Trúc Hương dẫn bạn trai về chơi chứ, nhìn con giống con trai quá nhỉ?

Hoàng Nhi đã quen nghe nhiều người nhận xét như vậy, nên chỉ cười. Nhưng Trúc Hương thì cười nghiêng ngữa, đến nỗi làm đổ cả trái dừa trên tay.

Cách cười đó cũng không làm Hoàng Nhi thấy bực mình. Cô đã quen thấy cô nàng cười khi ai nói như vậy, nên cứ vờ đi như không thấy.

Lần đầu tiên cô được vào một ngôi nhà xung quanh có vườn cây mát rượi kiểu nầy. Cô thích mê, nên vừa thay đồ xong là cô đã kéo Trúc Hương và Tấn Kiệt ra vườn.

Ba người đi luồn dưới hàng mận, vừa đi vừa tìm trái chín hái ăn. Nắng rọi qua khe lá, lung linh dưới mặt đất như nhảy nhót. Làm Hoàng Nhi nhìn hoài không chán mắt. Cô kéo tay Kiệt chỉ xuống đất, xuýt xoa:

– Nó dễ thương quá anh Kiệt.

– Cái gì dễ thương?

– Nắng ấy, lần đầu tiên em thấy nó nhảy nhót trên mặt đất như vậy? Ở đây hay thật đó, yên tĩnh ghê.

Trúc Hương châm cho một câu:

– Ông mà cũng thích cảnh yên tĩnh nữa hả? Lạ ghê, tôi tưởng ông chỉ thích không khí ồn ào trong vũ trường ấy chứ.

Hoàng Nhi định độp lại, nhưng vừa lúc đó tiếng dì Út vọng ra gọi Trúc Hương, nên cô làm thinh.

Trúc Hương vào nhà rồi, Tấn Kiệt vẫn tiếp tục dẫn Hoàng Nhi đi luồn trong vườn, mỗi lúc mỗi xa nhà. Cuối cùng thì ra tới bờ sông.

Hai người đứng bên hàng dừa nhìn xuống mặt nước loang loáng nắng chiều bên kia bờ sông là rặng cây bần xanh um. Hoàng Nhi nhìn không chán mắt dòng nước chảy lặng lờ. Tất cả những thứ nầy vừa mới mẻ vừa cuốn hút, khiến cô có tâm trạng rất lạ.

Tấn Kiệt nhìn vẻ mặt mơ màng của cô, rồi lên tiếng:

– Thế nào, thích ở đây không?

Hoàng Nhi gật đầu:

– Nếu em có quê ở đây, em sẽ về mỗi mùa hè.

Lần đầu tiên em thấy cảm giác lạ lạ.

– Lạ thế nào?

Hoàng Nhi nheo mắt, cố diễn đạt:

– Nó có cái gì đó thành bình hơn ở thành phố, nó làm mình... đại khái là em thấy buồn buồn, hay hay.

Tấn Kiệt đưa tay vò đầu cô:

– Cũng lãng mạn dữ.

– Hứ, hết nhỏ Hương rồi tới anh, nói chuyện một lát là thấy nổi giận.

Tấn Kiệt cười xòa:

– Em có lúc nào không nổi giận với nhỏ Hương đâu bây giờ kéo luôn cả anh nữa à?

Hoàng Nhi định trả lời. Nhưng vừa lúc đó, cô thấy một chiếc xuồng chạy tới.

Trên xuồng có một bà già và một cậu bé. Thằng bé cầm cây bơi rất rành rẽ.

Nhưng Hoàng Nhi không quan tâm chuyện đó, cô chép miệng:

– Ước gì mình được đi chơi như họ há anh Kiệt.

Tấn Kiệt phì cười:

– Họ đi công chuyện chứ không phải đi chơi đâu cô hai, dân quê người ta không đi chơi như vậy đâu.

Hoàng Nhi hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Vậy thì họ đi đâu thế?

– Để anh gọi họ lại hỏi xem.

Hoàng Nhi biết mình bị chọc, cô cũng phì cười nhận ra mình hỏi lãng nhách.

Cô kéo tay Tấn Kiệt đi tiếp:

– Mình lại phía cây cầu đàng kia đi anh Kiệt.

– Đi thì đi, nhưng buông tay anh ra đi, người ta thấy là tưởng mình bồ bịch đó.

Hoàng Nhi hứ một tiếng, nhưng cũng buông ra, hoàn toàn không để ý cử chỉ vừa rồi của mình. Cô phóng một bước tới cây cầu bắc, ngang qua con mương, đứng khom người chống hai tay xuống gối, nhìn nhìn xuống nước:

– Không biết có sâu không nhỉ?

Tấn Kiệt nói như nhắc; – Đừng qua cầu đó, đi không được đâu, coi chừng té đó.

Hoàng Nhi cũng hơi sợ, cô bĩu môi:

– Đừng hù nhé, em không có nhát như nhỏ Hương đâu.

Cô chợt đưa mắt nhìn cây dừa phía trước. Một nhánh của nó bị gãy, treo tòng teng trên cây. Thế là cô phóng một bước về phía đó. Vừa túm lấy nhánh lá, cô vừa nói lớn:

– Coi hiệp sĩ bay nè.

Rồi cô phóng mình đu lên nhánh dừa, cười dòn dã khoái chí. Tấn Kiệt hoảng hồn la lớn:

– Coi chừng nó rớt.

Vừa nói anh vừa chạy nhanh tới cản. Nhưng không kịp nữa, tàu dừa bị sức nặng của Hoàng Nhi, rơi xuống nước cái ầm, nước văng lên tung tóe, kéo theo cả Hoàng Nhi.

– Trời ơi.

Tấn Kiệt kêu lên một cách hốt hoảng, khi thấy Hoàng Nhi ngụp lặn dưới nước. Anh nhảy nhanh xuống, bơi về phía cô, miệng nói lớn:

– Đừng sợ, có anh nè.

Phải mất mấy phút anh mới túm được áo Hoàng Nhi. Rồi vòng tay qua người cô, cố bơi vào bờ. Người cô mềm nhủn, xanh xác vì sợ. Đôi mắt mở to một cách khiếp đảm. Không biết cô đã uống mấy ngụm nước mà bị sặc đến lã người. Khó khăn lắm Tấn Kiệt mới đưa được Hoàng Nhi lên bờ. Lần đầu tiên anh thấy cô hoảng sợ như thế. Khuôn mặt cứ ngơ ngơ như bị mất hồn. Mãi một lúc cô mới tỉnh trí, rồi òa lên khóc:

– Em sợ chết quá..hụ. hu.

Cô níu chặt lấy Tấn Kiệt, ôm cứng ngắc:

– Cho em về nhà đi, em không ở đây nữa đâu. Ghê quá.

Tấn Kiệt qua cơn hết hồn, lại thấy hơi buồn cười và tội nghiệp. Anh cũng ôm Hoàng Nhi, dỗ như dỗ con nít:

– Không sao đâu, em lên bờ được rồi, không có sao đâu. Nín đi nào.

Nhưng Hoàng Nhi không nín ngay được, cô khóc nấc từng cơn, hoảng sợ cùng cực. Vừa khóc vừa đòi về.

Tấn Kiệt tìm cách gỡ tay cô ra để đứng dậy. Nhưng cứ bị cô níu chặt anh phải lên tiếng:

– Em buông ra đi, đừng kéo anh như vậy, anh đứng lên không được.

Phải hỏi đến mấy lần Hoàng Nhi mới hiểu. Và nhận ra mình ôm Tấn Kiệt quá cứng. Nhưng cô không còn lòng nào để thấy vậy là kỳ hay, xấu hổ. Cô vuốt mặt, nhìn nước chảy ròng dưới chân. Cả bộ đồ ướt sủng. Bây giờ mới thấy lạnh, răng cô đánh cầm cập:

– Em lạnh quá anh Kiệt ơi.

– Ráng đi, về tới nhà thay đồ là em hết lạnh liền, đi theo anh.

Hoàng Nhi run lẩy bẩy đi theo Tấn Kiệt. Thật ra cô không lạnh đến mức đi không được. Nhưng do quá sợ nên hai chân cứ cứng lại, không bước nổi hơn.

Nhìn cô xanh méc thật thảm hại.

Tấn Kiệt đứng lại:

– Đi không nổi hả?

Hoàng Nhi vừa cố bước, vừa khóc hức hức:

– Em đi không được, không biết sao chân em thế nầy nữa.

Tấn Kiệt nhìn cô một cách tội nghiệp:

– Leo lên đi, anh cõng về.

Hoàng Nhi khóc thút thít:

– Anh cõng nổi không? Gần tới nhà chưa anh?

– Còn hơi xa, để anh cõng vậy, em đi không nổi đâu.

Vừa nói anh vừa khom người xuống, nói như động viên:

– Ráng chút nữa đi, tại em sợ quá đó.

Khi mang được Hoàng Nhi về tới nhà thì trời đã xẫm tối. Mọi người đang ngồi gói bánh dưới hàng hiên. Thấy hai người ngoài cổng, ai cũng đứng dậy hốt hoảng:

– Cô đó bị gì vậy?

Út và Trúc Hương vội vã chạy ra sân, Trúc Hương lo lắng:

– Nó sao vậy anh Hai? Sao hai người ướt hem vậy?

Dì Út đoán ra ngay:

– Nó bị té dưới mương hả con?

Đang mệt muốn chết mà Tấn Kiệt cũng mỉm cười:

– Té sông chứ không phải mương. Hương vô lấy đồ khô cho Nhi thay đi, pha ly trà nóng luôn.

Trúc Hương vội chạy trước vào nhà. Tấn Kiệt cõng Hoàng Nhi vào sau. Mấy người phụ nữ đưa cô vào buồng, mỗi người xôn xao một câu, làm cả nhà ồn hẳn lên:

– Thay đồ cho ấm đi, xoa thêm dầu cho đỡ lạnh, coi chừng bị cảm đó.

– Uống trà rồi nằm một lát cho lấy hồn, chắc sợ lắm hả con?

– Con gái thành phố đâu có quen bơi lội, sao xuống dưới chi vậy không biết.

Lúc đó Tấn Kiệt đã thay đồ xong, anh vào buồng xem Hoàng Nhi ra sao. Dì Út thắc mắc:

– Làm sao tới nỗi té sông lận, bị trượt chân hả con?

Tấn Kiệt lắc đầu, cười tủm tỉm:

– Tại quậy quá nên mới vậy đó, ai đời tàu dừa sắp bị rụng mà níu nó chơi, con thấy nhưng cản không kịp.

– Chậc, mấy tàu dừa đó phải đứng trên bờ kéo, đu như vậy dễ té lắm. May là kéo lên kịp, chứ không...

Nghe câu đó, Hoàng Nhi càng thấy khiếp đảm. Cô nhắm kín mắt, không dám hình dung tiếp nữa.

Mọi người lần lượt đi ra, chỉ còn Trúc Hương với Hoàng Nhi trong buồng.

Hoàng Nhi được mặc ấm và uống trà nóng, nên dần dần bớt run. Tâm trí cũng định thần hơn. Cô nằm rúc trong mền, mặt mũi tiu nghỉu, hiền như con mèo.

Trúc Hương ngồi bên cạnh cô, qua cơn lo, cô lại thấy tức cười. Và bắt đầu táy máy gỡ mền ra:

– Trời nóng thấy mồ, sao đắp mền chi vậy? Bỏ ra đi.

Hoàng Nhi níu lại, nhưng không nói gì. Vẻ hiền lành của cô làm Trúc Hương càng thấy khoái chí, cô cười hinh hích:

– Lần đầu tiên thấy ông hiền như vậy, té một cú làm hồn vía bay tứ tán rồi, cho hết táy máy tay chân. Quen tật leo trèo rồi.

Hoàng Nhi nhắm kín mắt:

– Tôi không đùa mà.

Cái giọng ẻo nhẻo của cô càng làm Trúc Hương cười dữ. Cô nàng chọc thêm mấy câu nữa. Vẫn không thấy Hoàng Nhi trả lời. Nhìn kỷ thấy cô nàng đã ngủ, cô mới chịu đi ra.

Hoàng Nhi ngủ một giấc đến tối. Khi cô mở mắt ra thì thấy chỉ có mình trong buồng, đèn bật sáng. Nhìn ra cửa sổ thấy trời tối mịt mù. Cô nằm im, lập tức nhớ lại cảm giác kinh hoàng khi rơi xuống sông. Nỗi sợ hãi tột cùng khi xung quanh mình là thế giới mênh mông nước, không người, đầy đe dọa.

Cô mở mắt, nhưng khuôn mặt vẫn còn ngơ ngơ bàng hoàng.

Tấn Kiệt chợt đi vô. Anh ngồi xuống cạnh giường, nhìn cô hồi 1âu. Rồi mỉm cười:

– Hết sợ chưa nhỏ?

Anh đưa tay sờ trán cô:

– Không bị sốt, vậy là không sao. Em thấy trong người thế nào?

– Em không sao hết.

– Có thấy đói không? Chiều giờ chưa ăn gì, anh lấy cơm cho em nghe.

Hoàng Nhi lắc đầu:

– Em chưa muốn ăn.

Rồi cô nằm im. Tấn Kiệt cũng ngồi im nhìn cô. Anh càng ngồi như thế thì Hoàng Nhi càng không muốn đi ra. không hiểu sao bây giờ cô cứ muốn kéo dài giây phút êm đềm nầy, bên cạnh Tấn Kiệt.

Trúc Hương chợt đi vào, phá vỡ thế giới yên ổn của Hoàng Nhi bằng giọng nói ồn ào:

– Nó thức chưa anh Hai?

– Thức rồi, nhưng không chịu ăn gì hết đây.

Trúc Hương cười khúc khích:

– Hồn vía còn lơ lửng trên mây, ăn gì nổi mà ăn. Dậy đi cô nương coi chừng không chết vì nước mà chết vì đói đó, ra ăn cháo đi, dì Út bảo dậy ăn kìa.

Hoàng Nhi thở dài, lần đầu tiên cô thấy không muốn có Trúc Hương khi cô bên cạnh Tấn Kiệt một mình. Và cô ngồi dậy, nhăn mặt:

– Đói quá.

Tấn Kiệt gật đầu:

– Từ chiều giờ em có ăn gì đâu, ăn một chút là tỉnh táo ngay thôi.

Hoàng Nhi theo hai anh em ra ngoài. Thấy cô, mọi người lại bàn tán một chập chuyện té sông. Như câu chuyện rất lạ, có thể nói mãi không chán.

Ai nói gì nói, Hoàng Nhi chỉ cười và lặng lẽ ăn. Phải nói là cô hiền đến mức lạ lùng. Không giống cô lúc bình thường, dù chỉ là một chút.

Hôm sau ba người trở về thành phố, lúc dẫn xe ra sân, Tấn Kiệt nhìn nhìn Hoàng Nhi. Rồi bảo Trúc Hương:

– Em chạy một mình đi, để anh chở Nhi, coi bộ chưa lấy lại tinh thần đâu, đi một mình anh lo lắm.

Trúc Hương gật đầu:

– Để em chạy một mình cho.

Nhưng cô nhìn xe Hoàng Nhi. Rồi nhăn mặt:

– Anh chạy xe nó đi, em chạy chiếc nầy không nổi đâu.

– Tất nhiên rồi, anh cũng không dám để em chạy chiếc nầy đâu.

Dì Út lắc đầu:

– Con gái mà mua chi xe lớn vậy hả con, điều khiển không nổi có ngày té chết.

Trúc Hương cười khì:

– Nó đâu phải là con gái, dì Út nói lộn rồi.

Mọi người đều bật cười. Chỉ có Hoàng Nhi là hé môi cười gượng. Nhìn cô hiền như con mèo.

Ba người bắt đầu lên đường. Tấn Kiệt chở Hoàng Nhi, cô ngồi phía sau thật lâu mà không nghe một tiếng chí ché. Cũng không thấy được anh cứ cười mãi một mình.

Ra đường quốc lộ, Tấn Kiệt lên tiếng:

– Thức hay ngủ vậy Nhi?

– Thức.

– Sao không nghe nói gì hết vậy?

Hoàng Nhi biết Tấn Kiệt muốn trêu cô, cô bèn hứ một tiếng:

– Ý anh muốn nói gì, em biết hết đó nhé.

– Biết mà chịu làm thinh à? Hôm nay em có còn là Nhi không đó?

Hoàng Nhi đấm vai anh một cái:

– Chán anh em nhà anh thật đó, chẳng khi nào chịu nói chuyện bình thường với em, bộ không chọc thì chết hả?

– Không chết, nhưng buồn.

– Không thèm nói chuyện với anh nữa, mệt.

Tấn Kiệt rất muốn nói cô nói chuyện giống con gái. Nhưng lại thôi. Anh chuyển đề tài:

– Về nhà nói với mẹ em thế nào đây?

– Đừng nói gì cả.

– Sao lại không nói? Anh thấy không nên giấu.

– Nói mất công mai mốt mẹ em không cho đi nữa.

Tấn Kiệt hỏi một cách ngạc nhiên:

– Vậy còn muốn đi thế nầy nữa à? Chưa sợ à? Anh nghĩ em sẽ không dám đi lần thứ hai nữa đó.

