Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Lê Phương Liên an nhiên "Quá giang lục bát"

Lê Phương Liên an nhiên
"Quá giang lục bát"

Có thể ví von một cách hình tượng rằng, tập thơ Quá giang lục bát của thi sĩ Lê Phương Liên là chiếc bình cổ với chất liệu lục bát truyền thống chứa đựng thi ngôn chưng cất từ cảm xúc, quán niệm của một hồn thơ mẫn cảm, thanh sạch, tâm thế an nhiên.
Tôi thực sự tâm đắc khi nhà thơ nương hồn lục bát thắp sáng ý thơ để từ đó chuyển tải đến muôn người trong thi tập này. Đây là một quyết định rất khó khăn và đáng trân trọng bởi trong giai đoạn hiện nay, thể thơ tự do đang là xu hướng thời thượng trên văn đàn. Bên cạnh đó, lục bát lại là một thể thơ dễ viết và khó hay, thậm chí có thể gây cảm giác nhàm chán. Thi sĩ Lê Phương Liên đã tự tin lội ngược dòng chảy, ngoạn mục vượt qua “vũ môn” để trình làng một tác phẩm thơ lục bát đầy ấn tượng.
Đi sâu vào nội dung, hầu như mỗi câu thơ trong Quá giang lục bát (QGLB)  đều hàm chứa hơi thở của ca dao, hình bóng quê nhà, ăm ắp chất liệu cuộc sống thực tại đan xen hoài niệm đẹp, tạo nên một miền cảm thức mênh mang trữ tình hội tụ màu sắc tâm linh, thiền thị và triết lý nhân sinh. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo ra một thi phẩm vừa mang hơi thở cổ điển lại được chiếu rọi ánh sáng tân kỳ, hồn cốt dân gian và phong cách hiện đại quyện hòa thoang thoảng thơm từng trang sách.
Lần giở thi tập, ngẫm ngợi, thưởng lãm từng bài, tôi có cảm giác rằng Lê Phương Liên ngày lại ngày thong dong chao chân bên cầu ao, đãi thời gian tìm thi tứ, gạn lọc chữ nghĩa để cuối cùng hạt thơ trên sàng trắng ngần, lấp lánh.
Bút pháp diễn ngôn nhuần nhị với cấu trúc câu đặc sắc, đặc biệt là vị trí của từ ngữ trong câu được tác giả sử dụng rất mới, câu thơ hiện đại lại thấm đẫm hương vị truyền thống, hiến tặng bạn đọc một phong vị thơ mang tính dân tộc – thời đại.
Không gian hoài niệm trong thơ Lê Phương Liên mang nét đẹp dung dị, cô đọng và chan chứa cảm xúc bồi hồi mỗi khi nàng thơ nhớ – về thời quá vãng. Nét đẹp đó có khi hiển lộ, có khi lại  ẩn mình qua thủ thuật ẩn dụ tinh tế, sáng tạo, truyền cảm hứng giọng điệu thơ cách tân trong chiếc nôi lục bát truyền thống. Đặc trưng nhất là nhà thơ sử dụng biện pháp lặp từ tự nhiên, không đẽo gọt mà tạo được dáng hình như điêu khắc, không tô điểm mà in đậm sắc màu như hội họa. Luận bàn không bằng tai nghe, ta hãy lắng lòng cùng thi sĩ với những cặp lục bát tôn vinh đức hy sinh cao đẹp của ông, bà, cha mẹ mà tôi xin phép trích dẫn dưới đây. Những câu thơ như bức phù điêu chế tác từ những tấm gương soi đạo đức lấp lánh sự hy sinh thầm lặng:
Gánh cong, cong cả muộn phiền
Áo nâu, nâu cả nỗi niềm tóc tơ
(Con về vin ngọn trầu cong)
