Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Du xuân trên đỉnh Chư Nâm

Du xuân trên đỉnh Chư Nâm

Là đỉnh núi cao nhất trong dãy Chư Nâm thuộc xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah, với độ cao 1472m, đỉnh Chư Nâm sừng sững bên cạnh núi lửa Chư Đang Ya xinh xắn nằm gọn lỏn, e ấp bên dưới.
Cứ mỗi lần đến Chư Đang Ya với ngút mắt khoai lang mật, hoa dong riềng và rực rỡ dã quỳ vào ngày sang mùa đổi gió tôi lại ngước mắt thèm muốn một lần chinh phục đỉnh núi cao sừng sững bên cạnh – Chư Nâm. Vì leo núi là một môn thể thao mạo hiểm, cần sức khỏe, người dẫn đường, tinh thần đồng đội và thời gian, nên đã hẹn hò lâu lắm, mà phải đợi đến dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, chúng tôi mới sắp xếp được thời gian để đi cùng nhau. Có công ty du lịch tổ chức tour trekking qua đêm để ngắm bình minh, hoàng hôn, khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày của Chư Nâm. Họ còn cắm trại qua đêm để du khách có thể thưởng thức một buổi BBQ lửa trại trên đỉnh núi cao gần 1500m. Tuy nhiên vì điều kiện con nhỏ chúng tôi rất lưỡng lự. Vậy nên khi các gia đình đồng cảnh ngộ rủ nhau chinh phục Chư Nâm với thời gian đi và về trong ngày chúng tôi đã tham gia ngay.
Bảy giờ sáng, nhóm chúng tôi xuất phát ở chân đập Tân Sơn, mùa này hồ thủy lợi Tân Sơn có màu xanh thẫm, nước cạn bớt để lộ những vệt cát trắng phía dưới hàng thông già. Phía xa xa đã có hai chiếc lều của nhóm nào đó cắm trại camping qua đêm ở bãi bồi Tân Sơn. Họ đã thức dậy đun nấu, những sợi khói mảnh bay lên từ phía lều, mùi cà phê dậy lên hòa quyện với hương sương mai tinh khiết. Hương thông, cây rừng, hòa với mùi hoa cà phê đủ nước thấp thoáng ở phía chân đập. Nắng mai vàng nhẹ để chúng tôi đoán hôm nay thời tiết rất phù hợp cho việc leo núi.
Có nhiều cung đường để chinh phục Chư Nâm nhưng đoàn chúng tôi chọn cung Tân Sơn để leo lên vì dù có dài hơn một xíu nhưng đường đi ít dốc hơn, nhiều cây xanh. Trong hai mươi thành viên của đoàn thì người lớn nhất là một “cụ bà” đã 71 tuổi và em bé gái nhỏ nhất mới học lớp 2. Chúng tôi bố trí người biết đường dẫn đầu, ở giữa là người khỏe kèm những người yếu. Vợ chồng tôi sẽ khóa đoàn để tránh trường hợp có người bị tụt lại phía sau. Khi hòa mình vào một tập thể đoàn kết, chinh phục một đỉnh núi cao và phải tự chuẩn bị mọi thứ các bạn sẽ cảm nhận rõ trách nhiệm trong công việc và niềm vui của mình. Bởi niềm vui trong công việc không chỉ đong đếm bằng mức tiền lương mà nó còn là sự cống hiến, san sẻ, hỗ trợ những người yếu thế hơn mình. Đó là điều mà những chuyến đi tự túc sẽ mang lại cho bạn thay vì bạn mua tour của các công ty chuyên nghiệp, khi bạn dùng dịch vụ sẽ có người mang đồ, được mua bảo hiểm và bạn chỉ mang xác đi lên núi rồi đi xuống. Khỏe hơn nhưng không có niềm vui nhiều về tinh thần đồng đội, khả năng phán xét tình huống và hỗ trợ đội nhóm. Bù lại tự tổ chức bạn sẽ phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, phải tự mang vác hành lý, nước uống, đồ ăn nhẹ và các đồ dùng thiết yếu khác.
Có những người trong đoàn đã Trekking Chư Nâm gần mười lần, nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Mặt khác vì đã được báo trước về những khó khăn khi có những cung đường nghiêng dốc 60 độ nên mỗi cá nhân cũng tự chuẩn bị giày có đế gai để bám chắc, tránh trơn trượt, áo dài tay để bảo vệ khỏi gai cào xước, mũ rộng vành, kem chống nắng, một số loại thuốc thiết yếu và vài phụ kiện để phục vụ cho việc checkin, sống ảo…
Chúng tôi mất hơn 3h đồng hồ với gần 10.000 bước chân, theo dấu của một nhóm người đánh lên cây để lên đến đỉnh Chư Nâm. Có một nhóm bạn trẻ người Pleiku đã đánh dấu lên cây những bảng tên màu đỏ để những người yêu núi, thích tự trải nghiệm có thể tự đi, họ còn kể với tôi vào mùa mưa họ còn cõng cây trồng trên núi để Chư Nâm có thể xanh hơn trong một ngày gần nhất.Họ lặng lẽ làm vì nghĩ cũng sẽ có những bước chân muốn chinh phục Chư Nâm nhưng không biết đường như mình những ngày đầu. Họ mong rừng phải đầy cây xanh để con cháu mình có thể chinh phục đỉnh núi dưới những tán rừng rợp mát. Quãng giữa của chặng đường, phía sau lưng là hồ nước Tân Sơn bé dần đi, xanh như ngọc nằm gọn lọn dưới tán thông ôm ấp. Dừng ở con suối nhỏ trong vắt, nước chảy ra từ khe đá trên núi khiến bàn chân được mátxa tê dại khi cởi tất đi trong cát. Nghỉ ngơi ăn nhẹ dưới tán thông với những con ong vàng rù rì lạ mắt bay quanh những vị khách lạ. Càng lên cao du khách bắt đầu sẽ thấy mát mẻ hơn nhưng có cảm giác tai hơi ù nhẹ. Khi bãi hoa mua hiện ra là đỉnh núi đã chờn vờn mây trôi trước mặt. Từ bãi hoa mua, đi thêm một lúc sẽ bắt đầu có những điểm tha hồ “sống ảo”.
