Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Nhà văn Dương Duy Ngữ: Duyên văn với hoa lan

Nhà văn Dương Duy Ngữ:
Duyên văn với hoa lan

Trong văn chương, tôi rất khâm phục những nhà văn có độ dày tác phẩm, cuốn này nối tiếp cuốn kia, làm nên một tên tuổi sáng danh. Song, tôi cũng thích cả những nhà văn mà sự nghiệp được kết tinh ở một vài tác phẩm, một mảng đề tài, với số trang rất “khiêm tốn”, nhưng lại chiếm được sự yêu mến của bạn đọc. Nhà văn Dương Duy Ngữ là một thí dụ.
Tôi biết Dương Duy Ngữ từ năm 1981, trong một cuộc trao giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mà anh và tôi cùng được giải. Hồi ấy anh là một sĩ quan pháo binh mới được triệu về trại viết văn của quân đội ở Vân Hồ 3 (Hà Nội). Anh có vóc dáng to cao, mạnh mẽ, bước chân phăm phắp, giọng nói oang oang như vẫn ở trận địa cao xạ ngày nào.
Năm 2014 gặp lại anh, tôi hơi ngỡ ngàng. Tuổi 72, lại đang có vấn đề về xương cốt, bước đi loạng choạng, nghiêng nghiêng ngửa ngửa, phải kè kè một cây gậy chống. Thế mà anh vẫn đáp xe buýt từ quê ra họp ở Hội Nhà văn. Thế mới biết tình yêu văn chương trong anh vẫn còn dư dả lắm.
Nhà văn Dương Duy Ngữ (1942 – 2019) được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2022
Dương Duy Ngữ sinh năm 1942 ở làng Gồ, Phủ Quốc, xứ Đoài; nay là xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Năm 1964, học hết phổ thông, Dương Duy Ngữ không thi đại học, mà đi bộ đội. Anh vào đoàn pháo binh Tam Đảo, chiến đấu ở thượng Lào. Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ tràn ra miền bắc, đoàn Tam Đảo kéo về bảo vệ cầu Hàm Rồng. Đó là những trận chiến đấu rất ác liệt đã đi vào sử sách. Cả đại đội chỉ một mình học hết lớp 10/10, Dương Duy Ngữ được giao vị trí pháo thủ số 5, pháo 57 ly. Đó là loại pháo lớn, sử dụng, thao tác nặng nhọc nhất, trong chiến đấu dễ bị hy sinh nhất so với các loại pháo khác. Ngoài Hàm Rồng, đoàn Tam Đảo còn tham gia chiến đấu ở nhiều địa phương khác nữa, lập nhiều chiến công. Đại đội 1 của Dương Duy Ngữ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT vào tháng 1 năm 1966.
Nhờ sự kiện đại đội được phong tặng danh hiệu anh hùng mà Dương Duy Ngữ có cơ may đến với văn chương. Chả là sau buổi lễ đón nhận danh hiệu cao quý, các nhà báo trong và ngoài quân đội đến đại đội lấy tài liệu đông lắm. Những người trực tiếp chiến đấu ở Lào, ở Hàm Rồng và nhiều nơi khác nữa thì đã được đi học sĩ quan hết. Dương Duy Ngữ không được đi học, nhưng là người trực tiếp chiến đấu, lại có khẩu khiếu cho nên cán bộ đại đội gọi lên làm người kể chuyện để các nhà báo nghe. Khi những bài báo của họ đăng lên, Dương Duy Ngữ đọc thấy họ viết chẳng khác mình kể là mấy. Thế là từ đó trở đi, nhà báo nào đến hỏi, Dương Duy Ngữ cũng không kể nữa. Anh dành “vốn liếng” để tự mình viết lấy. Anh gửi bài lên báo, không ngờ được đăng, lại nhận được cả nhuận bút gửi về nữa. Thích lắm.
