Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

XXXXXVua Gia Long và người Pháp 3

Vua Gia Long và người Pháp 3

Chương 10

Bài introduction của sainte-croix

Sử gia Maybon không chỉ cho in lại bản Ký sự của Bissachère với nội dung xuyên tạc Quang Trung, Gia Long, phỉ báng dân Việt, như chúng ta đã thấy trong chương 9, ông còn đưa vào cuốn sách này hai bài “inédits” Avant-Propos (Tựa) và Introduction (Nhập đề) của Ste-Croix. Hai bài này, Ste-Croix viết để giới thiệu Ký sự Bissachère, nhưng sau ông bỏ ý định in riêng tập ký sự, cho nên chúng vẫn nằm trong Văn khố Bộ ngoại giao Pháp, và đã được một số người tham khảo và sử dụng trước Maybon, nhưng không đề xuất xứ. Đến năm 1920, khi Maybon cho xuất bản và giới thiệu như những tài liệu giá trị, chúng mới chính thức trở thành “tài liệu lịch sử” và được những người đi sau như Taboulet, khuếch trương, phổ biến thêm lên và được Tạ Trí Đại Trường tiếp nối, dùng trong cuốn Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam.

Bài Introduction chỉ ngắn có 28 trang nhưng chứa đựng những bóp méo lịch sử quan trọng và những điều dựng đứng này đã trở thành “sự thực” sau hơn một thế kỷ được truyền bá rộng rãi, nhất là ngày nay trên Internet, cả Wikipédia tiếng Việt.

*

Trong bài Avant-Propos (Tựa), Ste-Croix giải thích tại sao ông có được những tài liệu để viết bài Introduction này, sau khi Gia Long lên ngôi:

“Từ những ngày ở Manille, tôi đã muốn có những thông tin về các cuộc chinh phục mới đây của vua Nam Hà, là Bắc Hà và Cao Mên là nước mà rất ít người biết (…) Tôi chỉ nhận được những khái niệm rất thiếu sót (notions très imparfaites) từ các ông D’Ayot [hai anh em Dayot lúc đó sống ở Manille] làm quan ở Nam Hà, trong chiến tranh đã đi một phần nước Cao Mên với quân đội Nam Hà. Phải đến tháng 8/1807, ông de La Bissachère, giáo sĩ ở vùng này 18 năm, tới Macao, lúc tôi đang ở đó. Tôi yêu cầu ông viết một bài yếu lược (précis) về Bắc Hà và ông đã vui lòng viết những dòng ghi chép mà chúng ta sẽ đọc sau đây.” (Avant-propos, Ký sự Bissachère, t. 73)

Ste-Croix cho biết: Anh em Dayot chỉ cho ông những “khái niệm rất thiếu sót” và bản Ký sự là do ông yêu cầu Bissachère viết ra. Tiếp đó, Ste-Croix giải thích:

“Để độc giả hiểu rõ, khi đọc bài yếu lược của Bissachère, tôi viết bài “Introduction” này theo những gì tôi học được từ các ông Dayot, những biến cố xẩy ra ở Nam Hà từ khi vị vua trẻ bị đuổi khỏi đất nước của mình và được Đức Giám Mục Bá Đa Lộc dẫn đến triều đình Pháp xin cầu viện, cho tới bây giờ” (Avant-Propos, Ký sự Bissachère, t. 74, chúng tôi in đậm).

Như vậy: Ste-Croix đã dựa vào những “khái niệm rất thiếu sót” của anh em Dayot để viết bài Introduction này. Nhưng điều đáng chú ý hơn mà có lẽ độc giả đọc qua sẽ không nhận thấy, đó là câu mà chúng tôi đã in đậm ở trên: “vị vua trẻ bị đuổi khỏi đất nước của mình và được Đức Giám Mục Bá Đa Lộc dẫn đến triều đình Pháp xin cầu viện”.

Qua câu này, ta thấy ngay Sainte-Croix đã lầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh.

Thoạt tiên, ta tưởng chỉ là một lỗi nhỏ khi người ngoại quốc viết về lịch sử Việt Nam. Nhưng trong trường hợp này, nó trầm trọng hơn nhiều bởi vì, trong toàn bài, Ste-Croix sẽ coi vua Gia Long là học trò của Bá Đa Lộc, và sự sai lầm của y sẽ được công nhận và “chính thức hoá” thành sự thực, theo tiến trình mà chúng tôi sẽ trình bầy dần dần dưới đây.

Bài Introduction của Ste-Croix được Maybon giới thiệu bằng những lời lẽ sau: “Hai bài Avant-propos và Introduction của Renouard de Sainte-Croix đều hoàn toàn chưa in ở đâu cả, trừ vài lầm lỗi, nó chứa đựng những thông tin về lịch sử Việt Nam, lại càng thêm quý giá, vì đến từ Jean-Marie Dayot, một sĩ quan Pháp đã phục vụ đắc lực cho ông hoàng An Nam từ đầu cuộc chiến chống ngụy quân” (Maybon, Introduction, Ký sự Bissachère, t. 6-7).

Những lời trân trọng này của Maybon khiến độc giả tin tưởng. Ông có nhắc đến vài lầm lỗi (quelques erreurs), ông cũng có chú thích vài lần những lầm lỗi ấy như việc nhầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh, hay viết sai chữ Cảnh Thịnh, vv… nhưng ông bỏ qua tất cả những nhầm lẫn kếch sù là hậu quả của sự nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh. Không những thế, ông còn dùng kết quả của những lầm lẫn này trong bộ sử nổi tiếng Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820) của ông, cùng in năm 1920.

Một điểm đáng chú ý nữa: dù Ste-Croix nói là ông chỉ nhận được những “thông tin thiếu sót” của Dayot và phải nhờ Bissachère viết bài Ký sự, nhưng đọc xong bài Introduction này, ta có thể xác định: Ste-Croix hoàn toàn viết theo lời kể của Dayot, bởi những gì ông viết, hầu như không có trong Ký sự Bissachère.

Con số 250 người lính và việc Dayot “lái tầu theo Bá Đa Lộc” về giúp Nguyễn Ánh

Mở đầu Ste-Croix thuật chuyện “Bá Đa Lộc đem Nguyễn Ánh sang Pháp cầu viện” được Pháp hoàng chấp nhận cho 2 corvettes (tầu chiến nhỏ), trang bị 18 đại bác và 800 lính, nhưng đến Ấn Độ gặp trở ngại:

“Để thi hành lệnh của vua Pháp, Ô. de Cossigny, toàn quyền ở Ấn Độ lúc ấy cấp cho hai corvettes, không thuộc hải quân hoàng gia và chỉ chở được 250 người; một tầu ông giao cho người bà con là thanh niên d’Ayot [Dayot] điều khiển, và đã góp phần lớn vào sự thành công của ông hoàng [Nguyễn Ánh], còn tầu kia do Ô. de Marigny hay Martigny cai quản với nhiệm vụ theo lệnh của vua Nam Hà ở Pháp về với ông Bá Đa Lộc” (Ste-Croix, Introduction, Ký sự Bissachère, t. 77-78).

Đoạn này có bốn điểm sai:

1- Cossigny lúc đó đã thôi chức toàn quyền, Conway lên thay.

2- Conway không cấp gì cho Bá Đa Lộc cả vì Louis XVI đã ra lệnh bỏ hiệp ước Versailles.

3- Bá Đa Lộc về tay không, không có tầu nào đi cùng; theo 2 thư ông viết cho quản sự Létondal ở Macao, thư đầu, tháng 7/1789 có câu: “Tôi vừa về tới Nam Hà…. tôi về không có sự cứu trợ mà vua Pháp đã thuận giúp vua Nam Hà” (Launay III, t. 209). Và thư thứ nhì, viết ngày 17/8/1789, có câu: “Tôi về với độc một chiếc tầu nhỏ (une seule frégate) nó lại phải lập tức đi Manille ngay” (Launay, III, t. 210).

4- Bá Đa Lộc về với hoàng tử Cảnh chứ không phải với Nguyễn Ánh.

Bài Introduction này là văn bản đầu tiên nói đến việc “Dayot lái tầu về Việt Nam cùng với Bá Đa Lộc”, trái hẳn với những điều do Bá Đa Lộc viết ra.

Vậy ta có thể đoán rằng chính Dayot đã bịa ra điều này để “xác định” mình là người đầu tiên theo vị giám mục về giúp Nguyễn Ánh.

Con số “2 corvettes” và “250 lính” hoàn toàn vô căn cứ, có lẽ cũng do Dayot bịa ra.

Maybon sử dụng những thông tin vô căn cứ này, đặc biệt ở điểm: Dayot lái tầu về VN cùng với Bá Đa Lộc, và ông sẽ tìm cách “chứng minh” rằng chính Bá Đa Lộc đã xoay tiền mộ lính, mua tầu và vũ khí đạn được giúp Nguyễn Ánh. Con số 250 người lính, sau này sẽ được người ta sửa thành mấy trăm “do Bá Đa Lộc bỏ tiền ra mộ và mua 2 chiếc tầu về giúp Gia Long”.

Đó là sự xuyên tạc, thứ nhất, trong bài Introduction của Ste- Croix, sau này trở thành “sự thực lịch sử”.

“Nhờ Bá Đa Lộc” mà Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định

Tiếp tục câu chuyện hoang tưởng, Ste-Croix kể tiếp rằng (chúng tôi tóm tắt lời Ste-Croix): “Khi Nguyễn Ánh [vẫn nhầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh] về tới Sài Gòn với “hai tầu chiến Pháp và 250 người lính” thì quân Tây Sơn đã chiếm hết miền Nam [thực ra khi Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh về Sài Gòn tháng 7/1789, thì Nguyễn Vương đã bình định xong miền Nam], Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh phải đánh nhau với Tây Sơn để chiếm lại Gia Định, nhưng quân Tây Sơn mạnh, đuổi Nguyễn Ánh khỏi miền Nam, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu cứu. Tây Sơn đề nghị với vua Xiêm nếu bán Nguyễn Ánh cho họ, thì họ sẽ trả giá cao, tức là họ sẽ nhường cho Xiêm nhiều tỉnh miền Nam”.

Tới đây vai trò “cứu tinh” của Bá Đa Lộc hiện ra, Ste-Croix viết:

“Nhà vua trẻ nhờ do thám biết được sự phản trắc này [việc Xiêm bán ông cho Tây Sơn], nhưng không đủ kinh nghiệm và sáng suốt trong những trường hợp tế nhị, mới bí mật hỏi ý ông Bá Đa Lộc (…) Đức Giám Mục Bá Đa Lộc, trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, có lời khuyên ngoan cường là nên tập hợp những thuyền tam bản còn lại, tấn công ngay vào Kinh đô mà Tây Sơn đóng, vì bất ngờ, họ không kịp chuẩn bị đối phó, trước một dự tính phi thường như thế.

Vua Nam Hà khôn khéo thi hành kế hoạch này, ông trốn khỏi triều đình Xiêm, lấy cớ đi duyệt những thuyền tam bản và tiểu hạm rồi bất ngờ dong thẳng buồm về chiếm được Sài Gòn là nơi các lãnh tụ Tây Sơn ngự trú, hầu như không có sự kháng cự nào; lãnh tụ ngụy không ngờ đến sự “thăm viếng” này, chỉ có mấy người gác bên mình, còn lính tráng thì đã về quê- việc này thường thấy ở Nam Hà trong thời bình.” (Ste-Croix, Introduction, t. 80-81).

Đọc đoạn trên đây, chúng ta có thể đoán rằng Ste-Croix nghe Bissachère hay Dayot kể lỗ mỗ về hai việc: Nguyễn Ánh rút quân từ Xiêm về chiếm lại Gia Định, năm 1787 (lúc ấy Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh còn ở Pháp) và trận Thị Nại, 1792 (Nguyễn Ánh chớp nhoáng tấn công Quy Nhơn) rồi thêm thắt vào, để đi đến kết luận: “chiến công đầu tiên của Nguyễn Ánh là do Bá Đa Lộc chỉ đạo: tấn công bất ngờ và chớp nhoáng vào kinh đô, chiếm được Sài Gòn mà vua Tây Sơn đang ngự trị”.

Tuyệt nhiên không thấy sử gia Maybon chú thích gì về những “sai lầm nhỏ” này.

Dù bịa đặt hoàn toàn như thế, nhưng huyền thoại “Bá Đa Lộc cầm quân chiếm lại Gia Định” của Ste-Croix đã được truyền bá rộng rãi. Đặc biệt Alexis Faure khi viết cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine, 1891, đã dựa vào điểm này để tâng Bá Đa Lộc lên hàng nguyên soái, cầm cờ lệnh đi đầu, chiếm lại Gia Định, và Faure đã thượng phong Bá Đa Lộc làm Bộ trưởng bộ chiến tranh từ năm 1780! sau trở thành Richelieu của Nguyễn Ánh (Faure, chương 18, t. 72-76, bản in điện tử). Faure dùng nhiều “thông tin” trong bài Introduction của Ste-Croix, nhưng lại chú rằng rút từ Mémoire sur la Cochinchine, par de la Bissachère, 1807, (Văn Khố Ngoại Giao). Có lẽ cái tên Bissachère “đáng tin cậy” hơn, vì là thầy tu chăng?

Đó là sự xuyên tạc thứ hai, trong bài Introduction của Ste-Croix, sẽ là đầu mối cho các lập luận: Bá Đa Lộc trực tiếp chỉ huy quân đội Nguyễn Ánh.

Nhưng đáng buồn hơn cả là sự vinh thăng Bá Đa Lộc làm chủ soái của Tạ Chí Đại Trường, ông Tạ đã viết những hàng sau đây:

- “Vào gần nửa đêm một ngày nào đó, ông [Nguyễn Ánh] đi tìm Bá Đa Lộc để hỏi ý kiến [về việc giết Đỗ Thanh Nhân]. Ông này phân vân giữa Đỗ Thanh Nhân và Nguyễn Ánh, cả hai người ông đều có ý giữ liên lạc để lợi dụng truyền đạo, nên trả lời thối thác một cách khôn ngoan, Ánh khóc về.” (LSNCVN, t.100-101). Không biết tại sao Tạ Chí Đại Trường lại biết rõ đến như vậy, nhất là câu chuyện này xẩy ra lúc “nửa đêm” và biết cả Nguyễn Ánh khóc nữa! Chưa kể sự “ngẩn ngơ” đi hỏi thầy tu về dự định giết người!

- “Chính Bá Đa Lộc “bằng cách nói chuyện chơi” cũng đã thu thập kiến thức, kỹ thuật mới vào Gia Định khi ông dạy Đỗ Thanh Nhơn lối dùng lựu đạn” (LSNCVN, t. 107). Đức Cha Bá Đa Lộc dạy ông “tướng cướp” dùng lựu đạn, thật ngược đời. Nhất là chưa có gì chứng minh giám mục Bá Đa Lộc quen Đỗ Thanh Nhơn, vị tướng hiếu sát, giết người như cỏ rác (có lẽ TCĐTT nhầm Đỗ Thanh Nhơn với Mạc Thiên Tứ là người văn học và ân nhân của Bá Đa Lộc, trong tất cả phóng đoạn này).

- “Từ đầu tháng 3/1783, Bá Đa Lộc đã phải hội bàn với Nguyễn Ánh về việc tránh Tây Sơn” (LSNCVN, t. 113). Ở đây, rõ ràng Bá Đa Lộc là chủ, gọi Nguyễn Ánh lên để “hội bàn”.

- “Việc xẩy ra ở Phú Quốc vào khoảng đầu tháng 7/1783. Nguyễn Ánh đến hỏi Bá Đa Lộc tìm cách giúp đỡ lấy lại nước” LSNCVN, t.177).

Không cần dẫn thêm, chúng ta đã thấy tinh thần Ste-Croix trải dài trong cuốn Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, thông qua Faure, Maybon, Taboulet…

Olivier de Puymanel, “kỹ sư trưởng”

Sau khi đã vẽ chân dung Bá Đa Lộc, nhưng một vị nguyên soái, chỉ huy Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, Ste-Croix giới thiệu nhân vật quan trọng thứ nhì: Olivier de Puymanel, bằng những hàng như sau:

“…Vào khoảng thời gian này Ô. Olivier, người Pháp, về giúp, trở thành kỹ sư trưởng.

Là người trẻ tuổi có cao vọng, có kiến thức sâu rộng, là Chuẩn uý thủy quân (garde marine) trên một trong những tầu của Công ty Pháp ghé Nam Hà, trên đường đến Trung Quốc, hay tin ông vua đang đánh nhau, cần người Âu giúp, đã bỏ tầu đến giúp, được chấp nhận. Nhà vua không tiếc việc này vì, ngoài kiến thức hoàn hảo về việc xây thành trì, và thuật binh bị, Ô. Olivier còn có phẩm hạnh và tháo vát, hai đức tính chính của một vị chỉ huy quân đội.

Những chiến thắng của vua Nam Hà một phần là nhờ ông, ông đã vẽ bản đồ các thành quách, đã sáng tạo nhiều công binh xưởng.

Ông được thăng tước vị hạng nhất, là Kỹ sư chỉ huy trưởng đứng đầu các công binh xưởng và Tư lệnh một quân đoàn gồm 3000 cấm vệ của vua do ông thành lập và huấn luyện theo kiểu Tây phương. Nhưng sau ông ghê tởm công việc này vì không được hậu đãi và các đại thần xử tệ với những người Pháp giúp vua mà tôi sẽ giải thích sau.

Hoạt động của những người Pháp giúp vua Nam Hà đi đôi với những đại bác và súng ống mà nước Pháp cho họ, đã góp phần không nhỏ vào việc nhà vua dần dần làm chủ lại xứ sở trong một thời hạn khá ngắn. Ô. Olivier làm kiên cố đồn lũy bằng những chiến hào trang bị súng đại bác điều khiển theo lối Tây phương, và lối đánh nhau này rất mới lạ ở Nam Hà, làm cho quân Tây Sơn khiếp đảm thua chạy mỗi lần gặp quân nhà vua, chúng không thể chống lại hoả lực mạnh mẽ do Ô. Olivier điều khiển và chúng thường bị kéo vào những hào hố mà dân tộc này không có ý niệm gì” (Ste-Croix, Introduction, Bissachère, t. 82-83).

Đây là đoạn văn chủ chốt mà sau này các tác giả Pháp Việt đều dựa vào để vinh thăng Puymanel lên hàng đầu các ngành: Xây dựng thành đài, chiến luỹ, thành phố, đúc súng, tổ chức và huấn luyện quân đội…

Vấn đề đặt ra là: Khi mới đào ngũ, đặt chân lên đất Hà Tiên, Puymanel chỉ là binh nhì, ít học (sẽ chứng minh bằng văn bản trong phần viết về Puymanel). Vậy Puymanel học kỹ sư lúc nào? Học nghề binh ở trường sĩ quan nào? Mà vừa tới làm việc với Nguyễn Ánh đã trở thành Kỹ sư trưởng? Đứng đầu các công binh xưởng nào? Là tư lệnh quân đoàn nào? Mà có thể cùng một lúc, vừa là kỹ sư trưởng các công binh xưởng, vừa xây các đồn luỹ, vừa là Tư lệnh quân cấm vệ, vừa huấn luyện quân đội, vừa điều khiển các trận đánh…

Đó là sự xuyên tạc thứ ba, trong bài Introduction của Ste-Croix, sự xuyên tạc này sẽ được trích dẫn, thổi phồng để đưa Puymanel lên vị trí thứ nhì, sau Bá Đa Lộc.

Dayot “lãnh đạo thuỷ quân” và vẽ bản đồ bờ biển Việt Nam cho Nguyễn Ánh

Sau khi vinh thăng Puymanel là chúa tể các ngành bộ binh, Ste-Croix, (vẫn theo lời kể của Dayot), đưa Dayot lên hàng chủ soái ngành thuỷ binh.:

“Vua Nam Hà rất chú ý đến thuỷ quân, ông có mặt trong tất cả những công trình xây dựng tại các công binh xưởng do ông Olivier điều khiển cũng như ở các xưởng đóng tầu do ông Dayot điều khiển. Ông Dayot là linh hồn và lãnh đạo ngành thủy quân. Ông theo quân đi dọc bờ biển, vận tải lương thực; nếu thấy địch xuất hiện, nhờ cách điều khiển và nhờ hoả công mạnh của chiến hạm, ông khiến địch phải chạy trốn. Vua bắt các quan phải phục tùng mệnh lệnh của các vị chỉ huy Tây phương này cho nên họ bị ghen ghét.” (Bài đã dẫn, t. 83).

Đến đây, chúng ta mới hiểu tại sao có sự vinh thăng Puymanel trước đó, bởi vì nếu Dayot tự vinh thăng mình ngay, thì không tiện, nên đã thăng Puymanel trước khi tự thăng mình.

Vẫn theo Ste-Croix: sau một thời gian ở Nam Hà, Jean-Marie Dayot đã gọi em là Félix sang giúp vua: “Félix Dayot, là một thanh niên tài ba. Cả hai đã đóng nhiều chiến hạm cho nhà vua và vẽ bản đồ bờ biển VN, rất hữu dụng cho hải quân” (Bđd, t. 84).

Đó là sự xuyên tạc thứ tư trong bài Introduction của Ste-Croix. Sự xuyên tạc này sẽ được các học giả Maybon và Cadière tận dụng để ca tụng “sự nghiệp” anh em Dayot. Nhưng trong bài viết về Vannier, André Salles lại nhất quyết rằng Vannier mới là “chúa tể ngành thủy quân Việt Nam” (BAVH, 1935, II, t. 155). Hoá ra chúng ta có tới hai chúa tể ngành hải quân!

Chúng tôi sẽ trình bầy cặn kẽ những vấn đề này trong chương viết về Dayot; ở đây chỉ xin nói sơ lược: Nhiệm vụ chính của anh em Dayot là mua bán vật dụng ở nước ngoài và tiếp tế cho quân đội. Trong khi di chuyển, họ đã xin Nguyễn Vương cho thêm phương tiện để vẽ bản đồ bờ biển nước Nam. Sau này Dayot gửi toàn thể bản đồ này cho bộ Hải quân Pháp, chứ không phải cho vua Gia Long dùng. Quân đội Pháp sẽ dùng bản đồ này để đánh nước ta năm 1862. “Công trạng” này được Maybon ghi lại như sau:

“Trong những chuyến đi đi về về, dọc theo bờ biển nước Nam, không chỉ “đi theo quân” mà có khi đi tải lương nữa, anh em Dayot đã làm một công việc đáng vinh danh là vẽ thuỷ đạo đồ bờ biển và những hải cảng. Chính Renouard de Sainte-Croix đã đem về Pháp tập hồi ức và bản đồ của Dayot. Trong thư Dayot viết cho Ste-Croix từ Macao ngày 15/11/1807, có lẽ ít ngày sau khi Ste-Croix rời Macao, có những dòng hơi lạ này: “Chút tài mọn không cho phép tôi mơ ước chức hội viên thông tin của một cơ quan bác học [Viện Lưu Trữ] như thế, nhưng tôi sẽ rất mừng nếu những công trình của tôi được chấp nhận. Tôi có thể gửi tiếp những nhận xét bổ ích về cái xứ, có thể nói là vô danh này, và sẽ còn thú vị hơn nếu nó được chiếu thêm chút ánh sáng. Anh de Sainte-Croix thân, tôi tin trước những chăm sóc sốt sắng và tế nhị của anh. Tôi giao cho anh kết quả công việc sáu năm cam go của tôi, tất cả những gì anh sẽ làm, đối với tôi sẽ là tốt đẹp, và nếu có trở ngại gì với việc anh vì tình bạn giúp tôi và lòng mong muốn của tôi phục vụ tổ quốc [Pháp], thì cũng không giảm bớt được lòng biết ơn suốt đời của tôi đối với anh”. (Maybon, Introduction, Bissachère, t. 31-33).

Ý đồ của Dayot đã lộ rõ qua những dòng thư viết cho Ste-Croix được Maybon trích dẫn trên đây: y mong muốn được phục vụ tổ quốc Pháp với tập bản đồ này. Dayot là người có công với nước Pháp, nhưng đối với Việt Nam, là kẻ phản bội: lợi dụng lòng tin của vua để vẽ bản đồ nước ta dâng cho vua Pháp. Ste-Croix gửi bản đồ của Dayot về Bộ Ngoại Giao và đã được Hoàng đế [Napoléon I] xem. Maybon viết tiếp:

“Năm 1820, chính phủ quyết định dành cho Dayot một câu lạc bộ thiên văn; nhưng sự tưởng thưởng đến quá muộn, Dayot đã mất từ năm 1809. Ông cũng không nhìn thấy những bản đồ của ông được Viện lưu trữ hải quân phát hành năm 1818, và cũng không biết lời khen ngợi hết mình của Abel Rémusat: “… chúng ta biết có nhiều người nước ta đã giữ những chức vụ quan trọng trong triều nước Xiêm và nước Việt, và nhờ vào một trong những người đó, ông Dayot, nay đã qua đời, mà chúng ta có tập địa đồ (Atlas) cực kỳ quý giá về nước Nam, được vua [Louis XVIII] sai khắc năm 1818, đó là một trong những công trình bất hủ của khoa học địa lý về cái xứ rất xa Âu châu này… Từ khi các bản đồ của ông Dayot được in ra, chúng ta biết rõ bờ biển nước Nam có lẽ còn rõ hơn một số bờ biển Âu châu” (Abel Rémusat, Mélanges asiatiques, 1825, t. 74, 79).

Năm 1817, vua Louis XVIII sai Kergariou sang biển Đông, với bản đồ của Dayot. Trong thư ngày 28/3/1818 gửi bộ trưởng Hải quân, Kergariou viết: “Tôi đã đi khắp các cửa biển của nước Nam và trong hải trình chông gai này, tôi đã có dịp kiểm chứng, đảo lộn hầu như tất cả công trình của Ông Dayot. Chẳng có lời nào đủ để khâm phục sự chính xác, nhất là sự chính xác mà đất đai được chiếu lại trên các bản đồ”. (Maybon, Introduction, Bissachère, t. 33).

Tóm lại, Jean-Marie Dayot đã kể lại “công trạng” của mình cho Ste-Croix ghi lại. “Công trạng” này được các sử gia thuộc địa tung lên.

Tạ Chí Đại Trường, như thường lệ, vẫn rập theo phiá Pháp mà vinh thăng Dayot, ông viết: “Dayot là linh hồn và chủ tướng của thủy quân Nguyễn” như Giáo sĩ La Bissachère đã nói” (Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 204), thực ra là Ste-Croix viết câu này. Và ông Tạ đã dùng nhiều trang để ca ngợi “công lao” của Dayot, Puymanel và những người Pháp (LSNCVN, t. 231-237).

Jean- Marie Dayot là một người được vua tin dùng và trọng đãi, qua những chiếu dụ vua sai phái, mà chúng tôi sẽ trích dịch trong phần viết về Dayot; ở đây chỉ nói sơ lược hai vụ Dayot bị kết tội. Hai vụ này liên quan đến hai đợt lính Pháp bỏ đi năm 1792 và 1795. Trong chương 8 Hịch Quang Trung, chúng tôi đã nói khá rõ việc Bá Đa Lộc và lính Pháp bỏ đi năm 1792, khi thấy Quang Trung chuẩn bị đánh Nam Hà.

Linh mục Le Labousse, trong lá thư viết ngày 17/6/1792 gửi quản sự tu viện Letondal ở Macao, ông viết về trường hợp Dayot như sau: “Chuyến đi xui xẻo từ Macao sang Manille của Dayot và sổ sách cực kỳ thâm lạm của anh ta đã làm cho vua ghê tởm, bực quá không thèm nói gì thêm, vua sai đuổi hết không chỉ các lính thủy, mà tất cả sĩ quan, ai muốn đi thì đi, không giữ” (Launay III, t. 296). Tóm lại, trong đợt lính Pháp bỏ đi năm 1792, Dayot, vì thâm lạm sổ sách, bị quở phạt, nhưng chưa bị đuổi. Anh ta xin ở lại, chắc muốn lập công, cho nên có hai chứng cho biết Dayot dự trận Thị Nại 1792, như chúng tôi đã nói trong chương 8.

Năm 1795, lại có vụ người Pháp bỏ đi lần thứ hai, lần này trầm trọng hơn, liên quan đến hai việc quan trọng: Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu Bá Đa Lộc và Dayot làm đắm tầu.

Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu Bá Đa Lộc

Quan hàn lâm Trần Đại Luật là một trong những người đã theo Nguyễn Vương sang Vọng Các từ năm 1785. Khi Nguyễn Vương chiếm lại Gia Định, được bổ chức hàn lâm chế cáo. Tuy là quan văn nhưng ông vẫn dự các buổi luận bàn chiến lược với các quan võ và đã tham dự các trận đánh Diên Khánh và Quy Nhơn.

Khoảng tháng 3-4/1795, ông dâng sớ nói về cái hại của đạo giáo nói chung và của đạo Gia Tô nói riêng mà Bá Đa Lộc đã đem vào, xin vua chém đầu. Ông biết nếu vua không nghe thì có thể bị mất đầu, nên trước khi dâng sớ, đã dặn người nhà đóng áo quan đợi.

Liệt truyện viết:

“Đến khi ra coi việc quân, [Trần Đại Luật] thấy người Tây là Bá Đa Lộc kiêu ngạo, dâng một sớ nói: “Cái hại về đạo Phật Lão tệ hơn đạo Dương Mạc, mà cái hại về đạo Gia Tô lại tệ hơn đạo Phật Lão, nên trị mối dị đoan, thánh nhân răn về hại ấy, giữ về tà đạo, tiên vương [chỉ Võ Vương Nguyễn Phước Khoát] bảo tất phải giết, là rất ghét về loạn chính, dối dân để họa về sau. Nay Đa Lộc mang giáo cho Thiên Chuá để lừa dân ngu, không có tình thân cha con, nghiã lớn vua tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông Cung có chút công lao, sinh lòng kiêu ngạo, không sợ hãi gì, nay như thế, ngày khác lại như thế nào, kẻ ấy mà không giết, sao gọi là pháp luật được. Tôi xin được thanh gươm của vua dùng chém đầu hắn treo ở cửa chợ, để tạ cả nước mà bỏ được sự mê hoặc của mọi người”. Tờ sớ dâng vào vua rất khen, nhưng sợ bị hắn thù, bèn cạo bỏ tên họ [Trần Đại Luật] và cất vào hòm”, rồi triệu Luật bảo mật rằng: “Ngươi có lời nói thẳng, trẫm không phải là không tin, nhưng nay đánh đông dẹp tây, về việc dùng người, rất là việc cần, kẻ dối trá và ngu cũng nên dùng, không nên tỏ cho người biết là hẹp hòi, tạm hãy để đó.” (Liệt truyện, Trần Đại Luật, tập 2, t. 295-296).

Tất cả việc này chứng tỏ sự sáng suốt và tài chính trị của Gia Long.

Theo thư đề ngày 27/4/1795 của Lavoué gửi Létondal (Launay, t. 301-302), thì vụ này xẩy ra vào khoảng tháng 3-4/1795. Thực Lục, tháng 3-4/1795 (tháng 2 ÂL.), ghi rằng: “để Đông cung trấn giữ Gia Định, có Tả quân Phạm Văn Nhân, Giám thành sứ Tô Văn Đoài, Lễ bộ Nguyễn Đô, Tham mưu Nguyễn Thái Nguyên, Hộ bộ Phan Thiên Phúc, Hình bộ Nguyễn Văn Nghị, trợ giúp”. (TL, I, t. 318). Điều này chứng tỏ: Bá Đa Lộc không còn là một trong những người thầy của đông cung, có lẽ ông đã mất chức phụ đạo từ lúc này, và đến tháng 11-12/1795 (tháng 10 ÂL.), Thực Lục cho biết: vua sai phó tướng tả quân Phạm Văn Nhân làm phụ đạo Đông Cung với lời dụ: “…hết thảy mọi việc đều uỷ cho khanh. Cốt sao giúp đỡ thái tử, hun đúc đức tốt” (TL, I, t. 327-328). Như vậy, vua đã nghe lời khuyên của Trần Đại Luật, không để thái tử gần Bá Đa Lộc như trước nữa.

Ngoài ra, giáo sĩ Lavoué, vẫn trong lá thư ngày 27/4/1795 này, đã kể lại sự việc gần giống như Liệt truyện:

“Trong đúng lúc này [lúc xẩy ra vụ Dayot làm đắm tầu] thì các quan dâng vua lá sớ chống Đức Cha; vua đọc và im lặng. Đức Cha được báo tin ngay, nhưng giả vờ [không biết] trong vài ngày; sau thấy vua không đả động gì đến vụ này và còn tỏ ra đồng ý với các quan; Đức Cha mới cay đắng than thở, vua nghe mách lại, lúc đó mới gửi cho Đức Cha lá sớ” (Launay, t. 302).

Ở cuối thư, Lavoué, vì không biết tác giả viết sớ là ai, cho nên ông đoán mò:

“Trong số những người buộc tội có hai đại thần, hiện đang ở tù vì tội đã hèn nhát bỏ rơi hai quan khác đang bị ngụy quân vây nguy khốn. Họ xin Đức Cha che chở và nói rằng số phận họ ở trong tay cha. Số phận họ sẽ ra sao? Chưa biết thế nào, nhà vua đã đi đánh trận rồi” (Launay, t.302-303).

Nhưng Giám mục Bá Đa Lộc lại trình bầy việc này một cách khác hẳn. Trong hai bức thư dài gửi quản thủ Létondal (Launay, t. 303-306) ông phân trần về vụ này, thư đầu viết ngày 18/5/1795, ông chỉ nói đến việc các quan viết sớ xin vua cho hoàng tử ít gần ông hơn, vì sợ chịu ảnh hưởng của ông, vì vậy ông lợi dụng cơ hội này để xin đi Macao, và theo ông “nhà vua đã khóc xin ông đừng bỏ ông ta”, rồi vua “bắt hai vị đại thần đầu triều chủ trương việc này đem chém đầu, nhưng họ được ông xin ân xá” (Thư Bá Đa Lộc gửi Letondal ngày 18/5/1795, Launay, III, t. 303).

Lá thư thứ nhì viết ngày 30/5/1795, Bá Đa Lộc lại nói khác hẳn: ông kể chuyện 19 vị đại thần, vì ghét đạo, đã viết lá sớ tâu vua, vua đọc xong “nổi giận, ném lá sớ xuống đất” và dọa sẽ trừng trị nặng nề những kẻ viết. Sau đó, 2 đại tướng trong số 19 người này bị xử tử, và chính Đức Giám Mục phải can thiệp, họ mới khỏi bị chém đầu!

Như vậy đủ biết, ngay cả Đức Giám Mục, khi cần, cũng có thể bóp méo sự thực.

Nhưng đến khi Tạ Chí Đại Trường thuật lại chuyện này, ông còn gia tăng mức độ tưởng tượng lên một bậc nữa:

“Sửa soạn đi cứu Diên Khánh bị vây lần thứ hai, Nguyễn Ánh đã tống giam Dayot và một tùy tướng vì tội làm chìm chiếc tầu được giao trông coi, hư hại đến nỗi không thể sửa chữa để dùng được gì cả. Nguyễn Ánh tức giận chửi lung tung. Đúng dịp ấy, 19 người đại thần trong số đó có người chú vua (Tôn Thất Thăng?) và một người hoàng phái, dâng sớ bầy tỏ mối nguy hại nếu cứ để hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc dạy dỗ theo một tin tưởng khác hẳn mối tin tưởng cổ truyền. Họ cầu xin Nguyễn Ánh cắt đứt mối liên lạc ấy và để Cảnh cho các quan triều dạy. Nghe chuyện, Bá Đa Lộc khôn ngoan ẩn tránh vài ngày. Thấy Nguyễn Ánh có vẻ nghe theo lời sớ, ông lên tiếng phàn nàn thì Ánh đến tận nhà đưa tờ biểu cho ông coi.”

Sau khi kể chuyện Bá Đa Lộc nhắc lại công lao ông giúp Nguyễn Ánh và đòi về, ông Tạ viết tiếp: “… nên nghe Bá Đa Lộc đòi về, nhân dịp hai người có tên trong sớ là Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành không đi cứu Phố Hài, ông kêu về tống giam, vừa để trị tội, vừa để làm vừa lòng Giám Mục”. (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 298-299).

Thực kinh hoàng, khi thấy một người viết sử Việt Nam, không những đã phụ hoạ sự sai lầm của Lavoué, sự nói dối của Bá Đa Lộc mà còn thêm thắt vào để xuyên tạc lịch sử đến như vậy.

Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức bị phạt vì tội rút quân, không dám đương đầu với Lê Trung chứ không phải vì bỏ rơi ai hết, xẩy ra vào tháng giêng năm Ất Mão (tháng 2/1975), được cả Thực Lục (Tập I, t. 317) lẫn Liệt Truyện viết rõ, tóm tắt như sau: Mùa đông Giáp Dần (1794) Trần Quang Diệu lại vây thành Diên Khánh; vua phát cho Nguyễn Văn Thành 3000 quân, sai đi giữ Bình Thuận, “Thành nói:”Quân giặc nhiều, Bình Thuận lại là nơi tứ chiến không cho tôi 5000 quân không giữ được. Nguyễn Huỳnh Đức xin đi, vua bèn sai Nguyễn Huỳnh Đức điều bát, Thành làm phó. Quân đến Phan Rý, Tư lệ giặc là Lê Trung chọn chỗ hiểm để chống Đức, vì lương quân không đủ ăn, trước dẫn quân đi, Thành cùng lui quân về Na Ly cùng họp với quân Đức, bèn lui giữ Bà Rịa. Vua giận là hèn nhát bắt Thành cùng Đức về cho đình thần xét. Thành dẫn biện việc lui quân có sự trạng, vua chiếu tha không hỏi tội nữa” (Liệt truyện, I I, Nguyễn Văn Thành, t. 374).

Không có chuyện Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức và 19 đại thần ký sớ gì cả. Bởi vì, nếu có, thì tại sao các sử gia triều Nguyễn lại không ghi lại?

Dayot làm đắm tầu

Việc Dayot làm đắm tầu được phản ảnh trong thư của hai giáo sĩ Lavoué và Le Labousse.

1- Giáo sĩ Lavoué, trong một thư dài viết ngày 27/4/1795, gửi M. Létondal, có đoạn liên quan đến Dayot làm đắm tầu, như sau:

“Nhà vua vừa nổi cơn thịnh nộ với những người Âu giúp vua, và vừa tống giam 2 người trong bọn họ: ông Dayot và viên thượng sĩ hải quân của ông ta [son premier maître, có lẽ là phó đội trong tiếng Việt, vì Dayot là cai đội], đã để tầu bị đắm và bị hư hại nặng; người ta đã tâu vua là không thể dùng được nữa, việc này khiến vua nổi trận lôi đình, và thoạt đầu nóng giận, đã chửi rủa thậm tệ bọn người Âu đến giúp; sau đó ông nghĩ lại, và có lẽ ông còn đương nghĩ lại, bởi vì công việc của ông ngày càng xấu đi. [Ý nói việc Trần Quang Diệu đang ráo riết bao vây Diên Khánh lần thứ nhì, vương chuẩn bị hành quân giải vây Diên Khánh] (Launay, III, t. 302).