– Em đâu có sợ, vui thấy mồ.

Tấn Kiệt nói tỉnh bơ:

– Té sông mà vui gì, em có thú vui hơi khác người đó nhỏ.

– Anh chẳng hiểu gì cả, té sông chỉ làm em hết hồn thôi.

– Hết hồn mà ngơ ngẩn suốt hôm qua nay, chắc đây là kỷ niệm nhớ đời phải không?

Anh gật gù nói thêm:

– Tưởng em gan góc lắm, không ngờ nhát như thỏ. Lần đầu tiên anh thấy em giống con gái.

Hoàng Nhi nhăn mặt:

– Em có nói em là con trai đâu, từ đó giờ anh với nhỏ Hương cứ gán cho em gì đâu không.

– Tại em làm cho người ta nghĩ như vậy.

– Hứ, không thèm nói chuyện với anh nữa.

Tấn Kiệt im lặng một lát, rồi nhắc lại:

– Những gì thì cũng nên nói với mẹ em đi, chuyện như vậy không nên giấu.

Hoàng Nhi không trả lời. Đầu óc cô đang nghĩ đâu đâu. Lần đầu tiên cô thấy mình nghĩ lan man thế nầy. Nói chung là cảm giác rất lạ.

Lúc đó Trúc Hương chạy vượt lên, nên không ai nói chuyện thêm nữa.

Hoàng Nhi không có hứng nói nên không khí cũng trầm đi, chứ không ồn ào như lúc đầu.

Về đến nhà thì trời đã tối. Không có ai ở nhà. Hoàng Nhi vào phòng mình.

Cô ngồi xuống trước gương, nhìn mãi mình trong đó lần đầu tiên cô thấy mái tóc mình ngắn quá, không đẹp chút nào.

Cô chống cằm, mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ. Không biết nếu để tóc dài thì mình có nữ tính hơn không nhỉ?

Duy phong ngồi trước máy. Ngón tay thong thả nhấp phím Page Down.

Anh lần lượt xem lại những mẫu vẽ tuần trước, trước khi cho in. Đa số những mẫu nầy đều lấy cảm hứng từ những loại thú nhỏ kết hợp với vài nét chấm phá hoa văn. Những mẫu nầy là Hoàng Nhi gợi ý cho anh. Rất dễ thương, lần nầy anh sẽ cho tung ra thị trường một loạt đồ bộ dành cho các cô gái trẻ. Anh còn có ý định tặng Hoàng Nhi tất cả những mẫu vẽ trong bộ sưu tập mới của anh.

Nhớ đến Hoàng Nhi, tự nhiên Phong cười một mình. Đến giờ nhớ lại buổi tối nhìn cô trèo tường, anh vẫn không thể nín được cười. Và mỗi lần hình dung đến vẻ mặt láu lỉnh của cô, anh lại thấy vui.

Tiếng chuông điện thoại reo làm cắt ngang suy nghĩ của Phong, anh với tới cầm máy:

– Alô tôi nghe.

Mắt anh chợt nhướng lên khi nghe giọng Cẩm Xuyến vang lên trong máy:

– Anh Phong phải không? Em đây.

– Gọi anh có chuyện gì vậy?

– Tối nay anh có rảnh không? Em muốn nói chuyện với anh, mình gặp ở chỗ cũ được không anh?

– Nhưng có chuyện gì vậy?

– Gặp nhau rồi em sẽ nói, em rất cần gặp anh Phong ạ.

Duy Phong lắc đầu:

– Có tiện lắm không? Cứ đến công ty anh cũng được, anh có thể tiếp em ở đây mà.

– Em đến đó không tiện đâu anh ạ, làm ơn đến đó gặp em nhé anh Phong.

Lần đầu tiên Duy Phong nghe Cẩm Xuyến dùng giọng nói như vậy với anh.

Có gì đó như hạ mình, năn nỉ. Đó đâu phải là tính cách của cô.

Anh còn đang suy nghĩ thì Cẩm Xuyến lặp lại:

– Em cần gặp anh lắm đó, đừng từ chối nhé, tối nay bảy giờ em chờ anh ở đó, nhớ tới nha anh Phong.

– Thôi được, anh sẽ tới.

Duy Phong nói xong liền bỏ máy xuống. Anh ngã người ra ghế, nét mặt trở nên tư lự. Cuộc gọi của Cẩm Xuyến không thể không làm anh suy nghĩ. Hai năm rồi không gặp. Một cuộc chia tay nặng nề mà anh muốn quên. Bây giờ cô chủ động liên lạc như vậy, liệu có chuyện gì nữa không?

Buổi tối Duy Phong đến quán café vườn trúc. Không hiểu Cẩm Xuyến có cố ý không, khi hẹn anh ở quán nầy.

Duy Phong tìm một bàn ngồi chờ. Anh biết chắc Cẩm Xuyến sẽ chỉ tới lúc hơn bảy giờ. Trước giờ cô không khi nào đến đúng giờ. Nguyên tắc của cô là vậy, và anh không thể nào hiểu nổi thứ nguyên tắc kỳ cục đó, nhưng ngày xưa yêu nhau, anh chấp nhận nó với thái độ vị tha.

Bây giờ tuy không còn như xưa nữa, nhưng anh vẫn không phá bỏ thói quen đó.

Duy Phong rút thuốc ra hút. Anh vô tình nhìn qua chiếe bàn phía bụi trúc.

Buổi tối cuối cùng Cẩm Xuyến nói chia tay với anh, hai người đã ngồi ở đó đến tận lúc quán đóng cửa.

Anh khẽ cười một mình khi nhớ lại hình ảnh đó.

Ở ngoài cửa, Cẩm Xuyến đang đi vào và đưa mắt tìm. Anh đứng lên ra hiệu cho cô, rồi ngồi xuống chờ.

Cẩm Xuyến ý tứ ngồi xuống trước mặt Duy Phong, cô vô tình nói một câu quen thuộc:

– Anh chờ em có lâu không?

Duy Phong ngã người ra sau, buông một tiếng cười:

– Không lâu lắm. Em uống gì?

– Café đi anh.

Mắt Duy Phong hơi nhướng lên ngạc nhiên. Trước kia Cẩm Xuyến không bao giờ uống café buổi tối, vì sợ mất ngủ.

Tuy vậy anh cũng gọi theo ý muốn của cô.

Hình như hiểu ý nghĩ Duy Phong, Cẩm Xuyến cười khẻ:

– Lúc sau nầy em thường xuyên uống thứ nầy, vì em cần tỉnh táo.

– Nói chuyện với anh mà căng thẳng tới vậy à?

Cẩm Xuyến hơi cúi mặt nhìn xuống:

– Em cũng không biết có căng thẳng không, điều đó tùy thuộc vào thái độ của anh.

– Vậy thì không có việc gì phải lo, anh sẽ cư xử rất dễ chịu với em, dù thế nào đi nữa, thì mình cũng đâu phải là kẻ thù.

– Có thật trong lòng anh hoàn toàn vô tư với em không? Anh đã quên được rồi phải không?

Duy Phong không trả lời, mà hỏi một cách quan tâm:

– Em có chuyện gì cần nói vậy?

Cẩm Xuyến hớp một ngụm nước, như giấu vẻ bối rối, thiếu tự nhiên. Rõ ràng cô phải cố gắng lắm mới liên lạc với anh. Duy Phong hiểu điều đó, nên nói như mở lời:

– Cứ coi anh như trước, không có gì là không nói với anh được cả.

Cẩm Xuyến cười gượng:

– Em biết chứ, bản chất anh là vậy mà.

– Vậy thì nói đi.

– Anh... có thể mua bảo hiểm dùm em không?

Duy Phong nghiêng người tới trước:

– Em nói gì?

Cẩm Xuyến lúng túng lặp lại:

– Em đang rối lắm, vì nhìn đi nhìn lại tìm một người mua cho mình không phải là chuyện dễ, vả lại em cũng không có nhiều mối quan hệ để làm việc đó.

Duy Phong không quan tâm đến vẻ lúng túng của cô, chỉ chú trọng đến khía cạnh khác:

– Em làm nhân viên bảo hiểm à? Tại sao phải làm như vậy? Trong khi em thừa biết mình không có khả năng đó?

Cẩm Xuyến cười gượng:

– Nói chung là em buột phải làm, em đã cố gắng tìm thử rồi, nhưng không có ai mua cả. Cho nên...

– Cho nên em nhờ anh? Cũng đã đấu tranh tư tưởng lắm phải không?

– Vâng, em...

– Không cần phải quá mức tự trọng như vậy. Anh đã nói rồi, anh sẵn lòng coi em như bạn bè, mà bạn bè nhờ nhau thì không có gì phải ngại cả.

– Cám ơn anh nhiều lắm.

Duy Phong nói giản dị:

– Từ đó giờ anh không có ý nghĩ tham gia chuyện đó, nhưng anh sẽ mua cho em, mai em đem hồ sơ đến đây.

Cẩm Xuyến có vẻ như không tin mọi việc suôn sẻ như vậy, cô ngập ngừng:

– Anh có suy nghĩ kỷ chưa? Chuyện nầy không làm anh đắn đo gì sao?

Duy Phong mỉm cười:

– Mua một bảo hiểm cũng đâu có gì là lớn lao, anh cũng biết ít nhiều về nó mà, cho nên em cứ làm hồ sơ đi.

Cẩm Xuyến như không biết nói gì hơn, chỉ buông một tiếng ''Vâng '' với tất cả vẻ rụt rè lẫn bối rối.

Duy Phong chợt rút viết, ghi một loạt địa chỉ, rồi xé mảnh giấy ra, đẩy về phía cô:

– Em có thể gọi điện cho những người nầy, có lẽ họ sẽ mua với mệnh giá cao cho em đó anh sẽ nói trước với họ, như vậy em sẽ dễ dàng hơn.

Cẩm Xuyến cầm mảnh giấy, nhìn lướt qua, rồi ngỡ ngàng:

– Ở đâu mà anh biết nhiều người vậy? Người ta có chịu mua không anh?

– Anh nghĩ là được, em cứ mạnh dạn tới gặp họ đi. Khả năng thành công là chín mươi phần trăm đó.

Cẩm Xuyến cứ cầm mãi mảnh giấy mà nhìn. Rồi nói với vẻ lạ lùng:

– Anh làm gì cũng nhẹ tênh và đơn giản, thú thật là...

– Em không tin phải không? Đừng lo, cái gì có thể được anh mới làm, cứ tới gặp họ đi. Nhưng...

Anh ngừng lại như suy nghĩ, rồi hỏi thẳng thắn:

– Cuộc sống của em khó khăn lắm sao?

– Nói chung là... cũng ổn.

– Ổn thì em sẽ không đi làm việc nầy, tính em nhút nhát lắm, anh thừa biết em không thích làm cái nầy đâu, đúng không?

– Vâng, đúng là có, nhưng cuộc sống có lúc bắt buột mình,phải cố gắng anh ạ.

– Phải cố gắng à? Vậy lúc nầy Trung làm gì? Tại sao lại để cho em phải bươn chãi như vậy? Anh nghe nói em có con rồi phải không?

– Vâng, nó được hai tuổi rồi – Đi như thế nầy, em gởi con cho ai?

– Em đưa qua nhà mẹ em.

Duy Phong lờ mờ cảm thấy cuộc sống của cô có gì đó không ổn, nhưng không tiện hỏi. Vã lại có hỏi cô sẽ không kể thật, nên anh coi như không biết gì.

Anh kín đáo quan sát Cẩm Xuyến. Chỉ lấy chồng một thời gian mà cô có vẻ khác đi khá nhiều. Gầy và già đi. Vẻ mặt hiền dịu ngày xưa giờ có gì đó như ẩn nhẫn chịu đựng. Dù trông cô vẫn đẹp.

Hình như tên công tử Hoàng Trung đó không phải là người chồng lý tưởng lắm.

Duy Phong cầm ly lên, uống một ngụm nước, để khỏi phải nói chuyện. Và để tránh cho Cẩm Xuyến cảm giác bị quan sát. Nhìn cô có vẻ thiếu tự nhiên quá.

Mà quả thật Cẩm Xuyến có vẻ gì đó như bồn chồn trong lòng. Cô cứ như nửa vời, về thì không dám, vì chưa nói gì để cám ơn Duy Phong. Còn ở thì càng lo ngại hơn, vì cô không có quyền ở bên anh thế nầy.

Duy Phong chợt đặt ly xuống bàn, nói như vô tình:

– Anh có cái hẹn phải đi ngay, em về trước đi nhé.

Cẩm Xuyến vội đứng dậy:

– Em làm phiền anh quá phải không?

– Nếu bị phiền thì anh đã không tới đây, anh biết em đang ngại, nhưng đừng nghĩ như vậy nữa, bao giờ gặp chuyện cần thì cứ mạnh dạn gọi anh, anh không từ chối đâu.

Cẩm Xuyến cứ đứng yên, thở dài:

Em mắc nợ anh nhiều lắm, món nợ mà không biết bao giờ trả được. Rồi một ngày nào đó em sẽ nói hết với anh.

Duy Phong cười khảng khái:

– Vậy thì anh sẽ chờ.

Cẩm Xuyến cứ đứng ngập ngừng một lát, như muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng cô thở dài:

– Em về nha anh Phong.

– Chào em, mai em tới đây, anh sẽ chờ.

– Vâng em về.

Cẩm Xuyến đi ra khỏi quán. Duy Phong vẫn ngồi yên lại bàn. Anh lại đốt điếu thuốc mới. Lặng lẽ suy nghĩ một mình.

Quả thật tối nay Cẩm Xuyến làm lòng anh nao nao. Những tình cảm đã phôi pha bây giờ như được gợi lại, cộng với một chút tội nghiệp. Anh cũng không biết mình đang nghĩ gì về cô. Nhưng rõ ràng Cẩm Xuyến thì đã thay đổi rất nhiều.

Ngồi một lát, Duy Phong mới phát hiện Hoàng Nhi cũng đang có mặt trong quán. Cô đang ngồi một mình phía góc cửa, tay chống cầm nhìn mãi một chỗ, như đang thả hồn đi đâu đó.

Dáng điệu mơ mộng đó không giống Hoàng Nhi chút nào. Nhất là lại vào quán một mình. Không gặp có mấy tuần mà cô bé lạ hẳn đi.

Duy Phong đứng dậy, bước lại phía bàn Hoàng Nhi, anh kéo ghế ngồi xuống trước mặt cô. Đôi mắt lấp lánh vẻ tinh quái ngấm ngầm như mỗi khi gặp cô:

– Hello. Lâu quá không gặp. Có khỏe không?

Hoàng Nhi ngước lên. Khuôn mặt thoắt trở nên vui vẻ. Rõ ràng cô rất mừng khi gặp Duy Phong. Cô cười tít mắt:

– Lâu ghê mới gặp anh, anh đi đâu vậy?

– Anh vừa hẹn với một người bạn?

Hoàng Nhi ngó quanh:

– Vậy bạn anh đâu?

– Về rồi. Còn cô bé, sao ngồi một mình vậy? Bạn đâu hết rồi?

– Em không có hẹn với tụi nó, tan học ra em buồn quá nên vào đây chơi.

Duy Phong khẽ nhướng mắt:

– Buồn?

Hoàng Nhi hỉnh mũi:

– Thì buồn, có gì mà anh Phong ngạc nhiên vậy?

– Hoàng Nhi mà để cho mình buồn thì anh hơi lạ.

– Em cũng là người mà, người thì phải biết buồn chứ.

Duy Phong gật mạnh đầu một cách cố ý:

– Đúng, người thì cũng biết buồn, Hoàng Nhi buồn cũng là đúng thôi.

Hoàng Nhi không để ý vẻ giễu cợt ngầm của anh, cô thở dài như người lớn.

Rồi hỏi với vẻ đăm chiêu:

– Anh Phong này, từ đó giờ nhiều người bảo em giống con trai, anh có thấy như vậy không?

Duy Phong hiểu cô không hỏi đùa, mà cử chỉ của cô cũng không cho phép ai đùa cợt. Và anh thận trọng hơn:

– Anh không thấy điều đó, ngược lại, Nhi rất nữ tính, có điều phải biết khám phá.

– Phải khám phá mới thấy sao? - Hoàng Nhi hỏi với vẻ thất vọng.

Duy Phong mỉm cười:

– Nhưng có chuyện gì vậy? Sao hôm nay lại hỏi anh chuyện đó?

Hoàng Nhi nói tư lự:

– Em cũng không biết cái đó phải là chuyện không nữa, nhưng chẳng biết hỏi ai, còn im lặng một mình sao em thấy khổ sở quá.

Cô nhìn anh một cách chăm chú:

– Có nghĩa là em đã làm ai cũng nghĩ em, là con trai, là do em phải không?

Chỉ có mình anh là không thấy vậy thôi phải không?

– Cá tính thế nào đâu có quan trọng, vấn đề là những người xung quanh em vẫn yêu mến em như trước, vậy là được rồi.

Hoàng Nhi buồn bã lắc đầu:

– Không được đâu anh.

Vẻ ủ dột của cô làm Duy Phong thấy buồn cười. Nhưng cố kềm lại. Anh hỏi một cách nghiêm túc:

– Có chuyện gì vậy Nhi? Em đã gặp một điều gì đó làm em lo lắng phải không?