Được đà, gặp sự kiện hoặc chuyện gì hay là anh viết, viết say mê, bài đăng liên tục. Đến một ngày, Cục Chính trị Quân chủng Phòng không- Không quân gọi về cơ quan rồi cho đi học lớp viết báo cấp tốc, viết gương người tốt việc tốt. Ở lớp học, được tiếp xúc với một số nhà văn tên tuổi, nghe họ nói về truyện ngắn, truyện ký, Dương Duy Ngữ cũng thử tập tọng viết. Vừa tập tọng vừa lo sợ. Bởi trước đó, Dương Duy Ngữ chưa bao giờ nghĩ mình có thể viết được văn. Hồi học phổ thông, điểm môn văn thường chỉ đạt trung bình. Khi truyện ngắn đầu tay được đăng, có chút tự tin, thế là cứ viết, rồi theo nghiệp văn từ đấy. Dương Duy Ngữ viết về đề tài chiến tranh khá nhiều. Tiểu thuyết. Truyện ngắn. Bút ký. Đều có độ dày cả. Nhưng cho đến một ngày, khi đã gần ở tuổi tri thiên mệnh, anh nhận ra mình chỉ là một giọng điệu giống như bao giọng điệu khác trong một dàn đồng ca, nhạt nhòa trong trí nhớ bạn đọc. Anh chán nản. Định bỏ bút không viết nữa.
Vào một buổi tối năm 1990, trong khu tập thể, Dương Duy Ngữ bị sự chán nản hành hạ. Anh nhớ đến quê và những người thân. Anh nhớ nhất người ông nội. Ông nội anh đỗ cử nhân nhưng không chịu ra làm quan huyện. Ông bảo làm quan ở thời mạt rất khó giữ được cái đức, rất dễ làm cho cán cân công lý sai lạc. Ông theo cụ cử Can tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi bị Tây bắt đánh cho thừa sống thiếu chết. Trở về làng, ông có thú chơi tao nhã: ươm trồng địa lan. Sách cổ viết: Vua chơi lan, quan chơi trà. Lan là loài hoa vương giả. Là loài hoa dành cho vua. Sách cổ còn có câu Vương giả chi lan là vì thế. Ông nội của nhà văn Dương Duy Ngữ trồng và chơi lan theo một triết lý của nhà nho.
Thuở anh Ngữ còn nhỏ, ông đã truyền dạy cho anh rất nhiều điều xoay quanh việc trồng và chơi lan. Cho nên trong cái đêm buồn nản nhất, thất vọng về bản thân nhất, anh đã nhớ tới người ông nội và tự hỏi: Những câu chuyện ông nội nói về lan hay thế, khiến ta nhớ lâu thế, sao ta không viết? Khi đã ngẫm ngợi chín chắn, trong cơn cảm xúc dâng trào, anh ngồi bật dậy cầm bút viết truyện ngắn Người trồng địa lan. Nhân vật chính xây dựng từ nguyên mẫu ông nội của anh. Truyện viết xong đưa cho một số bạn bè đọc, họ bảo, ối giời ơi, bác hết trò chơi rồi sao lại đi viết hoa viết cỏ dông dài thế này? Nhà văn Ngô Tự Lập làm việc cùng nhà xuất bản Quân đội nhân dân với Dương Duy Ngữ, một hôm hỏi: Chú có truyện ngắn nào mới viết đưa cháu can thiệp in cho. Anh Ngữ đưa truyện Người trồng địa lan. Vài hôm sau, Ngô Tự Lập bảo họ khen lắm. Báo sẽ in trang nhất. Anh Ngữ hỏi, vậy Lập có đọc không? Lập bảo, cháu không đọc. Nhưng họ đọc, họ khen, họ in là tốt rồi. Chứ cháu đọc bảo hay mà họ không in cũng vứt.
Truyện in ra, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Xuân Thiều khen hết lời. Ma Văn Kháng hỏi, cậu có thể viết những truyện khác nữa về hoa lan không? Anh Ngữ bảo, em có thể viết được dăm bảy cái, vì ông nội em trồng địa lan mà. Từ nhỏ em đã được ông nội hướng dẫn trồng địa lan công phu thế nào, thú chơi ra sao… Ma Văn Kháng bảo, thế thì em nên viết tiếp đi.
Từ hôm ấy có bao nhiêu vốn liếng về hoa lan, Dương Duy Ngữ huy động ra viết cho bằng hết. Chỉ một thời gian không dài anh đã hoàn thành một xê-ri truyện ngắn về lan: Tầm lan, Mặc phúc xuyên, Tiệc hoa, Giấc mơ, Độc chiếu, Tinh tuyển… Dương Duy Ngữ vừa viết vừa đi thăm các vườn lan của những người quanh vùng nhằm nghiên cứu, hỏi han, tích thêm vốn liếng. Đến nay anh đã có hẳn một tập với hàng chục truyện ngắn về lan, được xuất bản, và nhất là được bạn đọc yêu thích.
15/6/2023
Lê Hoài Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...