Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

 

Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1

Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lại dấu ấn trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị. Những mảnh ghép đó hợp lại thành hình tượng đất nước rộng lớn. Từ Trường Sơn, ở R, đến vùng Đồng Tháp Mười, rồi Sài Gòn…, đến đâu, Phạm Quang Nghị cũng kịp lưu giữ lại bóng hình vùng đất và con người nơi ấy qua những trang văn…

Tháng tư về, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng mang trong mình cảm xúc đặc biệt: Niềm vui và sự tự hào của Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975). Để có ngày đất nước trọn niềm vui, là hai mươi năm cả nước hành quân ra tuyến lửa, cuộc hành quân bền bỉ để đi đến ngày thắng lợi. Và trên tuyến lửa ấy, có dấu chân của một chàng thanh niên xứ Thanh, người sau này trở thành lãnh đạo cao nhất của Thủ đô Hà Nội: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Nhân dịp kỷ niệm những ngày chiến thắng hào hùng của dân tộc, những ký ức thiêng liêng về thời kỳ lịch sử ấy được đồng chí Phạm Quang Nghị thể hiện trong cuốn sách “Đi tìm một vì sao” thêm một lần nữa khiến chúng ta đong đầy xúc động qua góc “cảm” rất riêng của nhà văn Trần Bảo Định với bài viết: “Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người!”

Mở đầu

Ngày ấy, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi ác liệt, chàng sinh viên Phạm Quang Nghị rời giảng đường đại học thân yêu đi vào chiến trường miền Nam. Với lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và ngòi bút rất giàu cảm xúc, ông kịp ghi lại những bước thăng trầm đời người cùng năm tháng sống chiến đấu bằng máu thịt của mình.

Cuốn sách “Đi tìm một vì sao”.

“Đi tìm một vì sao” là những ký ức sống động, hào hùng; vừa có giá trị tư liệu vừa có giá trị văn chương, thật đáng trân quý. “Tự kể chuyện mình” nhưng cách trần thuật của Phạm Quang Nghị luôn hướng đến người khác, khắc họa và tái hiện những tấm lòng muôn phương trong suốt hành trình cuộc đời. Bởi vậy, dẫu là tự kể chuyện mình, nhưng trang sách không chỉ dung chứa tâm tình của Phạm Quang Nghị mà còn tái hiện một cách xúc động hình tượng quê nhà, đất nước, tình người.

“Đi tìm một vì sao”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, tiếp nối/gắn kết mạch tư tưởng từ những tác phẩm trước đó của ông: Nỗi nhớ vùng ven (thơ, 2019), Nơi ấy là chiến trường (nhật ký, ghi chép, 2019)… Và trên hết, những trang văn của Phạm Quang Nghị làm lay động lòng người bởi sự chân thành, giản dị – một tâm hồn nhạy cảm giàu tình thương.

Quê nhà: Nỗi nhớ, niềm thương

Phạm Quang Nghị lớn lên bên dòng sông Mã. Hình ảnh dòng sông quê nhà luôn in sâu trong trí tưởng của ông. Nói về quê mình, Phạm Quang Nghị dành một tình yêu tha thiết, thái độ trân trọng, nâng niu và một giọng văn bồi hồi, ít nhiều khắc khoải. Làng Hoành của hơn bảy mươi năm về trước hiện lên tươi thắm, hiền hòa, đong đầy thương nhớ. “Làng tôi, đó là nơi tổ tiên các cụ kỵ, ông bà, cha mẹ của tôi, đời này qua đời khác, cùng với bà con trong làng gắn bó bằng mồ hôi của sự cần cù, siêng năng lao động, no đói, tắt lửa tối đèn sớm tối có nhau, cùng xây dựng nên làng. Làng tôi, may mắn thay, từ bao đời đã là một làng ven sông, thuộc bờ Nam sông Mã. Con sông mùa thu hiền hòa, biêng biếc nước xanh; mùa hạ thì dữ dội, phù sa cuộn đỏ. Con sông góp phần làm nên tính cách, tâm hồn, khí chất con người xứ Thanh, con người quê tôi” (tr.17). Tác giả “Đi tìm một vì sao” bồi hồi nhận ra mối liên kết không thể phai mờ giữa thân tâm cùng khí phách cốt cách con người xứ Thanh – cũng là sự kết hợp hòa quyện giữa tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp, giàu chất thi ca ở Phạm Quang Nghị.

Kể chuyện quê nhà, Phạm Quang Nghị thể hiện qua chất giọng tươi tắn, bộc lộ tình yêu làng nghĩa trọng xóm và đồng thời, tự hào về bề dày lịch sử của làng Hoành – nơi chôn rau cắt rốn của ông.

Tác giả là người am tường lịch sử vùng đất, con người, biết rất nhiều truyện dân gian, ca dao, tục ngữ và thơ ca liên quan đến quê hương mình. Đó là minh chứng cho tình yêu quê hương trong sáng! Đồng thời, độc giả còn nhìn thấy kiến văn rộng rãi, uyên bác của người viết. Ví như bài thơ của cụ Cửu phẩm văn giai Phạm Quang Bật, bài minh khắc trên chuông của Giáo sư Vũ Khiêu ca ngợi công đức của Đức bà Công chúa Phương Hoa; những tư liệu gốc về địa bạ triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 11 (1830) về làng của ông. Nổi bật hơn cả, là sự gắn bó mật thiết với văn hóa dân gian và tâm hồn người bình dân. Có lẽ, do chịu ảnh hưởng từ bà nội: “Khác với ông, bà nội tôi không biết dẫn văn chương, triết lý của các bậc thánh hiền. Bà cứ dẫn ca dao, tục ngữ. Cứ diễn nôm bằng những câu nói của miệng dễ nhớ, dễ thuộc của thế gian để dạy con, dạy cháu” (tr.32). Dù được học tập có căn cơ nền tảng từ trong mái ấm gia đình đến giáo dục trường ốc, lại trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện và nâng cao kiến văn, nhưng gốc rễ văn hóa dân gian quê nhà vẫn sâu đậm trong tâm hồn ông. Tình yêu và sự gắn bó với những con người bình dân trong tâm hồn Phạm Quang Nghị theo năm tháng không hề phai nhạt.

Quê nhà trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị hiện lên rất đỗi thân thương, bình dị. Những điều tưởng chừng đơn sơ, mộc mạc nhưng đọng lại trong tâm hồn con người ta suốt cả cuộc đời. Và, có thể nói, quê nhà là hành trang tâm tưởng để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt chặng đường đời: “Làng tôi, đó là nơi tôi cũng như các anh, các chị, các em, các cháu đã được sinh thành. Và, cái điều thiêng liêng gắn bó máu thịt ngay từ thuở lọt lòng của mỗi chúng ta – ấy là nơi chôn rau cắt rốn! Từ giây phút đầu tiên cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã được hít căng lồng ngực những hương vị không thể nào quên của bầu không khí làng quê, phảng phất hương cau, hương bưởi; của mùi rạ mùi rơm được nắng; được lắng nghe những bản nhạc vô cùng thân thiết của làng quê qua tiếng gà gáy, tiếng chim hót rộn rã sớm mai; tiếng trâu bò lộc cộc về chuồng buổi tối và tiếng người gọi nhau ngoài ngõ xóm mỗi ngày… Làng tôi, có những bến sông lung linh sóng nước. Có gió nồm nam mát rượi khi trăng lên. Có bãi bờ ngô, dâu dệt một màu tươi xanh làm đẹp bờ Nam sông Mã”.

Phạm Quang Nghị trân quý những kỷ niệm tươi đẹp của làng xưa thuở hàn vi. Viết về làng mình, tác giả bộc lộ bằng một giọng văn hiền hòa, từ tốn, pha lẫn chút dìu dặt vấn vương; cơ hồ lưu luyến những ngày thơ bé “lung linh sóng nước” bên dòng sông Mã. Trong niềm thương tưởng quê nhà, hẳn độc giả cũng nhận ra hằng số chung trong mỗi con người chúng ta. Đó là mối liên hệ máu thịt với nơi mình sinh ra; tâm thế nơi mình chào đời chính là tâm thế con người sống giữa cõi trời đất. Dẫu trải qua hành trình rất dài, đồng hành cùng vận mệnh đất nước nhưng hơn hết không có gì lưu luyến tâm hồn tác giả cho bằng phong vị đơn sơ, mộc mạc chốn quê nhà.

