Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

Có những cuộc chiến không đi qua người lính

Có những cuộc chiến
không đi qua người lính

Có thể nói hầu hết những người từng tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam từ 1955- 1975, dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng dường như còn một cuộc chiến khác, không kém phần khốc liệt, vẫn âm ỉ tồn tại nhức buốt ở đâu đó trong đời sống tâm thần của họ. Đó chính là “Hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh”. Tuy mức độ nặng, nhẹ khác nhau và thời gian chịu đựng không giống nhau, cũng như phương cách vượt qua nó đối với mỗi người một khác, nhưng có không ít người mang theo di chứng chiến tranh suốt đời mà hậu quả của nó được giới chuyên môn gọi là căn bệnh “Post-traumatic Stress Disorder” (Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương- viết tắt là PTSD).
1. Nhập đề
Ngay sau khi tiếng súng không còn rền vang nơi xa trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta cách đây gần nửa thế kỷ, trong quãng hai mươi năm (1955-1975) cho đến thời gian dài sau đấy, có khi hàng chục năm, thậm chí có thể kéo dài hàng thế kỷ, hầu hết mọi người đều suy nghĩ và mang theo một tâm lý phổ biến là từ nay không còn cảnh bom rơi đạn nổ, đầu rơi máu chảy, thịt nát, xương tan trên khắp dải đất hình chữ S này nữa, cũng không còn cảnh tao loạn, ly tán của những người thân yêu trong gia đình, họ hàng, chòm xóm, quê hương. Chiến tranh đã qua đi, mọi người cứ thế mà bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc. Suy nghĩ và tâm lý ấy là đúng với đại bộ phận người dân nước Việt Nam ta, nhưng dường như vẫn có một cái gì đó chưa đủ.
Bởi lẽ suy nghĩ và tâm lý ấy là của đại đa số những người không trực tiếp can dự vào cuộc chiến tranh ấy. Còn trên dưới 10 triệu chiến sĩ quân đội nhân dân là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường cả trong Nam và ngoài Bắc để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và những người thân như: vợ, con, cha, mẹ, họ hàng của họ nữa thì sao? Rồi những người lính bên kia chiến tuyến gồm quân của chính quyền Sài Gòn, hơn nửa triệu lính Mỹ và hàng trăm ngàn lính đánh thuê của các nước khác như: South Korea, Thailand, Australia, New Zealand, Philippines … Tổng cộng lại có thể lên tới hàng chục triệu người là cái chắc.
Có thể nói hầu hết những người từng tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam từ 1955- 1975, dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng dường như còn một cuộc chiến khác, không kém phần khốc liệt, vẫn âm ỉ tồn tại nhức buốt ở đâu đó trong đời sống tâm thần của họ. Đó chính là “Hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh”. Tuy mức độ nặng, nhẹ khác nhau và thời gian chịu đựng không giống nhau, cũng như phương cách vượt qua nó đối với mỗi người một khác, nhưng có không ít người mang theo di chứng chiến tranh suốt đời mà hậu quả của nó được giới chuyên môn gọi là căn bệnh “Post-traumatic Stress Disorder” (Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương- viết tắt là PTSD).
1. Cuộc chiến không đi qua người lính
II. 1. Tiểu thuyết “Người PTSD” của nữ nhà văn thuộc thế hệ 8X Thương Hà được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021, là một trong số hiếm hoi những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh và người lính theo một góc nhìn khác, trong khoảng 30 năm trở lại đây. Nó đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn vừa sâu hơn, và cũng cụ thể, sinh động hơn về căn bệnh oái oăm “Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương- PTSD” ở một người lính Mỹ, tên Sam, từng đã có thời gian tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam trước đây.
Đây chỉ là một trong số hơn nửa triệu lính Mỹ và hàng chục triệu người lính kể cả hai phía đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến này. Ông đã mắc hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh và căn bệnh PTSD. Vì chính Sam đã từng là người tham chiến trực tiếp và chứng nghiệm những hành động bắn, giết tàn bạo, những cảnh tượng tra tấn dã man đối với các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam mà họ cho là Việt Cộng và với cả những người dân thường vô tội từ những người lính Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa, cùng lính các nước đánh thuê cho quân đội Hoa Kỳ, đặc biệt là quân lính Park Chung Hee.
Với Sam, sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, 1975, ông đã trở về nước Mỹ. Ngay khi vừa về đến nhà, Sam đã nhận được tin sét đánh. Người bạn đời của ông đã vĩnh viễn ra đi mà ông không được gặp mặt lần cuối.
Sau đấy một thời gian, chẳng hiểu vì lý do gì đã thôi thúc ông tìm đến một cô nhi viện với mục đích xin được tham gia hoạt động từ thiện. Tại đây, Sam bắt gặp một bé gái, người gốc Á cứ trừng trừng nhìn ông. “… Đó là một bé gái mới năm sáu tuổi. Cô bé con mang một đôi mắt to tròn đen láy đứng ở đó, lẳng lặng nhìn ông. Khuôn mặt không có biểu cảm gì mà cứ thế đứng nhìn ông khiến trái tim Sam như bị bóp nghẹt. Có gì đó hồi hộp. Cũng có gì đó như chèn vào trước ngực ông, khiến ông không thở nổi…” (tr.130). Cô bé ấy là người Nam Việt Nam đã được di cư hợp pháp sang đây, sau này chính là con gái nuôi của Sam, tên là Nguyễn Thị Thu. Có lẽ vì sự có mặt của Thu mà hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh của ông chưa có cơ hội để phát triển trong quãng thời gian nuôi dạy Thu cho đến khi con gái nuôi trưởng thành, có việc làm và thu nhập ổn định và có thể sống tự lập. “Những năm Thu còn nhỏ, ông dốc lòng dốc sức lo cho con gái. Đúng thật là lúc ấy chẳng có thời gian mà nghĩ tới cuộc chiến tranh đã qua kia. Cho đến mãi sau này, khi Thu đã lớn và có cuộc sống của riêng mình, những điều ông phải bận tâm không còn nhiều nữa, lúc này có vài thứ bắt đầu nhen nhóm dần trong ông. Tựa như một đống tàn tro cứ tưởng đã tắt lửa thì lúc này lại bập bùng trở lại…” (tr.282).
