Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Lão Khuyếch - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Lão Khuyếch - Truyện ngắn
của Nguyễn Khương Trung

Nhẽ thì lão tên là Khuyết. Có lần mẹ lão bảo thế. Lão được sinh ra trong một đêm giăng không tròn. Bà đỡ người làng lấy ngay cái đặc điểm ấy của giăng giời đặt thành tên. Nhưng, bà nội không đồng ý. Tên ấy cuộc đời sau này sẽ không được may mắn. Thôi! Gọi nó là thằng cu Khuyếch. Khuyếch là tấn tới đấy! Bà bảo vậy. Thế là lão mang cái tên ấy. Khuyếch hay Khuyết cũng vậy cả, lão nghĩ. Lão không tin cái tên lại liên quan đến số phận con người ta – chỉ vớ vẩn. Rõ đồng bóng quá!
Ở đời lão ghét nhất cái từ “phó”. Cứ theo suy diễn của lão thì đây là một từ chỉ hạng chuyên làm cái công việc phụ giúp, không đáng kể ở đời. Sao lại cứ phải là “phó”?  Vươn lên chứ! Trong lão đang sôi sục cái sự không chấp nhận. Nhưng mà khổ, cái từ “khốn nạn” này lại cứ bám diết lấy lão. Bởi thế lão cay cú, hằn học. Hay tại “ghét của nào giời trao của ấy?” Lão đâm phân vân! Ông giời kể cũng ác. Ít chữ thì ít, nhưng lão hiểu quá đi chứ, có nói “giời” mà chỉ là cái anh cấp phó, cũng cứ là đời đời đứng sau thằng khác. Không tin thì cứ mang chuyện cổ kim ra mà xét – sẽ thấy ngay! Này nhá, cái nhà bà cụ Chắt thôn Thượng xưa nay làng xóm vẫn nể trọng chứ gì?  Lão cười khẩy! Trọng vì người ta kém hiểu biết… vì ngu… với lão… hạng ấy không bao giờ là cái thá gì nhá! Gia phả giòng họ ấy còn giành giành ra đấy, ông Đỗ Đức Kể đỗ Phó Bảng khoa thi năm Kỷ Sửu, thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Thế mà làng xóm lại nhắng lên rằng danh giá lắm! Vẻ vang lắm! Rõ là cạn nghĩ! Lão đã nghiên cứu kỹ rồi, tìm tòi hỏi han chán ra rồi. Phó Bảng chẳng qua cũng chỉ là cái danh được lấy thêm của anh đã qua kỳ thi Hội, nhưng chưa đủ điểm thi Đình. Thêm mà lại bảo rằng danh giá! Rõ khổ cho cái sự dốt! Thi Hội, thi Đình là gì thì  lão cũng chẳng cần biết. Mà biết làm gì, khi cái nhà anh kia chỉ do người ta thương, người ta lấy thêm. Hỏi rằng còn danh giá cái nỗi gì? Lão nghĩ vậy và, coi thường.
Rồi đến anh phó Lý trong làng nữa, đúng là cái chân loong toong. Triện mộc thì chẳng được giữ. Cũng là la hét cho oai vậy chứ mọi quyền hành, bổng lộc, lý trưởng nó nắm hết. Và còn bao nhiêu cái phó khác,  nghĩ thêm não ruột… Đến như cái anh “phó thường dân”, theo cách nói của nhiều người bây giờ thì thật mỉa mai hết chỗ nói. Đúng là cái lối ngụy biện theo kiểu “trọc đầu thì mát” để tự an ủi. Nghĩa là, đối với lão tất cả các loại “phó” ở đời đều xoàng xĩnh, chẳng đáng mặt. Thế mới khổ! Lão không ưa thì nó cứ  dính vào, dính chặt như bị quết nhựa mít mới ác chứ. Lão ức lắm! Thiên hạ thối mồm! Mà thối thật,  cứ mở miệng là gắn lão với phó nọ, phó kia.
