Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Hình, tình và ý trong thi luận của Hồ Thế Hà

Hình, tình và ý trong
thi luận của Hồ Thế Hà

Ngoài Phê bình Ấn tượng, Hồ Thế Hà còn vận dụng linh hoạt các phương pháp phê bình khác phù hợp với phong cách mỗi nhà thơ. Chẳng hạn, từ góc nhìn Kí hiệu học, ông đã phân tích sâu sắc về ý nghĩa của thế giới biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử từ đạo nguồn đến nghệ thuật. Hay từ Lý thuyết cổ mẫu và Phân tâm học, Hồ Thế Hà đã diễn giải rõ thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn từ mẫu gốc và những mảnh vỡ tiềm thức trong thơ Nguyễn Hoa. Thiên tính nữ trong thi giới thơ Xuân Quỳnh…
1. Hình trong cấu trúc thi luận và những luận giải khoa học
Những năm trước trước đây, khi đọc các tập thơ của Hồ Thế Hà [4], tôi đã nghĩ rằng thơ anh giúp người đọc “hiểu hơn về tâm sự, quan niệm sống của anh từ lĩnh vực nghiên cứu khoa học đến lao động nghệ thuật, từ quan niệm về đời sống tâm linh đến quan hệ ứng xử và giao tiếp của con người trong xã hội. Đằng sau các biểu tượng quen thuộc là tinh thần mới của tác giả giúp người đọc mở rộng trường nhận thức, khám phá những giá trị văn hóa truyền thống còn chìm khuất trong lòng đời sống cộng đồng xã hội. Hồ Thế Hà như thế đã làm chủ năng lượng tinh thần của ngôn ngữ tiếng Việt” [3, tr.24].
Năm 2018, tiếp tục đọc tập tiểu luận phê bình Thơ Việt Nam hiện đại, thi luận và chân dung, Nxb Hội Nhà văn 2018, tôi càng thấy rõ hơn “kiểu Hình” riêng của Hồ Thế Hà trong hành trình nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật đầy đam mê của anh. Tập tiểu luận Thơ Việt Nam hiện đại, thi luận và chân dung ra đời góp phần khẳng định thêm đặc trưng riêng của phong cách nhà phê bình tài hoa này. Nhiều người cho rằng, sự cẩn trọng trong nghiên cứu, sáng tạo đến lối sống nhân ái trong cuộc đời luôn tỏa sáng trên gương mặt Hồ Thế Hà, kể cả khi anh có đột ngột bị những cơn tai biến do tuổi tác hỏi thăm. Hẳn các văn nghệ sỹ, giới nghiên cứu phê bình cả nước không ai không nhắc đến Hồ Thế Hà khi đặt chân đến thành phố Huế với nhiều “giai thoại”, nhiều câu chuyện thú vị về anh. Tôi thiết nghĩ, sống ở đời chỉ cần giúp một vài người vui và có hạnh phúc là cuộc sống mình đã có ý nghĩa. Với Hồ Thế Hà, xét từ đời sống tinh thần, đến khoa học và sáng tạo nghệ thuật, anh đã giúp, đã động viên khích lệ tinh thần, mang lại niềm vui đến không biết bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ yêu văn chương. Tất cả bạn bè, các thế hệ học trò được dịp quen biết anh dù thân, sơ cũng đều dành cho anh một tình cảm yêu mến chân thành, vì nhiều lẽ.
