Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Nhà văn Văn Linh - Bảy mươi đầu sách viết trên "Giấy kẻ dòng"

Nhà văn Văn Linh - Bảy mươi
đầu sách viết trên "Giấy kẻ dòng"

Ông đã viết: “Tâm hồn cùng trí tuệ mà thượng đế ban phát cho nhà văn khác nào một đôi cánh khỏe hơn triệu triệu lần những cánh chim hồng chim hộc. Với đôi cánh ấy, nhà văn vượt lên trên mọi cám dỗ, tráng men, mọi dục vọng thơm tho, mọi lâu đài quyền quý nguy nga, đến thẳng với cõi sáng ánh sáng trác tuyệt đặng hoang thành thiên chức nhà văn”.
Tham dự hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 nhà văn Văn Linh lần lượt có 3 lần vào Hội Nhà văn vì giấy tờ thất lạc. Kể cũng vui, 2 lần chết, 3 lần vào hội, với 70 tác phẩm chỉ viết trên giấy có dòng kẻ.
Tiểu thuyết “Tịnh Hà dấu yêu” tập 1 của nhà văn Văn Linh vừa viết xong ít lâu thì ông suy sụp vì bệnh tim. Ông bảo chờ hồi sức sẽ viết tiếp. Đây là tác phẩm thứ 70 sau rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi và những kịch bản phim….
“Tịnh Hà dấu yêu” nhà văn Văn Linh đã vịn vào một câu hò nằm lòng, đó là quê hương Hà Tĩnh của ông:
“Thôi thôi đất trả cho vua
Chùa trả cho sãi
Bao nhiêu nhân ngãi anh trả cho nàng
Cá lui về sông Tịnh
Chim ngược ngàn kiếm đôi…”
Vịn vào câu hò, chỉ là căn cớ thôi, còn khắc khoải về quê hương yêu dấu của ông, đó là chiếc lá rơi về cội, là con chim bay cùng trời, rã cánh lại dừng về chốn quê.
Ông viết về thân phận một con  người, sinh ra lớn lên trên một vùng đất cằn khô toàn sỏi đá,  xưa  vốn là một đáy sông do con nước đổi dòng mà thành, gọi là Tịnh Hà (Con sông yên tĩnh). Vật dụng, nhà cửa đều làm bằng sỏi đá, các cụ già mút đá mút sỏi uống rượu,  nạn đói có người ăn sỏi mà sống qua được. Tương truyền người dân đất này trong đầu đều có sỏi. Một cái đầu có sỏi, gai góc, đầy bản lĩnh, sau bao gập ghềnh, lênh đênh theo cách mạng, mãn cuộc  trở về với làng thôi. Nhưng giờ đây đã là một thị trấn sầm uất. người ở khắp nơi đổ về giành giật nhau từng thước đất để khai thác đá quý, làm đồ đá giả cổ, làm đồ minh khí, tuỳ táng… Công cuộc làm giàu đã đào xới tung vùng đất đó lên đến nỗi sỏi đá cũng không còn nữa. Để rồi nó lại bị dìm sâu dưới đáy hồ do vỡ đập nước, nhấn chìm cả yêu thương lẫn mưu mô tranh giành trên mảnh đất đó dưới đáy tĩnh lặng ngàn đời.
Hỏi gia tài chỉ riêng mảng tiểu thuyết, ông thích cuốn nào, liệu ông có nhớ.
Dù rất mỏi mệt, nhưng ánh mắt ông sáng long lanh.
“Mùa hoa dẻ tôi viết 200 trang in, viết năm 1957, đến nay tái bản 6 lần số lượng in lên tới 6 vạn quyển, đây là hình ảnh người lính thuở ban đầu, thuở chống Pháp giành độc lập, những người lính trẻ hồn nhiên. Khi đó tôi cũng hồn nhiên lắm”.
“Tiểu thuyết “Con ngựa bốn vó trắng” viết hơn 200 trang, đó là thời tôi làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chalo, vùng biên giới Quảng Bình – Lào. Lúc này người lính đã đụng đầu với đời sống chính trị mới (vấn đề giai cấp)”.
Tiểu thuyết “Hai bờ một thung lũng” cũng khoảng 250 trang, vấn đề đặt ra chiến tranh như một cái thung lũng. Chúng ta chỉ là người ở trên hai bờ thôi, đó là vấn đề nhìn nhận về cuộc chiến tranh của một người lính từng trải.
Bộ tiểu thuyết “Sông Gianh” với 3 tập 1.500 trang, cũng đề cập đến số phận con người qua chiến tranh, đây có thể gọi là sử thi của một vùng đất, nước miền Trung, trong đó cuộc cải cách ruộng đất đã được khái quát bởi cái nhìn công bằng, khách quan, sống động của người trong cuộc, và tập 4 là “Đất nước ông bà”. Đất nước này là của ông bà, người ta làm sao có thể đi bán đất nước của cha ông để mưu cầu danh lợi nhất thời? Những vấn đề lớn của tiểu thuyết, những nỗi day dứt, và tâm thế nhà văn hướng vào cuộc sống trực diện, đặt ra câu hỏi lớn với những người quản lý đất đai, vườn ruộng, núi sông của đất Việt ông bà.