Những ai từng nếm trải cảnh bom đạn cày xới mảnh đất quê, chắc sẽ hiểu nỗi lòng rướm máu trước cảnh quê nhà tang tóc, chết chóc, đổ nát: “Những tia chớp cùng với những tiếng nổ chát chúa chói tai làm rung chuyển mặt đất… Xung quanh tôi chỗ nào cũng nghe tiếng người kêu khóc, gào thét thảm thiết. Một cảnh tượng thật là hãi hùng bày ra trên mặt đất. Đi giữa ngôi làng thân thuộc của mình mà cứ ngỡ như tôi đang bước vào một nơi xa lạ. Cảnh vật trong làng bị biến dạng đến mức khó nhận ra. Cây cối gãy đổ ngổn ngang. Nhiều ngôi nhà đổ sập hoặc bị tốc mái. Những hố bom sâu hoắm cùng với bùn đất, gạch ngói vương vãi khắp nơi. Dọc triền đê, người chết, người bị thương cùng với trâu, bò, lợn, gà chết la liệt” (tr.54-55).

Đọc trang viết của Phạm Quang Nghị, người đọc thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Cũng bởi vậy, ngay từ khi còn cắp sách đến trường, ông đã ý thức sâu sắc về vận mệnh quê hương đất nước, ý thức sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm “nam nhi vị liễu công danh trái”. Tình nhà, nghĩa nước kết tạo nhận thức thời đại ở tâm hồn ông: “Thật lạ, vào những lúc lòng đầy tâm trạng, vui hay buồn tôi thường nhớ nhà. Nhớ mẹ. Thường mơ gặp ông nội và hai đứa em gái đã chết trong trận bom ở làng. Nỗi nhớ bâng khuâng, hình bóng người thân cứ hiện lên, nửa như mơ, nửa như thật cứ quyện vào nhau. Có khi tỉnh rồi mà không nghĩ những người vừa gặp là trong mơ. Tôi muốn thốt lên tiếng gọi “mẹ ơi, mẹ”. Giữa rừng khuya, nước mắt không trào ra nhưng trong lòng se sắt, bồi hồi. Trằn trọc đảo người trên cánh võng” (tr.208). Đừng nghĩ rằng khóc là yếu lòng và cũng đừng nghĩ rằng, nước mắt không trào ra thì môi không mặn đắng!

Sau bao năm xa quê để học tập, chiến đấu, làm việc, nghỉ hưu, Phạm Quang Nghị trở lại quê nhà bằng tất cả sự hồ hởi, niềm phấn khởi… ùa vào vòng tay thương yêu của gia đình, chòm xóm. Phạm Quang Nghị vẫn là đứa con của làng Hoành, là bạn của “đám trẻ chăn bò, cắt cỏ” từ thời thơ ấu, nay đã lên chức ông bà, trên đầu đều hai thứ tóc, vẫn nhớ dây cày hồi mười bốn tuổi với ông cố Chánh, ông Mạn, anh Thược, chị giáo Khanh, chị Hảo…, vẫn như đang sống ở tuổi ấu thơ những ngày chạy mót lúa trên đồng quê nhà. Ông ngập tràn xúc động, xin một chén rượu sum vầy mà ông – đứa con của làng, suốt mấy mươi năm khát khao chờ đợi! “Trở về quê trọn tình làng nghĩa xóm, tôi cảm thấy một sự ấm áp xen lẫn thiêng liêng, hạnh phúc, bồi hồi thật khó tả. Quá khứ là cả một chặng đường dài với biết bao gian nan thử thách. Từ những năm tháng tuổi thơ chăn bò, cắt cỏ cho tới lúc trưởng thành, kỷ niệm của một đời người với biết bao buồn vui nói sao hết được. Với tôi hôm ấy là một ngày vô cùng đặc biệt. Tôi được đón nhận những tình cảm thắm thiết và thân thương của bao người” (tr.629).

Ngày họp mặt gia đình, Phạm Quang Nghị vẫn thấy như mình còn bé lắm, như thuở còn trong vòng tay chăm sóc thương yêu của mẹ. Từng bước trên đất quê đậm hương nhà, bồi hồi, ông nhớ mẹ: “Cầm ly rượu trên tay đi chào hỏi mọi người, trong ngôi nhà thân yêu, tôi như thấy hình ảnh mẹ tôi luôn hiện lên trước mắt. Tôi như đang nhìn, đang nghe những lời mẹ ru, những câu chuyện mẹ kể thì thầm những đêm trăng năm xưa. Tôi nhớ rõ từng lời, từng cử chỉ ân cần dạy bảo của mẹ. Nhớ cái hôm mẹ cố kìm nén những giọt nước mắt buồn để ngồi rang muối, làm ruốc trước ngày tôi lên đường vượt Trường Sơn ra mặt trận… Người mẹ một đời lo toan, nhọc nhằn, vất vả. Người mẹ suốt một đời thầm lặng hy sinh. Sức lực của mẹ dường như mong manh và yếu ớt, nhưng công lao và nghị lực của mẹ thì vô cùng lớn lao, không sao đo đếm được. Mẹ là người luôn bên cạnh, dắt dìu từng bước đi của tôi từ lúc còn chập chững cho tới khi tôi lớn khôn, trưởng thành. Và tôi tin, tôi cảm nhận trong lúc này và mãi mãi, mẹ vẫn luôn ở bên tôi. Người sẽ chở che cho tôi đi suốt cuộc đời” (tr.629-630).

Dù nặng lòng thương mẹ và quê nhà, Phạm Quang Nghị vẫn quyết tâm lựa chọn chốn sa trường để được trọn nghĩa với đất nước. Ngày đi: “Chào mẹ con đi để được làm người”. Ngày về, Phạm Quang Nghị gọi thầm: “Mẹ ơi mẹ, con đang về với mẹ đây!”. Dù ở đâu, làm gì, Phạm Quang Nghị luôn gắn chặt lòng mình với quê nhà, với tình mẹ thiêng liêng! Và cao hơn hết, là tình yêu Tổ quốc.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ký tặng sách.

Đất nước: Gian lao và anh dũng

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn ác liệt nhất! Chàng sinh viên họ Phạm vừa hoàn thành năm thứ III Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đáp lời sông núi: Xếp bút nghiên, cầm súng! Tác giả tập tự thuật đi vào cuộc chiến ở lứa tuổi đôi mươi, tâm hồn sục sôi nhiệt huyết và sự quyết tâm. Nhưng “chiến tranh không phải trò đùa”! Chiến tranh thực sự “đã khiến con người ta dạn dĩ, can đảm và tháo vát hơn” như chính lời thổ lộ của Phạm Quang Nghị. Trui rèn qua bom đạn chiến trường, tâm hồn người trai trẻ như thép đã tôi. Chỉ mới qua một năm (từ 15.4.1971 lên đường ra trận tới tháng 5.1972), Phạm Quang Nghị trưởng thành và dày dạn. Nhớ hồi mới rời mái trường đại học đi vào chiến trường miền Nam, mấy ai không tránh khỏi bỡ ngỡ. “Chúng tôi đã tới nơi gọi là bãi khách, trạm dừng chân qua đêm của bộ đội. Chỉ mới cách đây mấy giờ thôi mà mọi sinh hoạt phải hoàn toàn thay đổi. Ở Cự Nẫm tuy sát chiến trường nhưng vẫn là hậu phương miền Bắc. Còn ở đây là Trường Sơn. Dường như việc gì cũng mới lạ. Ai nấy vội vã tản ra tìm nơi mắc võng… đèn pin soi phải bọc qua lớp khăn mùi xoa cho bớt sáng nhằm phòng tránh máy bay địch. Ai nhỡ tay lia ánh sáng lên cao một chút là lập tức hàng chục tiếng đồng thanh quát to: “Đèn thằng nào đấy? Muốn chết cả lũ à?”” (tr.106).

Chỉ một năm sau đó: “Chúng tôi ở trong một ngôi nhà vắng chủ giáp hai mặt đường. Đề phòng địch còn cài người lại, hoặc thám báo biệt kích từ trong rừng ban đêm lẻn về tập kích, ban ngày chúng tôi sinh hoạt ở nhà này nhưng tối lại ngủ ở nhà khác. Sau thời gian dài sống ở rừng, ngủ võng đã quen, bây giờ có giường, có nệm nhưng cả mấy anh em vẫn phải tìm cột để mắc võng” (tr.177-178).

