Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Về lễ tết nhà ngoại

Về lễ tết nhà ngoại

Mỗi khi tết đến, ngày tôi mong đợi nhất là ngày mùng hai tết. Bởi với tôi đó là ngày đặc biệt nhất mỗi khi xuân về. Ngày còn bé, cứ đợi đến mùng hai tết là chị em tôi được xúng xính quần áo mới theo chân ba mẹ về lễ tết nhà ngoại – đó là một trong những phong tục truyền thống của người Nùng chúng tôi.
Cứ mỗi năm, đến ngày mùng một tháng chạp là ba tôi bắt những con gà trống thiến nhốt chung vào một cái lồng to. Rồi mẹ tôi đem thóc với hạt ngô luộc chín  cho chúng ăn để vỗ béo. Đến tết thì nhà tôi đã có được những con gà trống thiến béo ụ với bộ lông vàng ươm, bóng mượt. Ba sẽ chọn con to nhất, đẹp nhất bỏ vào cái lồng ba vừa tự tay đan xong, buộc lại một đầu đòn gánh. Đầu bên kia là tay nải chứa bốn cái bánh chưng to, vài cái bánh khảo, một ít kẹo và cả cau cho bà ngoại ăn trầu. Nhiệm vụ của ba là gánh những lễ vật đó trên vai. Mẹ đem theo ít quần áo mới trong tay nải vì tối cả gia đình tôi sẽ ngủ lại nhà ngoại. Tôi và em chỉ việc mặc đồ đẹp nhảy chân sáo theo ba mẹ, rồng rắn lên đường. Quê ngoại nơi miền bắc ấy, đường rừng quanh co, chúng tôi đi bộ gần nửa ngày mới đến nhà ngoại nhưng dường như chị em tôi không thấy mỏi chân.
Sự háo hức được về bên ngoại rồi tưởng tượng cái cảnh được cưng chiều, được nhận những phong bao lì xì đo đỏ, được chơi cùng các anh chị em họ lâu ngày không gặp làm chúng tôi quên hết mệt nhọc. Khỏi phải nói không khí nhà ngoại vui cỡ nào, cả nhà tôi được ông bà ngoại mong đợi mà. Cậu ra tận sân đón lễ từ trên vai của ba. Bà ngoại sẽ dang vòng tay về phía chị em tôi. Xem nào, xem nào, mới nửa năm không gặp mà lớn hơn nhiều rồi này. Đi đường có mỏi cái chân không? Có nhớ bà không? Bà chỉ ôm chúng tôi, hỏi được đôi câu thì chị em chúng tôi đã bị các anh chị em họ kéo đi tham gia rất nhiều trò thú vị. Ông ngoại đang chẻ tre dưới sàn để đan những cái lồng gà nho nhỏ, thi thoảng lại nói với lên, mấy đứa thích ăn gì? Ông thịt gà, ăn đùi gà nhé. Chơi kheo khéo kẻo bị đau lại khóc nhè bây giờ. Trong khi ba cùng cậu thịt con gà trống thiến để cúng tổ tiên thì mẹ được cùng với bà ngoại ngồi tâm tình chuyện trên trời dưới bể. Mẹ lấy chồng xa nên có khi cả năm chỉ về bên ngoại được một hai lần, vì thế mà mỗi lần về tôi lại thấy bà và mẹ như tận dụng từng giây để được ở bên nhau.
Lễ được đặt lên bàn thơ tổ tiên, khói hương tỏa lan thoang thoảng trong không khí gợi cảm giác vừa đầm ấm vừa linh thiêng của những ngày đầu năm mới. Bữa cơm đại gia đình được dọn ra. Chị em tôi cùng các anh chị em họ một mâm, mâm trẻ con thì được ưu tiên nhất với những cái đùi gà vàng ươm mà chỉ nhìn thôi là đã không thể nào cưỡng lại được. Nhưng tôi vẫn thấy bà ngoại và mẹ là vui nhất. Mắt bà lúc nào cũng ánh lên niềm vui, và mẹ tôi nữa, mẹ chộn rộn từ mấy hôm trước tết kia. Mẹ cố gắng lo chu toàn mọi việc trong nhà rồi mới xin phép nội về lễ tết nhà ngoại. Về bên ngoại thấy mẹ như trẻ lại, được ngoại yêu chiều, ngoại hay hỏi thích ăn gì, thích áo chàm không, bà cho thêm cái nữa về mà cất. Tối, ba tôi bảo chị em tôi sẽ ngủ với ba ở gian ngoài, để mẹ ngủ với bà một hôm. Cả một buổi hành quân về ngoại rồi cả những trò chơi bên anh chị em họ khiến tôi chìm nhanh vào giấc ngủ. Tiếng nói chuyện của mẹ với bà vẫn thì thầm, êm êm trong đêm.
