Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Mai Hương - Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Mai Hương - Truyện ngắn
của Nguyễn Duy Hiến

Cánh nữ trường cấp 3 sơ tán huyện tôi, Mai Hương là người đầu tiên tình nguyện nhập ngũ. Hương có khuôn mặt trái xoan, da trắng hồng. Đặc biệt, đôi mắt đen của Hương sâu thẳm nhìn vào ai đó, rồi nở nụ cười tươi, duyên dáng hai lúm đồng tiền.
Tôi học khá môn văn, dáng dấp cũng thanh tú, hiền lành, có lẽ vì thế mà Hương mến tôi hơn một số bạn trai trong lớp. Cô tặng tôi cuốn tiểu thuyết Dấu chân người lính của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu. Tôi hạnh phúc ấp cuốn sách vào ngực, tối đến nằm dưới hầm chong đèn đọc tới khuya mới ngủ. Tôi nhớ những khi rảnh rỗi ngồi bên nhau là Hương nói về sách. Cô kể rành mạch và cảm nhận một cách tinh tế qua cốt cách nhân vật trong các tiểu thuyết đã đọc như Thép đã tôi thế đấy!; Ruồi Trâu…
– Ngày mai Hương đi rồi, mình tặng cái này…
– Tuấn kỷ niệm cho Hương thứ gì đó?
Tôi lấy ra cuốn sổ bìa màu hồng, bên trong ở trang đầu có ghép đôi bướm nhỏ cánh vàng nhạt. Ở phần dưới trang giấy có vẽ nụ hoa hồng trên mầm lá xanh và lời ghi: Thương tặng Nguyễn Thị Mai Hương.
– Ôi, đẹp quá!
Hương reo lên rồi nhìn vào mắt tôi và không nói gì thêm. Trong ánh trăng sáng, tôi thấy đôi mắt Hương long lanh ướt.
5 tháng sau, tôi được gọi nhập ngũ qua lá đơn tình nguyện. Tôi được bổ sung vào một đơn vị bộ binh tại chiến trường Đông Nam bộ. Qua khóa học y tá cấp tốc, tôi trở lại phục vụ chiến trường. Trong trận đánh vào một căn cứ địch thuộc Chi khu Đồng Hòa, tỉnh Bình Long cũ, tôi bị lạc đơn vị trong đêm. Tôi lần theo bờ sông Mã Đà về hướng thượng nguồn. Tôi phải kịp về đơn vị trước khi trời sáng. Pháo địch bắn không theo giờ giấc quy định dễ làm bộ đội ta thương vong khi trên đường làm nhiệm vụ. Chúng bắn vào các khu rừng nghi có bộ đội trú quân.
Đến trảng dầu ở thượng nguồn sông Mã Đà, tôi chợt nghe có tiếng bập bõm trong nước như người đang tập bơi. Đúng rồi! Như tiếng tay chân khua trong nước ở khúc suối trước mặt. Hay là một con thú đã bị ai đó bắn trọng thương? Tôi ép người vào gốc cây dầu đường kính gần cả mét. Từ gốc thân cây dầu tôi quan sát qua khoảng trống thấy được mặt suối khá rõ. Qủa tôi đoán không sai, một phụ nữ có mái tóc dài cầm khẩu súng AK đang cố trườn vào bờ. Tôi chạy lại…
– Trời ơi! Hương! Sao ra nông nỗi này?
Hai tay Hương chới với. Tôi đón lấy rồi xốc cô lên bờ mở túi thuốc sơ cứu. Vết thương Hương gần vùng kín. Điều đó khiến cho tôi ái ngại vô cùng. Hương nhìn tôi, mắt đẫm nước. Tôi nhanh tay mở lọ thuốc tím rửa vết thương để kịp thời băng bó và tiêm cho cô mũi thuốc cầm máu. Trực thăng địch quần đảo trên đầu. Tôi đưa Hương tới hỏm suối nơi có mấy tảng đá nhô cao nằm đỡ.
– Đạn pháo địch chụp xuống gần chỗ mình băng qua. Nếu như không có Tuấn thì không biết chuyện gì xảy ra. Mà sao Tuấn lại có ở đây?
– Miểng đạn pháo xẹt ngang…, cũng may vết thương không sâu và không trúng xương. – Tôi thành thật và kể lại trận đánh vào căn cứ Đồng Hòa, theo sát tổ trinh sát rồi thất lạc sau mấy loạt bom địch. Căn cứ Đồng Hòa xóa sổ nhưng bộ đội ta thương vong ngót nghét gần trung đội.
Đêm đến trong hẻm đá, tôi ngồi bên Hương ngẫm nghĩ mung lung. Vết thương bốc mùi khăn khẳn trong hóc đá ẩm ướt. Làm thế nào bây giờ? Để lâu vết thương sẽ nhiễm trùng. Cõng Hương đi thì không được…, mà dìu thì biết khi nào về tới trạm xá tiền phương? Liệu Hương có nhấc bước được không? Nhất định là không, vết thương sẽ sưng tấy nếu như cử động nhiều.