II.2. Những tưởng mọi vấn đề về sức khỏe đối với Sam như vậy là đã ổn. Nhưng ở đời, có nhiều cái không giống như người ta tưởng. Thế nên, kể từ khi Sam không còn vướng bận việc lo nuôi dậy và để mắt đến việc học hành của cô con gái nuôi nữa, cũng chính là thời điểm hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh ở ông bắt đầu có cơ hội xuất hiện và phát triển, tạo tiền đề cho căn bệnh PTSD bùng phát sau này. Thời gian dư dả, công việc lao động chân tay cũng bớt đi, nỗi lo ăn học cho Thu giờ không còn nữa. Cô đã trở thành một bác sĩ tâm lý trị liệu tại một Trung tâm dưỡng lão ở Florida, bận đi làm cả ngày, nên Sam chính thức lại trở thành một người sống độc thân như cách đây trên hơn hai mươi năm về trước, khi ông từ chiến trường Nam Việt Nam trở về Mỹ. Ăn, ngủ tùy thích, tuổi ngày một cao. Đây là lúc Sam hoàn toàn có thể sống cho riêng mình. Mà khi con người ta càng có tuổi càng thích sống với quá khứ của chính mình hơn. “Già rồi thì hay nghĩ về quá khứ. Già rồi cũng hay chiêm nghiệm lại những gì đã qua. Có lẽ chuyện thời trẻ cũng chẳng thể thay đổi được nữa. Mà bố nghĩ mình cũng không thể thay đổi được cái gì. Nó là đã là quá khứ rồi. Thế nhưng bố không muốn tương lai cũng sẽ vẫn mơ hồ như thế mà chết đi con gái ạ” (tr.392).
Thế là một cuộc “tổng kiểm kê” ký ức về những năm tháng tham chiến tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện trong Sam. Khởi đầu là những đêm mất ngủ. Khi ấy, quá khứ trở thành những thước phim quay chậm cứ hiện dần lên trong tâm trí ông. “… Dường như giấc ngủ của ông chẳng yên ổn cho lắm. Mồ hôi vẫn từng hàng từng hàng rơi xuống ướt đẫm hai bên mai tóc. Khuôn mặt nhăn nheo có lúc co rúm lại. Hàng lông mày nhíu chặt không thể giãn ra nổi. Bàn tay nắm lấy tay vịn ghế càng dùng sức. Chiếc ghế đung đưa vô hình trung đem người đàn ông đang chìm trong giấc mộng này lên một chiếc thuyền long đong. Con thuyền lênh đênh trên sóng biển giữa từng đợt gào thét của đất trời mà không thể cập bến.
Hai tay nắm lại càng chặt. Thân thể cao lớn bắt đầu run lên từng đợt. Đôi môi mím chặt lúc này lại hơi hé ra. Dường như hai hàm răng cũng theo đó mà va vào nhau. Trong miệng ông phát ra âm thanh khàn khàn nho nhỏ nghe không rõ là nói cái gì. Chỉ biết người đàn ông ấy dường như đang gặp ác mộng. Một cơn ác mộng mà chính ông không thể thoát ra nổi…” (tr. 10- 11).
II. 3. Thấy tình hình sức khỏe của bố không ổn lắm, Thu đã nảy ra ý nghĩ bằng cách thuê cho bố một ngôi nhà ở một vùng quê xa xôi, hẻo lánh, nơi có không khí trong lành, không gian tĩnh lặng để bố nghỉ ngơi xa tiếng động của xe cộ, không phải tiếp xúc với nhiều người và môi trường không ô nhiễm như giữa trung tâm phố thị này và nhất là tâm lý sợ phải vào trung tâm dưỡng lão, nơi toàn người già cô đơn không nơi nương tựa, bệnh tật, ốm đau, cần phải được chăm sóc chu đáo cả về y tế và sinh hoạt hàng ngày. “… Cuối cùng con nuôi của ông chọn một chỗ khá yên tĩnh cho ông. Như những ngôi nhà thường được chọn làm địa điểm quay phim kinh dị, nơi này nằm ngay trước một rừng cây thăm thẳm. Cái phong cách hòa mình vào thiên nhiên này được khá nhiều đạo diễn Mỹ lựa chọn cho mấy bộ phim ma. Chẳng qua ở đây chẳng có con ma nào hết…” (tr.13).
Với Thu, trong tư cách là người con gái nuôi duy nhất của Sam, đã được ông nuôi cho học hành đầy đủ để trở thành một bác sĩ tâm lý trị liệu, dường như chiều theo ý nguyện của bố là một cái gì đấy không thể cưỡng lại được. Nhưng trớ trêu thay, kết quả hoàn toàn lại không như mong muốn. Ý tưởng đưa bố đến sống một mình ở một nơi tĩnh lặng đến mức ghê rợn như thế này, để tránh không phải vào sống ở trung tâm dưỡng lão ở trong thành phố, bố không phát điên mới là chuyện lạ. “Trong khu rừng xào xạc tiếng cây va vào nhau, tiếng chim quang quác vọng lại từ đâu đó, ánh trăng rọi xuống chỉ đủ để xuyên qua những kẽ lá. Mà rừng cây ấy, những năm đó mang theo cả nỗi sợ hãi không tên của những người lính Mỹ. Một rừng cây ở Việt Nam…” (tr. 13). Vậy là từ đây, những đêm dài mất ngủ bắt đầu hành hạ Sam. Ông càng đi tìm về những ký ức ám ảnh và xoáy sâu trong tâm thức một thời, thì những đêm mất ngủ của ông càng xuất hiện nhiều hơn. Càng mất ngủ ông lại càng tìm đến những ký ức của thời kỳ chiến tranh ở Nam Việt Nam, mà theo ông, trong tư cách một người lính không thể nào cưỡng lại được. Quả là một vòng tròn luẩn quẩn ngày càng xoáy sâu vào tâm thể và bào mòn sức lực của ông, mà không một bác sĩ tâm lý nào có thể giúp ông thoát ra khỏi hội chứng này được. “Một tổn thương nào đó xảy tới mà bất cứ ai sinh ra vào thời chiến tranh, hoặc dù không trải mình qua cuộc chiến tranh đó nhưng đặt mình vào trong bối cảnh ấy thì tất cả những người lính kể cả lính Mỹ, lính Pháp hay bất cứ một người lính từng tham gia chiến tranh dưới danh nghĩa đi xâm lược hay bị xâm lược thì đều có những ám ảnh khôn nguôi. Điều ám ảnh ấy là phần lương thiện trong con người của họ khi trải qua những tổn thương đau đớn…” (tr. 14).