– Vâng, đã gặp, nhưng em buồn lắm.

– Vậy thì nói cho anh nghe đi.

Hoàng Nhi ngước lên, hỏi một cách ngập ngừng:

– Anh Phong nầy, ví dụ như là anh em thì có thế yêu nhau được không?

Duy Phong sửng sốt nhìn cô, buột miệng:

– Em nói gì?

Hoàng Nhi bối rối đến đỏ mặt:

– Bộ xấu lắm hả anh?

– Không phải xấu, mà là không thể được, đó là loạn luân, em hiểu không?

Hoàng Nhi xua tay rối rít:

– Không phải anh em ruột, cũng không có bà con gì cả, em nói chưa hết mà.

– Thế thì là anh em ra sao?

– Anh ấy là...ơ...anh ấy thân với em từ nhỏ, coi như anh em thôi.

Duy Phong hỏi thẳng thắn:

– Rồi đến thời điểm nầy em chợt nhận ra em yêu anh ta?

Hoàng Nhi xấu hổ quá, cúi gằm mặt nhìn xuống bàn, len lén gật đầu. Hỏi nhỏ rí:

– Xấu lắm phải không anh?

Duy Phong nghiêng người tới trước nhìn cô. Rồi lắc đầu:

– Chuyện tình cảm không có gì là xấu cả, vấn đề là em có chín chắn hay không thôi.

– Có đấy em nghĩ rất nhiều về ảnh, rất nghiêm túc anh Phong ạ.

– Vậy người đó có biết tình cảm của em không?

Hoàng Nhi lắc đầu ủ dột:

– Không, anh ấy chỉ coi em như em gái thôi, mà em cũng không biết làm cách nào để anh ấy hiểu nữa.

Cô nói tiếp với vẻ ấm ức:

– Ảnh cứ bảo em giống con trai, em thế nầy mà con trai gì? Anh có thấy em khô khan không?

– Không.

Nói xong anh lặng lẽ quan sát Hoàng Nhi. Nảy giờ không phải là anh không thấy sự thay đổi ở cô. Nhưng không nói ra. Anh nhớ ngoài lần thấy cô mặc đầm trong lần gặp ở nhà hàng, đây là lần thứ hai anh thấy cô ăn mặc rất con gái. Trên cổ là sợi dây chuyền mảnh mai, cổ tay là chiếe vòng bằng thủy tinh dễ thương.

Rõ ràng khi thay đổi, cô tỏ ra là một cô gái có khiếu thẩm mỹ. Một cô gái rất dịu dàng, đáng yêu.

Nhưng anh chàng nào đó vốn đã quen coi cô như một cậu trai tinh nghịch, hẳn sẽ buồn cười vì sự thay đổi nầy.

Lần đầu tiên anh thấy một cô gái lột xác nhanh chóng như vậy. Tình yêu có sức mạnh thật kỳ lạ.

Hoàng Nhi không để ý cái nhìn quan sát của anh, cô bặm môi cười một cách e ấp và rụt rè. Thật khác xa nụ cười cởi mở vô tư mà anh thường thấy lúc trước.

Có lẽ cô xấu hổ vì đã nói ra tình cảm thầm kín của mình.

Duy Phong nói như gợi ý:

– Sao em không tìm cách nào đó làm cho anh ta hiểu tình cảm của em?

– Em cũng muốn thế, nhưng em xấu hổ lắm, nhỏ Hương mà biết thì sẽ cười ầm lên, em chết mất thôi.

– Anh nghĩ cô bé ấy không thiếu tế nhị vậy đâu.

– Có đấy, nhỏ đó mà biết gì chuyện tế nhị kia chứ. Nó chỉ giỏi tía lia cái miệng thôi.

– Chắc anh bạn đó không nói lung tung đâu, mà cũng không cho phép cô em gái cười cợt chuyện đó. Nghe cách nói của em, anh nghĩ anh ta là người đàng hoàng, và rất quí mến em.

– Nhưng em đâu có cần quí mến bình thường, em muốn anh ấy xem em là con gái.

Duy Phong suýt phì cười:

– Em rất con gái đó Nhi ạ.

– Nhưng chỉ có mình anh thấy thôi.

Duy Phong hỏi với chút tò mò:

– Chuyện đó bắt đầu từ lúc nào? Sao bỗng nhiên em lại quay ra thích anh bạn đó như vậy?

Hoàng Nhi mân mê chiếc ly. Nói nhỏ nhẹ:

– Nó xảy ra không lâu lắm, cách đây một tháng.

– À vậy là không phải mới đây. Rồi sao nữa?

– Hôm ấy em theo anh ấy đi đám giỗ ở quê anh ấy, có nhỏ Hương đi nữa. Tụi em cũng thường hay đi như vậy lắm, nhưng trước kia thì chẳng có gì đặc biệt, thế rồi tự nhiên hôm đó em bị té sông.

Duy Phong không thể không cười:

– Không thể tự nhiên được đâu, em phải nghịch ngợm thế nào đó mới bị như vậy.

Hoàng Nhi đang bị chuyện kia chi phối, nên không để ý vẻ trêu chọc của anh, cô vội gật đầu:

– Vâng, lúc đó em đeo nhánh lá dừa chơi, không ngờ rớt xuống sông, đó là lần đầu tiên em bị sợ như vậy. Anh không hiểu cảm giác đó ra sao đâu, chuyện chết đó.

– Đừng tưởng tượng xa như vậy, có rất nhiều người bị rơi xuống sông, nhưng thường họ được cứu lên, đó chỉ là tai nạn thông thường thôi, không nên bị ám ảnh.

– Anh có bị như thế đâu mà anh biết, em sợ chết được.

Duy Phong nói như lưu ý:

– Và anh ấy đã cứu em?

– Vâng, lúc đó không có nhỏ Hương ở đó.

– Em cảm thấy yêu anh ấy vì xem đó là ân nhân của mình phải không?

Hoàng Nhi lắc đầu trầm ngâm:

– Em cũng không biết nữa, có những khoảnh khắc đáng nhớ, làm tình cảm của mình thay đổi. Lúc sau nầy em cứ nhớ ánh mắt anh ấy khi ngồi cạnh giường em, nhìn em rất...

Cô ngừng lại như xấu hổ. Rồi nói lí nhí:

– Rất âu yếm.

Duy Phong lặng lẽ nhìn cô, gật đầu thừa nhận:

– Đúng, có những khoảnh khắc làm thay đổi tình cảm và suy nghĩ của người ta. Nhưng đừng để bị lầm lẫn đó là tình cảm gì, em có bị ngộ nhận không?

– Không đâu, em biết em thích anh ấy mà. Tính ảnh dễ thương lắm.

Cô thở dài buồn bã:

– Em buồn lắm, không biết làm cách nào cho anh ấy hiểu cả, ảnh cứ coi em như em gái, nếu hiểu ra thì ảnh có yêu em không hả anh?

Duy Phong lắc đầu thận trọng:

– Anh không biết.

Hoàng Nhi chống cầm ủ rủ:

– Làm sao để ảnh biết tình cảm của em bây giờ.

Duy Phong nói như gợi ý:

– Sao em không nói thẳng với anh ấy?

Hoàng Nhi mở to mắt như lạ lùng:

– Nói thẳng hả? Nhưng như thế có kỳ không?

– Thế nào là kỳ?

Hoàng Nhi cúi đầu nhìn xuống:

– Con gái mà nói trước thì xấu hổ lắm.

Duy Phong mỉm cười:

– Anh không ngờ Hoàng Nhi còn tư tưởng phong kiến như vậy. Tại sao cứ nghĩ tỏ tình là bổn phận của con trai? Em phải mạnh dạn lên chứ, có điều là đừng xông xáo tấn công quá, như vậy sẽ mất hay đi.

Hoàng Nhi vẫn lắc đầu:

– Em không dám nói đâu, xấu hổ chết.

Em xấu hổ vì cái gì?

– Vì nhiều thứ lắm, rủi nói ra mà anh ấy bảo không thích em thì sao?

– Trong trường hợp do em phải chấp nhận thôi. Nhưng cách hay nhất là em nên dò xét thái độ của anh ta. Nếu anh ấy có tình cảm với em, tự nhiên em sẽ cảm nhận được ngay.

Hoàng Nhi thở dài:

– Tiếc là em không thấy gì thay đổi ở anh ấy hết, em đã thay đổi rồi mà vẫn cứ coi em là con nít, bộ con nít thì không có quyền yêu người lớn sao?

Duy Phong lại gợi ý:

– Nếu em thấy không thể nói, thì hãy thể hiện cho anh ta biết đi.

– Thể hiện sao kia?

– Rất nhiều hình thức, khi yêu thì tự em phải nghĩ ra chứ.

Hoàng Nhi mân mê ly nước, mắt vẫn nhìn xuống:

– Em không nghĩ ra được cách nào cả. Không nói được mà cũng không biết cách thể hiện, vậy là ngốc phải không anh?

Duy Phong lắc đầu:

– Anh không cho như vậy là ngốc, nhưng chỉ nhắc em một chuyện quan trọng thôi.

Hoàng Nhi ngước lên:

– Chuyện gì kia?

– Đừng yêu đến mức bỏ học, nếu không muốn anh ấy coi thường thì phải bản lĩnh hơn, em hiểu không?

Hoàng Nhi thở dài:

– Sao mà khó quá, nhưng em sẽ ráng.

Cô chợt nhìn Phong khá lâu:

– Anh Phong nầy, ở tuổi anh, anh có cho cỡ em là con nít không?

– Người ấy bằng tuổi anh phải không?

– Vâng, cũng lớn như anh vậy đó, nhưng anh trả lời em đi, trong mắt anh em có con nít lắm không?

Duy Phong rất muốn nói có. Nhưng vốn là người tế nhị, anh trả lời hư hư thực thực:

– Tuổi tác không quan trọng, điều quan trọng là tính cách thế nào, có chín chắn không so với tuổi của mình, cho nên anh không trả lời được.

– Cũng như không, rốt cuộc em chẳng hiểu được gì hết.

Cô lại hỏi một cách bồn chồn:

– Nhưng ở tuổi em, yêu được rồi chứ?

Duy Phong im lặng gật đầu.

Hoàng Nhi thở phào nhẹ nhõm:

– Vậy thì em không sợ nữa.

Duy Phong nói như nhắc:

– Em không về sao? Tối quá rồi đó.

Hoàng Nhi giơ tay lên nhìn đồng hồ. Rồi thở dài:

– Lại về tối nữa rồi, hy vọng khi về anh ấy không thấy em.

Cô nhìn Duy Phong:

– Anh về bây giờ chưa?

– Nhi về trước đi, anh muốn ở lại chút nữa.

– Vậy thì em về.

Cô đứng lên, cầm chìa khóa. Nhưng nghĩ thế nào lại ngồi xuống:

– Nếu em gọi điện rủ anh đi chơi, anh có đi không?

– Tất nhiên là có chứ.

– Đi như vậy có sao không anh?

Duy Phong hiểu ngay, anh lắc đầu:

– Cái đó tùy ở ý nghĩ của em, còn anh thì không sao cả.

Hoàng Nhi chợt cười hồ hởi:

– Em thích đi chơi với anh lắm, sau nầy nếu có chồng chắc em cũng vẫn thích đi chơi với anh, nói chuyện với anh vui lắm.

Duy Phong nhìn nhìn cô. Vừa thở dài ủ rủ đó, đã lại cười hồn nhiên trong sáng, tự nhiên anh buông một tiếng cười:

– Cám ơn em.

Anh ngồi yên nhìn Hoàng Nhi đi ra cửa. Cái dáng nhỏ nhắn nhưng rất ngông nghênh lúc trước hình như đã thay đổi. Đôi giày cao gót làm bước đi có vẻ uyển chuyển hơn.

Tự nhiên anh nhớ lại dáng điệu lóng ngóng của cô trong chiếc đầm, vào lần gặp nhau thứ hai.

Nhớ về tất cả những gì đã có với Hoàng Nhi, khuôn mặt anh trở nên tư lự.

Duy Phong đứng lên rời khỏi quán. Tối nay anh có tâm trạng buồn buồn.

Gặp hai người con gái mình từng quí mến, nhưng giờ lại có một người sắp sửa đi ra khỏi mối quan hệ vui vẻ trước kia. Anh thấy mình trở nên đa cảm.

Về nhà, anh đi qua phòng Tấn Bình. Chú nhóc đang nằm nghe nhạc trên giường. Duy Phong bước tới ngồi xuống cạnh bàn:

– Tối nay không đi chơi sao?

– Tối nay tụi nó bận, em cũng đi học mới về đó, có gì không anh Hai?

– Không, thấy nhà không có ai nên anh qua tìm thôi. Này, lúc nầy còn thân với Hoàng Nhi không?

Tấn Bình trố mắt ngạc nhiên:

– Sao anh biết nó?

– Biết, có lần em dẫn nguyên đám vô xin tiền mẹ, cô ta đi lạc vào phòng anh lục lọi đủ thứ. Cô bé có vẻ chẳng biết sợ là gì.

Tấn Bình cau trán cố nhớ:

– Sao em không nghe nó nói gì hết vậy kìa.

– Chắc là giấu em, vì hôm đó anh hù cho một trận, đòi giao cho công an, cô bé sợ hết hồn.

Tấn Bình cười khoái chí:

– Anh hù được nó à? Vui nhỉ? Con nhỏ gan góc lắm. Ờ, nhưng chỉ là bề ngoài thôi.

– Bề ngoài thôi à?

– Coi giống con trai vậy chứ mít ướt lắm, tính nó tiểu thư không chịu được, bởi vậy tụi em chìu nó lắm.

– Trong nhóm em thân với cô bé đó nhất phải không?

– Nó nói như vậy hả?

– Ừ.

– Vậy thì hân hạnh quá, em thấy ai nó cũng chơi đều, đâu có biết nó nhìn mình đặc biệt vậy. Nhưng sao tới giờ anh mới kể chuyện nầy?

– Cũng đâu có gì đáng để kể đâu, sau nầy anh có đi uống café với cô ta mấy lần, cũng vui.

Anh khoát tay nói thêm:

– Nhưng dù sao cũng đừng nói với cô ta về anh, cứ coi như không biết gì đi.

– Anh không muốn để nó biết mình là anh em hả?

– Cũng không hẳn là không muốn, nhưng cứ để như vậy anh thích hơn.

Tấn Bình chống tay ngồi lên:

– Anh thấy nhỏ Nhi thế nào?

– Thế nào là sao?

– Có dễ thương không?

– Cô ta có cá tính đó chứ.

– Quá cá tính đi chứ, nhưng thật ra con nhỏ yếu đuối lắm, đụng chuyện mới biết. Nhưng chơi với nó thích hơn chơi với tụi con gái nhiều, tính nó thoải mái.

Thỉnh thoảng hơi mít ướt một chút, nhưng nói chung là chịu chơi.

– Hình như lúc nầy cô ta thay đổi nhiều quá.

Tấn Bình nhướng mắt:

– Anh cũng thấy như vậy nữa há?

– Ừ.

– Lúc nầy tự nhiên thục nữ hẳn đi, y như con gái, tụi em thắc mắc lắm, nhưng không thằng nào dám hỏi, sợ bị giận.

– Vậy cô ta không kể chuyện gì riêng cho em nghe à?

Tấn Bình lắc đầu:

– Không kể gì hết, giữ bí mật cho dù thì thế nào tụi em cũng điều tra ra. kiểu nầy chắc có người yêu rồi quá.

Duy Phong cười lớn. Rồi đứng dậy:

– Có thể lắm chứ.

Rồi anh đi ra khỏi phòng. Không ngờ chuyện bí mật của Hoàng Nhi chỉ có anh biết. Lạ thật, tại sao chọn anh làm người để tin tưởng, hiểu bao nhiêu về anh mà phiêu lưu vậy?

Nhưng dù sao anh vẫn không coi đó là sự non nớt. Thật lạ, ngay cả chính anh cũng thấy có một sự quyến luyến kỳ lạ nào đó với Hoàng Nhi. Mà anh không giải thích được.

Hoàng Nhi luồn tay vào mở cổng. Rồi đi vào phòng khách. Trong nhà im lặng như tờ. Giờ nầy là giờ ngủ trưa của mọi người. Cô thấy mình hơi vô duyên khi qua đây. Nhưng cô rất cần gặp riêng Tấn Kiệt. Vì nếu qua giờ khác, thế nào cũng phải nói chuyện với Trúc Hương.

Giờ nầy con nhỏ đã ngủ. Cô biết Tấn Kiệt không có thói quen ngủ trưa, vì thế mà cô chọn giờ nầy để qua.

Hoàng Nhi nhẹ nhàng đi lên tầng trên. Ngang qua phòng Trúc Hương, cô càng nhón chân đi thật nhẹ, như sợ bị cô nàng phát hiện.

Cô đứng trước phòng Tấn Kiệt, hồi hộp gõ cửa. Không đầy một phút là anh bước ra, anh có vẻ ngạc nhiên khi thấy Hoàng Nhi. Nhưng chưa kịp hói thì cô nói nhỏ rí:

– Em vô phòng anh được không?

