Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Văn hóa ao làng

Văn hóa ao làng

Hình ảnh ao làng là một nét văn hóa đặc trưng vô cùng thân thuộc trong văn hóa, đời sống làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Ở đó có vui có buồn, có thân thuộc gần gũi, có ngậm ngùi tủi thương…
Với những người xa quê, xa làng xóm thì trong ký ức về quê hương, hình ảnh ao làng luôn gắn liền với những kỷ niệm ngọt ngào sâu đậm về một thời thơ ấu của mình đã sinh ra và lớn lên nơi làng quê dân dã. Hầu hết những làng quê, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh ao làng là một nét văn hoá đặc trưng vô cùng thân thuộc trong văn hoá, đời sống làng quê trải qua ngàn năm.
Làng quê Bắc Bộ, hầu như mỗi nhà đều có ít nhất một cái ao liền thổ, ao có thể ở trước hoặc sau nhà. Ngoài ao riêng của mỗi nhà thì làng nào cũng có ao chung của làng. Nhưng, dù ao chung của làng hay ao riêng của mỗi nhà thì mỗi khi nhắc đến làng quê, ao vẫn được gọi chung là hình ảnh ao làng, văn hoá ao làng. Ngày xưa, khi làng quê chưa có điện, chưa có nước sạch. Ao đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống làng quê. Ao là nơi tắm giặt, rửa ráy, vo gạo rửa rau… thậm chí nước ao có thể dùng nấu ăn, nước uống. Nhà nào cũng có cái cầu ao, sang thì xây gạch hoặc ghép đá tảng, bình dân thì bắc vài miếng ván gỗ, mấy đoạn tre.
Với tuổi thơ thì ao là chỗ để bơi lội, tắm táp nô đùa thỏa thích mỗi ngày, dù là nước đục ngầu, dù mùi bùn ngai ngái hay cáu bám đầy mình thì vẫn vui, vẫn vô cùng thích thú. Chẳng biết từ bao giờ, có thật hay không mà lũ trẻ cứ chạy quanh bờ ao giữa trưa nắng bắt chuồn chuồn rồi cho cắn rốn để nhanh biết bơi. Ao còn để được ngồi câu cá sau mỗi buổi đi học về và những tháng ngày nghỉ hè vui vẻ. Để rồi khi lớn lên, đi xa nhớ về quê hương, nhớ về năm tháng tuổi thơ, hình ảnh ao nhà luôn ắp đầy kỷ niệm thân thương.
“Anh ngồi bờ giếng, mắt anh lúng liếng bờ ao/nước thì không khát, khát khao vì tình”. Bờ ao còn là nơi hẹn hò đôi lứa, ngồi bên bờ cỏ ao quê trò chuyện tâm tình tưởng như dân dã mà thi vị, mà lãng mạn, mà tình biết bao. Từ bờ ao quê mà thề hẹn chung tình, dù có đi xa, dù sang giầu phú quý, dù bao nhiêu cám dỗ ở đời, dù cuộc sống vất vả lam lũ thế nào thì tình quê, chất quê vẫn giữ, lời thề mang theo “ta về ta tắm ao ta/dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Hình ảnh ao quê ngày xưa đẹp lắm, thân thương lắm. Nhớ về ao quê là nhớ đến hình ảnh giàn bèo, giàn rau muống, rau dút hay cái giàn mướp bắc bằng tre từ bờ ra ao, mỗi mùa hoa mướp nở vàng, ong bay bướm lượn dập dìu lấy mật và những quả mướp dài lủng lẳng nhìn rất thích mắt…
Hệ thống ao làng còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ cho xóm làng không bị ứ nước, đường ngõ trong làng không bị ngập sau những trận mưa lớn. Mỗi cái ao đều có một lối thoát nước gọi là cống ao. Từ ao này nước chảy qua ao khác và theo những đường thoát nước của làng gọi là con cừ để chảy ra ngoài đồng, hoặc cũng có thể từ hệ thống ao chảy trực tiếp ra cánh đồng làng. Có lẽ cái cống ao là một nét văn hoá đặc sắc nhất của văn hoá ao làng. Cống ao thể hiện tính nhân văn trong ứng xử và ý thức trách nhiệm cộng đồng. Cho dù hai gia đình có bất hoà có ghét nhau, thậm chí đánh nhau vỡ đầu, không nhìn mặt nhau, nhưng cái cống ao thì không bao giờ động đến, không bao giờ chặn nhau. Nét văn hoá cống ao được hình thành hết sức tự nhiên, xuất phát từ ý thức cộng đồng, có nhiều làng dù không qui định trong hương ước, nhưng tất cả đều chung ý thức ấy, đời ông đời cha, đời con đời cháu… cứ thế mà lưu truyền gìn giữ.
Có thể ở đâu đó, một lúc nào đó có người nói “văn hoá ao làng” với ý khinh khi miệt thị người nhà quê. Nhưng, họ không hiểu được rằng văn hoá ao làng là thể hiện bản chất người quê, văn hoá và tình người, tình làng nghĩa xóm, ý thức cộng đồng như thế đấy. Ngày nay, cùng với sự phát triển chung, hình ảnh, đời sống làng quê đã thay đổi đi rất nhiều. Những ngôi nhà nhiều tầng, nhà mái bằng bê tông đã thay cho những mái nhà rơm rạ, đã mất đi những mái ngói đỏ tươi hoặc rêu phong cũ kỹ. Đường làng ngõ xóm và cả những bờ ao, lối mòn hai bên xanh cỏ, đã được trải bê tông phong quang thoáng đãng. Rất nhiều những cái ao làng đã bị lấp đi để làm nhà cửa, từ đó dẫn theo những cống ao thoát nước cũng đã bị chặn, những ao còn lại không thoát được nước trở nên tù đọng, ô nhiễm. Hệ thống thoát nước trong làng nhờ vào những cái ao đã không còn, nhiều làng quê cứ sau mỗi trận mưa to là nước lại ngập đường đi.
Đa phần những cái ao ngày nay không còn bờ cỏ hoặc những giàn mướp, bè rau như xưa, bờ ao đã được xây kè kiên cố. Từ đó, hình ảnh ao làng không còn có được cái hồn cốt, không còn vẻ đẹp hồn quê dân dã, thi vị và lãng mạn như xưa. Không còn hình ảnh ta về khỏa nước cầu ao, nghe trong sóng nước lao xao tiếng mình. Không còn hình ảnh những chú chuồn chuồn, những con bướm trắng lượn bay trên đám cỏ bờ ao. Làng quê giờ đã có điện, có nước sạch. Nước ao giờ đã ô nhiễm, không còn ai tắm giặt, rửa ráy… và trẻ con cũng không dám tắm táp bơi lội ở ao nữa. Ao làng không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt và thư giãn của mỗi gia đình.
Hình ảnh ao làng đã đi vào ký ức của nhiều người, nét văn hoá dân dã đã dần mai một. Những cái ao nơi làng quê, nơi một thời tắm mát, gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người quê giờ đây ngày càng trở nên ít ỏi và xa ngái. Nhưng, dù những cái ao làng có mất đi, dù làng quê cứ từng ngày thay đổi thì những thế hệ đã sinh ra lớn lên, đã từng tắm nước ao quê thì hình ảnh ao làng vẫn còn mãi trong vùng ký ức xanh tươi và đẹp đẽ. Để rồi mỗi khi nhớ về làng quê, hoài niệm về tuổi thơ mình, hình ảnh và những kỷ niệm với ao làng lại hiện về thân thương tha thiết.
7/2/2022
Trịnh Đình Nghi
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...