Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

"Thiếu niên và chim diệc" từ góc nhìn sinh thái

"Thiếu niên và chim diệc"
từ góc nhìn sinh thái

“Thiếu niên và chim diệc” là bộ phim hoạt hình chính kịch mới nhất của hãng phim hoạt hình Ghibli chính thức ra mắt ở Việt Nam vào ngày 15.12.2023. Tác phẩm lấy bối cảnh nước Nhật trong những năm cuối thế chiến thứ hai, với nhân vật chính là thiếu niên Mahito mất mẹ trong cuộc oanh tạc Tokyo, sau đó cha cậu đã đi bước nữa và dời nhà về vùng quê.
Tại đây, những chuyện kỳ bí về một con diệc xanh biết nói, một tòa tháp cổ quái và sự kiện người mẹ kế mất tích đã cuốn Mahito bước vào hành trình phiêu lưu huyền ảo. Bộ phim mới nhất của đạo diễn Hayao Miyazaki như cuốn nhật kí hoạt họa màu nước để lại cho đời sau, không chỉ là một tác phẩm bán tự truyện của ông, mà còn là câu chuyện về chiến tranh và sinh thái được xưởng làm phim Ghibli luôn theo đuổi suốt bốn mươi năm qua.
Nút thắt mộng ảo về chiến tranh và sinh thái
Phim mở đầu bằng sự náo loạn dần xâm chiếm Tokyo bởi một trận hỏa hoạn. Bệnh viện nơi mẹ Mahito làm việc đã bốc cháy. Những năm 1943, trong lòng Nhật Bản là những trận mưa bom cháy rải xuống từ máy bay. Chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy kinh hoàng với hình ảnh như có một mặt trời rơi xuống đất Nhật, tạo ra đám mây hình nấm và cuốn đi hàng ngàn người thành hư vô trong cuộc nổ bom nguyên tử. Nhưng ít ai biết rằng, tổn thất nhân mạng nhiều nhất trên đất Nhật không phải là hai quả bom ấy, mà nó đến từ chính những đợt rải bom cháy ngay trên thủ đô Tokyo.
Khi bom cháy leng keng rơi trên mái ngói, lửa đã bùng khắp nơi. Những ngôi nhà gỗ cổ điển trở thành hỏa ngục, đến tan thương cũng hóa tro tàn dưới biển lửa. Người người hóa thành than, người người quấn băng trắng nằm cạnh nhau, trút hơi thở cuối cùng. Những hình ảnh khốc liệt về trận ong tạc Tokyo trong phim Mộ đom đóm của nhà Ghibli có thể bóp nghẹn tim khán giả. Nhưng với Thiếu niên và chim diệc, đạo diễn Hayao Miyazaki đã thu vén những đau thương ấy dưới góc nhìn khác. Người xem hòa vào sự hối hả của Mahito chạy tuột qua dòng người hoảng loạn, ngọn lửa đã bao trùm thành phố nhưng không phải ngọn lửa đốt cháy thịt da người, mà là ngọn lửa bao trùm lấy tâm hồn và bóp nghẹt toàn bộ nhận thức của cậu. Thế giới trong mắt một thiếu niên, và cả người xem, bỗng chốc méo mó rũ rượi. Nếu Một góc nhỏ của nhân gian là sự nhạt màu đầy tức tưởi, Mộ đom đóm tàn khốc ghê rợn, thì Thiếu niên và chim diệc là bức tranh lan nhòa đẹp đến đớn đau.
Hayao Miyazaki – “huyền thoại” của hoạt hình Nhật Bản
Chiến tranh bao trùm nước Nhật, những người trẻ tuổi ở vùng quê lũ lượt nhập ngũ như một sứ mệnh vinh quang giữa tiếng kèn trống. Người đi đường, thậm chí mẹ kế và Mahito trên xích lô cũng phải dừng lại, bước xuống và cúi đầu kính cẩn. Những người già và phụ nữ bồng con trong đoàn tiễn quân ấy còn đông đúc hơn cả số thanh niên nhập ngũ. Họ lọt thỏm giữa cảnh rộng làng quê làm vinh quang của mạng sống trong cảnh phim này trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết. Đến cả ngôi đền thiên mà hậu duệ chủ đền chỉ có thể bước vào cửa chính một lần duy nhất khi mới đến, thì chiến tranh cũng đã mặc nhiên tràn vào đấy, chiếm cứ khắp nơi dưới hình hài những thiết bị máy bay đang chờ lắp ráp.