Tấn Kiệt đẩy rộng cửa, rồi đi vào trước. Anh bỏ quyển sách xuống giường, chỉ chiếc ghế cho cô:

– Ngồi đi, trưa không ngủ sao mà qua đây?

– Em không ngủ được.

– Không ngủ được nên qua tìm anh để quậy phải không?

Cái cách nói như nói với con nít khiến Hoàng Nhi không thích chút nào.

Nhưng không thể hiện, cô nói với vẻ quan trọng:

– Tối nay anh có rảnh không?

– Tối nay hả? Hôm nay thì không rảnh, anh có cái hẹn, tối mai thì được.

Hoàng Nhi tò mò.

– Anh hẹn với ai vậy? Bạn gái hả?

Tấn Kiệt bật cười:

– Nhỏ nầy tò mò, con nít biết chuyện người lớn làm gì. Lo học đi.

Hoàng Nhi bậm môi bất mãn:

– Sao anh cứ nghĩ em con nhỏ không vậy? Em lớn rồi, đã hai mươi tuổi rồi, con nít đâu mà con nít.

Tấn Kiệt đưa tay nhéo mũi cô:

– Ừ thì người lớn, vậy cô người lớn tìm anh chi vậy?

Tự nhiên Hoàng Nhi thấy run. Cô nín thở nhìn Tấn Kiệt, lắp bắp:

– Em... có chuyện muốn nói với anh.

– Chuyện gì vậy?

– Một chuyện rất quan trọng, vì vậy em muốn mình vào quán nói, mai anh đi với em được chứ?

– Tất nhiên là được, nhưng sao không nói ở nhà mà phải vào quán?

– Vì em cần hỏi anh một điều, em muốn chỉ có anh biết thôi.

– Bí mật dữ vậy sao?

''Rõ ràng anh ấy cứ coi mình là con nít''- Hoàng Nhi thấy khổ sở quá, vì không cách nào làm cho Tấn Kiệt nghiêm chỉnh được. Cô nói một cách nghiêm trang:

– Đây là chuyện thành thật nhất của em, nếu anh đùa thì anh xúc phạm em đó.

Tấn Kiệt thôi không cười nữa mà nhìn cô một cách chăm chú:

– Chuyện gì vậy Nhi? Em làm anh thấy lo quá.

– Tối mai gặp nhau em sẽ nói.

– Sao giống hẹn hò quá, nhưng anh đồng ý đó, mai mấy giờ đây?

– Bảy giờ.

– Rồi, thì bảy giờ, anh đưa em đi hả?

– Không, đừng để cho Trúc Hương biết, em sẽ tới quán đợi anh.

Tấn Kiệt gật gù:

– Giống hẹn hò quá nhỉ?

Hoàng Nhi nói xong thấy nhẹ cả người, cô vội đứng dậy:

– Em về đây, anh nhớ đừng nói với Trúc Hương chuyện nầy đó.

– Sao vậy?

– Nó mà biết thì em xấu hổ lắm.

– Chuyện mà xấu hổ với Trúc Hương chắc là nghiêm trọng lắm đây, được rồi, anh hứa không nói gì cả, bí mật nầy chỉ có anh và em biết thôi.

– Vâng, đúng là em muốn như vậy đó.

Nói rồi cô vội vã đi ra. vì sợ Trúc Hương thức dậy gặp cô ở đây, rồi lại hỏi lôi thôi. Rồi lại sẽ tìm cách nói dối. Xấu hổ lắm.

Chiều hôm sau đi học về, Hoàng Nhi cứ loay hoay trong phòng một cách lúng túng. Lần đầu tiên cô làm cái chuyện hẹn hò với một người con trai, thật lạ lùng và không bình thường chút nào.

Cô ngồi trước gương ngắm khuôn mặt mình. Rồi thở dài chán nản. Tóc gì ngần ngủn, không dễ thương chút nào. Mai mốt phải để tóc dài thôi. Như nhỏ Hương đấy, nhìn nó để tóc dài rất là yểu điệu thục nữ. Còn cô thì ngổ ngáo quá.

Ai mà yêu cho nổi.

Hoàng Nhi mở ngăn tủ, lấy hộp đồ trang sức. Hôm nọ cô đi chợ một mình mua cả đống. Nào là kẹp, vòng đen tay, dây chuyền... toàn là những thứ mà trước kia cô chẳng bao giờ để mắt tới. Nhưng bây giờ nó có một sức thu hút rất lớn. Bây giờ cô mê những thứ đó lắm. Nó đẹp lạ lùng.

Cô liếc nhìn đồng hồ. Rồi bắt đầu trang điểm khuôn mặt. Trước kia cô thấy son phấn toàn là những thứ vớ vẩn. Và nghĩ mình không cách gì thoa được son môi. Nhưng bây giờ cô làm những thứ đó rành rẽ như một chuyên gia trang điểm.

Khi cô tới chỗ hẹn thì Tấn Kiệt chưa tới. Cô gọi nước, rồi lặng lẽ chờ.

Không hiểu sao cứ hồi hộp đến nỗi tim muốn nhảy ra ngoài. Mình đang làm cái việc hẹn hò đây sao?

Phải đến nửa tiếng sau Tấn Kiệt mới tới. Vừa ngồi xuống đối diện với cô, anh vừa nói như giải thích:

– Anh xin lỗi nghe, tại gặp thằng bạn nên đứng lại nói chuyện một chút, Nhi tới lâu chưa?

– Cũng mới tới thôi.

Tấn Kiệt chợt nhìn cô hơi lâu, rồi cười cười:

– Chà, hôm nay thoa son nữa à? Đẹp quá ta.

Hoàng Nhi không biết nói thế nào, cô nhăn nhó một cách khó chịu. Nhưng Tấn Kiệt không để ý cử chỉ đó, anh gật gù:

– Anh thấy lúc nầy em có vẻ thay đổi đó, nữ tính đi nhiều, chắc có người yêu rồi quá.

Hoàng Nhi ngượng đến đỏ mặt:

– Anh Kiệt kỳ quá, nói toàn chuyện gì đâu không.

– Thì thôi, không lan man nữa, em có chuyện quan trọng gì, nói đi nào.

Hoàng Nhi âm thầm thở dài. Duy Phong đã bảo cô chủ động nói. Nhưng không khí thế nầy, đầu óc nào mà nói cho được chứ. Tấn Kiệt cứ làm như đang bàn chuyện học hành không bằng.

Lúc đó cô tiếp viên tới hỏi. Tấn Kiệt gọi nước xong, quay qua nhìn cô:

– Thế nào, có chuyện gì nói đi, anh nghe đây.

Hoàng Nhi ỉu xìu:

– Anh hỏi như là chuyện đi chợ gì ấy, thái độ của anh như vậy làm sao em nói được.

Tấn Kiệt ngồi thẳng lưng lên:

– Anh có vẻ thiếu nghiêm túc lắm à? Xin lỗi em nghe, anh không cố ý đâu.

Mặc dù nói vậy, nhưng rõ ràng là anh rất buồn cười vì vẻ nghiêm chỉnh của Hoàng Nhi. Hình như từ đó giờ anh chỉ quen thấy cô tửng tửng đùa đùa, nên khi cô chửng chạc, anh thấy tức cười.

Nhưng Hoàng Nhi run quá nên không nhận ra tâm lý đó, cô bối rối hết cầm ly lên uống, lại đặt xuống một cách máy móc. Những gì định nói bây giờ không nhớ nổi một câu. Và cô cứ loay hoay tìm một cách nói hiệu quả nhất. Nhưng hôm nay đần độn tới mức không nghĩ ra được câu nào.

Tấn Kiệt nhìn cử chỉ bối rối của cô, vẻ mặt anh có vẻ chú ý hơn:

– Này, chuyện gì ghê gớm tới mức khó nói lận, anh chứ có phải ai lạ đâu mà ngại, cứ nói, nếu em gặp rắc rối nào đó không thể nói với mẹ em được, thì cứ nói với anh, anh sẽ giải quyết cho em.

Hoàng Nhi chống cằm, mắt dán xuống bàn:

– Em nói, nhưng nếu anh nghĩ không giống em, liệu anh có cười em không?

– Em là em gái của anh rồi, sao lại cười chứ.

– Nhưng em không muốn anh chỉ xem em như em gái.

– Thế em muốn xem như gì?

Hoàng Nhi không hiểu tại sao mình quá dũng cảm thế nầy. Cô buột miệng nói nhanh:

– Em yêu anh.

Tấn Kiệt nhướng mắt:

– Gì hả?

Không thấy cô trả lời, anh nhắc lại:

– Em vừa nói gì?

Hoàng Nhi lí nhí:

– Em rất yêu anh.

Tấn Kiệt bật cười:

– Vậy hả? Cám ơn em nghe.

– Đừng nói như vậy, em yêu anh thật mà.

Tấn Kiệt không cười nữa, mà nghiêng đầu nhìn cô:

– Hết chuyện đùa rồi hả Nhi?

– Không, em nói thật, em nói rất thật mà, không bao giờ em đem chuyện nầy ra đùa đâu.

Tấn Kiệt ngồi im, như không biết nói thế nào. Anh cứ nhìn Hoàng Nhi chăm chăm. Còn cô thì xấu hổ quá nên không ngước lên nổi. Khi đã nói xong cái chuyện khó khăn nhất đó rồi, cô thấy tim mình đập loạn như trống đánh.

Cuối cùng thì Tấn Kiệt cũng qua phút bất ngờ, anh nói nghiêm chỉnh:

– Em có tình cảm đó với anh từ lúc nào vậy?

– Từ lúc về quê đám giỗ.

– Có phải chuyện té sông làm em nhìn anh khác đi không?

Hoàng Nhi tròn xoe mắt:

– Sao anh biết?

– Anh chỉ có cách lý giải như vậy thôi, từ trước giờ em rất vô tư với anh, nếu tình cảm em thay đổi, thì chỉ có thể là có một cú sóc nào đó, anh nói có đúng không?

– Anh biết hết rồi phải không?

– Anh không biết, chỉ đoán tình huống vậy thôi, nhưng có phải vậy không?

Hoàng Nhi lén gật đầu:

– Vâng.

– Em có bị ảo tưởng không hả nhỏ?

Giọng Hoàng Nhi phật ý:

– Anh đừng có gọi như vậy, em không phải là con nít.

Tấn Kiệt không biết nói thế nào, anh ngồi im suy nghĩ, rồi lắc đầu:

– Em không muốn bị xem là con nít, nhưng ở tuổi em tình cảm chưa chắc là cố định đâu, có thể lúc đó em cảm động vì được anh săn sóc, cái đó dễ nhầm lẫn thành tình yêu lắm.

Hoàng Nhi lắc nhanh đầu:

– Em lớn rồi, em biết mình thích gì, và tại sao thích, em yêu anh thật sự mà, đừng coi thường tình cảm của em, em xin anh đó.

– Anh không hề coi thường, chỉ muốn em suy nghĩ cho kỷ, đừng để bị nhầm lẫn tình yêu không phải là trò đùa đâu Nhi ạ.

– Thì em có nói nó là trò đùa đâu, em yêu thật mà, anh có yêu em không anh Kiệt?

Tấn Kiệt không biết trả lời thế nào. Ngay cả cách hỏi đó anh cũng thay nó trẻ con. Nhưng vì không muốn làm tổn thương cô nên anh không nói ra. Chỉ trả lời lấp lững:

– Có lẽ anh và em nên suy nghĩ lại chuyện nầy.

Hoàng Nhi nhìn Tấn Kiệt không chớp mắt:

– Có nghĩa là anh không thích em? Vì không thích nên anh bảo phải suy nghĩ phải không?

– Anh không hề nói không thích Nhi, từ đó giờ anh rất quý em, em biết rồi mà.

– Nhưng em không cần anh quý kiểu trước đây, em chỉ muốn biết anh có yêu em không thôi.

Tấn Kiệt đành phải cắt ngang câu chuyện:

– Chuyện nầy bất ngờ quá, anh không biết nói gì với em, hôm nào suy nghĩ xong anh sẽ trả lời cho em biết anh nghĩ gì, vậy nhé Nhi.

Hoàng Nhi không muốn nghe nói vậy chút nào. Cô chỉ nôn nóng muốn biết Tấn Kiệt có thích mình không thôi. Nhưng anh đã nói vậy nên có không đảm hỏi tiếp. Nói bao nhiêu đây cũng đủ quê lắm rồi.

Lúc đó chợt có hai cô gái bước vào quán. Hoàng Nhi không để ý chuyện đó lắm. Nhưng khi thấy một cô cứ nhìn mãi Tấn Kiệt, nên cô cũng tò mò nhìn lại.

Tấn Kiệt chợt quay lại. Thấy cô gái, anh đứng ngay dậy:

– Thanh.

Cô gái nhìn anh một cách giận hờn. Rồi bặm môi quay ngoắt người trở ra.

Làm cô gái đi chung cũng không hiểu chuyện gì.

Hoàng Nhi cũng chưa kịp hiểu thì Tấn Kiệt đã hấp tấp quay qua cô:

– Anh ra ngoài một lát, em cứ về, đừng chờ anh nghe.

Nói xong anh đi thật nhanh đuổi theo cô gái. Hoàng Nhi bắt đầu hiểu ra, cô ngồi cứng người nhìn theo. Cặp mắt đỏ lên muốn khóc.

Cô gái kia đứng lớ ngớ nhìn ra cửa. rồi quay lại nhìn Hoàng Nhi, có lẽ lỡ bộ nên không tiện đi ra, cô ta bèn bước đến bàn Hoàng Nhi, ngồi xuống chỗ của Tấn Kiệt lúc nãy. Cô ta mỉm cười như làm quen với Hoàng Nhi:

– Chắc có chuyện hiểu lầm gì đó, em...Là bạn anh Kiệt hả?

– Vâng.

– Tên em là gì vậy?

– Nhi, Hoàng Nhi.

Rồi cô hỏi lại với gương mặt ảm đạm:

– Chị là bạn của chị đó phải không? Chị ấy tên gì vậy?

– Tên Bích Thanh, làm chung công ty với anh Kiệt.

Rồi cô hỏi với vẻ tò mò lẩn ái ngại:

– Em...quen với anh Kiệt lâu chưa?

– Lâu rồi, nhà em ở cạnh nhà anh ấy, em chơi thân với anh ấy lúc còn nhỏ lận.

– À, chỉ là hàng xóm thôi à?

Hoàng Nhi nói ỉu xìu:

– Vâng, chỉ là hàng xóm.

– Vậy mà lúc nãy chị tưởng...

Cô ta bỏ lửng câu nói, mỉm cười ngồi im. Hoàng Nhi cười như mếu:

– Chị với chị ấy tưởng em là bồ anh Kiệt phải không?

– Ơ thì, thật tình thì mới thấy chị cũng tưởng vậy.

– Không phải đâu.

Nói xong câu đó, mặt cô chợt đỏ lên. Thật hối hận khi lúc nãy tỏ tình với Tấn Kiệt. Nếu mà hai người nầy biết thì, trời ơi, mặt mũi nào mà nhìn ai nữa.

Trong đời nếu cô có hối hận chuyện gì đó, thì đó là việc làm điên khùng nầy.

Thấy cô gái trước mặt cứ ngồi nhìn mình. Hình như là muốn nói chuyện lắm.

Nhưng bây giờ còn tinh thần nào mà trò với chuyện, thế là cô cười gượng gạo:

– Em về nha, chị ở lại vui nha.

Hoàng Nhi không thấy mình nói chuyện hơi bị lãng, cô quên luôn cả chuyện trả tiền. Cứ thế lẳng lặng đi la khỏi quán.

Về nhà cô dựng xe trong sân. Rồi đến ngồi một mình dưới giàn hoa. Gương mặt là cả một mùa thu hiu hắt.

Bây giờ buồn, cô bỗng nhớ tới Duy Phong. Muốn chạy tới tìm anh. Ở bên anh và nghe những câu làm cô nhẹ lòng. Nhưng bây giờ cô phải ngồi đây chờ Tấn Kiệt về. Chẳng biết sẽ nói gì. Nhưng mà tình huống nầy không gặp anh cô chịu không nổi.

Mãi đến Khuya Tấn Kiệt mới về. Nghe tiếng xe anh ở sân bên kia, Hoàng Nhi đứng dậy, đi vòng qua. Lúc đó Tấn Kiệt đã dẫn xe vào nhà. Anh định ra đóng cổng thì thấy Hoàng Nhi đứng đó. Vẻ mặt ủ dột:

– Có phải chị lúc nãy là bồ anh không?

Tấn Kiệt không trả lời ngay, anh chỉ tay về phía băng đá:

– Lại đây ngồi, rồi anh em mình nói chuyện.

Hoàng Nhi đến ngồi xuống hơi xa Tấn Kiệt, dáng điệu hết sức buồn bã. Lúc nãy cô định hỏi anh rất nhiều, nhưng bây giờ lại thấy mấy câu đó rất vô duyên.

Thế là cô làm thinh.

Tấn Kiệt đưa tay vuốt tóc cô như an ủi:

– Em buồn lắm phải không?

– Có phải chị đó là bồ anh không? Anh quen chị ấy lúc nào vậy?

– Khoảng vài tháng nay.

– Vậy mà anh giữ bí mật lâu ghê.