Trong những đêm mất ngủ như thế, Sam thường mở cái đài catsette ông mua
hồi còn ở trên thành phố ra nghe cho đỡ buồn. “Bài hát rè rè vẫn lặp đi lặp lại. Người phụ nữ trong đĩa nhạc cất lên giọng hát phổ thông, không có chút gì giống với một ca sĩ. Lời bài hát lại là một thứ tiếng mà hầu như người Mỹ đều không hiểu được. Thế nhưng trong giọng hát nhè nhẹ ấy lại nghe ra được một tình cảm ấm áp yêu thương, một nỗi buồn man mác khó hiểu.
“Ầu ơ ví dầu…”
“Đó là một làn điệu dân ca thường bắt gặp ở miền Nam Việt Nam. Mà trên đất Mỹ này, trong căn nhà gỗ chỉ có một người đàn ông đang nằm trên chiếc ghế đung đưa này, làn điệu ấy lại cứ lặp đi lặp lại như một vòng xoáy lẩn quẩn…” (tr.10). “Mặc dù nghe không hiểu họ đang nói gì, nhưng Sam bất chợt có một cảm giác quen thuộc ùa về. Hình ông đã từng nghe được giọng nói này trước đây, tựa như có gì đó đã từng xảy ra trong quá khứ nay được tái hiện lại…” (tr.44). “Trong không gian tĩnh lặng của màn đêm u ám, tiếng gió rít qua kẽ lá truyền đến trong ốc tai khiến người ta vô thức mà rợn người. Một đám lá xào xạc xào xạc theo từng cơn gió thổi tạo thành một bản nhạc không lời giữa đất trời hoang vu. Không biết từ đâu vọng đến tiếng cuốc kêu, tựa như một loại nhạc cụ đệm thêm vào bản nhạc ấy. Những âm thanh này hòa vào nhau, một lần nữa nhắc nhở người trong rừng về một đêm không bình yên…” (tr.50).
Sam những tưởng nghe đài và xem phim trên smartphone sẽ làm cho mình cho đỡ buồn và cũng dễ ngủ hơn. “Ông xem hết video này đến video khác. Những thước phim tài liệu ấy giờ được công khai rộng rãi. Thế nhưng không phải ai cũng chú ý tới. Trừ những người có niềm đam mê nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử ra thì hầu như các bình luận bên dưới đều là của người Việt Nam. Ông đọc không hiểu, cũng nghe không hiểu thứ tiếng đang thuyết minh trong video.
Ánh mắt của người phụ nữ bị họ chĩa súng vào đầu. Ánh mắt của tên gián điệp bị trói trong nhà tù. Ánh mắt của người chiến sĩ cộng sản núp trong rừng cây nã đạn về phía họ. Một ánh mắt kiên định sáng lấp lánh. Một ánh mắt mang theo niềm tin và hy vọng về một chiến thắng mà ngày ấy ông không thể hiểu được. Cái tâm thế của kẻ mạnh không cho ông được một câu trả lời. Ngay cả khi ông xách ba lô lên rút quân về lại đất Mỹ, ông vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho nỗi ám ảnh ấy…”
(tr. 17).
Ông nào đâu có ngờ được rằng mỗi lần nghe như thế, những ký ức xưa ngái thời trẻ trai lại càng dội về nhiều hơn, xoáy sâu mãi vào tâm thức làm cho ông càng khó ngủ thêm. Vậy là “phát kiến vĩ đại” chữa bệnh cho bố bằng liệu pháp tâm lý của Thu xem ra bị phá sản hoàn toàn. Sau đấy Thu đã mời một bác sĩ tâm lý đến tư vấn và chữa trị cho bố, nhưng xem ra kết quả chẳng như cô mong muốn, mặc dù Thu cũng là một bác sĩ tâm lý trị liệu, nhưng cô lại không thể chữa được căn bệnh mất ngủ triền miên cho bố mình.
Quy luật ở đời vẫn thế. Cái gì đến, ắt đến. Sau những đêm dài mất ngủ triền miên như thế, mỗi khi người ta có thể chợp mắt lại để ngủ, bao giờ những cơn ác mộng cũng từ đâu sẽ ập tới, tấn công liên tục, khiến tâm trí người bệnh rối tung bành và sức lực ngày một cùng kiệt đi. “Kì thực ông biết bản thân mình lúc này không ổn lắm. Những cơn ác mộng tìm đến mỗi lúc một nhiều. Những suy nghĩ miên man xâm chiếm tâm trí ông. Có đôi lúc ông bắt đầu lo lắng về một điều gì đó không biết có phải là hiện thực hay không. Có rất nhiều điều ông không thể nói rõ. Cũng có rất nhiều thứ mà lúc tỉnh táo ông không nhớ rõ. Chỉ có thể để chúng tìm về trong những cơn mơ…” (tr.40). “Đó là một đêm đen. Không có trăng. Hoặc có thể có nhưng không rõ. Tôi ở một mình trong một khu rừng rậm. Tôi không chắc đó là đâu nhưng đó là một khu rừng với một thảm lá. Gió rít rất mạnh. Tôi lúc đó có lẽ là khoảng hơn hai mươi mấy tuổi, mặc quân phục. Tôi cầm một khẩu súng trên tay. Ánh đèn pin không đủ để chiếu sáng. Tôi nghe thấy trong tiếng gió có tiếng phụ nữ nói chuyện. Cô ta không nói tiếng Anh…” (tr.53). Thế nhưng có đôi lúc một vài làn điệu dân ca vang lên khiến ông cảm thấy thật quen thuộc như nó chính là của người phụ nữ ngồi dưới mái nhà tranh mà ông từng giơ súng lên chĩa vào đầu. Trước mắt bỗng lướt qua một hình ảnh mơ hồ như một thước phim quay chậm. Người phụ nữ ấy dù ngồi dưới họng súng vẫn không hề sợ hãi. Cô ta ôm trong tay đứa trẻ còn đỏ hỏn, ánh mắt dịu dàng mà nhìn ngắm nó. Đôi tay ôm lấy nó hơi đung đưa. Giọng hát nghẹn ngào nhưng vẫn mang đầy tình yêu thương ru đứa trẻ vào giấc ngủ…” (tr. 16- 17).