Thay đổi để trưởng thành hơn, nhưng có một điều ở Phạm Quang Nghị vẫn không thay đổi: Đó là tâm hồn nhạy cảm, tình thương dành cho con người và cũng thương những con vật điêu linh trong lửa đạn! Qua lời kể của Phạm Quang Nghị, bạn đọc trẻ tuổi hôm nay khó mà hình dung nổi “vượt qua giới hạn chịu đựng của con người” là như thế nào! “Chiến tranh vô vàn tình huống khốc liệt, dù ai đó có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể lường hết được những nỗi thống khổ kinh hoàng. Chẳng những nó vượt qua giới hạn chịu đựng của con người mà đến cả loài vật cũng lâm vào tình cảnh chết đói, chết khát một cách tuyệt vọng, vô cùng đáng thương. Con người và con vật trong chiến tranh không mấy khi được hưởng một cái chết bình thường như muôn loài được sinh ra trên Trái đất. Vâng, đúng thế! Không mấy ai may mắn được chết bên trong một nếp nhà, trên giường chiếu hay trong vòng tay yêu thương, nâng niu của những người đang sống. Những cái chết luôn đến một cách bất ngờ, người sống và người chết đều không ai biết là sẽ chết” (tr.179-180).

Thế nhưng, sự khốc liệt của chiến tranh không làm ông sợ hãi, mà chỉ thổi bùng lên khát vọng hòa bình trong tâm hồn của Phạm Quang Nghị và thế hệ của ông. Thường trực ở giữa lằn ranh mong manh: Sống và chết nhưng ông vẫn nhìn thấy hình ảnh đàn chim câu từ phía chợ Phước Lục bay dưới bầu trời xanh nghiêng bóng nắng chiến hào, “Bầy chim nhởn nhơ chạy tung tăng trên con đường đỏ thẫm, theo bước những người chiến sĩ, vai vác súng, lưng mang bồng” (Trích Nhật ký – tr.177). Chấp nhận giới hạn vượt mức chịu đựng của con người để có cơ hội làm người – một con người của đất nước tự do! Đó cũng là lời chào của Phạm Quang Nghị dành cho mẹ thân yêu trước khi lên đường ra trận. Ý nghĩa hai chữ “gian lao”, hai chữ “hy sinh”, kỳ thực còn lớn hơn nội hàm vốn có của nó! Và, những khi lời nói không thể lột tả hết hình tượng đất nước trong chiến tranh, Phạm Quang Nghị đã cất lên tiếng thơ. Lời tự thuật xen lẫn nhiều bài thơ, khiến cho câu chuyện vừa cụ thể lại vừa hàm súc, tái hiện một thời oanh liệt của những chàng trai, cô gái rời làng quê xa gia đình ra đi vì đất nước.

Bài thơ Phía sau mặt trận:

Buổi sớm mai

Ở phía sau mặt trận

Tôi không nghe những loạt đạn AK

Không nghe tiếng reo hò

Của những người bộ binh xung kích

Và không nghe ầm ầm vòng xích

Của xe ta mở cửa công đồn.

Mặt trận phía sau

Nghe tiếng pháo gầm

Từng đợt,

Từng đợt,

Dập dồn,

Dũng mãnh,

Những loạt đạn tấn công

Nung đỏ nòng thép lạnh

Chớp sáng lòa, sấm sét của miền Đông

Giáng lên đầu thù trong thị xã Bình Long.

*

Chiều về,

Khẩu AK nhấp nhô trên vai người chiến sĩ

Bụi chiến trường nhuộm mỗi bước đi

Từng khuôn mặt lấm lem đất đỏ

Bộ đội trở về hăm hở

Dắt theo lũ tù binh cúi mặt, cúi đầu.

*

Mặt trận ở phía sau

Là đường về chiến thắng!”

(Trích từ Nhật ký, 6.1972)

Và, từ trang tự thuật của Phạm Quang Nghị, đất nước hóa thành thơ. Sống trực tiếp trong những năm tháng ác liệt, đất nước trong thơ của Phạm Quang Nghị (được ghi lại dưới hình thức nhật ký) hẳn nhiên không thiếu khí thế hào hùng, bất khuất; thế nhưng điều đáng chú ý hơn, chính là những mầm xanh mọc lên trong tâm hồn thi ca Phạm Quang Nghị giữa cảnh tàn hoang bom đạn, chết chóc, bi thương. Đó là những mầm xanh thi ca hiếm hoi, như khẳng định cuộc chiến đấu dù ác liệt như thế nào cũng không thể hủy diệt được mầm sống trên đất nước Việt Nam. Con người Việt Nam hăng hái và “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, niềm tin mãnh liệt và niềm khát sống yêu đời vẫn cháy bỏng trong tâm hồn mỗi người chiến sĩ.

Trong nhật ký bằng thơ của Phạm Quang Nghị, độc giả có thể dễ dàng tìm thấy cỏ rất xanh và bầu trời bát ngát. Có thể nói, giữa bối cảnh chiến trường đang hồi ác liệt, bài thơ mở đầu với câu “Ơi dòng sông Bé miền Đông” như một tiếng gọi thân thương và hồn hậu. Một trong những bài chân thực, xúc động và đẹp đẽ về mảnh đất miền Đông Nam Bộ “Gian lao mà anh dũng”!:

Ơi dòng sông Bé miền Đông,

Một dải xanh trong chảy qua miền thương nhớ.

… Đất giải phóng con sóng reo hớn hở

Một dòng trôi lấp lánh nắng hè

Thắng trận về lớp lớp quân đi

Nao nức cả bờ tre xanh mát.

*

Em trở lại nghe lòng vui dào dạt

Vượt đường dài suối tóc đẫm mồ hôi

Sông nước gương trong như mắt em cười

Xanh thẳm một khung trời cao rộng.

Đôi bờ thắm bóng tre kỷ niệm

Và dòng sông sáng rực niềm vui

Đẹp biết bao trong mắt em cười

Nguyên vẹn một dòng xuôi êm ả.

*

Miền Đông mùa này nắng lửa

Sông Bé về mát rượi một dòng xanh

Rừng Phước Long, tháng 5.1972 (tr.203-204)

Một đặc điểm khác, trong nhật ký bằng thơ của Phạm Quang Nghị, chính là chiều kích của không gian nghệ thuật. Bởi lẽ, tác giả sử dụng nhiều lần hình ảnh “bầu trời” và “ánh sáng”. Chiều kích không gian rộng lớn, khoáng đạt, tươi tắn, trong lành…, gợi ra cảm thức vui tươi, náo nức và tin tưởng. Chẳng hạn, như bài thơ Lộc Ninh ta đó được viết sau khi Phạm Quang Nghị rời Lộc Ninh về R.

Lộc Ninh ơi,

Ta ước ao một lần trở lại

Thăm phố nhỏ trên sườn đồi thoai thoải

Nắng tinh khôi thắm đỏ những bàn chân

Thăm đường quen và ôn lại chiến công

Ngắm đất trời sáng trưng lộng lẫy

Con phố nhỏ đang đầu mùa mưa dậy

Tình miền Đông, đất đỏ níu chân người

Trên đường về mỗi bước mỗi niềm vui.

*

… Tháng tư về thả mưa quét bụi

Trời miền Đông cao xanh vời vợi

Lộc Ninh chan hòa nắng mới bừng soi

Náo nức quân đi, lấp lánh tiếng cười

Tháng tư, tháng đổi đời, vui lắm.

*

… Giải phóng rồi,

Lộc Ninh giải phóng

Mùng bảy tháng tư phố xá sáng màu cờ

Nắng rất vàng cờ đẹp ngỡ trong mơ

Cờ xanh đỏ sao vàng tung bay trên nóc phố

Cánh cửa mở như lòng người rộng mở

Phố nhỏ dâng hoa, giải phóng tiến quân về

Biết bao điều năm tháng chỉ được nghe

Nay đã thấy, quân đi lớp lớp

Bộ đội của mình chân đi dép lốp

Súng trong tay

Nụ cười nở trên môi (tr.201-202).

Lời tự thuật của Phạm Quang Nghị, không chỉ có âm vang hào hùng của chiến trận, mà còn hiện lên một cách bình dị, chân thực hình tượng đất nước; nhất là hiện lên cùng những con người rất đỗi mến thương: “Về R, có những phút ngồi trên cánh võng đung đưa, ngước nhìn lên khung trời, với những tán cây nắng loang trên ngọn lá, tôi lại nhớ Bù Đốp, nhớ Lộc Ninh. Nhớ dòng sông Bé miền Đông, nhớ người con gái có tên là Tằm, là y tá nhưng hằng ngày em vẫn băng rừng, vượt suối tham gia đi tải gạo, cùng các anh trong đơn vị. Mái tóc xanh dài ướt đẫm mồ hôi. Em bước thoăn thoắt trên con đường rừng quanh co, nhỏ hẹp với chiếc bồng gạo nhấp nhô trên lưng. Tôi bước theo sau, cố đi cho thật nhanh để kịp nghe em kể chuyện, trong lòng thấy cảm phục, mến yêu em vô cùng” (tr.202-203).

Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị vui mừng lắng nghe cố Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ kể lại những câu chuyện về thời kỳ kháng chiến trong chuyến thăm một số gia đình, cá nhân tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2015). Ảnh: An ninh Thủ đô

Đất nước của Phạm Quang Nghị không phải hình tượng một đất nước chung chung, cao ngất như tượng đài uy vệ; ngược lại, đất nước dưới ngòi bút của ông là những con người sống động, đang sinh hoạt và chiến đấu…, từng sống một thời như thế, chắc hẳn sẽ thao thức trăn trở như bao đợt sóng ký ức ào ào trở về. “Đêm khuya. Nằm treo trên cánh võng mong manh. Bốn bề vắng lặng. Một sự vắng lặng, yên ả gần như là tuyệt đối của rừng đêm. Chim chóc, muông thú trong rừng cũng ngủ say… Ngọn gió cũng đã ngừng lay động… Lúc này chỉ có nỗi nhớ trong lòng tôi là cồn cào, cuồn cuộn dâng trào…”. Đọc những lời kể của tác giả tập tự thuật, người đọc cảm nhận hình như đang nghe tiếng xào xạc lá rừng Trường Sơn, nghe ra tiếng bước chân giẫm lên lớp lá khô trên con đường rừng quanh co, khúc khuỷu. Đó là thanh âm của đất nước chúng ta trong những năm tháng chống quân xâm lược.

Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lại dấu ấn trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị. Những mảnh ghép đó hợp lại thành hình tượng đất nước rộng lớn. Từ Trường Sơn, ở R, đến vùng Đồng Tháp Mười, rồi Sài Gòn…, đến đâu, Phạm Quang Nghị cũng kịp lưu giữ lại bóng hình vùng đất và con người nơi ấy qua những trang văn. Trong đó, mảnh đất Hữu Đạo để lại dấu ấn khó phai trong lòng ông. Cảm nhận trước tiên của ông về vùng đồng bằng sông Cửu Long (khi nhận nhiệm vụ về đồng bằng) là vùng đất trù phú, tươi tắn, phong phú sản vật và nét đẹp văn hóa đậm đà.

Về đồng bằng lắm cá nhiều tôm, thả sức mà ăn trái cây, uống nước dừa xiêm ngọt lịm… Về đồng bằng rượu đế thơm mềm môi… Về đồng bằng, đủ thứ sản vật đặc sắc, ngon nức tiếng nơi miệt vườn Nam Bộ. Về đồng bằng, lắng nghe những làn điệu dân ca ngọt lịm… Nhưng, về đồng bằng ngày ấy nó gợi lên rất nhiều hiểm nguy. Không chỉ là gian khổ, điều ấy đương nhiên rồi, mà là sống chết, hy sinh đang rình rập, đợi chờ ở phía trước từng giây, từng phút (tr.206).

Ở Phạm Quang Nghị luôn tồn tại cái nhìn đa chiều như vậy. Nhận thức hiện thực cuộc chiến đan cài vào nhận thức vẻ đẹp đất nước. Hai luồng suy nghĩ này tạo thành dòng chảy trong nội tâm tác giả. Dòng tâm tưởng thổi bùng thêm niềm khát khao hòa bình cho đất nước.

Trong hình tượng đất nước, dấu ấn Đồng Tháp Mười chiếm dung lượng không hề nhỏ, nếu như không nói là rất sâu đậm. Biểu hiện của việc này là nhiều trang nhật ký còn lưu lại. Tác giả tập tự thuật miêu tả khá tỉ mỉ, chi tiết, cụ thể về cuộc sống, lao động, chiến đấu của con người ở vùng châu thổ này. Đó là, những năm tháng quần thảo cùng quân địch, áo quần, thân thể người không khi nào ráo nước.

“Đồng nước mênh mông, bốn phía nhấp nhô đầy tràm. Mùa này đường dây băng qua Đồng Tháp Mười nước ngập trên dưới đầu gối. Năn mọc dầy, kín mặt nước, người đi sau theo lối nước vẩn đục của bước chân người đi trước. Máy bay địch nhằm vào những lối mòn mà xối đạn. Những khóm tràm bị bật gốc, đất đen bị cày nát, lội vào là thụt sâu. Nhiều người thụt vào hố đại bác ướt tới ngực. Những gốc tràm bị địch đốt trong mùa khô, bây giờ trồi lá non. Chân đạp vào đau nhức” (tr.211).

Cũng như ở quê nhà, tác giả tập tự thuật không khỏi đau xót trước tình cảnh đất nước bị bom đạn tàn phá. Những vạt đồng tươi thắm, xanh non, màu mỡ bị bao phủ bởi niềm lo âu, thấp thỏm. Phạm Quang Nghị thương mảnh đất quê nhà bao nhiêu thì cũng đã dành cho người dân vùng ven bấy nhiêu. Ông thường ít thuật chuyện mình, chỉ kể lại chuyện người. Bởi, ông cảm thông sự chịu đựng của người dân trong chiến tranh. Sau ba năm bình định, hàng trăm cuộc càn, hàng trăm lần pháo cày đạn xới. Những gì hiện lên trong ánh nắng ban ngày chẳng đủ nói lên rồi sao? Mảnh đất vùng ven lộ 4 của Mỹ Tho tươi mát, màu mỡ là vậy mà giờ đây, người dân Tân Hội khó kiếm ra một thân cây trâm bầu dựng chòi hoặc bắc làm cầu ngang qua con mương nhỏ. Đêm về khuya, sâu thẳm, không một tiếng gà định khoảng thời gian. Quân thù đã bao lần vặn cổ những con gà cuối cùng trong xóm ấp. Chỉ có những ngọn đèn soi lối vào hầm tránh pháo thao thức trong đêm. Những quầng sáng lặng im đó nói với những người lần đầu về vùng ven bao điều sâu thẳm của sự chịu đựng gian lao và sự hy sinh, gan góc của người dân (tr.224).

Chiến tranh đã reo rắc đến tận cùng đau thương mà đất nước và dân lành phải gánh chịu. Có những đau thương khó lòng bôi xóa. Cách khắc họa của Phạm Quang Nghị thường xuất phát từ những chi tiết sinh động, tức thời. Rồi, sau đó, ông tô thắm trang viết bằng rung cảm, xúc động chân thành. Chính điều này lay động tâm hồn người đọc. Chỉ có sự chân thành mới khiến cho người đọc, nhất là bạn đọc trẻ hôm nay, cảm nhận sâu sắc đau thương, mất mát của đất nước trong chiến tranh.

Song, không phải vì vậy khiến hình tượng đất nước trong trang viết của Phạm Quang Nghị phủ màu u ám. Bên cạnh gian khó và những mất mát, tác giả tập tự thuật còn chú ý đến vẻ đẹp vùng đất Nam Bộ. Từ chỗ phát hiện, ông đã yêu mến và hòa mình vào cuộc sống con người nơi đây, cùng làm, cùng ăn, cùng ở. Sống, lao động, chiến đấu gắn bó với bà con, đó là quãng thời gian để lại những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ trong đời chinh chiến của ông.

“Tôi thuộc dân “rau muống” chính hiệu nhưng sống với bà con cơ sở nhiều nên bây giờ rau gì đồng bào ăn được tôi đều ăn theo, chả cứ là giá sống. Khổ qua, bông súng, đọt lộc bình, cây tai tượng, bông điên điển, trái cóc, trái mận, trái xoài xanh và đủ các thứ lá bứt ở trong rừng, thứ biết tên, thứ không biết tên, ăn sống, ăn luộc, nấu chua. Rồi đến các thứ con, to như “ông bồ” (voi), hươu, nai, mễn, kỳ đà, trăn, rắn, rùa, cóc, chuột… Bé như con tép, con tôm, trứng kiến…, hết thảy mọi thứ anh em ăn được là tôi đều gắng ăn theo. Xét về góc độ văn hóa ẩm thực, tôi xứng đáng được bà con yêu mến gọi là “con em của mọi miền đất nước”… Có lẽ bởi thế, từ xưa trong trăm ngàn thứ học, các cụ dạy mở đầu là “học ăn”. Mà tôi nghiệm ra, học ăn cũng phải chăm chú quan sát, lắng nghe… và cũng đòi hỏi phải phấn đấu, cố gắng. Đúng thế không mọi người? Làm thịt rắn chỉ là câu chuyện nhỏ. Sau này, mỗi khi ăn bánh đa phơi sương Trảng Bàng cuốn với thịt heo, rau rừng, tôi cuốn còn khéo hơn nhiều cô lễ tân, đầu bếp” (tr.271).