Bìa tập “Thơ Việt Nam hiện đại, thi luận và chân dung”  của Hồ Thế Hà
Tôi đã thử đọc, viết một vài lần về cuốn thi luận khoa học công phu này của Hồ Thế Hà từ các góc nhìn khác như phê bình ấn tượng, phân tâm học, thi pháp học…nhưng mãi cũng không thấy được bí mật đã giấu trong “Hình” của cuốn sách này là gì? Chợt nhớ trong các câu chuyện vui liên quan đến anh, nhiều người thường kể đến khả năng chơi trò chơi ngôn ngữ nói lái nhanh nhạy, trò chơi đọc ngược từ nhưng luôn có nghĩa vui của Hồ Thế Hà! Hóa ra, điểm thú vị của “Hình” Thơ Việt Nam hiện đại, thi luận và chân dung là ở chỗ có thể đọc xuôi, có thể đọc ngược, có thể đọc từ giữa lên hoặc xuống, đọc từ trong ra, hoặc từ ngoài vào đều thấy ổn. Ồ! Đó mới là trò chơi thú vị, thân mật của riêng Hồ Thế Hà với những bạn đọc cùng thế hệ và cũng là những bài học về nghiên cứu thơ Việt Nam sâu sắc anh dành cho các bạn đọc trẻ cách xa thế hệ anh hàng chục năm. Nếu thử cách đọc ngược với chuyên luận khoa học này bạn đọc sẽ ấn tượng trước hết với cách anh gọi tên những chân dung các nhà thơ khá thú vị từ các góc nhìn khác nhau.
Trước hết, có thể nói ấn tượng  nhất vẫn là những chân dung nhà thơ được ông phân tích từ góc nhìn của phê bình ấn tượng như Lê Khánh Mai – duyên mệnh thi ca. Những dòng mở đầu cho bài viết về thơ Lê Khánh Mai chính là những tâm sự, những khái quát tri âm của Hồ Thế Hà không chỉ dành riêng cho nhà thơ nữ đáng yêu này mà còn dành cho các bạn thơ, và các bạn đọc thơ: “Có người bảo thơ là người. Nó không chính là người thơ thì cũng là cái bóng của người thơ. Dĩ nhiên là lung linh, biến ảo và kỳ diệu hơn nhiều. Vì thơ được thanh lọc và kết tinh từ những gì hiển minh và vô minh, từ hiện thực và hư ảo, từ có và không, từ nhớ và quên…để trong từng khoảng khắc bừng ngộ, run rẩy của cảm xúc và tâm hồn, thơ hiện lên thành hình hài câu chữ, thành khoảng lặng của những tín hiệu lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề muôn thuở của cuộc sống và con người mà thi nhân kịp lưu giữ.”[1, tr. 441].
Cũng từ trực giác thơ thiên phú nhìn vào Bản mệnh thơ Bùi Giáng, anh nhận định “Những nghịch lý trong sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng đã làm thành tổng hòa của sự hội tụ chứ không phải là sự phân hóa thi pháp thơ… Tìm hiểu bản mệnh thơ Bùi Giáng, theo tôi, phải tính đến sự cộng hưởng thi pháp rất riêng này của ông” [1,tr.265]. Phân tích Thế giới tương hợp trong thơ Hoàng Vũ Thuật, Hồ Thế Hà cho rằng: “Sau những câu thơ rướm máu là những giọt nghĩ đứt nối trong đêm không phải chỉ cho mình mà chính là cho những điều hằng cửu của cuộc sống và thi ca. Thế giới màu trong ngôi nhà cỏ của Hoàng Vũ Thuật lung linh mỗi sáng mà ở đó luôn có sự giao động giữa ánh sáng và bóng tối giữa ngày và đêm giữa hiện hữu và hư vô giữa hiện thực và siêu thực giữa thất vọng và hy vọng…Thế giới tương hợp trong thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn đang vẫy gọi sự đồng vọng của những độc giả đồng sáng tạo” [1, tr. 333]. Cũng từ góc nhìn Thơ Hữu Thỉnh – Tương hợp và đa thanh, Hồ Thế Hà đã phát hiện ra điểm quan trọng “Hữu Thỉnh là nhà thơ có khả năng nắm bắt và cảm nhận đời sống ở dạng uyên nguyên, minh triết của nó và thổi vào đó những kinh nghiệm quan hệ sống của mình một cách bất ngờ và sáng tạo” [1, tr. 288].