Chúng tôi bám nhau, níu vào cây rừng rồi cũng lên đến nơi. Gió thổi nhiều hơn và mây thấp thoáng chờn vờn trên đỉnh đầu. Cái lạnh của mây tôi đã từng chạm đến khi ghé SaPa hơn mười năm trước và bây giờ mới có dịp gặp lại. Ngồi bệt xuống đám cỏ dại kiên trì bám núi với gió sương trên cao tôi đưa mắt nhìn một vòng quanh. Phía sau lưng tôi là khoảng rừng còn lại với những tàng cây cổ thụ xanh thẫm, xa xa là lòng hồ Thủy điện IaLy với chảo nước khổng lồ. Trước mặt là củ gừng dại Chư Đang Ya xinh xắn với hai lòng chảo xinh xắn đang vào mùa gieo trồng, những khoảng đất lấm tấm xanh bên cạnh hàng rào dã quỳ. Dân làng Ia Gri nằm nem nép bên những cung đường ngang dọc. Những vệt khói bay lên từ đỉnh núi bên cạnh, xa hơn nữa là dãy Kon Kah King xanh thẫm tôi tối mờ xa. Cánh đồng Ngô Sơn xếp những mảnh ghép như đồ chơi vào mùa gieo sạ loang loáng nước với những đám mạ thấp thoáng màu cốm non. Thành phố Pleiku của tôi chỉ còn lại những chấm trắng phía sau hồ nước lớn Biển Hồ. Ở phía ấy có chân trời với những đám mây sà vào thật thấp. Khoảng cách xa khiến trời đất cỏ cây mây núi như hòa vào làm một, như rất gần với nhau. Gió thổi mỗi lúc càng mạnh để lùa tóc những cô gái tung bay. Tôi phải đứng rất lâu trước cảnh sắc thiên nhiên trước mắt. Bởi lẽ nó kỳ vĩ quá, nó đẹp quá. Chúng ta phải lầm tưởng rất lâu, rất sai rằng chỉ con người mới làm nên được những điều vĩ đại cho đến khi chúng ta leo lên được một đỉnh núi cao. Ở đó những tảng đá khổng lồ xếp chồng vào nhau với tuổi đời triệu năm rêu phong cùng tuế nguyệt mà để hiểu hết về đá con người cũng đang loay hoay vài thế hệ. Còn thành phố với vùng phụ cận cả triệu dân nằm gọn lỏm trong một thung lũng hẹp mà bạn có thể thu gọn lại trong tầm mắt. Tôi ngồi lại và suy nghĩ rất lâu. Tự hỏi, vì sao những cánh rừng kia trọc, vì sao những gốc cây cổ thụ còn trơ lại, cháy sém? Vì sao người ta có thể mang được cả chai nước lên đến đỉnh mà khi nhẹ nhàng xuống núi người ta đã không mang theo vỏ chai về…rất nhiều người trong đoàn của chúng tôi đều tự nhắc nhau phải giữ vệ sinh cho núi, cho nơi đã từng ghi dấu hơi thở và dấu chân của mình bởi lẽ tôi sẽ còn quay lại Chư Nâm vào một ngày khác khi vào mùa săn mây hoặc khi đám hoa mua phía bên dưới nở một rừng tím rịm. Chúng tôi phải quay về khi lòng mình còn chưa muốn rời đi dù đã chụp vài trăm bức ảnh. Bởi lẽ tôi biết rằng, không có thiết bị điện tử nào có thể ghi dấu trọn vẹn cảnh sắc, hình ảnh, cảm giác của một người vừa chinh phục đỉnh núi, đặc biệt là đỉnh núi đó nằm ngay trên quê hương mình. Đỉnh núi mà mình vẫn ngước lên nhìn nó với khát khao chinh phục hiện hữu khi ai đó nhắc đến. Vậy nên, chúng tôi sẽ còn quay lại Chư Nâm với hành trang tốt hơn, với những người bạn mới để cùng chung tay giới thiệu những cảnh đẹp của nơi mình sống đến với nhiều người khi cả thành phố nằm gọn trong những bức hình xinh xắn.
Để chọn một điểm du xuân đầu năm, hòa mình với thiên nhiên khoáng đạt, trải nghiệm khả năng chinh phục tự nhiên của bản thân, rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ và đặc biệt là có thể tìm được niềm vui thú vị trong ngày đầu năm mới thì đi về phía tây thành phố, ngược lên đỉnh núi Chư Nâm nơi chúng ta đứng thật gần mặt trời, gần ngọn gió và cao hơn cả những tán cây cổ thụ rợp bóng dưới kia cũng sẽ một lựa chọn rất đáng giá, đặc biệt là khi trải qua một năm dịch bệnh kéo dài, chúng ta đã mất rất nhiều cảm xúc tích cực.
9/2/2022
Tạ Ngọc Điệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...