Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Mệnh đế vương - "Mệnh trời" hay "Lòng người"

Mệnh đế vương - "Mệnh trời"
hay "Lòng người"?

Tôi đã không nghĩ tác giả quyển sách “Mệnh đế vương” thuộc loại tiểu thuyết lịch sử có sự đồ sộ về kiến thức, giọng văn mạnh mẽ lại là một nhà văn nữ – Trương Thị Thanh Hiền. Tác giả sống và làm việc ở An Giang, quyển sách “Mệnh đế vương” đã nhận Giải nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. 
Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền (1970 – 2024)
Quyển sách dày tận bốn trăm trang, tôi xem đó là thử thách cho những ai mong muốn đọc và tìm hiểu. Tác phẩm kể về những cuộc nội chiến của triều đình lịch sử Việt Nam, cụ thể là triều đại Lý – Trần, đó là một bước ngoặt rất lớn khi Việt Nam lần đầu có Nữ hoàng đế đầu tiên – Lý Chiêu Hoàng. Đánh dấu cho buổi hoàng hôn hào nhoáng dần lịm tắt của nhà Lý gầy dựng và buổi bình minh rực rỡ của nhà Trần. Tưởng chừng đó chỉ là một chuyện xưa tích cũ, không mấy rõ ràng nhưng dưới góc nhìn và ngòi bút của mình, Trương Thị Thanh Hiền miêu tả thật sự sống động tính cách lẫn nội tâm từng nhân vật mà nổi bật là Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Trần Thủ Độ… những nhân vật có thật trong lịch sử.
Ta biết đến Lý Chiêu Hoàng là một Nữ Đế đầu tiên của phong kiến Việt Nam, chỉ dừng có thế nhưng nhà văn đã thâm nhập, tạo ra một vị vua có những nội tâm đầy xáo trộn, luôn suy nghĩ đến việc giành lại ngôi báu cho nhà Lý và đánh bật các âm mưu dòng họ Trần. Những cuộc giao tranh khốc liệt diễn ra, mà Thái sư Trần Thủ Độ cho rằng là tạo phản. Nội chiến âm ĩ, tranh giành quyền lực khiến nàng mang sự u buồn, có khi giận dữ, nàng nói với chồng mình là Trần Cảnh (bấy giờ đã làm vua):
“Bệ hạ biết nỗi lòng thiếp như thế nào? Bệ hạ có bao giờ hỏi thiếp hay nằm mơ thấy gì không? Nếu bệ hạ vẫn hay mơ về những điều đẹp, thì thiếp thấy những giấc mơ kinh hoàng. Bệ hạ có những hình ảnh đẹp về cha mình còn thiếp mỗi khi nhắm mắt lại chỉ thấy vị thiên tướng lúc thì hùng hổ lúc thì yếu ớt bị người ta treo cổ. Bệ hạ nghĩ về mẹ với những tình cảm thiết tha, với tuổi thơ hiền hòa được mẹ ôm ấp, còn thiếp, mẹ chỉ đến với thiếp khi nào cần ở thiếp thứ gì đó mà thiếp có, như ngai vàng chẳng hạn…”
Nàng bỗng thấy sự chua chát cho số phận mình là nữ nhi, là dấu gạch nối cho buổi giao thời binh biến. Ngoài ra Lý Chiêu Hoàng được khắc họa là một người vợ hiền bên cạnh Trần Cảnh, yêu chồng nhưng muốn giành lại ngôi vị vốn có chính là sự khắt họa tài tình của nhà văn. Dường như mọi ưu phiền mệt mỏi biến tan đi khi có Thiện hoàng – Trần Cảnh bên cạnh, đó là sự chở che duy nhất còn sót lại khi dòng tộc họ Lý bị lưu vong gần hết, hoặc bị giáng chức thấp bé để không nắm giữ binh quyền.
Tiểu thuyết “Mệnh đế vương” của Trương Thị Thanh Hiền đã nhận Giải nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. 
Riêng về Trần Cảnh, vốn xuất thân trong làng chài nhưng nhờ mưu trí Thái sư Trần Thủ Độ mà ngồi trên ngôi báu, dù bao việc triều chính nhưng chàng vẫn chung thủy với vợ thậm chí hết mực yêu thương. Mệnh đế vương, lúc này như ám chỉ chính chàng là Thiên tử, thế nhưng trái tim nóng hổi của một chàng trai còn trong huyết quản, khi nghe tin dòng họ Lý có người bắt đầy nổi lên, tạo phản, e sợ vấn đề bất trắc chàng đã đặt mọi tâm trí vào một người duy nhất – Lý Phật Kim tức Lý Chiêu Hoàng:
“Lý Phật Kim. Ta và nàng nên thẳng thắn với nhau. Mong rằng sau này hai ta không còn hố sâu ngăn cách nữa. Nàng là Chiêu Thánh Hoàng hậu, là vợ ta của Thiện hoàng Trần Cảnh này. Nàng không có tội với họ Lý. Nàng không có trách nhiệm gì với chiếc ngai vàng. Nó còn hay mất là do mệnh trời. Mà nếu không phải vì mệnh trời thì cũng do ở lòng người. Tà thà để hậu thế chê cười đã cướp ngôi nhà Lý còn hơn là để nàng chịu tội làm mất ngôi. Vì vậy, nàng hãy yên tâm sống. Nàng hãy vui hưởng những gì nàng có, hạnh phúc làm mẹ, hạnh phúc làm vợ… Đêm nay, quân triều đình tấn công Quắc Hương vì công chúa Chu Vũ âm mưu chống lại triều đình, đưa một người họ Lý nào đó trở lại ngôi. Ta không biết người ấy. Nàng càng không biết người ấy. Nàng chỉ cần nhớ một điều, đêm nay nàng ở cùng ta suốt đêm làm lễ Vu Lan. Và đã từ lâu không gặp Chu Vũ công chúa. Đúng như vậy không, Lý Phật Kim?” 
Đậm đà tình phu thê là những gì nhà văn muốn truyền tải, hiện ra trong mắt người đọc là hai con người đang đau khổ vì đấu tranh, giành giật quyền lực, họ khao khát thành người bình thường, muốn tự do trong tình yêu và thời đại.
Quyển sách mang cho người đọc cảm xúc cảm thông cho nhân vật, sự trải dài trong không gian và thời gian, ngoài ra các tuyến nhân vật phụ như: Trần Ngọc Mai, Phạm Đức Việt, Nguyễn Nộn, Lý Huệ Tông… với số lượng nhân vật đồ sộ ấy được nhà văn sắp xếp hợp lý làm tô điểm cốt truyện thêm tỏ rõ. Quyển sách thật sự đáng đọc cho những ai đam mê văn – sử, như một phần tìm hiểu về một giai đoạn đã qua mặt khác là cùng cảm thương, cùng chia sẻ cho từng nhân vật, số phận đương thời.   
6/5/2024
Huỳnh Chí Thiện
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...