Công bằng mà nói thì ngày trước, tức là từ cái ngày lão chưa nghĩ mình đã thành cán bộ, lão không ghét cái từ phó. Đã có một thời gian thật dài lão rất khoái từ này. Ấy là cái thuở mà đầu còn để chỏm, theo cha ngược xuôi đi đóng cối cho thiên hạ. Cuộc đời thì “bãi bể nương dâu”, con người ta có thay đổi âu cũng là cái lẽ thường, đây lại là sự tấn tới, đáng quá đi chứ! Lão chợt nhớ đến câu nói của bà nội ngày xưa. Lão thấy mừng và quyết định bỏ hẳn nghề đóng cối gia truyền – phấn đấu, chuyển mình thành cán bộ. Đời cũng buồn cười! Nhiều sự đến với người ta cứ bất ngờ như gió giời. Cái ý nghĩ này đến với lão cũng vậy, tình cờ, rồi ạt ào như cái nhà cô Mít trên mạn ngược thuở trước. Lão ớ ra, rồi…. Bị mơn trớn, khuất phục.
Nói là đã một thuở lão khoái cái từ phó, bởi lão không thể quên được cái cảm giác thênh thênh khi lần đầu được người ta gọi là anh phó. Lúc ấy, tự nhiên lão thấy mình đã nhớn lắm, và oai nữa. Nhà lão nghèo. Cụ thân sinh ra lão đã truyền dạy rằng:“ Đóng cối là nghề gia truyền, là cái “cần câu cơm” của dòng họ. Đời đời con cháu phải gắng mà gìn giữ.” Cũng như lão, cha lão đã từng theo ông nội ngược xuôi, ăn mòn bát đũa thiên hạ. Để rồi, đến một ngày nào đó trở thành bác phó cối đĩnh đạc. Tương lai của lão đấy! Lão hiểu cha mình nghĩ vậy. Dù muốn hay không, đời lão cũng chẳng thể khác được. Nghề gia truyền mà! Cha lão bảo: “ Nghề này không giàu được. Nhưng, cũng chẳng lo bị đói”. Thế là đời cứ thênh thênh, cha con lão lủng lẳng đồ nghề, rong ruổi ngược xuôi. Lão cũng chẳng được học hành gì nhiều. Chỉ đến lớp ba. Biết đọc, biết viết, kiếm cơm thiên hạ được rồi! Cha lão khoát tay phán thế. Tuổi thơ của lão cũng giản đơn. Những dụng cụ, vật liệu của bác phó cối vương vãi khắp nhà. Đồ chơi của lão đấy. Được cái lão cũng sáng dạ. Những thanh gỗ làm cầu và tay xay, những mảnh dăm cối chất thành đống to lù lù, thỉnh thoảng mẹ lão lại quần quật khuân ra phơi vào những ngày nắng đẹp để chống mốc. Đồ chơi của lão đấy! Những thứ đó qua tay lão đã biến thành cần cẩu gỗ, thành xe cút kít và những cái cù… bán, hoặc đổi lấy khoai lang nướng của bọn bạn cùng xóm. Nghĩa là, trong lão các tố chất để trở thành anh phó cối giỏi, xem ra hoàn chỉnh lắm.