Với tầm nhìn và sự quan sát tinh tế, tâm hồn mẫn cảm cộng với kiến văn rộng giúp Lê Phương Liên nắm bắt mối tương quan giũa các sự vật, giữa văn hóa dân gian, kiến trúc, tôn giáo khiến không gian trữ tình hiện ra như một bức tranh vẹn nguyên. Còn gì gắn kết hơn lời ru mộc mạc,“thật thà” từ ca dao song hành với hình ảnh con chim tu hú, dưới hàng hiên căn nhà cổ“nơi bà têm miếng trầu thơm”, xa xa bên chiều vọng lại “Câu kinh đậu cánh mẫu đơn cổng chùa”. Bức tranh thơ ấy khắc họa tinh tế cái hồn cốt văn hóa Việt mà nhà thi – họa chỉ chấm phá bằng 4 câu lục bát:
Lời ru ở phía thật thà
Nơi đôi tu hú xây nhà ổ rơm
Nơi bà tiêm miếng trầu thơm
Câu kinh đậu cánh mẫu đơn cổng chùa
(Ru trước thềm ngâu)
Những câu thơ bộc bạch, tự sự về thời con gái xa xăm trong QGLB đẹp đến nao lòng. Điều đáng nói là thi sĩ Lê Phương Liên không hề lạm dụng những mỹ từ ca ngợi cái tuổi tròn trăng, không nhắc đến cái tình cảm nuối tiếc thuở má hồng môi son thì con gái. Ở đây, thi sĩ sử dụng những ẩn dụ độc đáo khiến cho hình ảnh người thiếu nữ thuở nào hiện ra  e ấp, thập thò nấp sau cánh cửa khép hờ bên trong nề nếp gia phong:
Tóc còn thương trộm hương cau
Vầng trăng mười sáu liếc sau sân rằm
(Nắng chiều)
Hai câu lục bát dưới đây thể hiện khả năng diễn đạt “ý tại ngôn ngoại”, thầm kín mô tả sự trong trắng ngây thơ của cô gái mười lăm, nghe như ca dao, nghe như một khúc Kiều của Nguyễn Du văng vẳng đâu đây:
Mây non chưa biết thở dài
Cỏ ngây ngô biếc, gió đài các say
(Cải ngồng còn trinh)
Rồi đến khi thực sự trưởng thành, khi tâm hồn thiếu nữ bắt đầu rung động, trái tim thiếu nữ bắt đầu thổn thức, nhớ nhớ thương thương một bóng hình nào đó. Thơ Lê Phương Liên viết cho giai đoạn vẫn không buông lơi những rung cảm lứa đôi cháy thành ngọn lửa nồng nàn. Thi sĩ chừng mực sưởi ấm tâm hồn bằng bếp than âm ỉ. Phải chăng Lê Phương Liên làm thơ sau khung cửa gia phong kín cổng cao tường, nàng thơ nắm bắt cảm xúc nội tại ở khuê phòng để rồi qua song cửa sổ hòa nhập với thế giới bên ngoài:
Tháng năm thơm cọng gió hiền
Thuyền ai thả yếm lạc miền sông xanh
Trăng còn thổn thức sang canh
Cho em tìm nụ dành dành trổ đêm
(Tháng năm em)
Quá giang lục bát – tập thơ của Lê Phương Liên
Khi tuổi đời dần chín, giọng thơ lục bát Lê Phương Liên ngày càng đầy đặn, lắng sâu trong tâm thế khép nép, từ tốn giải bày nội cảm. Đó là lúc tác giả ngồi lại chiêm nghiệm tháng ngày đã qua, mơ về dĩ vãng, tiêng tiếc mộng lành ngày xuân, lưu giữ và phác họa giấc mơ Xuân với thi ngôn thanh cao gây cảm giác xao xuyến trong tâm hồn tôi. Tôi thương cảm và mến mộ quá câu thơ “Giấc xuân. Xuân cả cành đào muộn em”:
Đêm mòn vãn hội rào thưa
Em ngồi mơ giấc ngày xưa má đào
Giấc mềm. Mềm cả chiêm bao
Giấc xuân. Xuân cả cành đào muộn em
(Xuân muộn)