2- Thư Le Labousse viết, Sài Gòn ngày 22/6/1795 gửi Létondal, cho biết một số chi tiết khác:

“… Vương đang ở trong thế kẹt… Tất cả người Âu bỏ đi. Tôi sợ rằng đó là tiên khởi của chúng ta…. Đức Ông [Bá Đa Lộc] đã sửa soạn một chiếc tầu tốt rồi…

Ông sẽ thấy các ông Olivier và Dayot tới Macao. Dayot phải trốn khỏi chiến hạm của mình khi ra hàng ở cảng Saint Jacques. Sự tẩu thoát này sẽ là tổn thất nặng nề cho nhà vua.”

(Documents relatifs à l’époque de Gia Long, Cadière, BEFEO, số 12, 1912, t. 35).

Trong lúc Nguyễn Vương phải trực diện với Trần Quang Diệu, Diên Khánh ở trong vị thế cực kỳ nguy hiểm, Vương chuẩn bị xuất quân cứu Diên Khánh, thì Dayot làm đắm tầu. Tất nhiên y bị bắt, và đã trốn ra Vũng Tầu, bị truy nã, y ra hàng, sau y lại trốn được đi Macao.

Tóm lại: vụ Bá Đa Lộc và những người Pháp bỏ đi năm 1795, do hai lý do chính:

- Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu Bá Đa Lộc.

- Dayot làm đắm tầu, bị tội, hai anh em tìm cách tẩu thoát.

Puymanel định bỏ đi theo, hoặc đã bỏ đi, nhưng rồi quay trở lại, tiếp tục giúp vua một số việc có ghi trong Đại Nam Thực Lục và Liệt truyện cho đến khi mất ở Malacca ngày 22/3/1799.

Việc đắm tầu và bỏ đi, theo Ste-Croix viết lại

Khi Dayot kể cho Ste-Croix về việc đắm tầu này, thì khác hẳn, Ste-Croix viết:

“Các ông Dayot và Olivier bỏ đi sau 8 năm phục vụ mà không được của cải gì, mặc dù việc [trả ơn] ấy không khó. Những khó chịu mà vua và các quan gây cho ông Dayot đã khiến ông bỏ đi. Hiện nay chỉ còn 3, 4 người Pháp dưới quyền ở lại, đó là những ông Vannier,… không có của, chỉ có chức quan và như những người Âu khác không ngừng bị bọn quan lại ganh tị tài năng, vua nghe lời họ.” (Ste-Croix, bđd, t. 85).

Câu này đã phản ảnh một sự thật: Sau năm 1795, chỉ còn 3, 4 người Pháp ở lại. Những người lính Pháp đến đây tìm của, nhưng không đạt được sự mong muốn, thất vọng, họ bỏ đi. Việc đổ lỗi cho các quan, sẽ chỉ là một cách chạy tội. Ste-Croix viết tiếp câu chuyện Dayot kể:

“Và đây là những gì đã khiến cho người Pháp mếch lòng:

Ông Dayot như tôi đã cho biết, đã làm cho vua những dịch vụ quan trọng, vì hết lòng với vua và được vua tin cậy, nên bị các quan ghen tỵ. Ông chống không cho họ ăn hối lộ những người đem gỗ đến [bán] để đóng tầu. Dayot mách vua, họ mất mối bở nên tìm đủ mọi cách để hạ Dayot. Họ đã ra tay nhiều lần nhưng không thành. Một hôm, Dayot không có mặt trên tàu của mình, trời bão, tầu bị gió thổi xuống nước, lật. Vua đang sửa soạn hành quân, rất bực mình vì sự mất tầu này, các quan bèn lợi dụng, tâu vua là tầu chìm do Dayot bất cẩn muốn làm chậm trễ việc hành quân, Dayot bị đóng gông, đáng lý bị xử tử ngay, nếu các bạn ông không tìm cách chận lại. Không may là GM Bá Đa Lộc đi vắng. Dayot bị đóng gông 4 ngày, vua không chịu nghe lời xin khoan hồng. Sau cùng, giám mục về quở trách vua, bảo cách hành xử này sẽ làm cho người Pháp ghê tởm mãi mãi và điều đó có thể làm tổn hại rất nhiều cho nhà vua. Vua vẫn tôn kính đức giám mục nên nghe lời và thả ngay Dayot.

Nhà vua gọi Dayot đến để giải thích mình đã lầm, và sẽ sửa lại lỗi nhưng đã quá muộn. Dayot không thể bỏ qua, vả lại những điều gièm pha này sẽ còn xẩy ra, sẽ còn lập lại; Dayot ở thêm vài tháng rồi cả hai anh em xin từ chức để vua không từ chối được. Một thời gian sau vua biết tội của bọn quan lại, đem xử tử hết.

Tất cả người Pháp đều thấm thía hình phạt vô lý cho vị chỉ huy và đồng bào của họ; Ông Olivier càng nghĩ một ngày nào đó chuyện này cũng có thể xẩy ra cho mình mặc dù ông được ưu đãi, cũng xin từ chức. Dù ông làm việc hết lòng, qua nhiều chiến dịch thắng trận, mà vua không ban cho của cải gì cả.

Khi [Olivier] đã nói rõ dự định với vua, vua thấy sự mất mát này, ông bảo anh rằng: cho đến nay, có một số trở ngại khiến ông chưa thể tặng cho anh một phần của cải, nhưng ông sẽ lo việc này, Olivier cố nài nỉ, vì anh biết tính cực kỳ hà tiện của ông, cho rằng vua chỉ giả vờ để giữ anh lại. Nhà vua bèn nói: “Nếu ta là vua của nhà ngươi, ta có thể bắt buộc nhà ngươi, như một thần dân, ở lại, không cho đi, nhưng ngươi không phải thế và ta cũng không thể chống lại kế hoạch của ngươi, cũng như ta không thể vô ơn, quên những gì nhà ngươi đã làm cho ta, vậy ta cho ngươi một chiếc tầu nhỏ để ngươi có thể chở cau mua ở các cửa hàng. Ta cũng cho ngươi quyền ra vào tất cả các hải cảng của ta để buôn bán mà không phải trả bất cứ thuế gì”. (Chú thích của Ste-Croix: thuế nhập khẩu vào nước Nam là 3.000 đồng cho tất cả các thứ thuyền tầu lớn nhỏ). Ô. Olivier đem tầu này chở cau tới Macao, bán được cả thảy 3.000 quan tiền. Ông trở lại Cao Mên với tầu này, mang những thứ hàng hoá dùng riêng cho xứ này, rồi bị bệnh kiết lỵ khi vào cảng, và chết ít lâu sau” (Bđd, t. 85-89).

Những dòng trên đây của Ste-Croix (viết lại lời Dayot), cho biết một số thông tin:

- Dayot suýt bị chém vì tội làm đắm tầu.

- Theo lời y, thì nhờ Bá Đa Lộc xin, mà y được tha.

- Nhưng theo những điều đã trình bầy ở trên, thì lúc đó Bá Đa Lộc cũng còn đang lo cho số phận của mình, vì lá sớ của Trần Đại Luật.

- Theo thư của Le Labousse, Dayot trốn đến Vũng Tầu, rồi bị bắt lại, y trốn thêm lần nữa, mới thoát sang Macao.

- Vẫn theo thư của Le Labousse, thì Olivier de Puymanel cùng đi Macao với anh em Dayot. Nhưng sau y lại quay về, cho nên mới có đoạn Olivier đối thoại với vua, như Ste-Croix viết ở trên.

Bá Đa Lộc là “thày dạy” Nguyễn Ánh, theo Ste- Croix

Từ đầu đến cuối bài Introduction, Ste-Croix đều nhầm hoàng tử Cảnh với Nguyễn Ánh, cho nên y viết những câu: “Vị vua trẻ Nam Hà, được vua cha giao phó cho vị giám mục, trước khi chết, và căn dặn ông làm thầy chỉ đạo cho” (Bđd, t. 76); hoặc: “Những người Pháp mà ông hoàng này đã mang ơn nặng, nhưng công lao của họ không được đền bù xứng đáng, nhất là sau cái chết của Giám Mục Bá Đa Lộc, người thầy đầy quyền uy đối với đứa con đỡ đầu” (Bđd, t. 85). Và Ste-Croix đã kể những câu chuyện hoang tưởng về vai trò của Bá Đa Lộc bên cạnh Nguyễn Ánh:

“… đã đỡ đầu, che chở và đưa ông hoàng trẻ sang Pháp để xin cầu viện, Đức Giám Mục tự hạn chế mình trong địa vị một người có tuổi, dạy cho ông vua học trò những nguyên tắc đại cương của đạo đức (…) ông dịch cho học trò nhiều sách tiếng Pháp sang chữ Nôm [Cochinchinois] chủ yếu là những sách chiến lược và xây dựng thành quách (…) ông hoàng này có kiến thức đại cương về khoa học và luôn luôn đọc những sách mà giám mục dịch ra, ông muốn học hỏi cho bằng người Âu.

Đối với vị giám mục đã dạy dỗ nhà vua (…) vua coi ông như người cha thứ nhì và gọi ông là Thượng Sư [Grande Maîre]. Ta có thể tin rằng nếu Người [giám mục] còn sống, thì sẽ chẳng để cho nhà vua tàn sát dã man những thủ lãnh Tây Sơn khi lên làm vua. Người sống ở trong triều của học trò, được hưởng những ưu thế như vua, ngồi ngang hàng với vua, và nếu người không vào triều thì vay đến thăm người tại nhà, nhất là thời gian cuối khi người bị bệnh” (Bđd, t. 91-92).

Sự lầm lộn của Ste-Croix, lúc đầu, tưởng là vô can, nhưng dần dần dẫn đến những hậu quả tai hại như đoạn văn vừa dẫn ở trên: Y hoàn toàn coi vua Gia Long là học trò của Bá Đa Lộc!

Trước hết, phải nói rõ lại: Bá Đa Lộc đã tháp tùng, trông nom và dậy dỗ Hoàng tử Cảnh trong 4 năm đi Pháp, từ 1785 đến 1789, (5 đến 9 tuổi). Gia Long không quên cái ơn này, nên ông đã luôn luôn đối xử tử tế với vị giám mục, cho con gọi Bá Đa Lộc một cách tôn kính bằng Thượng Sư. Khi đem hoàng tử về lại Sài Gòn, Bá Đa Lộc giữ chức phụ đạo, nhưng bên cạnh còn có những thầy khác như Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu… đều là những học giả thời bấy giờ. Tuy nhiên, người Pháp khi viết về việc này, họ không biết hoặc họ cố ý, chỉ coi như có một mình Bá Đa Lộc là thầy của hoàng tử.

Năm 1794, khi Nguyễn Vương sai hoàng tử Cảnh, mới 13 tuổi, đi trấn thủ Diên Khánh để học nghề binh và nghề cai trị, các thày dạy cũng phải đi theo, cùng với các đại tướng Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Huỳnh Đức, hộ tống để giữ thành. Nhưng đối với người Pháp cũng vẫn chỉ “một mình” Bá Đa Lộc “giữ thành”, “chỉ huy việc bắn đại bác, vv…. và Tạ Chí Đại Trường cũng cứ thế chép lại.

Sự lầm lộn, cho Bá Đa Lộc là thầy của Gia Long, sẽ là sự xuyên tạc thứ năm của Ste-Croix, được nhiều người thổi phồng, phổ biến và trở thành “sự thực lịch sử”.

“Chân dung” Gia Long, theo Ste-Croix

Từ ảnh hưởng Bissachère và Dayot, Ste-Croix không thể cưỡng lại sự bôi nhọ Gia Long:

” Tính tình vua nước Nam có tốt lẫn xấu, có sự nhậy cảm lẫn sự hung ác, ông ta có kiến thức hơn bất cứ quần thần nào, nhưng giống như tất cả những người Á Châu khác, ông tưởng mình biết nhiều thực ra ông chẳng biết bao nhiêu. Ông phô trương lòng can đảm và sự điềm tĩnh, theo lời khuyên của ông Olivier. Những thắng lợi mà ông đạt được trên kẻ thù, thực ra chỉ là những sự tàn bạo giết quân Tây Sơn một cách chớp nhoáng, mà ít tốn máu quân của ông, nhờ đại bác do người Pháp điều khiển. Tôi nghe những người thấy tận mắt đồn rằng trận lớn nhất không mất quá 5 phút đánh nhau, bởi khi quân địch bắt đầu tan rã thì sự tàn sát trở thành khủng khiếp, không ai ngăn cản nổi; theo truyền thống Á đông, người thua để cho người thắng chém giết tha hồ mà không chống lại, phần đông vứt khí giới chạy cho nhanh, họ không biết thuật rút quân, khiến cho trận địa ở nước này trở thành nguy hiểm và đẫm máu, sau khi lâm trận hơn là lúc vào trận” (bđd, t. 93- 94).

Những điều hoang tưởng trên đây, chứng tỏ sĩ quan kỵ binh Ste-Croix khinh miệt và căm thù người Á Châu. Tiếc rằng sử gia Maybon không có một lời chú thích nào về những sự loạn ngôn này. Ste- Croix viết tiếp:

“Ta có thể nói rằng: trong nước này chỉ mình ông [Gia Long] là giầu, trong khi tất cả các dân tộc dưới sự cai trị của ông đều cực kỳ đói khổ, vì bị các quan nhỏ sách nhiễu chưa từng thấy, rồi quan nhỏ lại bị quan lớn cướp bóc sách nhiễu, và sau cùng nhà vua chém đầu bọn quan lớn để chiếm hữu tiền bạc của cải mà họ đã kiếm chác bất hợp pháp. Những cuộc hành hình xẩy ra luôn luôn, và người ta vẫn làm. Hình như ăn cắp là tính thiên bẩm của tất cả các dân tộc Á Châu, đặc biệt người Tầu và người Việt “(bđd, t. 94).

“Người ta quả quyết rằng nhà vua có nhiều kho tàng lớn lao, chôn giấu nhiều vàng thoi. Ông thích dùng tiền mặt, trả lương các quan bằng tiền đồng kẽm, lấy ở kho tàng, mà không bao giờ trả bằng bạc. Những quan người Âu được trả 150 quan một tháng để chi tiêu trong nhà, cho vợ hay người hầu, hay lính hầu rất đông ở các nhà quan” (bđd, t. 94-95).

“Để biết rõ hơn sự hà tiện của vua nước Nam, tôi [Ste-Croix] phải kể ra đây hai chuyện mà ai cũng biết:

Ông hoàng theo lối Tầu này có tiền đồng, đúc bằng đồng ròng, để mua đồ và trả lương lính, nhưng ông bỏ casin [không rõ là chất gì] vào, làm cho nó dễ vỡ như thủy tinh, với cách làm gian lận này ông kiếm chác vô kể [Có lẽ Ste-Croix nhầm tiền đồng với tiền kẽm].

Ông hoàng đầy quyền lực và giầu có này cho người đầu bếp một nửa đồng tiền mỗi ngày để đi chợ. Gã đầu bếp đi chợ với lính, vơ tất cả những thứ mà hắn muốn, không trả tiền, bọn lính cũng làm y như vậy, những người bán hàng không dám than phiền gì cả. Tóm lại, bàn ăn của nhà vua đầy các thứ cao lương mỹ vị mà toàn đồ ăn cướp của dân” (bđd, t. 95-96).

Miễn phê bình. Những “thông tin”: vua trả lương người Âu bằng tiền kẽm và trả một cách “bóc lột” sẽ được Taboulet chép lại. Còn chuyện vua Gia Long sai đầu bếp đi ăn cắp ở chợ, thì có lẽ các sử gia Pháp hơi ngượng nên không thấy họ phổ biến.

Đến đây chúng ta có thể hiểu tại sao sử gia Maybon cho in bài Introduction của Ste-Croix. Bởi ông cần dựa vào những thông tin thất thiệt này để xác định “công trạng” của Bá Đa Lộc và những người Pháp giúp Gia Long.

Bài Introduction của Ste-Croix, khi còn ở trong kho lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp cùng với Ký sự Bissachère, đã được những người như Trương Vĩnh Ký sử dụng trong Cours d’histoire annamite (Giáo trình lịch sử An Nam), 1875, Alexis Faure trong cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine évêque d’Adran (Đức Giám Mục Bá Đa Lộc), 1891, Louis Eugène Louvet trong cuốn La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở Nam Kỳ), 1885, Silvestre, trong Politique Française dans L’Indochine (Chính trị Pháp tại Đông Dương), Annales de l’Ecole des Sciences Politiques, 1896, Charles Gosselin trong cuốn L’Empire d’Annam (Đế Quốc An Nam), 1904… Nó là nguồn gốc hai huyền thoại: Bá Đa Lộc là đệ nhất công thần và Puymanel, Dayot là thủy tổ nền binh bị và xây dựng thành quách tại Việt Nam.

Khi Maybon viết cuốn Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) (Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)), ông đã khảo sát nhiều tài liệu Âu-Việt (Barrow, Montyon, Thực Lục, Liệt Truyện…) đều không thấy ai nói đến những “công trạng” này, nên ông phải cho in Ste-Croix và Bissachère, để chứng minh những điều ông đưa ra, đã được những người đi trước viết cách đấy hơn một thế kỷ.

Để kết luận, xin tóm tắt hai điều về Ste-Croix:

- Ste-Croix, vì lầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh cho nên đã cho Bá Đa Lộc là thầy dạy vua Gia Long, là người “cầm đầu” trong triều, được ngồi ngang hàng với vua, được vua nể sợ, bảo sao vua nghe vậy. Faure sẽ dựa vào “chân dung” này để mô tả Bá Đa Lộc như một Richelieu đầy quyền năng bên cạnh Gia Long.

- Ste-Croix – dựa vào lời kể của Dayot, một kẻ bị Gia Long kết tội phải chạy trốn, để bôi nhọ Gia Long và đưa ra những thông tin tự đề cao, biến Dayot thành nhà lãnh đạo thủy quân, cùng với Puymanel, trở thành những nhà sáng lập các ngành đúc súng, đóng tầu, xây dựng tất cả thành đài Vauban ở Việt Nam.

 

Chương 11

alexis faure và cuốn monseigneur pigneau de béhaine

Năm 1891, Alexis Faure, bí thư của Bộ trưởng Hải quân Pháp Chasseloup-Laubat, xuất bản ở Paris cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine évêque d’Adran, (Đức Giám Mục Bá Đa Lộc) (sẽ dẫn là Faure, Bá Đa Lộc) Augustin Challamel, Paris, 1891.

Vì làm việc dưới quyền Bộ trưởng, nên Faure có điều kiện tham khảo các tài liệu chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông đã viết lại cuộc đời giám mục Bá Đa Lộc, nhờ một số tư liệu lưu trữ trong bộ ngoại giao và quốc phòng, đáng chú ý là những văn bản sau đây:

1- Bản ghi chép những điều Bá Đa Lộc tâu vua Louis XVI, với hai yếu tố chính:

- Về những lợi ích mang lại cho nước Pháp nếu đem quân “giúp” Nguyễn Ánh: ngoài sự giàu có về sản vật của nước Nam, Pháp còn chặn đứng sự bành trướng của đế quốc Anh ở Á Châu.

- Tình trạng “tồi tệ” của quân Tây Sơn: nếu đánh là được ngay. Điểm này Bá Đa Lộc hoàn toàn khai man, vì lúc đó Nguyễn Ánh đã bị Nguyễn Huệ đuổi đến bốn lần ra khỏi lãnh thổ. Và có lẽ chính vì điểm man trá này, nên khi biết rõ sự thực, Louis XVI đã bãi bỏ hiệp ước Versailles, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi viết về Bá Đa Lộc.

2 – Bản ghi buổi “khẩu cung” ở Pondichéry, Conway buộc Bá Đa Lộc phải trả lời trước “bộ tư lệnh” về những điểm chiến lược khi đem quân vào Nam Hà: phải tấn công ở đâu, như thế nào, nhưng vị giám mục ú ớ, không trả lời được.

Hai tài liệu này rất quan trọng cho việc tìm hiểu Bá Đa Lộc. Faure “hồn nhiên” đưa ra, nhưng Maybon không thích, cho nên ông chỉ trích Faure không đề xuất xứ các tài liệu, thực ra là có.

3- Faure tìm được danh sách 369 (có chỗ ông ghi 359, nhưng đếm thì đúng 369) người lính đào ngũ, trên các tàu Pháp có dịch vụ ở biển Đông từ 1785 đến 1789, trong số đó chỉ có một sĩ quan, và viên sĩ quan này không đến Việt Nam. Nhờ tư liệu này, chúng ta có thể biết rõ học lực và cấp bậc của những người lính đào ngũ như Puymanel, Lebrun, v.v. Nhưng cái tệ là Faure lại vơ cả con số 369 này vào thành 369 người đến giúp Nguyễn Ánh, một lập luận hết sức sai lầm không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ mổ xẻ vấn đề này trong chương Con số những người lính Pháp đến giúp Gia Long.

Đó là ba điểm hữu ích mà cuốn sách của Faure có thể giúp chúng ta rọi sâu vào sự nghiệp Bá Đa Lộc và những người lính Pháp.

Nhưng sách của Faure còn có những khía cạnh xuyên tạc lịch sử trầm trọng mà chúng ta cần biết:

1- Faure đã đọc bài Introduction của Sainte-Croix trong Archives des Affaires étrangères, fonds Indes Orientales (Văn khố Ngoại giao, đề tài Đông Ấn) trước Maybon gần 30 năm. Faure sẽ dùng hoàn toàn luận điệu của Ste-Croix (kẻ nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh) và tô điểm thêm để vẽ chân dung Bá Đa Lộc, như người thầy của Nguyễn Ánh, tôn Bá lên thành Richelieu của Gia Long.

2- Faure tìm thấy trong Archives des Affaires étrangères, fonds Indes Orientales, những bản báo cáo của de Guignes, một nhân viên hay điệp viên (nguyên tiếng Pháp là agent) ngoại giao của Pháp tại Quảng Đông, gửi về Bộ Ngoại Giao Pháp; nhưng ông nâng cấp cho de Guignes thành lãnh sự (consul). De Guignes được Faure giới thiệu là người “hiểu rõ tình hình Nam Hà”. Nếu đọc những bản báo cáo này, ta thấy Guignes cũng chỉ cung cấp những tài liệu “giá trị” kiểu Ste-Croix, nếu làm điệp viên cho chính phủ Pháp, thì chỉ là một điệp viên tồi. Nhưng một số “thông tin” của de Guignes sẽ là nền tảng cho câu chuyện “Le Brun là nhà thiết kế đô thị đầu tiên và Puymanel là kiến trúc sư xây tất cả những thành trì Vauban ở Việt Nam”. Đó là hai tác hại chính trong cuốn sách Bá Đa Lộc của Alexis Faure.

Khởi thuỷ của việc Le Brun và Puymanel trở thành “kỹ sư và kiến trúc sư” xây dựng thành trì

Trong số những báo cáo của nhân viên hay điệp viên de Guignes gửi về Bộ Ngoại Giao Pháp, bản viết ngày 29/12/1791, có câu: “Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta [Nguyễn Vương] một cái bản đồ thành đài. (Chúng tôi nhấn mạnh) (MM Olivier et Lebrun, officiers francais, lui donnèrent un plan de ville fortifiée). Câu này là khởi thuỷ của tất cả những xác định: Le Brun và Olivier xây thành Gia Định, Olivier xây thành Diên Khánh, từ Trương Vĩnh Ký đến Nguyễn Đình Đầu.

Trương Vĩnh Ký, tiếp nhận những “thông tin” trong sách của Faure, đưa vào cuốn Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897.

Taboulet chép lại bản báo cáo của agent de Guignes trong bộ sách La geste francaise en Indochine, (1955) và biến nó thành một tài liệu chính thức, với cái tít: Ông Lãnh Sự Pháp ở Quảng Đông gửi ông Bộ trưởng Ngoại Giao, (Taboulet, I, t. 242) và thêm thắt vào để chính thức hoá bản báo cáo này thành một “tư liệu lịch sử”.

Tạ Chí Đại Trường, chép lại Taboulet, chính thức hoá thêm một lần nữa “sự kiện” Olivier de Puymanel và Lebrun “xây” thành Gia Định, biện hộ cho lập luận của Pháp và xác định luôn rằng Puymanel xây cả thành Diên Khánh.

Nguyễn Đình Đầu, dựa theo các sách của Trương Vĩnh Ký, Taboulet và Tạ Chí Đại Trường để xác nhận Lebrun là “kỹ sư thiết kế đô thị đầu tiên” của Việt Nam.

Chúng tôi sẽ khai triển những vấn đề này trong chương 12: Ai xây các thành Gia Định và Diên Khánh.

Tóm lại, Faure, năm 1891 đã dùng tài liệu của Ste-Croix và de Guignes rồi thổi phồng lên để kết luận: Bá Đa Lộc là Richelieu của Gia Long và Puymanel và Le Brun là thuỷ tổ việc xây thành quách ở Việt Nam.

Tiến trình Puymanel từ binh nhì, thành sĩ quan, rồi tham mưu trưởng quân đội Nam Hà

Faure là người “hồn nhiên”, ông không mưu tính sâu sắc như học giả Maybon, vì vậy, những thông tin ông đưa ra, có cái thật, có cái ông tưởng là thật, có cái ông thổi phồng quá lố vì thiếu tế nhị, nên chúng ta phải cẩn thận khi dùng tài liệu của ông.

Trước hết, cấp bậc của Oliver de Puymanel và Le Brun trước khi đào ngũ, chính Faure đưa ra, vì ông chép lại trong hồ sơ của bộ quốc phòng, thì không thể sai được.

Về Olivier de Puymanel, Faure viết:

- “La Dryade tới đảo Côn Lôn ngày 15/9/1788, để lại đây cha Paul Nghị [Hồ Văn Nghị], người thân cận của Bá Đa Lộc và 10 lính thuỷ Nam Hà được đưa [từ Pondichéry] về xứ. Tàu cũng để lại một ngàn súng được mua từ Pháp cho vua Nam Hà. Tàu mất ở đây một lính tình nguyện binh nhì, ông Olivier de Puymanel đào ngũ cùng vài thủy thủ bắn pháo. Người lính tình nguyện trốn thoát ngày (19/9/1788) ở Côn Lôn, chẳng bao lâu sẽ nổi tiếng ở Nam Hà, sẽ trở thành Vệ uý Olivier de Puymanel.

Olivier de Puymanel lúc đó 20 tuổi, sinh tại Carpentras tháng 4/1768, con của Augustin Raymon và Francoise-Louise Vitalis. Người ta không biết thêm gì nữa về tình trạng hộ tịch và gia đình của anh. Chỉ chắc chắn rằng, Giám mục Bá Đa Lộc đã tất nhiên chú ý và thích anh trong chuyến vượt biển trên tàu La Dryade [đi từ Orient đến Pondichéry, khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh từ Pháp về năm 1788] bởi vì người không ngần ngại trao cho anh chức Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà (Chef d’Etat Major de l’Armée Cochinchinoise) và anh đã thực thi nhiệm vụ một cách cao cả tới chết, tại Malacca, nơi anh đi công vụ, ngày 23/3/1799”. (Faure, Bá Đa Lộc, Chương 17, t. 199-200).

Chúng ta thấy ngay, trong chỉ có mấy hàng cách nhau, mà Faure đã tăng chức cho Puymanel từ binh nhì lên “Tham Mưu Trưởng quân đội Nam Hà” vì được Đức Cha Bá Đa Lộc chú ý đến! Trừ việc ấy, những điều khác đều dùng được.

Bức chân dung này sẽ được người ta chép lại, trích dẫn, sửa đổi, theo nhu cầu. Ví dụ: người ta hoàn toàn “quên” xuất xứ binh nhì, đào ngũ, của Puymanel, chỉ giữ lại chức “Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà”. Một ngàn khẩu súng Gia Long mua, sẽ biến thành “1000 khẩu súng do Bá Đa Lộc mua về giúp Gia Long”, v.v. trong sách của các sử gia Pháp Việt. Riêng việc Puymanel làm “Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà”, sẽ được tô vẽ đủ kiểu, tùy theo tác giả, từ Trương Vĩnh Ký, Cosserat, Maybon, Cadière, Taboulet, đến Tạ Chí Đại Trường…

Tiến trình Le Brun từ binh nhất lên “kỹ sư thiết kế đô thị đầu tiên của Việt Nam”

Về Le Brun, Faure viết những đoạn sau đây:

1- “Le Brun (Théodore), lính tình nguyện binh nhì (cấp bậc ngày 8/2/1788) lên tàu La Méduse ngày 19/6/1788”. (Faure, Pièces justificatives, t. 241).

2- “Tên những lính thuỷ đào ngũ, hoặc bị đuổi trong hành trình, là: “Le Brun (Théodore), lính tình nguyện binh nhất (cấp bậc ngày 1/1/1789), vào bệnh viện Pondichéry ngày 28/6/1788, ra ngày 28/8/1788. Ngày 13/1/1790, xuống Macao và ở lại; nợ ông Nicolas Lolier 45 piastres à 5, 8 (?), tính là 243 livres…” (Faure, Pièces justificatives, t. 243).

3- “Brun (Théodore), lính tình nguyện binh nhất (cấp bậc ngày 1/1/1789), lên bờ ở Macao ngày 13/1 và ở lại đây. Lính tình nguyện Le Brun chẳng bao lâu sẽ sang Nam Hà với bạn là Olivier de Puymanel” (Faure, chương 17, t. 205-206).

4- “Chắc chắn rằng người lính tình nguyện binh nhất Le Brun không ở lại Nam Hà quá 15 tháng. Le Brun bỏ đi, không phải vì vua tiến binh chậm quá [như de Guignes nói] mà bởi vì anh thấy vua trả lương ít quá, và nhất là anh không chịu làm việc dưới quyền Olivier, chỉ là lính tình nguyện binh nhì, mà nay trở thành Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà, điều khiển anh” (Faure, chương 18, Note số 2, t. 215).

Theo những ngày tháng trên đây, ta có thể tóm tắt rằng: ngày 13/1/1770, Le Brun đến Macao rồi ở lại. Sau đó tìm cách sang Việt Nam. Le Brun phải đến Gia Định trước ngày 27/6/1790, là ngày được nhận chức cai đội. Trên văn bằng thấy ghi như sau:

“Hoàng thượng thấy tài trí và khả năng của Theodore Le Brun, quốc tịch Pháp, ân sủng cho bằng văn bằng này, cấp kỹ sư, danh nghiã Khâm sai cai đội thanh oai hầu. Hoàng thượng giao cho việc bố phòng đồn luỹ trong nước và lệnh cho lấy tất cả mọi phương tiện để bảo đảm an toàn. Nếu vì bất cẩn, không thi hành nhiệm vụ, sẽ bị trừng trị theo đúng pháp luật.” Ngày thứ 15, tuần trăng thứ năm, Cảnh Hưng thứ 51 (27/6/1790) (Louvet, La Cochinchine religieuse, Ernest Leroux, Paris 1885, Pièces justificatives, t. 531).

Như vậy khi Le Brun đến Gia Định, thành Gia Định đã làm xong. Thực Lục, ghi ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, tức 22/4/1790], Trịnh Hoài Đức ghi ngày 4/2/ Canh Tuất [tức 19/3/1790], đắp thành đất Gia Định. Chỉ có 10 ngày đắp xong. Vậy Le Brun nhập vào hàng ngũ quân đội của Nguyễn Ánh lúc nào? Và vẽ bản đồ thành Gia Định lúc nào? Mà trong hầu hết sách Tây, ta đều thi nhau chép Le Brun là người vễ bản đồ thành Gia Định?

Nếu Le Brun chỉ ở không đầy 15 tháng như Faure viết, thì y bỏ đi vào khoảng giữa năm 1771. Theo Faure, vì chê lương ít, và vì phải làm dưới quyền của Puymanel. Nhưng có lẽ còn có một lý do nữa, nếu đọc văn bằng trên đây, ta thấy ghi “kỹ sư”, vì vậy vua giao cho việc bố phòng đồn lũy. Như hầu hết các lính đào ngũ này, khi đến Việt Nam đều khai man là sĩ quan và có bằng cấp, nên vua cho chức cai đội, tương đương với capitaine, nhưng ít lâu sau, có thể Le Brun không có khả năng làm công việc của mình, bị đuổi, hoặc tự ý bỏ đi.

Điều mà chúng ta thấy rõ nhất ở đây: không phải chỉ có lính đào ngũ khai man với vua để nhận chức cai đội, mà những người viết sử thực dân, đã dựa vào sự khai man, tự tiện thăng chức cho những người này, bất kể lô-gích, rồi người Việt cứ thế chép lại, không mảy may kiểm chứng.

Chúng tôi đã chứng minh Ste-Croix, dựa vào lời kể bịa đặt của Dayot để tự thăng chức cho mình và Puymanel trong chương 10 viết về Ste-Croix, ở đây Faure cũng biạ đặt trắng trợn không kém:

Ở chương 18, Note số 2, t. 215, Faure viết: Le Brun là binh nhất, Olivier là binh nhì, thì trước đó 5 trang, ở chương 17, trang 210, ông đã viết:

“… số lính thuỷ Pháp bỏ tàu trong khi thi hành nhiệm vụ, lên tới 359 tên, mà hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả đều đầu quân cho vua Nam Hà, và trở thành linh hồn của bộ binh và thủy binh xứ này. Trong số đó, có những sĩ quan, những sinh viên sĩ quan, đủ khả năng chỉ huy như các ông Olivier de Puymanel, Le Brun, Guillon, Magon de Médine, Tardivet, Malespine, Dayot, những người này, dưới tay Giám Mục Bá Đa Lộc, mỗi người, với khả năng của họ, sẽ góp phần xây dựng lại vương quốc Nam Hà, mau chóng khôi phục sức chiến đấu của nước này đến thắng lợi và chẳng bao lâu nghiền nát cuộc nổi loạn vũ bão do anh em Tây sơn khởi xướng và cầm đầu.” (Faure, Chương 17, t. 210).

Từ con số 359 [có chỗ ghi 369] người lính Pháp đào ngũ ở vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà Faure kiếm ra (trong số đó chỉ có một sĩ quan, không đến Nam Hà) mà ông dám quả quyết “tất cả” những người này đều đầu quân theo Nguyễn Ánh, như thể cả vùng Châu Á Thái Bình Dương chỉ có mình Nguyễn Ánh mộ quân! Sau đó, ông thăng chức cho họ từ “binh nhì, binh nhất”, lên hàng “sĩ quan” có khả năng chỉ huy, lãnh đạo, rồi trở thành “linh hồn của bộ binh và thuỷ binh của xứ này”; sau cùng, ông kết luận: chính những người này đã “góp phần xây dựng lại vương quốc Nam Hà, nghiền nát Tây Sơn”! Tất cả chỉ trong có 8 dòng chữ. Thực chưa từng thấy hiện tượng binh nhất, binh nhì nào mà tiến nhanh như thế, trong lịch sử quân đội loài người.

Faure phong thánh cho giám mục Bá Đa Lộc

Sau Ste-Croix, Faure với những “thông tin” như vậy đã tạo thành một cuốn sách phong thánh linh mục Bá Đa Lộc và đưa Puymanel, Dayot lên tột đỉnh. Theo Faure, thì vị Giám Mục đã giữ địa vị thống soái quân đội Nam Hà ngay từ 1779-1780:

“Sự phòng thủ Sài Gòn do Giám Mục điều khiển, người đã ứng chiến làm Bộ trưởng Chiến tranh. Dưới sức xung động mạnh mẽ của người, [bộ này] đã được phát triển trong vài năm yên tĩnh vừa qua” (Chương 3, t. 41). Câu này hoàn toàn “sáng tác”, dựa theo những lời tưởng tượng của Ste-Croix.

Tiếp đó, Faure hùng hồn mô tả các trận đánh do vị giám mục cầm quân, có trận chết như rạ, nhưng thiên tài của vị giám mục bao giờ cũng sáng tỏ. Vua đi theo “người” trong tất cả hành trình sôi nổi này và công trình lớn nhất là “người” đã cứu vua thoát chết, đã đem hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, Faure viết:

“… Như đức Hồng y giáo chủ Richelieu [đối với vua Louis XIII], đức giám mục Bá Đa Lộc trực tiếp thương lượng với các cường quốc bên ngoài, tổ chức các hạm đội và quân đội, lãnh đạo hoặc chỉ huy những đoàn quân lớn, có thể tính đến 50.000 người mà không sợ nói quá. Cũng như đức Hồng y Richelieu, đức giám mục Bá Đa Lộc có đoàn vệ binh riêng, có cờ lệnh riêng bằng lụa đỏ (những khâm sai của giáo hoàng kế nhiệm ông ở nước Nam, đã giữ gìn lá cờ cẩn thận, nhưng có lẽ, do lệnh trên, không cho ai xem), ông đi tiên phong ra trận; lá cờ lệnh được treo cùng với cờ trắng của vua trên các chiếm hạm. Theo ông Bissachère, trong những hội đồng chiến tranh và các buổi họp khác, đức cha luôn luôn ngồi cạnh và ngang hàng với vua. Vậy ta có thể nói, đức giám mục Bá Đa Lộc là vị giáo chủ chiến tranh cuối cùng của lịch sử chúng ta” (Chương 18, t. 220-221).

Faure lầm đấy, không phải Bissachère viết câu: “đức cha luôn luôn ngồi cạnh và ngang hàng với vua” mà là Ste-Croix, y viết câu này vì lầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh!

Vẫn theo Faure: “Đức giám mục thấy vấn đề quân sự là cốt yếu nhất và khẩn thiết nhất, nên người cho Dayot làm tư lệnh hải quân với chức vụ hải quân đại tá”. (Chương 18, t. 217).

Lại lầm nữa: Dayot, bị kết án tử hình vì tội làm đắm tàu, phải trốn đi, đã tự phong chức cho mình và kể lại với Ste-Croix.

Faure viết tiếp: “Sau thủy binh, Đức giám mục Bá Đa Lộc để tâm tổ chức bộ binh, hồi đó chỉ là những băng đảng. Người thanh niên Olivier de Puymanel trở thành đại diện đặc trách nhận lệnh trực tiếp của Đức Cha, nói cách khác Olivier là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội dưới quyền điều khiển của Đức Cha.” (Chương 18, t. 221).

Từ Tham mưu trưởng (Chef d’etat major) lại được thăng Tổng Tham Mưu Trưởng (Chef d’état major général)!

Rồi ông tưởng nhớ Puymanel: “Người sĩ quan chết ở tuổi 31 này, đã hoàn tất ở Nam Hà một công trình đồ sộ, những ai biết rõ bao nhiêu thành trì Vauban mà ông đã xây trong thời kỳ 10 năm, đều ngưỡng mộ, kính phục” (Chương 17, t. 200-201).