4.4 Cuối cùng Thu đã phải tìm đến giải pháp bố trí cho bố đi du lịch Việt Nam một chuyến. Thu đã liên hệ trước được với Lâm, một người bạn làm hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam. Thu nói rõ cho Lâm biết về tình trạng sức khỏe của bố mình và nhờ cậu ấy quan tâm để ý. Trước khi đi, Thu đã chuẩn bị tương đối đầy đủ những loại thuốc mà bố cần mang theo trong một chuyến đi dài ngày đến Việt Nam.
Theo lịch trình chuyến đi, Lâm đón Sam ở sân bay Nội Bài về nghỉ ở một homestay giữa trung tâm thành phố. Trước khi đến Việt Nam lần này sau hơn 30 năm bây giờ mới có dịp quay trở lại, Sam và Lâm đã gọi video cho nhau để làm quen. Lâm dẫn Sam đi thăm thú nhiều nơi ở Hà Nội và thưởng thức nhiều món ẩm thực của Hà thành cổ kính. Sam đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau một chặng bay dài và đi lại hoạt động nhiều, nên những ngày đầu đến Hà Nội, ông cũng dễ ngủ hơn vì không còn phải vật lộn với những đêm dài mất ngủ triền miên và những cơn ác mộng nữa.
Có một sự thú vị bất ngờ đã đến với Sam trong những ngày đầu của chuyến đi tại Hà Nội. Lâm đã bố trí và mời được Sam đến thăm chơi nhà mình. Lúc đầu Sam có chút phân vân nửa muốn đến, nửa không. Không là vì Sam có vẻ hơi sợ khi phải đối mặt với một người như bố Lâm, từng là kẻ thù của ông trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trước đây. Nhưng mặt khác Sam lại muốn chính kẻ thù của mình trước đây giải đáp cho mình những câu hỏi mà ông loay hoay mãi vẫn không tìm được câu trả lời thỏa đáng. “Sam có chút lưỡng lự. Ông nửa muốn đến nửa không muốn đến. Ông tự thấy thân phận của mình có chút khó nói. Cho dù ông Đức không để ý đến điều đó nhưng ông lại cảm thấy hơi khó khăn khi đối mặt với ông ấy. Mặt khác, ông lại muốn đến. Ông muốn nói chuyện với người lính ấy. Có rất nhiều câu hỏi mà chỉ có ông Đức mới có thể trả lời chính xác được (tr.193).
“Chiến tranh để lại những nỗi đau vô hình. Nó tàng hình ẩn náu trong tâm thức và tầng sâu suy nghĩ để một lúc phần lương thiện trỗi dậy nó lại tố cáo chính cái gì đã thuộc về quá vãng (tr.203).
“Đã có không biết bao nhiêu lính Việt Nam, phụ nữ và trẻ em Việt Nam chết dưới họng súng của ông. Cho dù đến tận bây giờ Sam vẫn không hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến tranh ấy đối với ông hay đối với nước Mỹ là gì. Thế nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, ông, với tư cách là một người lính Mỹ, đã từng đến đây và giết hại rất nhiều người dân vô tội (tr.204).
Vậy là một cuộc hội ngộ bất đắc dĩ giữa hai người lính từng ở hai bên chiến tuyến trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam thời kỳ trước năm 1975 đã diễn ra ngay tại nhà ông Đức, bố Lâm. Trước khi đưa Sam đến nhà, Lâm đã kể cho ông nghe về gia cảnh của mình. Bố Lâm và bác cả đều là những người lính tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ. Người bác đã bị tử trận, còn bố Lâm thì may còn sống sót trở về. Theo Lâm đấy cũng là một cách chuẩn bị tư tưởng và tâm lý cho Sam để tránh xảy ra những chuyện khó nói, khiến cuộc gặp mất vui.
Sự thú vị, bất ngờ đầu tiên đối với Sam là ngay khi vừa đến nhà gặp ông Đức, hai người lính già từng có thời ở hai bên chiến tuyến, mỗi người có một nghĩa vụ riêng đối với tổ quốc mình, mà ông Đức lại tay bắt, mừng cứ như gặp lại người đồng đội cũ. Đã thế, ông Đức không hề có bất cứ biểu hiện nào từ lời nói đến cử chỉ cho thấy sự đố kỵ với một người từng là kẻ thù của mình như Sam. Hơn thế ông còn đem đến cho Sam những hiểu biết về văn hóa Việt, những suy nghĩ và quan niệm về chiến tranh của người Việt Nam và tấm lòng vị tha trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lại của những người như ông Đức. Điều ấy đã khiến cho người cựu chiến binh Mỹ này hết sức bất ngờ, có lúc tưởng chừng như không thể hiểu nổi được. “Khi cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc, những người lính Mỹ như ông trở về đất nước của mình, mang theo những hạt mầm của nỗi sợ hãi và cô đơn, người Việt Nam lại có những trải nghiệm khó quên với thời kì đổi mới. Cũng đi qua một phần của cuộc chiến tranh, thế nhưng những người lính như bố của Lâm lại không hề bận lòng đến cuộc chiến ấy. Họ bắt đầu bước vào một giai đoạn khác của cuộc đời. Cho dù quyết sách của Nhà nước có lúc không hoàn toàn chính xác, nhưng họ vẫn có thể mang đến cho những đứa con của họ một cuộc sống đầy đủ trong cái gian khó mà những người Mỹ như ông không thể tưởng tượng được (tr.141-142).