– Anh không cố ý giấu, mà chỉ là chưa có điều kiện đưa cô ấy về làm quen với mọi người.

– Anh có muốn cưới chị ấy không?

– Chuyện đó còn sớm quá, anh chưa nghĩ tới.

– Nhưng sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra phải không?

Tấn Kiệt không trả lời. Hình như anh không nỡ trả lời như vậy. Anh nói qua chuyện khác:

– Lúc nãy em ngồi lại lâu không?

– Không lâu lắm, chị gì đó tới nói chuyện với em, chị ấy hỏi em là gì của anh, em bảo là hàng xóm thôi.

Cô cười gượng nói thêm:

– Em không muốn anh bị hiểu lầm đâu.

Cám ơn em.

– Lúc nãy anh theo giải thích với chị ấy phải không? Rồi người ta có hết giận không?

Chuyện cũng không có gì lớn, anh giải quyết xong rồi.

– Chúc mừng anh.

Tấn Kiệt có vẻ suy nghĩ rất lâu. Cuối cùng anh lên tiếng:

– Chuyện lúc nãy làm anh rất bất ngờ. Quả thật anh không ngờ Nhi lại có tình cảm như vậy với anh, nhưng em cứ coi đó là suy nghĩ bộc phát, rồi quên đi nghe Nhi.

– Em có phải là trẻ con đâu mà mới thích cái gì không được thì quên, em buồn lắm.

Tấn Kiệt ngồi nhích lại gần cô. Và làm cái chuyện mà cô tự ái nhất. Đó là vuốt tóc như dỗ một đứa con nít.

Cô bèn né đầu ra:

– Anh có biết anh làm vậy là xúc phạm em không? Nếu không thích em được thì cũng đừng an ủi em kiểu người ta làm với con nít, giống ba em lắm.

– Em nói gì vậy Nhi?

Anh lại ngồi im. Rồi nói một cách dịu dàng:

– Anh thương Nhi như thương Trúc Hương, nên nếu em buồn thì anh đau lòng lắm.

– Anh mà cũng biết đau lòng nữa hả? Chứ không phải anh thấy tức cười sao?

– Anh không coi nhẹ tình cảm của em như vậy đâu.

– Em không tin.

– Nhi hứa với anh không? Chuyện nầy mình sẽ không nhắc lại lần nữa, coi như cho qua luôn được không em?

– Em không làm như vậy được.

– Anh sẽ coi như không nghe chuyện gì, còn em thì cũng sẽ không nhắc lại nữa, anh em mình coi như không có chuyện gì xảy ra hết được không?

Hoàng Nhi không nói gì. Cô đột ngột đứng dậy:

– Em về.

– Mình chưa nói chuyện xong mà Nhi.

– Nói gì nữa bây giờ, chẳng lẽ em ngồi đây để khóc lóc với anh làm như vậy anh còn bực mình em hơn nữa. người ta nói theo tình thì bị đuổi, đuổi nó đi thì nó lại theo, em không đi theo anh đâu.

Cô quẹt mắt như sắp khóc. Rồi hếch cằm lên, nhìn rất cứng rắn: muốn quỳ lụy, vì ...không phải em không năn nỉ vì hy vọng anh thích em, mà em chỉ không làm như vậy anh sẽ coi thường em.

– Tại sao em nghĩ như vậy?

– Nhiều chuyện nhan nhản ra đó, sách vở cũng nói, bộ em không biết sao.

Tấn Kiệt không biết nói gì nữa. Cái cách phản ứng nửa người lớn, nửa trẻ con, làm anh thấy mình lúng túng. Không biết nói gì cho đúng.

Anh ngồi im nhìn Hoàng Nhi đi ra cổng. Phải nói là phản ứng của cô làm anh ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì sự tự chủ phi thường. Lúc về anh đã chuẩn bị tinh thần sẽ nghe cô năn nỉ hoặc trách móc. Hoặc khóc lóc thất vọng...nghĩa là anh sẽ an ủi rất lâu. Thế mà cô không làm tất cả những cái đó.

Đúng là một cô bé có cá tính khác người. Khác lúc bình thường cũng như khi gặp chuyện vấp ngã.

Anh không biết rằng đêm đó Hoàng Nhi không ngủ vì buồn. Cô thấy mình khổ sở mà không nói được với ai. Mẹ thì không dám. Trúc Hương lại càng không.

Cảm giác vỡ mộng thật là tuyệt vọng. Lần đầu tiên trong đời cô hiểu rằng, không phải tất cả những gì mình muốn đều sẽ đạt được.

Hôm sau Hoàng Nhi đi học mà có cảm giác mình đang đến một nơi không người. Đến giờ chơi cô tìm cách ra khỏi lớp trước. Rồi xuống sân. Đi thẳng ra đường đón taxi, đến công ty nơi Duy Phong làm.

Lúc đó Duy Phong đang định ra ngoài. Gặp nhau ở hành lang. Anh rất ngạc nhiên khi thấy cô xuất hiện vào giờ nầy. Và đi nhanh về phía cô:

– Hôm nay không có học sao? Sao đến tìm anh vậy?

Hoàng Nhi cười hé miệng:

– Em có chuyện.

Duy Phong im lặng nhìn vẻ mặt buồn khổ của cô, anh đoán lờ mờ lý do cô tới đây, nhưng không muốn hỏi thẳng.

Hoàng Nhi nhìn cuộn giấy trên tay Duy Phong, hỏi một cách dè dặt:

– Anh định đi đâu phải không?

– Định ra ngoài một chút, nhưng cũng không cần lắm, em vô đây.

Rồi anh trở vào phòng. Hoàng Nhi lững thững đi theo. Cô buồn quá nên không để ý tới những mẫu vẽ bày la liệt trên bàn. Nếu là lần khác thì cô đã xem cho kỳ hết. Nhưng bây giờ thì chỉ lắng lặng ngồi xuống trước bàn, đôi mắt nhìn đi đâu mông lung.

Duy Phong ngồi trước mặt cô, cử chỉ rất ân cần:

– Có chuyện gì buồn phải không? Nói với anh đi nào.

Thật lạ! Không hiểu sao giọng nói ngọt ngào của anh làm Hoàng Nhi thấy tủi thân. Cô chợt òa lên khóc.

– Em bị thất tình anh Phong ạ, anh ấy có người yêu rồi.

Duy Phong hơi mím môi suy nghĩ. Rồi nói một cách trầm tĩnh:

– Anh ta nói với em, hay em chỉ nghe ai kể?

– Em thấy họ gặp nhau trong quán.

Rồi cô kể lại cuộc gặp tối hôm qua. Vừa kể vừa khóc hức hức. Thật ra chuyện rất ngắn gọn. Nhưng vì bị xúc động nên cô diễn tả rất lan man. Và vì bị lan man mà cô làm Duy Phong cảm nhận được tình huống ngở ngàng mà cô chạm trán.

Anh im lặng nghe chứ không chen vào hỏi một câu. Cả đến lúc Hoàng Nhi kể xong anh cũng ngồi im lặng nhìn cô.

Hoàng Nhi hít mũi:

– Em xấu hổ lắm, khi chủ động nói ra là quê rồi. Đã vậy còn gặp ngay chị ấy, bị chị ấy hiểu lầm. Nếu mà được biến mất thì sướng biết mấy, như vậy sẽ không ai nhìn thấy mình.

Duy Phong mỉm cười:

– Em tưởng tượng vậy thôi, chứ không ai cười, cũng không ai coi thường em đâu.

– Như vậy mà không coi thường sao được.

Cô loay hoay lấy khăn ra hỉ mũi. Rồi nói tiếp với vẻ ấm ức:

– Nhớ lúc anh Kiệt bỏ em ngồi một mình chạy theo chị ấy, em có cảm tưởng lúc đó em biến thành pho tượng, không còn biết mình lố bịch đến đâu nữa.

Duy Phong hỏi một cách hết sức cụ thể:

– Bây giờ biết anh ấy không yêu em, em định sẽ làm gì nữa Nhi? Em có hình dung được những ngày tới của em chưa?

Hoàng Nhi hoang mang:

– Ý anh muốn hỏi gì?

– Khi đứng trước thất bại, người ta thường dễ nản lòng, dễ bi quan, nhất là thấy mình mất đi cả bầu trời. Em sẽ sống trong tâm trạng như vậy à?

– Em buồn chết được, không còn thiết tới cái gì nữa.

– Có ý định bỏ học không?

– Hôm nay em đã bỏ học rồi đó, biết như vậy là không được, nhưng em học không nổi.

– Em sẽ tiếp tục tình trạng nầy đến bao giờ?

– Em không biết, giờ em chỉ còn thấy tuyệt vọng, cảm giác như mất tất cả niềm vui trong cuộc sống, chưa bao giờ em đau khổ như vậy.

Duy Phong nhìn cô thật lâu. Rồi lắc đầu:

– Những cái mà em đang làm và đang nghĩ đều không nên làm, em biết như vậy là dỡ không?

– Sao kia.

– Còn điều nầy nữa, từ đây về sau em sẽ có thái độ thế nào với anh ta? Em hình dung ra chưa?

Hoàng Nhi chợt đỏ bừng mặt. Rồi nói lí nhí:

– Em nghĩ, tại sao mình không tìm cách chinh phục anh ấy, kéo anh ấy về phía em, đêm qua em đã suy nghĩ vậy đó.

Thấy Duy Phong không nói gì, cô hỏi khẽ:

– Như vậy có xấu không anh?

– Không xấu, nhưng vô ích, và rất kém tư cách.

– Xấu xa đến vậy sao?

Duy Phong nói như phân tích:

– Anh hỏi này, nếu em có bạn thân, một người nào đó cố tình kéo bạn em về phía họ, em có chịu được không?

Hoàng Nhi thở dài:

– Em biết vậy là không được, đáng ghét lắm, nhưng bây giờ em chỉ muốn làm thế nào để giành lấy anh Kiệt, nghĩ đến chuyện mất anh ấy, em chịu không nổi.

Duy Phong nói hết sức nhẹ nhàng:

– Anh ấy chưa bao giờ là của em, có gì đâu mà mất chứ. Và vì chưa từng là của mình, nên cũng đừng tìm cách giành lại, thất bại chỉ thuộc về em thôi.

Anh im lặng nghe tiếng thở dài buồn rầu của cô, rồi nói vừa dịu dàng, vừa cứng rắn:

– Ví dụ như em thành công, giả sử em giành được anh ấy về phía em thì sau đó em có dám tin vào anh ta không?

– Nghĩa là sao hả anh?

– Một người bị người khác lôi kéo đến mức bỏ người yêu của mình, thì tình cảm có bền vững không? Người như vậy làm sao em có thể tin tưởng suốt đời được. Cho nên em đừng nghĩ tới anh ấy nữa.

– Em làm vậy không được.

– Nếu muốn thì sẽ làm được.

– Ngay bây giờ thì em không thể suy nghĩ gì cả.

– Vì vậy anh mới hỏi để em suy nghĩ.

Hoàng Nhi mở to mắt nhìn Duy Phong. Nhưng vẫn lặng yên. Nhìn cử chỉ của cô, anh biết cô không tiếp thu nổi những gì mình nói. Nên đề nghị:

– Đàng nào thì em cũng mất một buổi chiều rồi, bây giờ đi chơi với anh, đi đến tối, vào vũ trường nhảy đến khi nào đuối sức rồi hãy về, lúc đó em chỉ có thể ngủ. Ngày mai bình tĩnh lại, lúc đó sẽ bắt đầu suy nghĩ xem mình phải làm gì.

Hoàng Nhi chậm chạp lắc đầu:

– Em không còn hứng thú dễ nhảy nữa.

– Còn đó, không vào đó thì làm sao em hiểu được mình vui hay không.

– Em không đi đâu.

Duy Phong nhún vai:

– Được rồi, không nghe lời anh cũng được. Nhưng mai mốt đừng gọi điện cho anh, đừng tìm anh lúc buồn, và quên hẳn anh Phong đi, vậy nhé.

Anh đứng dậy, khoát tay một cách cương quyết:

– Bây giờ về đi, anh chán nhất là thấy một cô gái khóc lóc. Nhìn cô ta xấu không chịu được.

Hoàng Nhi òa lên khóc:

– Anh mà cũng cư xử với em vậy sao?

– Ừ, anh chỉ có thể xem một người là bạn khi người đó coi trọng ý kiến của anh. Vậy mà anh tưởng Hoàng Nhi xem anh là người bạn thân đó.

– Anh đừng cư xử như vậy với em nghe, đến anh mà cũng bỏ mặc em, thì em còn ai để nói chuyện chứ.

– Còn chứ. Tấn Bình đó, và một người bạn trong nhóm em nữa. Cần gì phải chạy tới anh.

– Nhưng bọn nó con nít lắm, nó không hiểu chuyện thất tình đâu.

– Nếu thấy thích nói chuyện với anh thì phải làm theo những gì anh bảo, anh đang muốn đi chơi đây, còn em muốn về nhà nằm khóc thì tùy.

Thấy Hoàng Nhi vẫn ngồi im, anh chỉ tay ra ngoài:

– Đi ra cho anh khóa cửa nữa chứ.

Hoàng Nhi miễn cưỡng đứng dậy. Thấy Duy Phong đi ra cổng, cô cũng lững thững đi theo. Bây giờ buồn quá nên cô chỉ muốn ở bên cạnh anh. Bị đuổi như vậy cô cũng không hề tự ái.

Duy Phong ra chỗ lấy xe cô cũng đi theo. Lúc nầy anh mới chịu quay lại:

– Thế nào, có đi với anh không?

– Đi, anh đi đâu em theo đó.

– Vậy thì lên xe đi.

Hoàng Nhi bước tới mở cửa, ngồi vào xe. Duy Phong lên tiếng:

– Xe em để đâu?

– Em bỏ ở trường.

– Đi taxi tới đây à?

– Dạ.

Duy Phong lắc đầu:

– Em thật là bất kể.

– Bất kể gì anh Phong?

– Em không quan tâm tới cái gì, ngoài cảm xúc của mình, không được đâu nhé.

Hoàng Nhi nói với vẻ ảm đạm:

– Em chán đời lắm, bây giờ em không quan tâm tới cái gì cả.

Duy Phong điềm nhiên:

– Vô tâm chuyện gì cũng được, trừ chuyện học. Lỡ hôm nay thôi, mai mốt không được bỏ học nữa đó.

– Thật tình em học không nổi.

– Nhưng cúp tiết đi lang thang thế nầy, em có thích hơn không?

– Em muốn gặp anh, có anh tự nhiên em thấy đỡ nặng nề hơn.

– Nhưng trong giờ làm việc anh sẽ không đi chơi với em đâu, chỉ một hôm nay thôi đó.

Hoàng Nhi chợt trả lời ngoài ý muốn của mình:

– Vâng, chỉ một hôm nay thôi.

– Anh coi như lời hứa của em đó.

– Dạ.

– Bây giờ thích ăn gì?

– Gì cũng được anh ạ.

Duy Phong khẽ lắc đầu một mình. Buồn đến mức không còn muốn ăn gì nữa, đúng là không còn là cô nữa.

Anh đưa Hoàng Nhi đến khu ăn hàng mà có lần cô rủ anh tới. Lần nầy hai người cũng ngồi dưới gốc cây trứng cá. Hoàng Nhi có vẻ chẳng buồn nhìn về phía chiếc tủ chất vô số món ăn hấp dẫn. Cử chỉ đó làm Duy Phong nhớ vẻ mặt hớn hở của cô lần trước.

Lúc đó cô có một vẻ say sưa đặc biệt trong chuyện ăn quà, bây giờ thì không giống Hoàng Nhi chút nào, Duy Phong chủ động hỏi trước:

– Gọi món gì đây?

– Gì cũng được anh ạ.

Duy Phong gọi một lúc mấy món. Rồi ngồi im hút thuốc. Hoàng Nhi đưa mắt nhìn anh:

– Anh Phong không ăn sao?

– Không.

– Vậy anh đưa em tới đây làm gì?

– Anh muốn em thưởng thức những thứ em thích, thật ra ăn cũng vui lắm đó em.

Hoàng Nhi múc muổng chè đưa lên miệng một cách thờ ơ:

– Hình như vậy.

Rồi cô lặng lẽ ăn từng thứ trên bàn. Duy Phong ngồi im, kín đáo quan sát cô.

Nhìn mái tóc bắt đầu chấm ngang vai của cô. Anh lại nhớ kiểu tóc ngẩn ngủn y như con trai cách đây mấy tháng. Chiếc áo trắng bằng ren hết sức nữ tính cũng hòa hợp vóc dáng một cách tự nhiên. Khi trở nên thục nữ nhìn cỏ hết sức dịu dàng dễ thương. Ngay cả nỗi buồn cũng có nét lãng mạn.

Cả hai phong cách, anh đều thích với những cảm giác khác nhau.

Khi rời quán thì trời hãy còn chiều. Theo yêu cầu của Hoàng Nhi, Duy Phong đưa cô ra xa lộ, và cứ chạy mãi chẳng có định hướng là sẽ đi đâu.

Duy Phong im lặng lái xe. Thỉnh thoảng nhìn cô qua kính chiếu hậu. Hoàng Nhi khoanh tay trước ngực, đăm đăm nhìn ra bên đường. Đôi mắt buồn rười rượi.

