Đặc trưng thế giới
nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn
Từ những tìm tòi mang tính truyền thống, Mai Văn Phấn
bước thẳng sang khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa và cả hậu hiện đại chủ nghĩa,
nhưng dường như vẫn chưa dừng lại trong những say sưa kiếm tìm, lật trở. Thế giới
nghệ thuật thơ ông là một cấu trúc phức tạp, đa diện, liên tục biến đổi. Nó gây
ấn tượng bởi sự nhất quán trong quan niệm sáng tạo, tính toàn khối và khả năng
“bắt sóng” với nhiều chiều không gian thơ khác nhau…
1. Tôi muốn bắt đầu về Mai Văn Phấn bằng một hình ảnh trong
chính thơ ông: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào
biển động (Ngậm em trong miệng)…Ở đây, điều tôi muốn nhấn mạnh không phải vẻ đẹp
siêu thực của hình ảnh con – cá – thơ, dù đấy là kiểu tạo hình rất ấn
tượng, mà là cái hành động quyết liệt “rời bỏ bầy đàn” của nó. Thực chất đấy là
một tuyên ngôn về hành vi sáng tạo, nơi đòi hỏi tính cá nhân luôn phải được đẩy
lên thành phẩm chất hàng đầu. Viết, do đó, chính là hành động rời bỏ đám
đông, đồng thời cũng là hành động rời bỏ chính mình. Đó là một quá
trình liên tục “vong thân” với những bước ngoặt trong quan niệm, tư tưởng nhằm
hướng đến bản chất thơ. Với quan niệm “sáng tạo đồng nghĩa với việc khai sinh một
thế giới riêng biệt”, hành trình phủ định/ tự phủ định ấy ở Mai Văn
Phấn diễn ra liên tục và ráo riết, vừa như một vẫy gọi, vừa như một thách đố.
Điều này đương nhiên đem lại cho tác phẩm những bất lợi mà rõ ràng nhất là khó
(thậm chí là không) tạo nên sự “đồng cảm, đồng điệu” của đám đông người đọc, vẫn
là một trong những tiêu chí đánh giá phổ biến về thơ hiện nay. Nhưng bù lại,
nói như một nhà phê bình, tác giả có được sự cô đơn cần thiết để tự tin và tự
do kiến tạo thế giới tinh thần riêng của mình. Do đó, đọc thơ Mai Văn Phấn là
“đọc” một thế giới nghệ thuật khá đặc thù, được kiến tạo theo những
nguyên tắc và phương tiện thể hiện không quen thuộc, gay gắt đòi hỏi người đọc
một ý thức, một quan niệm tiếp cận mới.
2. Trước hết, hãy thửquan sát các chặng đường thơ Mai Văn Phấn
theo sự vận động lịch sử của nó. Bằng cách này, ta sẽ thấy thơ ông là một sự
chuyển động liên tục với những tìm tòi thi pháp đa dạng. Một khi quan niệm sáng
tạo là nhằm hướng đến “sự khác hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được
định giá”, tác giả không ngại tìm kiếm và dung nạp những cách nghĩ, cách viết mới,
hiện đại, tạo nên sự giãn nở liên tục và khá rộng rãi trong biên độ sáng tạo.
Trên thực tế, hoàn toàn có thể chia sáng tác của tác giả này
thành nhiều chặng, như chính ông đã thực hiện trong tuyển thơ của mình, bởi những
khác biệt tương đối rõ về mặt thi pháp. Trong các sáng tác trước 1995, quả thực
Mai Văn Phấn đã có ý thức khác đi – so với chính ông và với người khác. Tính
truyền cảm của thơ được xây dựng chủ yếu trên cơ sở lạ hóa các ẩn dụ, đem lại
mĩ cảm khá mới mẻ so với thời điểm của chúng, chẳng hạn: Tàn mùa chiếc lá
lia qua/ Cho cô đơn ấy xẻ ra mấy phần… Không ít bài thơ giai đoạn này đạt
đến vẻ đẹp chuẩn mực cổ điển, chẳng hạn Thuốc đắng, Mười nén nhang ở ngã
ba Đồng Lộc, Em gái đi lấy chồng…, Song, nhìn chung những nỗ lực tìm
tòi của ông vẫn chưa đi xa hơn hệ hình thi pháp truyền thống.