Lần cuối cùng về tết nhà ngoại, mẹ được tặng cho bộ áo chàm ngoại tự tay làm cho. Mẹ diện áo, đội khăn chàm, trông lạ lắm, những sợi dây xà tích bạc đeo bên hông mẹ khẽ đung đưa theo bước mẹ đi, sáng lấp lánh. Tôi cứ thích cái mùi hương chàm thoang thoảng toát ra từ bộ trang phục truyền thống mẹ đang mặc. Lúc ra về, bà giúi vào tay chị em tôi những phong bao đo đỏ lì xì mừng tuổi, cậu tôi chuẩn bị sẵn cho chị em tôi mỗi đứa một con gà mái tơ, là quà mừng tuổi cho chị em tôi, đây là món quà mà mỗi đứa trẻ người Nùng chúng tôi khi về tết quê ngoại đều được nhận. Bà bảo đem về thịt đặt lên bàn Mụ để bà Mụ phù hộ độ trì cho chúng tôi hay ăn chóng lớn. Người ta bảo cứ phải là những con gà mái tơ được nhà ngoại tặng đem về cúng thì mới linh thiêng. Vì thế mà không cứ là ngày tết, mà ngày thường cũng vậy, chỉ cần về ngoại là chúng tôi lại được cậu bắt gà mái tơ bỏ lồng để chúng tôi tòng teng đem về.
Rồi gia đình chúng tôi chuyển vào Nam, chặng đường về quê ngoại ngày càng dài thăm thẳm. Mỗi lần về quê là ba ưu tiên cho mẹ trước, để mẹ được về thăm ngoại. Rồi ông bà lần lượt về với tổ tiên. Chúng tôi lớn dần, mỗi đứa cũng có gia đình riêng. Nhưng chị em tôi vẫn theo ba mẹ, cố gắng giữ cái nếp lễ tết nhà ngoại như thuở nào. Bởi tôi biết, cũng giống như ông bà ngoại, mỗi khi tết đến, ba mẹ tôi đang mong hai cô con gái sẽ trở về bên mẹ vào đúng ngày mùng hai tết. Như bà ngoại vẫn hay dặn mẹ, mẹ lại bảo chúng tôi, cứ cả nhà về đầy đủ là được, đừng đem gì về cả. Mẹ dành sẵn mọi thứ cho mấy đứa rồi đấy. Đúng vậy, về bên ba mẹ luôn có mọi thứ bởi tình yêu dành cho con của những đấng sinh thành lúc nào cũng đong đầy, ấm áp yêu thương. Lấy chồng rồi tôi mới hiểu cái cảm giác được về bên mẹ như này thật thiêng liêng, đáng quý biết nhường nào. Bậc làm cha làm mẹ không mong con cái sẽ đem gì về cho mình cả, cái ba mẹ cần là thấy con cháu được khỏe mạnh, hạnh phúc khi về bên mình để cả đại gia đình cùng ăn một bữa cơm đoàn viên.
Mùng hai tết năm nay cả nhà tôi lại sẽ về lễ tết nhà ngoại và chắc chắn rồi, hai đứa con của tôi cũng sẽ sung sướng trong bộ cánh mới như chị em tôi thuở nào vì chúng biết ông bà ngoại đang đợi chúng. Nhìn các con, tôi mong mai này chúng cũng sẽ hiểu rằng dù ở đâu, làm gì, cuộc sống có buồn vui như nào chăng nữa thì vẫn luôn có ba mẹ luôn đợi chúng về, nhất là vào ngày mùng hai tết.
6/2/2022
Lý Thị Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...