Cha lão mừng, song lại tặc lưỡi: “Hẳn rồi! Vì nó là con nhà nòi.” Dạo đó lão bằng lòng với mình lắm. Đời lúc nào cũng thấy vui. Thỉnh thoảng lão lại gân cổ ca vọng cổ, mặc cho người ta bảo nghe lão ca  như mèo rên. Người đầu tiên gọi lão là anh phó, lại là một cô gái mới “chết người” chứ. Bởi vậy lão mới không thể quên. Cái cô Mít ấy, hễ động cười là hai mắt tít lại. Mà lại rất hay cười. Người đâu mà vô duyên. Lão chẳng ưa. Cô ta cũng giống như quả mít, tròn nần nẫn, được mỗi cái nước da trắng. Đó là những ý nghĩ đầu tiên về cô Mít, khi cha con lão đặt túi đồ nghề xuống nhà cô. Cái nghề lão nó vậy. Đến nhà người ta tá túc dăm bữa nửa tháng đóng xong cái cối, lại cắp nón đi nhà khác. Lão cho đó là cuộc đời thênh thang, phóng khoáng. Này nhé: Miền ngược miền xuôi, lên rừng xuống biển, cho đến tận những hang cùng ngõ hẻm. Biết tất! Chả thênh thang là gì? Chiều xuống, tắm rửa xong, ngay ngắn đâu đấy rồi bắn điếu thuốc lào, từ từ ngửa cổ mà nhả khói lên giời mới khoan khoái làm sao. Rồi gia chủ bưng mâm lên, cứ thong thả mà nhâm nhi chén rượu bên hiên hay hẩy gió –  Đời thế là nhất đấy! Vô tư đi.
Có lẽ lại không vô tư được rồi! Sự này tại cái nhà cô Mít. Mít là cô gái đầu tiên gọi lão là anh đã đành, nhưng không phải đơn giản chỉ có thế, hình như cô còn có tình ý gì khác, anh phó cối dần dần thấy thế. Mà có tình ý thật. Cô hay liếc trộm, tít mắt cười. Anh phó bỗng dưng thấy lóng ngóng, lòng dạ thì chộn rộn cả lên. Thế này là thế nào? Thì ra cái nhà cô Mít cũng không vô duyên như anh tưởng. Bây giờ anh lại thấy thế thì có “chết người ta” không chứ. Cái nước da kia mới trắng làm sao, đúng là trứng gà bóc. Đây lại như một phát hiện mới của anh phó, lạ thật. Đôi má thì cứ hồng mãi lên, trên khuôn mặt tròn vành vạnh. Mà đôi mắt khi cười như “quên tất cả”, trước là vô duyên, giờ anh lại thấy ưa nhìn mới hay chứ. Thế là yêu rồi đấy! Có thể chính anh phó chưa biết, nhưng chúng ta thì lạ gì cái trò giai gái khi đã nhìn nhau kiểu ấy. Khi yêu người ta phải làm gì nhỉ? Sao lại cứ thích ôm cái rắc rối thế? Rõ hay nhỉ! Thôi! Không bàn nữa. Chuyện ấy phức tạp lắm. Hãy để mắt đến anh phó của chúng ta, một gã tục tử, giản đơn. Xưa nay, gã chỉ quen nhìn và sờ thấy những cái có thật.
Những gì thuộc về cao siêu trừu tượng, dành cho kẻ khác nhá. Bởi vậy trước một cô Mít tròn trĩnh, cái đầu thô thiển của gã đã nhen nhúm những ý nghĩ dung tục. Gã đã thấy những cái ôm chặt một thân hình nây nẩy, phốp pháp. Với đôi cánh tay quen cầm cưa và vồ rắn chắc này, thôi thì phải biết! Phen này có đứa sẽ lên mây nhá. Những vật rất cụ thể trong nghề, nào là thớt trên thớt dưới, nào là ngẫng cối và lỗ cối, cũng luôn gợi cho gã những ham muốn nhục dục rất cụ thể. Trong lòng anh phó sự thèm khát cứ được đẩy mãi lên. Cô Mít lại cứ tít mắt cười. Làm gì mà chẳng “chết!” Khi đóng xong cái cối cho nhà cô Mít, anh phó cũng kịp đóng chặt cô Mít vào đời mình. Thế rồi một đám cưới vội được tổ chức, khi cô Mít đã mang thai hơn ba tháng. Ông bà thân sinh ra anh phó ức thằng con giai lắm, nhưng cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt.” Anh phó tất tả mang cô Mít về xuôi. Thế là, anh đã thành ông bố khi chưa tròn mười chín tuổi. Cái gia đình ấy cứ lặng lẽ trôi, trong sự tảo tần của một bác phó cối. Kể thì cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng, đời đâu có đơn giản thế! Đơn giản thế thì còn gì là đời – đúng không? Một bữa nọ, lão Khuyếch bỗng dưng thấy vô nghĩa, nếu ngày nọ tháng kia qua đi chỉ mãi thế này! Có lẽ cần một biến đổi. Biến đổi thế nào? Biến đổi ra làm sao thì lão cũng chưa biết, nhưng rõ ràng trong lão đang thôi thúc cái sự ấy. Nó cứ âm ỉ, lớn dần. Và, mọi rắc rối của cái gia đình này cũng bắt đầu từ đấy.