Lời hoang tưởng vô bằng cớ này: bao nhiêu thành trì Vauban mà Puymanel đã xây trong 10 năm, của Faure sẽ được người ta chép lại, đặc biệt học giả Cadière.

Sau đây, ông hăng hái kể tiếp câu chuyện giám mục Bá Đa Lộc lập “trường võ bị”:

“… Phải tạm thời hạn chế, thành lập một đội quân 3000 người, do những người lính thuỷ mà Đức Giám Mục đem về, thường trực tập luyện cho họ. Người nghĩ rằng số quân đội nòng cốt này chưa đủ, [tuy vậy] trong khi chờ đợi, nó phải là một trường quân sự cho lính và nhất là cho sĩ quan bản xứ, tuyệt đối không biết gì về thuật đánh giặc.

Để khai tâm cho chúng về thuật này, chính người đã dịch và chú thích những sách Pháp thích hợp sang chữ nôm (idiome cochinchinois); những cuốn sách này nhiều bản còn rải rác đâu đó, người ta đã lầm khi giấu đi, như đã từng giấu lá cờ lệnh vinh hiển của đức cha. Olivier de Puymanel lại hân hạnh được đức cha chọn điều khiển trường võ bị tổng hợp này, ở đó phát xuất những sĩ quan và hạ sĩ quan người bản xứ, đã học về quy luật trận địa, họ sẽ thể hiện giá trị và kinh nghiệm ấy trên chiến trường” (Faure, Chương 18, t.221-222).

Cả đoạn này sẽ biến thành “các sĩ quan Pháp huấn luyện và cải tổ quân đội Nguyễn Ánh theo lối Tây phương” mà ta có thể đọc được ở hầu hết mọi tác giả Việt Pháp!

Chưa hết, Faure còn kể tiếp: hai vị tướng nổi tiếng Kaô-Kôun [chưa biết là ai, có thể ông muốn chỉ Nguyễn Văn Thành] và Taô-Koun [chắc là Võ Tánh, vì đoạn sau nói đến việc tử tiết trong thành Qui Nhơn] cũng xuất thân từ trường võ bị của GM Bá Đa Lộc, do Puymanel điều khiển! Vẫn theo Faure, cạnh trường võ bị, còn có trại Mộ binh, do Laurent Barisy chỉ huy! (Faure, chương 18, t. 222-223)

Và sau đây là “sự kiện” Bá Đa Lộc xây thành Sài Gòn và quyết định xây các thành Vauban:

“Trong khi tổ chức quân đội và thủy quân, Giám Mục Bá Đa Lộc không bỏ quên sự củng cố các thành đài trong hệ thống phòng thủ. Thành cũ Sài Gòn xây dưới sự điều khiển của người mười năm trước, được sửa chữa và mở rộng lớn lao thêm theo những bản đồ mới. Người cũng quyết định chương trình kiến thiết các thành Vauban, sẽ được xây ngay ở Vĩnh Long, Hà Tiên, Châu Đốc, Mỹ Tho, Biên Hoà, v.v… để che chở cho những vị trí chính yếu của cả xứ, tránh những xúc phạm của quân thù, đến từ Tây hay Đông, từ Xiêm La hay Bắc Hà.” (Faure, chương 18, t. 224).

Đọc một số trích đoạn trên đây đã quá đủ để thấy rõ “tinh thần” tác giả:

Toàn thể quân đội thủy bộ của Nguyễn Ánh đều do đức GM Bá Đa Lộc tạo ra! Những “sĩ quan”, “kỹ sư”, “kiến trúc sư” Le Brun, Puymanel, Dayot, Barisy… là nòng cốt xây dựng nên quân đội Nguyễn Ánh! Tiếc rằng các sách đức giám mục dịch ra, không biết kẻ nào giấu đi, khiến nay không còn vết tích! Chúng giấu sách dịch của đức cha cũng như chúng giấu cờ hiệu xông trận của đức cha vậy!

Những “sáng tác” về “công ơn trời biển” của Bá Đa Lộc và các “sĩ quan” Pháp, xuất phát từ cuốn Bá Đa Lộc của Faure mà ra, sẽ được nhiều người chép lại, xé lẻ, tô điểm thêm rải rác khắp nơi, trở thành những “sự thật”.

Tạ Chí Đại Trường: Bá Đa Lộc dạy Đỗ Thanh Nhơn dùng lựu đạn

 

Tạ Chí Đại Trường là người không những chấp nhận vai trò “lãnh đạo” của Bá Đa Lộc, thầy của Nguyễn Ánh, thông qua Faure, Taboulet, mà ông còn đưa thêm những tin “inédit” rất lạ như: nửa đêm Nguyễn Ánh đi tìm Bá Đa Lộc để “hỏi ý kiến” về việc giết Đỗ Thanh Nhơn, mà chúng tôi đã nói trong chương trước.

Ở đây, ta thử xem Tạ Chí Đại Trường kể lại chuyện Bá Đa Lộc xoay được hai chiếc tàu Bồ cho Nguyễn Ánh và dạy Đỗ Thanh Nhơn dùng lựu đạn như thế nào.

Trong chương tựa đề “Kỹ thuật Tây phương rụt rè bước vào chiến tranh Nam Hà” (Lịch sử Nội chiến Việt Nam, t. 106-115), có đoạn văn sau đây mô tả Bá Đa Lộc “phân trần” về hành động can dự vào chiến cuộc Đại Việt như thế nào:

“Trong khi phân trần về hành động đã can dự vào chính trị Đại Việt, Giám mục D’Adran chứng minh cho ta thấy xác nhận trên trong bức thư đề ngày 26-7-1779: “Hai chiếc tàu từ Macao đến Bassac trong năm nay để buôn bán… Một người Trung Hoa đưa ý kiến với ông lớn của xứ Cochinchine cho ông ta biết rằng tàu chứa đầy đại bác, diêm tiêu, lưu hoàng và các thứ khí giới, đạn dược khác. Ông quan mà tôi rất quen đó đương hết sức cần các thứ hoàng hoá này, vội vã bắt tôi viết thư cho các quan coi tàu yêu cầu họ bán cho ông hết hay một phần. Hay nếu có thể, họ đem tàu giúp xứ Cochinchine; đổi lại, họ được hưởng quyền ghé bến và những quyền lợi khác nữa”. (TCĐT chú thích: Ông quan lớn này là Đỗ Thanh Nhân)

Tuy các vị chủ tàu có phàn nàn về thái độ tham dự của Bá Đa Lộc, cách giao thiệp này cũng đưa tới kết quả là vào khoảng tháng hè 1781 trong cuộc duyệt binh tháng 5 Tân Sửu với không dưới 3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 đại chiến thuyền, sử quan ghi rõ có hai chiếc tàu tây (Tây dương thuyền).

Thực ra, Bá-đa-lộc và các LM giòng Franciscain ghi nhận tới 3 chiếc tàu Bồ đào nha chở đầy binh lính, khí giới, súng đạn và lương thực. Chính Bá-đa-lộc, “bằng cách nói chuyện chơi” cũng đã du nhập kiến thức, kỹ thuật mới vào Gia định khi ông dạy Đỗ thanh Nhân lối dùng lựu đạn, làm giúp một thước đo góc đạc điền, một rapporteur, một ống loa, một dụng cụ thiên văn (?) và những dụng cụ toán học khác… Hơn nữa, ông còn cho người giúp việc của ông, Mãn-noài, Emmanuel… một tay lính thuỷ breton, sang phụ tá Nguyễn Ánh, điều khiển một chiếc tàu Bồ.” (Lịch sử Nội chiến Việt Nam, t. 106-107).

Đoạn văn trên có vẻ quan trọng nhưng hơi khó hiểu. Chúng tôi xin tóm tắt mấy ý chính:

Có hai tàu buôn vũ khí ở Macao đến Nam Hà. Đỗ Thanh Nhơn muốn mua, nhờ Bá Đa Lộc viết thư cho thuyền trưởng, đề nghị họ bán cả tàu hoặc một phần cho ông, hoặc đem “cả tàu về giúp” Nam Hà thì sẽ được quyền vào cảng không phải đóng thuế. (?)

Các chủ tàu phàn nàn về “thái độ tham dự” (?) của Bá Đa Lộc.

Cách “giao thiệp” này đưa đến kết quả là cuộc duyệt binh năm hè năm 1781 (?).

Bá Đa Lộc ghi nhận không phải hai mà ba tàu Bồ Đào Nha “chở đầy binh lính khí giới và lương thực” (?).

Chính “Bá Đa Lộc “bằng cách nói chuyện chơi” đã du nhập kiến thức kỹ thuật mới của Tây phương, “dạy Đỗ Thanh Nhơn dùng lựu đạn”, v.v.

Tuy đã tóm tắt lại, nhưng những chỗ đánh dấu hỏi vẫn còn khó hiểu, chúng tôi phải tìm lại lá thư của Bá Đa Lộc, xem ông viết gì. Sau đây xin dịch nguyên văn lá thư này:

“26/7/1779

Pierre-Joseph-Georges, giám mục Adran, Đại lý giáo hoàng ở Nam Hà, Cao Mên và Chàm, gửi tới tất cả những ai cần biết, lời chào.

Năm nay [1779] có hai tàu buôn [Bồ] từ Macao đến Bassac [Cà Mau], một người Hoa báo ngay cho quan đại thần Nam Hà biết tàu chở đại bác, salpêtre, lưu huỳnh và nhiều quân nhu khác. Vị quan này, rất thân với tôi, đang cần đến tất cả những hàng hoá này, khẩn khoản nhờ tôi viết thư cho các thuyền trưởng, đề nghị họ bán cho ông một phần hay tất cả, hoặc cứ đem tàu ghé thẳng vào Nam Hà, sẽ được miễn các thứ thuế nhập khẩu. Tôi làm giúp và hai vị thuyền trưởng này, lúc từ Cao Mên trở lại, đã gửi ngay những người lái tàu sang điều đình với ông quan, xong việc, cả hai hoa tiêu đều bằng lòng, một người quay về Bassac một người ở lại đây. Còn tôi, sau khi làm xong việc giới thiệu các thuyền trưởng với ông quan, tôi đi thăm một phần giáo phận của tôi, vì các tu sĩ và giáo dân đang đợi từ một tháng nay.

Những vị thuyền trưởng khi đến đây cùng với tàu của họ lại tưởng rằng tôi cốt ý tránh và than phiền thái độ của tôi đối với họ. Lại được một giáo sĩ, có ác cảm với tôi, phụ hoạ, họ bảo rằng:1- Họ nghi tôi muốn cướp quyền tự do của tàu [Bồ] ở Macao đến buôn bán ở đây. 2- Họ than phiền tôi làm vài việc xấu với vua Cao Mên. 3- Họ buộc tội tôi dạy người Nam Hà cách đúc đại bác, làm bom và những khí giới khác…”[1] (Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Launay, III, t. 75).

Lá thư này được Launay in lại và được trình bày dưới tựa đề: “Vụ tàu Bồ Đào Nha, tuyên bố của đức GM Bá Đa Lộc (Affaires des vaisseaux portugais, Déclaration de Mgr Pigneaux)”.

Lời tuyên bố Ba Đa Lộc trên đây là để phản bác và trình bày cho mọi người biết sự thể đã xẩy ra, về ba “tội” mà vị giám mục bị người Bồ tố cáo, là:

1- Họ nghi ông cướp quyền tự do của tàu [Bồ] ở Macao đến buôn bán tại Nam Hà.

2- Họ than ông làm những việc xấu với vua Cao Mên.

3- Họ buộc tội ông dạy người Nam Hà cách đúc đại bác, làm bom và những khí giới khác.

Vì vậy, Bá Đa Lộc phải viết bản tuyên ngôn này để bảo vệ danh dự thầy tu, đại lý giáo hoàng.

Tuy ông không nói rõ địa danh “ở đây” là đâu, nhưng ta có thể đoán đó là Hà Tiên, vì Hà Tiên ở trên đường biển từ Macao đến Cao Mên và ở cạnh Cà Mâu; và câu “một người Hoa báo ngay cho quan đại thần” thì chắc là người Minh hương ở Hà Tiên báo cho quan trấn thủ.

Không hiểu tại sao một lá thư viết khá rõ ràng, rành mạch như vậy, lại được Tạ Chí Đại Trường hiểu và viết lại như trên kia. Lối viết sử như thế này thật đáng ngại:

1- Vì ông hiểu sai câu chữ (xem bản tiếng Pháp ở chú thích), ví dụ câu “hoặc có thể đưa tàu ghé vào Nam Hà, sẽ được miễn các thứ thuế nhập khẩu” lại được ông hiểu thành: “đem tàu giúp xứ Cochinchine; đổi lại, họ được hưởng quyền ghé bến và những quyền lợi khác nữa”. Hai thuyền trưởng làm sao có thể đem tàu “giúp” xứ Cochinchine được, họ có phải là chủ tàu đâu, và “biếu” tàu rồi cũng chỉ được quyền ghé bến và những quyền lợi khác là gì? Ai lại đem cho không tàu, để đổi lấy quyền “ghé bến”?

2- Ông tiếp tục hiểu sai nữa, khi viết: “Tuy các vị chủ tàu có phàn nàn về thái độ tham dự của Bá Đa Lộc”. Hai thuyền trưởng này (họ không phải là chủ tàu) chẳng hề phàn nàn về “thái độ tham dự” nào của Bá Đa Lộc cả, họ phàn nàn vì ông Bá không ở lại Hà Tiên (hay Gia Định, vì trong văn bản, Bá không nói rõ nơi) để đón họ mà lại đi mất.

3- Từ cái sai trên, Tạ Chí Đại Trường còn móc nối thêm nữa: ông cho rằng “cách giao thiệp này” (được hiểu là nhờ cách giao thiệp với tàu Bồ, khiến họ “nộp không” hai chiếc tàu “giúp” Nam Hà, để “lấy quyền vào cửa miễn thuế”) đã đưa đến kết quả là cuộc duyệt binh năm 1781 với “3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 đại chiến thuyền, sử quan ghi rõ có hai chiếc tàu tây (Tây dương thuyền)”… Nói khác đi, nhờ Bá Đa Lộc “khéo giao thiệp” nên được hai chiếc tàu Bồ cho không, vì thế Nguyễn Ánh mới tổ chức được cuộc duyệt binh năm 1781 với hai tàu Tây Dương! Và không phải chỉ có hai, “thực ra, Bá-đa-lộc và các LM dòng Franciscain ghi nhận tới 3 chiếc tàu Bồ đào nha chở đầy binh lính, khí giới, súng đạn và lương thực”. Một sự suy diễn như thế này thì thực là đáng ngại.

4- Nhưng đoạn sau cùng còn tệ hơn nữa:

“Chính Bá-đa-lộc, “bằng cách nói chuyện chơi” cũng đã du nhập kiến thức, kỹ thuật mới vào Gia định khi ông dạy Đỗ thanh Nhân lối dùng lựu đạn, làm giúp một thước do góc đạc điền, một rapporteur, một ống loa, một dụng cụ thiên văn (?) và những dụng cụ toán học khác… Hơn nữa, ông còn cho người giúp việc của ông, Mãn-noài, Emmanuel… một tay lính thuỷ breton, sang phụ tá Nguyễn Ánh, điều khiển một chiếc tàu Bồ.”

Muốn hiểu rõ cái sai của đoạn này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử trước đó:

Kể từ tháng 6/1775, Bá Đa Lộc được Mạc Thiên Tứ cho chính thức lập trụ sở tại Hòn Đất (Hà Tiên). Vị đại thần mà Bá Đa Lộc nói đến ở đây, chỉ có thể là Mạc Thiên Tứ (1718-1780), quan trấn thủ Hà Tiên, công thần nhà Nguyễn, là ân nhân của Bá Đa Lộc, đã cho phép ông lập trụ sở và giảng đạo khắp Hà Tiên. Không thể là Đỗ Thanh Nhơn như Tạ Chí Đại Trường tưởng, bởi vì không có gì chắc là Bá Đa Lộc lại rất thân với Đỗ Thanh Nhơn, một ông tướng có công, có tài, nhưng tàn ác giết người như ngoé mà tác giả Sử Ký Đại Nam Việt gọi là “tướng cướp”, nên Nguyễn Ánh mới phải giết đi.

Bá Đa Lộc dùng chữ rất chính xác, ông viết rõ “grand mandarin” (quan đại thần), chứ không viết “grand général” (đại tướng).

Bá Đa Lộc trình bày rõ ràng: ông chẳng làm gì trở ngại cho việc buôn bán khí giới của tàu Bồ với Nam Hà cả, ông chỉ giúp vị quan đại thần liên lạc với họ mà thôi; xong việc, ông đi thăm con chiên của ông. Nên khi đến Hà Tiên (hay Gia Định) hai vị thuyền trưởng Bồ đã hiểu lầm, tưởng ông trốn không muốn tiếp họ. Hai vị này lại gặp một giáo sĩ vốn ghét ông, nên cả ba về hùa, thêu dệt, tố cáo ông ba điều đã nói ở trên.

Sở dĩ có những tranh chấp, tố cáo này vì thời đó, Pháp và Bồ cạnh tranh kịch liệt trên địa hạt tôn giáo cũng như buôn bán.

Trong bài tuyên bố này, chủ đích của Bá Đa Lộc là phản bác ba điều bị người Bồ lên án, điều thứ nhất vừa nói; điều thứ nhì liên quan tới vua Cao Mên, không cần dịch, về điều thứ ba, xin trình bầy tiếp theo đây, ông viết:

“Còn về điều thứ ba, tôi không bao giờ làm và giúp ai làm bom, làm đại bác, hay bất cứ khí giới nào khác. Tôi biết quá rõ việc này không phù hợp với tình trạng [thầy tu] của tôi. Một điều có thể dẫn đến những nghi ngờ này, là việc ông quan hỏi tôi về cách nạp một quả lựu đạn ông có từ Cao Mên, và vài thứ vụn vặt khác về loại này, tôi giải thích cho ông trong lúc trò chuyện. Tôi cũng chia độ một graphomètre, một phần tư vòng tròn, một thước đo góc cho ông và đặt làm cho ông một loa phóng, một vành thiên văn và vài dụng cụ toán học khác. Đó là những gì tôi thấy có bổn phận phải ghi ra để ngăn chặn hậu quả những vu cáo và báo cáo của những kẻ có ý xấu.” [2] (Launay III, t. 76).

Bá Đa Lộc viết rõ ràng: mọi sự đồn đại chỉ vì ông quan (le mandarin) hỏi ông cách nạp một quả lựu đạn ông có từ Cao Mên (charger une grenade qu’il avait eue du Camboge). Trong bối cảnh của câu này, ta chỉ có thể hiểu: le mandarin vẫn là Mạc Thiên Tứ, quan trấn thủ Hà Tiên, một nhà văn học và khoa học, không biết dùng lựu đạn, cần những dụng cụ thiên văn, đo lường… người đó không thể là Đỗ Thanh Nhơn. Và Bá Đa Lộc cũng như một số thầy tu uyên bác, đều rành về thiên văn và khoa học, nên đã giúp Mạc Thiên Tứ những việc đó.

Tạ Chí Đại Trường đưa tên Đỗ Thanh Nhơn vào, rồi liên kết với việc Mạn Hoè (Manuel), để vinh thăng Bá Đa Lộc:

- Đã tiến cử Mạn Hoè, một anh hùng chống Tây Sơn đến chết.

- Đã xoay xở cho Nguyễn Ánh có được 2, 3 tàu Tây phương của Bồ Đào Nha.

- Đã du nhập kiến thức mới vào Gia Định bàng cách “dạy” Đỗ Thanh Nhơn, một vị tướng tinh thạo khí giới, biết đóng tàu… cách dùng lựu đạn!

Lời tuyên bố của Bá Đa Lộc trên đây, đã bác bỏ tất cả những “thông tin” cho rằng ông có dính líu xa gần đến chiến tranh. Ông xác định mình chỉ là thầy tu, lo chuyện đạo. Trong số những người bị Bá Đa Lộc gián tiếp đào thải, có Alexis Faure, người đã tôn ông lên hàng “nguyên soái” cầm đầu quân đội Nguyễn Ánh, rồi trở thành Bộ trưởng bộ chiến tranh, từ 1780, và sau trở thành Richelieu của Gia Long!

2- Gabriel Aubaret dịch Gia Định Thành Thông Chí

 

Năm 1862, ngoài Bắc có loạn Tạ Văn Phụng, tự xưng dòng dõi nhà Lê. Phụng có học đạo và theo Charner về đánh Quảng Nam. Khi y nổi lên đánh phá, được Pháp, Y Pha Nho và giới thừa sai giúp đỡ, với chủ ý xây dựng một nhà nước công giáo. Phụng đã chiếm được nhiều tỉnh miền Bắc.

Vua Tự Đức, muốn yên mặt Nam để có thể sai Nguyễn Tri Phương ra Bắc dẹp loạn này, đành phải ký hoà ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường. Nhưng sau đó, vua hết sức muốn chuộc lại, bèn sai Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình. Napoléon III còn lưỡng lự, phái trung tá hải quân Gabriel Aubaret sang Việt Nam xem xét tình hình. Aubaret tỏ ra ôn hoà, được nhiều sử gia Việt có cảm tình. Trần Trọng Kim, Phan Khoang đều cho rằng sở dĩ việc không thành vì vua Tự Đức không dứt khoát, cố tình kéo dài việc thương thuyết để hy vọng sẽ chiến thắng, hoặc quân Pháp thấy đánh bất lợi sẽ tự rút lui. Nhưng Thực Lục cho biết chính phía Pháp cố tình kéo dài thương thuyết và một mặt vẫn tấn công.

Ta có thể hiểu là Aubaret được lệnh “giả vờ” thương thuyết để chứng tỏ thực tâm của nước Pháp. Về mặt Pháp, bộ trưởng Hải quân và Thuộc điạ Chasseloup Laubat, năm 1864, đã dâng sớ tâu vua không cho chuộc ba tỉnh Nam kỳ. Sự kiện này có thể liên hệ tới cuốn sách tựa đề:

(Gia-Đinh-Thung-Chi) Histoire et description de la Basse Cochinchine (Pays de Gia Định) traduites pour la première fois, d’après le texte chinois original, par G. Aubaret, capitaine de frégate, publiées par ordre de s. exc. le comte de Chasseloup-Laubat, ministre de la Marine et des Colonies. Paris, Imprimerie Impériale, 1864.

(Gia Định Tùng Chi) Lịch sử và miêu tả miền nam nước Nam (Vùng Gia Định), do G. Aubaret, hải quân trung tá, dịch lần đầu, theo bản gốc chữ Hán, ấn hành theo lệnh của Ngài Bá Tước de Chasseloup-Laubat, bộ trưởng Hải quân và Thuộc điạ. Paris, nhà in Hoàng gia, 1864.

Trên cái tựa rất dài này, có hai điểm đánh chú ý:

1- Biến tên đích thực của cuốn sách Gia Định thành thông chí (Ghi chép thông suốt về thành Gia Định) thành Gia Định Tùng chi (Gia Định, nhiều chi họp lại) và bỏ hẳn chữ thành. Chúng ta sẽ hiểu rõ, tại sao, ở dưới.

2- Không đề tên tác giả Trịnh Hoài Đức, chỉ ghi mơ hồ: dịch theo bản gốc chữ Hán. Để độc giả có thể nhầm là sách của người Trung Hoa. Một sự miệt thị và gian dối của dịch giả.

Bài Introduction (Nhập đề) còn đi xa hơn nữa, Aubaret viết:

“Độc giả sẽ kinh ngạc khi thấy sự vong ân bội nghiã của sử gia [chỉ Trịnh Hoài Đức]; không những không nói gì đến Giám mục Bá Đa Lộc mà cũng không nhắc nhở gì đến những sĩ quan lỗi lạc của Pháp mà Gia Long đã hoàn toàn dựa vào để khôi phục lại ngai vàng. Nhưng độc giả cũng đừng quên rằng cuốn sách này được viết dưới triều Minh Mạng, ông hoàng bẩm sanh có tánh vô ơn, cho nên nếu viết theo đúng cảm tưởng của mình thì có thể rất nguy hiểm. Tuy nhiên chữ “Pháp” được thấy nhiều lần trong sách, và người ta còn ca tụng một người lính thủy gốc Breton [Mạn Hoè] sau khi chết được thần thánh hoá ở Nam Kỳ” (t. IV).

Giọng điệu lạ lùng của một dịch giả nói về tác giả của cuốn sách mà mình dịch, chưa kể sự suy diễn có tính bệnh hoạn của dịch giả về một ông vua “bẩm sanh có tánh vô ơn”.

Nhân nói qua về thành Gia Định, Aubaret không quên nhấn mạnh:

“Ngày nay [1864] người ta còn gọi là thành Phan Yên, khi nói đến công cuộc vĩ đại do đại tá Pháp Olivier thực hiện” (t. VII)”.

Và cuối cùng, ông cho biết mục đích của mình khi dịch cuốn sách này:

“Mục đích của chúng tôi, khi dịch sách này, trước hết là thực tiễn và muốn giới thiệu một xứ đáng chú ý trên nhiều bình diện, về địa thế cũng như về sự giầu có của đất đai, có thể trở nên nguồn lợi tức quan trọng đối với nước Pháp, đồng thời Pháp có thể truyền bá ảnh hưởng tinh thần một cách chính đáng trong vùng viễn đông, nơi những thế lực thương mại Âu châu hôm nay đang nhòm ngó. Paris ngày 1/7/1863” (t. XIII).

Chúng ta có thể hình dung câu chuyện như thế này: sách dịch xong ngày 1/7/1863, Aubaret trình cho bộ trưởng Chasseloup-Laubat. Sau khi tham khảo kỹ càng cuốn sách, bởi đây là cuốn sách toàn thư về miền Nam, có thể so sánh với bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú về miền Bắc. Năm sau, 1864, ông bộ trưởng tâu lên Pháp hoàng: một xứ cực kỳ giầu có về tài nguyên như vậy, ta không thể không chiếm cho được.

Nhưng mục đích của sự dịch không chỉ ngừng ở đó, Aubaret còn muối mặt bỏ hẳn chương quan trọng nhất là Thành trì chí, Trịnh Hoài Đức viết về thành Gia Định và các thành đồn khác được xây dựng dưới thời Gia Long. Không những Trịnh Hoài Đức mô tả thành Gia Định rõ ràng và tường tận, và ông còn mô tả những thành khác xây theo lối bát giác như thành Gia Định. Nếu độc giả đọc chương Thành trì chí này, thì không thể coi thành Gia Định là một thành Tây do người Tây xây.

Tại sao? Bởi vì trong chương này, Trịnh Hoài Đức, ngoài việc mô tả thành phố Gia Định, từng nét, từng nét, rõ ràng. Ông còn kê khai vị trí các địa điểm đáng chú ý:

Công binh xưởng (Cục Chế Tạo) ở trong thành sau đường Cấn Chỉ và Đoài Duyệt. Kho bạc ở phiá phải đường Càn Nguyên và Khảm Hiểm. Kho thổ sản ở bên trái đường Càn Khảm. Trại đúc súng ở phiá trước, bên trái Cục chế tạo, đúc các loại súng lớn bằng đồng, bằng sắt, và súng hoả xa trụ. Kho thuốc súng ở mặt sau nội thành. Xưởng thuyền chiến ở phiá đông, cách thành một dặm, trên sông Tân Bình, xưởng dài 3 dặm, làm thuyển hải đạo, chiến hạm, ghe chiến cụ… Xưởng voi, Xuởng thuốc súng, Khám đường, Sứ quán, Trường học, Trường Diễn võ … ở đâu, ở đâu, Trịnh Hoài Đức đều nói rõ cả.

Nhất là ông còn cho biết về các đồn luỹ xây cùng thời ấy: Đồn Giác Ngư (tức đồn Cá Trê) (xây ngày 1/4/1789) và đồn Thảo Câu (trấn Biên Hoà), đối diện nhau trên 2 bên bờ sông Tân Bình. Lũy Hoa Phong ở Bình Dương, do Tống suất trưởng cơ Nguyễn Lễ, bình định Cao Miên rồi đắp năm 1700. Luỹ Bán Bích ở địa phận Bình Dương và Tân Long, do đốc chiến Nguyễn Đàm xây, hình giống mặt trăng xếp, sau khi thắng quân Xiêm năm 1772 [Luỹ Bán Bích sẽ là khởi thuỷ của thành Gia Định]. Đồn Tân Châu, do trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân đắp năm 1818. Đồn Mỹ Tho, hình vuông, đắp năm 1792. Đồn trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang), bát giác, do trấn thủ Lưu Phước Tường xây năm 1813. Đồn Châu Đốc, bát giác, Lưu Phước Tường xây 1815. Đồn Châu Giang, bát giác, Nguyễn Văn Xuân xây năm 1818, v.v. Luỹ Bán Bích, là nền móng chính của thành Gia Định sau này, và Nguyễn Đàm hay Nguyễn Cửu Đàm là tác giả đầu tiên xây dựng nền móng thành Gia Định.

Tất cả những công trình này đều do người Việt xây, không thấy có dấu vết Vauban nào cả và cũng không thấy Trịnh Hoài Đức nói đến công lao của một ông Le Brun hay ông Olivier de Puymanel nào. Đó là lý do khiến Aubaret đã bỏ hẳn chương sáu: Thành trì chí của Trịnh Hoài Đức, không dịch. Và sau này Cadière có thể nhận vơ tất cả những công trình này là do Puymanel xây, hoặc dạy dân ta xây, mà không sợ chứng cớ rành rành, đã nằm trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức.

Chú thích:

[1] Nguyên văn tiếng Pháp:

“26/7/1779

Pierre-Joseph-Georges, évêque d’Adran, Vicaire apostolique de Cochinchine, Camboge et Ciampa, à tous ceux à qui besoin sera, salut.

“Deux vaisseaux étant venus cette année de Macao à Bassac, pour y faire le commerce, un Chinois en donna aussitôt avis au grand mandarin de Cochinchine, et lui annonca que les vaisseaux étaient chargés de canons, de salpêtre, soufre, et autres munitions de guerre. Le mandarin, avec qui je suis fort lié, se trouvant dans un grand besoin de toutes ces marchandises, me pressa vivement d’en écrire aux capitaines et de les prier, de sa part, de les lui vendre tout ou en partie, ou même de passer en Cochinchine avec leurs vaisseaux si cela était possible, remettant à cet effet tout droit d’encrage et autres. Je fis sa commission et les capitaines, au retour du Cambodge, envoyèrent tout de suite leurs pilotes pour s’arranger avec lui. Les arrangements pris, et les pilotes contents, l’un retourna à Bassac, l’autre demeura ici. Pour moi, après avoir recommandé les capitaines au mandarin, je partis pour aller faire la visite d’une partie de mon Vicariat, où les missionnaires et les chrétiens m’attendaient depuis plus d’un mois.

Les capitaines arrivés ici avec leurs vaisseaux s’imaginèrent que je m’étais éloigné à dessein, et se plaignirent de ma conduite à leur égard. Confirmés dans leur opinion par un religieux missionnaire, qui, de son côté, n’a pas tout lieu d’être content de moi, on dit que: 1- ils me soupconnèrent de vouloir ôter aux vaisseaux de Macao la liberté de venir faire le commerce ici; 2- ils se plaignirent que j’avais quelques mauvaises affaires avec le roi du Camboge; 3- ils m’accusèrent d’avoir enseigné aux Cochinchinois la manière de fondre des canons, de faire des bombes et autres armes…”

[2] Nguyên văn tiếng Pháp: “Quant au troisième article, je n’ai jamais fait ni aidé à faire aucune bombe, canon ou autre arme quelconque. Je sais trop que cela ne convient en aucune manière à mon état. Ce qui a pu donner lieu à ces soupçons, c’est que le mandarin m’ayant interrogé sur la manière de charger une grenade qu’il avait eu du Camboge, et autres bagatelles en ce genre, je le lui avais dit par manière de conversation. Je lui graduai un graphomètre, quart de cercle, un rapporteur et lui fis faire un porte-voix, un anneau astronomique, et autres instruments de mathématique. Voilà ce que j’ai cru devoir remarquer pour empêcher les effets que pourraient causer les calomnies et les rapports de personnes mal intentionnés”

 

Chương 12

huyền thoại le brun và puymanel xây thành gia định và diên khánh

Trong chương này, chúng tôi khảo sát những nguồn cội mà các sử gia thuộc địa dựa vào để “chứng minh” Puymanel và Le Brun xây thành Gia Định và Diên Khánh.

Nguồn phát xuất thông tin Le Brun và Puymanel là kỹ sư xây dựng đầu tiên ở Việt Nam, không nhiều, chỉ có hai:

1- Bản báo cáo của de Guignes

2- Lá thư của giáo sĩ Lavoué

Như đã nói trong chương trước, de Guignes là một agent của lãnh sự quán Pháp tại Quảng Đông, thường gửi những bản báo cáo về Bộ Ngoại Giao. Chữ agent có nghiã là nhân viên hay điệp viên, nhưng một nhân viên của toà lãnh sự chuyên viết những bản báo cáo mật về Bộ ngoại giao thì đích thực là điệp viên. Alexis Faure, khi soạn cuốn Bá Đa Lộc, đã sưu tầm trong Văn khố ngoại giao những văn bản này, và cho in lại một số trong sách của ông. Riêng bản báo cáo ngày 29/12/1791, có một câu, sẽ được các ngòi bút thuộc địa sử dụng như tài liệu chính để xác định: Olivier de Puymanel và Le Brun là tác giả thành Gia Định, và Puymanel là người xây thành Diên Khánh và các thành trì Vauban khác ở Việt Nam. Rồi một số tác giả Việt, coi thường hoặc không đọc quốc sử, cứ thế chép lại lập luận của Pháp.

Điệp viên de Guignes, kẻ sáng tạo câu chuyện Puymanel và Le brun xây thành

Chúng ta thử xem ngày 29/12/1791, điệp viên de Guignes của Pháp ở Quảng Đông viết gì về tình hình Việt Nam lúc bấy giờ:

“Nếu vua Nam Hà muốn, trong hai năm 1789 và 1790, ông ta đã có thể khôi phục ngay tức khắc vương quốc của ông. Việc các tàu La Dryade, Le Pandour và La Méduse, cùng những tàu khác đến từ Pondichéry, L’Ile de France [tức Ile Maurice] và Macao, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Bắc Hà đang đợi cơ hội thoát khỏi gông cùm để nhận diện vị vua thực sự của mình. Nhưng một vài thành công của ông vua này ít có hiệu lực hoặc không bền. Ông ta chiếm được một vùng (Bình Thuận) để lại ít quân, thế là bị đánh đuổi ngay; ngụy quân lại hy vọng, và hy vọng càng tăng vì tư cách của ông ta. Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay một thành, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này. Tuy nhiên tình hình yên tĩnh trở lại, nhà vua cho giải binh để mọi người về cấy cấy. Hy vọng sẽ được mùa. Dân chúng không ta thán nữa.”[1] (Báo cáo của de Guignes gửi Bộ trưởng Ngoại giao ngày 29/12/1791, Archives des Affaires étrangères; Faure, Chương 18, t. 214-215).

Đoạn báo cáo trên, trừ việc Nguyễn Ánh chiếm Bình Thuận, rồi không giữ được, phải trở về Gia Định, là đúng (Theo Thực Lục, tháng 5-6/1790, Lê Văn Quân, tư lệnh quân đội bàn đánh Quy Nhơn, Nguyễn Văn Thành gạt đi, Nguyễn Ánh đồng ý. Quân Nguyễn chiếm được Bình Thuận nhưng thua to ở Diên Khánh, Nguyễn Ánh phải rút về Gia Định. Tháng 2/1791, Lê Văn Quân, bị đình thần kết án, tự tử). Những câu còn lại trong bản báo cáo này hoàn toàn sai, chứng tỏ de Guignes không biết gì về tình hình Việt Nam lúc đó, nếu y là điệp viên cho chính phủ Pháp, thì thật vô dụng:

1/ Năm 1789-1790, Quang Trung vừa đại thắng quân Thanh, de Guignes ở Quảng Đông mà không biết chuyện Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị chạy trốn về Tàu, mà lại còn trách Nguyễn Ánh, nếu đem quân đánh thì “đã có thể khôi phục ngay tức khắc vương quốc”.

2/ Câu: “Việc các tàu La Dryade, Le Pandour và La Méduse, cùng những tàu khác đến từ Pondichéry, L’Ile de France, Macao, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ”, càng chứng tỏ de Guignes không thạo tin: cảng Sài Gòn lúc đó tàu ngoại quốc ra vào thường xuyên, mà xem hải trình của ba tàu Pháp La Dryade, Le Pandour và La Méduse, thì một năm mới đến Sài Gòn một vài lần, có thấm gì đối với số lượng các tàu Bồ, Y, Anh, Hoà Lan họp lại, mà de Guignes đã tưởng là tàu Pháp khiến “kẻ thù khiếp sợ”. Hịch Quang Trung viết năm 1792, chứng tỏ ông chẳng coi bọn “mắt xanh” này ra gì cả.

3/ Bắc Hà có truyền thống phò Lê, dân Bắc năm 1791, chưa biết Nguyễn Ánh là ai, không thể có sự: “Bắc Hà đang đợi cơ hội thoát khỏi gông cùm để nhận diện vị vua thực sự của mình”, như de Guignes viết.

4/ Câu sau cùng là sự bịa đặt chính và quan trọng hơn cả, nó là thuỷ tổ của huyền thoại Olivier và Le Brun là kỹ sư, kiến trúc sư, xây các thành đài ở Việt Nam, de Guignes viết:

“Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này”.

Không biết gián điệp lấy những tin này ở đâu, mà lại đầu Ngô mình Sở đến thế:

Câu đầu là một xác định vô căn cứ: “Các ông Olivier và Lebrun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta một bản đồ thành đài” (MM Olivier et Lebrun, officiers français, lui donnèrent un plan de ville fortifiée). Y nằm ở đâu mà biết chuyện hai anh binh nhất, binh nhì Olivier và Le Brun, vừa đào ngũ, “cho” vua một cái bản đồ thành đài? Nếu ta để ý sẽ thấy de Guignes chỉ viết: “Olivier và Lebrun cho ông ta một cái bản đồ thành đài”, nhưng, những sách sử Pháp Việt về sau, sẽ biến câu này thành “Olivier và Lebrun xây thành Gia Định”. Tức là một sự biến cải hoàn toàn.

De Guignes kể tiếp: sau khi được Olivier và Lebrun “cho một cái bản đồ thành đài”, thế là Nguyễn Ánh vội xây ngay! Câu này thực ngây ngô, vì ta thừa biết, về vụ bản đồ thành đài thì Nguyễn Ánh thiếu gì, mà phải đợi hai ông Olivier và Lebrun “cho”, các tác giả Âu Việt, từ Barrow, Montyon, Le Labousse, đến Sử Ký Đại Nam Việt đều viết: trong cung Nguyễn Ánh có nhiều sách vở về thành đài, ông thường dở ra xem và học lấy. Vậy không việc gì mà Nguyễn Ánh lại phải vồ vập cái bản đồ thành đài mà hai ông binh nhì, binh nhất mới đào ngũ “cho” rồi hấp tấp xây ngay, nên mới sinh loạn.