Dọc đường chiến tranh, Phạm Quang Nghị từng đến Bù Đốp, Lộc Ninh, Hữu Đạo, Thanh Điền… Ở mỗi nơi, ông lại có kỷ niệm riêng và ghi nhớ đặc trưng vùng đất, con người nơi ấy. Đất nước luôn hiện lên cùng hình bóng những con người. Bởi vậy, độc giả hình dung về đất nước trong lời tự thuật của Phạm Quang Nghị là một hình tượng rất trẻ trung, giàu sức sống, đầy nghị lực và ý chí kiên cường chiến đấu. Những con người ấy lồng vào bóng hình quê hương, hòa vào vận mệnh dân tộc. Dẫu chỉ là những con người với sức vóc nhỏ bé, nhưng họ đã góp phần không nhỏ khiến cho hình ảnh đất nước trở nên vĩ đại, lớn lao. Đó là, những em giao liên, tuổi chừng 15; thằng Út, tuổi đang 14; bé Tư tuổi chừng mười sáu, đó là những người cán bộ, du kích vùng ven thông minh, gan dạ và còn rất nhiều những con người bình thường đã cùng góp sức mình vào tượng đài đất nước. Ta chợt nhận ra: Đất nước trong trang viết Phạm Quang Nghị sao mà giản dị, mến thương và gần gũi đến vậy!

Đất nước thống nhất, Phạm Quang Nghị và những người cùng thế hệ ông đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử – thời đại, trách nhiệm của một thanh niên đối với đất nước. Ngày ra đi sẵn lòng, ngày trở về nhẹ lòng, trong ba lô chỉ có vài món đồ cũ kỹ cùng rất nhiều kỷ niệm với vùng đất phương Nam. Dòng người rời bến Bạch Đằng ai cũng mang theo túi xách, túi du lịch, valy. Chỉ có mình tôi vẫn đeo chiếc ba lô bộ đội. Hình ảnh ngày đi và ngày về không khác nhau là mấy. Có khác chăng chiếc ba lô của tôi hôm nay nhẹ hơn chiếc ba lô ngày vượt Trường Sơn. Và nó đã bạc màu theo năm tháng (tr.341). Khoảng thời gian từ 15-4-1971 đến 9h35 sáng ngày 21-9-1975, từ ngày đầu tiên lên đường đi B cho tới khi lên tàu trở về quê cũ, Phạm Quang Nghị đã đi dọc chiều dài đất nước, lưu lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, để lại nhiều kỷ niệm đáng quý và dường như tất cả “gia tài” của ông lại được chứa trong một chiếc ba lô bộ đội đã bạc màu chiến trận!

Ngày đi vượt núi băng rừng,

Ngày về, vượt biển trùng trùng đại dương (tr.342).

Và, trong cái ba lô bộ đội đã bạc màu chiến trận không ai có thể ngờ, cái quý giá nhất lại là những cuốn nhật ký chiến trường, là… rất nhiều nghĩa tình sâu nặng, vấn vương!

 

 

 

 

Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 2

Cập nhật ngày: 24 Tháng Năm, 2024 lúc 20:45

Vanvn- Phạm Quang Nghị đi vào chiến trường miền Nam, trên đôi vai người chiến sĩ vượt Trường Sơn, ba lô chẳng có tài sản gì đáng kể. Chỉ tình yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm đánh giặc là lớn lao. Tình yêu đất nước đã gắn kết ông với tình người muôn nơi dưới mưa bom bão đạn…

Ông Phạm Quang Nghị 

Tình người: Lưu luyến, sâu nặng

Từng là người lính cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, Phạm Quang Nghị có giọng văn rắn rỏi, chân phương, bộc trực. Ông kể một cách “ngon trớn” không dè dặt, chần chừ mà niềm nở, thẳng thắn. Các câu chuyện được xâu chuỗi theo dòng thời gian tuyến tính. Dõi theo đó, độc giả cùng hành trình qua những chặng đường đời Phạm Quang Nghị; và trên chặng đường nào bạn đọc cũng nhận thấy nhiều ký ức vô giá: Đầy ắp tình người!

Trong mái ấm gia đình, nhất ở thời thơ ấu, ông nội là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Không chỉ vì sự cưng chiều của ông dành cho cháu, còn vì ông đã góp phần hình thành tính cách con người và quan niệm nhân sinh cho Phạm Quang Nghị. Qua lời kể của Phạm Quang Nghị về ông nội, bạn đọc có thể bắt gặp sự kết hợp giữa quan niệm nhân nghĩa Khổng – Mạnh và quan niệm thiện – ác theo nhận thức của đạo Phật (phải chăng đây là truyền thống Tam giáo đồng nguyên vốn đã hình thành từ thời Lý – Trần). Những bài học đạo đức của ông nội từ hồi thơ ấu, Phạm Quang Nghị vẫn còn nhớ rất kỹ đến hôm nay: Rồi ông giảng giải: “Chăm làm điều thiện, điều tốt thì sẽ gặp được điều lành. Làm ác thì sẽ gặp ác. Đời mình chưa được, chưa gặp thì đời sau sẽ gặp”. Mỗi khi uống rượu ngà ngà say, ông thường ngâm ngợi: “Trên cao đã có thánh tri. Những người nhân nghĩa có hàn vi bao giờ”. Ông thường lấy những câu chữ của thánh hiền để đem ra dạy cháu con: “Nhân bất học, bất tri lý”, “Bất học diện tường”. Ông lại giảng giải: “Người không có học thì không hiểu được điều phải, trái; không có học như úp mặt vào tường…” (tr.31).

Có thể nói, ông nội là người đã hun đúc cho Phạm Quang Nghị tinh thần hiếu học, tiếp nối truyền thống của gia đình. Học từ lúc tấm bé và không ngừng học tập cho đến suốt đời. Nhờ đó, tác giả tập tự thuật có sở học rất sâu sắc, rộng rãi. Qua lời kể của Phạm Quang Nghị, người đọc càng nhận ra vai trò giáo dục gia đình thực sự rất quan trọng. Bởi, đó là, dấu ấn ban sơ; là nền móng dựng nên tòa nhà tâm hồn con người. Điều này, lý giải vì sao Phạm Quang Nghị ghi nhớ một cách sâu sắc lời dạy của ông nội, dù nay đã lên tuổi lão. Bên cạnh ông, bà nội lại là người trao truyền cho Phạm Quang Nghị vốn kiến thức dân gian, dạy cho ông tình yêu lao động, đúc kết trong nhiều câu ca dao, tục ngữ. Ông tôi thì dạy chữ, bà tôi thì dạy làm. Ông đề cao nhân nghĩa. Bà đề cao cần cù… Ngoài việc đi học chữ ở lớp, ở trường, cho đến sau này cũng vậy, những lời giáo huấn trong gia đình của ông bà, bố mẹ là nguồn tri thức, luân lý ảnh hưởng vô cùng lớn đến tôi (tr.33). Nhờ đó, ngay từ trong mái gia đình, Phạm Quang Nghị đã tiếp thu cả kiến thức hàn lâm và kiến thức bình dân một cách hài hòa.

Vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn (bố cán bộ thoát ly, mẹ gồng gánh nuôi đàn con thơ dại), Phạm Quang Nghị sớm biết đỡ đần giúp mẹ việc nhà. Những năm tháng khó khăn, ông vẫn nhớ và thầm biết ơn những người từng giúp đỡ, kể cả những việc nhỏ nhặt.

Năm 1963, mẹ sinh em gái thứ tư. Bố đặt tên là Hà. Khi ấy tôi mới mười bốn tuổi. Mẹ phải nghỉ việc đồng trong những tháng mới sinh. Lại đúng giữa mùa cày cấy. Tôi không biết mẹ đã xin, đã vận động, thuyết phục thế nào mà cả dây (nhóm) cày bừa đều đồng ý cho tôi được thay mẹ gia nhập dây cày cùng người lớn. Dây cày gồm năm, sáu nhà gần nhau. Tôi lếch thếch mang chiếc bừa dài chấm gót. Chiếc cày thì cồng kềnh che lấp cả thân người. Tôi cũng được bình công chấm điểm, được tính bằng nửa công người lớn. Ông cố Chánh, ông Mạn, anh Thược, chị giáo Khanh, chị Hảo… dường như mọi người cảm thông với hoàn cảnh gia đình neo đơn, đều ân cần chỉ bảo, hướng dẫn cho tôi từ việc cầm cày, cầm bừa cho tới điều khiển con bò sao cho đúng cách (tr.42-43).