Sáng nay, lão Khuyếch không ra chợ như mọi ngày. Cái sắc cốt cán bộ, chiếc loa tay và tấm băng đỏ vẫn được trịnh trọng đặt trên mặt bàn. Dạo này lão hay tức tối và cáu kỉnh thì có; nhưng không đeo sắc cốt, vác loa ra chợ thì quả là một sự lạ, một sự không bình thường. Dù mệt mỏi, giông gió lão vẫn đi – “Chợ này thiếu một cán bộ như tôi thế nào được!” Lão thường bảo thế. Bà Khuyếch cũng nhận thấy thế. Bởi vậy nên bà mới thấy lạ, mới phải thận trọng. Lão vẫn im lặng ngồi đấy, mặt khó đăm đăm.
Bà Khuyếch rón rén bưng tô mì, đặt cạnh bộ ấm chén của lão, len lét hỏi:
– Ông không ra chợ à?
– Sư chúng nó… ngu!
Lão tức tối nhát gừng, như đang nói với chúng nó. Bà lặng lẽ lui ra, không dám hỏi nữa.
Lâu nay vẫn thế! Lão hay tức tối, mà những lúc ấy thì nhà này phải biết, đừng có ai động đến lão. Từ ngày trên mạn ngược theo lão về đây, bà chỉ quẩn quanh với công việc cửa nhà và sinh con cho lão. Thấm thoát đã chín mặt con. Bà cũng đã có dâu, có rể. Cũng đã mấy năm  rồi lão cấm tiệt, không cho phép đứa nào xuôi ngược, đóng cối cho thiên hạ – “ Bỏ ngay cái nghề này đi!” Lão quát lên. Lão đã quyết định phải thay đổi. – Thời đại điện tử, ai người ta còn đóng cối xay tay. Có còn thì họa chăng cũng chỉ vài vùng heo hút trên mạn ngược, những là đi lại cũng đủ chết. Theo có mà chết đói! – Lão nói như giảng giải cho cả nhà. Là người chẳng biết một chữ mô tê mù tịt nào, kinh tế lại phụ thuộc chồng, bà chỉ biết nghe và phục tùng lão. Lâu dần thành quen. Bà biến thành con người thụ động, an phận. Ngày trước thì cũng chả sao, bà chỉ việc sinh con, vun vén cửa nhà. Êm ấm chán! Từ ngày ông bỏ hẳn nghề đóng cối, xác định rằng mình đã thành cán bộ, chuyện nhà cửa nó cứ phức tạp thế nào. Nguyên do cũng bởi tính khí ông ấy hay bực dọc, cáu gắt suốt ngày. Bà biết thế nhưng cũng chẳng làm gì được. Chả lẽ là cán bộ thì cứ phải cáu gắt?