Đó là những tiểu thuyết mà ông thuộc vanh vách ở tuổi 80, thuộc chính xác cả số trang. Còn những truyện cho thiếu nhi cũng có thể gọi là mảng vì có tới mười lăm đầu sách, sách nào cũng tái bản nhiều lần và cũng rất đáng nhớ bởi có những truyện đã hằn sâu trong tâm trí thiếu nhi lúc đó cho tới tận ngày hôm nay như “Nơi xa” tái bản trong nước tới 9 lần, in tại Nga, Belarus tới 4 lần.
Đó là chưa kể những tiểu thuyết, tập truyện ngắn viết về đất nước Lào như “Pả sua”, “Tiểu đoàn hai” (Đã được dựng thành phim truyện) “Trên đất bạn”,  “Xáo khay”, “Phim pha” “Bến thác”… Trong đó tiểu thuyết “Pả sua” được các học giả quốc tế và bạn đọc đánh giá cao về nghệ thuật và kỹ năng tiểu thuyết.
Ngoài tên Văn Linh, Trần Thạch ông còn ký tên Thao Bun Linh, Thoong Van Vi Chít.
Kỷ niệm một quãng 15 năm ông sống chiến đấu ở đất nước Lào. Năm 1965, ông sang Lào lần thứ 2, làm chuyên gia văn hóa giúp nước bạn Lào, ông là người dìu dắt nhiều cây bút trẻ đưa họ đi thực tế, dạy họ viết và hướng tới cuộc sống đổi thay ở Viên Chăn, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng.
Nhà văn Vanh May Souk Kong My, là học trò của nhà văn Văn Linh,  hồi tháng hai năm 2009 vừa nhận giải văn học quốc tế sông Mê Kông tại Campuchia đã nói với tôi: “Nhà văn Văn Linh là thầy của em, nếu không có ông, em đã không biết viết văn, khi em được nhận giải thưởng văn học Mê Kông, em đã rất nhớ đến thầy. Nhà văn Việt Nam, ông là một trong những người có công lớn đặt những viên gạch đầu tiên cho nền văn học Lào… Ngay cả nhà văn Duangxay Luang Phasy người giành giải thưởng văn học sông Mê Kông 2008 cũng rất trân trọng nhà văn Văn Linh: “Ông là nhà văn Việt Nam, sang Lào, giúp đỡ rất nhiều cây bút trẻ viết văn, giờ họ đã trở thành những cây bút biết bám rễ vào cuộc sống – lao động và viết sách”.
Dọc đường đi từ Phnom Penh sang Xiêm Riệp, chị Vanh May Souk Kong My hỏi thăm thầy Văn Linh có khỏe không? Thầy đang viết gì?
Nghe nói ở bên Lào còn ngôi mộ giả đề tên Thao Bun Linh, do bọn thổ phỉ đòi giết tên chỉ huy cách mạng Thao Bun Linh, tên Thao Bun Linh là do bà con người Lào đặt cho nhà văn Văn Linh. Chính nhà văn đã được nhân dân Lào cứu  thoát và lập cái mộ giả ra trước mắt bọn thổ phỉ. Nhà văn Văn Linh cười cười: “Chú đã hai lần chết, hai lần nhân dân Lào che chở phục sinh”.
Hai lần chết, và ba lần vào Hội Nhà văn. Tham dự hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 trong đoàn đại biểu văn nghệ khu 4. Ông hiển nhiên là hội viên theo quyết định khi đó cùng với Xuân Hoàng, Minh Huệ, Cẩm Lai, Trần Hữu Thung…  rồi năm 1960 sang Lào, năm 1968, ông nhận được quyết định vào vào Hội Nhà văn do nhà văn Nguyễn Đình Thi kí, năm 1976, lại được nhà văn Nguyên Ngọc ký quyết định vào hội lần thứ ba, vì giấy tờ thất lạc. Kể cũng vui, 2 lần chết, 3 lần vào hội, với 70 tác phẩm chỉ viết trên giấy có dòng kẻ.
Chỉ mong “hồi sức” để viết nốt tiểu thuyết tập 2 “Tịnh Hà dấu yêu”.
Tôi hỏi khi viết tiểu thuyết “Tịnh Hà dấu yêu” ông có được Hội Nhà văn đầu tư chiều sâu không? Ông lắc đầu cười buồn.
Ông đã viết: “Tâm hồn cùng trí tuệ mà thượng đế ban phát cho nhà văn khác nào một đôi cánh khỏe hơn triệu triệu lần những cánh chim hồng chim hộc. Với đôi cánh ấy, nhà văn vượt lên trên mọi cám dỗ, tráng men, mọi dục vọng thơm tho, mọi lâu đài quyền quý nguy nga, đến thẳng với cõi sáng ánh sáng trác tuyệt đặng hoang thành thiên chức nhà văn”.
Ông đã làm tròn thiên chức nhà văn Việt Nam lặng lẽ, cống hiến cho nền văn học đất nước Lào, xứ sở của đạo Phật, lặng lẽ, lặng lẽ sống và viết.
15/6/2023
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...