Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Nhà thơ Chế Lan Viên "Gặp" Nguyễn Du trên đất Quảng Bình

Nhà thơ Chế Lan Viên "Gặp"
Nguyễn Du trên đất Quảng Bình

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan (SN 1920), tại Cam Lộ, Quảng Trị; học và thành danh ở Quy Nhơn, Bình Định với tập thơ “Điêu tàn” lúc mới 17 tuổi. Ông là một trong những nhà thơ đương đại được nhiều người mến mộ. Đúng dịp kỷ niệm 200 ngày sinh Nguyễn Du (1765-1965), ông có chuyến thực tế Quảng Bình và một trong những bài thơ nổi tiếng được ông sáng tác trong chuyến đi thực tế này là bài Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ.
Năm 1965, giặc Mỹ leo thang bắn phá Bắc miền Trung hết sức ác liệt. Khi nhà thơ đi ngang qua Nghệ-Tĩnh thì “Pháo sáng đốt trên nhà của Nguyễn” và “Bến phà Vinh bom cắt hai đầu”. Tác giả nói với “em”-đối tượng trữ tình trong bài thơ:
Anh qua nhà của Nguyễn chả dừng lâu
Nhớ đến Nguyễn, ngước nhìn Hồng Lĩnh vậy
Tại sao nhớ đến Nguyễn Du, tác giả “ngước nhìn Hồng Lĩnh”? Có 3 lý do sau đây: Thứ nhất bởi Hồng Lĩnh là quê hương của Đại thi hào, thứ hai bởi Hồng Lĩnh xuất hiện khá nhiều trong “Thanh Hiên thi tập” và “Nam Trung tạp ngâm” (hai tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du), thứ ba bởi trong 99 đỉnh núi Hồng, Đại thi hào Nguyễn Du là đỉnh cao nhất (ý thơ Nguyễn Hành-cháu ruột Nguyễn Du).
Vừa đặt chân đến đất Quảng Bình, điều làm nhà thơ Chế Lan Viên ngạc nhiên nhất là:
Có ngờ đâu cồn cát trắng cây xanh
Gặp Nguyễn nơi đây trên đất Quảng Bình
Đất hỏa tuyến những chàng trai lớp bảy
Lại ngâm Kiều sau một cuộc giao tranh
Qua Nghệ-Tĩnh, nhà thơ “nhớ đến Nguyễn”, nhưng khi đến Quảng Bình thì nhà thơ mới thực sự “gặp Nguyễn”. Bởi vì, tuy Quảng Bình không phải quê hương Đại thi hào nhưng người dân Quảng Bình lại rất mê Truyện Kiều. Quảng Bình vào thời điểm đó đang có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Quân và dân Quảng Bình không chỉ ca hát mà còn đọc thơ, ngâm thơ, diễn kịch… Không khí lạc quan, yêu đời lan truyền khắp thôn, làng.
“Các chàng trai lớp bảy” ở Quảng Bình thời ấy trong đó có “một lứa bên trời”, gồm: Hoàng Vũ Thuật, Lê Xuân Đố, Hải Kỳ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng, Lý Hoài Xuân, Lê Đình Ty, Hồng Thế… và lớp sau, gồm: Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quang Đạo, Thai Sắc, Mai Nam Thắng… Họ đọc thuộc lòng hàng trăm câu thơ Kiều. Ngoài giờ học, thanh thiếu niên còn tham gia tiếp tế cơm nước, bánh trái, đạn dược cho pháo thủ ở các trận địa phòng không. Bởi vậy, câu: Đất hỏa tuyến những chàng trai lớp bảy/Lại ngâm Kiều sau một cuộc giao tranh dù tác giả có hư cấu đi chăng nữa thì cũng hư cấu trên cơ sở có thực.
Không chỉ lớp trẻ, mà lớp người đứng tuổi như mẹ Suốt cũng rất mê Kiều:
Đêm thắng giặc Bảo Ninh, mẹ Suốt ngâm Kiều
Mẹ dám đâu quên cái thuở khổ nghèo
Nhà ai đó lẩy Kiều, câu được, mất
Mẹ nấp gốc dừa, nước mắt ràn theo