Thực ra, bà cũng chẳng biết gì. Nhưng qua lão, bà thấy cán bộ quan trọng và “oai” lắm. Chả thế mà khi còn là ông phó cối, lão vô tâm là thế, rõ là cái lão ruột để ngoài da. Đi thì thôi, hễ ở nhà thì suốt ngày đánh độc chiếc quần đùi. Lúc nào cũng hể hả như người “chẻ được cái đanh!” Chả giầu, nhưng nhà cửa lúc nào cũng cứ  là vui như tết. Dạo này lạ thật, tính nết lão cứ khó dần lên. Nhiều lúc lão hậm hực như người bị đòn oan. Hỏi, lão cũng chẳng thèm giả nhời. Bà thấy hai hãi! Nhà cửa thì đã đành bà phải thu dọn gọn gàng, những tờ giấy khen lão lồng khung kính treo khắp nhà thì bà phải đặc biệt chú ý;  ngày nào cũng phải lau chùi cẩn thận. –“Đây là danh dự của gia đình cán bộ!” –  lão nghiêm mặt dạy thế. Những đồ nghề đóng cối lão quẳng đi hết. Lão rất kiêng cái từ “phó”. Bà thấy thế. Ai cứ thử lỡ mồm xem, biết tay lão ngay. Mà thiên hạ cũng ác. Lão càng kiêng, càng nổi khùng, họ càng khoái chí thì phải. Cứ đè cái  “phó” của lão ra mà gọi. Nhất là bọn choai choai. Chúng cứ  làm như vô tình ấy. Rõ là đồ đểu cáng. Quân mất dạy! Công bằng mà nói thì trong bộ quần áo tề chỉnh với chiếc sắc cốt bên hông, cái băng đỏ và chiếc loa cầm tay; trông lão cũng oai lắm, cũng đâu đến nỗi nào! Sao lại là cái ông phó Khuyếch ngày trước được?  Ông ấy rủa chúng nó thối mồm cũng đáng. Bà có ý bênh.
Vừa nhấm nháp tô mì, lão vừa tức tối với những việc xảy ra ngày hôm qua. Lại thêm một cái cấp “phó” nữa mới ác chứ! – Lão lẩm bẩm – Sao cái từ chết tiệt này cứ gắn vào đời lão?  Ngày còn làm anh thợ cối đã đành, người ta gọi lão là anh phó, bác phó, rồi ông phó. Đương nhiên rồi! Đấy là từ xưa nay thiên hạ đã gắn vào cái nghề ấy. Lão chẳng chấp! Từ ngày ra làm cán bộ, lão mới thấy được cái năng lực thật của mình. Thật quý quá! (cấp trưởng của lão thì ra quái gì). Mà lạ nhỉ, sao mình cứ phải làm cấp phó? Đầu tiên là cái anh tổ phó, tổ đồng hồ điện. Số là khi xã này mới có điện, cứ vài chục hộ gia đình phải dùng chung một đồng hồ đo. Nhẽ ra, lão phải là tổ trưởng, vì đồng hồ đặt ở nhà lão. Lão quản lý chứ ai! Thế mà lão cũng chỉ được giữ cái chân tổ phó, sau cái nhà ông Hoạch, tổ trưởng. Lão thấy vô lý, nhưng bước đầu cứ tạm chấp nhận. Tính sau! Dầu sao cũng đã có cái hơi hướng cán bộ. Lão nghĩ vậy! Và từ đó, lão đã bắt đầu thấy mình “oai”.
Cứ dăm bữa nửa tháng, lão lại cho triệu tập một cuộc họp tổ điện. Một tay lão đứng lên điều hành, cái nhà ông Hoạch mang tiếng là tổ trưởng, nhưng thử hỏi đã làm được cái gì? Cả mấy chục con người chứ ít đâu,  cứ là một phép, răm rắp nhá! Khi thì xét cho một nhà nào đó được mắc thêm vào công tơ này, lúc lại tính toán sổ sách, công bố số tiền  phải nộp hàng tháng của từng hộ. Lão nhắc nhở, phê bình, giải quyết tất cả thắc mắc của các hộ… đâu ra đấy. Lão thấy mình quan trọng lắm. Rõ là lão đã thành cán bộ. Cán bộ! Cái từ  lão đã từng mơ thấy nó vận vào mình, nay hóa thật. Quá tuyệt! Mình đã thành cán bộ. Ý nghĩ  ấy cứ lặp đi lặp lại, mơn trớn,  khiến cho người lão cứ  lâng  lâng.  Nói bỏ quá cho, nó còn lâng lâng hơn cả cái ngày mới quen nhà cô Mít. Lão còn thấy nó khác xa với cái cảm giác thênh thênh của anh phó cối ngày trước. Thế mới là đời chứ!
