Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Những cột mốc chủ quyền

Những cột mốc chủ quyền

Nếu nhìn ngắm kỹ trên tấm bản đồ hành chính tỉnh Hà Giang, trong mắt tôi, Pà Vầy Sủ chính là phần đuôi của loài sư tử khổng lồ ở chốn sơn lâm này
Từ ngã ba Tân Quang (Bắc Quang) vào Hoàng Su Phì 64 cây số mà có đến 1009 đoạn cua gấp, khúc khuỷu, hiểm trở. Từ Hoàng Su Phì vào Xín Mần 40 cây số đèo dốc. Dòng suối đỏ phía sau dào dạt mà ai đó sáng tạo ra cái tên rất gợi: “Dòng suối màu hoa đào“, lúc ẩn, lúc hiện dưới rừng thông Mã Vĩ ngút ngàn. Bên trái dòng sông Chảy đã trong xanh trở lại dưới cái nắng đầu ngày trong vắt… Đến đầu cầu Cốc Pài, con lộ rẽ sang huyện, phía trước là con đường dân sinh loại 3 dẫn lên Pà Vầy Sủ. Con đường gập ghềnh qua nhiều đèo cao, vượt qua nhiều vách đá hiểm trở, chẳng khác mấy đường lên chóp nón tổ quốc… Đâu đó hương thơm của phấn ngô dìu dịu, hoa bạc hà, tam giác mạch, hoa dại nở tràn trên lưng núi, càng lên cao không khí càng loãng, gió trời càng lồng lộng…
Pà Vầy Sủ theo tiếng địa phương là gốc cây to 8 người ôm không xuể. Chi tiết ấy làm tôi liên tưởng về một địa danh ở Hoàng Su Phì, đồng bào đã lấy cây vàng – gốc cây to để đặt tên cho làng bản của mình, do vậy Hoàng Su Phì còn có tên: “Miền đất vỏ cây vàng”. Mặc dù cuộc sống hôm nay đã có nhiều đổi khác, cái sự ví von nôm na của đồng bào ta vẫn hướng về nguồn cội, mang tính nhân văn cao… Nhìn dòng sông Chảy thăm thẳm ở phía dưới, người lính biên phòng bảo với tôi, có lần anh ngồi ở bờ vực này, châm điếu thuốc đặt lên môi, cùng lúc ném hòn đá xuống dòng sông. Khi tàn điếu thuốc cũng là lúc hòn đá vừa chạm mặt nước…Quả là ấn tượng. Có thể nói, đây là hình ảnh khó quên nhất với tôi trong suốt những năm công tác ở vùng cao…
Vào đầu giờ buổi chiều, tôi cùng cán bộ xã và chiến sỹ Biên phòng ngược lên Ma Lỷ Sán cách trung tâm hơn 2 giờ đi bộ, con đường dân sinh gập ghềnh, uốn lượn, bắt đầu từ thung lũng bằng phẳng rồi bám theo vách đá dựng đứng dẫn lên cao… bên lối mòn hoa xương rồng nở đầy màu tím trắng, màu cánh sen thật đẹp, như là biểu tượng sự sống, tình yêu không tắt giữa một vùng núi đá quanh năm nắng gió, mù sương…
Ma Lỳ Sán theo tiếng địa phương có nghĩa là núi có nhiều cây sồi, và thực tế đúng như vậy, ở thôn hiện giờ có ngót 10 héc ta rừng sồi, qua năm tháng rừng đã thành cổ thụ, biết giá trị của rừng để tạo nên nguồn sinh thủy, chống lũ ống,  lũ quét nên rừng được chăm sóc bảo vệ nghiêm ngặt… Pà Vầy Sủ là nơi tiếp giáp ba tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Vân Nam (Trung Quốc) do vậy thôn Ma Lỳ Sán chính là nơi tiếng gà gáy 3 tỉnh nghe được…
Do địa hình hiểm trở, chia cắt, nên Ma Lỳ Sán chia ra thành 2 cụm dân cư. Ma Lỳ Sán 1 (giáp bờ sông Chảy và chân cột mốc 172), Ma Lỳ Sán 2, nằm sát đường biên giới Việt – Trung, nơi cột mốc 173, 174 đi qua, kéo đến cột mốc 175, 176…Tôi đã từng xuống dốc 9 thang ngược dòng Nho Quế  lên Sơn Vĩ (Mèo Vạc), qua Cổng trời Pán Tính, Sảng Ma Sao lên Lũng Cú, rồi vượt dốc đến Séo Lủng để chạm tay vào cột mốc 422, điểm cao nhất của Tổ quốc Việt Nam. Từ đây tôi nhìn ngắm được dòng sông Nho Quế chảy vào Đồng Văn, dưới hàng ngàn thước sâu, nước sông xanh biếc, như sợi chỉ màu ai đó vừa đánh vương, mà cảm động trước vẻ đẹp kỳ vĩ có một không hai của Đồng Văn… Nhưng với Ma Lỳ Sán – điểm mút cực Tây tỉnh Hà Giang, nơi đầu nguồn dòng sông Chảy còn chia cắt, dữ dội hơn nhiều. Nếu từ khu yên ngựa Khâu Sỉn ra cột mốc 172, phải vượt hàng trăm bậc thang, và cũng từ mốc 172 xuống tới mép nước dòng sông Chảy phải xuống dốc hơn nửa giờ đồng hồ. Đứng ở Ma Lỳ Sán vào ngày nắng đẹp có thể nhìn thấy Thin Dí Hạ và dòng sông trắng của nước bạn Trung Quốc Vắt ngang lưng chừng trời…
Tiếng gà vẫn vậy tiếng gà / Bâng khuâng trước cảnh chiều tà biên cương…Tôi mang câu thơ của ai đó xuống núi. Tiếng gà ấy không chỉ 3 tỉnh nghe được, mà nó thật sự gây ấn tượng mạnh vang vọng rồi đọng lại trong tôi. Tiếng gà là sự sống, tiếng gà là quê hương bồi hồi thương mến… Tôi uống chén rượu ngô với Pà Vầy Sủ để mai về xuôi biết bao giờ trở lại. Đêm thao thức trong hương rừng, gió núi, bỗng thấy ấm lòng trước những dự định, chương trình công tác của xã mà trong bữa cơm các đồng chí lãnh đạo địa phương đã tâm sự với tôi. Nào là chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Dự án trồng cỏ tăng đàn gia súc. Đưa ngô, đậu tương giống mới năng xuất vào canh tác. Giữ vũng chủ quyền biên giới quốc gia. Vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu, có hại, ăn ở hợp vệ sinh. Vận động con em đến trường…Tôi tin Pà Vầy Sủ sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai, xứng đáng vùng đất cực Tây của Hà Giang và cả nước. Và các anh, đồng bào các dân tộc nơi đây chính là những cột mốc chủ quyền thiêng liêng ở điểm cực Tây gian khổ này…
12/2/2022
Cao Xuân Thái
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...