Từ 1995 đến 2000, thơ Mai Văn Phấn cách tân thi pháp mạnh mẽ
(dù trong một số tác phẩm, vẫn thấy khá rõ tính chất “giao thời”, chẳng hạn trường
ca Người cùng thời). Khát khao nhận thức hiện thực ở “bề sâu, bề sau, bề
xa” buộc ông phải đổi mới cách nhìn, cách lí giải về hiện thực. Mang đậm dấu ấn
hiện đại chủ nghĩa, thơ Mai Văn Phấn giờ đây có khi chỉ là những “Dàn ý” hay “Bài
tập mùa xuân”, hoặc những ý tưởng bất chợt “đến trong ý nghĩ”. Những câu chữ bề
bộn, chảy tràn trang, phá vỡ ranh giới thơ và văn xuôi, không hề có dấu câu,
miên man như “những ý nghĩa không sắp đặt”, “không quán tính”, “đảo lộn mọi quy
ước phổ thông”. Trong những tổ chức ngôn từ chừng như phi logic, nhà thơ đang đến
gần hơn với tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh.
Trong những sáng tác từ sau 2000 đến nay, thi pháp thơ Mai
Văn Phấn, “cập nhật” những khuynh hướng sáng tạo mới mẻ của thế giới, tiếp tục
biến đổi sâu sắc. Thay cho cái nhìn mang tính “nhất phiến” trước đây là một cái
nhìn “phân mảnh” đầy hoang mang và bất an, “sản phẩm” của một thời đại cũng đầy
bất an và biến động. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Không thể tin, Quay
theo mái nhà, Anh tôi, Đúng vậy, Chỉ là giấc mơ, Còn cậu hãy đứng đằng kia… phản
chiếu một cái nhìn nghịch dị, hài hước, không kém phần tỉnh táo về một thế giới
bị xô lệch, con người bị biến dạng, trở nên méo mó, không khác gì những sản phẩm
“chế tác từ đồ phế thải”. Những thủ pháp viết theo lối hậu hiện đại được áp dụng
khá hiệu quả, dù một số tác phẩm vẫn còn dáng dấp thử nghiệm.
Song, bên cạnh việc tích cực dung nạp những bút pháp, kĩ thuật
viết mới, phức tạp, càng ngày nhà thơ càng ý thức hướng đến một lối viết “tự
nhiên/ như đi trên đất”, giản dị, “thuần Việt”, vượt lên sự gò ép của áp lực lí
thuyết và kĩ thuật. Trong những sáng tác như Những bông hoa mùa thu, Cửa mẫu,
Hình đám cỏ…, và gần đây nhất là tập Vừa sinh ra ở đó, cho thấy khá rõ tư
tưởng thẩm mĩ đó.
Có thể thấy thơ Mai Văn Phấn là một hành trình liên tục cách
tân, tìm tòi. Vượt lên những hạn chế nhất định, mỗi giai đoạn sáng tác của ông
đều ghi dấu bằng những tác phẩm đáng chú ý. Ý thức học hỏi nghiêm túc hướng về
những nền thơ lớn trên thế giới, đặc biệt là thơ Âu – Mỹ hiện đại, cộng với
“tham vọng” hướng tới xây dựng một tiếng thơ Việt “thuần khiết” là động lực
thúc đẩy ông không ngừng hăng hái tìm kiếm và thử nghiệm. Dĩ nhiên, song song với
việc tiếp thu có chọn lọc là ý thức xây dựng một thẩm mĩ quan cá nhân độc lập.
Bởi vậy, thế giới thơ ông dù biến đổi hết sức đa dạng song vẫn rất nhất quán ở
tinh thần vận động hướng về cái mới, không hoàn tất, khép kín mà ngược lại, sẵn
sàng “mời gọi” những diễn dịch đa chiều.
3. Bên cạnh tính động và mở, thế giới thơ Mai
Văn Phấn còn bị/ được chi phối bởi một nhãn quan nhân sinh – thẩm mĩ khá đặc biệt.
Trong một tư duy mang tính phổ quát, ông muốn tái hiện thế giới trong những quy
luật sinh hóa vĩnh cửu, trong sức mạnh bất tận và vẻ đẹp bí ẩn khôn cùng của sự
sống, trong sự gắn kết dục tính sôi nổi và lạ lùng của vạn vật. “Nhãn quan phồn
sinh” này đã biến thơ Mai Văn Phấn thành một thế giới tràn đầy nhục cảm, tình
yêu và năng lượng nẩy nở.