Một thi phẩm trữ tình không thể vắng bóng tình yêu. “Anh” trong thi tập QGLB xuất hiện với tần suất khá cao trong số những bài thơ tự tình lứa đôi. Thi sĩ Lê Phương Liên không vương bận cóp nhặt lời lẽ ngôn tình, không khắc họa những kỷ niệm yêu đương nồng nàn say đắm dù tình yêu ấy hiến tặng cho nàng thơ một mái ấm hạnh phúc. Tình yêu được nhà thơ “ý tứ” thể hiện bằng những lay động đậm sâu trong tâm cảm như một người con gái Huế sau bức bình phong. Hình ảnh “chàng” luôn được “nàng” giữ kín, dè dặt, ân cần, như sợ vầng mây ấm bồng bềnh ấy trôi đi:
Bồng bềnh nghiêng giọt cười anh
Lạc trôi trong giấc mơ lành lặn em
(Lạc trôi)
“Chàng” còn được thi nhân ẩn dụ như một cơn mưa tắm mát vườn mộng, mẩy hạt yêu thương quyện chặt đời “nàng”, dấu yêu “nhốt một má đào” trong tim, để từ yêu thương chở che đó nàng xinh tươi như mùa xuân lộc biếc, nàng phơi phới như hoa thắm đầu cành của riêng ai:
Cơn mưa nhốt một má đào
bao nhiêu hương sắc ủ vào tầm xuân
(Là anh)
Thời gian và không gian trong thơ Lê Phương Liên biến chuyển kì ảo theo sự vận động tâm lý của thi sĩ. Trung thành với bút pháp không sử dụng ngôn từ đặc tả cảnh vật, thay vào đó là cái nhìn từ bên trong, càng đọc ta thấy càng say với những câu thơ đầy sáng tạo, giọng thơ rất riêng, cách sắp đặt từ ngữ mới lạ:
Xuân già tiễn bướm vu quy
Cúc vàng rừng rực lễ nghi chào mùa
…..
Ta ngồi ghen với cơn mưa
Lật nghiêng nỗi nhớ mà chưa sũng chiều
(Mùa đi)
Ngoài nội dung và thi ngôn biểu đạt, giá trị của tác phẩm còn thể hiện ở nhân sinh quan, tư tưởng của tác giả gởi gắm trong từng ý thơ. Theo tôi, cái tên “Quá giang lục bát” gợi lên hình ảnh con thuyền Bát Nhã là điểm tựa tâm linh mà thi sĩ muốn nương vào đó để “sang sông”, giữ thanh sạnh cho tâm hồn, quán niệm tư tưởng “sắc bất thị không, không bất thị sắc” của Phật giáo:
Một mình tôi với mênh mông
Ngỡ là tất cả ngỡ không có gì
(Sắc – Không)
Nhân gian là cõi tạm, thế gian là thị phi, là ảo vọng. Trong giây phút hoàng hôn dần lịm tắt, thi sĩ gọi hồn cho nắng hãy “tro bụi” một ngày với “những điều viễn vông” sắp trôi qua của kiếp người. Một thái độ buông bỏ nhẹ tênh bao nhiêu vướng bận đời thường:
Cháy lên thôi chút nắng chiều
Để tro bụi cả những điều viễn vông
(Đông về cởi áo cho cây)
Theo tôi, bài thơ chủ đề Quá giang lục bát là nơi gởi gắm, đúc kết tư tưởng, nhân sinh quan, tiêu chí sáng tác trọn vẹn nhất của thi sĩ Lê Phương Liên.
Dòng xanh giữ mạch vô thường
Hoàn nguyên giữa một sắc hường tịnh không
Mượn câu lục bát sang sông
(Quá giang lục bát)
Khép lại một tập thơ với ngôn ngữ đẹp, chứa đựng bao nhiêu thi cảm bát ngát, lòng tôi cứ ngập ngừng luyến tiếc. Viết xong mà tôi lại có cảm giác như mình chưa viết được gì.
Bà Rịa, 6/3/2024
Nguyên Bình
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...