Và còn nhiều người khác nữa… Tác giả tập tự thuật cảm nhận được tình láng giềng, làng xóm, bà con. Những người dân quê mùa nhưng nồng nàn tình nghĩa. Họ cởi mở và sẵn lòng giúp đỡ những người gian khó, với tinh thần: “Thi ơn bất cầu báo”. Với tuổi thanh niên giàu niềm tin và hy vọng, dẫu khó khăn, tác giả tập tự thuật vẫn luôn giữ một tâm thế lạc quan, phấn khởi, tươi vui. Thời đại học, dẫu thiếu thốn muôn phần nhưng vẫn không thiếu tình bạn chân thành, tình thầy trò sâu nặng. Chúng tôi, lớp sinh viên của những năm tháng đất nước đang có chiến tranh. Dù chưa được ra trận cầm súng đánh giặc nhưng vẫn luôn cảm thấy tự hào vì đã được nếm trải những khó khăn, gian khổ và cũng được thưởng thức đôi chút ác liệt của bom đạn. Ngày ấy đế quốc Mỹ không phải chỉ đe dọa, mà bằng hàng triệu tấn bom đạn chúng quyết tâm “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”… Nhưng chính trong những năm tháng ấy chúng tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết tình thương yêu của con người, tình thầy trò, bầu bạn luôn dành cho nhau. Và vượt lên tất cả là tình yêu đất nước, tin tưởng ở tương lai luôn cháy bỏng trong tim mỗi người (tr.72-73).

Những ngày tháng ấy mãi còn xanh bởi tình bạn trong cái thời “nghèo rớt mùng tơi”. Ấy vậy, mỗi khi có dịp nhắc đến, thật trìu mến, thật ấm áp vô cùng. Đọc những trang viết của Phạm Quang Nghị, đôi khi, người đọc ngỡ rằng tác giả đang ngồi bên cạnh thủ thỉ, kể ta nghe những chuyện năm ấy…, hồi đó… Phạm Quang Nghị còn trích lại một số bài thơ rất hay và có lẽ, sinh viên những năm tháng ấy ai nghe tới cũng đều sôi bầu nhiệt huyết. Ví như, bài thơ “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời” của Evtushenko:

…Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?…… (tr.73).

Phạm Quang Nghị đi vào chiến trường miền Nam, trên đôi vai người chiến sĩ vượt Trường Sơn, ba lô chẳng có tài sản gì đáng kể. Chỉ tình yêu quê hương đất nước và ý chí quyết tâm đánh giặc là lớn lao. Tình yêu đất nước đã gắn kết ông với tình người muôn nơi dưới mưa bom bão đạn. Tình người trong chiến tranh được tác giả thuật lại bằng những mẩu chuyện trực tiếp gắn với những con người cụ thể, có tên. Đó là, cô gái tên Tằm – ông cảm phục, khi nghe cô kể chuyện bắt tù binh. Nghĩ về kẻ thù, thường mọi người vẫn có suy nghĩ căm phẫn, thù nghịch; thế nhưng, hình tượng cô Tằm và người tù binh trong trang viết của Phạm Quang Nghị lại hiện lên một cách thật nhân văn, rất đỗi con người: “Em kể lần bắt được tù binh. Tên lính đã trốn, lạc trong rừng cả tuần, rất muốn ra hàng quân giải phóng, nhưng thấy bộ đội người nào cũng có súng nên nó sợ bị bắn. Ẩn nấp suốt mấy ngày trong rừng mới gặp được Tằm đi tách hàng ở phía sau. Vừa tải gạo, em vừa phải dẫn giải tù binh về căn cứ. Một tên tù binh đầu bù tóc rối, thân hình tiều tụy. Cứ một câu “mong chị đừng giết em”, hai câu mong “chị ơi, chị cho em sống để em về với má”… Em kể cho tôi nghe những câu chuyện gian khổ và phi thường như vậy mà cứ như em đang nói chuyện nhặt rau, vo gạo giúp má ở nhà” (tr.203).

Tên tù binh hiện lên như một con người – một con người bằng xương bằng thịt – có cha mẹ, gia đình, quê nhà và có dòng máu đỏ chảy khắp châu thân. Hơn hết, đó là, một con người đầy sợ hãi, thương tổn, như thể bị đẩy vào chiến trường để làm mồi cho lửa đỏ chiến tranh. Người đọc thấy được, trong lời kể của tác giả tập tự thuật: một tấm lòng nhân đạo, bao dung, đồng cảm với cô y tá Tằm.

Với tố chất văn chương, tình người trong quãng đời tham gia kháng chiến qua những lời kể của Phạm Quang Nghị, tình đồng chí, đồng đội hóa thành thi ca. Những vần thơ ra đời trong hoàn cảnh nhịn đói trên lộ đất Mỹ Long càng tô thắm tình đồng chí trên chiến trường. Bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình” của Thanh Thảo, và câu chuyện được Phạm Quang Nghị thuật lại, giúp bạn đọc hôm nay, hình dung chuyến công tác “về đồng bằng” của ông với nhà thơ Thanh Thảo. Tác giả tập tự thuật rất xúc động và cũng rất trân quý tình bạn với nhà thơ Thanh Thảo – những ngày tháng hai người vượt qua Đồng Tháp Mười: Bài viết của nhà thơ Thanh Thảo chân thật, xúc động và không kém phần lãng mạn. Tình cờ đọc được, tôi cảm thấy thật thú vị, xen đôi chút tự hào, hãnh diện. Một nhà thơ có tên tuổi nhận mình là “thằng bạn thân” từ hồi đang chiến tranh và lại còn nhắc đến những kỷ niệm vô cùng đặc biệt, nhịn đói, nhịn khát ba ngày ròng rã trên con lộ đất Mỹ Long với những chi tiết thật đáng nhớ (tr.218).

Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ/ đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất/ trải dưới trời một tấm ni lông/ nơi khi chiều B52 bừa ba đợt/ nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết/ nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của đời mình/ “chừng nào thật hòa bình/ ra lộ 4 trải ni lông nằm một đêm cho thỏa thích/ thằng bạn tôi đăm đăm/ nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước/ đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được/ chứa đầy một hố bom và một ngôi sao…– (Một người lính nói về thế hệ mình, Thanh Thảo).

Several books on a table

Description automatically generatedNhững trang nhật ký, trang ghi chép được đồng chí Phạm Quang Nghị giữ suốt mấy chục năm. Ảnh: Zing

Không riêng kỷ niệm với Thanh Thảo ở Mỹ Long, mà còn ở Hữu Đạo, và rộng khắp vùng Đồng Tháp Mười. Ở đâu, Phạm Quang Nghị cũng bắt gặp và trao gửi tình người đượm thắm. Không chỉ là tình đồng chí đồng đội, còn là tình quân dân gắn bó. Với trái tim nhạy cảm giàu tình thương, Phạm Quang Nghị – một cán bộ tuyên huấn R sâu sát nhân dân, một phóng viên chiến trường gan dạ, “chịu chơi” và như anh tự nhận: “một Việt cộng nằm vùng thứ thiệt” (trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nằm vùng) đã “cắm rễ” lòng mình vào mảnh đất vùng ven, nhất là ở Hữu Đạo. Tình cảm thương mến của gia đình chú Chín đối với “tôi” trong lời tự thuật chính là tình cảm gắn bó quân dân trong cuộc chiến. Hôm bé Tư dẫn cả nhà sang nhà thím Bảy để mọi người cùng nhìn tôi cho thật kỹ bởi tôi… quá giống người con trai của gia đình đã hy sinh. Tôi bỗng từ đâu xuất hiện, theo lời mọi người, giống con trai của chú Chín như lột (tr.234). Bên cạnh đó, cảm tình của tác giả và bé Tư cũng là những rung cảm, thương mến vô cùng thành thực, rất đỗi con người. Để giữ khoảng cách, tôi phải nói xạo, rằng “trước ngày đi B anh Hai đã cưới vợ và đã có… một con (chắc là con mắt). Bé Tư lại đòi cho xem ảnh. Lại tiếp tục quanh co, lẩn tránh, rằng tập ảnh anh Hai để trên căn cứ. Dù tôi đã khai gian lý lịch như thế, cả nhà bé Tư đã qua nhà thím Bảy nhìn tôi cho bõ nhớ người con đã hy sinh, nhưng hằng ngày bé Tư vẫn trao cho tôi ánh mắt nhìn đến ngại. Những hôm ra ruộng, cánh đồng trống trải mênh mông là thế, từ phía ruộng nhà em, em vẫn ném sang tôi những cái nhìn. Còn tôi, lúc nào cũng lo có người trông thấy (tr.234).