Cuộc chiến của họ có thật sự vinh quang? Ngoài đời thực, một thế hệ người trẻ Nhật Bản sau thế chiến thất vọng cùng cực vì cuộc chiến ấy. Họ nhận ra mình không phải phe chính nghĩa, nhận ra sự ảo tưởng của những phương hướng sai lầm, và họ đã được gì từ cuộc chiến đó ngoài sự mất mát vô nghĩa. Một thế hệ hiện sinh luôn chất vấn về giá trị thực sự của đời mình vì thế mà sinh ra, lan rộng qua nhiều thế hệ người Nhật.
Thiếu niên Mahito, người đã mất mẹ trong thời chiến và là con trai của một chủ sản xuất máy bay, có ghét chiến tranh không?
Bên bờ biển trong tòa tháp mộng ảo, Mahito bước ra ngắm biển đêm, hàng ngàn warawara chập chững thổi phồng cơ thể để bay bổng lên trời cao. Những Wara nhảy múa bay lên, nối nhau thành đám mây lấp lánh giữa màn đêm thơ mộng. Chúng sẽ bay lên mặt đất hóa kiếp thành những sinh linh mới trong thế gian. Nhưng nhịp sinh – diệt của tự nhiên là luôn song hành. Những con cá khổng lồ nuôi sống Wara, và Wara lớn, bay lên trời cũng là lúc mắt xích tiếp theo xuất hiện. Đó là loài bồ nông ăn Wara bay thành đàn lớn. Với một người trần thế như Mahito, Wara dễ thương kia cũng có cùng một hành trình trở về mặt đất như cậu. Trong vòng luân hồi, nó là quá khứ của cậu; ở mặt hiện thực, dường như cậu và nó là đồng hương. Thế nên trong mắt Mahito, Wara có thể là loài người, là đồng bào.
Bồ nông thì khác, chúng xa lạ, tà ác và chúng săn mồi. Dưới dạng hữu sinh, chúng ăn thịt những sinh linh cậu cho đó là đồng loại; thì dưới dạng vô sinh, chúng chẳng khác gì những thứ đã rải xuống quê hương cậu vô số bom cháy, chúng là hiện thân của những chiếc máy bay ở thế giới tòa tháp. Đúng lúc Mahito cầu cứu, cô gái Himi xuất hiện trên mặt biển, quỳ trên thuyền và chấp tay cầu khấn. Từ tay cô bắn những đợt pháo hoa rực rỡ. Pháo hoa thiêu đốt bồ nông, nhưng cũng thiêu đốt Wara. Trước khung cảnh ấy, Mahito vừa tức giận vừa khẩn cầu Himi: “Dừng lại”. Kiriko nói rằng nếu không có Himi thì các Wara sẽ bị ăn sạch và chúng không bao giờ lên thượng giới được nữa. Bồ nông đã bay đi, và một số Wara vẫn tiếp tục hành trình.
Khi một con bồ nông ngã xuống và hấp hối, câu chuyện của nó khiến Mahito choàng tỉnh, rằng bồ nông để sống cần phải ăn wara, đó là điều nó không thể lựa chọn. Liệu sinh ra với bản năng hủy diệt có phải là sai lầm của nó chăng? Tạo hóa làm ra cuộc chiến sinh tồn vì có những sinh vật phải lớn lên trong đói khát. Chúng chỉ có thể sống bằng cách săn mồi, và chỉ có săn mồi mới tạo nên ý nghĩa trong vòng tuần hoàn của sự sống. Chim bồ nông không gì khác hơn là mắc xích kiểm soát và ổn định tự nhiên. Vậy còn chiến tranh thì sao? Máy bay gây ra chết chóc không phải lỗi của máy bay, mà là lỗi của chính con người, như một lần nữa nhấn mạnh thông diệp trong một phim Ghibli khác là The Wind rises. Bồ nông hay chiến tranh sinh ra để kiểm soát nhân loại, khi con người không thể tự kiểm soát bản thân mình. Chiến tranh chỉ biến mất khi con người học được cách sống hòa bình với nhau.