Duy Phong định gợi chuyện với cô. Nhưng lại thôi. Khi người ta buồn, cũng có lúc nên để người ta yên tĩnh. Qua cơn ngấu nghiến tâm can, người ta sẽ trở lại trạng thái bình yên, dù chỉ là trong ngắn ngủi.

Bóng tối buông xuống lúc nào không hay. Duy Phong quyết định trở về thành phố. Thấy anh quay đầu xe, Hoàng Nhi nhìn qua anh:

– Về hả anh Phong?

– Về thôi, mình đi xa quá rồi.

– Nhưng em muốn đi chút nữa.

Duy Phong lắc đầu cương quyết:

– Không được, tối rồi, nảy giờ em rầu rĩ bao nhiêu đó đủ rồi.

Hoàng Nhỉ định năn nỉ. Nhưng lúc đó nghe tín hiệu máy của Duy Phong, nên cô làm thinh.

Duy Phong mở máy, nhìn số của Cẩm Xuyến trên màn hình, giọng anh trở nên ân cần:

– Alô, anh nghe đây Xuyến.

Cũng như mấy lần trước khi gọi cho anh, giọng Cẩm Xuyến có vẻ rụt rè:

– Anh đang ở đâu vậy?

– Đang đi trên đường, có chuyện gì vậy em?

– Bây giờ em có thể gặp anh được không? Em có chuyện cần nói với anh.

– Có gấp không?

– Cũng hơi gấp anh ạ.

– Nhưng bây giờ anh bận quá, tối nay chắc không được. Mai vậy nhé.

– Mai bảy giờ ở chỗ cũ hả anh?

– Ừ. Vậy nhé, hẹn gặp lại.

Duy Phong tắt máy. Hoàng Nhi hỏi ngay:

– Ai vậy anh Phong?

– Một người bạn.

– Chị ấy hẹn hò với anh phải không?

Duy Phong cười cười:

– Dùng từ gì kỳ vậy?

– Thì em nghe hai người nói chuyện đó, có phải chị ấy hẹn gặp anh tối nay không?

– Ừ.

– Sao anh không đến gặp vậy?

– Anh bận đi với Nhi mà.

– Cám ơn anh nghe.

Cô im lặng một lát. Rồi hỏi với vẻ ganh tị:

– Sao hai người em thân ai cũng có bồ cả.

Duy Phong phì cười:

– Không phải bồ anh đâu.

– Không phải sao hẹn hò kiểu đó.

– Bộ phải là người yêu mới hẹn gặp vậy hả?

– Chứ gì nữa.

Duy Phong lắc đầu:

– Đó là người của trước kia, bây giờ hết rồi.

– Là chia tay ấy hả?

– Ừ.

– Tại sao chia tay vậy anh?

Duy Phong mỉm cười:

– Anh không trả lời câu nầy nhé.

Hoàng Nhi giận giận:

– Không muốn nói thì thôi, chuyện của anh mà.

Duy Phong định nói qua chuyện khác. Nhưng Hoàng Nhi cứ tiếp tục đi theo ý nghĩ của cô:

– Lạ thật đó, bồ bịch đã chia tay rồi sao còn hẹn gặp kỳ vậy?

– Không có gì kỳ cả, không còn chuyện tình cảm thì người ta vẫn còn những mối quan hệ khác, như là công việc chẳng hạn.

Hoàng Nhi mở to mắt:

– Công chuyện à? Vậy khi nói xong công chuyện, có nhắc đến tình cảm không?

– Không, vì là chuyện không vui nên người ta thường có khuynh hướng né tránh.

– Anh và chị ấy đều né tránh à?

Duy Phong nói lãng qua chuyện khác:

– Anh muốn đi nhảy, Nhi có muốn đi không nhỉ?

– Tất nhiên là muốn, em không thích về nhà đâu.

Cả hai tự nhiên im lặng. Hoàng Nhi nhìn ra ngoài, nghĩ ngợi lan man về chuyện lúc nãy. Chuyện Duy Phong từng có người yêu làm cô thấy rất lạ. Cô đã quen nghĩ anh không hề có gì riêng tư rồi. Nên bây giờ biết trước đây anh cũng từng có người yêu, cô thấy hơi ghen tị với người đó.

Mãi suy nghĩ, cô không hay xe đang ngừng lại trong bãi giữ xe. Duy Phong quay qua cô:

– Nghĩ gì dữ vậy? Xuống đi chứ.

– Mình đang ở đâu vậy anh Phong?

– Nhìn qua bên kia xem.

Hoàng Nhi ngoái lại. Không cần nhìn lâu cô cũng biết bên kia là vũ trường.

Cô bèn mở cửa bước xuống:

– Em chưa vào đây lần nào cả, không biết nó có gì hay không?

– Trước kia bạn anh hay vào chỗ nầy, lâu rồi không trở lại, anh cũng muốn biết xem có gì mới không.

Cả hai băng qua đường, đi vào cửa mua vé. Mới giờ nầy mà các bàn đã đông người, tìm một bàn trống rất khó. Duy Phong phải gọi người tiếp viên dẫn đường.

Anh ta đưa đến một bàn trong góc phòng. Ở đây quá thiếu ánh sáng. Đến mức không thể nhìn rõ có những gì trên bàn.

Vì chỉ có một băng ghế, nên hai người phải ngồi chung. Duy Phong nghiêng người qua Hoàng Nhi, giọng anh át cả tiếng nhạc:

– Nhi uống gì?

– Uống rượu được không anh?

– Dứt khoát không, chọn thứ khác đi.

– Một lần thôi mà anh, không nhiều đâu, chỉ tập cho biết thôi.

Duy Phong không trả lời. Anh quay qua gọi hai lon pepsi. Hoàng Nhi tiu nghỉu mặt. Nhưng cũng không dám phản đối. Chỉ lẩm bẩm một cách giận hờn:

– Anh độc tài lắm.

– Lầm bầm cái gì đó?

– Anh độc tài lắm.

Duy Phong thản nhiên như không nghe. Anh nhịp nhịp tay theo điệu nhạc.

Miệng khẽ huýt sáo nho nhỏ một mình.

Hoàng Nhi ngồi im nhìn. Lúc nầy cô thấy anh có vẻ dân chịu chơi. Nó không giống vẻ người lớn như anh vẫn thường cư xử với cô.

Hai người ngồi nhìn ra sàn nhảy. Chợt Duy Phong kéo tay cô đứng lên:

– Ra đi.

Hoàng Nhi ghì lại:

– Thôi, em không muốn nhảy.

– Đi theo anh.

Không cưỡng lại được, Hoàng Nhi đành miễn cưỡg đi theo. Ra đến giữa sàn, Duy Phong bỏ cô đứng một mình, anh đi về phía giàn nhạc nói gì đó.

Một lát sau ban nhạc chuyển cách chơi. Điệu larabađa nổi lên làm thay đổi không khí hẳn. Không khí trở nên ồn ào. Những cặp nhảy như điên, phấn khích hết mình.

Hoàng Nhi như quên mất tâm trạng buồn bã của mình. Cô cười vui vẻ, vừa nhảy vừa giỡn với Duy Phong. Giống như lần đầu nhảy với anh trước kia.

Cô mê chơi đến nỗi khi Duy Phong đề nghị về, cô lắc đầu không chịu. Anh chìu cô nhảy thêm bản nữa. Rồi cương quyết kéo cô ra khỏi sàn nhảy.

Lúc ngồi trong xe, Hoàng Nhi mới bắt đầu thấy mệt. Cô che miệng ngáp:

– Em buồn ngủ quá.

– Có đói không?

– Không đói, chỉ muốn ngủ thôi.

– Tốt.

– Anh nói tốt cái gì?

– Không có gì cả. Nhưng về thì ngủ chứ đừng làm gì nữa, mai nhớ đi học bình thường, cấm tìm anh trong giờ làm việc nghe chưa?

Hoàng Nhi che miệng ngáp lần nữa. Rồi nhận xét:

– Hôm nay anh trở nên độc đoán quá. Toàn là ra lệnh cho em thôi.

Thấy cô dựa lưng vào nệm, Duy Phong thò tay qua kéo nhẹ tóc cô:

– Này, không được ngủ trong xe anh đó nhé. Phải tỉnh táo để vào nhà chứ.

Chẳng lẽ anh phải bồng vào à? Đừng có gục như vậy.

Hoàng Nhi nguýt một cái:

– Làm như em là con nít vậy?

– Cách ngủ gục đó cũng giống con nít lắm.

Hoàng Nhi không trả lời. Khi xe ngừng trước cửa nhà, cô quay lại phía Duy Phong, chìa tay ra:

– Tạm biệt, chúc anh ngủ ngon.

– Ngược lại nhé.

– Vâng.

Cô bước xuống rồi thò đầu vào cửa:

– Tối nay vui thật đó, đi chơi với anh thích thật.

– Cám ơn, chúc ngủ ngon.

Hoàng Nhi đưa tay vẩy chào. Rồi đi đến mở cổng. Cô liếc nhìn qua nhà bên kia. Thấy đèn trong phòng khách còn sáng. Chắc là Tấn Kiệt chưa về.

Cô lê bước lên phòng mình, mệt đờ đẩn, nhưng tâm trạng nhẹ nhàng rất nhiều, mỗi lần đi chơi với Duy Phong về, cô đều co tâm trạng rất vui như thế.

Cô chỉ kịp thay đồ, rồi ngã xuống giường ngủ ngon lành. Đến nỗi lúc bà Khải bước vào phòng cô cũng không hay.

CHƯƠNG 3

V

ừa bước vào nhà, Hoàng Nhi đã thấy bà Khải ngồi một mình ở salon. Vẻ mặt trầm ngâm u ám. Vậy là có chuyện gì nữa rồi. Một là chuyện làm ăn của ba, hai là phàn nàn về cô. Hoàng Nhi biết chắc như vậy.

Nhưng cô có gì đâu mà mẹ bực mình. Bây giờ cô ngoan chứ đâu có quậy như trước kia nữa. Mà thục nữ như mẹ muốn thì cô cũng đã thục nữ rồi.

Biết chắc mình không phải là nguyên nhân làm mẹ bực mình, Hoàng Nhi thấy yên tâm hơn, cô mạnh dạn sà xuống ngồi gần bà:

– Sao mặt mẹ buồn vậy? Có chuyện gì vậy mẹ?

Bà Khải nhìn cô, thở hắt ra:

– Đói bụng chưa? Vào kiếm cái gì ăn đi, rồi ra đây mẹ bảo.

''Vậy là chuyện của mình '' - Nghĩ tới đó Hoàng Nhi thấy rầu tới nơi. Cô lắc đầu:

– Con không ăn gì đâu, vừa ăn trong trường rồi, gì vậy hả mẹ?

Bà Khải không trả lời. Mà cứ ngồi im nặng nề. Khiến Hoàng Nhi bồn chồn xoay hết bên nầy đèn bến khác, cô hỏi dè dặt:

– Mẹ bực mình con hả mẹ? Nhưng con có làm gì đâu.

Bà Khải buông thỏng:

– Con còn muốn làm gì nữa, sao lúc nào cũng có chuyện bắt mẹ phải buồn khổ hết vậy chứ.

– Nhưng con có làm gì đâu.

Bà Khải hỏi thẳng thừng:

– Thì ra tối ngày ngồi ủ dột khóc lóc một mình là vậy đó phải không?

Thương thằng Kiệt một mình vậy phải không? Vậy mà mẹ hỏi cứ giấu biến, sao chuyện như vậy mà lại giấu mẹ chứ. Ôi trời ơi là trời, thật chết được với con mà.

Hoàng Nhi nhìn bà trân trối. Rồi hỏi như sắp khóc đến nơi:

– Sao mẹ biết?

– Tối ngày rúc trong phòng viết nhật ký như vậy, mẹ mà không phát hiện thì làm sao đây.

Bà tì tay lên thành ghế, xoa xoa trán một cách mệt mỏi:

– Chừng nào mẹ mới được yên tâm về con đây, lúc trước thì lo cái khác, bây giờ khổ cái khác, sao mà con...

Hoàng Nhi rơm rớm nước mắt:

– Con đâu có muốn thích như vậy, tại tự nhiên nó tới, con cũng không biết làm sao nữa.

Bà Khải thở dài:

– Thằng Kiệt thương đứa khác rồi phải không? Con biết cô ta không?

– Dạ biết.

– Những chuyện như vậy tại sao không nói với mẹ, cái gì cũng tự ý làm cả.

Nếu mẹ biết con chủ động nói với nó thì mẹ đã cấm rồi.

– Con cũng hối hận lắm, xấu hổ nữa.

– Đợi tới biết xấu hổ thì cả làng đều biết hết rồi. Thật chẳng ra làm sao cả.

Còn nữa, tên DP là ai vậy?

– Đó là một người bạn của con.

– Làm gì? Nhà cửa ở đâu?

Hoàng Nhi sợ bị hỏi về Duy Phong, nên vội lắc đầu:

– Con chỉ biết ảnh đi làm, chứ không biết nhà.

– Quen nhau ở đâu?

– Dạ, ở... dạ đi chơi chung nhóm nên gặp, thấy hợp rơ nên chơi thân luôn.

– Sao nó tốt với con dữ vậy? Nó có bạn gái chưa?

– Dạ, con không biết.

– Chắc chưa, nên mới đi chơi tự do như vậy. Này, hôm nào mời nó về nhà cho mẹ biết mặt, xem nó là người thế nào.

Hoàng Nhi miễn cưỡng:

– Thì ảnh cũng như mấy đứa bạn con thôi, đâu có gì đặc biệt mà mẹ phải biết mặt.

– Mẹ muốn tìm hiểu xem nó thế nào, có hơn thằng Kiệt không?

Hoàng Nhi ngồi im ngẫm nghĩ, rồi hiểu ra, cô sửng sốt nhìn bà:

– Mẹ định...

Bà Khải điềm nhiên gật đầu:

– Trên đời nầy không phải chỉ có mình thằng Kiệt là con trai, mẹ không muốn con gái mẹ khổ vì chuyện đó, có người khác rồi con sẽ quên được nó thôi.

– Trời ơi, mẹ... thật con không biết nói sao, nếu anh ấy biết được mẹ nghĩ như vậy, anh ấy sẽ cười con, con còn xấu hổ hơn nữa.

– Im đi, con nít biết gì, mẹ là người lớn, chẳng lẽ mẹ không biết làm cách nào giữ thể diện cho con à.

– Nhưng mà mẹ đừng có ý nghĩ tìm người khác cho con, con xin mẹ đó.

Bà Khải nổi nóng:

– Không lo tìm cho con, để con tối ngày mơ tưởng tới một đứa không hề nghĩ tới con, mẹ làm mẹ mà chịu nổi sao.

– Nhưng mẹ bắt con thích người khác, con còn khổ hơn nữa.

– Con tưởng như vậy thôi, khi thích người nào, cứ nghĩ không có người đó mình sẽ chết. Nhưng khi có người khác rồi thì sẽ quên được thôi, lúc đó mới nhận ra mình sai lầm.

Hoàng Nhi nói liều:

– Nhưng anh nầy chỉ coi con như em gái thôi, ảnh có người yêu rồi mà.

Bà Khải có vẻ thất vọng:

– Vậy hả? Vậy thì thôi, nhưng người ta có bạn gái rồi mà con cứ đeo theo như vậy, coi chừng bạn nó ghen đó, mai mốt không có đi chơi vậy nữa nghe chưa.

– Dạ.

– Đi lên phòng đi, lo kiếm cái gì ăn đó, càng ngày càng ốm nhom, coi không được.

– Dạ.

Hoàng Nhi đứng dậy đi lên. Cảm giác ánh mắt mẹ phía sau làm cô hơi lo.

Chưa lúc nào cô muốn mẹ đừng để tâm tới cô như lúc nầy.

May mà Duy Phong không khi nào tới nhà tìm cô. Rủi anh tới mà nằm trong tầm ngắm của mẹ, thì cô quê chết mất. Thậm chí là không dám gặp nữa.

Buổi tối không có ba mẹ ở nhà, Hoàng Nhi lôi quyển nhật ký ra đốt sạch.

Mai mốt cô cũng không dám viết nhật ký nữa. Thế nào mẹ cũng kiểm soát ý nghĩ của cô bằng cách đó sợ lắm. Không hiểu sao người lớn không hề có cùng quan điểm với tuổi trẻ, bảo sao người trẻ cứ trốn người lớn như trốn cọp.

Mấy ngày sau, khuya học bài xong, Hoàng Nhi xuống bếp lấy nước. Ngang qua phòng ba mẹ, cô nghe thấy tiếng nói chuyện vọng ra. Ban đầu cô không để ý lắm. Nhưng vì nghe mẹ nói đến tên Kiệt nên cô rón rén đến đứng ngoài cửa nghe cho rõ.

Chắc chắn là mẹ đã kể chuyện cô thất tình. Thật kỳ lạ. Nghĩ về chuyện của mình cô chỉ thấy buồn, nhưng đến khi nghe mẹ nói, cô lại thấy đó là tai họa. Và vì vậy mà chuyện có vẻ khủng khiếp hơn.