Điều này chứng tỏ dân Quảng Bình mê Truyện Kiều từ thế hệ này qua thế hệ khác. “Cái thuở khổ nghèo” là cái thuở mẹ Suốt “Lớn đi ở bốn cửa người/Mười hai năm lẻ một thời xuân qua” (Tố Hữu). Mẹ khóc cho số phận nàng Kiều cũng là khóc cho số phận hẩm hiu của mình. Bởi “Thơ là một điệu hồn đi tìm đến những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Thời xa xưa ấy, nhà ai đó ở Bảo Ninh đã biết lẩy Kiều rồi. Người Quảng Bình không chỉ thuộc Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều mà còn biết tập Kiều, hát Kiều, đố Kiều, bói Kiều… Nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa ở xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) đã đúc kết điều đó trong tập sách dày 200 trang với tựa đề “Vui với Truyện Kiều” (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2018).
Có bà cụ ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch (cô ruột nhà văn Hoàng Bình Trọng) còn đọc ngược Truyện Kiều mà không nhìn vào sách. Nhà văn Hoàng Bình Trọng đã viết thành truyện ngắn lấy bà làm nguyên mẫu. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Cống (quê Quảng Phong, TX. Ba Đồn) nhờ nắm được bí quyết đọc ngược Truyện Kiều từ truyện ngắn của nhà văn Hoàng Bình Trọng mà chiếm giải đặc biệt trong cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều” do Hội Kiều học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, năm 2020. Cũng hiếm địa phương nào trong cả nước có nhiều câu lạc bộ (CLB) hát Kiều như ở Quảng Bình, như: CLB hát Kiều Pháp Kệ, CLB hát Kiều Lâm Lang, CLB hát Kiều Quảng Phương…
Tác giả Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ không chỉ gặp Nguyễn Du qua người Quảng Bình mà còn gặp Nguyễn Du qua cảnh sắc thiên nhiên Quảng Bình. Đó là “Cồn cát trắng”; đó là “Thuyền ai thấp thoáng”; đó là “Nhật Lệ sông dài”… mà Nguyễn Du đã từng nhìn ngắm trong bốn năm làm Cai bạ Quảng Bình và tái hiện qua những câu: “Cát vàng cồn nọ”, “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”, “Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”…
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Chế Lan Viên có khoảng 40 bài thơ viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều với những suy ngẫm hết sức sâu sắc. Nhưng có thể khẳng định, bài Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ là bài ấn tượng nhất. Phải đến Quảng Bình trong những ngày tháng bom đạn ngút trời, nhà thơ mới cảm nhận hết sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều. Tác giả mới nhận ra rằng:
Bốn phía ruộng đồng mái rạ bờ tre
Trận địa nằm man mác giữa hương quê…
Thơ dân tộc lẫn màu nâu dân dã
Nên câu Kiều đồng vọng, họ còn nghe
Tác giả mới phát hiện:
Câu thơ Nguyễn cũng góp phần chống Mỹ
Một mái chèo trong lửa đạn xông pha
Và:
Hai trăm năm… ờ nhỉ… hai trăm năm
Thuở vui buồn… Kiều sống giữa lòng dân
Nhà thơ nhắn gửi với “em”-đối tượng trữ tình-nhưng cũng là lời nhắc nhở với chính mình:
Đất nước mình nghèo lắm, hỡi em yêu
Cho đến giọt lệ cha ông cũng còn có ích với ta nhiều…
Dẫu súng đạn nặng đường ra hỏa tuyến
Đi đường dài, em giữ Truyện Kiều theo.
14/5/2024
Mai Văn Hoan
Nguồn: Báo Quảng Bình 2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giao hưởng Điện Biên - Thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh

Giao hưởng Điện Biên - Thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biê...