Nút thắt chiến tranh trong lòng Mahito chợt mở, cậu đã hiểu rằng cuộc chiến nào cũng gây ra mất mát cho chính những thứ cậu muốn bảo vệ. Mahito cuối cùng biết rằng cậu không hề thích chiến tranh. Nhưng khi Bồ nông chết, Mahito đã chôn cất con chim như đã tha thứ, chấp nhận và tôn trọng đối với sự tồn tại của bồ nông, của chiến tranh, và của mất mát.
The Boy and the Heron (Thiếu Niên Và Chim Diệc)
Đế chế chim vẹt và thuyết ngoại sinh
Đế chế chim vẹt trong phim hiện ra đầy chật chội trong hệ thống hành lang méo mó, những mê cung tường thành thiếu ánh sáng, và vây hãm trong gam màu trầm đục của những tầng nhà san sát nhau. Người xem dễ dàng nhận thấy đế chế vẹt là một sự phản chiếu đầy âm u của cuộc sống. Trong những căn nhà chồng chất trong vô số những hoạt động thường ngày giặt giũ, nấu ăn, thậm chí là xem phim. Đế chế này còn có cả một hệ thống quân phiệt hoàn chỉnh. Chúng muốn tòa tháp được ổn định, chúng muốn quyền lực, chúng muốn thịt. Khi tháp chủ già yếu cần tìm người kế vị mang huyết thống đồng tộc, con vẹt đế vương đã trực tiếp ra mặt để đòi hỏi quyền kiểm soát. Nhưng ngay lập tức, một chi tiết đắt giá vô cùng hài hước đã vạch trần toàn bộ bản chất của đế chế này.
Khi những con vẹt lính tô lớn, ì ạch bước lên đỉnh tháp, chúng hoàn toàn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khu vườn trước mặt. Vẻ đẹp của ánh sáng, của cây cối tự nhiên đã quá xa lạ và kì diệu. Kì lạ hơn, những con vẹt bình thường bay vòng quanh vẹt lính. Và sự châm biếm đến mức tột độ khi hai con vẹt lính hỏi nhau đây có phải vườn địa đàng không khi nhận ra tổ tiên của mình tự do đến thế. Những con vẹt lính tưởng chừng ưu tú, siêu việt, đầy văn hóa, ngôn ngữ, quyền lực, lại chẳng còn khả năng bay như loài vẹt thủy tổ, chẳng còn biết tự do bên ngoài những chiếc lồng bằng tường thành vách đất.
Liệu đế chế vẹt kia có phải là hình ảnh phản ánh của đế quốc Nhật trong Thế chiến thứ hai? Và liệu nó có thể mở rộng thành thế giới loài người chúng ta hay không? Trước tình trạng thiên nhiên dần suy kiệt, vẻ đẹp của tự nhiên cũng dần thoái hóa, những con vẹt trong đế chế vẹt kia có khác gì con người? Liệu con người đã hoặc sẽ nhìn thấy vẻ đẹp của tự nhiên, nơi mà thủy tổ con người đã từng sinh ra và tưởng rằng đó là thiên đường? Đây có lẽ là những bài học là tự mỗi người xem phải tự trả lời lấy.
Đối lập với sự tự vấn của vẹt lính, trong mắt vẹt đế vương không có khu vườn mà chỉ mục tiêu duy nhất: phát triển đế chế vẹt. Tháp chủ là người bảo vệ sự tồn tại của tòa tháp, một khi tòa tháp còn tồn tại thì đế chế vẹt cũng tồn tại.