Nếu xem lại ngày hai người lính này đến Việt Nam, Olivier de Puymanel đến trước, anh trốn thoát ngày 19/9/1788 ở Côn Lôn, còn Le Brun ngày 13/1/1790 mới đến Macao, ở lại, rồi sau mới tìm cách sang Nam Hà với bạn Olivier. Ngày 27/6/1790, Le Brun được chính thức nhập ngũ, nhận văn bằng cai đội cùng ngày với nhiều người khác.

Vậy nếu Lebrun và Olivier có “cho” vua cái bản đồ gì đó, thì cũng phải là sau khi Le Brun đến Việt Nam, mà theo lịch trình ở trên, sớm lắm là từ tháng 3 đến tháng 6/1790.

Nhưng thành Gia Định, theo Trịnh Hoài Đức, đã đắp ngày 4/2/Canh Tuất [19/3/1790], Thực Lục ghi ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, 22/4/1790] đắp thành đất Gia Định. Đắp 10 ngày xong. Ta nên chú ý đến chi tiết thành đất tức là đất trộn rơm (torchis) rất vững chắc, đó là kiến trúc thành đài kiểu Đông phương. Tây chỉ biết xây thành đá hoặc gạch. Còn về ngày đắp thành Gia Định, chưa biết tại sao có sự sai lệch trong hai bộ sử, hiện giờ chúng tôi dùng ngày của Trịnh Hoài Đức vì ông sống ở Sài Gòn lúc ấy, và Gia Định Thành Thông Chí viết trước Thực Lục. Tất cả những điểm trên dẫn đến kết luận:

Thành Gia Định đã xây trước khi Le Brun đặt chân đến Nam Hà.

Những bản đồ thành Gia Định sau này người ta đưa ra, bảo là do Le Brun vẽ, nếu là y vẽ thực, thì nên hiểu là y đồ lại bản đồ thành phố Sài Gòn đã xây xong rồi.

Sự thể rành rành như vậy, không hiểu sao các sử gia Việt không nhìn thấy lỗ hổng này trong lập luận của sử gia thuộc địa.

Trở lại văn bản của de Guignes, đọc đến câu kế tiếp: làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận, thì chắc de Guignes muốn nói đến thành Diên Khánh chứ không phải thành Gia Định, bởi vì Gia Định lúc đó là kinh đô, không phải là chỗ “cho vua có nơi rút quân khi thua trận”, chỉ Diên Khánh mới là nơi cho vua dừng chân mỗi khi đánh Quy Nhơn thua trở về.

Nhưng de Guignes lại không thể viết về thành Diên Khánh, vì ngày 29/12/1791, khi y viết câu này, thì Nguyễn Ánh chưa hề chiếm được vùng Diên Khánh (như trên đã nói, tháng 5-6/1790, Nguyễn Ánh nghe lời Lê Văn Quân đánh được Bình Thuận, nhưng thua ở Diên Khánh, phải rút quân về).

Còn câu cuối: vì xây gấp, mượn đến 30.000 nhân công cho nên “Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này”, thì hoàn toàn không biết de Guignes lấy ở đâu, vì không thấy nơi nào ghi việc này cả; đặc biệt các giáo sĩ, họ không thể bỏ qua một biến cố quan trọng như vậy mà không thông báo cho Macao hay. Câu này sẽ được các sử gia Việt chép lại, qua Taboulet, như ta sẽ thấy ở dưới.

Lá thư của giáo sĩ Lavoué

Có lẽ thấy những lời lẽ trong bản báo cáo của de Guignes còn quá mỏng để “chứng minh” Puymanel xây thành Diên Khánh, cho nên học giả Cadière, trong phần chú giải tập tài liệu của Bréda, liên quan đến Nguyễn Suyền, lưu thủ Bình Khang (1793) (BAVH, 1926, III), đã nhấn mạnh 2 điểm: thứ nhất, xác định thành Diên Khánh do Puymanel xây, và thứ hai: Puymanel có đóng góp đắc lực trong trận Diên Khánh 1795 (phần này sẽ nói sau).

Để bảo vệ luận điểm thứ nhất, Cadière đưa ra một chứng mới: lá thư của giáo sĩ Lavoué viết ở Tân Triều ngày 13/5/1795 gửi Boiret và Descourvières ở Paris.

Để độc giả nắm rõ toàn cảnh, trước khi đọc trích đoạn thư của Lavoué, chúng tôi xin tóm tắt tình hình:

Tháng 5-6/1793, Nguyễn Ánh đánh Qui Nhơn lần thứ nhất, để Đông cung Cảnh giữ Gia Định. Nguyễn Ánh sai các tướng: Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành vây Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc cố thủ, không thể hạ nổi. Tháng 9/1793, Nhạc cầu cứu Phú Xuân, Cảnh Thịnh gửi đại binh đến cứu. Ánh phải rút quân về Diên Khánh. Nhạc bị quân của Cảnh Thịnh vào thành uy hiếp, uất ức mà chết. Việc xây thành Diên Khánh xẩy ra vào mùa hè năm 1793, khi Nguyễn Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh, được ghi ở ba nơi:

- Tháng 10/1793 (tháng 9 ÂL.), Thực Lục ghi: “Ngự giá về Diên Khánh. Thấy thành đất Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là Diên Khánh (tức tỉnh lỵ Khánh Hoà ngày nay. Thành cao 1 trượng, chu vi hơn 510 trượng, mở sáu cửa, đông và nam đều một cửa, tây và bắc đều hai cửa, trên cửa có lầu, bốn góc có cồn đất)” (Thực Lục I, t. 299).

- Hai người trực tiếp xây thành, được ghi công trong Liệt Truyện:

1/ “[Tôn Thất] Hội cùng đạo binh họp lại bao vây [Quy Nhơn], giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp Diên Khánh.” (Liệt Truyện II, Tôn Thất Hội, t. 78).

2/ “Mùa hạ năm Quý Sửu [1793], [Vũ Viết Bảo] theo đi đánh Quy Nhơn, đến khi về, đắp thành Diên Khánh” (Liệt truyện II, Vũ Viết Bảo, t. 321).

Như vậy thành Diên Khánh được đắp vào mùa hè năm 1793, sau khi Nguyễn Ánh rút quân từ Quy Nhơn về Diên Khánh.

- Đến tháng 11/1793, Nguyễn Ánh trở về Gia định. Để Nguyễn Văn Thành ở lại giữ Diên Khánh.

Trở về với lá thư của giáo sĩ Lavoué, thư khá dài, viết nhiều chuyện liên quan đến vùng Quy Nhơn Diên Khánh. Đoạn đầu, ông sơ lược kể lại chuyện từ lúc Nguyễn Ánh vây thành Quy Nhơn, đến khi Nguyễn Nhạc bị bức bách, uất ức mà chết. Rồi đoạn kế tiếp có liên quan đến thành Diên Khánh, ông viết:

“Nhà vua trở về Gia Định nơi ông đã chiếm lúc đầu. Ông hết sức củng cố thành trì, làm thuyền chiến, v.v. và mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được. Thành vừa xây xong, ngụy quân đổ tới với số lượng 40 ngàn người, nhất định trèo vào; nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích.” [2](Cadière, Documents relatifs à l’époque de Gia Long, BEFEO, 1912, no 7, t. 33).

Trích đoạn trên bắt đầu bằng câu: “Nhà vua trở về Gia Định…”, chứng tỏ Lavoué kể câu chuyện sau khi Nguyễn Ánh trở về Gia Định, tức là sau tháng 11/1793, nhưng câu này sẽ được Cadière khôn khéo cắt đi, ông bắt đầu trích đoạn bằng câu: “…mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương trong một vùng đất vừa mới chiếm được…” Tại sao vậy?

Tại vì nếu để cả câu đầu thì người tinh ý sẽ nhận thấy: khi Nguyễn Ánh trở lại Gia Định tháng 11/1793, mới “mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được…”, thì cái thành phố “Tây phương” ấy không thể là Diên Khánh, vì Diên Khánh đã xây xong từ hè 1793! Làm sao lại có chuyện vua mượn Puymanel xây thành Diên Khánh lần nữa! Và thấy ngay cái vô lý trong câu văn của Lavoué. Tóm lại:

- Cái thành mà Lavoué bảo vua “mượn” Olivier xây, nó không phải thành Gia Định, vì Gia Định đã xây xong từ đầu năm 1790; nó cũng không phải thành Diên Khánh, vì nếu khi Nguyễn Ánh rút quân về Gia Định tháng 11/1793, mới “mượn” Olivier xây; thì quá trễ, vì Diên Khánh đã xây xong từ mùa hè năm 1793!

- Nhưng Lavoué không hề nói vua sai Puymanel xây thành Diên Khánh, ông chỉ nói bâng quơ: mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được, nhưng người ta đã dựa vào câu sau: “Thành vừa xây xong, ngụy quân đổ tới với số lượng 40 ngàn người, nhất định trèo vào; nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích”, để xác định đó là thành Diên Khánh.

- Nhưng câu “Thành vừa mới xây xong, ngụy quân đổ tới” cũng vẫn sai, bởi vì: thành Diên Khánh xây xong hè 1793, Nguyễn Văn Thành ở lại trấn giữ, sau đó không có trận tấn công nào cả. Phải gần một năm sau mới có đợt tấn công đầu của Tây Sơn, và trận này (tháng 4-5/1794) Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 bộ binh hợp với thuỷ binh của Trần Quang Diệu, đánh Diên Khánh.

Tóm lại, Lavoué chỉ tập hợp những chuyện đồn thổi về các trận đánh dữ dội vây thành Diên Khánh, rồi ông vá víu lại thành một câu chuyện và thêm vào câu nói vu vơ: “mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương”, chẳng dính dáng gì đến thành Diên Khánh cả, và Diên Khánh, theo sự mô tả của Lê Văn Định (sẽ nói sau) cũng không có gì là một “thành phố theo lối Tây phương”. Cho nên lời Lavoué cũng không thể dùng làm tư liệu lịch sử.

Nhưng các sử gia thuộc điạ sẽ chập hai mỏm câu, một của de Guignes: Olivier và Le Brun, cho vua một cái bản đồ thành đài và một của Lavoué: vua mượn Ô. Olivier, xây một thành phố theo lối Tây phương, làm một, rồi chia nó làm ba câu khác:

- Le Brun vẽ bản đồ thành Gia Định.

- Vua sai Olivier và Le Brun xây thành Gia Định (vì thành Gia Định có vẻ “Tây phương”).

- Vua mượn Olivier xây thành Diên Khánh.

Thế là cả ba câu này được lưu thông trong sử sách Pháp Việt như những xác định lịch sử.

Lập luận của học giả Cadière

Học giả Cadière kiên quyết bảo vệ “sự kiện” Olivier de Puymanel xây thành Gia Định và Diên Khánh. Nhưng ông không tìm được chứng nào đáng tin cậy về việc Puymanel xây những thành này, cho nên, về thành Gia Định, ông không ngần ngại “xác định” thẳng rằng: “Theo chính sử biên niên đời Gia Long, ông [Olivier de Puymanel] bắt đầu xây thành Gia Định tháng 3-4 năm 1790” (BAVH, 1921, t. 283-288), câu này do Nguyễn Quốc Trị khám phá trước tiên, là một sự bịa đặt làm u ám danh vị học giả.

Còn về việc “Puymanel xây thành Diên Khánh”, thì Cadière “chứng minh” trong phần chú giải những tư liệu về Nguyễn Suyền (BAVH, 1926, III, t. 264). Ông đọc rộng, biết nhiều, không phải ông không biết ai xây thành Diên Khánh, bởi vì ông có nói đến chuyện năm 1793, Nguyễn Ánh, sau khi thắng trận [ở Quy Nhơn] đã sai một viên Cai Bộ (quan bộ Tài Chánh) và Ký Lục (quan bộ Hình), phụ trách việc xây thành Diên Khánh (Cadière, Nguyễn Suyền, BAVH, 1926, III, t. 264), tức là ông có biết chuyện này. Nhưng những điều viết trong sử Việt không vừa ý ông, nên ông phải tìm cách viết lại; vì thế ông bạ vào lời Lavoué, với những vu vơ và vô lý như chúng tôi vừa phân tích ở trên, để xác định Olivier de Puymanel là người xây thành Diên Khánh, như sau:

“Thành đài Bình Khang, đúng hơn là thành Diên Khánh, bởi nó được xây tại thủ phủ của tỉnh này, là tác phẩm của Đại Tá Olivier. “Nhà vua… mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được. Thành vừa xây xong, ngụy quân đổ tới với số lượng 40 ngàn người, nhất định trèo vào; nhưng mọi cố gắng của chúng đều vô ích.” (Thư của M. Lavoué, 13/5/1795 trong L. Cadière: Documents relatifs à l’époque de Gia Long, BEFEO, 1912, no 7, trang 33). Vì thành Diên Khánh bị vây vào tháng 5-6/1794, vậy thành này được xây khoảng cuối 1793, đầu 1794.

Lẽ tất nhiên là trong Thực Lục đời Gia Long, khi nói đến việc xây thành Diên Khánh, không đả động đến Đại tá Olivier” (Cadière, Nguyễn Suyền, BAVH, 1926, III, t. 264).

Tóm lại, học giả Cadière không chứng minh gì cả, ông xác định thẳng đuột rằng: Thành Diên Khánh là tác phẩm của Đại Tá Olivier, vì Lavoué bảo vậy là đúng như vậy! Và ông còn lớn lối trách Thực Lục không đả động đến Đại Tá.

Là người cẩn trọng, Cadière không nhắc đến lời của de Guignes, bởi vì de Guignes là gián điệp, và chỉ nói bâng quơ: “Olivier và Le Brun “cho” vua một cái bản đồ thành đài”, chứ không nói Olivier và Le Brun xây thành đài, và xây thành đài nào.

Nhưng ở đây, lập luận (cũng chưa phải là lập luận, chỉ là một xác định vô bằng) của học giả Cadière có một lỗ hổng lớn:

Linh mục Lavoué không nói Puymanel xây Diên Khánh, chính ông, học giả Cadière, đã xác định Puymanel xây thành Diên Khánh. Học giả đã xác định như vậy, thì xin học giả chứng minh, Puymanel xây thành này vào lúc nào? Như ông nói là cuối năm 1793, đầu năm 1974. Mà theo Liệt Truyện thì thành Diên Khánh đã xây xong từ mùa hè 1793 và đến tháng 11/1793, Nguyễn Ánh đã về Gia Định. Điểm này chứng tỏ học giả không đọc kỹ Liệt Truyện, cho nên ông mới phạm lỗi cơ bản này. Ngoài ra, ta còn biết: Nguyễn Ánh luôn luôn trực tiếp thị sát tất cả những công việc từ đóng tàu, đúc súng đến xây dựng thành luỹ, thì ông không thể không có mặt trong việc xây một đồn luỹ quan trọng như thành Diên Khánh.

Tóm lại, người ta đã dùng hai câu nói vu vơ, một của điệp viên de Guignes: “Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho [vua] một cái bản đồ thành đài”, và một của giáo sĩ Lavoué: “[Vua] mượn Ô. Olivier, sĩ quan Pháp, xây cho ông một thành phố theo lối Tây phương ở một trong những vùng đất vừa mới chiếm được”, để xác định hai người lính binh nhì, binh nhất Puymanel và Le Brun vừa đặt chân đến Việt Nam, là tác giả xây dựng hai thành trì kiên cố nhất của vua Gia Long thời bấy giờ, bất kể những gì đã ghi trong Gia Định Thành Thông Chí, Thực Lục và Liệt Truyện”.

Taboulet và nghệ thuật xuyên tạc lịch sử

Taboulet được những người viết sử Việt Nam chép lại nhiều nhất, vì ông trẻ hơn Cadière và Maybon, lối trình bầy lịch sử của ông có vẻ “khách quan” hơn, nhưng thủ pháp xuyên tạc lịch sử của ông thâm hậu hơn những người đi trước: Không lộ liễu và thô thiển như Bissachère, Ste-Croix, Faure. Cũng không lý luận, biện giải, chứng minh như Maybon, Cadière. Thủ pháp của ông đơn giản hơn nhiều và hiệu quả hơn. Trong bài tựa sách La geste française en Indochine (Huân trạng của nước Pháp ở Đông Dương) in năm 1955, ông giải thích cách làm việc của mình, như một lối viết lịch sử trung thực nhất: thay vì viết lại lịch sử như một ngòi bút sử gia thường tình, ông chủ trương chỉ trình bầy những chứng liệu lịch sử, những văn bản gốc, để độc giả đọc và phán xét:

“Đã có lúc chúng tôi tính giữ lại làm đề từ ở đầu sách, sự phán xét sau đây của Rémy de Gourmont: “Ngay thẳng nhất là nhường lời cho những nhân chứng gốc (témoins originaux); có nghiã là lịch sử Pháp đúng đắn nhất là một sưu tập những tư liệu đích thực (receuil de textes)… “

Quả vậy, thực là hiếm mà một bài văn xuôi do người thứ nhì viết lại có thể tái tạo đúng bầu khí của những biến cố đã xẩy ra. Rất nhiều khi, cuốn sách, ngay cả những cuốn sách có ý thức nhất, vẫn làm biến dạng dữ kiện, xuyên tạc bối cảnh, không tái tạo lại được bầu khí. Ngược lại, ta có thể nói, sự trích đoạn, tư liệu văn khố, trong chính định nghiã của nó, đã mang sẵn một âm hưởng của sự thực không thể chối cãi được, một sức mạnh của sự gợi lại và một sự giầu có hiển nhiên không sánh nổi. Vì vậy, tin tưởng rằng sự tiết lộ những textes mà ít người biết đến sẽ cung cấp cho độc giả nhiều lợi ích và lý thú hơn là một bài viết gián tiếp của chúng tôi, chúng tôi đã chọn tự xoá mình trước những diễn viên của Huân trạng Đông Dương.”[3] (La Geste française en Indochine, I, Avant-Propos, t. 2-3).

Ở một đoạn sau ông viết:

“Thay vì chỉ giới hạn trong việc tách rời thẳng thừng những textes, cái nọ cạnh cái kia, chúng tôi quyết định trình bầy, nhiều khi khá dài, những trang được in lại. Chúng tôi đã nối kết, hàn gắn những textes lại với nhau, chúng tôi đã bổ sung bằng những lời bình luận dẫn vào hoàn cảnh, đôi khi mở rộng, mục đích là cung cấp sự giải thích những biến cố mà sử gia, tham vọng hơn nhà bỉnh bút, cố gắng làm sáng tỏ.” [4](Avant-Propos, t. 3).

Trong cuốn sách này, ông phân chia từng thời kỳ lịch sử theo niên đại, ông viết bài “đúc kết” từng thời kỳ, trước khi in những tài liệu liên quan. Những bài “đúc kết” được in italique, đề tên là “Texte” và đánh từ số 1 trở đi. Ngay chữ texte này đã nhập nhằng, vì có hai nghiã: texte có thể hiểu là bài, văn bản, hoặc: tài liệu chính xác, tư liệu đích thực (document authentique). Ông đã dùng chữ texte một cách lập lờ, tức là ông đặt tên những bài viết của mình là texte, khiến người đọc có thể tưởng lầm cái mà ông gọi là texte chính là tư liệu đích thực của lịch sử! Nhất là trong bài tựa, ông đã giới thiệu câu nói của Rémy de Gourmont: “lịch sử Pháp đúng đắn nhất là một sưu tập những tư liệu đích thực (receuil de textes)”. Xứng đáng với định nghiã này của Gourmont, chỉ có bộ Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 của Andrien Launay.

Sau đây là cách làm việc của Taboulet: Chương VI, dưới tựa đề: Les volontaires français au service de la Cochinchine (Những người Pháp tình nguyện giúp Nam Hà), ông in lần lượt những bài sau:

- Bài đúc kết tình hình chung không có tên, không đánh số, do Taboulet viết, in nghiêng.

- Bài La situation militaire en Cochinchine en 1790-91 (Texte 80) (Tình hình quân sự ở Nam Hà trong năm 1790-91. Taboulet viết. In nghiêng.

- Bản báo cáo của de Guignes (trích trong sách của Faure) với cái tựa như sau: De Guignes, Consul de France à Canton, au Ministre des Affaires Étrangères (De Guignes, Lãnh Sự Pháp ở Quảng Đông gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao). In thẳng.

- Bài “Théodore Lebrun, le premier urbaniste de Saigon (Texte 81) (Théodore Lebrun, nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn). In nghiêng.

Lối trình bầy này rất tinh vi: nếu đọc qua cả 4 bài này, ta tưởng tất cả đều là tư liệu lịch sử, vì sự in nghiêng và vì chữ texte. Thực ra, chỉ có Bản báo cáo của de Guignes là tư liệu, còn 3 bài kia là do Taboulet viết, với luận điệu xuyên tạc của ông về giai đoạn lịch sử này.

Kế đó, de Guignes là agent, tức là nhân viên hay điệp viên, đã được Faure đôn lên làm lãnh sự, nhưng chữ lãnh sự Faure chỉ viết nhỏ trong chú thích, ít ai để ý; khi Taboulet đưa ra thành cái tựa to tát “De Guignes, Lãnh Sự Pháp ở Quảng Đông gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao” như thế, tức là ông đã thổi phồng cái mà Faure đã thổi phồng rồi, và còn chú thích thêm: Lãnh sự Pháp được thành lập năm nào, năm nào… như để củng cố địa vị khả kính của de Guignes. Cách làm ăn này trải dài trong toàn bộ sách của ông; ví dụ để tôn vinh Puymanel, Taboulet đã tự ý “cho” anh ta đi học trường Louis Le Grand là trường trung học nổi tiếng nhất của Pháp, chỉ dành cho những học sinh ưu tú, v.v.

Không có gì chứng thực việc Le Brun xây thành Gia Định, hoặc vẽ, hoặc xây bất cứ thành phố nào ở Việt Nam, thế mà Taboulet dám để cái tít: “Théodore Lebrun, le premier urbaniste de Saigon” (Théodore Lebrun, nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn).

Đó là sự xuyên tạc lịch sử trong cách trình bầy tư liệu: biến một bản báo cáo của điệp viên thành thư chính thức của ông Lãnh Sự gửi ông Bộ Trưởng Ngoại giao, do đó gián tiếp cấp cho “lá thư” này một giá trị tư liệu và một tầm mức quan trọng mà nó không hề có.

Hoặc bịa chuyện Puymanel học trường Louis Legrand, cho xứng đáng với danh vị kỹ sư, kiến trúc sư, mà người ta gán cho anh ta.

Hoặc xác nhận Lebrun, lính binh nhất, là “nhà kiến trúc đô thị”.

Ta thử xem Taboulet viết gì trong bài Texte 80, trang 241-242.

Bài này, phần đầu viết về con số những người lính Pháp đến giúp Gia Long (không thuộc điạ hạt bài này, sẽ nói sau); phần thứ nhì viết về “công trạng” của họ với những hàng sau đây:

“Ngay từ 1789, Nguyễn Ánh đã quyết định xây dựng kiên cố Sài Gòn. Ông sai hai kỹ sư Pháp của ông là Lebrun và Olivier de Puymanel xây cho ông “một thành phố theo kiểu Tây phương” và một thành đồn (forteresse). Vai trò riêng của hai vị sĩ quan này khó biết rõ; nhưng phần của Lebrun, rời Sài Gòn đầu năm 1792, chắc là không quan trọng bằng Olivier.

Bản đồ thành phố Sài Gòn dường như do Lebrun vẽ. Điều quan hệ là xây một “thành phố theo kiểu Tây phương”, kiểu Mỹ, như ta nói bây giờ, với khoảng 40 đại lộ (artères), rộng từ 15 đến 20 mét, thẳng góc nhau, thành phố được bao bọc bằng một vòng thành có những chốt gác cách nhau đều đặn. Bản đồ vĩ đại này dĩ nhiên là được vẽ cho một tương lai xa; dường như chưa bắt đầu xây.

Ngược lại, thành đài mà Olivier de Puymanel là tác nhân chính, đã xây rất nhanh. Theo cha Boisserard (tháng 2/1792) là “một thành lũy tốt, với pháo đài (bastions), hào (fossées), cầu rút (ponts-levis), đường trần (chemins découverts), bờ nghiêng (glacis) và lỗ hình bán nguyệt trên tường thành (demi-lunes)” Thành hình bát giác, bằng đá ong hay đá Biên Hoà, có tường cao sáu mét và có tám cửa (…)

Công cuộc xây dựng toàn bộ này, đồ sộ đối với thời ấy, chỉ có thể thực hiện tốt đẹp nhờ dùng nhiều nhân công. Những khổ dịch hao tổn sức lực đập lên đầu dân chúng, suýt gây bạo loạn, để diễn tả sự bất mãn của họ đối với những sĩ quan Pháp bị coi như vật tế thần.

Khoảng ba chục thành đài khác cùng thể loại, theo kiểu Vauban, được xây lúc Olivier còn sống, và sau khi ông mất được thực hiện bởi những học trò Việt mà ông đào tạo trong trường của ông. Những thành luỹ này hiện còn nhiều trong những thành phố Đông Dương; những di tích của chúng chứng nhận rằng một tư tưởng Pháp với những bàn tay Pháp đã là nguồn cội sự thành công của Nguyễn Ánh”. (Taboulet, La geste française en Indochine, I, Texte 80, t. 242).

Đoạn văn này có mấy điểm đáng chú ý:

1- Không cần dẫn chứng, biện luận, Taboulet xác định những “sự kiện” góp nhặt trên đây, như đã là “lịch sử”.

2- Ông nhập lời của de Guignes với Lavoué làm một: “sai hai kỹ sư xây cho ông một thành phố theo kiểu Tây phương” (vì Lavoué không nói đến Le Brun).

3- Câu “Bản đồ thành phố Sài Gòn dường như do Lebrun vẽ “ cũng như cái tít: “Théodore Lebrun, nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn” đều là sản phẩm của Taboulet.

5- Trịnh Hoài Đức mô tả thành Gia Định chỉ có 8 con đường. Bản đồ thành Bát quái, in lại trong Địa chí văn hoá Hồ Chí Minh, do Nguyễn Đình Đầu sưu tập, cũng không ra ngoài con số đường sá ấy. Vậy cái Bản đồ vĩ đại với 40 đại lộ, kiểu Mỹ, này không biết Taboulet lấy ở đâu ra? Và nói là bản đồ thành phố chưa xây, thành phố nào?

Một cái bản đồ, chưa chắc đã có, được đưa ra như một chứng từ có thật về nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn: Le Brun, thực chất chỉ là người lính binh nhất, đào ngũ. Thế mà ở người Việt cũng cứ chép lại y như vậy. Thật là xấu hổ và vô ơn đối với tiền nhân, những người đã đích thực vẽ, đắp các thành Gia Định, Diên Khánh và các thành trì khác trên toàn cõi Việt Nam.

6- Đoạn sau cùng: Puymanel xây hơn ba chục thành đài Vauban, Taboulet chép trọn sự nhận vơ của Cadière, chúng tôi sẽ nói đến trong phần Cadière.

Đó là lối viết Texte của Taboulet: Tất cả những lời lẽ tâng bốc sự nghiệp của các “sĩ quan” Pháp, được ông chép lại từ Bissachère, Ste-Croix, Faure, de Guignes… mà không đề xuất xứ, cũng không chứng minh, biện luận, như:

Théodore Lebrun: Nhà kiến trúc đô thị đầu tiên ở Sài Gòn (Texte 81, t. 243).

Olivier de Puymanel: “Tổng tư lệnh quân đội Nam Hà”, “Đổi mới hoàn toàn quân đội của Nguyễn Ánh” (Texte 82, t. 245).

Jean-Marie Dayot: “Linh hồn của thuỷ quân Nam Hà”, “Năm 1792, tiêu diệt toàn bộ hạm đội Tây Sơn, gồm 5 tàu chiến lớn (5 gros bâtiments), 90 chiến thuyền (galères), 100 chiến thuyền nhỏ (demi-galères), tịch thu 137 đại bác đủ loại. Năm 1793, Dayot còn chiếm thêm được, 60 galères Tây Sơn ở gần miền bắc Quy Nhơn” (Texte 83, t. 249).

Tạ Chí Đại Trường sẽ tiếp nhận các loại “thông tin” như thế này trong các Texte của Taboulet và đưa vào Lịch sử nội chiến Việt Nam.

Học giả Trương Vĩnh Ký

Vấn đề đau đớn nhất ở đây, là chính những người viết sử Việt Nam, không những coi thường sử gia triều Nguyễn, hoặc không đọc, hoặc có đọc mà coi như không, và thi nhau chép lại, đắp điếm thêm cho những luận điểm hồ đồ của những ngòi bút thực dân, biến chúng trở thành sự thật lịch sử. Những sử gia như Trần Trọng Kim, Phan Khoang và hầu như tất cả mọi người trong chúng ta, đều bị ngộ độc quan điểm thực dân, đã đổ lỗi cho triều Nguyễn bế quan toả cảng và diệt đạo nên mới bị “mất nước”. Tuy vậy, sử gia Trần Trọng Kim vẫn viết rất sát với Thực Lục và Liệt truyện, nên ông có rất ít sai lầm.

Trương Vĩnh Ký là người đứng đầu, và ngoại khổ trong việc nối gót thực dân. Ông được giáo dục từ nhỏ trong nhà chung, cho nên trong cuốn Cours d’Histoire Annamite (1875), ông sử dụng những điều cực đoan của giới cha cố và những điều bịa đặt của giới thực dân, mà không kiểm chứng, cho nên đoạn sử ông viết về nhà Nguyễn, đặc biệt về vua Minh Mạng nhiều chỗ thực đáng xấu hổ.

Về việc xây thành Gia Định, Trương Vĩnh Ký, năm 1897, đã hợp nhất Thực Lục và lời của de Guignes, để đưa ra xác định sau đây: “Tháng 2 trong năm (1790) vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định tại làng Tân Khai, xây thành bát quái có 8 cửa, xây vách thành bằng đá ong Biên Hòa” (Trương Vĩnh Ký, Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897, t. 33, trích theo Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử thành phố, in trong tập Địa Chí Văn Hoá thành phố HCM, t. 183).

Chúng tôi không có cuốn Biên tích đức thầy Vêrô Pinhô quận công của Trương Vĩnh Ký, chỉ đọc lời Nguyễn Đình Đầu trích dẫn sau đây: “Theo “Biên tích đức thầy Vêrô Pinhô quận công” của Trương Vĩnh Ký, thì Bá Đa Lộc trở về xứ Sài Gòn, đem theo, không phải số viện trợ của vua Pháp ký kết mà chỉ được mấy chiếc tàu, chở súng lớn 100 cỗ, súng tay mấy ngàn cây, thuốc đạn cụ túc [đầy đủ] về giúp vua An Nam. Theo sách trên của Trương Vĩnh Ký thì, từ đó việc tổ chức và tập rèn bộ binh của Nguyễn Ánh (tại Gia Định) do Olivier de Puymanel “làm lớn đứng đầu hết”, “đức thầy xin vua thăng thọ quan năm ren vàng cho J.M. Dayot làm thuỷ sư cai quản cả đạo thủy quân” với “Vannier chúa tàu Long, de Forcant chúa tàu Phụng, Chaigneau chúa tàu Long Phi, Magon de Médine chúa tàu Le Prince de Cochinchine”. Nhiều quan thuỷ khác giúp cho Dayot” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 177).

Thay vì dùng những tư liệu gốc do chính Bá Đa Lộc viết ra về những việc này, trong đó ông Bá ghi rõ: ông về tay không, chẳng có tàu nào đi theo cả, đã có sẵn trong kho tư liệu của hội truyền giáo, tại sao Trương Vĩnh Ký không dùng, mà ông lại đi chép những “thông tin” bịa đặt, lấy từ Ste-Croix, Faure… hay những tác giả khác, rồi ông viết lại chắc chắn như đinh đóng cột, và thêm vào vài ba câu của Thực Lục. Vì uy tín học giả của ông, nên những người đi sau như Nguyễn Đình Đầu cũng chép lại ông mà không kiểm chứng.

Tạ Chí Đại Trường

Taboulet được người Việt chép nhiều nhất. Và Tạ Chí Đại Trường là một trường hợp khá trung thành.

Như trên, ta đã thấy hai đoạn văn bâng quơ của de Guignes và của Lavoué, khi vào tay Taboulet, đã trở thành “sự kiện lịch sử” sau đây: có hai thành Sài Gòn, một Sài Gòn to, do ông Lebrun vẽ, lớn lao vĩ đại với 40 đại lộ, nhưng chưa xây và một Sài Gòn nhỏ, do ông Puymanel xây, đó là thành bát giác, giống hệt như thành Bát Quái Gia Định được Trịnh Hoài Đức và Shihõken Seishi mô tả.

Tạ Chí Đại Trường chép lại Taboulet, và sáng tác thêm, như sau:

“Việc xây thành này [Gia Định], các tài liệu Tây phương cho biết là do Le Brun và Olivier de Puymanel theo lời yêu cầu của Nguyễn Ánh. Họa đồ phố xá hình như của Le Brun gồm có 40 con đường rộng từ 15 đến 20 thước cắt nhau theo hình thước thợ và dự án này không được thực hiện nhưng Le brun còn ở đến đầu năm 1792 thì rõ ràng việc thiết kế đô thị chịu ảnh hưởng của ông rất nhiều”. (LSNCVN, t. 234).

Để củng cố lập luận thành Gia Định do Puymanel xây, sau khi nhắc lại việc Trịnh Hoài Đức khen thành phố Sài Gòn sau khi xây xong, có hàng lối hơn trước nhiều, và thư của M. Boisserand (2/1792) cho biết có “pháo đài, hào, v.v.” như Taboulet đã dẫn, Tạ Chí Đại Trường viết tiếp: “Nguyễn Ánh muốn làm tức khắc tuy cần phải đợi thời cơ thuận tiện hơn, người ta phải phá nhà cửa, bắt đến 30 ngàn dân làm việc. Loạn nổi lên, dân chúng và quan binh đổ riết cho Olivier và Le Brun gây nên tội muốn bắt giết làm hai ông này phải chạy trốn, nhờ Bá Đa Lộc che chở. Bình yên trở lại, Nguyễn Ánh cho lính về và dân rảnh rang cầy cấy. Chi tiết sau phù hợp với việc sử quan ghi tới hai lần xây cất thành mà không nói lý do ngưng nghỉ: một lần vào tháng ba Canh Tuất như đã nói và một lần “sửa sang lại” vào tháng chạp năm đó.

Qua những chứng dẫn trên ta biết thành xây theo kiểu phòng thủ Tây phương nhưng cố uốn nắn theo quan niệm phong thủy Đông phương (bát quái). Tuy nhiên hiệu quả phòng thủ của nó vẫn không thay đổi. Từ đấy Tây Sơn không vào Gia Định lần nào để nó được thử thách nhưng đứa em sinh sau nó, thành Diên Khánh, đã chứng tỏ hiệu lực trước đám quân Trần Quang Diệu thiếu vũ khí công phá tương xứng” (LSNCVN, t. 234).

Rồi ông xác định: “Bởi vì thành Diên Khánh là của Olivier vẽ ra. Nó là em sinh sau thành Gia Định” (t. 267).

Lối viết của Tạ Chí Đại Trường vẫn không thay đổi, ông thường mào đầu bằng nhãn hiệu “tài liệu Tây phương cho biết”, rồi dựa vào một “thông tin” do các sử gia thực dân đưa ra, để viết theo và biện luận đắc lực cho thông tin này.

Ở đây ông chép lại việc “nhân dân nổi loạn” của de Guignes, qua Taboulet, nhưng ông còn đi xa hơn Taboulet, không những chép lại mà còn biện hộ điều này là đúng, bằng cách kết hợp hai sự kiện: thành Gia Định xây tháng 4/1790, nhưng đến tháng 1/1791 phải sửa lại, để suy diễn rằng: vậy là đích thực “có loạn”. Taboulet chỉ dám nói suýt có loạn (faillit se soulever) nghĩa là chưa có loạn và Puymanel có công xây thành Gia Định; Tạ Chí Đại Trường chứng minh là có loạn và Puymanel xây cả thành Diên Khánh nữa, lập luận của ông dựa trên những điểm sau đây:

- Vì thành xây đường ngang dọc, trật tự như thế, chắc chắn phải do Tây xây.

- Vì thành xây mùa xuân mà đến đầu năm sau nói sửa [Thực Lục] tức là phải ngừng việc xây trong nhiều tháng mà không nói rõ lý do, vậy là có loạn.

- Thành xây theo kiểu Tây nhưng phải làm bộ uốn nắn bát quái cho có vẻ ta.

- Thành Diên Khánh là em thành Gia Định, vì có cùng cha Puymanel.

Thực đáng buồn cho một sự khinh rẻ dân tộc và đề cao ngoại bang đến thế: Lấy cớ gì mà bảo: thành Tây, rồi cố uốn nắn theo kiểu phong thủy bát quái của ta?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Bài Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, in trong cuốn Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, nxb TpHCM 1987, t. 127-231 của Nguyễn Đình Đầu là một bài nghiên cứu có giá trị.

Dựa vào Trịnh Hoài Đức, ông tìm đến nguồn cội của thành Bát Quái Gia Định: Năm 1772, sau khi đánh thắng quân Xiêm, Nguyễn Cửu Đàm xây luỹ Bán Bích bảo vệ điạ phương Sài Gòn: “Bán bích Nguyễn Cửu Đàm đã khép kín địa bàn Sài Gòn với ba mặt sông, gồm thâu hầu hết các phố, chợ và các kiến trúc của chính quyền, tạo nên một tổng thể thống nhất về điạ lý, kinh tế, xã hội và bố phòng” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 168). Luỹ Bán Bích được coi là nền móng đầu tiên của thành Bát Quái Gia Định.

Ông cũng thấy thành Bát quái “mang màu sắc Á Đông” nhưng rồi ông vẫn bị rơi vào cái bẫy của Taboulet và những xác định vô bằng của Trương Vĩnh Ký, khi ông viết:

“Tên gọi cũng như cách định hướng và những chi tiết kiến trúc, thành này mang màu sắc Á Đông. Nhưng về bố cục và cấu tạo cơ bản, thì thành lại được xây đắp theo kiểu Vauban tây phương. Những ai trực tiếp xây dựng thành Bá Quái? Chính sử ta không thấy kể tên, song nhiều nguồn sử khác cho rằng: “Tháng 2 trong năm (1790), vua dạy ông Olivier với ông Lebrun coi xây thành Gia Định tại làng Tân Khai, xây thành Bát quái có 8 cửa, xây vách thành bằng đá ong Biên Hoà” (Trương Vĩnh Ký, Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897, t. 33). Cụ thể có lẽ Lebun “ra hoạ đồ thành Gia Định” và được mệnh danh là “kiến trúc sư quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn”. Còn Olivier là kỹ sư đôn đốc xây dựng thành. Nhưng chắc thế nào cũng có người Việt tham dự” (t. 184-185).