Ngoài Phê bình Ấn tượng, Hồ Thế Hà còn vận dụng linh hoạt các phương pháp phê bình khác phù hợp với phong cách mỗi nhà thơ. Chẳng hạn, từ góc nhìn Kí hiệu học, ông đã phân tích sâu sắc về ý nghĩa của thế giới biểu tượng trong thơ Hàn Mặc Tử từ đạo nguồn đến nghệ thuật. Hay từ Lý thuyết cổ mẫu và Phân tâm học, Hồ Thế Hà đã diễn giải rõ thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn từ mẫu gốc và những mảnh vỡ tiềm thức trong thơ Nguyễn Hoa. Thiên tính nữ trong thi giới thơ Xuân Quỳnh…
Anh cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều “hoàn toàn mang tâm thức Việt, khung cảnh Việt, tâm hồn Việt, cao hơn là văn hóa Việt, thông qua những hiện thực tâm trạng và hiện thực làng quê Việt mà tượng trưng là làng Chùa quê anh nên thật sự đánh thức tâm hồn những người nhà quê trong mỗi chúng ta như cách nói của Hoài Thanh khi nhận xét về thơ Nguyễn Bính cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhưng ở Nguyễn Quang Thiều cao hơn, hiện đại hơn, nghệ thuật hơn nên có sự phân hóa trong người đọc là điều dễ hiểu” [1, tr.367]. Còn “Thơ Nguyễn Hoa không mới về thể thơ và hình thức biểu đạt, nhưng lại có thế mạnh về vốn sống và sự ám ảnh lớn về nhân sinh, kiếp người do anh biết lọc từ hiện thực những sự việc và kinh nghiệm quan hệ giàu tính triết lý, chiêm nghiệm thông qua cách tổ chức tứ thơ, hình ảnh thơ và liên tưởng thơ gần gũi mà bất ngờ” [1, tr. 454].
Từ Phê bình Sinh thái học, Hồ Thế Hà đã lý giải rõ những tiêu điểm thẩm mỹ thơ Trịnh Công Lộc, đó là “sự hòa quyện những cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước, dân tộc cùng với cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu và môi trường sinh thái thông qua cảm thức hiện sinh cá nhân đầy thao thức và trách nhiệm” [1, tr. 454]. Vận dụng kết hợp Phê bình  Hậu hiện hiện đại, Hồ Thế Hà đã phân tích sâu sắc vấn đề Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn. Theo anh “Mai Văn Phấn là một hiện tượng riêng của nền thơ đương đại Việt Nam – mà là hiện tượng riêng, liên tục lấp lánh và mới lạ” [1, tr. 388]. Ngoài ra, kết hợp giữa Phê bình Thi pháp học và Mỹ học hiện đại, Hồ Thế Hà đã luận giải rõ các các dạng thái cái tôi trữ tình trong thơ Bích Khê, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từ thời chiến đến thời hậu chiến; Phân tích sâu sắc vấn đề triết mỹ lục bát của Huy Cận trong Lửa thiêng; Chế Lan Viên – người lạ mặt giữa thế giới điêu tàn. Điểm qua bút pháp phê bình của “Hình” Hồ Thế Hà như vậy để thấy việc nhiều người nói anh là nghệ sỹ thơ (vì anh vừa sáng tác, vừa đọc thơ hay, vừa có biệt tài thuộc nhiều thơ hay, lạ, vui) hay là nhà phê bình thơ Việt tài hoa cũng không ngoa!
2. Tình và Ý trong thi luận
Tiếp tục đọc ngược Thi luận, bạn đọc sẽ thấy rõ quá trình lao động nghiêm túc, khoa học của Hồ Thế Hà trong hành trình đi tìm bản chất giá trị của thơ. Ai bảo Hồ Thế Hà là lãng đãng thi sĩ, là nhớ nhớ quên quên, là lang thang hò hẹn bóng hồng giữa các “chiến hữu thơ”, là hẹn hẹn nữa…lần sau nhé… thì nên đọc chậm các bài viết này của anh. Phê bình của Hồ Thế Hà vì vậy có thể nói là kiểu phê bình khoa học khách quan trong cái Tình sâu và Ý hay.