The Boy and the Heron (Thiếu Niên Và Chim Diệc)
Tòa tháp chỉ là chiếc vỏ dung chứa thế giới kì dị với các quy luật vận hành được quyết định bởi cách sắp xếp mười ba khối hộp của người tháp chủ. Liệu đây có phải là một trò xếp hình vô nghĩa chẳng? Thật ra, tự nhiên vốn là trật tự cân bằng mỏng manh có thời hạn, nó được thiết lập liên tục và không bao giờ hoàn hảo hay đứng yên. Thế nên mười ba khối hộp phải thăng bằng khi xếp chồng lên nhau kia chính là một ẩn dụ không thể gần gũi hơn với quy luật của tạo hóa. Mỗi lần xếp chồng mười ba khối hộp thăng bằng, tòa tháp sẽ có thêm ba ngày tồn tại, và tất cả những điều kì dị sẽ tiếp tục phát sinh.
Tháp chủ muốn Mahito tiếp nối mình trở thành tháp chủ kế nhiệm, vì Mahito không có ác niệm trong lòng. Nhưng cậu từ chối tiếp nhận tháp chủ bởi vì cậu nhận thức rõ rằng, sự vô ác niệm trong lòng cậu không phải bẩm sinh đã có. Một Mahito tự dùng đá đập vào đầu để lấy sự quan tâm của cha, để gián tiếp trả đũa các bạn đã đánh mình. Một Mahito dùng kiếm gỗ chém chim diệc phá bĩnh sự bình yên của ngôi nhà. Một Mahito trộm thuốc lá, học cách mài dao, và dùng dao tạo nên cây cung bắn chim diệc. Chắc chắn Mahito nhận thức rõ hơn ai hết, bản thân mình trước đây đã nhiều ác ý đến mức nào. Một Mahito không còn ác ý chỉ được sinh ra khi hiểu được nhịp sinh diệt của tạo hóa, được thể hiện qua hành động chôn cất con bồ nông sau vườn. Vậy nên cậu từ chối tháp chủ bằng cách chỉ lên dấu vết của ác ý: vết sẹo trên đầu do chính cậu gây ra.
Vẹt đế vương là sinh vật ngập tràn ác ý, và cũng chưa bao giờ nhận chấp nhận hay thấu hiểu nhịp sinh diệt của tự nhiên. Nó chỉ muốn quyền lực và sự tồn tại vĩnh hằng của tòa tháp hay đế chế vẹt. Khi nhận ra thế giới tòa tháp chỉ được tiếp diễn bằng những khối hộp xếp thăng bằng, nó tức giận và giành lấy quyền khống chế bằng cách tự mình sắp đặt nên một chồng khối hộp thăng bằng. Mười ba chiếc khối hộp lung lay và đổ sụp, nó vẫn không chịu khuất phục dung bạo lực phá hủy chiếc bàn đá để dựng lên những khối hộp đó. Cuối cùng, tòa tháp sụp đổ, thế giới kì dị bên trong tòa tháp hoàn toàn biến mất. Mọi người phải tháo chạy khỏi tòa tháp, kể cả loài vẹt.
Mahito trở về với người mẹ kế, để Himi – hay chính là mẹ ruột trong khi còn trẻ của Mahito quay về đúng thời đại của mình, lớn lên, sinh ra cậu và chết đi dưới bom cháy của chiến tranh như một lời khuyên cuối cùng về sự chấp nhận, sống cho hiện tại, không phải tương lai, không phải điều vĩ đại, và cùng đừng vì quá khứ. Thiếu niên và chim diệc rất có thể là bộ phim cuối cùng của Hayao Miyazaki, người sáng lập vĩ đại của Studio Ghibli. Nhưng những góc nhìn của ông về chiến tranh, sinh thái, hay rộng hơn là góc nhìn thế giới trong những tác phẩm của Ghibli sẽ không bao giờ ngừng lại.
9/5/2024
Mạc Yên
Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...