Người Việt mà Nguyễn Đình Đầu muốn nói ở đây là Trần Văn Học, ông có ghi lại công lao của Trần Văn Học ở đoạn sau; nhưng theo ông, người Pháp vẫn đứng đầu, với bản đồ Sài Gòn của Lebrun 1795 (mặc dù Lebrun đã bỏ đi từ giữa năm 1791).

Đoạn kế tiếp, ông chép lại de Guignes, và dùng sự suy diễn của Tạ Chí Đại Trường, để viết thành câu chuyện sau đây:

“Nguyễn Ánh đã phải huy động tới tới 30000 dân phu thầy thợ đắp thành Bát quái, đã phải triệt hạ một số nhà cửa làng mạc để lấy mặt bằng. Dân chúng cực khổ. Mầm bất mãn có cơ nguy biến thành nổi loạn vào mùa mưa, lúc ruộng vườn đòi hỏi khẩn cấp nhân công trở về canh tác. Ánh nhượng bộ, giải tán đa số dân phu; đến tháng chạp mới gọi lại để tiếp tục công trình. Hình như thành Bát quái chỉ “tạm xong”, chứ chưa bao giờ hoàn thành đúng y bản dồ thiết kế buổi đầu (…) Có nhà sử học cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thành Bát quái không được hoàn thành là vì 30000 nhân công của Nguyễn Ánh tập hợp để xây thành đã có lần nổi dậy tìm các kỹ sư đốc công người Pháp mà giết, còn nhân dân bị buộc phải góp công của nhiều quá trong lúc chiến tranh vẫn tiếp diễn, nên nỗi bất bình chống chất, Nguyễn Ánh bị buộc phải tạm ngưng việc xây dựng thành Bát quái là vì vậy”. (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 185).

Khổ nhất là những “thông tin” vô căn cứ của “điệp viên” tồi de Guignes, lại được những nhà nghiên cứu của ta chép lại, mà không đặt câu hỏi: tại sao một cuộc loạn to như vậy, mà từ sử chính thống như Thực Lục, Liệt Truyện, đến thư từ của các vị thừa sai, của những người lính Pháp giúp Nguyễn Ánh, hoặc những cuốn sử ngoài luồng như Sử Ký Đại Nam Việt, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, v.v. không thấy ai nói gì cả?

Một điểm nhỏ nữa cũng cần nêu ra, chúng tôi chú ý đến chú thích số 4, trang 183, sau đây:

“Plan de la ville de Sai Gòn fortifiée en 1790 par le Colonel Victor Olivier, réduit du grand plan levé par ordre du Roi en 1795, par Brun, ingénieur de Sa Majesté. Par JM Dayot, 1799. Tạm dịch: Bản đồ thành phố Sài Gòn, do đại tá Victor Olivier bố phòng năm 1790, được ông Brun, kỹ sư của Hoàng thượng vẽ lên bản đồ lớn theo lệnh Vua năm 1795, nay JM Dayot vẽ nhỏ lại. 1799. Tiếc rằng chưa tìm lại được bản đồ lớn vẽ năm 1795. Nếu có, có lẽ còn biết thêm nhiều chi tiết bổ ích về Sài Gòn xưa” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, chú thích 4, t. 183.)

Nhà nghiên cứu không cho biết câu này ông trích ở đâu. Có thể đã được rút ra từ câu: “Có một bản đồ thành Sài Gòn do đại tá Olivier vẽ. Rút nhỏ bản đồ lớn do kỹ sư Le Brun vẽ theo lệnh Vua nước Nam” (Schreiner, Abrégé de l’Histoire d’Annam, t. 104, note 1.), mà Cadière trong bài diễn văn đọc trước Thống Chế Joffre, đã dùng để làm chứng cho việc Le Brun có vẽ “bản đồ lớn”, nhưng Cadière còn viết thêm: Rủi thay chúng tôi không có bản đồ này trong thư viện” (Cadière, BAVH, 1921, t. 283-288).

Nhưng ta có thể đoán là nó được in ở trong một bộ sách vẽ các bản đồ Sài Gòn do Tây in. Mặc dù ở trang sau (t. 185) Nguyễn Đình Đầu có nghi ngờ con số 1795, vì ông biết Le Brun đã bỏ đi từ 1791. Nhưng tất cả những sai lầm tích tụ trong đoạn văn này, tại sao ông không phản bác: ngoài việc Puymanel xây thành Sài Gòn năm 1790, mà chúng tôi đã chứng minh ở trên là không thể. Rồi đến năm 1795, vua sai Le Brun vẽ tấm bản đồ lớn. Bản đồ nào? Le Brun đã bỏ đi từ năm 1791, thì sao năm 1795, vua lại có thể sai y vẽ bản đồ lớn? Rồi Dayot lại vẽ nhỏ lại năm 1799. Dayot bị án tử hình đã trốn biệt từ năm 1795, làm sao năm 1799 y còn ở đó mà vẽ lại cái “bản đồ lớn” của Le Brun?

Vì chúng ta không cặn kẽ tìm tòi, phân tích mọi sự đến nơi đến chốn, cho nên người Pháp thực dân muốn in gì thì in, muốn viết gì thì viết.

Chú thích:

1] Nguyên văn tiếng Pháp: En 1789 et 1790, si le roi de la Cochinchine l’avait voulu, il aurait reconquis sur-le-champ son royaume. L’arrivée des frégates (la Dryade, le Pandour et la Méduse), ainsi que celle des navires venus de Pondichéry, de l’Ile de France et de Macao, avaient jeté l’alarme chez les ennemis. Le Tonkin attendait le moment de secouer le joug pour reconnaitre son véritable roi. Mais les succès de celui-ci furent peu conséquents, ou mal soutenus. Il prit une province (le Binh Thuan), y laisser des troupes; leur petit nombre les fit chasser; l’espoir revint aux rebelles, outre qu’il fut augmenté par le roi lui-même, par sa conduite. MM. Olivier et Le Brun, officiers français, lui donnèrent un plan de ville fortifiée. Le roi voulut de suite en faire bâtir une, quoique cela exigeât un temps plus favorable. Il a fallu alors vexer le peuple, abattre les maisons et occuper 30.000 hommes pour fortifier une place où le roi espérait se retirer, en cas de revers. Le peuple et plusieurs mandarins se sont soulevés. MM. Olivier et Le Brun ont couru des dangers comme les auteurs du projet. M. l’Evêque d’Adran, en les retirant chez lui, les a délivrés de tout accident. Cependant le calme est revenu, le roi ayant licencié ses troupes et permis à tout le monde de semer du riz. On espère d’une bonne récolte. Alors le peuple ne se plaindra plus.”

[2] “Le Roi s’en revint à Gia Định dont il s’était d’abord emparé. Il se fortifia de son mieux, construisit des galères, etc… et engagea M. Olivier, officcier francais, à lui faire une ville à l’européenne dans une des provinces nouvellement conquise. Elle était à peine achevé lorsque les rebelles y accoururent au nombre de quarante mille hommes, résolus de l’escalader; mais tous leurs efforts furent vains”.

[3] “Nous fûmes un instant tenté de retenir pour épigraphe de notre ouvrage ce jugement de Rémy de Gourmont: “Le plus honnête serait de donner la parole “aux témoins originaux; c’est en ce sens qu’on a dit que la meilleure histoire de France serait un recueil de textes…”

Il est rare, en effet, qu’une prose de seconde main parvienne à restituer vraiment l’atmosphère exacte des événements. Trop souvent, le livre, même le plus consciencieux, altère les faits, fausse la perspective, ne peut parvenir à recréer l’atmosphère. Au contraire, et par définition même, si on peut dire, la citation, le document d’archives comportent un indéniable accent de vérité, une puissance d’évocation, une richesse expressive inégalabes. C’est pourquoi, persuadé que la révélation de textes peu connus fournirait au lecteur plus de profit et d’agrément qu’un récit indirect de notre plume, nous avons pris le parti de nous effacer devant les acteurs de la Geste indochinoise.”

[4] “Plutôt que de nous borner à égrener sèchement des textes l’un après l’autre, nous avons tenu à présenter, assez longuement parfois, les passages reproduits. Nous avons relié, soudé les textes les uns aux autres; nous les avons complétés par des commentaires de mise en situation, parfois assez développés, destinés à donner autant que faire se pouvait l’explication des événements, que l’historien, plus ambitieux que le chroniqueur, s’efforce de tirer au clair”.

Chương 13

tôn thất hội, trần văn học, vũ viết bảo,
những người giúp vua gia long trong việc đắp thành đất gia định và diên khánh

Theo bản đồ in ở trang 184 và trang 229, trong cuốn Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, do Nguyễn Đình Đầu sưu tập và vẽ lại, ta thấy thành Bát quái Gia Định, còn gọi là thành Qui, nằm trong khung vuông giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn, mặt tiền, Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng), mặt hậu; Nam Kỳ Khởi Nghiã (Công Lý) và Đinh Tiên Hoàng.

Hai cửa Tiền trên đường Lê Thánh Tôn: Cửa Càn Nguyên mở trông ra đường Đồng Khởi (Tự Do) và Ly Minh mở trông ra đường Ngô Văn Năm hiện nay.

Hai cửa Hậu trên đường Nguyễn Đình Chiểu: Cửa Khảm Hiểm mở ra đường Phạm Ngọc Thạch và Khôn Hậu mở ra đường Mạc Đĩnh Chi.

Hai của Tả trên đường Đinh Tiên Hoàng: Cửa Chấn Hưng mở ra đường Nguyễn Trung Ngạn và Cấn Chỉ mở ra sân banh Hào Thành.

Hai cửa Hữu trên đường Nam Kỳ Khỏi Nghiã: Cửa Tốn Thuận mở ra đường Lý Tự Trọng và Đoài Nguyệt mở ra đường Võ Văn Tần

(Theo Nguyễn Đình Đầu, Điạ lý lịch sử TPHCM, in trong Điạ chí văn hoá TPHCM, nxb TPHCM, 1987, t.180-181).

Chợ Bến Thành nằm trên bờ chỗ gặp nhau của hai sông Bình Dương và Bến Nghé. Những người ngoại quốc đến đây, cập bến chợ đầu tiên, nên có cảm tưởng như vào một thành phố cảng sầm uất.

Thành Bát quái hay thành Qui là thành đất, đắp tháng 3-4/1790, đầu năm 1791 sửa lại (Thực lục, I, t. 268). Đến năm 1829, “[Lê Văn] Duyệt lại nghĩ Gia Định là trọng khẩn Nam Kỳ, bèn tâu xin thuê dân đánh đá ong, cấp thêm tiền gạo và lấy cả dân đinh, xây đắp thành hào cao rộng thêm lên để phòng thủ cho nghiêm. Vua [Minh Mạng] nghe cho làm”. (Liệt truyện, II, t. 426). Vậy có thể hiểu là Lê Văn Duyệt xây thêm lớp thành đá ong bên trong, và đào hào sâu hơn.

Năm 1833, Lê Văn Khôi, bộ hạ cũ của Lê Văn Duyệt nổi loạn, giết bố chính Bạch Xuân Nguyên là kẻ tham tàn, chiếm thành Gia Định (lúc đó vua Minh Mạng đã đổi tên là Phiên An), đánh phá các tỉnh miền Nam. Quân triều đình vây thành Phiên An gần ba năm không hạ được. Vì sự kiên cố ấy, mà Lê Văn Duyệt bị buộc tội “xây thành cao, đào hào sâu” có ý tự trị một cõi. Năm 1835, khi hạ được, Minh Mạng ra lệnh phá thành cũ và xây thành mới, nhỏ hơn, gọi là thành Phụng. Quyết định này có do hai lý do: thành Qui đã bị hư hại nặng nề sau gần ba năm bị tấn công và vua Minh Mạng muốn phá một biểu tượng nội loạn.

“Thành Phụng nằm trong khung bốn con đường: Nguyễn Du, mặt tiền, Nguyễn Đình Chiểu, mặt hậu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, mặt tả và Mạc Đĩnh Chi, mặt hữu”. (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 212). Thành Phụng sẽ bị liên quân Pháp Y Pha Nho chiếm (sau khi thất bại ở Đà Nẵng, không thể vượt đèo Hải Vân để chiếm Huế, bèn xuống chiếm Sài Gòn), Rigault de Genouilly đã cho nổ mìn phá sập tháng 2/1859.

Trong chương 12, chúng tôi đã chứng minh Le Brun và Puymanel không thể là tác giả xây các thành Gia Định và Diên Khánh, vì hai chứng từ mà người Pháp đưa ra để biện minh cho việc này không thể đứng vững được.

Các sử gia triều Nguyễn lại rất kiệm lời, nói thực vắn tắt, có lẽ vì cho đó là việc không quan trọng, các quan chỉ thi hành nhiệm vụ của mình. Cho nên phải dò kỹ mới tìm thấy vài câu, ghi trong Liệt truyện:

- “Năm Canh Tuất (1790), mùa xuân, [Tôn Thất] Hội đắp thành đất ở Gia Định” (Liệt truyện II, Tôn Thất Hội, t. 77), Nguyễn Quốc Trị là người đầu tiên tìm thấy câu này.

- “Năm Canh Tuất (1790), đắp thành Gia Định, [Trần Văn] Học nêu đo phân đất và các ngả đường (…) Năm Nhâm Tý (1792), làm đồn Mỹ Tho, Học dâng bản đồ, cách thức, Học vẽ giỏi, phàm làm đồn lũy, đo đường sá, vẽ bản đồ, nêu dấu, đều do tay cả” (Liệt truyện II, Trần Văn Học, t. 282).

Đó là về thành Gia Định và thành Mỹ Tho.

Về thành Diên Khánh, cũng chỉ có mấy chữ vắn tắt:

- “Năm Quý Sửu (1793) (…) Hội cùng đạo binh hợp lại bao vây [Quy Nhơn], giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh” (Liệt truyện II, Tôn Thất Hội, t. 78).

- “Mùa hạ năm Quý Sửu, [Vũ Viết Bảo] theo đi đánh Quy Nhơn, đến khi về đắp thành Diên Khánh, vua sai Vũ Tính [Võ Tánh] ở trấn, cho Bảo làm cai đội coi thuyền Kiên súng doanh Bình Khang.” (Liệt truyện II, Vũ Viết Bảo, t. 321)

Vì những câu ngắn ngủi như thế, cho nên không mấy ai tìm ra tên những người phụ trách xây đắp các thành này, khiến người Pháp tha hồ ba hoa về thành tích của hai vị binh nhì, binh nhất Puymanel và Le Brun khi họ mới đào ngũ, đặt chân đến nước Việt.

Vậy chúng ta cần biết những người phụ trách việc xây đắp các thành trì này là ai?

 

Tôn Thất Hội (1757-1798)

 

Theo Liệt truyện, ông là con thứ ba cai đội Tôn Thất Thắng. Năm 18 tuổi, ông theo Định Vương Nguyễn Phước Thuần vào Gia Định (1775), tiếp đó ông theo Nguyễn Ánh, hai lần chạy sang Xiêm, làm tới chức đại tướng, Chưởng dinh Hậu quân.

Năm 1787, anh em Tây Sơn bất hoà, Nguyễn Ánh từ Xiêm về chiếm lại Gia Định. Trong những trận đánh quyết liệt năm 1788-1789, Tôn Thất Hội giữ vai trò chủ chốt:

“Mùa thu năm Mậu Thân (1788), đại binh đến đóng ở Tam Phụ. Hội cùng Vũ Tính [Võ Tánh] đánh giặc ở Ngũ Kiểu, lấy đèn lồng sắt đốt vào sách [?] của giặc, giặc sợ tan vỡ cả. Bắt sống được không biết đâu mà kể. Bèn nhân thế được, tiến sát đến Sài Gòn, đánh phá được Thái bảo của giặc là Phạm Văn Tham chạy đến giữ Ba Thắc [Sóc Trăng]. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Hội điều khiển quân các đạo cùng bọn Vũ Tính đánh giặc ở Hổ Châu. Tham sức kém bèn đầu hàng. Lại cùng Nguyễn Văn Trương đánh dẹp bọn lũ còn lại của người Man Ốc Nha Ốc. Tân Hợi (1791), bổ làm Chưởng Tiền quân doanh [Chưởng dinh Tiền Quân]. Năm Quý Sửu (1793) thăng Khâm Sai Bình Tây Đại tướng quân, tước quận công” (Liệt truyện, II, t. 78).

Năm 1797, Nguyễn Vương đi đánh Quy Nhơn, “để Hội ở lại trấn Gia Định. Uy lịnh nghiêm túc, trong cõi yên lặng. Mùa đông năm Mậu Ngọ [1798] bị bệnh chết, tuổi bốn mươi hai [Liệt truyện ghi tuổi ta, tức là 41 tuổi tây] Thế Tổ rất thương tiếc, tặng là Nguyên phụ công thần, Thượng phụ quốc Chưởng doanh.” [Liệt truyện, II, t. 79).

Nhìn lại công trạng của các quan theo Nguyễn Ánh từ thời lưu vong ở Vọng Các, Tôn Thất Hội đứng hàng đầu: “Hội là người nghiêm trọng, kính giữ lễ độ, công cao mà không khoe, ngôi tôn mà càng khiêm tốn, mỗi khi vào chầu ra mắt đi đứng có chỗ thường, ăn mặc như nhà Nho, các tướng đều kính mà sợ. Lê Văn Duyệt từng bàn về điều được điều hỏng của các tướng, bảo rằng: Tống Viết Phước hăng mạnh mà không có mưu, Nguyễn Văn Thành có mưu mà ít hăng mạnh. Duy Hội trí dũng gồm đủ, thật là bậc danh tướng. (…). Năm [Gia Long] thứ 16 vua thấy Hội là người huân nghiệp danh vọng rõ rệt đừng đầu các bề tôi đời trung hưng, cho phụ tế ở Võ Miếu”. (Liệt truyện, II, t. 80).

Là người trong hoàng tộc, Tôn Thất Hội hay Nguyễn Phước Hội hơn vua 5 tuổi, chưa biết ngôi thứ trong họ thế nào. Ông đã trưởng thành khi phải bỏ kinh đô vào Nam, nên có đủ thời gian để học hỏi hơn Nguyễn Ánh (lúc đó mới 13 tuổi). Ông có đủ khả năng của một vị tướng văn võ kiêm toàn, cho nên Lê Văn Duyệt, vốn rất cao ngạo, mới có những lời như trên về ông.

Điều này giải thích lý do tại sao vua trao cho ông đặc trách trông coi xây đắp hai thành trì lớn nhất thời đó, là Gia Định và Diên Khánh.

Việc đắp thành Diên Khánh thì như sau: mùa hạ năm 1793, Nguyễn Ánh đánh Quy Nhơn theo đường thủy, Tôn Thất Hội tiến công mặt bộ. Liệt truyện ghi: “Đại binh vào cửa biển Thị Nại; Hội từ Hà Nha, Cù Mông chia làm hai đường đến đánh úp tên Bảo là con ngụy Nhạc ở Thổ Sơn, Bảo thua chạy về thành Quy Nhơn. Hội cùng đạo binh họp lại để bao vây, giặc có quân cứu viện ở ngoài đến, bèn giải vây về đắp thành Diên Khánh.” (Liệt truyện, II, t. 78). Cũng chỉ vỏn vẹn có mấy chữ! Thực là trái ngược với sự huênh hoang của người Pháp về huyền thoại Puymanel và Le Brun xây thành Gia Định và Diên Khánh!

Ta có thể hiểu Tôn Thất Hội là tướng kiêm việc công chánh, một loại “kỹ sư trưởng” có trách nhiệm cao nhất, nhưng người phụ tá đắc lực của ông trong việc xây đắp thành Gia Định là Trần Văn Học.

Trần Văn Học

 

Liệt truyện có ghi tiểu sử Trần Văn Học, nhưng chúng tôi thấy Nguyễn Đình Đầu tham khảo thêm Nghiêm Thẩm và Thái Văn Kiểm, rồi đúc kết lại, đầy đủ hơn:

“Trần Văn Học sinh quán ở Bình Dương (tức Sài Gòn) từng theo Bá Đa Lộc, biết quốc ngữ, La tinh và tiếng Tây dương. Sau Lộc giới thiệu Học làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ánh đã cử Học theo hoàng tử Cảnh sang Pháp; nhưng đến Pondichéry có trục trặc, Học trở về. Trần Văn Học phụ trách việc dịch sách, nhất là sách kỹ thuật Thái tây cho Nguyễn Ánh. Đồng thời Hoc kiêm cả “chế tạo hoả xa, địa lôi và các hạng binh khí”. Đến năm 1790, xây thành Bát quái, Trần Văn Học phụ trách việc “phác họa đường xá và phân khu phố phường”. Sau đó cùng với Vannier, Học điều khiển việc đóng tàu đồng theo kiểu mới [Liệt truyện ghi: cùng Vannier trông coi chiếc thuyền lớn bọc đồng, theo quan quân đánh giặc]. Năm 1792, Học vẽ xong họa đồ thành Mỹ Tho. Học rất có tài vẽ địa đồ và họa đồ kỹ thuật. Đem so sánh bản đồ Sài Gòn 1799 của Dayot với bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học thì, về kỹ thuật đồ bản như trắc địa hay tỷ lệ, bản đồ sau chính xác hơn bản đồ trước nhiều. Hình như Trần Văn Học đã vẽ hầu hết các thành trì và công sự phòng thủ ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Ta có thể coi Trần Văn Học là người Việt Nam đầu tiên đã biết vẽ bản đồ điạ lý và đồ hoạ kỹ thuật theo phương pháp Tây phương” (Nguyễn Đình Đầu, theo Nghiêm Thẩm, Nguyễn Văn Học hay Trần Văn Học? trong Văn hóa nguyệt san, Sài Gòn, 1961, số 61, t. 532 và Thái Văn Kiểm, Qui était Trần Văn Học trong BSEI, số 4, 1962, t. 441, bđd, t. 190). Như chúng tôi đã nói trong bài trước, những tên: Bản đồ thành Bát quái của Le Brun 1795 và Bản đồ Sài Gòn 1799 của Dayot trong bài của Nguyễn Đình Đầu đều phải xem lại, vì Le Brun bỏ đi năm 1791 và Dayot trốn đi năm 1795.

Vũ Viết Bảo

 

Thành Diên Khánh có thể đã xây theo quy mô thành Gia Định do Trần Văn Học đo đạc và vẽ đồ thị, nhưng thu nhỏ lại; Vũ Viết Bảo là người phụ tá, tự học qua kinh nghiệm thực tiễn.

Ông người gốc Thanh Hoá, tổ tiên theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá. Năm 1775, ông theo Định Vương Nguyễn Phước Thuần vào Nam và được bổ vào đội quân của Đỗ Thanh Nhơn. Có lẽ chính vào thời gian này ông đã học cách đóng tàu chiến với Đỗ Thanh Nhơn. Về việc Đỗ Thanh Nhơn đóng tàu, Trịnh Hoài Đức viết:

“Cây sao có 4 thứ, thứ hảo hạng có cả trăm thước ta, sớ gỗ bền chặt, dùng làm ghe thuyền, nhà cửa thì tốt nhất, có lệnh cấm dân gian không được dùng (…) Tháng 7 năm Canh Tý (1780)… vua sai quân đến nguồn Quang Hoá đốn gỗ để làm thuyền chiến. Ở nguồn Quang Hoá có cây sao lâu đời, ban đêm thường thấy có lửa sáng như hai cây đèn, người dân miền núi đều kính sợ mà tránh (…) quân không dám đốn. Đỗ Thanh Nhơn ra lệnh đốn, người nào trốn thì bị xử theo quân pháp (…). Thanh Nhơn mới sáng chế đóng thuyền chiến, làm bánh lái dài để đi đường biển yên ổn, nhưng vẫn để bánh lái tròn khi trước để dùng khi đi đường sông, gọi là thuyền hai bánh lái, phiá trên gác sàn chiến đấu, hai bên treo phên tre để che cho thuỷ binh ở dưới chuyên lo chèo chống, trên thì bố trí bộ binh để xung kích, nhờ vậy mà kỷ xảo của thuỷ sư càng tinh nhuệ, đến nay [khoảng 1820] cũng vẫn theo”. (Gia Định Thành thông chí, Vật sản chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, điện tử).

Những tàu chiến có hai bánh lái để đi biển và đi sông này, đã được Montyon mô tả trong tác phẩm của ông, mà chúng tôi đã chép lại trong chương 7 viết về Montyon.

Trở lại với Vũ Viết Bảo, ông may mắn được gần gụi những tướng tài, sau Đỗ Thanh Nhơn, ông lại ở dưới quyền Nguyễn Văn Khiêm, một người giỏi về pháo binh và xây dựng thành luỹ: Năm 1805 “xây dựng xã miếu, cung điện, hoàng thành, Khiêm đều dự coi công việc. Mùa đông năm ấy, Khiêm trông coi đúc 9 cỗ súng lớn” (Thực lục, II, t. 233).

Vũ Viết Bảo chuyên về hoả pháo và xây thành luỹ. Năm Nhâm Tý (1792), dưới quyền Nguyễn Văn Khiêm, lập công ở trận Thị Nại, đốt thuyền Tây Sơn. Năm Quý Sửu (1793), ông theo Tôn Thất Hội đi đánh Quy Nhơn, nhưng vì Tây Sơn có tiếp viện, phải rút về đắp thành Diên Khánh với Tôn Thất Hội. Năm Kỷ Mùi (1799) ông được gọi về Gia Định, coi hai đội Chấn Uy nhất và Chấn Uy nhị kiêm phó quản các thuyền trung hầu tiến đánh Quy Nhơn; rồi ông lại theo Lê Văn Duyệt đắp các đồn Thạch Tân và Sa Lung, để chặn quân tiếp viện của Tây Sơn. Tháng 7/1799 Võ Tánh hạ được thành Quy Nhơn, ở lại trấn thủ, Vũ Viết Bảo quản lý thuyền bè và trông coi súng ống ở bốn cửa thành. Khi Trần Quang Diệu vây Quy Nhơn, Võ Tánh mở cửa thành ra đánh, Vũ Viết Bảo điều khiển súng hoả xa bắn lui quân địch. Năm 1802, được triệu về kinh thăng chức Thuộc nội Cai cơ, sau này sẽ được thăng Thị nội Thống chế. Chiến tranh chấm dứt, ông tiếp tục trông coi việc súng ống, đến năm 1806, dự vào việc sửa đắp kinh đô Huế. (Theo Liệt truyện, II, Vũ Viết Bảo, t. 320-321).

Lược sử thành Gia Định

 

Trịnh Hoài Đức viết:

“Trấn Gia Định xưa có nhiều ao đầm, rừng rú, buổi đầu thời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân, Cai Bạ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài thì cho dân chúng trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, chợ phố. Nơi đây nhà ở hỗn tạp, đường sá chỗ cong chỗ thẳng, tạm tuỳ tiện cho dân mà chưa kịp phân chia sửa sang cho ngăn nắp. Chức Khổn súy thay đổi lắm lần cũng để y như vậy. Đến mùa xuân năm Ất Mùi (1775), đời vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) thứ 11, xa giá phải chạy đến trú ở thôn Tân Khai. Mùa thu năm Mậu Thân (1788), năm thứ 11, buổi đầu đời Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) Trung hưng, việc binh còn bề bộn, ngài phải tạm trú nơi đồn cũ của Tây Sơn ở phiá đông sông Bình Dương để cho nghỉ quân dưỡng dân. Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13(1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen…” (Gia Định Thành thông chí, Thành trì chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, điện tử).

Theo sự tìm kiếm của Nguyễn Đình Đầu, thì Chợ Điều Khiển ở trước dinh Điều Khiển, nằm trên đường Nam Quốc Cang, giữa Ngã Sáu với chợ Thái Bình ngày nay. Và dinh Điều Khiển, nằm góc Nguyễn Trãi-Phạm Ngũ Lão bây giờ, “đương thời toạ lạc tại một vị trí trung tâm vừa thuận tiện giao thông thuỷ bộ” (Nguyễn Đình Đầu bđd, t. 163-164). Như vậy dinh Điều Khiển ở điạ hạt Chợ Lớn, không nằm trong thành Bát quái.

Tóm lại, theo Trịnh Hoài Đức, thời chúa Nguyễn Phước Tần (1648-1687), đã xây dinh Điều Khiển (ở góc Nguyễn Trãi-Phạm Ngũ Lão bây giờ) và dinh Phiên Trấn ở lân Tân Thuận (?). Khi Nguyễn Phước Thuần chạy vào Gia Định năm 1775, trú ở thôn Tân Khai. Khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định năm 1788, trú ở đồn cũ Tây Sơn, phiá đông sông Bình Dương. Và năm 1790, Nguyễn Ánh cho đắp thành Bát quái ở gò cao thôn Tân Khai.

Lê Văn Định (cùng Ngô Tòng Châu và Trịnh Hoài Đức là môn sinh của Võ Trường Toản, những trí thức uyên bác thời bấy giờ) viết trong Hoàng Việt nhất thống điạ dư chí một đoạn liên quan đến thành Gia Định, khác Trịnh Hoài Đức:

“Ghi chú về phủ Gia Định: Ngày xưa là đất Thuỷ Chân Lạp, sau đó thuộc đất Cao Miên, Hiếu Ninh Hoàng đế (Nguyễn Phúc Trú) triều ta mở mang đất này, lập ra phủ Gia Định từ Bình Hoà vào phiá trong, đặt ra năm dinh rồi cử quan văn võ ở kinh đến mỗi nơi một viên để điều khiển tướng sĩ, lập đồn ở dinh Phiên Trấn thành Gia Định. Cuộc binh biến năm Giáp Ngọ (1774), Hiếu Định Hoàng Đế (Nguyễn Phúc Thuần) chạy vào đây, vài năm sau Huệ Vương (Nguyễn Phúc Dương tức Tân Chính Vương) nhận mệnh ở đây và cũng dùng chỗ này làm nơi hành tại [cung vua ở khi đi khỏi kinh đô] để chống lại nhà Tây Sơn. Trong chừng mươi năm đây là vùng tranh chấp. Năm Đinh Mùi (1787), quân ta từ Xiêm La kéo về đánh đuổi quân Tây Sơn, bắt được tướng Tây Sơn là Thái bảo Tham và thu phục được toàn cõi; nhân đó dùng đồn cũ này làm nơi trú tất. Mùa hè năm Canh Tuất (1790) mới cho mở rộng thành này ra cái thành ngày nay. Thành này được làm như hình hoa sen, chu vi… (in không rõ) tầm, có 8 cửa, đều xây bằng đá tổ ong”. (Lê Văn Định, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Quyển 2, t. 88-89).

Theo Lê Văn Định, thì tất cả đều xẩy ra ở cùng một chỗ là đồn dinh Phiên Trấn. Khi Nguyễn Phước Thuần chạy vào Gia Định “dùng chỗ này làm nơi hành tại”. Khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định “dùng đồn cũ này làm nơi trú tất”. Và “mùa hè năm Canh Tuất (1790) mới cho mở rộng thành này ra cái thành ngày nay”.

Thực lục viết: “[Năm 1698, chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725)] bắt đầu đặt phủ Gia Định, sai thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hoà), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh” (Thực lục, I, t. 111).

Thực lục viết sơ sài hơn. Giữa Trịnh Hoài Đức và Lê Văn Định, dường như Lê Văn Định có lý hơn, bởi vì dinh Phiên Trấn (hay dinh Tổng Trấn) chắc chắn là nơi tốt nhất trong một thành phố, để những vị thủ lãnh ở; nếu chấp nhận lập luận này thì dinh Phiên Trấn phải là đồn Tân Khai cũ. Hiện giờ ta cứ tạm coi như thế. Theo Nguyễn Đình Đầu thì đồn đất Tân Khai ở gần sông Thị Nghè, nhưng theo ý chúng tôi, đồn Tân Khai có thể ở trung tâm thành Bát quái, khoảng ngã tư Hai Bà Trưng và Đại Lộ 30 Tháng Tư.

Nếu ta đọc lại Gia Định Thành thông chí:

“Ngày 4/2/ Canh Tuất [tức 19/3/1790] tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra tám cửa”. Có lẽ Trịnh Hoài Đức muốn nói: thành đắp tại gò Tân Khai là thành mới. Nhưng nếu ta đọc kỹ Thực lục một lần nữa: “Ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, tức 22/4/1790] đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm”, thì thực là sáng tỏ, Thực lục chép giống như Lê Văn Định, nhưng xác định thêm nơi chốn là Tân Khai.

Tóm lại, có thể có hai giả thuyết:

- Vua Gia Long san bằng thành cũ Tân Khai để xây thành mới (như Nguyễn Đình Đầu viết).

- Vua Gia Long không xây cung điện mới, mà ông giữ lại thành Tân Khai ở giữa làm cung điện, rồi vạch rộng thêm diện tích, chu vi, đào hào và đắp thành Bát quái bằng đất ở ngoài. Chúng tôi cho khả năng này thích hợp hơn, vì vậy mới nhanh: chỉ 10 ngày xong. Và thành trong, hay là cung điện mà Shihõken Seishi mô tả, chỉ có thể là dinh phiên trấn cổ, xây từ năm 1698, được sửa sang lại mà thôi, chứ khó có thể xây mới mà xong trong 10 ngày được.

 

Sự khác biệt trong kiến trúc thành luỹ của người Âu và người Á

 

Vì không biết rõ về kiến trúc, nên chúng tôi phải tìm hiểu đại lược xem kiến trúc thành luỹ Tây và Đông, khác nhau như thế nào, thì đọc được một luận văn cử nhân lịch sử tại Đại học Nice Sophia-Antipolis, Pháp, 1999; tựa đề: Les citadelles dans le ViêtNam du XIXe siècle (Những thành đài của Việt Nam trong thế kỷ XIX) của Nicolas Micalef (net4war.com), xin trích dịch một đoạn sau đây:

“Chúng ta bàn đến những thành trì ở Việt Nam thế kỷ XIX, nhưng tại sao lại chọn đề tài này, nếu ta chỉ coi đó là những sự vá víu gạch vữa, trong cái nhìn thô thiển?

Đề tài này tương đối quan trọng bởi vì thành trì hay chiến luỹ, là nòng cốt của chính sách phòng thủ đất nước của Gia Long, lập ra ngay từ 1790 (Olivier de Puymanel, kỹ sư Pháp, đã xây thành Sài Gòn) [thực đáng buồn khi nguồn tin thất thiệt này đã trở thành “lịch sử” ở khắp nơi!] khi ông đánh nhau với Quang Trung.

Một mặt khác, các chiến luỹ ở Việt Nam, ít ra trong thế kỷ XIX, đã đổi mới đối với thế kỷ XVI-XVIII, bởi vì, về thời gian này, Samuel Baron xác định: “Người Bắc kỳ không có thành lũy (châteaux-forts), không cả pháo đài (forteresses) và thành quách (citadelles), chẳng biết gì về nghệ thuật kiến trúc đồn ải, vụng về trong việc xây dựng như chúng tôi vừa nêu ra”. (Samuel Baron, Description du royaume du Tonquin, Revue Indochinoise, 2e série, 1914, t. 201).

Bằng cách xác định trên đây, Samuel Baron đưa ra một sự thật không phải là sự thật. Bởi tất cả đều tuỳ thuộc nếu ta đứng ở quan điểm Âu hay Á.

Từ thế kỷ XVI đến XVIII, người Việt cũng như người Châu Á, không biết lối xây thành lũy của người Âu, nghiã là xây thành bằng đá, nhưng không thể nói là họ không biết xây thành. Họ học bên Tàu, từ thời Tam Quốc, đã có lối xây: thành là một cái sân vuông lớn có bốn bức tường cao làm bằng đất trộn rơm (torchis) bao quanh, mỗi mặt tường đều đục một lỗ nhỏ, mỗi góc có đặt lầu canh hai tầng, trên đục nhiều lỗ đặt súng để bắn ra ngoài (meutrières). Người ta thêm vào lối xây sơ sài này, ba đồn nhỏ dựng sát đất, ở phiá trước, làm đợt chống cự đầu tiên. Hệ thống phòng thủ này được dùng đến thế kỷ XVIII, trên toàn thể Á Châu và sau họ làm thêm các hàng rào tre hoặc cọc tre cắm xuống đất, phủ giấu đi, làm hệ thống tiền đồn.

Dù sao chăng nữa, ta không thể nói như Baron rằng người Việt thấp kém hơn người Âu, nhưng ta có thể xác định rằng châu Á đã có lối phát triển khác châu Âu về mặt binh bị, tức là về lối đánh nhau, ngay từ khi người Tàu khám phá ra ra bột đen [thuốc súng] ở những thế kỷ đầu tiên trước Thiên Chuá. Thoạt tiên, chỉ dùng để đốt pháo bông, rồi sang thế kỷ X sau Thiên chuá, họ dùng để bắn tên lửa. Tính chất hiện đại của chiến tranh Âu châu sẽ được người Ả Rập khai sáng ở thế kỷ XIII với hệ thống bắn đạn đầu tiên: Pháo binh ra đời.”

 

Sự phân biệt của Nicolas Micalef về lối xây thành Âu, Á, rất đáng chú ý, và câu “thành là một cái sân vuông lớn có bốn bức tường cao làm bằng đất trộn rơm (torchis) bao quanh, mỗi mặt tường đều đục một lỗ nhỏ, mỗi góc có đặt lầu canh hai tầng, trên đục nhiều lỗ đặt súng để bắn ra ngoài” hoàn toàn thích hợp với sự mô tả thành Gia Định của các tác giả đương thời.

Nhất là câu: “mỗi góc có đặt lầu canh hai tầng, trên đục nhiều lỗ đặt súng để bắn ra ngoài” chứng tỏ thành trì ở Á Châu cũng có những yếu tố giống như những yếu tố mà người ta coi là đặc tính của thành Vauban.

Sự tìm hiểu kiến trúc thành Gia Định, vì thế, nên quay về hướng những kiến trúc xưa của Việt Nam như Thành Hồ Quý Ly, lũy Đào Duy Từ, Vĩnh Thành ở Vinh, lũy Trấn Ninh, v.v. hay các thành lũy Tây Sơn xây như thành Quy Nhơn của Thái Đức Nguyễn Nhạc, Phượng Hoàng Trung Đô của Quang Trung, v.v. Vì Quy Nhơn cũng là một kiến trúc cực kỳ kiên cố khiến Võ Tánh, Ngô Tòng Châu đã cầm cự được gần hai năm với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng.

Hy vọng một ngày nào đó, các kiến trúc sư Việt Nam sẽ giải thích cho chúng ta một cách rõ ràng hơn và đồng thời cho biết, sự đổi mới trong kiến trúc thành quách của Gia Long, so với những thời kỳ trước như thế nào?

Nguyễn Cửu Đàm, người đầu tiên quy hoạch thành phố Gia Định (Sài Gòn và Chợ Lớn)

 

Nguyễn Đình Đầu trong bài nghiên cứu nghiêm túc Điạ lý lịch sử TPHCM (Điạ chí văn hoá TPHCM, 1987, t. 127- 231) đã coi Nguyễn Cửu Đàm là người đắp những thành luỹ đầu tiên, quy hoạch và bảo vệ Sài Gòn.