Cuối cùng chính Sam đã rút ra một kết luận hết sức thú vị về con người Việt Nam. “Đặc sản mà chúng tôi phát hiện ra ở người Việt Nam lại chính là tình yêu thương. Đó là một phẩm chất trở thành đặc sản văn hoá rất lớn của người Việt cậu Lâm ạ. Đó mới chính là chiến thắng chứ không phải tâm thế thắng của kẻ mạnh” (tr.144).
Còn ông Đức, người cựu chiến binh Việt Nam, không chỉ chia sẻ những tâm sự, suy nghĩ hết sức phức tạp của Sam, mà còn đưa ra một tâm nguyện mang tầm vĩ mô trên tinh thần nhân văn sâu sắc dựa trên truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. “Sự can dự vì bất cứ lí do nào về cuộc chiến tranh thì đều có những bi kịch của bất hạnh ông Sam ạ. Thế nên làm sao cả thế giới chỉ có yêu thương sống trên đúng địa phận của mình không mở mang bờ cõi, không khởi thủy lòng tham làm lãnh chúa nhân loại thì sẽ có một hạnh nền hoà bình thực sự, và hạnh phúc đích thực sẽ tới. Đó có phải là thiên đường của an vui” (tr.153).
Dẫu là thế, ông Đức đường đường chính chính là một người lính giải phóng quân, cầm súng chiến đấu là để bảo vệ quê hương, đất nước, giải phóng dân tộc, cũng không phải không có những tâm tư, suy nghĩ và cả những nỗi đau riêng. “Ông bạn ạ, chẳng có ai là không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hết. Chỉ là cách chúng ta vượt qua nó không giống nhau mà thôi” (tr.243).
“Đó cũng là lần cuối cùng mà tôi gặp ông ấy. Cho dù từ lúc sinh ra tôi không được gặp ông ấy nhiều, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì những hình ảnh về ông ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí tôi” (tr.246)..
“Chiến tranh đã mang ông ấy rời xa chúng tôi mãi mãi. Nỗi đau mất đi người thân yêu này, tôi nghĩ ông cũng hiểu được. Thế nhưng với cuộc chiến này, chúng tôi chấp nhận điều đó” (tr.246). Và quan trọng hơn là để biết cách vượt qua nó.
“Bà ấy không chỉ một lần tiễn người thân ra trận, không chỉ một đêm lo lắng cho người thân ở chiến trường, không chỉ một ngày rơi nước mắt vì nhận tin tử trận. Thế nhưng bà ấy lại chưa từng từ bỏ, luôn là hậu phương vững chắc nhất cho chúng tôi ở tiền tuyến” (tr.248).
“Ông biết không? Ngày tôi trở về, bà ấy từ trong nhà chạy ào ra ngoài mà ôm lấy tôi khóc nức nở. Đó sẽ là cảnh tượng mà cả đời này tôi không thể quên được (tr.248).
“Kể cả sau này, khi hòa bình đã lập lại, có những đêm tôi thấy bà ấy ngồi bần thần nhìn vào tấm ảnh của cha tôi và em trai tôi. Những giọt nước mắt lặng thầm đó, là cái giá phải trả để có được ngày hôm nay” (tr.249).
Sau thời gian ở Hà Nội, Lâm đưa Sam vào thành phố Hồ Chí Minh, nơi chiến trường xưa mà ông từng tham chiến với bao ký ức xa ngái lại dội về. Sam tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt của thành phố này sau hơn ba mươi năm giờ ông mới có dịp trở lại. Rồi những ngày thả hồn theo miệt vườn sông nước Cửu Long đã đem đến cho Sam một tâm lý dễ chịu hơn. Những chuyến đi dài ngày như này khiến ông không còn đủ thời gian và tâm sức đâu nghĩ về căn bệnh PTSD của mình. Dù có mệt hơn đôi chút, nhưng ông không còn những đêm mất ngủ triền miên và những cơn ác mộng hoành hành mỗi khi ông chợp mắt.
Tuy nhiên, trong chuyến đi du ngoạn miệt vườn lần này, Sam lại gặp một rắc rối khác, ngoài ý muốn của ông. Sam luôn gặp một ánh nhìn không mấy thiện cảm của Diễm, cô gái hướng dẫn viên du lịch, bạn gái cũ của Lâm cùng dẫn đoàn đi. Cứ mỗi lần giáp mặt Diễm là mặc cảm tội lỗi trong ông lại trỗi dậy, xâm chiếm tâm trí Sam.
Trước những cái nhìn không mấy thiện cảm về người cựu chiến binh Mỹ của Diễm, khiến Sam vừa lúng túng, vừa ngượng ngùng, lại vừa có chút như e sợ. Ông không thể nào tìm được câu trả vì sao cô ta lại có thể nhìn mình bằng ánh mắt ấy.
Rất may là Lâm đã kịp giải thích cho ông hiểu như là một cách tìm lối thoát về tâm lý cho Sam.
Lâm đã kể lại những lần mình và Diễm trao đổi với nhau về chiến tranh và người lính ở cả hai phía cho Sam nghe. “Cô ấy từng hỏi tôi vì sao bố tôi có thể tha thứ cho những gì mà các ông đã làm. Rõ ràng ông ấy là một người lính. Ông ấy cũng từng chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống. Ông ấy cũng từng phải chịu những vết thương chiến tranh. Vì sao ông ấy lại có thể bao dung như vậy?” (tr.427).