Các nhận định của Hồ Thế Hà về Thơ Việt Nam 1975 -2016, Đặc điểm thơ hiện đại Việt Nam, Thơ lục bát Việt Nam trên hành trình hiện đại, Thơ tranh đấu của học sinh sinh viên xứ Quảng 1954 -1975, Nhóm thơ Bình Định thời kỳ Thơ mới (1930 – 1945), Quan niệm về thơ của Dạ Đài – tiếp biến lý luận văn học phương Tây, Tiềm năng của ngôn ngữ trong sáng tạo và tiếp nhận thi ca, Cái tôi trong thơ trữ tình, về Thơ mới, về Khoảng lặng của ngôn từ thơ hay tín hiệu của cái nhạt trong thi ca đều có những phát hiện mới quan trọng, có khả năng định hướng tốt cho các bạn đọc trẻ nhiều thế hệ sau. Bên cạnh đó, các luận giải của Hồ Thế Hà về thơ hậu hiện đại Việt Nam, giá trị thơ, tính triết lý trong thơ đã cho thấy một quan điểm rõ ràng, một tư thế đối thoại khoa học đầy bản lĩnh của Hổ Thế Hà trước sự biến chuyển thú vị của dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại.
Phân tích về Tiềm năng ngôn ngữ trong sáng tạo và tiếp nhận thi ca, Hồ Thế Hà cho rằng: “Ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là một thứ ngôn ngữ có độ mở cao nhất và đánh thức được nhiều trường cảm xúc nhất, làm cho quá trình đồng sáng tạo giữa tác giả và độc giả càng thêm phong phú. Tính hướng nội mạnh, tính cá thể cao, tính hình tượng giàu sắc thái mỹ cảm luôn là sự phấn đấu không chỉ riêng chủ thể sáng tạo (dĩ nhiên là phải dựa vào tư duy lô-gích) mà còn tùy thuộc vào từng phương thức làm việc, gắn với đặc trưng từng thể loại” [1, tr.32]. Hay nhận diện về  Khoảng lặng của ngôn từ thơ hay tín hiệu của “cái nhạt  trong thi ca, Hồ Thế Hà xác quyết “tôi liên hệ đến đặc trưng thể loại, thông qua cách tổ chức ngôn từ thơ, tham chiếu với cái nhạt, lại thấy giữa chúng có điểm gặp nhau trong sáng tạo của người nghệ sĩ và trong mục đích cuối cùng ở tài năng của người thưởng thức. Và từ đó dễ dàng thấy được cái nhạt chính là phẩm chất, cao hơn, là mỹ học rất cần thiết của thi ca, giúp thi ca trở thành những tín hiệu kỳ diệu, cao sang và minh triết cho con người và cho đời sống nghệ thuật. Tôi hiểu khoảng lặng của ngôn từ thơ hay tín hiệu của cái nhạt trong thi ca chính là với khả năng gặp gỡ, giao nhau đó” [1, tr.32]. Đây là kiểu phê bình đối thoại khách quan mà các nhà triết học thường ứng dụng trong lịch sử.
Ở Hồ Thế Hà, đối thoại là để tìm ra nguyên lý chung, xác lập rõ hơn quy luật của sáng tạo nghệ thuật để từ đó người đọc không chỉ thấy được vai trò quan trọng của quá trình sáng tác thơ mà còn cần chú ý hơn đến quá trình tiếp nhận thẩm mỹ ở người đọc. Người tiếp nhận cùng với quá trình nỗ lực khách quan hóa tầm đón đợi cũng là một vấn đề cần thiết cho cả sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình. Nghĩ về tính triết lý trong thơ, Hồ Thế Hà cho rằng “Thi ca là một loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc biệt…Nhưng như thế không phải lúc nào và ở đâu, một tác phẩm thơ cũng trở thành trác tuyệt. Vậy cái gì đã làm nên giá trị và sức sống của một thi phẩm? Đó chính là sự hài hoà thẩm mỹ giữa trí tuệ và cảm xúc; giữa cái ảo và cái chân; giữa hình thức và nội dung”[1, tr. 56]. Tính triết lý trong thơ như vậy theo anh là một phương diện cần có để làm giàu nhận thức, liên tưởng và suy tưởng của con người. Nhận định về “Quan niệm về thơ của Dạ Đài – tiếp biến lý luận văn học phương Tây”, Hồ Thế Hà cho rằng “Quan niệm về thơ của nhóm Dạ Đài thấm đẫm tính chất của chủ nghĩa tượng trưng. Họ muốn dứt bỏ những ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, vì nó đã đi tận mút của con đường cùng” [1, tr. 66]. Hay khi phân tích về Thơ tranh đấu của học sinh, sinh viên xứ Quảng, Hồ Thế Hà có nhận xét “Thơ tranh đấu xứ Quảng không chỉ phản ánh hiện thực, mà cao hơn là bình luận và triết luận về hiện thực. Sự bắt đầu của lòng yêu nước đồng nghĩa với sự bắt đầu của hy vọng và tin yêu cách mạng mà mình có phần trong ấy” [1, tr.82]… Hầu như trước Hồ Thế Hà, chưa ai có những nhận xét đầy đủ như vậy về giá trị của nhóm thơ này.