Ông viết: “[Sau khi thắng quân Xiêm năm 1772], Nguyễn Cửu Đàm đem đại quân về Gia Định, “đắp luỹ đất, phiá nam từ Cát Ngang, phiá tây đến cầu Lão Huệ, phiá bắc giáp thượng khẩu Nghi Giang, dài 15 dặm, bao quanh đồn dinh, cắt ngang đường bộ, để ngăn ngừa sự bất trắc” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí, tập trung, t. 90). Câu trích được nhấn mạnh này có một ý nghiã rất quan trọng: nó cho ta thấy vị trí chiến lược của thành phố và địa phận chính yếu của thành phố xưa (mà nay cũng vậy).

Trên bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi dấu Cựu lũy tức “Bán Bích cổ luỹ” này, chi tiết đúng như Trịnh Hoài Đức đã tả (…). Nguyễn Cửu Đàm vừa là nhà quân sự có tài vừa là nhà quy hoạch thành phố có tầm nhìn lớn. Hai đầu luỹ nối vào hai đầu rạch Bến Nghé và Thị Nghè, tạo cho thành phố biệt lập như một hòn đảo. Nhìn tổng thể, bán đảo (ba mặt sông) với phần luỹ ở phiá Tây, coi như hình con cá lớn, đã có một diện tích gần một trăm dặm vuông (tức trên 50 km2), tới năm 1931 khi nhập Sài Gòn với Chợ Lớn làm đơn vị chung, vẫn chưa đô thị hoá hết diện tích đó” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 163).

Tóm lại: Xem bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 về vùng Gia Định, do Nguyễn Đình Đầu sưu tầm, t. 229, mà chúng tôi mạn phép in lại, đính kèm, thì ta thấy:

Bản đồ Phủ Tân Bình

 

 

 

Cổ luỹ Bán Bích, do Điều khiển (Đốc chiến) Nguyễn Cửu Đàm xây năm 1772, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát, luỹ dài 15 dặm (8km586), bắt đầu từ rạch Bến Ngé (chùa Cây Mai) trong Chợ Lớn bao vòng lên trên Hoà Hưng, Tân Định, chạy đến rạch Thị Nghè, vừa là quy hoạch đầu tiên của vùng Sài Gòn Chợ Lớn ngày nay, vừa là thành luỹ ngăn quân Xiêm từ miền Tây sang quấy nhiễu. Theo Trịnh Hoài Đức, một năm trước, Nguyễn Cửu Đàm đã xây luỹ Tân Hoa: “Ở thôn Tân Hoa, tổng Chánh Mỹ. Năm Tân Mão (1771), trấn Hà Tiên thất thủ, quan đốc chiến Nguyễn Đàm đắp lũy để phòng ngự đường tiến của sơn man Thuỷ Vọt, nền cũ nay vẫn còn” (Gia Định Thành thông chí, Trấn Biên Hoà).

Luỹ Bán Bích là vòng thành lớn hơn nữa, bao vòng tất cả vùng Hoà Hưng, Tân Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, với toàn bộ “đồn dinh” của hệ thống cai trị đương thời, theo Nguyễn Đình Đầu: “Nếu tìm được vị trí phân bố các “Đồn dinh” quan trọng đó nằm giữa các sông rạch thiên nhiên và luỹ Bán Bích, ta có thể phác hoạ lại đại cương tấm bản đồ Sài Gòn 1772, một thành phố đã có tầm cỡ về mọi mặt từ trên 200 năm nay” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 163).

Cùng năm ấy, Nguyễn Cửu Đàm đào kinh Ruột Ngựa: “Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát ra phiá bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền không đi lại được… Nguyễn Cửu Đàm… có đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên mới đặt ra tên ấy (Mã Trường Giang (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí, tâp thựợng, t. 42). Kinh này giúp cho sự đi lại giữa Sài Gòn với miền Tây thêm thuận lợi” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 165). Và ông kết luận: “Sài Gòn trở nên thành phố và khá phồn thịnh kể từ khi Nguyễn Cửu Đàm xây luỹ Bán Bích và đào kinh Ruột Ngựa vào năm 1772” (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 169)

 

 

Sự xây dựng hay mở rộng thành đất Gia Định năm 1790

 

Thực lục chép ở hai chỗ:

“Ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, tức 22/4/1790] đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm (…). Bấy giờ mới huy động quân dân để khởi đắp, hẹn trong 10 ngày đắp xong. Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện (…) Thành xong, gọi tên là kinh thành. Thưởng cho quân dân hơn 7000 quan tiền (Tám cửa đều xây bằng đá ong…)” (Thực lục, I, t. 257)

Tháng 12 ÂL (tháng 1/1791), Thực lục lại ghi: “Sửa đắp thành đất Gia Định. Đường quan ở bốn bôn thành có mở cửa vào nhà dân thì phát tiền công cấp cho” (Thực lục, I, t. 268).

Qua những lời ngắn gọn này, ta vẫn các sử gia triều Nguyễn chú ý vào việc “đắp thành đất”, và luôn luôn dùng chữ “đắp” chứ không dùng chữ “xây”, ở đây chỉ có một câu “giữa là cung điện”; Trịnh Hoài Đức cũng viết: “Trong thành, phiá trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại” (chỗ vua ở); lại càng cho phép ta chắc chắn rằng: vua Gia Long dùng thành phiên trấn cũ làm cung điện, trùng tu lại, xây thêm Thái miếu, và mở rộng diện tích, đào hào sâu và đắp thành đất bao quanh.

Xin nhắc lại một lần nữa: thành ngoài Gia Định là một thành đất, đắp kiểu bát quái, 10 ngày xong. Thành đất trộn rơm; sự bền vững không kém gì thành đá của Tây phương. Và bề dầy của thành đã khiến John White, một lính Mỹ đến đây năm 1819, phải giật mình.

Thành đất thì người Tây phương không biết đắp; lại càng không phải là sản phẩm của một anh lính binh nhì Puymanel vừa đến nước Việt, hay đồ thị của một binh nhất Le Brun, lúc đó còn ở Macao hay đã đến Nam Hà? Hệ thống thành đất, Trần Quang Diệu đã đắp rất nhanh khi đánh các trận Diên Khánh và Quy Nhơn. Và Nguyễn Tri Phương với các đại đồn Liên Trì và Kỳ Hoà đã làm cho quân Pháp khốn đốn.

Nguyễn Đình Đầu tóm tắt: “Thành Bát Quái có 3 lớp bảo vệ:

1- Lớp trong cùng xây bằng đá Biên Hoà cao 13 thước, chân tường dầy 7 trượng 5 thước.

2- Lớp giữa là hào rộng 15 trượng 5 thước, sâu 14 thước.

3- Lớp ngoài là “luỹ bằng đất” với chu vi 794 trượng”. (Nguyễn Đình Đầu, bđd, t. 178).

Tóm lại, vua thấy thành Tân Khai chật hẹp thì mở rộng ra, vậy ta có thể gần như chắc chắn rằng vua vẫn giữ thành Tân Khai ở giữa, cho sửa sang làm cung điện, và xây thêm các lớp vòng thành bao quanh, thành ba lớp như Nguyễn Đình Đầu tóm tắt ở trên (xin lưu ý: Lớp thành đá ong bên trong là Lê Văn Duyệt xây năm 1829, còn theo Thục lục, lúc đầu chỉ có tám cửa bằng đá ong) phù hợp với lời Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành thông chí và sự mô tả cung điện của thủy thủ Nhật Shihõken Seishi khi đến đây năm 1794-1795.

Việc đắp thành trong 10 ngày, chỉ vào việc đắp thành đất ngoài cùng, còn các sự sửa sang cung điện và các dãy nhà bên trong thành, có lẽ cần nhiều thời gian hơn. Sự sai lệch ngày xây thành, giữa Gia Định Thành thông chí và Thực lục có thể đến từ đó: Trịnh Hoài Đức coi ngày bắt đầu là ngày đầu tiên sửa sang cung điện, nhà cửa bên trong thành, còn Thực lục lấy ngày bắt đầu là ngày đắp thành đất ngoài cùng.

Thành Gia Định dưới con mắt của Trịnh Hoài Đức và Shihõken Seishi

Trịnh Hoài Đức viết:

“Ngày 4/2/ Canh Tuất [tức 19/3/1790] tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra tám cửa, có 8 con đường ngang dọc; từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta [524,80m] từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta [5,20m] chân dày 7 trượng 5 thước ta [30m] đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng Tốn.

Trong thành, phiá trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho chứa, bên hữu là Cục Chế tạo, xung quanh là các dãy nhà cho quân túc vệ ở. Trước sân dựng cây cột cờ ba tầng, cao 12 trượng năm thước ta [50m] trên có làm chòi canh vọng đẩu bát giác toà, ở bên treo cái thang dây để thường xuyên lên xuống, trên ấy có quân ngồi canh giữ, có điều gì cần cảnh báo thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu canh gác, các quân cứ trông theo hiệu đó để tuần theo sự điều động. Hào rộng 10 trượng năm thước [42m], sâu 14 thước ta [5,6m] có cầu treo thả ngang qua, bên ngoài đắp lũy đất, chu vi 794 trượng [3,176km] vừa hiểm trở, vừa kiên cố tráng lệ. Ngoài thành đường sá phố chợ ngang dọc được xếp rất thứ tự, bên trái là đường cái quan từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hoà Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hoà; đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An.

Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hoà, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phiá Nam (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí, Thành trì chí).

Shihõken Seishi viết:

“… Chẳng bao lâu đã đến cửa chính của hoàng cung, chúng tôi xuống kiệu đi bộ, tới vòng thành thứ nhì, có hai lớp toà thành kiên cố cho đám cận thần ở. Trên mỗi cửa, có một loại bảng hiệu hình bán nguyệt (cái đó gọi là dahaimot, người ta dùng để chỉ định ngôi thứ của mỗi nhà). Từ cửa chính, chúng tôi đã đi và ghẹo khoảng gần 3 chõ [330m] trong khi đất cao lên độ 1 chõ [109m10]. Ở cửa vào vòng thành thứ nhì, có một đài thám thính cao 40 ken [72m80] Một viên quan võ thường lên quan sát về phiá biển, đó là bộ phận phòng vệ. Các quan thay phiên nhau trực mỗi người nửa ngày. Phía tay phải có ba cái nhà vuông. Đó là phòng bào chế y dược, trong có nhiều người đang cắt, giã thuốc nam (…).

Đi khỏi nơi này, chúng tôi thấy cung điện chính hiện ra ở đằng xa. Nền lát đá đẽo và trần rất cao. Có hai hàng ghế, nằm dọc theo chiều dài gần một chõ [109 m10]. Trần và tường sơn đỏ, có chỗ nạm vàng hoặc bạc. Kỳ quan này đập vào mắt chúng tôi. Các ghế ngồi đều tay bành và tạc tượng với những hình khắc màu, cũng khảm vàng, bạc. Người ta bảo đây là ghế của các quan trấn thủ ở các miền.(…) Hành lang này dài độ 50 ken [91m]. Đất lại cao lên nữa. Ba ken [5m46] trước cửa cung, có 14 ông quan”. (Trích dịch tác phẩm Nampyõki [Đắm tàu ở Nam Hải] của Shihõken Seishi, do bà Muramatsu Gaspardone dịch sang tiếng Pháp, giới thiệu và chú giải, in trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient (BEFEO), 1933, t. 60-62).

Những điều Shihõken Seishi mô tả đều có thể thấy trong bản đồ trang 184, trong cuốn Điạ chí văn hoá TPHCM, do Nguyễn Đình Đầu sưu tập và vẽ lại (mà chúng tôi xin phép tác giả được đính kèm với bài viết này); và trong lời Trịnh Hoài Đức: từ việc cung điện nằm trên gò cao, đến đài thám thính, viện y dược, các lỗ châu mai trên tường thành, v.v.

Xin lưu ý: Cả Trịnh Hoài Đức lẫn Shihõken Seishi đều không hề nói là thành xây dở dang, điều mà người ta đồn đại để phụ họa cho giả thuyết có “một bản đồ lớn” gồm 40 đại lộ của Le Brun vẽ, chưa thực hiện mà chúng tôi đã nói trong chương trước.

Bản đồ Thành Bát Quái

 

Thành Gia Định dưới mắt John White

 

John White là một người lính thủy Mỹ, đến Nam Hà trong khoảng 1819-1820, tác giả cuốn sách Chuyến đi Nam Hà (bản tiếng Pháp: Voyage en Cochinchine), in lần đầu năm 1823, ở Boston. Cuốn sách của John White được dịch và in toàn bộ trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH, 1937, II), có thể coi là một loại Ký sự Bissachère được phổ biến trong tập san này.

John White chê bai Việt Nam tột bực, đại để: nước này chẳng có gì đáng chú ý, không sản xuất ra gì cả, dân chúng mọi rợ, bất lương, nhà cầm quyền tồi tệ, y viết: “Nhà vua [vua Gia Long] là bạo chuá, hiếu chiến, bo bo giữ quyền, hà tiện và gian tham, nắm một quyền lực vô hạn. Hậu quả tự nhiên: quý tộc bán mình, phản trắc, chuyên quyền, hung bạo và dân chúng ngu muội, dâm dãng, không có một chút ngay thật và yêu thích làm việc gì cả” (BAVH, 1937, II, t. 258)

P. Midan, dịch giả, trong bài tựa, cho rằng: sau khi cuốn sách này in ra, không có một tàu Mỹ nào ghé bến Sài Gòn từ 1820 đến 1860; từ những điều “man rợ” của John White trong cuốn sách này, Midan khai thác để “chứng minh” công lao “khai hoá” của Bá Đa Lộc, như sau:

“Chuyến đi của John White đã xẩy ra trong khoảng 1819-1820, một thời gian sau cái chết của Đức Giám Mục Adran [Bá Đa Lộc mất năm 1799]. John White nhấn mạnh đến tình trạng dã man mà nước này rơi vào sau cái chết của vị sáng tạo hoà bình nổi tiếng ở Nam Hà. Tất cả những cơ chế mà ngài lập ra đã biến mất. Sự thịnh vượng mà ngài phát sinh chỉ còn là kỷ niệm. Nhân chứng này lại càng có giá trị bởi nó đến từ một người ngoại quốc. Tác giả tuyên bố rằng cái chết của Đức Giám Mục là một thảm họa cho xứ này và sự kiện này chưa bao giờ được thẩm định bằng những lời lẽ xác đáng đến thế.

Ngoài ra, John White còn làm sống lại một thành phố đã mất: Sài Gòn (chương 14). Thành đài cổ kính do Đại tá Pháp Olivier xây không còn nữa; nó đã bị nhà vua phá huỷ sau cuộc nổi loạn của Khôi năm 1835. John White đã mô tả chi tiết mà ta không thể tìm thấy bất cứ ở đâu (…) Sự phục sinh thành đài bất hủ này có một lợi ích chủ yếu về phương diện lịch sử” (P. Midan, Avant- Propos, BAVH, 1937, II, t. 94-95).

Chúng ta không cần để ý đến sự phổ biến và lợi dụng những sách tồi tệ như thế về Việt Nam của những tác giả thực dân, vì đây không phải là lần đầu; chỉ chú ý đoạn đến đoạn John White viết về thành Gia Định năm 1819, ở chương XIV:

“Chúng tôi lên bờ, đúng vào chỗ có một loạt hàng tạp hoá lớn hay là chợ, có nhiều hoa quả và đồ ăn, do những người đàn bà bầy bán vô trật tự [chắc là chợ Bến Thành] (…)

Khó nhọc lắm chúng tôi mới tiến bước được, dọc theo con phố treo đủ loại đồ bẩn thỉu dơ dáy, dưới ánh nắng gay gắt, bị hàng ngàn con chó ghẻ bao vây mà những tiếng sủa của chúng làm cho chúng tôi đờ người cộng thêm những tiếng la lối om xòm của bọn bản xứ ngạc nhiên, hiếu kỳ, sờ mó quần áo, vỗ má và nắn tay, khiến chúng tôi phải lấy gậy đập để đuổi” (BAVH, 1937, II, t. 232). Vài hàng này đủ cho ta thấy “tinh thần” của tác giả.

Nhưng đáng chú hơn, là những dòng viết về thành Gia Định:

“Chúng tôi đến một con đường dài khoảng một phần tư mille [1mille=1609m] ngoằn ngèo giữa hai bức tường gạch và hơi lên dốc đầy cây lá. Bọn mất dạy (canaille) bản xứ, đi hai chân hay bò lê bò càng [chắc y muốn nói đến người ăn xin], đã bỏ rơi chúng tôi và chẳng bao lâu chúng tôi tới một cái cầu đẹp bằng đất và đá bắc ngang qua hào rộng và sâu, dẫn tới cửa Đông Nam của thành, hay, nói đúng hơn, thành trì quân sự, bởi vì những bức tường của nó cao tới 20 pieds [6,09m] và dầy kinh khủng, bao vòng nền đất trong thành hình tứ giác gần ba phần tư mille mỗi bề. Ông Tổng trấn và những quan chức nhà binh ngự ở đó. Có những trại lính đầy đủ tiện nghi cho năm mươi ngàn binh. Cung điện trổi lên giữa một thảm cỏ tráng lệ, trong một mảnh đất rộng tám acres [32400m2] được bao bọc bởi một hàng rào cao. Đó là một dinh thự hình chữ nhật dài lối 100 pieds [30,48m], rộng 60 pieds [18,28m], chủ yếu xây bằng gạch, với những hàng hiên được che kín bằng những bức mành chiếu. Toà nhà toạ lạc trên một thềm gạch cao 6 pieds [1,82m]có bậc thang gỗ nặng để đi lên.

Ở mỗi bên, cách khoảng 100 pieds [30,48m] mặt tiền, có một cái đài canh hình vuông cao độ khoảng 30 pieds [9,14m], có một cái chuông lớn. Đằng sau, cách cung vua độ 150 pieds [45,72m] có một dinh thự nữa cũng gần lớn như cung vua đó là nơi ở của các bà [phi] và các [nhân viên] trực thuộc khác.” (Bđd, BAVH, 1937, II, t. 232).

Là một người lính, việc đầu tiên đập vào mắt John White, là sự kiên cố của thành đất Gia Định. Điều đó càng làm cho chúng ta hiểu hơn: tại sao Thực lục chỉ ghi lại việc đắp và sửa thành đất Gia Định, mà không nhắc đến các việc khác, bởi đó là dấu ấn của Gia Long, và là sự thành công về kiến trúc thành trì theo lối phương Đông.

Thành Diên Khánh

 

Tháng 10/1793 (tháng 9 ÂL.), Thực lục ghi: “Ngự giá về Diên Khánh. Thấy thành đất Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai các quân và phát 3000 dân Bình Thuận, 1000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn một tháng thì thành xong, gọi là Diên Khánh (tức tỉnh lỵ Khánh Hoà ngày nay. Thành cao 1 trượng, chu vi hơn 510 trượng, mở sáu cửa, đông và nam đều một cửa, tây và bắc đều hai cửa, trên cửa có lầu, bốn góc có cồn đất)”. (Thực lục I, t. 299). Mọi việc khá rõ ràng. Thành Diên Khánh đắp mùa hè năm 1793, một tháng đắp xong. Vắn tắt là như vậy.

Đại Nam nhất thống chí viết: “Thành Diên Khánh trước là thủ sở Nha Trang, năm Quý Sửu (1793) quân nhà vua tiến đánh Qui Nhơn, lúc trở về, xa giá dừng ở Diên Khánh, xem xét thế đất, sau nhân bảo [đồn] cũ Hoa Bông đắp thành bằng đất, thành mở 6 cửa, đều có nhà lầu, 4 góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại; các cửa đều có cầu treo để qua hào, trước sau có núi sông bao bọc, thật là nơi thiên hiểm, nay bỏ bớt hai cửa. Pháo đài và núi đất vẫn còn.” (ĐNNTC, III, t. 93)

Theo hai sự mô tả này thì, thành Diên Khánh có cùng một lối kiến trúc với thành Gia Định, và không có gì là một thành phố theo lối Tây phương cả.

Thành Diên Khánh phải đắp một tháng mới xong, chứng tỏ có việc xây thành Diên Khánh, hoặc là khó khăn hơn, hoặc vì phải xây thêm những toà nhà ở trong thành cho vua ở, vì trước đó chưa có gì. Thành Diên Khánh cũng được sửa chữa nhiều đợt, mỗi khi Gia Long đến ở:

Tháng 8/1794 (tháng 7 ÂL): “Sửa đắp thành Diên Khánh, xong việc cho các quan ăn yến” (Thực lục, t. 310)

Tháng 9-10/1795 (tháng 8 ÂL.) Sửa lại thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng. Để Tôn Thất Hội ở lại trấn giữ. (Thực lục, I, t. 326)

Thành Diên Khánh, theo Lê Văn Định

 

Thành Diên Khánh được mô tả trong Hoàng Việt nhất thống điạ dư chí của Lê Văn Định như sau:

“Thành này ở mặt trước xã Phú Mỹ, tổng Trung, huyện Phước Điền, thành cao hai tầm [tầm=2,125m; 2tầm=4m25], chu vi là 1.019 tầm, [2km165], chia làm 6 cửa: phiá nam một cửa, phiá tây 2 cửa, phiá đông một cửa và phiá bắc 2 cửa, trên cửa có lầu. Thành hình tứ giác, bên trong có núi đất. Ngoài thành có hào, ngoài hào có cửa trại, phiá trước có cầu treo bắc ngang trên hào.

Xét thêm về thành Diên Khánh: Thời trước đó là thủ sở Nha Trang. Năm Quý Sửu (1793) Vương sư đẩy lui quân Tây Sơn, thu phục dinh Bình Hoà, ngự giá đến đây thấy vùng đất tốt nên mới lập ra đồn này. Sai Tiền quân Bình Tây đại tướng quân Thành Quận Công (Nguyễn Văn Thành) cầm binh trấn giữ. Đến mùa đông năm ấy lại sai Đông Cung đổng lãnh đại quân đến thay giữ trấn, lại cho đắp thêm thành bằng đất. “ (Lê Văn Định, Hoàng Việt nhất thống điạ dư chí, Quyển 2, Phần viết về Đường trạm dinh Bình Hoà, t. 52-53)

Tóm tắt những thông tin của Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, Thực lục, Liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí, ta có thể hiểu, thành Diên Khánh được xây và sửa làm ba đợt:

- Đợt đầu tiên vào mùa hè năm 1793, khi bỏ vây Qui Nhơn về, Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Hội đắp thành đất Diên Khánh, ở đồn Hoa Bông cũ.

- Tháng 8/1794, Nguyễn Ánh lại sai sửa sang thành Diên Khánh và lần này có lẽ sửa to, vì sau đó ăn mừng, cho các tướng sĩ ăn yến. Lần này được Lê Văn Định ghi lại cho đắp thêm thành bằng đất, tức là mở rộng thêm thành đất (hoặc làm kiên cố thành đất) đã xây năm trước, và có lẽ lần này đặt thêm đại bác trên tường thành cho nên sau đó quân Trần Quang Diệu không làm cách nào mà trèo vào thành được.

- Đến tháng 9-10/1795 (tháng 8 ÂL.) Sửa lại thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng. Để Tôn Thất Hội ở lại trấn giữ. Lần này vua không những sửa mà còn xây thêm “kho tàng”, tức là cấp cho Diên Khánh một địa vị hành chánh, điạ đầu, quan trọng thứ nhì sau Gia Định.

Lê Quang Định tóm tắt các trận đánh khốc liệt ở Diên Khánh như sau:

“Đến tháng ba mùa xuân năm Giáp Dần (1794) tướng Tây Sơn là Điện tiền Huấn (Nguyễn Văn Huấn) và Tổng quản Diệu (Trần Quang Diệu) kéo quân thủy bộ vây thành ngoài hơn 20 ngày, không thể cầu viện được nên Hoàng thượng phải thân chinh, Huấn và Diệu thua bỏ chạy. Tháng tám đại binh khải hoàn, lại sai Hậu quân Bình tây tham thừa Đại tướng quân Tánh Quốc Công (Võ Tánh) đến thay thế. Tháng 11 nhuận, tướng Tây Sơn là Tổng quản Diệu, Nội hầu Tứ đem hết quân thủy bộ đến hãm ngoài thành, hàng ngày đánh vào thành làm cho tướng sĩ chết rất nhiều, tướng Tây Sơn cho đắp lũy cao, đào rạch sâu quanh cả bốn mặt thành. Không thể khắc phục được, Tánh Quận công tự đem quân ra đánh, bắt sống được tướng Tây Sơn là Đô đốc Định, quân giặc tan tác đầu hàng rất nhiều. Tuy nhiều gạo mà thiếu mắm, tướng sĩ trong thành ăn uống rất kham khổ nhưng vẫn một lòng trung nghiã, người đều vui vẻ và cố gắng hết sức giữ thành. Tháng tư năm Ất Mão (1795) ngự giá thân chính thống suất quân thủy bộ đến cứu viện, quân giặc đại bại, Hoàng thượng tiên đoán chúng tất rút lui bèn chia quân đến chận đường rút của chúng, đến tháng bẩy quả nhiên tướng Tây Sơn là Diệu và Tứ bỏ vòng vây tháo chạy, đại quân đuổi theo sau thu được rất nhiều voi ngựa và khí giới, tướng sĩ của Tây Sơn đầu hàng và chết vô kể. Nay thành ấy lập làm lỵ sở của dinh Bình Hoà, ở đó có kho lương và nhà cửa quân dân nhưng hãy còn thưa thớt.” (Lê Văn Định, Hoàng Việt nhất thống điạ dư chí, Quyển 2, Phần viết về Đường trạm dinh Bình Hoà, t. 52-53).

Chúng ta nên chú ý đến đoạn cuối: Sở dĩ Trần Quang Diệu bỏ Diên Khánh vì ở trong triều Phú Xuân có loạn, Quang Toản giết hại đình thần, nên phải về, nếu không có biến cố ấy chưa chắc Trần Quang Diệu đã bỏ cuộc.

Nhưng câu cuối cùng mới thực là quan trọng, Lê Văn Định viết về Diên Khánh: ở đó có kho lương và nhà cửa quân dân nhưng hãy còn thưa thớt. Câu này xác định: Diên Khánh chỉ là thành trì quân sự, người dân không ở nhiều cho nên nhà cửa hãy còn thưa thớt, Diên Khánh không phải là một thành phố xây theo kiểu Tây phương, như các sử gia thuộc địa cố bám vào câu của linh mục Lavoué để nhận thành Diên Khánh là Pháp xây.

 

Kết luận

 

Dù tướng Tôn Thất Hội điều khiển mọi việc xây thành, nhưng chắc chắn Gia Long chủ trì tất cả, vì thế mà những người muốn có độ chính xác trong sách như Trịnh Hoài Đức và các sử gia triều Nguyễn trong Thực lục, đã không đề rõ tên ai xây thành, họ không muốn ghi một điều không xác thực, vì vậy mà người Pháp mới có cớ để nhận vơ các thành Gia Định và Diên Khánh do Puymanel xây khiến chúng ta phải khốn đốn trong việc xác định lại sự thực.

Để kết luận, chúng tôi xin nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

1- Hầu như tất cả các thành đài của ta, xây trong thời kỳ này đều đắp bằng đất, theo sự mô tả các thành trì ở miền Nam của Trịnh Hoài Đức (xem Phụ Lục ở dưới) toàn thể đều đắp đất, theo lối kiến trúc bát giác, lục giác hoặc tứ giác, có lẽ Gia Long đã góp phần đổi mới, nhưng vẫn giữ thành đất kiểu Đông phương mà người Pháp không biết làm. Vì thế, Aubaret khi dịch Gia Định Thành thông chí đã bỏ hẳn chương quan trọng nhất là Thành trì chí, không dịch. Ngay cả đến kinh thành Huế, đắp sau Gia Định hơn 10 năm, Gia Long vẫn dùng nguyên tắc ấy:

“Kinh thành năm Gia Long thứ 4 đắp đất; năm thứ 17 xây gạch mặt trước và mặt hữu, năm Minh Mệnh thứ 3, xây gạch mặt sau và mặt tả” (Đại Nam nhất thống chí, I, Kinh sư, t. 18).

Về thành Huế thì Thực lục viết rõ hơn: “Vua thân định cách thức xây thành” (Thực lục, I, t. 552).

2- Gia Long trực tiếp cai quản mọi việc, đắp luỹ cũng làm với tướng sĩ, những nhân chứng đều đồng quy về việc này:

- Sử Ký Đại Nam Việt: “vua chẳng nghỉ yên bao giờ: khi thì đốc suất các thợ, khi thì đi biên các kho, hoặc coi tập binh hay là đắp lũy”. (Sử ký Đại Nam Việt, t. 57)

- Thực lục: “duy có việc sửa đắp đồn luỹ thì cùng làm với các tướng sĩ” (Thực lục, I, t. 233).

- Barrow:”chính ông quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chính ông là giám đốc xây dựng những xưởng đóng tàu, chính ông chỉ huy các kỹ sư trong tất cả mọi công việc, không có gì thực hiện không có gì chấp hành mà không hỏi ý kiến và nhận lệnh của ông”. (Barrow II, t. 224-238)

3- Gia Long tham khảo những sách phương Tây:

Sử Ký Đại Nam Việt: “vua chẳng biết chữ bên Tây, nên phải cậy các quan cắt nghiã mọi đều. Nhứt là các tờ đã vẽ hình tượng các khí giái và những cách đắp lũy xây thành, đóng tàu… Vả lại nhiều sách và địa đồ đã mua bên Tây, thì người chăm học mà hiểu hầu hết” (Sử ký Đại Nam Việt, t. 57-58).

 

Le Labousse, thư ngày 14/4/1800: “Trong cung của ông có nhiều sách về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước, khỏi cần đọc những giải thích bằng chữ Pháp vì ông không đọc được”. (Arch. Miss. Étrang. vol.746, p. 869. Recueil de l’Evêché de Saigon, t. 131-135, Taboulet I, t. 268)

Để kết thúc chương này, chúng tôi có thể xác định chắc chắn rằng: Gia Long là tác giả các thành Gia Định và Diên Khánh, cũng như kinh thành Huế sau này. Dưới quyền ông có Tôn Thất Hội, Trần Văn Học và Vũ Viết Bảo. Nếu Puymanel có đóng góp thì cũng ở chừng mức khiêm nhường của một lính thuỷ pháo binh, vừa mới được vua tuyển dụng.

Gia Long khi đắp thành Gia Định đã thu thập được gì trong kiến trúc Tây phương qua những sách ông xem được? Lúc đó ông không chỉ quen người Pháp mà ông còn rất thân với người Bồ Đào Nha nữa, vậy nếu ông có học thêm kiến trúc thành lũy Tây phương để áp dụng vào việc đắp thành Gia Định và Diên Khánh thì ta nên hiểu theo nghiã rộng, tức là Âu châu, chứ không riêng gì kiến trúc Pháp.

Đến đây có lẽ độc giả sẽ hỏi: Tại sao chúng ta phải khổ công tìm kiếm lại ai là tác giả thành Gia Định, một thành trì đã bị tàn phá 2, 3 lần, nay không còn dấu vết?

Xin trả lời: Ngoài vấn đề cốt lõi phải tìm lại sự thực lịch sử đã bị chôn vùi; còn có vấn đề tự hào dân tộc. Chúng ta đã mất nước về tay Pháp, đó là phần ta phải chịu trách nhiệm, nhưng ta không thể để cho dĩ vãng lịch sử của dân tộc bị cướp trắng, mà không có một lời phản bác, không có một sự nghiên cứu lại, để chứng tỏ những gì các sử gia thuộc địa đưa ra không thể chấp nhận là sự thực lịch sử.

 

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ tới: Chương 14: Sử gia Maybon

Phụ Lục: Trích đoạn Gia Định Thành thông chí

 

Thành Bát quái Ở 3 cửa Càn Nguyên, Ly Minh và Tốn Thuận có dựng trại quân mái lợp ngói tô đỏ rất đẹp đẽ nghiêm túc; lại còn sửa soạn vách thành và vọng lâu ở 4 của Càn, Ly, Chấn, Tốn; cầu treo gỗ ván ở 4 cửa lâu ngày hư hỏng, nay cũng xây lại cầu vồng bằng đá tổ ong bắc qua hào, cầu vừa rộng bền chắc, dưới có chừa khoảng trống cho nước chảy, trước lũy có cửa Ly Minh có dựng đình Thân Minh để làm chỗ niêm yết trên bảng những chiếu, cáo, dụ, chỉ.

Cục Chế tạo ở trong thành sau đường Cấn Chỉ và Đoài Duyệt, có ba dãy nhà ngói đối diện ở trước hai đường ấy. Phiá trái là một dãy trại ngói là nơi làm việc của thợ rèn, buổi đầu Trung hưng chợ chế tạo đủ ngành tập họp ở đây đồng thời làm chỗ chứa thổ sản hàng hoá…

Kho tiền bạc ở phiá phải đường Càn Nguyên và Khảm Hiểm trong thành, lúc đầu lập nội khố chứa đồ quý như vàng, bạc, tơ đoạn, vải lụa, sau bỏ nội khố đổi làm kho Kiên Tín, kho này ở thành gồm 5 gian nhà ngói, thâu các loại thuế và là nơi 5 trấn hội nạp tiền bạc, có đội quân Kiên Tín canh giữ ở đấy.

Kho đồn điền ở bên trái đường Càn Khảm trong thành, nguyên thuộc kho chứa dựa. Năm thứ 5 niên hiệu Gia Long, xây hai dãy ngói, mỗi dãy mười gian thâu chứa lúa thóc đồn điền chứa đầy các gian, số còn lại đem chứa ở kho của năm trấn, có đội quân An Hoà canh giữ.

Trại súng nằm về phiá trước bên trái Cục Chế tạo trong thành, có 15 gian lợp ngói, trên làm gác ván dùng đặt đồ phụ tùng của súng, trong trại đặt các loại súng lớn bằng đồng, bằng sắt, và súng hoả xa trụ, tất cả đều có cỗ xe vẽ màu đỏ đen, mỗi năm trang sức tốt đẹp thân súng, phải lau dầu một lần cho khỏi rỉ.

Kho thuốc súng là dãy nhà 12 gian lợp ngói xây gạch ở mặt sau nội thành, thuốc súng đựng trong thùng gỗ để trên sàn gác, cấm tuyệt lửa đuốc, người không phận sự không được ra vào nơi đây.

Xưởng thuyền chiến ở về phiá đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh qua sông Bình Trị, gác và che thuyền hải đạo (là đồ nghề bén nhọn của thuỷ chiến nước Nam), chiến hạm (cách thức như tàu buôn nhưng nhỏ, tục gọi là thuyền), ghe sơn đen, ghe sơn đỏ (thuyền đều gọi là ghe. Ghe chiến cụ, thân lớn và dài, dày và bền, đặt nhiều mái chèo, ngoài sơn dầu đen gọi là ghe đen, sơn đỏ gọi là ghe đỏ) và ghe lê (tức là ghe thuyền được chạm trổ vẽ vời từ đầu đến đuôi) đều là dụng cụ thuỷ chiến (thuyền thật lớn là tàu, trong Nam gọi thuyền lớn là ghe, thuyền nhỏ là xuồng).

Xưởng dài đến 3 dặm [1,620km].

Xưởng voi ở phiá ngoài lũy đất cửa Khảm Hiểm, đó là chỗ thường trú, có khi chọn để trong thành, có khi phát tán theo nguồn cỏ nước ở Biên Hoà, tuỳ lúc không nhất định…

Nơi chế thuốc súng ở ngoài cửa Khôn Trinh [Khôn Hậu trên bản đồ?] cách chừng hai dặm, rộng một dặm, bốn phiá trồng cây có gai, trong dùng đủ dụng cụ chày cối; khi chế tạo thì hết sức cẩn thận đèn lửa, ngăn không cho người ngoài được ra vào lộn xộn.

Khám đường và nhà giam ở ngoài chân lũy đất cửa Khôn Trinh (…) trồng cây rào có gai bao quanh bốn phiá, đào hào, trồng cây tật lê, phòng thủ nghiêm mật.

Sứ quán ở phiá phải trước cửa Ly Minh, cách thành chừng một dặm, trước sau có 2 toà nhà ngói mỗi toà 5 gian, có đội lính lệ gồm 20 người; phiá trước bên phải làm phụ thêm nhà Hải quan để trưng thu thuế khoá thuyền buôn các nước tới.

Học đường, năm Gia Long thứ tư (1805) vua sai đặt một viên chính Đốc học và hai viên nhất nhì phó Đốc học. Khi đầu dựng học đường ở phiá phải luỹ đất ngoài thành, năm thứ 12 (1813) cho làm lên trên nền cũ đồn dinh ở chợ Điều Khiển.

Kho của bốn trấn ở tại nền cũ kho Gian thảo (Cầu Kho), cách phiá nam thành 4 dặm rưỡi…

Trường Diễn võ ở cách phiá tây nam thành 10 dặm [5,4km], nơi đây đất bằng phẳng rộng rãi độ 50 dặm [25km] thường tháng giêng chọn ngày tốt làm lễ tế mã (tế thần), tế cờ kỳ đạo (lễ tế cờ trước khi xuất chinh) và thao diễn trận pháp đều cử hành tại đây.

Các thành trì khác

Đồn Giác Ngư (Cá trê) ở bờ bắc sông Tân Bình thuộc điạ giới trấn Biên Hoà, cách thành 7 dặm [3,7km]. Đồn này được khởi công vào ngày 2/4/Kỷ Dậu (1789), buổi đầu Trung hưng, chung quanh trồng cây mù u, đối diện bờ bên kia có đồn Thảo Câu để làm thế nương dựa nhau.

Đồn Thảo Câu Ở bờ nam sông Tân Bình, cách thành 6 dặm, thuộc địa giới trấn Phiên An, năm tháng khởi công và thể thức cũng giống như đồn Giác Ngư.

Luỹ Bán Bích do đốc chiến Nguyễn Đàm xây đắp, hình giống mặt trăng xếp, chỉ nửa vách luỹ thôi. Đồn ở địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long, nay nền cũ vẫn còn (xem rõ hơn ở phần Cương vực chí).

Luỹ Hoa Phong ở huyện Bình Dương, cách về phía tây của trấn 62 dặm rưỡi [33,75km]. Năm Canh Thìn đời Hiển Tông thứ 10 (1700) (10), Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Lễ bình định Cao Miên rồi về đắp nên, nay nền cũ vẫn còn.