Tôi tháo băng rồi lấy thuốc đỏ sát trùng rửa lại vết thương cho Hương. Cô nằm ngửa, cánh tay phải đè lên mắt chịu đựng. Những giọt nước mắt chảy xuống trên lá cây chuyển màu.
– Xong rồi, Tuấn đỡ Hương ngồi dậy ăn chút cháo để lấy sức. Nếu ngày nay không gặp ai, mình đành liều để Hương nằm ở đây và đi xem may ra có bà con dân tộc thiểu số ở quanh đây không. Thuốc cũng gần hết, lương thực đã cạn chỉ còn mấy nắm gạo rang. Để lâu vết thương của Hương sợ bị nhiễm trùng thì nguy.
Hai khẩu AK còn 40 viên đạn của tôi và Hương, tôi để bên người đề phòng có chuyện bất trắc. Nhằm bảo vệ cho sự sống của hai người và đặc biệt với Hương đang bị thương nằm một chỗ, bắt buộc tôi không thể chủ quan sơ suất nào. Dù một động tĩnh nhỏ, một mùi vị khác thường như mùi thuốc lá, mùi áo quần, tôi cũng phải quan sát lần theo mai phục. Tuy học y tá nhưng những kỹ năng cần thiết trong chiến tranh chúng tôi phải học. Nói tóm lại, bảo vệ Hương là trách nhiệm thiêng liêng nhất lúc này, đối với tôi.
Ban đêm tôi không dám đốt lửa vì sợ thám báo địch và máy bay trinh sát phát hiện. Được cái nhờ mùa khô sao giăng đầy trời nên không tối mấy. Tôi vẫn nhận thấy khuôn mặt Hương nhờ nhờ qua ánh sáng sao trời và vành trăng non đầu tháng. Chợt Hương cầm bàn tay tôi và đưa lên khóe mắt. Những giọt nước đọng lại ở đầu ngón tay tôi nóng hổi. Cô kêu tôi nằm cạnh:
– Em thấy lạnh… Tuấn nằm xuống đây với… – Hương đổi cách xưng hô. Tôi ngập ngừng giây lát rồi nhẹ người nằm xuống. Mảnh trăng non vùi đầu sau trảng dầu ngút ngát.
Nằm cạnh, tôi thủ thỉ nhắc lời của Hương ngày ấy kể về Dấu chân người lính của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu… Lữ khi ấy chỉ là một cậu bé 16 tuổi. Anh đã cùng hai người bạn thân đốt hết sách vở để có thể vứt bỏ những lưu luyến quê nhà mà cầm súng đánh giặc. Những suy nghĩ của đứa trẻ ấy tuy ngây thơ dại dột nhưng ẩn sâu trong đó là ngọn lửa hừng hực của lòng yêu nước, và quả thực sau này Lữ đã trở thành một chiến sĩ giỏi. Thời học cấp 3, Tuấn thích nhất là giờ dạy văn và sử. Cũng rất thích các thầy cô kể chuyện trong sách. Như lớp 10C của mình có thầy Hiếu thường kể cho cả lớp nghe về các cuốn sách mà thầy đã đọc qua. Tới bây giờ mình vẫn còn nhớ những đoạn văn thầy kể trong cuốn truyện Nhóm rắn lục và Bên dòng Păng Pơi…
– Tuấn có trí nhớ rất tốt! – Nói rồi, Hương khẽ nghiêng người, bàn tay trắng nhỏ xanh xao của cô để lên ngực tôi. Cô nói, giọng thổn thức: – Tuấn có nghĩ sau này mình sẽ thành đôi… Đối với Tuấn sao không biết, riêng mình, Tuấn là tri ân, là tri kỷ và bạn đời của Hương.
– Còn chiến tranh mình chưa nghĩ tới. Thôi, ta gác lại chuyện này nhé!
Tôi cầm bàn tay Hương để nhẹ xuống rồi ngồi dậy hai tay bó gối, im lặng. Hương trở người nằm ngửa. Đôi mắt cô buồn man mác nhìn lên khoảng trời vô định.
Sau mấy đêm cạnh Hương ở hỏm suối Mã Đà, chúng tôi gặp được tổ trinh sát của một Trung đoàn chủ lực từ Khu 5 mới vào. Tôi cùng các anh trong tổ trinh sát cáng Hương đến điều trị vết thương tiếp ở Bệnh xá Bộ Tư lệnh Miền. Trước khi xa nhau Hương nắm chặt tay tôi nói nhỏ:
– Tuấn đi… Hương cầu chúc may mắn! Hương đợi…
Tôi đứng yên giây lát rồi lặng lẽ cất bước. Hương nhìn theo mắt ngấn nước.