Làm thơ, đọc thơ, dạy về thơ, yêu thơ đến hết cả phần đời sống thực, Hồ Thế Hà luôn ý thức rõ về giá trị thơ và giới hạn của quá trình thơ ca. Trong quá trình sáng tạo, anh luôn trăn trở với những câu hỏi: “Làm cách nào để hiểu bản chất của giá trị thi ca và quá trình thi ca? Có cần phải xác lập một kí ức và thức nhận văn hoá có tính tập thể, cộng đồng, cộng hưởng làm nền tảng cho quá trình tiếp nhận và định hướng tri thức thi ca cho mọi người không? [1, tr. 118]. Và anh cũng tự lý giải: “Quá trình nhận diện và thẩm định thi ca chính là con đường nỗ lực tích hợp những hiểu biết có tính siêu ngôn ngữ, siêu văn bản, siêu văn hóa… mới mong làm giàu nhận thức, phù hợp với đặc trưng thể loại có tính “đỏng đảnh” nhưng kì diệu và cao sang này. Và cũng cần lưu ý những trường hợp cá thể, cá biệt, ngoại lệ mà tính phi qui luật của nó không có chỗ đứng trong chủng loài. Khi ấy, không có lời biện hộ nào, dù hay ho và ngụy biện tinh vi nhất, lại đủ sức làm xoay chuyển tình thế và có tính thuyết phục được công chúng, kể cả công chúng bình thường nhất” [1, tr. 118]… Đọc tiểu luận này người đọc sẽ hiểu rõ hơn vì sao Hồ Thế Hà dễ gần bạn đọc, dễ được bạn đọc yêu quý không chỉ với những sáng tác của anh mà còn yêu mến phong cách sống trong đời thực và “mơ thơ” của anh. Có thể nói, đọng lại với người đọc trong tiểu luận phê bình vẫn là những kiến giải sâu sắc, đầy tâm huyết của Hồ Thế Hà với câu hỏi lớn của muôn thuở thơ là gì? Thử trả lời cho câu hỏi này, Hồ Thế Hà đã đi từ khái niệm, từ các góc nhìn khác nhau về thơ. Anh nhất trí rằng đây là câu hỏi đầy thách thức và lý thú! Từ việc hệ thống những định nghĩa khá thú vị đến từ các quan điểm khác nhau về thơ, Hồ Thế Hà đã có những nhận xét khách quan các quan niệm nhìn từ chức năng xã hội và lý tưởng của thi ca của Sóng Hồng, Hà Minh Đức, Johnannes Bêchr; chú trọng về duy mỹ và cái đẹp thuần túy của Lamartine, Tố Hữu; đề cao sứ mệnh thi ca, gắn thi ca với sáng tạo của Apollinaire, Nguyễn Tuân; tập trung vào quan điểm duy tâm, thần bí của Hàn Mặc Tử, Baudelaire; đề cao hình thức, gắn với sự xảo thuật ngôn từ của André Gide. Paul Valéri; nhấn mạnh quan niệm nhân sinh của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Duy, Bạch Cư Dị, Ngô Giang Thanh, Hoàng Đình Kiên; nghiêng về ảnh hưởng của Phật, Lão, Nghiêm Vũ lấy đạo Thiền so sánh với thơ, chủ trương thuyết Tài và Phú, Diệu ngộ trong thơ, thơ để ngâm vịnh tính tình… Theo Hồ Thế Hà, từ các góc nhìn này, mỗi người mỗi phong cách nhưng đều gặp  nhau ở quan niệm: thơ phải gắn liền với cái đẹp, cái thật và cái có ích, dẫu có lúc họ có tỏ ra bay bổng và lãng mạn. Mặt khác, bên cạnh ý kiến về thơ của