Đồn Tân Châu Tân Châu là địa đầu trọng yếu kiêm quản cả 3 đạo Tân Châu, Chiến Sai và Hùng (Hồng) Ngự. Đạo chính thức ngày trước thuộc về thành lớn Gia Định đặt ở giữa sông Doanh Châu (…) Năm Gia Long thứ 17 (1818) (…) Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân đắp đồn vuông Tân Châu, mỗi mặt dài 15 trượng [60m], cao 6 thước 5 tấc ta [2,5m], chân dày 15 thước ta [6m] đầu thu hẹp 4 thước [1,6m] có hai cấp; chỗ ngay giữa của 4 mặt đồn đều đắp nhọn ra thành hình bát giác, phiá trái và phải gần trước góc nhọn ấy đều có cửa làm chỗ cho biền binh phòng trú. Quy cách đồn Chiến Sai cũng phỏng theo đồn này, chỉ đồng Hồng Ngự hơi kém hơn, chỉ để làm nơi tuần tra chưa xây thành đồn luỹ…

Chợ Bến Thành Phố, chợ, nhà cửa rất trù mật, họp chợ dọc ven sông. Ở đầu bến, theo lệ tháng đầu xuân gặp nhằm ngày tế mã, có thao diễn thuỷ binh. Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phiá bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thức hàng hoá, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau…

Luỹ Tân Hoa Ở thôn Tân Hoa, tổng Chánh Mỹ [Biên Hoà]. Năm Tân Mão (1771), trấn Hà Tiên thất thủ, quan đốc chiến Nguyễn Đàm đắp lũy để phòng ngự đường tiến của sơn man Thuỷ Vọt, nền cũ nay vẫn còn.

Đồn Mỹ Tho Ở phiá nam trấn chừng một dặm, trước kia đây là rừng hoang, là hang ổ của hùm beo. Năm Nhâm Tý (1792) thời Trung hưng mới đắp đồn vuông [do Trần Văn Học vẽ], chu vi 998 tầm [2,455km] có mở 2 cái cửa bên phải và trái, ở cửa có cầu treo bắc ngang, hào rộng 8 tầm [19,68m], sâu 1 tầm [2,46m], bốn mùa đều nước ngọt, có nhiều cá tôm, dưới cầu có dòng nhỏ để thông với sông lớn Mỹ Tho, ngoài hào có đắp lũy đất có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai, mặt trước chân luỹ ra 30 tầm [73,80m] đến sông Lớn. Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ nghiêm túc. Mặt sông rộng lớn, năm Giáp Dần (1794) trên đồn đạt súng lớn, có bắn thử qua bờ sông bên kia, cách xa 10 dặm [5,4km] mà cây cành trong rừng đều bị trốc gẫy, ấy là do đường đạn đi mạnh thế…

Trấn Vĩnh Thanh Vào tháng 2 năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long 12 (1813), khâm mạng, Trấn thủ Lưu Phước Tường, đắp thành đất. Lưng hướng Kiền (hướng tây bắc), mặt hướng Tốn (hướng đông nam), từ phiá nam qua phiá bắc cách 200 tầm [492m], từ đông qua tây cũng vậy, chỗ giữa của bốn mặt thành lõm vào, phiá ngoài có thành cong bao vòng chỗ cửa hình như đầu cái khuê (một dụng cụ để đong ngày xưa, cũng có nghiã là ngọc khuê, chưa rõ tác giả muốn ví với cái nào), bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim quy, hay như hình hoa mai. Trong thành có hai con đường dọc, 3 con đường ngang, trước dựng hành cung, ở giữa là 3 công thự, sau có kho chứa, trại quân và nhà thừa ty đều ở hai bên phải và trái. Hào rộng 10 tầm [24,6m], phiá trái thành là sông Long Hồ, phiá phải là Ngư Câu (Rạch Cá), mặt sau là dòng sông lớn Tiền Giang, mặt trước thành có đào ngòi cừ sâu, dài 425 tầm [1,045km], bề ngang 40 tầm [88,40m] thông với sông Long Hồ và Ngư Câu để làm hào ngoài thành. Góc thành phiá Đông có đường cái quan dọc theo sông, phiá trái là sứ quán, phiá phải là chợ Vĩnh Thành, ngòi chẩy ngang đầu đường cái quan, bắc cầu dài, đi ngang lỵ sở cũ, qua cầu sông lớn Long Hồ. Ở ngoài bờ ngòi góc phiá nam là xưởng thuỷ quân, bên ngoài có đồn nhọn góc ba mặt bao theo, góc phiá tây nam ngòi có bắc cầu thông qua, mặt sau giáp sông, có nhà cửa tiệm quán, thật là nơi trọng yếu bề thế đẹp đẽ.

Đồn Châu Đốc Ở phiá đông sông Vĩnh Tế thuộc Hậu Giang, cách trấn về phiá tây 326 tầm [799,96m]. Niên hiệu Gia Long 14 (1815), Trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường phụng sắc điều quân dân trong trấn hạt gồm 3000 người, mỗi tháng cấp cho mỗi người 2 quan tiền và một vuông rưỡi gạo. Ngày 2/1/1816 (4/12 ÂL) khởi công đắp đồn hình lục giác, từ trước đến sau 324 tầm [797,04m] từ trái qua phải 164 tầm [403,44m], hai bên phải trái đều có hai cửa, mặt sau một cửa, bề cao 7 thước ta [2,5m], chân dầy 6 tầm [14,76m], ngọn túm bớt 5 thước ta [2m], có hai bậc, lưng tựa hướng Kiền, mặt hướng Tốn, phiá phải giáp sông lớn, 3 phiá trước sau và trái có hào rộng 20 tầm [49,20m], sâu 11 thước ta [4,4m], thông với sông cái. Trong đồn có phòng lính ở, kho chứa, súng lớn và quân khí đầy đủ, lấy quân trong 4 trấn và đồn Oai Viễn mỗi phiên 500 người đến đóng giữ, nằm ngang đối diện có đồn Tân Châu ở Tiền Giang cách về phía đông 32 dặm rưỡi [17,55km], phiá tây cách trấn Hà Tiên hơn 203 dặm [109,620km], phiá bắc cách thành Nam Vang 244 dặm rưỡi [131,03km] thật là một nơi biên phòng trọng yếu vậy.

Đồn Châu Giang Trước là thủ sở Châu Đốc, ở đầu mõm cồn là vùng đất bị nước vỗ chụp, thường bị nước lụt xoáy mạnh sụt lở, mà lại sóng gió ì ầm, thương thuyền đến dừng nghỉ không tiện. Mùa xuân niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818), vua ban chỉ cho Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân xem xét địa điểm, dời lên vùng thượng lưu cách chỗ cũ một dặm, đắp đồn vuôn, tựa hướng Quý (hướng bắc) mặt trông đến hướng Đinh (hướng nam) mỗi mặt 30 tầm [73,80m], cao 6 thước 5 tấc ta [2,6m] chân dày 3 tầm[7,38m], ngọn túm bớt 4 thước ta [1,6m], chỗ chính giữa mặt đồn đều đắp nhọn ra như hình bát giác. Mặt phải mặt trái chỗ gần góc mặt tiền đều mở một cửa, hào rộng 3 tầm [7,38m], có luỹ dày 4 tầm [9,84m], mặt trước bên phải cách sông 35 tầm [86,10m], đổi tên là đồn Châu Giang, làm chỗ đóng quân để phòng thủ.

Trấn Hà Tiên Trấn thự Hà Tiên, nằm hướng Kiền (tây bắc) trông ra hướng Tốn (đông nam) lấy núi Bình Sơn làm gối, Tô Châu làm tiền án, biển cả Minh Hải làm hào phiá nam, Đông Hồ làm hào phiá trước, ba mặt có luỹ đất từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi [450m], từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng [612m], từ cửa tả đến xưởng Thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi [1,234km] các luỹ này đều cao 4 thước ta [1,6m], dày 7 thước ta [2,8m], hào rộng 10 thước ta [4m]. Ở giữa làm công thự, vọng cung lại ở trước công thự, hai bên đặt dãy trại quân, trước sân có cầu Bến Đá, phiá trái có sứ quán, phiá phải có công khố. Dinh Hiệp trấn ở chân núi Ngũ Hổ, ngoài vọng cung về phiá trái có chợ trấn, phiá trái công thự có đền Quan Thánh, sau thự có chùa Tam Bảo. Bên trái chùa có đền thờ Mạc công. Chợ trấn trông về đông là bến hồ, ở đó có trại cá, phiá bắc công khố là miếu Hội Đồng, phiá bắc miếu có xưởng sửa thuyền, chia thành khu ngang dọc, lấy đường lớn làm ranh; phiá tả miếu Quan Thánh là phố Điếu Kiều, đầu bến có bắc cầu ván thông ra biển tiếp với hòn Đại Kim, phiá đông phố Điếu Kiều là phố chợ cũ, qua phiá đông chợ này là phố chợ Tổ Sư, kế nữa là phố lớn, tất cả đều do Mạc Tông gầy dựng từ trước. Đường sá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửa, thật là nơi đại đô hội ở dọi biển vậy.

(Trích Gia Định Thành thông chí, Thành trì chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, điện tử)

Chương 14

maybon và cuốn histoire moderne du pays d’annam

Hai học giả Pháp, mà chúng ta rất biết ơn những công trình nghiêu cứu của họ về văn hoá Việt, là Maybon và Cadière.

Tiếc thay, họ cũng lại là những người, đã tế nhị và sâu sắc, tìm cách thay thế công trạng chiến thắng và dựng nước của Gia Long và toàn bộ các tướng lãnh, quần thần, bằng công trạng của Bá Đa Lộc và những “sĩ quan” Pháp.

Maybon, qua hai cuốn sách La Relation Bissachère và Histoire moderne du pays d’Annam, in năm 1920, dưới lối viết “biên khảo, khoa học,” đã làm hai việc:

1- Loại trừ những tài liệu đứng đắn của những người đi trước, cùng thời với Gia Long, như Barrow, người Anh và Montyon, người Pháp, viết về thời kỳ này, bằng cách đưa ra những sai lầm nhỏ của họ, để phê phán gắt gao, khiến độc giả tưởng rằng đó là những cuốn sách không đáng đọc, chỉ vì họ đã xác nhận: Gia Long tự học, tự quyết, điều khiển và làm lấy tất cả mọi việc; họ lại không đả động đến “công trạng” của các “sĩ quan” Pháp, và họ mô tả sự khác biệt trong kỹ thuật thuyền chiến của Á Đông và Việt Nam (cả Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh) và của Tây phương, họ chú ý đến phương pháp Nguyễn Ánh canh tân thuyền chiến và canh tân đất nước.

2- Maybon cho in lại La Relation Bissachère, một cuốn sách tệ hại, viết những điều bịa đặt bôi nhọ các vua Quang Trung, Gia Long và dân tộc Việt Nam. Tệ hơn nữa là ông trân trọng giới thiệu bài Introduction của Ste-Croix, một văn bản đầy sai lầm, bịa đặt về Gia Long, do Dayot, sau khi bị tội, trốn khỏi Việt Nam, kể lại, để vinh thăng mình và Puymanel. Từ đầu đến cuối bài này, Ste-Croix nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh, cho nên y coi Bá Đa Lộc là thầy Gia Long, y dùng những chữ “dạy học trò, dịch cho học trò, bảo ban, uốn nắn, quở trách…”. Những chữ như thế được chép lại khắp nơi, kể cả Cadière. Taboulet gồng và biạ thêm. Tạ Chí Đại Trường chép lại Maybon, Taboulet, và phụ hoạ thêm nữa để đem vào cuốn Lịch sử nội chiến Việt Nam, mà người ta thường trích dẫn để đưa lên Wikipédia tiếng Việt.

Sau khi đã loại trừ những thông tin đứng đắn về Gia Long của Barrow và Montyon, Maybon trân trọng giới thiệu những thông tin thất thiệt của Bissachère và Ste-Croix. Với “chứng từ” của hai người này và sự chép lại nhiều chương của Alexis Faure trong cuốn Bá Đa Lộc, Maybon có đủ “điều kiện” để phê bình Thực Lục và Liệt Truyện là không đả động đến công lao của những “sĩ quan” Pháp này. Ông tìm cách “chứng minh” công lao của họ, đặc biệt dựa trên nền móng Bá Đa Lộc, trong cuốn sử Histoire moderne du pays d’Annam.

Maybon và Cadière đã cộng tác đắc lực với nhau để tạo cho huyền thoại công trạng “khai quốc công thần” của những người Pháp đến giúp Gia Long, một cơ sở có “chứng từ” và “biện luận”.

Trong bài diễn văn tựa đề Une Histoire moderne du pays d’Annam, đọc tại đảo Réunion ngày 20/4/1920 và in trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH, 1920, I), học giả chủ bút Cadière mở đầu bằng những hàng như sau:

“Một trong những đồng nghiệp của chúng tôi, ông Charles B. Maybon, Giám đốc trường Pháp của thị xã, ở Thượng Hải, vừa cho in, dưới cái tựa trên đây, một tác phẩm quan trọng hàng đầu; qua tác phẩm này, ông đã phấn đấu cam go để đoạt chức tiến sĩ văn chương. Các thành viên trong Hội Đô Thành Hiếu Cổ sẽ tìm thấy một tóm lược cốt yếu tất cả những dữ kiện thuộc về lịch sử nước Nam trong thời kỳ mà tác giả hoạch định, những chỉ dẫn có phương pháp và chi tiết trên tất cả mọi tư liệu, cả về phiá bản xứ cũng như Âu châu, làm nền cho lịch sử này, và sau cùng, một số chi tiết lớn lao liên quan tới những biến cố đã lấy Huế làm đất diễn, và, do dó, là một kho dồi dào phong phú cho những nghiên cứu đặc thù. Vì tất cả những lý do đó, tác phẩm kiệt xuất này xứng đáng được giới thiệu.” (Cadière, Une Histoire moderne du pays d’Annam, BAVH, 1920, I, t. 177).

Một lời giới thiệu nồng nhiệt và đề cao như thế, ở một học giả nổi tiếng như Cadière, buộc chúng ta phải đọc. Cuốn sách có tựa đề đầy đủ là:

Histoire moderne du pays d’Annam, (1592-1820), étude sur les premiers rapports des Européens et des Annamites et sur l’établissement de la dynastie annamite des Nguyễn.

(Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820), khảo luận về những giao tiếp đầu tiên giữa người Âu với người An Nam và về sự xây dựng triều đại An Nam nhà Nguyễn (Librairie Plon, Paris, 1920).

Tên sách đã nói rõ nội dung: tác phẩm chia làm hai phần nhưng phần hai quan trọng hơn phần đầu. Và trong phần hai viết về “sự xây dựng triều đại nhà Nguyễn”, giai đoạn Gia Long dựng nghiệp là chủ yếu, nổi bật chân dung hai người: Gia Long và Bá Đa Lộc, Maybon đã dành cho Bá Đa Lộc hai chương và đúng như nhận xét của Cadière: “chân dung Bá Đa Lộc được viết kỹ hơn, với niềm thân quý hơn”.

Vị học giả viết tiếp: “Tôi khuyên độc giả Pháp, những người hiếu kỳ muốn biết về quá khứ An Nam và hãnh diện về những gì chúng ta đã làm được ở đây, nên đọc chương tựa đề: “Concours apporté par l’évêque au prétendant” (Sự hỗ trợ của vị giám mục cho người chiếm lại ngôi báu): một tâm lý học sâu sắc nhất liên kết với sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất (la psychologie la plus pénétrante s’y allie à la plus sage et à la plus habile utilisation des textes) (Cadière, BAVH, 1920, I, t. 180).

Vì vậy, chúng tôi phải đọc kỹ chương sách này, thứ nhất là để hiểu thế nào là một tâm lý học sâu sắc nhất liên kết với sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất. Và thứ hai là để giới thiệu đến độc giả Việt Nam, cũng hiếu kỳ muốn biết về quá khứ An Nam lắm, thế nào là sự liên kết “một tâm lý học sâu sắc nhất” với “sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất”, trong tác phẩm của Maybon.

Chắc độc giả còn nhớ, trong chương 5 tựa đề Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, tháng 9-10/1777, chúng tôi cũng đã trình bày phương pháp “sử dụng văn bản một cách khôn ngoan và khéo léo” của sử gia Maybon để “chứng minh” Bá Đa Lộc đã “cứu Nguyễn Ánh thoát chết” tháng 9-10/1777, như thế nào rồi.

Bài viết này không trở lại vấn đề ấy nữa, mà sẽ xoay vào hai đề tài chính của đoạn Concours apporté par l’évêque au prétendant, đó là:

1- Maybon đã “chứng minh” việc Bá Đa Lộc “tự tìm những nguồn tài trợ cho Nguyễn Ánh” như thế nào?

2- Và Maybon đã “chứng minh” việc Bá Đa Lộc “trực tiếp đánh nhau với quân Tây Sơn ở mặt trận Diên Khánh 1794, bằng những chứng cớ gì?

Trước khi đi xa hơn, chúng tôi mong được thứ lỗi vì sự đi vào chi tiết, đôi khi quá sâu của một lập luận, rất dễ làm cho độc giả bực mình, nhưng cần thiết để vạch trần hệ thống ngụy biện có tổ chức, dựa trên sự lờ đi hoặc che giấu những tư liệu gốc bằng thứ “tư liệu” dựng đứng, man trá, bịa đặt, để xoá sự thực lịch sử và thay thế vào đó một “lịch sử khác”, do những ngòi bút thuộc địa dựng lên. Cũng là cách chúng tôi mổ xẻ thủ pháp của sử gia Maybon trong bộ sách Histoire moderne du pays d’Annam.

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc “tự tìm những nguồn tài trợ” cho Nguyễn Ánh

Việc Louis XVI bỏ, không thi hành hiệp định Versailles 1787 đã khá rõ, nhưng sau đó, những ngòi bút thuộc địa tung ra một nguồn tin khác: đó là việc Bá Đa Lộc tự xoay sở tìm vốn mua tàu chiến, đạn dược, vũ khí và mộ lính về giúp Nguyễn Ánh.

Vậy chúng ta thử tìm xem, ở sử gia Maybon, “nguồn tin” này được thiết lập như thế nào?

- Trước hết, theo hải trình của tàu Méduse, do Alexis Faure ghi trong cuốn Bá Đa Lộc, phần Pièces justificatives (Chứng từ), có ghi tên những người lên bờ ở Vũng Tàu (khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh về đến Việt Nam), như sau:

“Lên bờ ở Saint-Jacques [Vũng Tàu] ngày 28/7/1789: Hoàng tử Nam Hà và người anh/em họ; Giám mục Adran; Paul, Gilles, Barthélemy và Nam, cận vệ của hoàng tử; Boisserant, Pillon, Tarin, Leblanc, giáo sĩ; Gérard, Le Tousse (Mathieu) đầu bếp; Fransique, Bonaventure, Isidore, người hầu Đức Giám Mục. (Faure, Bá Đa Lộc, Pièces justificatives, 4e-La Méduse, t. 243). Tóm lại, phái đoàn tháp tùng hoàng tử và vị giám mục có 15 người: một người anh em họ và 4 cận vệ của hoàng tử, 4 giáo sĩ; 2 đầu bếp và 3 người hầu đức giám mục.

Ngoài thông tin của Faure trên đây, còn có những nguồn tin trực tiếp, qua thư từ của giám mục Bá Đa Lộc và của giáo sĩ Langenois.

Có 3 lá thư đáng chú ý:

- Thư viết ngày 12/8/1789, Langenois gửi cho quản sự tu viện Létondal ở Macao:

“Giám Mục và thằng nhỏ 10 tuổi đã về tới triều đình Bến Nghé [Gia Định] ngày 29/7, tôi cũng từ Sadec lên ngày 5/8 để thăm Đức Ông và bốn vị thừa sai mới, về cùng với ngài mà tôi sẽ dẫn M. Jacques Pilon, 46 tuổi, dân Normandie, ở Coutances, một khi có giấy để qua đoan Nam Hà.” (Launay, III, t. 210)

- Hai thư của Bá Đa Lộc viết cho Létondal:

Thư đầu, viết tháng 7/1789 (không đề ngày):

“Tôi vừa về tới Nam Hà…. tôi về không có sự trợ cứu mà vua Pháp đã thuận giúp vua Nam Hà; nhưng tôi tin rằng Thượng đế an bài như thế… Tôi đợi ít ngày nữa, nếu những tàu buôn từ Pondichéry đến, sẽ dễ dàng thay thế cho những tàu chiến… Nhà vua sẽ khỏi phải nhượng đất cho họ, và cũng khỏi phải trả họ tiền phí tổn và khỏi phải cho tiền thưởng.” (Launay III, t. 209, chúng tôi in đậm).

Lời lẽ trong thư này hơi khó hiểu, có lẽ vì đã bị Launay cắt ngắn. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thấy được những ý chính:

- Vị giám mục về tay không. Vua Pháp không giúp gì cả.

- Ông đợi những tàu buôn ở Pondichéry đến, chúng sẽ “dễ dàng thay thế cho những tàu chiến”. Câu này có nghiã gì? Tại sao tàu buôn lại có thể “thay thế” cho tàu chiến? Nhưng nếu ta đọc tiếp câu sau: “Nhà vua sẽ khỏi phải nhượng đất cho họ, và…” thì có thể tạm hiểu:

- Hoặc là, những tàu buôn này đem khí giới mà Bá Đa Lộc mua cho vua; trong trường hợp này, vua vẫn phải cho “tiền thưởng”, vậy là không phải, chỉ còn nghiã thứ nhì:

- Nếu những tàu buôn ở Pondichéry đến, thì vua sẽ khỏi phải nhượng đất (vì không phải là tàu của vua Pháp giúp theo thoả ước), cũng không phải trả tiền phí tổn và cho “tiền thưởng” (vì vua không mua gì), tàu đến chỉ để “thị uy”, ra vẻ có tàu “Tây phương đến giúp” mà thôi.

Đọc lá thư kế tiếp, ta sẽ hiểu rõ hơn nữa.

- Thư ngày 17/8/1789, Bá Đa Lộc viết cho Létondal:

“[...] Hoàng tử và tôi được đón rước với tất cả những tín hiệu vui mừng và toại nguyện mà vua ban cho chúng tôi. Tôi nghĩ chẳng cần thêm gì vào tất cả những việc đã xẩy ra hôm đó. Nhà vua, mẫu hậu, hoàng hậu, tất cả hoàng gia, tóm lại, tất cả triều đình đều không tả siết nỗi vui mừng thấy lại chúng tôi.

Điều duy nhất có thể làm dịu bớt niềm vui tột độ này là tôi về với độc một tiểu hạm (une seule frégate) và nó lại phải lập tức đi Manille ngay. [...]

Tất cả triều đình đều chẳng biết nghĩ sao về lối hành xử này và nhiều quan đã tỏ cho tôi mối lo ngại của họ. Nhà vua, tuy biết rõ tình hình, nhưng không có vẻ lo lắng lắm, tôi e rằng ông quá tin vào sức mạnh của ông, nhưng nếu không có sự trợ giúp của người Tây phương, ông sẽ còn trải qua thất bại. Sức mạnh của bộ binh và thuỷ binh của ông thực là lớn lao đối với xứ này, nhất là nếu chúng ta thấy sự nhanh chóng mà ông thành lập nên; tuy nhiên dân chúng vẫn còn kinh hoảng, họ chỉ có thể yên tâm khi thấy quân ngoại quốc đến trợ giúp quân đội nhà vua. Nếu những tàu buôn từ Ile de France và từ Pondichéry đến, như chúng tôi mong đợi, thì có nhiều hy vọng, nhà vua sẽ dễ dàng chiếm được phần còn lại của lãnh thổ ông; nhưng nếu sự ấy không đến, như bao nhiêu điều khác mà chúng tôi mong mỏi, thì chỉ có Thượng đế mới biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi nhà vua giáp chiến với quân ngụy. Tôi phó thác chuyện này cho sự cầu nguyện của ông [Létondal] và những người thân. Sau tất cả những gì đã vận động, tôi chỉ còn biết gửi việc này trong tay Thượng đế”. (Launay, III, t. 210).

Lá thư thứ hai này làm sáng tỏ những điều mà ta thấy khó hiểu trong lá thư thứ nhất, nó xác định những điểm:

- Vị giám mục về trên độc một chiếc tàu và nó phải đi Phi Luật Tân ngay.

- Tất cả triều đình đều lo ngại [vì thấy Pháp không thực hiện hoà ước].

- Chỉ có nhà vua là không lộ vẻ lo lắng gì vì ông tin vào sức mạnh quân đội của ông [lúc đó Nguyễn Ánh đã bình định xong miền Nam].

- Nhưng dân chúng vẫn còn “kinh hoảng”, họ muốn có quân ngoại quốc tới giúp [đó là ý riêng của Bá Đa Lộc].

- “Nếu những tàu buôn từ Ile de France và từ Pondichéry đến, như chúng tôi mong đợi” câu này triệt tiêu tất cả những lập luận cho rằng Bá Đa Lộc bỏ tiền ra hoặc quyên tiền mua vũ khí giúp Nguyễn Ánh, bởi vì, nếu ông đã mua được khí giới, thì ông không phải mong đợi các tàu buôn đến, mà những tàu buôn này bắt buộc phải đến Sài Gòn để giao hàng.

- Câu sau lại càng có ý nghiã hơn nữa “nhưng nếu sự ấy không đến, như bao nhiêu điều khác mà chúng tôi mong mỏi”, chứng tỏ “sự các tàu buôn kia ghé Sài Gòn” chỉ là niềm mơ ước của ông như bao nhiêu điều khác. Tại sao?

- Tại vì ông tin rằng, như trong lá thư thứ nhất, những tàu buôn này sẽ “thay thế” cho tàu chiến, nghiã là sẽ đánh lừa được cả dân chúng lẫn quân Tây Sơn: dân chúng thấy tàu ngoại quốc “đến giúp” sẽ lên tinh thần và quân Tây Sơn thấy tàu Tây đến sẽ khiếp sợ! Bá Đa Lộc hoàn toàn tin tưởng ở điều này, bởi vì mùa thu 1791, khi thấy Quang Trung đã chiếm Lào, và chuẩn bị đánh miền Nam, ông sợ quá định bỏ đi, kéo theo tất cả những người Pháp, trong thư gửi cho Létondal ngày 14/9/1791, Bá Đa Lộc trách Nguyễn Ánh như sau:

“… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão” (Launay, III, t. 294).

- Câu sau chót “Sau tất cả những gì đã vận động, tôi chỉ còn biết gửi việc này trong tay Thượng đế”, chứng tỏ nỗi thất vọng gần như tuyệt vọng của ông, trong sự “nguyện cầu bàn tay Thượng đế” giúp cho “có các tàu buôn đến Sài Gòn”.

Đó là những chứng từ chính tay giám mục Bá Đa Lộc viết ra về việc ông về tay không, không tàu, không khí giới, không lính mộ.

Nhưng sử gia Maybon không chấp nhận điều đó và ông quyết “chứng minh” ngược lại rằng  vị giám mục không những đã tìm được các nguồn tài trợ để mua khí giới mà còn vận động một chiến dịch các tàu bè ngoại quốc đến cung cấp khí giới cho Nguyễn Ánh nữa!

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc có những nguồn tài trợ để mua khí giới và tàu chiến cho Nguyễn Ánh

Maybon không muốn nhắc tới những tài liệu gốc do chính Bá Đa Lộc viết ra, ông dựng nên một “sự thực” khác, qua sách của Faure, mà ông tỏ ý khinh thường, chỉ vì Faure đưa ra những văn bản không có lợi cho Bá Đa Lộc (sẽ nói đến sau).

Để xác định Bá Đa Lộc có “công đầu” trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh, ngoài công “cứu tử”, mà chúng tôi đã nói đến ở chương 5, Maybon không ngần ngại dùng tài liệu của Faure và của de Guignes do Faure in lại, để chứng minh rằng Bá Đa Lộc, ngoài ơn cứu tử, còn có công cung cấp thuyền tàu và khí giới cho Nguyễn Ánh, và trực tiếp đánh nhau với quân Tây Sơn.

Để làm công việc này, sử gia Maybon vẫn dùng thủ pháp cắt xén các tài liệu.

Mở đầu đoạn Concours apporté par l’évêque au prétendant (Sự hỗ trợ của vị giám mục cho người chiếm lại ngôi báu), Maybon viết:

“… khi mới đến Pondichéry, trong một cuộc cãi vã, giám mục đã nói với Conway, trước mặt Saint-Riveul rằng Sau đó, ngày 11/7/1788, viết thư cho ông tướng [Conway] để lập lại việc xin trở lại Nam Hà, ông [Bá Đa Lộc] lại nói: “Nếu ông bằng lòng cho tôi đi… tôi sẽ cho ông biết những phương tiện của riêng tôi, để làm cho chuyến đi này hữu ích” (Plus tard, le 11 Juillet 1788, écrivant au général pour réitérer sa demande d’être envoyé en Cochinchine, il disait: “Si vous consentez à me laisser partir… je vous ferai part des ressources que j’ai seul pour rendre ce voyage utile). Vị giám mục đã không nói những lời như thế nếu ông không có trước mặt những phương tiện bảo đảm để góp phần vào cuộc viễn chinh” (Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 267).

Để độc giả hiểu rõ bối cảnh hơn, chúng tôi xin nhắc lại sơ lược: Khi Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh về tới Pondichéry thì gặp trở ngại: Conway, toàn quyền Pháp ở đây không chịu xuất quân giúp Nguyễn Ánh, và cuộc tranh chấp tay đôi giữa Bá Đa Lộc và Conway kéo dài nhiều tháng. Những lời Bá Đa Lộc được Maybon trích dẫn trên đây, nằm trong:

1/ Cuộc cãi vã giữa Bá Đa Lộc và Conway.

2/ Lá thư Bá Đa Lộc viết cho Conway.

Đại ý: nếu ông không chịu xuất quân, thì tôi, Bá Đa Lộc, tôi cũng có thể làm được việc này một mình. Nhưng sự thực không phải như vậy.

Về câu nói đầu: “một mình tôi, giám mục Adran, tôi cũng có thể làm cuộc cách mạng”, chữ cách mạng (révolution) ở đây không thích hợp, Bá Đa Lộc thường dùng chữ rất chính xác, vì vậy, chữ này có phải vị giám mục chỉ chuyện “viễn chinh” hay là ông nói một chuyện gì khác, mà Maybon nhập nhằng gán vào câu chuyện viễn chinh.

Về câu thứ nhì: “Nếu ông bằng lòng cho tôi đi… tôi sẽ cho ông biết những phương tiện của riêng tôi, để làm cho chuyến đi này hữu ích” thì hoàn toàn Maybon đã dùng xảo thuật để bịp người đọc không hiểu rõ tình thế. Xin giải thích:

Khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh về tới Pondichéry tháng 5/1788, Conway không chịu xuất quân, vì ông đã nhận được lệnh của Louis XVI cho ông toàn quyền quyết định: nếu đánh mà thắng ngay thì mới đánh, còn không thì dẹp vụ này. Chắc Conway đã dò thám tình hình, biết rõ sức mạnh của Quang Trung (đã diệt xong họ Trịnh từ 1787), khó có thể thắng được. Về phần Bá Đa Lộc, đến hè 1788, ông vẫn chưa biết việc cầu viện sẽ bị đình chỉ, mà vẫn tin rằng chỉ bị chậm trễ, vì Conway chống ông, và ông vẫn viết thư than phiền với nhà cầm quyền Pháp. Vì thế, ông mới xin Conway cho ông về Nam Hà trước, để:

1/ Báo cho cho Nguyễn Ánh biết tin: hoàng tử đã về tới nơi an toàn nhưng việc gửi viện quân sẽ bị chậm trễ vì không thuận gió mùa, phải đợi năm sau.

2/ Thuyết phục Nguyễn Ánh sang Pondichéry, để, một mặt, làm áp lực trên Conway, buộc Conway phải quyết định gửi quân và thứ hai, nhờ Nguyễn Ánh dẫn đường cho quân Pháp đổ bộ vào các cửa biển, vì ông không biết gì cả, ông đã bị Conway quần cho một trận sống chết về việc này. Trong thư ngày 20/5/1788 gửi một người (không rõ tên), Bá Đa Lộc than phiền như sau:

“Tôi phải cực nhọc lắm mới làm ông Conway quyết định gửi cho vua Nam Hà những tin tức mà chúng tôi muốn, đó là: hoàng tử trở về bình an khoẻ mạnh, sự thành công của chuyến đi, lý do khiến cho sự viện trợ của Pháp hoàng không gửi kịp năm nay, và sau cùng, là thời gian và phương tiện sẽ dồn vào để gửi viện trợ cho vua Nam Hà năm tới. Tôi đã đề nghị với ông de Conway, là để tôi thân hành đi, nhưng ông ấy không thuận” (Launay, III, t. 180).

Cuối cùng Conway bằng lòng gửi hai tàu Dryade và Pandour do de Kersaint và de Prévillle điều khiển, về Nam Hà.

Trong lá thư viết ngày 11/7/1788, cho Conway, Bá Đa Lộc khẩn khoản xin Conway cho ông về Nam Hà cùng với hai tàu này: “Nếu ông bằng lòng để tôi đi Nam Hà với những phương tiện và mục đích mà tôi đã hân hạnh đề nghị với ông, tôi sẽ cho ông biết những phương thức, mà chỉ mình tôi mới có, để làm cho chuyến đi này hữu ích” (Si vous consentez à me laisser partir pour la Cochinchine avec les moyens et pour la fin que j’ai eu l’honneur de vous proposer, je vous ferai part alors des ressources que j’ai seul, pour rendre ce voyage utile) (Launay, III, t. 188).

Nói cách khác, câu này ngụ ý: nếu ông bằng lòng cho tôi về Nam Hà, thì tôi sẽ có cách riêng để thuyết phục Nguyễn Ánh sang Pondichéry, như vậy ông ta sẽ đích thân dẫn quân Pháp đổ bộ vào Việt Nam.

Nhưng Maybon đã cắt xén, làm cho nó trở thành: “Nếu ông bằng lòng cho tôi đi… tôi sẽ cho ông biết những phương tiện của riêng tôi, để làm cho chuyến đi này hữu ích”, để hướng độc giả về việc gửi quân viễn chinh: “nếu ông không gửi quân viễn chinh đi, thì tôi sẽ có phương tiện riêng tức là tôi có nguồn tài trợ khác để làm việc này”!

Tất cả là ở chữ ressourses. Maybon đã lợi dụng sự đa nghiã của chữ này, có nghiã là phương tiện, là nguồn lợi tức, là những phương thức…, và ông đã cắt xén lời thư của Bá Đa Lộc, để ép độc giả hiểu ressourses theo nghiã tiền bạc chi cho cuộc viện chinh; hoàn toàn không có trong bối cảnh của bức thư này. Đó là về mặt văn bản.

Về mặt thực tế, Bá Đa Lộc muốn thuyết phục Nguyễn Ánh sang Pondichéry vì hai lý do: buộc Conway phải thi hành thoả ước và chính Nguyễn Ánh sẽ dẫn đường cho quân Pháp đổ bộ; nhưng Conway tối kỵ việc này, vì ông đã quyết định: không đánh; cho nên ông đã dặn Kersaint và Préville, thuyền trưởng các tàu Dryade và Pandour, là đi với nhiệm vụ gián điệp thăm dò tin tức và vẽ bản đồ bờ biển nước Nam, nếu có gặp Nguyễn Ánh, thì tuyệt đối không được dẫn về Pondichéry!

Nói tóm lại: Lời thư của vị giám mục mà Maybon trích dẫn trên đây, chỉ vào việc ông xin về Nam Hà, không liên quan gì đến chuyện tiền bạc chi cho một cuộc viễn chinh.

Vì Maybon không tìm được chứng cớ gì đáng tin cậy, xác định Bá Đa Lộc có những nguồn tài trợ cho cuộc viễn chinh, cho nên ông phải dùng thủ đoạn cắt xén, lấy hai câu nói của vị giám mục, trong một ngữ cảnh khác, rồi đưa vào đây, làm cho độc giả hiểu lầm rằng Bá Đa Lộc có trong tay các nguồn tài trợ khác, cho nên mới hăng hái tuyên bố: nếu ông không làm, thì tôi có thể tự làm lấy việc viễn chinh!

Maybon trình bày “những nguồn tài trợ” của Bá Đa Lộc 

Sau khi đã “chứng minh” Bá Đa Lộc có sẵn trong tay các nguồn tài trợ nên mới dám “quả quyết phát biểu cứng rắn” như trên; Maybon kê khai một số “nguồn tài trợ chính” của Bá Đa Lộc như sau:

1- Nguồn tài trợ thứ nhất: “những nhà buôn “yêu nước”

Maybon xác định những nhà hảo tâm ái quốc [Pháp] ở Ile de France [Ile Maurice] đã bỏ tiền ra giúp Giám mục Bá Đa Lộc bằng chứng cớ sau đây:

“Ta có thể đọc trong bản lược trình, do dân cư ở đảo [Ile de France] đệ trình trước quốc hội ngày 2/12/1790, rằng nếu năm 1787, Bộ [Ngoại Giao và Thuỷ Quân] quyết định để cho Ile de France chuẩn bị gửi quân viễn chinh đi Nam Hà; “thì ta đã tìm được trên đảo này những lính tình nguyện, lính Nam phi (Cafres), những hạm đội và đạn dược cho cuộc viễn chinh quan trọng này”. Và các tác giả của bản lược trình này còn xác nhận: “Nhiều nhà buôn ái quốc [Pháp] của vùng thuộc địa này, đã tặng cho giám mục Adran tất cả tài sản của họ để giúp ông trong sự thực hiện một dự án sẽ có lợi cho đất nước như thế (Plusieurs négociants patriotes de cette colonie avaient offert à l’évêque d’Adran toutes leurs ressources pour l’aider dans l’exécution d’un projet qui serait devenu si avantageux à la nation)”. Sau đó Maybon kể tên hai người có thế lực và tiền bạc, quen Bá Đa Lộc, sau này sẽ trở thành nghị viên là Charpentier de Cossigny ở Ile de France và Louis Monneron ở Pondichéry (Maybon, sđd, t. 268).

Nhận xét về trích đoạn trên đây:

- Những người mà Maybon gọi là dân cư (habitants) ở đảo, thực ra chỉ là 24 vị thực dân; vì dân cư ở đảo (được gọi là indigène) chả có quyền gì mà gửi đơn tới Quốc hội Pháp, để khiếu nại việc mất miếng ăn ở nước Nam vì Louis XVI không thức thời.

- Sáu tháng sau khi phá ngục Bastille (14/7/1789) và lật đổ Louis XVI; ngày 2/12/1790, 24 vị thực dân này mới gửi đơn tố cáo Louis XVI bỏ cuộc viễn chinh, trong khi tất cả đã chuẩn bị xong, tức là có đủ lính tình nguyện, có cả lính da đen, đủ hạm đội và súng đạn cần thiết, lại có các nhà hảo tâm đã tặng hết tài sản cho giám mục Bá Đa Lộc rồi, thế mà lại “ngu muội” bỏ lỡ một chiến dịch lợi hại cho nước Pháp như thế! Đánh Louis XVI như thế người ta gọi là hồi tố, tức là đánh trở lại một viêc qua rồi, không vinh hiển gì; nhưng điểm quan trọng ở đây là câu này: “các nhà hảo tâm đã tặng hết tài sản cho giám mục Bá Đa Lộc rồi”. Câu này thực khả nghi, vì những lẽ sau đây:

1- Ngày 28/11/1787 hiệp ước Versailles được ký kết.