“Cho dù đã qua rất nhiều năm, những thành kiến tiêu cực của cô vẫn không thể mất đi được. Cứ mỗi lần cô nghĩ đến việc mình có nên thử tha thứ hay không, cô lại nhớ đến người cô mỗi ngày phát điên vài lần của mình, nhớ đến người bác bị quân Mỹ ngụy tra tấn đến chết mà tận bây giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt đâu. Nghĩ tới người cha của mình cụt mất một chân. Tất cả những điều đó khiến cô không thể mở lòng mà tha thứ nổi…” (tr. 430- 431).
Diễm nói đúng. Cho dù nó đã qua rất lâu rồi thì người ta vẫn sẽ chẳng thể quên đi được, cũng chẳng thể bỏ qua được. Bởi ngày nay, chính vào lúc này, di chứng nặng nề của nó vẫn ngày ngày tra tấn, giày vò họ. Không chỉ là những người đã từng tham gia cuộc chiến tranh ấy, mà còn cả những thế hệ sau của họ nữa…” (tr.434).
III. Sức hút của đề tài chiến tranh và người lính từ một góc nhìn khác
III. 1. Hai nền văn chương Việt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đều chủ yếu viết về đề tài chiến tranh và người lính. Lẽ đương nhiên, hai nền văn chương ấy đã đạt được những thành tựu khả quan hay nói một cách khác là đã sắm “tròn vai” trong tiến trình lịch sử văn chương dân tộc kể từ khi nước ta ra đời, 1945. Những thành tựu ấy không có gì cần phải bàn cãi nữa. Nó không chỉ đã được giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu lý luận, văn học sử và đông đảo công chúng trong nước công nhận, mà cả bạn bè nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận qua việc trao một số giải thưởng và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Nhưng dường như tác phẩm của hai nền văn chương nói trên là chưa đủ để nói lên tầm vóc của người lính và chiến tranh trong hai cuộc kháng chiến ấy về khía cạnh nhân bản, xét cả ở chiều rộng và chiều sâu của tác phẩm. Bởi lẽ văn chương thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chủ yếu và phần lớn được những người trong cuộc hay cùng thời đại lịch sử viết ra. Các “Anh bộ đội Cụ Hồ”, các o thanh niên xung phong, các anh chị dân quân, du kích,… cầm bút viết văn, làm thơ lúc bấy giờ là một nhu cầu tự thân muốn nói lên tiếng lòng của mình về những điều mắt thấy, tai nghe đang diễn ra trong cuộc sống vừa chiến đấu chống giặc ngoại xâm, vừa tăng gia, sản xuất làm ra nhiều lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho đời sống con người. Hay nói một cách khác, hai nền văn chương ấy là công cụ đắc lực để tuyên truyền, cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong phong trào vừa chiến đấu, vừa sản xuất khi đất nước có ngoại xâm.
Họ viết về những cái đang xảy ra, có thể là nóng hôi hổi, vừa thổi vừa đọc. Họ đâu đã có đủ độ lùi thời gian cần thiết để suy tư, cân nhắc xem thế nào là đủ và đâu là những cái còn thiếu khi viết về chiến tranh và người lính. Những sự kiện của đời sống xã hội, những con số thống kê về các trận đánh, chiến dịch quân ta thắng, quân địch thua. Ta tiêu diệt được bao nhiêu tên địch, bắt được bao nhiêu tù binh, thu hồi hoặc phá huỷ được bao nhiêu vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, giải phóng được bao nhiêu làng bản, xã huyện… Có thể nói thể ký báo chí và ký văn chương ở hai thời kỳ này khá phát triển. Một số tác phẩm đã đoạt các giải thưởng lớn trong nước của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và cả giải thưởng quốc tế nữa, vì chúng đã góp phần đáng kể vào việc minh họa, thuyết minh cho phong trào toàn dân vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc, giải phóng dân tộc vừa hăng hái lao động sản xuất theo tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” theo đường lối văn nghệ của Đảng, pháp luật của nhà nước. Cuộc sống thực tế vừa chiến đấu, vừa sản xuất thời kỳ này là nguồn cội chất liệu, là mảnh đất truyền cảm hứng cho mọi sáng tác văn chương, nghệ thuật.
Sau giải phóng miền Nam được 4 năm, 1975- 1979, nhà nghiên cứu, lý luận, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến với tác phẩm “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (1979) đã chỉ ra đặc tính “phải đạo” của nền văn chương nước nhà trong một thời gian khá dài, khoảng 30 năm, từ 1945-1975, tức là một nền văn chương minh họa, hùa theo chính trị. Sau đấy một thời gian, nhà văn Nguyễn Minh Châu với tác phẩm “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, (1987) đã nói rõ, nhấn mạnh thêm đặc tính ấy một lần nữa. Và hai ông được xem như là hai người “khai tử” cho nền văn chương minh họa về mặt lý thuyết. Còn trong thực tế, tình trạng này đây đó vẫn còn diễn ra cho đến tận hôm nay.
III. 2. Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được của hai nền văn chương ấy là một thực tế nhãn tiền không thể nào phủ nhận được. Nhưng như thế không có nghĩa là văn chương đã giải quyết xong đề tài chiến tranh và người lính, nên cũng vì thế nó không còn súc cuốn hút đối với các thế hệ sinh ra thời hậu chiến, từ sau 1975. Những vấn đề hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh, căn bệnh PTSD, mặc cảm tội lỗi, mặc cảm tàn phế, mặc cảm tiếc thương, mặc cảm hẫng hụt… của những người lính từng tham chiến từ cả hai phía và người thân của họ dường như vẫn còn đấy chưa được khai thác là bao, nếu như không muốn nói là quá ít.
Vẫn biết có một số tác phẩm trước đây như: “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan, “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, “Vòng trắng” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp… đã ít nhiều đề cập đến vấn đề sang chấn tâm lý sau chiến tranh của người lính và những người gián tiếp đã can dự vào hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng như thế xem ra vẫn là chỉ là muối bỏ bể, nếu không muốn nói là quá ít so với tầm vóc của hai cuộc chiến tranh và những người từng can dự vào nó.
