Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Thơ Vũ Trọng Quang: Khoảng cách và liên tục "Điên rất đều"

Thơ Vũ Trọng Quang: Khoảng cách
và liên tục "Điên rất đều"

Cũng không hiểu vì sao tôi lại chọn nhan đề cho bài viết này như trên, biết đâu chừng khi lạc vào thế giới thơ này của Vũ Trọng Quang (VTQ) tôi cũng trở nên điên đột xuất, điên có kỳ hạn rồi chăng? Chỉ biết nhãn tiền là chưa một lần nào tôi mất đến cả năm với gần chục lần để đọc một tập thơ-kể cả thơ Bùi Giáng-với một não trạng lúc vầy lúc khác, để có thể giải mã được dăm điều gì đó trong cuốn thơ này.Và giải mã ở đây khá vất vả vì lẽ giữa tác giả và người đọc là tôi có một khỏang cách khá xa, nay thì mới thấy đó vừa là khỏang cách vừa là sự liên tục chẳng khác chi cuộc sống, giòng thời gian ngày-đêm chẳng là vừa đứt quãng vừa liên tục hay sao. Hôm qua-hôm nay &hôm sau chính là như vậy thôi, phải cách nhau ra để mà liên tục; muốn liên tục phải cách nhau ra. Còn não trạng khi đọc thơ VTQ  cần là “điên…rất đều”-chữ của một nhà văn nữ được chỉnh sửa cho phù hợp khi bước vào thế giới thơ ngổn ngang của VTQ.
“Giấc mơ hoa” là cách nói cổ điển của một tình yêu, thường thì nó êm đềm ,mơ màng nhưng đó là mơ hoa của hôm qua, còn hôm nay và  ở đây giấc mơ bị quậy tưng lên bằng ngôn ngữ cần giải mã, kể cả cách thể hiện những chữ ấy trên giấy cũng trở thành một ký hiệu như bao nhiêu ký hiêu tràn ngập trong nửa sau của tập thơ (HÔM QUA HÔM NAY VÀ HÔM SAU - thơ VTQ NXB Đà Nẵng 2006) mà theo cách nghĩ của tôi,nó là thơ như bao nhiêu thơ khác nhưng được mã hóa ,số hóa với cả @,khỏang cách và những ký hiệu… Anh hoa của trung niên thi sĩ có được mời về cũng đành chỉ nghe mà chào thua vì cái thời của tiên sinh ,thơ chưa có một lối đi mới nào kiểu như ở chốn này. Trở về với bài “Giấc mơ hoa” (tr 127) mà tôi rất thích sự nhảy múa của ngôn ngữ, sẽ gặp
“qua gặp lại hoa trên thảo nguyên cỏ mượt mọc tới chân
trời
nghiêng mình bẻ cong bẻ dòng vắt dòng vắt giò
lên cổ…
nghe lục cục lòn hòn như thế và đấy chỉ là một khỏang cách cho sự đáo để “điên… rất đều”:
tay qua mân mê tham tới rốn
tay hoa tay đẩy tay đây
đừng anh đừng anh đừng anh đừng anh anh”
chỉ tham tới rốn là “điên…rất đều” và không làm tan giấc mơ hoa vì tình yêu trong ngần chỉ bị đứt một khỏang cách nhỏ giữa  “thiện và ác”.
Tại các trang 131,132,133 có các bài “eros”, “ký hiệu liên tưởng” đọc rất khóai mà tôi đóan là nó rất thơ, rất đa tình, khóai nhưng trích dẫn ra đây thì vì không biết nhiều vi tính đành…mù tịt. Bài thơ là những mũi tên sắp thành hình tháp, cái đáy khá rộng, rồi đảo thành tháp ngược thu hẹp lại chỉ còn một mũi cắm phập vào trái tim ai đó - một người bị trọng thương ,là tác giả hay một người khác phái nào thì vẫn không khác, ở điểm là có một bi kịch mang tính thân phận con người trong tình yêu. Nhiều người làm thơ diễn tả bằng  hệ thống ngôn ngữ, ở đây thì bằng những mũi tên xếp thành hình tháp lúc xuôi, lúc bị lật ngược gây cảm giác đau đớn mà những ai một lần yêu có thể trải nghiệm với bài thơ đầy ẩn dụ này. Và đấy chính là ngôn ngữ trong hệ thống VTQ..
Thường thì tôi không có thói quen “bình” thơ người khác vì hình như đó ít nhiều đều có chút không khiêm tốn và nhất là “bút phán quan” rất chán, cho nên chỉ đọc và ngấm ngầm giải mã (không phải bao giờ cũng thành công) cấu trúc ngôn ngữ, hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc ,bao nhiêu là thứ thụ hưởng cho hết thật khó lòng. Cũng không cần gì phải nói VTQ thể nghiệm một cái gì trong thơ, nhà thơ chỉ nói bằng hệ thống của riêng anh, không trình làng một “mô hình” nào cả, nó giống như mỗi người có một dấu vân tay của riêng người đó. Một hoang phế nửa chùng theo thời gian, trong khi những người khác tìm cách phục chế phần vật chất của “Mỹ Sơn” (tr.94) thì VTQ kết nối được cái xưa và nay
“Con chim gì đó ơi
thả rơi tiếng hót lạ
có phải gọi bầy nhau từ kiếp trước
Kiếp trước lịch sử lớp lớp sóng
thành quách phủ rêu ngòai vùng phủ sóng
dưới phố em phủ váy thời trang gần tới Yoni gây sóng
Nào có thể phục chế những linh hồn
đang mở mắt
Thật kinh hãi khi đọc hai câu cuối nếu có quan tâm một chút đến lịch sử, quá khứ được thông quan qua cửa hệ thống của nhà thơ, không phải sự hòai cổ bình thường bởi quá khứ còn “đang mở mắt” giả như ngủ ra đó. Ở một nơi khác, ”Phản đề” (tr,80);
chiều phố rượu
con mèo con chó con chuột  là những cặp đối nghịch nhau nhưng thiếu chúng liệu còn sự bình thường đến yên ổn của cuộc sống? Và, ai dám bảo chim rừng tự do hơn chúng? Hoang dã là phản đề của chính nó.
tự do hơn chim rừng
hoang mai hướng dương vạn thọ
tự do hơn hoa rừng
Nếu chỉ nhìn vào ngôn ngữ ký hiệu hóa thì có thể lớn tiếng rằng VTQ đang thể nghiệm một cái gì đó, nhưng theo tôi, không có một sự thể nghiệm nào cả, chỉ là một nhà thơ với hệ thông của riêng mình và…làm thơ cho người đọc, khi thì “đọc” lúc cần giải mã. Thế thôi! Thói quen “vạch một chân trời” không cần trong một thời đại có rất nhiều chân trời như hiện nay.
9/9/2008
Cao Thoại Châu
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Võ Tòng ở Cảnh Dương

  Võ Tòng ở  Cảnh Dương Đây là vào khoảng Hốt tất Liệt đại đế đang nắm chính quyền nhà đại Nguyên. Trên toàn đất Trung Thổ. Đoàn hát Hồ Quản...