2- Ngày 2/12/1787, Louis XVI quyết định hủy bỏ hiệp định Versailles qua lá thư Bộ trưởng Hải quân gửi cho De Conway, gồm hai lệnh, một lệnh phô trương (ostensible): Pháp hoàng giao cho Conway điều khiển cuộc viễn chinh và một lệnh bí mật (secrète): để Conway quyền quyết định ngừng hẳn, hoặc làm chậm trễ chiến dịch này, tùy theo những thông tin mà vị tướng này nhận được về tình hình, có thể thắng dễ dàng hay không (thư của Bộ trưởng Hải quân gửi De Conway ngày 2/12/1787, Launay, III, t. 197-198).

3- Ngày 27/12/1787 Bá Đa Lộc (và hoàng tử Cảnh) rời hải cảng Lorient lên đường về Việt Nam, trên tàu Dryade, không biết gì về mật lệnh của vua Pháp.

4- Khi tàu đến Ile de France, Bá Đa Lộc phải giấu kín việc viễn chinh (bí mật quân sự) và ông cũng không biết gì về mật lệnh Pháp hoàng gửi Conway. Đối với ông mọi việc đang tiến hành tốt đẹp. Vậy không có lý do gì, và ông cũng không thể, đi xin tiền các nhà “hảo tâm yêu nước” Pháp và được họ cúng “tất cả tài sản” cho cuộc viễn chinh này (một khi việc này là mật). Lập luận này vừa không có cơ sở vừa tai hại cho danh tiếng Bá Đa Lộc, một người tu hành.

5- Ngày 18/5/1788, tàu đến Pondichéry. Trong suốt thời gian ở Pondichéry, sở dĩ phải tranh chấp, đấu đá với de Conway, vì Bá Đa Lộc vẫn không biết việc Pháp Hoàng đã cho Conway mật lệnh. Vì vậy Conway đưa ông ra “bộ tư lệnh” để hỏi “khẩu cung” về việc đánh như thế nào, đổ bộ ở đâu, và ông không trả lời được, do đó mới có việc ông xin về VN trước để thuyết phục Nguyễn Ánh đích thân sang Pondichéry (Faure, Bá Đa Lộc, chương 13). Qua tất cả những việc này, Bá Đa Lộc vẫn “hồn nhiên” tin là vì Conway xấu bụng, cho nên trong thư từ trao đổi với Montmorin và các bộ trưởng hải quân kế tiếp, ông tố cáo sự ngoan cố của Conway và ông vẫn tin tưởng là mình nắm chắc phần thắng (Faure, Bá Đa Lộc, chương 14). Đến phút chót, khi Bá Đa Lộc nhận được lá thư của La Luzerne, bộ trưởng Hải quân, viết ngày 16/4/1789, ở Versailles, ông mới biết rõ quyết định này đến từ chính phủ Pháp: “Cuộc viễn chinh này không thể thực hiện được. Tôi cho phép bá tước de Conway cấp cho ông phương tiện để về Pháp, nếu ông muốn như thế”. (Cette expédition ne pouvait avoir lieu. J’autorisais M. le comte de Conway à vous fournir les moyens de revenir en France, si vous préfériez ce parti) (Launay, III, t. 199). Bá Đa Lộc chỉ biết tin này khoảng hơn hai tuần trước khi ông về VN (ngày 15/6/1789, Bá Đa Lộc lên tàu Méduse và ngày 14/7/1789 về tới Vũng Tàu).

Lệnh thư được viết ngày 16/4/1789 ở Versailles, tức là ba tháng sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, là một quyết định sáng suốt và hoàn toàn có cơ sở; và sớm lắm là hơn một tháng sau, Bá Đa Lộc ở Ấn Độ mới nhận được, tức là vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/1789.

Vì không thông thạo tình hình hoặc vì quá chủ quan, nên Ba Đa Lộc, trong thời gian tranh chấp với Conway, từ tháng 5/1788 đến tháng 6/1789, vẫn tin là cuối cùng mình sẽ thắng. Điều này chứng tỏ Bá không có kinh nghiệm về chính trị và quân sự. Chính báo cáo “láo” của ông với vua Pháp về tình hình thảm hại của quân Tây Sơn, về sự chiếm Đà Nẵng và Qui Nhơn dễ như trở bàn tay, đã làm hại ông. Tháng giêng 1789, Quang Trung đã phá tan 200.000 quân Thanh, trong hoàn cảnh này, nếu quân Pháp đổ bộ với 3, 4 chiếc tàu và chưa đầy 1500 lính, thì có nguy cơ bị nuốt chửng. Mật thám của Conway (hay của Bộ Quốc phòng Pháp) không thể không biết rõ điều đó.

Kết luận: Bá Đa Lộc không thể xin các nhà hảo tâm ở Ile de France bỏ tiền ra giúp cuộc viễn chinh, vì cho đến phút chót, trước khi lên tàu ở Pondichéry về Việt Nam, ông mới biết lệnh bãi bỏ của chính phủ Pháp.

Đó là lý do khiến cho cái cớ Maybon đưa ra về sự Bá Đa Lộc được các nhà hảo tâm ái quốc ở Ile de France cúng cho tất cả tài sản của họ là không thể chấp nhận được.

Sau nguồn tài trợ của “các nhà hảo tâm yêu nước”, Maybon đưa ra nguồn tài trợ thứ nhì: kho tàng của Nguyễn Ánh.

2- Nguồn tài trợ thứ nhì: Kho tàng của Nguyễn Ánh

Rồi dường như chính sử gia Maybon cũng không tin lắm ở “nguồn tài trợ của những nhà hảo tâm yêu nước”, nên ông không ngần ngại kê khai tiếp những “nguồn tài trợ” khác, ông viết:

“Một nguồn [tài trợ] chắc chắn nữa, mà giám mục Adran có thể trông cậy được là kho tàng của chính Nguyễn Ánh và [sự kiện] nhà vua có thể vay mượn được. Rất có thể nhà vua mua được khí giới và thuê tàu, hoặc bằng cách đổi hàng hoá hay trả bằng tiền, hoặc hứa hẹn sẽ trả sau. Vì vậy, ta thấy trong Thực Lục lệnh mua mỗi năm một trăm nghìn livre đường ở những nhà sản xuất Việt, thực phẩm này dùng để đổi lấy vũ khí do người Pháp cung cấp (Maybon, t. 268-269).

Maybon muốn nhắc đến câu này trong Thực Lục: lệnh mua đường cát vào tháng 11-12/1789, Thực Lục ghi: “Sai dinh Trấn Biên đặt mua đường cát, mỗi năm 10 vạn cân làm hạn, cứ số đường 100 cân thì phát trước tiền công cho 10 quan. Đến ngày nộp đường cho nhà nước thì theo giá chợ mà cấp thêm, để sẵn mà đổi cho người Tây Dương lấy đồ binh khí.” (Thực Lục, I. t. 253).

Thực không khỏi sững sờ khi đọc những hàng này: sử gia Maybon, vì túng tài liệu chứng minh Bá Đa Lộc bỏ tiền ra giúp Nguyễn Ánh, đã phải mượn tạm “kho tàng” của Nguyễn Ánh để làm “nguồn tài trợ” cho Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh!

Chuyện kho tàng này, ông chép của Ste-Croix, chính ông cho in lại trong La Relation Bissachère: “Người ta quả quyết rằng nhà vua có nhiều kho tàng lớn lao, chôn giấu nhiều vàng thoi” (Ste- Croix, La Relation Bissachère, t. 94).

Về việc vua sai mua đường tích trữ để đổi súng đạn thì Thực Lục, việc tháng 11 năm Kỷ Dậu (11-12/1789) chép như sau: “Sai dinh Trấn Biên mua đường cát, mỗi năm 10 vạn cân, để sẵn, đổi cho người Tây Dương lấy đồ binh khí”. (Thực Lục, I, t. 253).

Sử gia Maybon đưa chuyện này vào “danh sách” các nguồn tài trợ của Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh thì thực là cùng quẫn quá!

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc nhờ những nguồn tài trợ mà đạt những thành tựu 

Sau khi kê khai đầy đủ các “nguồn tài trợ” của Bá Đa Lộc, Maybon kể đến những “thành tựu” của Bá Đa Lộc, từ trang 269 đến trang 279, ông hoàn toàn phỏng theo chương 17 của Faure mà không đề xuất xứ, hoặc đề thoáng qua. Bản thân Faure lại dựa vào “thông tin” của de Guignes; khi đến tay Maybon, sẽ thành như thế này:

“Dù từ nguồn tài trợ nào đi chăng nữa, thì sự vận động của đức giám mục đã có hiệu quả trông thấy từ năm 1788. Tàu Dryade, đi từ Pondichéry ngày 15/8 cùng với tàu Pandour, dừng ở Poulo-Condor cho Paul Nghị xuống với vài người An Nam, cũng để lại 1000 khẩu súng trường mua cho Nguyễn Ánh (theo ông Faure, t. 199). Vào tháng 12, cùng thời gian tàu Dryade đậu ở Macao (từ 13 đến 29), “vị đại lý (agent) của vua [Pháp] ở Quảng Đông, ông de Guignes, con trai nhà Đông phương học nổi tiếng, viết cho ông Bộ trưởng [ngoại giao], quy định sự thành công của Nguyễn Ánh là “nhờ nhiều tàu ông ta đã mua”… Sau đó, vẫn ông agent này gửi cho ông bộ trưởng những thông tin chi tiết hơn: “Những người Bồ ở Macao, thuận theo gió mùa, gửi tám chín tàu lớn nhỏ khác nhau cho Nam Hà… những tàu này chở hàng hoá và súng đạn. Hai hải hạm từ Ile de France, chở súng và những thứ cần thiết cho vua vùng này, cũng ghé bến; tàu lớn Garonne… cũng ghé qua Nam Hà và ở lại đó mấy ngày… Còn tàu kia, có lẽ là Robuste, có lẽ đã ở lại Vũng Tàu… người ta biết rằng tàu Garonne khi đi sang Xiêm đã bán hai trong số đại bác của tàu cho những ông quan An Nam đến đây… Nhiều tàu khác cũng ghé đến Vũng Tàu trong tháng 6 và 7; đó là, hình như, tàu Moyse và Capitaine Cook…Tàu St-Esprit, do Jean-Marie Dayot... cũng đi cùng tới Phi Luật Tân để mua súng ống lương thực, rồi từ đó sang Macao nơi Dayot phải mua hai tàu Bồ để đưa về Vũng Tàu. Trong năm 1790, Dayot cũng lại được gửi một lần nữa đi Phi Luật Tân với hai tàu mà anh có nhiệm vụ sửa chữa, và anh cũng được lệnh mua lưu huỳnh… (Maybon, t. 269-270).

Sử gia còn tiếp tục viết thêm nhiều trang kê khai những loại “thành tựu” như thế của Bá Đá Lộc! Tóm lại, với những “hình như”, “có thể”, “nghe nói”… Maybon đã đưa tên tất cả những tàu bè có thể ghé Nam Hà, có thể chở súng đạn, có thể bán cho Nguyễn Ánh… vào danh sách “công lao” của Bá Đa Lộc.

Đoạn văn này Maybon tóm tắt chương 17 của Faure (Bá Đa Lộc, t. 193- 210). Cả hai tác giả đều muốn nói rằng: tất cả những tàu Pháp (và tàu Bồ) nào ghé qua Nam Hà, cũng chở khí giới cho Nguyễn Ánh và cũng do công của Bá Đa Lộc “vận động” họ đến giúp Nguyễn Ánh dựng nghiệp, hoặc chở khí giới bán cho Nguyễn Ánh!

Maybon chép Faure, nhưng không nói rõ tác giả. Faure lại dựa vào những tin tức của de Guignes và Ste-Croix, và chúng ta đã biết giá trị của loại thông tin này trong các chương trước. Maybon chép Faure nhưng làm như mình lấy tin ở một nguồn khác, đáng tin cậy hơn, ông viết: “vị đại lý của vua ở Quảng Đông, ông de Guignes, con trai nhà Đông phương học nổi tiếng, viết cho ông Bộ trưởng…”

Vẫn là agent de Guignes đấy, người đã được Faure thăng lên hàng lãnh sự, ở đây được Maybon đưa lên làm agent du roi tức là đại lý của vua. Nhưng một đại lý của vua viết báo cáo thường xuyên về bộ ngoại giao, theo chỗ chúng tôi biết, vẫn chỉ là gián điệp.

Maybon thấy điạ vị đại lý của vua vẫn chưa đủ cao, nên ông còn thêm vào con trai nhà Đông phương học nổi tiếng, chúng ta không biết là ai và cũng chả cần biết; chỉ biết là những “thông tin” của agent du roi, đúng hay sai, cũng không thể dùng để chứng minh rằng Đức Giám Mục Bá Đa Lộc, đã có quyền sai khiến những tàu Pháp và Bồ, có dịch vụ trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phải chở khí giới, lương thực đến Việt Nam giúp Nguyễn Ánh!

Sau cùng, khi Maybon viết câu này: “Tàu Dryade, đi từ Pondichéry ngày 15/8 cùng với tàu Pandour, dừng ở Poulo-Condor cho Paul Nghị xuống với vài người An Nam, cũng để lại 1000 khẩu súng trường mua cho Nguyễn Ánh” (theo ông Faure, t. 199). Và Faure chép báo cáo của de Guignes. Thì xin nhắc sử gia rằng: Hai tàu này chính là tàu Conway gửi đi do thám tình hình Việt Nam, đã nói ở trên, nếu có chở 1000 khẩu súng trường mua cho Nguyễn Ánh, thì phải là súng của Hồ Văn Nghị mua cho Nguyễn Ánh; ông Nghị là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi tay Nguyễn Huệ năm 1777; và nhà vua thường sai ông đi những nhiệm vụ bí mật, lần này, ông mua súng của Pháp đem về; chứ giám mục Bá Đa Lộc, không thể qua mắt Conway, gửi súng lậu trái phép về cho vua Nam Hà, trên tàu của de Conway.

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc đem tàu và khí giới về giúp Nguyễn Ánh

Bất chấp những điều giám mục Bá Đa Lộc viết trong hai thư tháng 7/1789, đã dẫn ở trên, rằng giám mục về tay không, trên độc một tiểu hạm (frégate Méduse) và nó lại phải đi Phi Luật Tân ngay, Maybon “viết lại lịch sử” như sau:

“Chính tàu Méduse, dưới sự điều khiển của hải quân đại tá Rosily, đã đưa giám mục Adran và hoàng tử Cảnh về Nam Hà (tháng 6-7 1789) hình như đã góp phần vào việc tiếp tế cho nghiã quân của Nguyễn Ánh.

Trong chuyến đi, chiếc tiểu hạm này (frégate), hình như có hai tàu hộ tống – Renouard de Ste-Croix xác định rõ là hai chiến hạm dẫn đường (corvette). Chaigneau, đã sống với những người chứng kiến việc này, 30 năm sau viết: “Vị chủ giáo trung thành từ Pháp trở về không có quân theo, nhưng ở Ấn Độ, ông đã quyết định cho hai tàu Pháp theo ông để trợ giúp những toan tính của ông. Chính với một nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này mà ông đã đến trình diện chủ của ông [nhà vua]”. (Maybon, t. 271-272).

Và ở cuối trang 271, note số 4, trang 271, ông viết:

“Hầu hết các tác giả đều nói về điều này [hai tàu hộ tống], lời lẽ khác nhau chút ít, chủ yếu là Louvet và Bouillevaux; Louvet nói rằng: “Giám mục Adran trang bị hai tàu buôn, ông mua vũ khí và đạn dược và đổ bộ lên Nam Hà trong những tuần lễ đầu tiên năm 1789. Bá tước de Conway, mặc dầu chống đối, cũng không thể từ chối không cấp cho giám mục một chiến hạm, để chở vị giám mục và đoàn tuỳ tùng” (Louvet, sđd, t. 427-428), còn về Bouillevaux, ông nói rằng: “Ông (Conway) dường như đã cho hộ tống vị chủ giáo và hai tàu buôn bằng tàu nhà nước Méduse (Bouillevaux, sđd, t. 393, note 1). Thông tin này chắc lấy ở Văn khố Hội Thừa sai Ngoại quốc” (Maybon, note 4, t. 271).

Đó là lối làm việc của sử gia Maybon, được Cadière khen là “sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất”, tức là bác bỏ văn bản gốc của Bá Đa Lộc để dùng những thông tin vô căn cứ của Ste-Croix, của Chaigneau (năm 1789 chưa đến Việt Nam) và nhất là lời bịa đặt hoàn toàn của giáo sĩ Louvet: “Giám mục Bá Đa Lộc, mua vũ khí đạn dược và đổ bộ lên Nam Hà đầu tháng giêng năm 1789!”. Riêng giáo sĩ Bouillevaux, nhờ hai chữ dường như, được hưởng trường hợp giảm khinh. Nhưng sử gia Maybon, người dùng những “thông tin” này còn nhấn mạnh rằng: thông tin này chắc lấy ở Văn khố Hội thừa sai ngoại quốc, là đã phạm tội dùng tên Hội thừa sai để bảo trợ cho những nguồn tin thất thiệt.

Maybon “chứng minh” Công ty Pháp Ấn tiếp viện cho Nguyễn Ánh

Sau khi “chứng minh” Bá Đa Lộc “đem tàu và khí giới về giúp Nguyễn Ánh”, Maybon dùng “nguồn tin” của de Guignes để viết tiếp:

“Tàu Méduse ghé bến Vũng Tàu từ 24/7 đến 4/8 [1789], và để lại đấy hai tàu mà nó đi kèm; sau đó nó dừng lại ở Phi Luật Tân (từ 4/9 đến 13/12) rồi từ đó đi Macao “để lấy những lương thực mà tôi [de Guignes] đã dự trữ sẵn cho nó” de Guignes nói như thế. Công ty Ấn Độ ở Quảng Đông có lẽ cũng quan tâm tới tình trạng của ông hoàng đang chiếm lại ngai vàng và góp phần vào công trình của vị giám mục. Thực vậy, M. Lavoué viết ngày 10/10/1790 từ Chantaboun: “Hình như Công ty [Pháp Ấn] đảm nhận việc tiếp tế cho nhà vua để giúp ông lấy lại ngai vàng”.

Tàu Méduse, khi rời Macao, lại quay về Vũng Tàu, ngày 27/1/1790; đỗ ở đấy gần ba tuần lễ (tới 17/2) và sự cập bến lâu như vậy có thể giải thích là để dỡ hàng, một thứ vật liệu gì quan trọng. Ghi chú thêm rằng, Théodore Lebrun, khi đến Macao đã bỏ tàu, lại thấy có mặt ở Nam Hà giữa năm 1790 và cuối năm này, những hạm đội Âu châu, khá đông, tụ tập ở sông Sài Gòn. Chính M. Lavoué, đã nói điều này trong lá thư vừa dẫn ở trên: “quần chúng đồn rằng hiện giờ trước thành phố này có đến 14, 15 chiến hạm” và ông [Lavoué] còn nói thêm: “nếu điều đó đúng, thì hình như Công ty Pháp Ấn đã gửi viện binh cho nhà vua”. Vẫn vị giáo sĩ này, viết ở chỗ khác rằng: “những chiến hạm này của Pháp và Bồ Đào Nha”, v.v. (Maybon, sđd, t. 272-273).

Vẫn với những hình như, có thể… Maybon móc nối những sự kiện không liên hệ với nhau, rồi suy diễn ra, như việc tàu Méduse ghé Macao lấy “lương thực mà de Guignes dự trữ sẵn”, để ngầm hỏi [lương thực này viện trợ cho vua Nam Hà chăng?], rồi việc Lavoué viết: Công ty Pháp Ấn “hình như” cũng tiếp tế cho vua Nam Hà; đến việc tàu Méduse quay lại Vũng Tàu đỗ gần ba tuần [chắc để dỡ hàng quan trọng?], việc Le Brun đến Nam Hà giữa năm 1790, việc có nhiều tàu Âu châu tụ họp ở Sài Gòn, v.v. để “chứng minh”: tất cả những chuyến tàu này là để “tiếp tế” cho vua Nam Hà. Và ông kết luận:

“Trong sự thiếu vắng – dễ hiểu – những thông tin chính xác và đầy đủ chi tiết, ta đành phải ước lược liệt kê, trong khoảng những năm 1789, 1790, 1791, một số lớn những dấu hiệu cho thấy có một chuyển động đáng kể nhiều tàu giữa Ile de France và biển Đông, mà mục đích hiển nhiên là để tiếp tế cho Nguyễn Ánh” (Maybon, t. 273).

Thực lạ lùng khi thấy một “lập luận” như vậy. Sau khi đã dùng những “nguồn tài trợ tưởng tượng” và “kho tàng của Nguyễn Ánh” để “mua vũ khí tiếp tế” cho Nguyễn Ánh, bây giờ Maybon lại dùng bản kê khai tên những tàu Pháp hoạt động trong vùng Ấn Độ Dương và biển đông trong thời gian 1785-1790, của Faure để “chứng minh” rằng có nhiều chuyển động của tàu Pháp từ Ile de France tới biển Đông, với mục đích tiếp tế cho Nguyễn Ánh!

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc đánh nhau với quân Tây Sơn ở Diên Khánh

Một điểm khá lý thú nữa là việc sử gia Maybon “chứng minh” Đức Giám Mục Bá Đa Lộc đã trực tiếp tham chiến. Điểm này không phải ông “khám phá” ra mà ông chỉ diễn lại ý của Faure, kèm theo “nhân chứng” và “biện luận”.

Maybon viết: “Ông [Bá Đa Lộc] đã đích thân tham dự vào những trận đánh. Người ta thấy ông, năm 1794, tháp tùng hoàng tử Cảnh ra Nha Trang và đánh nhau với quân nguỵ, năm 1797, đã lên hạm đội của Nguyễn Ánh…” (Maybon, t. 280).

Để chứng minh cho điều này, trong note số 1, trang 280, Maybon đưa ra tài liệu sau đây:

Lời của Le Labousse: “trên tường thành Diên Khánh người ta đã gắn “một số đại bác bằng gỗ sơn để dọa kẻ thù”. Câu này do Cadière thuật lại trong Les documents relatifs… t. 34, note 1), rằng: “Trong một thư của M. Le Labousse ngày 12/7/1796, có nói trên tường thành Diên Khánh, người ta đặt một số “đại bác bằng gỗ sơn” mà Giám Mục Adran đã cho đặt ở đó để làm cho kẻ thù sợ. Còn súng thật, cũng ở đó, nhưng theo lời khuyên của giám mục Adran, không dùng”.

Câu này thật là kỳ dị: Bá Đa Lộc đặt súng giả để cho Tây Sơn sợ, còn súng thật thì không cho dùng. Chúng tôi tìm lại lá thư này của Le Labousse, thì không thấy ở đâu in lại cả: Launay in hai lá thư khác của Le Labousse viết cùng ngày, không hề có câu này. Tại sao Cadière không in toàn bộ lá thư ấy trong tập Les documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) của ông, mà chỉ “thuật” lại một câu trong chú thích như thế?

Kỳ lạ nhất là Maybon dùng câu ấy để “chứng minh” giám mục Bá Đa Lộc thực sự điều khiển trực tiếp việc giữ thành Diên Khánh!

Nhưng điều lạ hơn nữa là Tạ Chí Đại Trường vẫn như thường lệ, chép lại sử gia thuộc điạ và thêm thắt vào: “Ngày 2-5 đã có bộ binh Hưng và 50 voi vào Bình Khang vây kín ba mặt thành Diên Khánh. Bên trong chống giữ là Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh, với lời dặn dò của Nguyễn Ánh lúc ra đi nhắc nhở sự quan trọng của ngôi thành: “Ta đêm ngày hao mòn, từng phải cay đắng mới được chút đất này đó”.

Bẩy ngàn quân bên trong chống với 40.000 quân bên ngoài. Trên thành, Bá Đa Lộc cho đặt thêm nhiều đại bác giả làm nghi binh. Quân Diệu ở ngoài bắn đại bác vào không hiệu quả mới đắp lũy đất vây quanh” (Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 279).

Ta đã kinh ngạc khi thấy học giả Cadière đưa ra một lời thư “dớ dẩn” bảo của linh mục Le Labousse viết rằng: giám mục Bá Đa Lộc sai đặt đại bác giả, còn đại bác thật không cho dùng.

Lại càng kinh ngạc hơn khi thấy sử gia Maybon chép lại ý này và dùng làm chứng, cho sự “đức giám mục chỉ huy trận đánh”.

Nhưng đến Tạ Chí Đại Trường thì ngoài sức tưởng tượng: Gia Long giao thành Diên Khánh cho một ông thầy tu và một đứa nhỏ 13 tuổi chống với Trần Quang Diệu. Và quân Trần Quang Diệu bắn vào đại bác giả mà “không hiệu quả” đành phải xây thành đất vây quanh!

Khi viết những dòng hồ đồ trên, Maybon, Cadière và những người khác, không biết hoặc cố ý lờ đi lá thư của giáo sĩ Lavoué gửi cho quản thủ Letondal ở Macao, bác bỏ tất cả những luận điệu cho rằng giám mục Bá Đa Lộc đã đánh trận:

“Đức ông [Bá Đa Lộc] có đánh nhau không? Đức ông có dám hành động trái với lệnh Đức Thánh Cha [Giáo hoàng] không? Những kẻ biết rõ Đức ông không thể nào chấp nhận đó là điều tin được và họ có lý. Không, Đức giám mục Adran không đánh nhau gì hết. Nhà vua đã khẩn khoản nài nỉ Đức ông tháp tùng hoàng tử ra Nha Trang, vùng mới chiếm được, để giữ thành. Hoàng thượng nói thêm: “Nếu ngươi không đi với nó, thì nó sẽ quên những điều ngươi dạy và chắc chắn sẽ hư hỏng cả. Ta gửi nó đi bởi vì ta biết tên nó sẽ tạo sự kính nể, bắt buộc tất cả các quan phải can đảm, thà chịu chết chứ không bỏ nó. Nếu không có nó, thì bọn bầy tôi của ta sẽ bỏ chạy ngay khi nghe tin quân Tây Sơn đến”. (Thư của M. Lavoué gửi M. Létondal, ngày 27/4/1795, Launay, III, t. 286-287).

Việc vua sai Đông cung đi trấn thành Diên Khánh nằm trong thông lệ của nhà Nguyễn có từ thời các chúa ngày trước: chuẩn bị cho người nối ngôi có kinh nghiệm chiến đấu và cai trị, vì vậy, các chúa thường cho thế tử làm trấn thủ Quảng Nam, trước khi lên kế vị. Như trường hợp chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) khi còn là Dũng Lễ Hầu, đã chiến thắng quân Hoà Lan, năm 1644, ở vịnh Đà Nẵng. Gia Long tiếp tục truyền thồng này, bắt Đông cung Cảnh đi trấn Diên Khánh ở tuổi 13, và khi đi đánh Quy Nhơn năm 1800, dẫn Minh Mạng lúc ấy mới 9 tuổi đi theo.

Về thành Diên Khánh: vua sai Đông cung Cảnh trấn Diên Khánh hai lần:

1- Lần đầu, từ tháng 12/1793 đến tháng 8/1794, Cảnh mới 13 tuổi.

2- Tháng 11-12/1798 vua sai Đông cung, 18 tuổi, làm tướng, thống lĩnh tướng sĩ dinh Tả quân và vệ tiền quân Thần Sách, đến giữ Diên Khánh, lần thứ nhì. Có Bá Đa Lộc, Tống Viết Phước và Nguyễn Công Thái, hậu thuẫn. Tống Viết Phước tính nóng, lúc giận, sỉ nhục Bá Đa Lộc, bị gọi về Gia Định quở phạt. Từ tháng 11-12/1798 đến tháng 5/1799, mặt trận Diên Khánh yên tĩnh, áp lực dồn về Quy Nhơn. Cuối cùng, Võ Tánh hạ được Quy Nhơn. Tống Viết Phước tử trận. Bá Đa Lộc mất ở Quy Nhơn ngày 9/10/1799 sau ba tháng bị bệnh dịch tả.

Mặt trận Diên Khánh, phần quyết liệt, xảy ra khi Đông cung trấn thủ Diên Khánh lần đầu (từ tháng 12/1793 đến tháng 8/1794) cùng Bá Đa Lộc, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu và các tướng: Phạm Văn Nhân (Phó tướng tả quân), Tống Phước Đạm (Giám quân trung dinh), Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành. Tháng 2/1794, Chưởng dinh Nguyễn Huỳnh Đức, xin ở lại Diên Khánh giúp Đông cung. Nguyễn Vương còn sai Nguyễn Văn Khiêm, phó Vệ uý vệ túc trực quân Thần Sách đến Diên Khánh phò Đông cung (Thực Lục, I, t. 302, 305). Như vậy, Cảnh, 13 tuổi, trấn Diên Khánh, vị trí địa đầu, với một bộ tổng tư lệnh quân đội gồm ba đại tướng: Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Nguyễn Huỳnh Đức và hai đại thần là thầy dạy học Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu, cùng với sư phó Bá Đa Lộc. Đến khi vua quyết định thân chinh cứu Diên Khánh, mới gọi Nguyễn Huỳnh Đức về trấn Gia Định.

Trong số các đại tướng ở lại trong thành Diên Khánh với Đông cung, có Phạm Văn Nhân là thầy dạy về binh bị, và Tống Phước Đạm là một vị tướng lão thành, mưu lược, họ ngoại của Đông cung (chính ông đã dâng chiến lược cho vua bỏ Xiêm La, trở lại chiếm Nam Hà, khi anh em Tây Sơn bất hoà, và làm kế phản gián, chia rẽ Phạm Văn Tham và Nguyễn Lữ, năm 1787). Thực Lục ghi công tướng Tống Phước Đạm giúp Đông cung đắc lực trong việc giữ thành Diên Khánh (Thực Lục, I, t. 314).

Ngoại trừ Cadière, các tác giả thực dân khi viết về giai đoạn này, thường “không thèm biết” đến toàn bộ lực lượng đại binh của Nguyễn Vương, coi như không có, tôn Bá Đa Lộc lên làm đại nguyên soái, chỉ huy, giữ thành Diên Khánh, với những “chứng cớ” khôi hài, đi ngược lại với lá thư của linh mục Lavoué ngày 27/4/1795, xác định vị giám mục không hề tham dự vào cuộc chiến.

Maybon tổng kết công lao của Bá Đa Lộc

Sau khi đã hoàn thành xong toàn bộ “lập luận” về công lao của Bá Đa Lộc và các sĩ quan Pháp. Maybon “tổng kết” công trạng này bằng những hàng sau đây:

“Vai trò của nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này, trong sự thiếu vắng thông tin mong đợi, không thể xác định được một cách chi tiết. Nhưng không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần lớn lao vào chiến thắng của Nguyễn Ánh. Ấy là chưa kể đến phần của họ trong những trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn năm 1792 và những trận dẫn đến chiến thắng Huế năm 1801. Người ta không khỏi khâm phục công trình kiến tạo mà họ đã thực hiện trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một nền hải quân theo lối Tây phương và thành lập đội ngũ thủy binh; họ đã huấn luyện quân đội, họ đã đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập những cấp chỉ huy; họ đã đúc đại bác, dạy cho người An Nam cách dùng trái phá, họ đã tạo ra đội ngũ pháo binh lưu động mà sự di chuyển đã khiến quân Tây Sơn khiếp viá; họ đã xây dựng những thành đài” (Maybon, sđd, t. 279).

Những dòng ca tụng “công trạng” của những “sĩ quan” Pháp này hoàn toàn chép lại Ste-Croix và Faure mà chúng tôi đã trình bày trong các chương trước. Không có gì của Maybon cả, cho nên chúng ta không cần bận tâm phân tích và phê bình. Vả lại việc đưa vài người lính Pháp, binh nhất, binh nhì, gần như vô học, viết chữ Pháp chưa thạo, lên địa vị hàng đầu, đã thành lập và chỉ huy toàn bộ quân đội và xây dựng các thành trì của Gia Long và nước Việt Nam như thế; những “chứng từ” như thế khiến cho giới nghiên cứu đứng đắn không khỏi e ngại về trình độ học thuật và lương tri trí thức của giới nghiên cứu thuộc điạ.

Cuối cùng chúng ta thử đọc những hàng Maybon viết về công lao của Bá Đa Lộc:

“Không còn nghi ngờ gì nữa, những người góp phần hữu hiệu nhất vào cuộc chinh phục ngai vàng, Olivier, Dayot, Vannier, Chaigneau, đã chỉ hành động dưới sự thúc đẩy và dưới sự điều khiển của ông [Bá Đa Lộc]; ông đã lập hội đồng [chỉ huy] quy tụ họ, để giải quyết những vấn đế quân sự và tìm giải pháp cho các vần đề được giao phó. Ngoài ra, ông còn dịch sang tiếng Nam, người ta thường kể như thế, những tác phẩm về thuật chiến đấu và ông làm cách nào để uốn nắn đầu óc nhà vua khiến cho ông ta có đủ khả năng để hiểu điểm cốt yếu trong những phương pháp Tây phương. Sau cùng, ông đích thân dự vào những trận đánh. Người ta thấy năm 1794 ông đi kèm hoàng tử Cảnh ra Nha Trang và ông chiến đấu chống quân nguỵ; năm 1797, ông ở trên hạm đội của Nguyễn Ánh; năm 1799…” (Maybon, sđd, t. 279-280).

Sau khi tiếp tục kể công trạng của Bá Đa Lộc cả trang nữa, ông liệt kê những nhược điểm của Nguyễn Ánh: “tính uể oải bẩm sinh”, “ luẩn quẩn, do dự”, “thích an nhàn”, “thoả mãn với việc trị vì Sài Gòn”, “sợ hiểm nguy của việc tấn công”, v.v. may nhờ đức giám mục cảnh giác, kiên trì theo đuổi “mục đích đã vạch sẵn là đưa ông hoàng trở lại ngai vàng của tiền nhân”. (Maybon, sđd, t. 281-282). Và sau cùng ông vẽ chân dung tổng quát của Bá Đa Lộc như sau:

“Pigneau không chỉ thỏa mãn với vai trò lãnh đạo, ông còn quan tâm đến cả những chi tiết; ta đã biết lá thư của Nguyễn Ánh viết cho Louis XVI, rõ ràng Giám Mục là người cổ xuý, nếu không muốn nói là người viết lá thư này; còn những trường hợp khác, dường như lại rõ ràng ông làm cố vấn khôn khéo cho mối liên hệ với đại diện các nước Âu châu trong biển Ấn Độ và Trung Hoa, với những chính quyền Macao, Phi Luật Tân, Bengale; từ thư gửi vua Anh đến vua Đan Mạch cũng mang dấu ấn thiên tài của ông.

Làm một thứ Bộ trưởng chiến tranh kiêm bộ trưởng ngoại giao của nhà vua và trong tất cả mọi trường hợp, là bạn và là người hết lòng che chở, khôn khéo, cứng rắn, đó là vai trò của vị chủ giáo trứ danh bên cạnh nhà vua, là người đã dẫn dắt ông ta tới ngai vàng một nước hùng mạnh nhất miền đông bán đảo Hoa Ấn”. (Maybon, t. 283).

Đoạn này, cũng vẫn không phải của ông, sử gia Maybon vẫn chép lại Faure. Nhưng nếu Faure chỉ tung ra những xác định vô bằng như: “Đức giám mục Bá Đa Lộc trực tiếp thương lượng với các cường quốc bên ngoài, tổ chức các hạm đội và quân đội, lãnh đạo hoặc chỉ huy những đoàn quân lớn”, “trong những hội đồng chiến tranh” đức cha luôn luôn ngồi cạnh và ngang hàng với vua”. “Đức giám mục… cho Dayot làm tư lệnh hải quân với chức vụ hải quân đại tá”. “Olivier là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội dưới quyền điều khiển của Đức Cha.” (Faure, Bá Đa Lộc, Chương 18), v.v. thì Faure chưa dám nói rằng: Bá Đa Lộc viết cả thư từ cho vua Gia Long nữa. Nhưng Maybon dám làm việc đó; trước tiên, ông đặt câu hỏi: không biết vị giám mục làm cách nào để uốn nắn đầu óc nhà vua khiến cho ông ta có đủ khả năng để hiểu điểm cốt yếu trong những phương pháp Tây phương?”, một câu hỏi xúc phạm tột điểm, rồi sau đó ông xác định: chính vị giám mục đã viết thư cho Gia Long, nhất là bức thư gửi cho vua Louis XVI, cám ơn về việc đã hủy bỏ viện binh.

Nếu vị sử gia trứ danh đọc kỹ tài liệu thì ông đã không thể viết những hàng hoàn toàn biạ đặt như thế:

Thư của Bá Đa Lộc viết cho Conway, từ Virampatnam ngày 18/3/1789, có câu:

“Vì sự hiểu nhầm về nơi hẹn, nên cha Paul [Hồ Văn Nghị] giáo sĩ người Việt, đã không kịp đưa cho hiệp sĩ de Kersaint, thuyền trưởng tàu Dryade, những gói đồ mà nhà vua gửi cho tôi, gồm có:

1- Một thư cám ơn của nhà vua gửi cho vua Pháp.

2- Một lá thư khác gửi cho hoàng tử con ông ở đây.

v.v.” (Launay, t. 195)

Lá thư này Bá Đa Lộc viết ngày 18/3/1789, khi còn ở Ấn Độ, bốn tháng sau ông mới về tới Việt Nam (đến Vũng Tàu ngày 14/7/1789), và ông đã nói đến lá thư vua Gia Long viết cám ơn Pháp hoàng. Vậy có thể nào “thiên tài” Bá Đa Lộc “viết thư hộ” vua Gia Long, khi ông còn ở trên đất Ấn Độ hay không?

Chưa kể Gia Long thông thạo tình hình hơn Bá Đa Lộc, có thể ông biết tin Pháp không gửi viện binh trước Bá Đa Lộc, nhưng đó là chuyện khác, sẽ tìm hiểu sau.

Lá thư này được de Guignes dịch sang tiếng Pháp, đề ngày 7/4/1789. (Launay, III, t. 204), (trang 205, Launay còn in lá thư dịch đề ngày 31/1/1789, chúng tôi sẽ nói đến sau).

Những “chứng từ” như thế, với lối suy diễn như thế, làm cho người đọc hiểu rõ phong cách của tác giả Histoire moderne du pays d’Annam, đoạt học vị tiến sĩ và tác phẩm này được Cadière đánh giá là kiệt xuất. Dường như đó là thực chất của nội dung “giáo hóa” dân Việt.

Thụy Khuê

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXVua Gia Long và người Pháp 5

Vua Gia Long và người Pháp 5 Chương 18 Olivier De Puymanel (1768-1799) Phần I: Khởi hành Olivier de Puymanel và Laurent Barisy là ha...