Chắc hẳn, bạn đọc cũng nhận thấy: Lời tự thuật của Phạm Quang Nghị được viết trực tiếp trong những năm tháng khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rất giàu cảm xúc, sinh động mà hết sức thật lòng; được diễn đạt thông qua tình huống, chi tiết và đối thoại nhân vật mang giá trị nghệ thuật. Có thể, xem trang tự thuật này như sự kết hợp của nhiều hình thức nghệ thuật (truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, thơ, …). Nhưng, tác giả viết không nhằm một chủ đích nghệ thuật, chỉ đơn thuần khắc họa một cách rõ nét tình người nồng thắm trong chiến tranh. Viết như một hành động hồi đáp nghĩa ơn, thương mến!

Mồ hôi tuôn giọt giọt/ Mặt mày anh đỏ gay/ Em nhìn chi kỳ vậy/ Anh ngượng chín cả tai// Mà anh là con trai/ Còn em là con gái/ Cái nhìn thật mềm mại/ Nhưng nóng hơn lửa đồng// Cái nắng thì mênh mông/ Cái mưa thì ràn rạt/ Đồng quê em bát ngát/ Em thôi nhìn được không?– (Nhìn chi kỳ vậy, ở Hữu Đạo 10-1972)

A person holding an object

Description automatically generatedÔng Phạm Quang Nghị những ngày ở chiến trường.

Trong những tháng ngày sống và chiến đấu, bám trụ vùng ven, Phạm Quang Nghị hầu như đã hòa nhập vào nếp sống lao động và tính cách con người Nam Bộ. Ông kể thời gian ở “vùng ven” bằng chất giọng vui tươi, với những từ vựng Nam Bộ mà ông vừa học được, bày tỏ tình mến thương với người dân quê nơi đây. Những cái tên như Tư Le, Ba Lùng, Bảy Đực… hiện lên trong tâm tưởng Phạm Quang Nghị đầy mến thương, gần gũi; thể như người bà con máu mủ ruột rà. Và, ông còn hòa mình vào cá tính con người nơi đây với sự khảng khái, thẳng thắn, bộc trực, hào sảng, và “thiệt tình” hết sức! Mọi người thấy tôi nâng ly, uống rất gọn gàng. Uống mà gương mặt không nhăn nhó, không lấy khăn rằn giả bộ che miệng để nhổ ra. Ực một cái hết ly. Lại còn giơ cao chiếc ly cho mọi người chứng kiến! “Thưởng cho Hai Nghị một ly. Chịu chơi. Uống thiệt tình. Quá đã!”. Mọi người đồng thanh hô lớn. Uống trong Nam Bộ, uống hay cũng được thưởng rượu, mà uống dở cũng lấy rượu mà phạt. Thế thì tội gì Hai Nghị không cố uống cho hay (tr.249-250).

Những ly rượu nghĩa tình của người dân Hữu Đạo, những con người trượng nghĩa dù họ vô danh nhưng với Phạm Quang Nghị, họ hữu danh trong tâm hồn ông. Sống theo năm tháng và còn mãi với thời gian là những ly rượu nghĩa tình sinh tử. Ly rượu đế tình người quê nghèo tiễn người chiến binh vượt qua lộ 4 (đoạn đường tử thần) thấm ngấm tận trái tim người chiến binh! Tôi đón nhận ly rượu, ực một hơi và ngửa cổ để chú thả khúc cá vào miệng, lòng thầm mong đêm nay sẽ vượt được qua lộ. Và mong… mình đừng chết… Cứ mỗi lần đưa ly rượu cho từng người, chú Bảy Đực đều nói “Uống đi! Rủi có chết… thì đã được uống rượu” (tr.254-255).

Tôi chưa bao giờ nghe hay đọc được ở cuốn sách nào tả cuộc tiễn đưa người ra đi như chú Bảy. Người đi, nâng chén rượu quan hà. Nhưng chẳng có ai nói được một câu cảm kích như chú Bảy đêm nay. Và cái cách tiễn đưa chúng tôi qua lộ như chú Bảy thì cũng chỉ có ở người dân Hữu Đạo, Châu Thành mà thôi. Mà không phải chú chỉ ra tiễn một đêm. Tối trước chúng tôi không qua lộ được, hôm sau chú lại ra. Rủi đêm nay chúng tôi có chết, thì trước lúc “phủi chân bước lên bàn thờ” cũng được uống ly rượu từ chính tay chú rót. Ly rượu và những lời chú Bảy ngấm vào tận nơi sâu thẳm nhất của trái tim tôi. Ly rượu nghĩa tình, sống chết của người dân Hữu Đạo (tr.255).

Ly rượu đế của chú Bảy, ngẫm có khác gì “bồ đào mỹ tửu”, đang muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà đã giục phải lên ngựa để ra đi. Bởi, túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?. Nếu hỏi, còn gì đọng lại trong tâm hồn Phạm Quang Nghị sau những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường ác liệt thì có lẽ, chẳng đắn đo, ông sẽ nói: Tình người!

Trải suốt hành trình gian lao cùng đất nước, mọi lúc, mọi nơi, hầu như chỗ nào cũng thấy tác giả thuật lại những mẩu chuyện xúc động về tình người. Phạm Quang Nghị không chỉ viết ra bằng ngòi bút mà ông, chậm rãi thuật lại bằng con tim ngập tràn rung cảm. Dấu vết tháng năm in hằn trên trang viết chính là những câu chuyện về đất và người như thế, khiến tâm hồn tác giả vẫn mãi luyến thương. Dõi theo lời tự thuật của tác giả, bạn đọc chắc cũng cảm thấy nặng lòng, không phải vì thời gian chất chồng mà vì nghĩa tình chồng chất. “Không hiểu vì sao kể từ ngày ấy, mỗi khi nghe ai đó nhắc đến hai từ “vùng ven” là lòng tôi lại xốn xang. Vùng ven, nơi giáp ranh tranh chấp địch ta. Nơi tôi đã cùng anh em du kích, cán bộ cơ sở bám dân, bám đất. Nơi tôi đã được thím Bảy, chú Ba, chú Chín… đùm bọc chở che. Nơi tôi sống trong những căn nhà chòi cực đơn sơ mà ấm áp tình người. Nơi đương đầu với địch, không phải chỉ hàng ngày mà hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Những loạt đạn sáng lòe, chát chúa, đêm nào, ngày nào cũng nhắm về phía chúng tôi” (tr.258).

Vậy rồi, Phạm Quang Nghị đã trở thành đứa con máu thịt của miền Nam. Tình quân dân, gia đình không phân biệt ranh giới. Mà, cũng chính vậy, ông cảm nhận rõ ràng nỗi đau của những bà mẹ miền Nam khác chi những nỗi đau của tất cả bà mẹ Việt Nam. Sống gắn bó với nhân dân miền Nam trong những tháng ngày chiến tranh tàn khốc nhất, Phạm Quang Nghị cùng chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Có những người, Phạm Quang Nghị xem như người anh, người chị, người em, người mẹ trong mái ấm gia đình. Phạm Quang Nghị thuật lại bằng chất giọng nghẹn ngào, ngân ngấn nơi khóe mắt. Được mời dự đám giỗ nhà thím Năm – một kỷ niệm, tác giả nhớ mãi: Tôi, người mà thím thường gọi là chú Hai Hà Nội. “Chú Hai bỏ nhà, bỏ bố mẹ bỏ vợ con ngoài Bắc vào đây đánh giặc với bà con (chả là tôi phải nói dối trước khi đi B đã cưới vợ, có con) nên được thím rất thương. Ngôi nhà chòi đơn sơ, lòng nhà nhỏ hẹp. Đưa mắt nhìn, mà sao trong nhà lại có tới ba ban thờ? Tôi thật thà hỏi thím. Một câu hỏi hết sức tình cờ. Mắt thím hướng lên, nhìn qua phía này rồi lại nhìn sang phía kia. Giọng buồn, đăm chiêu, như là không muốn nói: “Ban giữa là tui thờ ổng. Ổng đi làm đồng đạp phải mìn, chết. Còn hai bên thờ hai thằng, là thằng Ba, thằng Tư. Một thằng đi lính quốc gia. Một thằng đi lính giải phóng. Phải lập hai ban thờ để anh em nó hàng ngày không nhìn thấy nhau. Hôm nay làm cơm cúng thằng Tư nên phải kéo bức rèm che ban thờ thằng Ba lại” (tr.250-251).