Cuối cùng thì thiên hạ cũng khối kẻ phải ngước lên mà nhìn mình – lão khoái lắm! Lão bắt đầu thay đổi. Đầu tiên là cách ăm mặc, đi đứng và sự nghiêm nghị (lão thấy mấy ông cán bộ đều thế). Ít nhất là vẻ bề ngoài cũng phải khác dân thường – lão thấy cần phải vậy. Nhưng, cái bàn tay quen cầm cưa và tính hay bông phèng của anh phó cối nhiều khi phản lão. Đôi lúc quên, trở lại cái tính khí cũ, lão cứ giật mình thon thót. Hình như có những kẻ dám cười cợt mình. Lão đã nghe đâu đó những từ “phó hấp”, “lão cán bộ chúng tôi.” (Đây là câu lão hay dùng khi làm việc, để nhấn mạnh cái vị thế cán bộ của mình.) Nhưng không sao, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy,  lão tự an ủi. Mà đấy, lão lần lượt được giữ những chức vụ nào là: Phó thôn Trung, phó ban an ninh thôn Trung, phó ban quản lý chợ Chùa. Đến cái “phó” thứ ba thì lão giật mình. Thế này thì không được! Thế này thì quá lắm! Tại sao lão cứ phải là phó? Hay cái từ chỉ nghề nghiệp gia truyền của tổ tông đã vận vào cái thân lão. Lão đâm căm cái nghề ấy. Lão bứt rứt, tức tối. Nghĩa là vợ con lão tha hồ mà gánh chịu sự cáu bẳn. Thiên hạ thì rộng lớn thật, nhưng đã có câu: “Đèn ai nhà ấy rạng.” Người nhà lão thì  cầm chắc phải chịu sự tức tối. Còn thiên hạ? Có lẽ là những trận cười. Con mụ bún gánh chiều qua mới ngang ngạnh làm sao. Biển cấm sờ sờ đấy, thế mà nó đặt ngay gánh hàng trước cổng chợ, ngang nhiên bán. Lão dùng loa, yêu cầu gánh hàng vào chợ thì nó thớ lợ:
– Thôi mà! Cán bộ cho em ngồi đây đi.
– Cán bộ chúng tôi đã nói là không được! Lão cương quết.
– Cán bộ gì? Có mà cái loại “phó hấp.” Cái loại “phó hấp háy.” Nó xe xé, rồi ngang nhiên gánh hàng đi.
Lão điếng người trong tiếng cười của bao nhiêu người. Cả một chiều bực bội. Buổi tối, trong cuộc họp đại hội những người cao tuổi thôn Trung, lão lại được đại hội tín nhiệm bầu làm chi hội phó. Thế này thì quá lắm! Lão hực lên ngay trong cuộc họp rồi bỏ về. Đó cũng là cái nguyên nhân, tại sao sáng nay lão không chịu vác loa ra chợ. Lão Khuyếch đang vơ vẩn buồn, thằng cháu nội học lớp hai mới chạy về đến đầu ngõ đã cười toe toét, khoe tướng lên:
– Ông ơi! Hôm nay cháu được cô giáo cử làm tổ phó tổ một.
Lão tựa cây, há hốc mồm nhìn theo thằng bé…
20/5/2024
Nguyễn Khương Trung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giao hưởng Điện Biên - Thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh

Giao hưởng Điện Biên - Thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biê...