Giọng mẹ có vẻ sốt ruột:

– Bằng mọi cách phải tìm cách gả nó đi, chứ ở nhà đi ra đi vô gặp thằng Kiệt, nó chịu sao nổi. Chưa kể mai mốt thằng đó cưới vợ, thấy sờ sợ trước mắt đó còn khổ hơn nữa.

– Hay là cho nó đi du học.

– Thôi đi, nó ở bên đây tôi còn lo muốn chết, đi xa nữa làm sao quản lý cho nổi, với lại tâm lý nó không ổn như vậy, ra nước ngoài buồn chịu gì nổi, ở đây có bạn bè dù sao vẫn vui hơn.

– Ra nước ngoài thay đổi cuộc sống, không chừng nó khuây khỏa mà dễ quên hơn.

– Nó buồn thêm thì có, với lại nó đi xa tôi chịu sao nổi, không lẽ tôi đi luôn với nó.

– Sao bà không nghĩ chuyện tương lai của nó, nhìn gần quá.

– Có học cao hơn cũng vậy thôi, bây giờ vấn đề là kiếm chồng cho nó nè.

Hoàng Nhi nhắm tít mắt. Thở hắt ra, răng cắn chặt. Thật xấu hổ không sao chịu nổi. Đến chết được với mẹ thôi.

Giọng ba có vẻ xuôi xuôi:

– Mấy chỗ làm ăn với mình, đâu có ai có con trai cỡ tuổi nó, cũng khó đó.

– Đâu cần phải trang lứa, lớn hơn cũng được vậy. Con nhỏ nầy phải có người lớn tuổi hơn kèm cặp nó mới nổi, chứ trang lứa với nó nó không chịu đâu.

Không chịu nổi nữa, Hoàng Nhi tức mình bỏ đi. Cô rất muốn la lên là mẹ hãy để cho con yên. Nhưng không dám có phản ứng nào với mẹ, nên ráng nuốt cơn tức vào lòng.

Quên mất chuyện uống nước, cô chán nản bỏ về phòng mình. Không biết chuyện thất tình vớt chuyện được mẹ lo lắng, cái nào làm cô khổ nhiều hơn.

Mấy ngày sau Hoàng Nhi cũng quên chuyện đó. Nhưng chiều chúa nhật, cô đang ngồi trong phòng xem truyện thì bà Khải đi vào thái độ rất vui vẻ. Bà nói một cách âu yếm:

– Chuẩn bị lát nữa đi ăn với ba mẹ nghe con.

Hai chữ đi ăn làm Hoàng Nhi bắt đầu dị ứng. Cô nghĩ ngay tới chuyện bị kiếm chồng. Chuyện nầy đã xảy ra một lần rồi. Giống như cái lần gặp Duy Phong vậy đó nhưng lúc đó ba mẹ chưa có ý định gì cụ thể. Bây giờ thì chắc là ráo riết lắm rồi.

Nghĩ tới chuyện gặp mặt tên con trai xa lạ nào đó Hoàng Nhi ớn cả người.

Cô lập tức phản đối:

– Tối nay con mắc học bài, không đi được đâu mẹ, bài nhiều lắm.

– Nhiều thì thức khuya học, đó còn đó không có mất đâu mà sợ.

– Nhưng con học không kịp.

Bà Khải nói áp đặt:

– Không kịp thì bỏ đó, đừng có cãi.

Rồi bà bước tới tủ áo, lựa mãi mới chọn được một bộ. Hoàng Nhi liếc nhìn bộ đồ. Khẽ nhăn nhó:

– Đi ăn với ba mẹ sao phải mặc đồ đẹp vậy hả mẹ?

– Ba mẹ mời thêm khách, con phải ăn mặc cho tươm tất chứ.

Rồi bà nói như dặn:

– Gặp khách là phải chào hỏi đàng hoàng người ta hỏi thì nói, không thì cứ ngồi im nghe không, không được đòi uống bia như lần trước nữa đó.

Hoàng Nhi xụ mặt:

– Con không đi được không hả mẹ, con năn nỉ mẹ đấy.

– Không được, bắt buộc phải đi.

Giọng bà dịu lại:

– Hôm nay ba mẹ cố ý mời chỗ nầy, người ta có cậu con trai đàng hoàng lắm.

Họ không biết ý định của mẹ, nhưng mình cứ tạo điều kiện đi, kín đáo thôi, nếu không được mình cũng chẳng mất gì. Với lại con cũng có quen biết với cậu đó rồi.

– Cái gì?

Hoàng Nhi kinh hoàng kêu lên. Cô lập tức nghĩ ngay đến Duy Phong. Giọng cô rối rít:

– Không được đâu mẹ ơi, ảnh có bồ rồi.

Bà Khải nhìn cô nghi ngờ:

– Sao gia đình nói là cậu ta chưa có đám nào! Con dựng chuyện để cãi mẹ phải không?

– Con nói thật mà.

– Im đi, mẹ tin con hơn tin ba má cậu ta được à? Không nói nhiều nữa. Con mà cãi là chết với mẹ.

Bà nhìn đồng hồ. Rồi ra lệnh:

– Đi rửa mặt đi, rửa đàng hoàng, tẩy cho da mặt thật sạch đó. Rồi ra mẹ trang điểm cho.

''Trời ơi là trời, chết đi được'' - Hoàng Nhi vừa đi vào toalet, vừa rên rỉ một cách khổ sở. Nếu bây giờ mà trốn được mẹ, cô sẽ quỳ xuống cảm tạ thượng đế ngay. Sao mẹ không hiểu sự chăm sóc của mẹ chỉ làm cô bị áp lực chứ. Thà bỏ mặc cô mà sướng hơn. Cô chỉ muốn được yên thân mà thôi.

Cô rửa mặt qua loa, rồi bước ra. vẻ mặt ủ dột như đi đưa đám.

Bà Khải rất bực thái độ của cô. Nhưng ráng không quát lên, sợ cô khóc rồi không trang điểm được. Trong khi bà lo điên lên thì con bé ẻo nhẻo như bắt nó đi đày, tức cành hông lên được.

Bà bắt Hoàng Nhi ngồi vào bàn phấn, bắt đầu thoa phấn cho cô. Khi bà chuyển qua kẻ mắt, thì cô phản đối ngay:

– Đi ăn chứ có phải đám cưới đâu, trang điểm chi nhiều vậy mẹ, lố bịch lắm mẹ ơi.

Bà Khải gạt ngang:

– Mày nhìn mẹ vẽ chưa mà biết làm nhiều, mẹ để mầy lố bịch được à, không biết cái gì mà cứ có ý kiến, ngồi im đi.

Hoàng Nhi tức ấm ức. Nhưng không dám phản đối nữa. Cô ngồi im mà nước mắt muốn ứa ra.

Tưởng tượng Duy Phong mà biết chuyện nầy, cô chỉ muốn kêu trời hoặc chui xuống đất. Hết xấu hổ với Tấn Kiệt rồi bây giờ mẹ làm cô quê với Duy Phong, không biết đường đâu mà chạy trốn cho đỡ lố bịch.

Hoàng Nhi rầu rĩ đến độ bà Khải trang điểm xong mà cũng không hay. Đến lúc bà bảo đứng dậy thay đồ, cô mới trở lại thực tế.

Hoàng Nhi vội nhìn vào gương. Tự nhiên cô thở dài nhẹ nhỏm. Lúc nãy thấy mẹ vẽ nhiều thứ quá, cô tưởng mặt mình giống một diễn viên lên sân khấu.

Không ngờ chỉ trang điểm rất nhạt, son môi chỉ làm cho môi thắm lại chứ không đỏ chót đập vào mắt thiên hạ. Đúng là mẹ không làm cho cô thành lố bịch thật.

Hoàng Nhi xuống phòng khách đợi bà Khải. Không đầy mười lăm phút là bà đã trang điểm xong. Hoàng Nhi tò mò nhìn mẹ. Cả bà cũng có vẻ đơn giản lịch sự, chứ không cầu kỳ như đi đến cuộc gặp quan trọng. Phong cách của bà làm cô thấy yên tâm hơn. Chắc chắn mẹ sẽ biết giữ ý chứ không quá lộ liễu để người ta biết ý đồ của mình. Hy vọng Duy Phong sẽ không nhận ra.

Anh mà nhận ra thì chắc cô sẽ chết tươi vì xấu hổ.

Lúc đến nhà hàng thì đã thấy ông Dũng và Duy Phong ngồi chờ ở bàn. Hôm nay thấy Duy Phong, tự nhiên Hoàng Nhi đâm mất tự nhiên. Cô cố ý đi nép phía sau mẹ để anh đừng nhìn thấy. Biết là Duy Phong không biết gì ý đồ của mẹ cô.

Nhưng Hoàng Nhi bị tâm lý có tật giật mình. Nên không tự nhiên nổi.

Hình như hai cha con khách không biết gì cả, nên ai cũng rất tự nhiên. Khi gia đình Hoàng Nhi bước tới bàn, ông Dung đứng dậy, niềm nở kéo ghế cho Hoàng Nhi:

– Ngồi đây đi cháu, lâu ghê mới gặp, trông cháu lớn thêm nhiều.

Bà Khải nói đỡ:

– Coi lớn vậy chứ còn khờ lắm anh.

– Cháu còn đi học mà chị, mai mốt đi làm rồi thì sẽ dạn dĩ lên thôi.

Rồi ông đưa quyển menu cho cô, cử chỉ rất ân cần:

– Đi chợ đi cháu, thích món gì gọi món đó, tha hồ gọi nhé.

Hoàng Nhi đưa mắt nhìn bà Khải, rồi vội lắc đầu:

– Dạ, con không biết gọi gì đâu, bác gọi đi ạ.

– Không sao, bác ăn hoài riết rồi cũng không biết tìm món gì, cháu cứ gọi đi.

Bà Khải lên tiếng:

– Bác Dũng cho phép thì cứ chọn món đi con.

Lúc nầy Hoàng Nhi mới dám nhìn thực đơn. Nhưng cô không còn đầu óc mà nhớ món nào mình thích. Nên cứ gọi bừa vài món. Rồi đưa trả lại cho Ông Dũng.

Lần nầy thấy không khí có vẻ thân mật hơn, mấy người lớn nói chuyện nhiều chứ không quan tâm đến Hoàng Nhi nữa, nên cô được thoải mái hơn.

Cô ngồi im, không dám nhìn qua Duy Phong. Hôm nay cô không tài nào tự nhiên với anh cho nổi. Trong bụng cứ thầm cầu trời cho anh đừng biết gì chuyện coi mắt. Cứ nghĩ tới nghĩ lui mà đầu óc căng thẳng lên.

Không hiểu Duy Phong nghĩ gì mà thỉnh thoảng cứ cười một cách kín đáo.

Thỉnh thoảng lại nhìn Hoàng Nhi một cách đặc biệt. Nhưng cô cứ cúi xuống hoài nên không thấy. Chưa bao giờ trông cô nhu mì như thế nầy.

Ăn xong, những người lớn còn ngồi lại nói chuyện. Duy Phong bèn đưa mắt nhìn Hoàng Nhi:

– Mình ra ngoài chơi cho mát chứ?

Hoàng Nhi chưa kịp trả lời thì bà Khải đã nhanh miệng:

– Hai anh em cứ đi chơi, bao giờ về mẹ gọi.

Hoàng Nhi đứng lên theo Duy Phong ra sân. Cả hai đứng trong nhà thủy tạ nhìn xuống nước. Anh bắt đầu gợi chuyện:

– Sao tối nay em không nói gì hết vậy? Hiền đến mức khác thường, có chuyện gì vậy. Bị mẹ mắng phải không?

– Không có, em hiền thế nầy rồi, mắng mỏ gì nữa.

– Vậy thì có chuyện gì? Hôm nay em lạ lắm. Cứ như là mắc cỡ với ai vậy, chẳng lẽ với anh. Bộ anh lạ lắm hả?

Hoàng Nhi lắc đầu tới tấp:

– Em đâu có mắc cỡ, có gì đâu mà quê chứ, mà thái độ em kỳ lắm hả anh Phong?

– Không kỳ, nhưng hơi lạ.

– Thế...anh có gì khác không?

Duy Phong lắc đầu không hiểu:

– Khác là thế nào?

– Không có gì, em chỉ hỏi vậy thôi.

Duy Phong cười lớn. Rồi nghiêng người về phía Hoàng Nhi, đưa tay xoa đầu cô:

– Tối nay vô đây, tự nhiên anh nhớ lại lần trước. Một năm chưa nhỉ?

– Chắc hơn một năm, mà anh nhớ cái gì?

– Nhớ dáng điệu khổ sở của Nhi khi mặc áo đầm. Tóc thì ngắn ngủn, đi đứng như con trai, nhìn rất buồn cười.

Rồi anh bật lên cười, hình như thú vị chuyện đó lắm, nên cứ cười thật lâu.

Hoàng Nhi hơi quê, nhưng vì cử chỉ của Duy Phong vô tư và thoải mái quá, nên cô thấy cũng bình thường. Và cô cũng cười theo:

– Chuyện đó có gì hay chứ, nhớ làm chi, bây giờ nhớ lại em thấy quê không chịu được.

Chắc anh là người thấy sự thay đổi của Nhi nhiều nhất quá.

Hoàng Nhi không để ý câu nói đó, cô đứng lên suy nghĩ. Cuối cùng cô quyết định nói ra cái điều làm mình bất an:

– Anh Phong nầy, ai chủ động mời buổi tiệc nầy vậy? Ba anh hay là mẹ em thế?