Hoàn cảnh và tình thương của bà mẹ miền Nam khiến Phạm Quang Nghị xúc động và cảm nhận rõ ràng nỗi đau khôn tả của người phụ nữ này. Chợt ông, lòng dâng lên niềm xúc động và thấy rằng, gia đình của thím Năm cũng như gia đình của mình ở ngoài Bắc. Nỗi đau chiến tranh là giống nhau và những mất mát kia, đều là máu xương của đồng bào. Nghe thím nói, tôi thấy nghèn nghẹn trong cổ họng. Thím Năm đang phải chịu đựng một nỗi đau tột cùng. Một nỗi đau chất chồng, giằng xé trái tim người vợ, người mẹ. Lẽ ra tôi không nên hỏi. Tôi thương thím Năm như thương mẹ của tôi. Cái ngày hai em gái của tôi chết vì bom Mỹ, một em trai bị sức ép của bom cũng chết không lâu sau đó nếu không vì thương tôi còn sống thì mẹ tôi đã gieo mình xuống dòng sông Mã. Có người mẹ Việt Nam nào mất con mà không đau, không xót. Trước ngày lên đường đi B, cô dì chú bác gọi tôi đến nhà ăn cơm, dẫu không nói ra nhưng trong lòng ai cũng thầm nghĩ, nhỡ vào chiến trường mà tôi hy sinh, thì bữa ăn hôm nay chính là bữa cơm cúng dành cho người đang sống (tr.251).

“Cơm đưa tiễn biết đâu cũng là cơm cúng”, lời kể của Phạm Quang Nghị thật sự khiến ta phải lặng người! Cũng như, hình ảnh ngôi nhà thím Năm với ba ban thờ, ba mảnh gỗ treo lên ngang vách, còn ám ảnh đeo đẳng mãi trong tâm trí Phạm Quang Nghị. Nó khiến ông miên man nghĩ ngợi về quê nhà, đất nước trong những năm tháng kháng chiến đau thương. Từ một hôm được thím Năm mời sang nhà ăn giỗ, trong ông đã cảm thấu tột cùng nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con. Và ông đã nuôi những dự cảm, những ước mong về sự hoà giải, hoà hợp dân tộc. Tình cảnh trớ trêu của ba ban thờ trong ngôi nhà chòi của thím Năm ấy khiến bất cứ ai cũng phải day dứt mỗi khi nghĩ đến. Ngồi trong mâm cỗ, tay cầm đũa mà đầu tôi cứ nghĩ ngợi miên man. Nói dại, chẳng may tôi hy sinh, thì mẹ tôi cũng đau khổ giống thím Năm vậy. Cũng thương tôi đứt gan, đứt ruột. Tôi ngước nhìn lên hai ban thờ đối diện nhau. Gọi là ban thờ nhưng thực ra mỗi ban chỉ là một mảnh gỗ được treo lên ngang vách, với một bát hương và di ảnh. Bên hôm nay có giỗ, bức rèm được kéo ra và những cây hương đang cháy. Còn một bên bức rèm che lại. Trong trái tim của thím, trái tim người mẹ làm sao thím có thể đóng mở như thế được, thím Năm ơi? Những nỗi đau như thế giằng xé biết bao trái tim người mẹ Việt Nam. Tôi cứ bần thần, nghĩ ngợi câu chuyện ba ban thờ trong căn nhà chòi của thím Năm. Những hy sinh, mất chồng, mất con vốn đã là nỗi đau tột cùng của người phụ nữ. Lại thêm nỗi đau không nói thành lời về sự mất mát những đứa con cầm súng hai bên chiến tuyến. Lẽ nào sang thế giới bên kia anh em một nhà, cùng một mẹ đẻ ra vẫn còn cầm súng bắn lại nhau? Hôm nay lúc cúng cơm liệu thím có gọi cả hai về ngồi quanh bên thím? (tr.251-252).

Những chia sẻ và day dứt vừa cá nhân vừa không riêng người nào đã trở thành nỗi băn khoăn chung của bao người từng đi qua cuộc chiến, cũng như người hôm nay. Lời kể của Phạm Quang Nghị dẫu không dụng công trau chuốt nhưng có thể, đang làm cho người đọc thao thức, nao lòng.

Thay lời kết

Quê nhà: Nỗi nhớ, niềm thương; Đất nước: Gian lao, anh dũng; Tình người: Lưu luyến, sâu nặng chính là “hệ quy chiếu” của tập tự thuật “Đi tìm một vì sao”. Và, “Đi tìm một vì sao” – đúng hơn, hay chính là Phạm Quang Nghị đi tìm lại chính mình với vận mệnh của một người đã hòa vào vận mệnh của quê nhà, đất nước. Có lẽ, đó cũng chính là vì sao mà nhà thơ Thanh Thảo đã nhìn thấy trong mắt Phạm Quang Nghị, trong đêm bơi xuồng băng qua những con kênh chằng chịt Đồng Tháp Mười ngày cũ – Nơi ấy, là chiến trường!

Đôi mắt đăm đăm nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước. Đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được. Chứa đầy một hố bom và một vì sao… (…) Tôi thầm phục nhà thơ Thanh Thảo quá chừng. Làm sao anh lại có thể nhìn thấy được ngôi sao trong hố bom hiện lên trong đôi mắt tôi ngày ấy. Mà quả thật trong cái đêm tôi bơi xuồng qua những con kênh Đồng Tháp bao la và mênh mông ấy, luôn có một ngôi sao sáng, xanh đã chỉ dẫn cho tôi đưa chiếc xuồng đi đúng hướng. Đấy không chỉ là hình ảnh văn học của nhà thơ tưởng tượng mà là sự thật trong tôi ngày ấy. Đó là ngôi sao có thật trên trời cao, một ngôi sao thật sáng, thứ ánh sáng dịu màu xanh tỏa ra từ trên bầu trời. Một ngôi sao lần đầu tiên trong đời tôi đã nhìn thấy rất rõ, đã hướng cho con xuồng ba lá của tôi lướt đi tới đích (tr.218-219).

Một ngôi sao sáng, xanh, có thật trên bầu trời. Và một ngôi sao lý tưởng dẫn đường cho Phạm Quang Nghị. Cả hai vì sao đều có thật trong ông. “Tự kể chuyện mình” nhưng thực ra, Phạm Quang Nghị đã kể lại chuyện người, chuyện bạn bè, anh em, đồng chí, chuyện người dân miền Nam đánh giặc… Tác giả không phải viết để lưu danh, chỉ là kể lại chuyện cũ vì hoài nhớ một miền ký ức ngỡ đã xa nhưng vẫn còn gần gũi, quanh quẩn trong tâm hồn. Rõ hơn, Phạm Quang Nghị muốn kể lại những năm tháng không thể nào quên trong đời chiến binh với nhiều người – rất nhiều người đáng được nhắc nhớ. Như niềm thôi thúc, ông viết những gì cần phải viết như chính lời ông tâm sự, mong được phần nào trả nợ ân tình, nghĩa người sâu nặng năm tháng xưa. Bằng tấm chân tình và lòng chân thành, trang tự thuật của ông diễn xuôi theo dòng thời gian. Ngòi bút ông, tuân nhịp hồi tưởng và chảy ra theo cảm xúc rất đỗi tự nhiên.

Và đây, những dòng cuối trong cuốn sách: “Tôi muốn nói lời cảm ơn cuộc đời, những ân tình trên suốt dặm dài hơn hai phần ba thế kỷ bằng những trang kể lại những câu chuyện đời thường. Kể một cách chân thật và có thể là vụng về bởi thật lòng tôi không muốn vẽ vời, thêu dệt gì thêm cho những câu chuyện đã qua.” Trong cuốn sách – lời cảm ơn đó, vùng ven thành nỗi nhớ – đồng nghĩa tình người! Ấy là, chìa khóa mở chiếc hộp ký ức nằm sâu trong tâm hồn Phạm Quang Nghị. Hẳn nhiên, ấy cũng chính là “kỷ vật bất ly thân” của đời người “sống đáng sống” được gìn giữ trang trọng nơi sâu thẳm trái tim ông. Nhắc nhớ tình người Hữu Đạo cũng như nhiều nơi khác mà ông từng trải qua trong đời, lấy đó rèn luyện nhân cách và giữ trọn đạo làm người, làm con dân nước Việt. Phạm Quang Nghị đi tìm một vì sao, vì sao ấy đích thực:

Mình từ nguyên bản sinh ra

Đến khi chết, chẳng thể là bản sao!.

23/5/2024

Trần Bảo Định

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...