Đầu tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi tức tốc tiến về Sài Gòn, thủ phủ của chính quyền địch. Từ ngày đó trở đi tôi không có thông tin gì về Hương. Cứ nghĩ cô cũng đang cùng đồng đội phục vụ chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và biết đâu Hương và tôi lại được gặp nhau trong ngày vui đại thắng tại thành phố Sài Gòn…
Chiến tranh kết thúc, tôi chuyển ngành về công tác ở tỉnh Sông Bé. Từ đó về sau không có tin tức gì về Hương. Cuối năm 1976, nhân chuyến công tác ra Bắc, tôi ghé qua Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để thắp hương cho đồng đội hy sinh. Trời cao xanh. Gió xao xác trong những tầng cây săng lẻ quanh nghĩa trang. Tôi đi qua mấy hàng mộ bia bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh ở khu mộ tỉnh Quảng Bình. Bất chợt tôi lặng người đứng lại, ngỡ ngàng trước hàng chữ đỏ khắc trên bia mộ: “Liệt sĩ Nguyễn Thị Mai Hương… Quê quán… Đơn vị C5, Trung đoàn 7, Đoàn 559… Hy sinh ngày…”. Tôi ngồi xuống. Hàng tên nhòa trước mặt. Nước mắt tôi chảy xuống thấm lên bia mộ Hương.
Tôi đón xe khách về Quảng Bình ngay trưa hôm đó. Nhà của Hương gần chân núi Ba Trại. Cửa nhà đóng, tôi ra ngoài đứng chờ xem có ai đi qua thì hỏi thăm. Chừng nửa tiếng sau, một người đàn ông chạy xe đạp về dừng lại, đi vào. Tôi gật đầu: “Cháu chào bác ạ!”. Người đàn ông chừng trên tuổi 60, nhìn tôi với ánh mắt thân thiện. Ông đoán ngay và hỏi không ngập ngừng: “Cháu là bạn của Mai Hương à?”.
– Dạ! Cháu là bạn học cũ với Hương cùng lớp và cũng đã gặp nhau ở chiến trường Đông Nam bộ.
Tôi kể lại vắn tắt, khi còn ở nhà trường, Hương đi bộ đội, rồi đến lượt tôi cũng làm đơn tình nguyện đi bộ đội sau đó mấy tháng. Và lần gặp cô bên con sông Mã Đà, Hương bị thương khi trên đường làm nhiệm vụ.
– Thế cháu cùng đơn vị với con gái bác?
– Không ạ. Cháu ở đơn vị bộ binh, làm y tá…
Nghe tôi kể qua về con gái mình bị thương, ông không cầm nổi nước mắt. Bước lại bàn thờ, ông mở chiếc ba lô của Hương đưa cho tôi xem cuốn sổ bìa màu hồng. Ông xúc động nói:
– Cuốn sổ này cháu tặng Mai Hương trước khi nhập ngũ. Nó ghi nhật ký năm tháng trong quân ngũ vào đây. Có cả tên của cháu và cả lần nó bị thương, gặp cháu.
Tôi đón cuốn sổ trên tay ông rồi lật xem mấy trang. Những dòng chữ mềm mại, nghiêng ngắn qua năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong trang đầu, đôi bướm nhỏ cánh vàng nhạt và nụ hoa hồng trên mầm lá xanh vẫn còn nguyên, chỉ có chút bìa giấy bị ố vàng.
– Con gái bác hy sinh trên Quốc lộ 13 khi theo một đơn vị chủ lực đánh cụm bốt địch gần cầu Bình Triệu. Sau giải phóng, đồng đội nó mang ba lô về cho bác và báo tin. Trong ba lô có bộ áo quần, cái khăn dù, cuốn sổ và tấm ảnh con gái bác.
Tôi cầm tấm ảnh lên xem. Tấm ảnh Hương chụp ở vườn nhà bên cây vú sữa. Cô cười rất tươi, má lúm đồng tiền duyên dáng. Tôi quay mặt ra ngoài cố giấu giọt nước mắt chực rơi.
Tôi bước lại bàn thờ. Trong di ảnh, Hương nhìn tôi mỉm cười chứ không hề trách móc. Đôi mắt đẹp sau làn khói hương trầm phảng phất. Tôi thầm ước sau chiến tranh, đám cưới rước dâu có thầy cô giáo trường cấp 3 sơ tán và bạn bè trong lớp. Tôi muốn tạo sự bất ngờ với Hương sau ngày thống nhất đất nước. Một đám cưới giản đơn nhưng hạnh phúc. Đám cưới của hai người lính thoát ra từ cuộc chiến tàn khốc đau thương!
Giữa tháng Tư lịch sử, tôi trở lại bờ sông Mã Đà và đến hỏm suối nơi Hương bị thương. Đến hẻm đá nơi tôi băng bó chăm sóc vết thương cho Hương, những gạc bông băng như vẫn còn đây. Bếp lửa côi cút và ăng gô cháo nấu gạo rang như vẫn còn nóng hổi. Bóng một con chim sà xuống mặt suối trong xanh. Con chim có bộ lông màu trắng và tiếng hót nghe lảnh lót lan cả cánh rừng. Tôi cảm giác như tiếng nói của Hương nhẹ nhàng trong đêm vắng. Tôi đưa tay chấm lên khóe mắt. Giọt tan ra, giọt rơi xuống đất rừng!
“Hương ơi…”. Tôi kêu lên thổn thức. Chỉ có tiếng suối reo và lá cây rơi lã chã trong sương sớm Mã Đà…
10/5/2024
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...