Mắt Duy Phong lóe lên chút gì đó tinh quái. Nhưng anh lắc đầu thản nhiên:
– Anh không biết, chi vậy?
– Vậy tại sao anh đi với ba anh?
– Anh và ba thường hay đi ăn với khách hàng lắm, sao?
– Ờ, không có gì.
– Có chuyện gì thì nói nhé.
– Đâu có gì đâu.
– Nếu không thì tại sao hỏi anh như vậy?
Như vậy có nghĩa là Duy Phong rất vô tư. Vì anh cũng thường hay đi như vậy. Vậy là chỉ có mẹ chứ bên kia không nghĩ gì hết. Tự nhiên Hoàng Nhi thấy nhẹ hẳn đi.
Và khi yên tâm Duy Phong không biết gì, cô thấy thoải mái hơn. Với lại thái độ anh rất vô tư. Làm cô trở lại có tâm lý vui vẻ khi ở bên anh.
Chợt Duy Phong lên tiếng, giọng có vẻ quan tâm thật sự:
– Lúc nầy em thế nào, có thấy bớt buồn chưa?
Nhắc tới Tấn Kiệt, Hoàng Nhi xụ mặt xuống:
– Chuyện đó em không muốn nhắc tới nữa.Vì nó mà em chịu cái khác còn khổ hơn, em chán lắm.
Duy Phong nhìn cô chăm chú:
– Thế nào?
– Mẹ em biết rồi anh đấy.
Duy Phong buông một tiếng cười:
– Tưởng gì, mẹ biết thì có gì lớn, anh hơi ngạc nhiên là em không nói với mẹ.
– Mẹ thì cái gì cũng la, làm sao em dám nói, em chỉ nói với mỗi mình anh thôi.
– Hân hạnh thật.
– Em không đùa đâu đó.
– Anh cũng không đùa, anh nói thật mà, hôm nay cô Nhi dễ nổi cáu quá.
Hoàng Nhi cười rầu rĩ:
– Mẹ khủng bố riết rồi em chán đủ thứ, chỉ muốn yên thân cũng không được, như tối nay nầy, mẹ bắt em phải tới đây để...
Nhớ ra, Hoàng Nhi vội im bặt. Tay chận miệng như nhận ra mình nói hớ. Cô lúng túng không biết chữa cháy bằng cách nào. Nên cứ đứng lặng thinh.
Duy Phong tỉnh bơ như không nhận ra cử chỉ lúng túng đó, anh nói thản nhiên:
– Anh nghĩ mẹ em sợ ở nhà buồn nên muốn em đi theo, có gì đâu mà căng thẳng vậy.
Hoàng Nhi gật đầu liên tục:
– Chắc vậy, phải rồi.
Duy Phong có vẻ tò mò:
– Tại sao mẹ em biết chuyện của em, anh ta nói à?
– Không, mẹ đọc nhật ký.
– À.
– Rồi sao nữa? Chẳng lẽ chuyện đó làm em bị mắng?
– Em không bị mắng, nhưng...
Lần nầy cô lại ngừng kịp lúc. Rồi nói với chút thiếu tự nhiên:
– Nhưng bị theo dõi gắt gao lắm.
Duy Phong làm ra vẻ rất tin:
– Vậy à?
– Mẹ cấm em không được qua nhà anh Kiệt, muốn chơi với Trúc Hương thì gọi nó qua. Làm Hương nó tưởng em nghỉ chơi với nó, cứ đeo hỏi mãi.
– Rồi sao nữa?
– Em bực quá nên nói bừa là không thích con gái nhiều chuyện.
Duy Phong nhướng mắt một cách ngạc nhiên. Rồi phì cười:
– Vậy cô ta trả lời thế nào?
– Nó bảo, ủa, bộ em là con trai à? Không thích đùa mà cứ gặp con nhỏ hay léo nhéo, nhiều chuyện để em bực lắm.
Cô thở dài một tiếng ảo nảo:
Em buồn lắm, buồn vì anh ấy không thương em, và những chuyện khác nữa, tại sao khi mình gặp chuyện buồn, thì tự nhiên có vô số cái nhỏ nhặt tới với mình, sao em khổ vậy hả anh Phong?
Duy Phong nói hư hư thực thực:
– Thật ra em không phải khổ, mà chỉ bị phiền vì được chăm sóc quá mức, trong khi em chỉ muốn được yên thân, nếu mẹ em có làm em căng thẳng, thì cũng vì lo cho em thôi.
– Sao anh biết?
Duy Phong nhún vai:
– Tất cả các bà mẹ đều không yên tâm khi con gái bị khổ, cho nên phải lo, dĩ nhiên là bằng rất nhiều hình thức, mỗi người một cách lo khác nhau.
Hoàng Nhi đứng im ngẫm nghĩ. Rồi hỏi một cách nghi ngờ:
– Anh biết gì chuyện của mẹ em chứ? Sao anh lại nói vậy?
– Anh chỉ đoán vậy thôi, chứ cụ thể là gì thì không biết, làm sao anh biết được mẹ em nghĩ gì chứ?
– Anh nói thật không đó?
– Tại sao hỏi vậy, bộ anh Phong hay nói dối lắm hả?
Hoàng Nhi liếm môi:
– Không có gì, em chỉ hỏi vậy thôi.
Duy Phong không nói gì nữa, anh chống tay trên lan can, nhìn nhìn xuống hồ nước. Để Mặc Hoàng Nhi với bao nhiêu lo lắng nghi ngờ. Cả cô cũng im lặng.
Đứng một lát, Duy Phong chủ động đề nghị trở vào Hoàng Nhi cũng không phản đối. Cô nhớ lần trước khi anh bảo như vậy, cô rất vô tư khi không chịu.
Lúc đó sao mà sướng quá, chẳng cố gì để lo lắng bất an. Còn bây giờ thì bị sợ đủ thứ.
Chắc chắn mẹ sẽ rất bằng lòng khi thấy cô với Duy Phong thân mật thế nầy.
Lạy trời cho mẹ tế nhị, đừng để cha con bác Dũng biết ý định của ba mẹ.
– Lúc ra về, bà Khải có vẻ rất vui. Về đến nhà, bà theo Hoàng Nhi vào phòng cô:
– Lúc nãy con với cậu ta nói chuyện gì vậy?
– Nói lung tung chuyện, con không nhớ mẹ ạ.
– Này, từ đây về sau không được đi chơi với cái cậu gì đó nữa nghe không, cấm tiệt, không được chơi với bạn trai nữa.
– Sao vậy mẹ?
– Đừng có hỏi, chỉ nghe lời mẹ thôi, nếu cậu Phong rủ thì được, ngoài ra không đi chơi với ai cả. Còn cậu gì con viết trong nhật ký đó, người ta có bạn gái rồi, không được quan hệ nữa.
Hoàng Nhi làm thinh. Nếu mẹ biết Duy Phong là người cô hay nhắc trong nhật ký, chắc mẹ sẽ bắt cô mời tới nhà. Rồi ai biết được mẹ muốn gì nữa. Vậy nên cô quyết định không nói. Cho yên thân.
Thấy cô ngôi im im, bà Khải hỏi tiếp:
– Con thấy cậu Phong có tốt hơn thằng Kiệt không?
– Con không biết, vì đâu có tiếp xúc thường đâu mẹ.
– Mai mốt rủ cậu ta về nhà chơi nhé con. Nhưng đừng lộ liễu rủ một mình, mời thêm vài người bạn nữa. À, tháng tới sinh nhật con, dịp đó mời là đúng nhất đó.
Hoàng Nhi chẳng biết nói gì hơn là gật đầu dạ nhịp. Còn trong bụng thì thấy khốn khổ vô cùng. Cô ráng ngồi im nghe một lô lời dặn của mẹ. Đến khi bà ra khỏi phòng, cô mới thoát được trạng thái căng thẳng.
Hôm sau, buổi sáng Hoàng Nhi ở nhà một mình thì Trúc Hương qua chơi.
Từ hôm không qua nhà bên kia nữa, Trúc Hương qua cô thường hơn. Mà thường là lúc không có người lớn ở nhà. Hình như sau nầy cô cảm nhận được thái độ tránh né của bà Khải, nên đâm ngại.
Lúc Trúc Hương qua thì Hoàng Nhi đang ăn sáng. Cô nàng ngồi xuống đối diện, che miệng ngáp:
– Tối qua thức tới mười hai giờ, mệt quá trời.
– Mệt sao không ngủ mà qua đây?
– Có chuyện cần kể, tức quá không nói không được.
– Ăn gì chưa?
– Chưa.
Nói rồi cô đứng dậy, bước qua bếp, tự mình lấy mì vào dĩa. Rồi cầm qua bàn, bắt đầu ăn.
Hoàng Nhi hỏi một cách tò mò:
– Tức chuyện gì vậy?
– Cái bà Thanh đó, không biết mắt mũi anh Kiệt để đâu mà chọn bả nữa.
Nghe nói tới Tấn Kiệt, Hoàng Nhi bắt đầu thấy lo lo. Cô không dám hỏi tới nữa. Chỉ ngồi lặng lẽ ăn.
Trúc Hương vung tay một cách tức tối:
– Bà đó nay thấy ngồi quán café với ông nầy, mai đi ăn với ông kia, đâu có nhất thiết nghề nghiệp thì phải vậy đâu. Cũng phải giữ ý một chút chứ, coi thường anh Kiệt quá lắm.
Hoàng Nhi không nén nỗi tò mò:
– Quen với nhiều người lắm à? Anh Kiệt biết không?
– Biết rõ quá đi chứ, nhưng ảnh lý giải là phải giao tiếp với khách hàng, giao tiếp con khỉ, lợi dụng nghề nghiệp để lẳng lơ thì có.
– Nghề gì? Nghe nói chị ấy cùng làm chung công ty với anh Kiệt mà.
– Ủa, ông cũng biết chuyện đó nữa hả?
– Biết, có lần thấy hai người trong quán.
Trúc Hương thở hắt ra:
– Không biết bả có lẫn lộn anh hai với mấy ông kia không nữa.
– Nhưng chị Thanh đó là cái gì?
– Thì bà bán bảo hiểm, kiểu như làm thêm ấy mà. Tôi gặp bả đi với cả đống người mà toàn là đàn ông, về nói với anh Hai thì ảnh nói đó là khách hàng. Hứ, khách hàng sao không kiếm phụ nữ, tìm toàn là đàn ông có vợ, khôn quá.
– Sao ông biết người ta có vợ?
– Nhìn thì biết, đứng tuổi kiểu đó không có vợ chẳng lẽ thuộc dạng xàng pha nhớt, hoặc chết vợ, hỏi thế mà cũng hỏi.
Hoàng Nhi lập tức hiểu ngay, cô nói với một chút ác ý:
– Thì ra là vậy, vậy mà thấy anh Kiệt đi với tôi thì nổi giận đùng đùng.
– Có chuyện đó nữa hả?
Hoàng Nhi nói thờ ơ:
– Ừ, gặp một lần trong quán.
Trúc Hương nói một cách hằn học:
– Tối qua tao gặp bả đi với một ông vô khách sạn. Khách sạn đấy nhé, về tao kể với anh Hai, ảnh nói con nít đừng có xen vô chuyện người lớn, rồi còn bảo tao từ đây về sau đừng có xen vào chuyện riêng của ảnh, ôi trời, tức chết được.
– Chẳng lẽ ảnh mù quáng dữ vậy, trời ơi.
– Chắc chắn là vậy chứ chẳng lẽ quỷ gì, sao tôi lại có ông anh mê gái dữ vậy trời.
Hoàng Nhi chỉnh lại:
– Cái đó không phải là mê gái, mê thì thấy người đẹp là tán tỉnh, còn đàng nầy là yêu thật, vì yêu nên dễ dàng bỏ qua khuyết điểm.
Trúc Hương trố mắt nhìn Hoàng Nhi. Rồi cười phá lên:
– Ui giời, ông mà cũng tâm lý dữ vậy sao. Chuyện lạ.
Hoàng Nhi háy một cái:
– Tôi biết ông nghĩ gì rồi, nhưng đừng có thấy người ta im lặng mà tưởng người ta đần độn, không đúng đối tượng để nói đó thôi.
Trúc Hương nhún vai:
– Ai dám nói ông đần độn, tôi chỉ thấy ông vô tư như con trai, ai biết ông cũng sâu sắc.
– Hứ, càng nói chuyện càng thấy ghét.
Trúc Hương không quan tâm câu hỏi của cô. Cô đứng dậy dẹp chén dĩa. Rồi ngồi trở lại chỗ cũ. Bắt đầu tố ông anh và người yêu quái quỷ của ông ta. Nói với tất cả sự nhiệt tình của tuổi trẻ.
Hoàng Nhi cũng thấy tức lắm. Nhưng cô lo cho Tấn Kiệt nhiều hơn. Cô sợ anh bị gạt gẫm.
Người ta nói khi yêu thì goodbye sự sáng suốt. Lý trí lu mờ. Sự khôn ngoan bay xa...nói chung là đủ thứ mù quáng. Không biết Tấn Kiệt có nhận ra điều đó không.
Cô cảm thấy cuộc đời Tấn Kiệt sắp tiêu tùng đến nơi. Và thương hại anh sâu sắc.
Suốt cả ngày cô cứ đi ra đi vào bồn chồn. Buổi trưa cũng không ngủ được.
Nằm trên giường, cô mở mắt nhìn lên trần nhà. Nghĩ đủ thứ ý để khuyên can Tấn Kiệt.
Buổi tối chờ Trúc Hương đi học anh văn, cô chạy qua tìm Tấn Kiệt. May là có anh ở nhà. Lúc đó anh đang ngồi một mình trước sân nhà. Thấy cô, anh mỉm cười thân thiện:
– Sao mấy hôm nay không thấy em qua chơi, đi đâu vậy?
Hoàng Nhi ngồi xuống phía đầu băng đá, nhìn Tấn Kiệt. Anh có vẻ tỉnh bơ chứ chẳng có gì buồn cả. Nó hoàn toàn không giống như cô đã nghĩ suốt hôm nay. Tự nhiên cô thấy bị hẩng.
Chắc là anh giấu trong lòng đó thôi. Khi người yêu lang bang như vậy, có thánh mới không buồn.
Nghĩ vậy cô quyết định hỏi thẳng:
– Anh đang nghĩ tới chị Thanh phải không? Anh buồn lắm phải không?
Tấn Kiệt quay nhanh lại nhìn cô. Rồi cười một tiếng:
– Chắc nhỏ Hương to nhỏ gì với em phải không, nói xấu anh lắm chứ gì?
– Nếu nó nói xấu thì cũng là vì lo cho anh đó, em cũng thấy bất an cho anh nữa, anh có nghĩ là em lo lắm không?
Tấn Kiệt khoát tay:
– Nghe em nói, anh thấy anh giống con nít quá, đừng có nhìn anh kiểu đó, không hợp với anh đâu.
Hoàng Nhi lắc đầu:
– Không phải em thương hại hay tội nghiệp anh, anh cũng đừng tự ái với em, nhưng em thật lòng lo cho anh lắm, anh không hiểu sao?
– Lo chuyện gì?
– Em không biết tính chị Thanh thế nào, nhưng nay đi với người nầy, mai đi với người khác là mang tiếng lắm đấy, chị ấy như vậy, bạn anh thấy là sẽ cười anh đó, nói là anh bị cắm sừng.
Tấn Kiệt có vẻ khó chịu, giọng anh khô khan:
– Anh làm gì mà bị cắm sừng, em ăn nói cẩn thận lại đi.
– Em xem anh là anh nên mới nói thật, mà anh cũng đừng có tự ái với em, đành là chị ấy phải giao thiệp với khách hàng, nhưng thiếu gì chỗ, sao phải vào khách sạn, rõ ràng là làm chuyện mờ ám rồi.
Em nghe cách nói nhăng cuội của nhỏ Hương rồi thấy tội nghiệp anh phải không? Chắc em tưởng tượng chuyện gì ghê gớm lắm, giống như anh đau khổ vì tình cảm chứ gì, hai đứa làm anh bực mình thật đó.
– Anh bực vì tự ái với em. Hay vì nhỏ Hương chúi mũi vào chuyện của anh.
– Vấn đề là con bé đó không ưa Thanh, nên cứ tìm cách gièm pha cô ấy. Làm gì có chuyện vào khách sạn, cô ấy đâu phải loại người như vậy, thấy người ta đi ngang rồi phóng đại cho chuyện to tát, anh bực mình lắm.
– Anh nghĩ nhỏ Hương dựng chuyện sao? Em không tin đâu, nó không phải có tính như vậy.
– Anh cũng mong cho nó bớt nhiều chuyện một chút.
Hoàng Nhi nói nhẹ nhàng:
– Em nói thật nha, chị Thanh đâu có ngốc mà thừa nhận chuyện đó, tất nhiên chị ấy phải tìm cách lý giải, còn anh thì thương chị ấy hơn nên tin chị ấy. Coi chừng mai mốt anh hối hận quá.
Tấn Kiệt lắc đầu một cách cau có:
– Anh nói điều nầy nhé Nhi, nếu coi nhau như anh em thì em đừng gièm pha người anh thích, còn nếu không thì từ đây về sau đừng gặp mặt nhau nữa.
Hoàng Nhi thấy tự ái, nhưng cố cãi cho bằng được:
– Em không gièm pha, cũng không phải không được anh thích rồi ghét chị ấy, em chỉ lo cho anh thôi.
Tấn Kiệt lạnh lùng:
– Cám ơn em, nhưng không như vậy thì anh vẫn thích hơn.
– Anh thật là mù quáng, biết người yêu như vậy mà vẫn cố phủ nhận, em nói thật, nếu chị ấy là người đàng hoàng thì không đi với khách hàng kiểu đó đâu, có thiếu gì cách mời khách hàng, với lại sao không mời nữ, mà kiếm toàn là đàn ông không vậy?
– Sao em biết cô ấy chỉ kiếm đàn ông?
Hoàng Nhi ngắc ngứ làm thinh. Thật ra cô đâu có biết gì về chuyện của chị Thanh đó, chỉ nghe Trúc Hương nói thôi. Nhưng cô vẫn cố nói cho bằng được:
– Hương nó bảo rất nhiều lần nó gặp chị ấy đi với đàn ông, lúc thì quán café, lúc thì nhà hàng, nó không thấy ai là nữ cả.
Tấn Kiệt bẻ lại:
– Vậy những khách hàng nữ đi với cô ấy, nhỏ Hương có thấy hết không. Nó theo dõi cô ấy đó chắc.
Anh ngừng lại, mỉa mai:
– Em với nó có cần cô ấy đưa danh sách khách hàng cho xem không?
Hoàng Nhi quê đỏ mặt:
– Anh vừa phải thôi chứ.
Tấn Kiệt gằn giọng:
– Từ đây về sau anh không muốn hai đứa xen vào chuyện của anh nữa. Nếu tới tai ba hoặc mẹ anh thì đừng coi nhau là anh em nữa.
– Thật tình em không ngờ anh là như vậy đó anh Kiệt, người yêu như thế mà em gái nói không chịu tin, coi chừng cưới nhau rồi anh mới phát hiện, lúc đó hối hận cũng không kịp đâu.
– Em về đi Nhi, nếu em còn nói xấu cô ấy thì từ nay về sau đừng qua nhà anh nữa.
Hoàng Nhi đứng dậy. Nhưng vẫn cố nói thêm:
– Anh làm em thất vọng thật đó, trước kia em nghĩ anh sáng suốt lắm, bây giờ em thấy người ta nói đúng thật, anh có muốn nghe không?
Tấn Kiệt làm thinh như chờ cô đi. Nhưng Hoàng Nhi vẫn nói như đọc:
– Khi người ta yêu thì cũng có nghĩa là giã biệt sự khôn ngoan.
– Anh là như vậy đó.
– Đừng làm em bực nữa, anh đi về đi.
– Em chỉ nói lần nầy thôi, không ngờ anh nhu nhược đến vậy, mai mốt em không thèm nói nữa đâu.
Không nghe Tấn Kiệt trả lời, cô bèn bỏ đi về nhà mình.
Suốt ngày nay cô đã lo lắng cho anh là vậy. Vậy mà đổi lại chỉ nhận được thái độ bực bội. Cô không hối hận vì mình làm cái chuyện lố bịch, chỉ thấy chua chát.
Trong khi cô yêu anh ta thật lòng và chịu bao nhiêu điêu đứng vì tình cảm đó, thì anh ta mù quáng theo đuổi cái người không đàng hoàng. Càng nghĩ cô càng thấy ghét. Không phải ghét Tấn Kiệt, mà ghét cô người yêu không đứng đắn của anh. Không biết cô ta có thương Tấn Kiệt không, nếu thương thì tại sao có thể dễ dãi với đàn ông như vậy. Càng nghĩ càng thấy tức và ghét.

22/7/2015
Hoàng Thu Dung
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...