Roman Jakobson, Hồ Thế Hà cũng đã hệ thống lại các quan niệm thơ khác của các nhà thơ trong thời kỳ Thơ mới như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận; quan niệm về thơ của các tác giả sau 1986 như Bùi Chí Vinh, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Mã Giang Lân, Phan Ngọc, Phạm Tiến Duật…Từ các quan niệm về thơ theo các góc nhìn khác nhau như vậy, Hồ Thế Hà đưa ra định nghĩa ngắn gọn: “Thơ là một thông điệp thẩm mỹ nhân văn đặc biệt được tổ chức và tư duy bởi hệ thi pháp của một ngôn ngữ cụ thể để tạo nên chỉnh thể nghệ thuật độc đáo nhằm đem lại cho người đọc những rung cảm bất ngờ” [1, tr. 18]. Định nghĩa thơ là một việc khó! Nhưng đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một định nghĩa thơ khái quát, cần cho nhiều bạn đọc thơ thế hệ sau bởi tính khái quát cao, nhấn mạnh được tính chỉnh thể của thơ, thể hiện rõ quan điểm của tác giả về mối quan hệ giữa tác giả và người đọc. Chỉ rõ mối quan hệ tiếp nhận đồng sáng tạo, góp phần xác lập quan điểm xem thơ như là một cấu trúc ngôn từ mở. Đây chính là đặc trưng của Ý và Tình trong phê bình lí luận của Hồ Thế Hà.
Nói như nhà nghiên cứ Nguyễn Văn Hùng thì “Diễn ngôn nghiên cứu phê bình của Hồ Thế Hà vừa đa dạng do sự tích hợp nhiều tri thức, tư tưởng, vừa độc đáo bởi sự sáng tạo, liên tưởng thú vị. Với ông nghiên cứu khoa học không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Ở đó không đơn thuần là những thao tác, phương pháp có tính khách quan, khoa học, mà còn là hành vi đồng sáng tạo, tạo sinh/làm dôi nghĩa cho văn học…Dù có đa dạng đến đâu, nhưng diễn ngôn nghiên cứu phê bình của ông luôn hài hòa, thống nhất giữa tư tưởng- triết luận – thẩm mỹ” [2]. Đúng vậy, trong hành trình trình xác lập bản chất thơ Việt, Hồ Thế Hà đã có sự chuyển động, thay đổi phương pháp nghiên cứu nhưng luôn tập trung nguyên lý cơ bản: Từ truyền thống đến hiện đại, hậu hiện đại, từ thực tiễn văn bản đến khái quát thành quan điểm, khái niệm, và ngược lại từ lý thuyết đến thực hành qua các các văn bản. Quá trình luân chuyển biện chứng về mặt phương pháp, sự dung hợp, đa dạng hóa tầm nhìn theo nguyên tắc hòa trộn tầm đón đợi trong quá trình phức hợp các phương pháp phê bình của Hồ Thế Hà phù hợp với xu thế nghiên cứu văn học liên ngành ở Việt Nam.
Chú thích:
[1]. Hồ Thế Hà, Thi luận và chân dung, Nxb Hội Nhà văn, 2018.
[2]. Nguyễn Văn Hùng, Hồ Thế Hà và hành trình khám phá bản thể thơ ca, giải mã chân dung thi sĩ, Tạp chí Sông Hương 365/07.2019.
[3]. Mai Thị Liên Giang, Biểu tượng thơ Hồ Thế Hà,  An trú miền đọc, Nxb Hội nhà văn, 2018.
8/5/2024
Mai Thị Liên Giang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...