Những người lính và người có liên quan đến hai cuộc chiến ấy được đề cập đến trong các tác phẩm của hai thời kỳ văn chương nói trên, tất cả đều là “quân ta”, tức là những người cùng đứng trên một chiến tuyến chống lại kẻ thù xâm lược. Tất nhiên là đâu đó có đề cập đến người bên kia chiến tuyến, tức là kẻ thù xâm lược đất nước ta như: lính Pháp, lính Mỹ, và đội quân lính đánh thuê đến từ các nước như: South Korea, Thailand, Australia, New Zealand, Philippines… nhưng chỉ mang tính chất tố cáo tội ác tầy trời mà họ đã gieo rắc lên đất nước Việt Nam và những người dân lành vô tội. Theo tôi biết, hầu như chưa có nhà văn hay tác phẩm nào đề cập một cách trực diện, cụ thể và toàn diện đến đời sống tâm lý cá nhân của những người lính từ cả hai bên chiến tuyến thời kỳ sau chiến tranh. Trong khi đó, thực tế diễn ra sau chiến tranh lại có vẻ như khác xa, nếu không muốn nói là ngược lại những gì mà đại bộ phận chúng ta nghĩ về những người từng can dự vào cuộc chiến ở cả hai bên chiến tuyến, cách đây ba phần tư thế kỷ.
“Nếu nói chiến tranh Việt Nam vẫn là một vết sẹo trong lòng ông, vậy thì với Thu cũng chẳng khác gì. Cô có thể mạnh mẽ, có thể kiên định khi đối diện với người ngoài. Nhưng khi đối diện với vết thương trong lòng mình, chẳng ai có thể kiên cường nổi…” (tr.28)
“Có một thứ gì đó như muốn phá kén xông ra. Tựa như két sắt vốn tưởng đã khóa kĩ thì lúc này lại đang muốn bật tung ra, đem những bí mật kia phơi bày ra ánh sáng. Quá khứ dường như đang trỗi dậy và tố cáo chính ông, giày vò tâm can ông. Trên trán ông lấm tấm những giọt mồ hôi. Đôi môi hơi khô nứt run rẩy va vào nhau…” (tr.38)
Còn đây là những suy nghĩ của hai người lính già từ hai bên chiến tuyến trong một cuộc hội ngộ tại nhà ông Đức, khi người cựu chiến binh Mỹ có dịp quay trở lại thăm Việt Nam một cách bất đắc dĩ. Ông Đức nói với Sam: “Là một người lính, việc cầm súng ra chiến trường, tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên và quyết định của đất nước đó là điều hiển nhiên, là nghĩa vụ mà ông phải chấp hành. Nhưng ông lại thấy hối hận, lại thấy tội lỗi vì nó. Đối với chúng tôi, hoặc cá nhân tôi, cảm xúc ấy của ông thật sự đáng quý lắm…” (tr. 204- 205).
Những tâm tư, suy nghĩ như thế này, tôi chưa hề bắt gặp ở một tác phẩm văn chương nào, dù là ở thể loại gì viết về chiến tranh và người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây. Dường như các nhà văn thế hệ trước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có sẵn một quan niệm rằng “người lính” chỉ có thể là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Bắc và quân Giải phóng ở miền Nam, chứ không phải là “người lính” của cả hai bên chiến tuyến. Thế nên đã là kẻ thù chỉ có độc ác, xấu xa và tàn bạo. Biết đâu họ cũng chỉ là những “người lính” bất đắc dĩ, là nạn nhân của hai cuộc chiến tranh ấy.
Dường như văn chương Việt Nam hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ chưa có điều kiện và chưa đủ tầm độ để phân biệt đâu là kẻ đi xâm lược, đâu là những người dân Pháp và dân Mỹ và dân một số nước khác bị chính quyền đương nhiệm đẩy họ vào những cuộc chiến tranh xâm lược phi lý và vô nghĩa ấy.
Sam, vừa với tư cách người lính tham chiến ở miền Nam Việt Nam, vừa với tư cách là bố nuôi của Thu, một nạn nhân người Việt trong cuộc chiến tranh ấy, đã từng tâm sự với con gái: “Trong cuộc chiến tranh ấy, người Việt và người Mỹ đều ngã xuống không biết bao nhiêu. Nhưng thứ họ giành được là độc lập tự do, là cuộc sống mà họ hằng mơ ước. Mà lính Mỹ như bố, không chỉ mất đi đồng đội, mất đi cơ hội ở bên người thân yêu, mà còn đánh mất ý nghĩa của nhiệt huyết tuổi trẻ. Những thứ bố có thể mang về sau khi kết thúc chiến tranh chỉ là những nỗi sợ hãi, những ám ảnh về cuộc chiến này. Đôi khi còn có cả những hối hận, những nuối tiếc về nhiều điều nữa con gái ạ…” (tr.272). “Ông ấy (tức ông Đức- Đ.N.Y) nói cho bố biết về ý nghĩa của cuộc chiến tranh này với người Việt Nam, với đất nước Việt Nam. Sau đó bố đã suy nghĩ một chút về chính mình. Dường như ngoại trừ thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một người lính thì cuộc chiến này chẳng có ý nghĩa chính đáng nào với bố cả…” (tr.271).
III. 3. Việc lựa chọn đề tài về chiến tranh và người lính với chủ đề hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh và căn bệnh PTSD của nhà văn Thương Hà là khá hợp lý và khôn ngoan. Bởi lẽ chủ đề này còn rất ít người quan tâm, đặc biệt là về những người lính bên kia chiến tuyến. Có thể nói đây là mảnh đất hầu như còn bỏ hoang. Chiến tranh được coi là một trong ba hiện tượng bất bình thường nhất có thể dẫn đến thảm họa xã hội và nhân đạo trong diễn trình lịch sử nhân loại. Viết về những tảng băng nổi như những thước phim phóng sự tua nhanh đáp ứng như cầu thông tin và tuyên truyền ngay khi cuộc chiến đang xảy ra, mang tính chất báo chí nhiều hơn là văn chương. Nhiệm vụ tác chiến ấy thì những người trong cuộc tay súng, tay bút, hoặc những người cùng thời đã cày đi xới lại nhiều lần và có tới hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu tác phẩm báo chí, văn chương và nghệ thuật, đủ mọi thể loại đã ra đời từ 1945 đến nay.
Có thể nói “Những người PTSD” của Thương Hà là một tác phẩm văn chương đa thể loại hay ít nhất cũng là hai thể loại gồm ký văn chương và tiểu thuyết. Thể loại ký ở đây chính là thể thức hồi ức. Tức là nhân vật chính hay người kể chuyện không còn can dự trực tiếp vào các hiện tượng, sự việc, câu chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ mà họ là người đã từng tham gia, trải nghiệm cá nhân, chứng nghiệm nó hoặc nghe người khác kể lại. Nhưng dứt khoát các hiện tượng, sự việc, câu chuyện đã từng xảy ấy luôn ám ảnh tâm trí, khiến anh ta không thể nào ăn ngon, ngủ yên trong thực tại được. Để rồi đến một lúc nào đấy, dù muốn hay không, anh ta mang trong mình căn bệnh PTSD lúc nào mà không hay biết. Quãng đời còn lại người lính, kể từ khi bị nhiễm căn bệnh PTSD là một cuộc chiến vừa dai dẳng, vừa quyết liệt, có khi còn hơn cả cuộc chiến mà anh ta từng can dự nơi trận mạc trước đây.
Suốt hơn 500 trang của cuốn tiểu thuyết phần lớn là những hồi ức khủng khiếp, ghê sợ về những việc Sam và đồng đội của ông ta đã làm trên chiến trường miền Nam Việt Nam cách nay đã hơn một phần ba thế kỷ. “Chính ông cũng không biết ý nghĩa của nó (cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam- Đ.N.Y) là gì. Là một người lính, khi đất nước yêu cầu, ông phải cầm súng lên và chiến đấu. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của ông. Thế nhưng tham gia cuộc chiến này, tàn sát những người dân vô tội, chiếm cứ mảnh đất của những người dân tay không tấc sắt, ông cũng không biết nó có ý nghĩa gì với ông, với đất nước ông. Thật kì lạ khi người Việt Nam nói rằng họ chiến đấu hay thậm chí chết đi cũng đều có ý nghĩa với quê hương và đồng bào họ” (tr.75).
Đi bắn giết những người dân thường vô tội cũng đồng nghĩa với việc mình là người có tội. Đấy chính là nguyên nhân sâu xa tạo lập nên “mặc cảm tội lỗi” ở Sam. Từ đấy dẫn đến hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh và kết cục cuối cùng là căn bệnh PTSD quái ác như hiện nay mà người lính già Sam đang phải gánh chịu. Chính Sam đã từng thú nhận: “Người ta tự hỏi vì sao sau cuộc chiến tranh ấy, lính Mỹ lại bị PTSD nhiều hơn lính Việt Nam. Rõ ràng người Việt chết nhiều. Không chỉ là người lính, thậm chí những người phụ nữ, người già, trẻ con cũng bởi chiến tranh mà chết. Người lính trở về sau chiến tranh có khi mất hết cả cha mẹ, vợ con và đồng đội. Thế nhưng vì sao người ta lại ít bị PTSD hơn lính Mỹ?
Có một số giả thuyết đưa ra rằng do ảnh hưởng văn hóa. Cái văn hóa cộng đồng ở Việt Nam giúp họ ít bị ảnh hưởng sang chấn tâm lí hơn. Cho dù có người mất người thân, nhưng họ trở về vẫn còn xóm giềng, bạn bè cùng người thân gần xa. Họ được nhiều người chia sẻ cảm xúc cũng như cùng trải qua những tháng ngày khó khăn sau chiến tranh. Thứ tình cảm cộng đồng này giúp họ vượt qua được sang chấn…” (tr.122).
1. Vĩ thanh
Có thể nói trong vài chục năm trở lại đây, nhất là từ khi đất nước ta mở cửa nền kinh tế hướng ra và hòa nhập vào khu vực và quốc tế, đời sống văn chương Việt đương đại đã thực sự có nhiều khởi sắc, phong phú về đề tài, chủ đề, giọng điệu, bút pháp, ngôn ngữ biểu hiện. Thế hệ các cây bút 7X, 8X, 9X, thậm chí là cả 10X nữa đã ý thức rất rõ về sứ mệnh của mình đối với diễn trình lịch sử của văn chương nước nhà. Họ háo hức trong việc chiếm lĩnh trận địa, làm chủ cuộc chơi bằng sự tìm tòi, thể nghiệm, bằng nhiệt huyết và những tri thức công nghệ mới. So với các thế hệ trước đây, giới trẻ bây giờ không chỉ giỏi giang, tài năng, mà còn biết mình là ai và đang sống ở thời đại nào.
Tiểu thuyết “Người PTSD” của Thương Hà là một minh chứng cho điều tôi vừa nói trên. Nhà văn đã khai thác khá thành công chủ đề “Hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh” và những người mắc phải căn bệnh “Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương- PTSD” nằm trong một đề tài rộng lớn hơn là “Chiến tranh và người lính”. Sự khác biệt của Thương Hà ở đây về cốt truyện và nhân vật chính “người lính” lại là người từng ở bên kia chiến tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, mà trước đây chúng ta thường gọi là kẻ thù, chứ không phải là những anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức không nhỏ đối với Thương Hà khi dám xông vào một mảnh đất chưa có mấy ai khai thác. Nhưng điều đáng mừng là Thương Hà đã vượt qua thử thách một cách ngoạn mục để cho ra đời một tiểu thuyết rất đáng để đọc, trong thực cảnh đời sống văn chương nước nhà còn nhiều bất cập, các mảng màu sáng tối đan xen, cạnh tranh nhau một cách khốc liệt.
Có thể nói đây là một thành công rất đáng ghi nhận của nữ nhà văn 8X Thương Hà. Chúc chị dồi dào nội lực trên con đường mà mình đã chọn để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của công chúng.
9/2/2022
Đỗ Ngọc Yên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...