Hãy chú ý những hình tượng như mùa màng, đất đai, cánh đồng,
sự gieo trồng, sinh nở… – chúng có một sức hút lạ thường với nhà thơ, cho dù
ông hoàn toàn không phải kiểu tác giả “chân quê” thường thấy. Không đơn thuần
là biểu trưng của nền văn minh lúa nước hay những giá trị văn hóa cổ truyền, với
Mai Văn Phấn, chúng tượng trưng cho sự sống phồn thực, bất tận, vĩnh hằng của
thế giới. Cho nên cái khát khao “nhân danh đất đai” đã biến thơ ông thành một “bài
hát mùa màng” bất tận. Ở đó, đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/
dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời/ Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục/ Sấm nổ
vang trong lòng tay mầm hạt/ Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất… Ở đó,
hình ảnh hạt giống, mầm cây và hành động ươm mầm, gieo trồng, nảy
nở… trở thành những tượng trưng nổi bật: Gieo mình xuống phù sa/ bàng
hoàng nghe tách vỏ/ Ủ chân thật vào giữa/ Chờ mùa xuân nảy mầm; Nhắm mắt ngọn đồi
gió/ Hạt giống rơi trong bùn ngấu thảnh thơi; Vờn trên đất/ Chớp sáng nứt vỏ/
Mùa xuân trào miệng hạt v.v. Từ góc nhìn này, đời sống thế nhân cũng được
hình dung như một cánh đồng phồn sinh màu mỡ, tươi tốt. Thậm chí những tin nhắn
điện tử cũng được hình dung như những “vụ mùa bội thu” nối kết tâm hồn người,
làm nảy nở sự giao hòa, giao cảm “trong veo, ấm áp”. Và giọng nói của
“em” qua điện thoại, một phương tiện thông tin hiện đại, “rất trong và nhẹ”
có thể “mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang
gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ” (Nghe em qua
điện thoại)…
Trong cảm hứng về mùa màng và sự sinh nở, hình ảnh Em được tô
đậm như hiện thân của đất đai, mùa màng, sự tươi tốt: Em chợt hiện/
Từ hương thơm trái chín/ Trong dập dờn bãi ngô mùa thụ phấn/ Lá giật mình/ Cá lặn
xuống chân/ Hút mãi về em/ Từng hơi thở đất/ Anh hạn hán/ Cơn mưa chiều tất bật
(Nỗi nhớ mùa thu)... Với Mai Văn Phấn, Em vừa là người vợ, người mẹ, vừa là người
bạn tình. Và Em cũng là hóa thân của Mẫu, người mẹ thiên nhiên cao cả, vô lượng: Mẫu
nâng niu con ánh trăng/ Tiếng chuyền cành, tiếng hú/ Da thịt con yêu trải sâu
đêm tối/ Dựng tầng mây mưa nguồn… Từng chồi chân tay bé xíu/ Bật nhẹ trong cơ
thể Người/ Con tỉnh giấc (Cửa Mẫu)… Một điều đáng lưu ý là, dẫu mang đậm
tính “tụng ca”, cái nhìn về giới nữ ở đây vẫn khá… tỉnh táo. Thậm chí đôi khi
mang sắc thái hài hước (điều hơi hiếm gặp trong thơ lãng mạn chủ nghĩa), chẳng
hạn: Anh là con sam bơi quanh bàn ăn xếp đầy thực phẩm. Theo nghi lễ loài
sam, trước khi ăn anh luôn đưa thức ăn lên cao. Luôn nhớ em trên lưng, con sam
cái khổng lồ bao trùm mặt đất…Có lúc quên lời em dặn. Nhưng đã thành bản năng,
anh lại bơi đi và đưa thức ăn lên cao (Những bông hoa mùa thu)… Nhãn quan
thẩm mĩ này khiến cho hình ảnh người nữ của ông thoát ra khỏi những mô hình
khuôn sáo, trở nên hiện đại, mới mẻ và… thú vị.
Nhìn thế giới qua lăng kính phồn sinh, tất yếu tình yêu của
con người, của vạn vật trở thành một biểu tượng đẹp nhất, mãnh liệt nhất. Quan
niệm này cũng khá gần gũi với Xuân Diệu, người được mệnh danh là “ông hoàng thơ
tình” trong thơ Việt hiện đại. Tuy nhiên, sự nồng nàn nhục cảm của Xuân Diệu chủ
yếu bộc lộ trong những hành động thụ hưởng trực tiếp, cụ thể như ôm, riết,
thâu, say… Và tình yêu Xuân Diệu, dù say đắm bao nhiêu, chủ yếu là trong mơ mộng,
tưởng tượng, hoặc nói cách khác, chủ yếu là… “mời yêu”. Thơ Mai Văn Phấn cũng đậm
màu sắc nhục cảm, thậm chí hơn thế, là tính dục. Nhưng dục tính nồng nàn trong
thơ ông đã được đẩy tới những hình ảnh mang tính tượng trưng phổ quát: Cuộn
chảy/ trong tiếng gào những dải phù du/ đáy sông quặn thắt chưa hết sáng/ Hoàng
hôn ngậm chặt ánh ngày/ lửa co giật / sục sôi mầm nụ/ đỉnh cây ngùn ngụt bốc
cao (Đất mở); Ngựa thở dốc/ bời ngợp cảm giác cỏ/ chùm lưỡi dìu nhau đứt cuống/
xuyên qua tim lăn vào đât tơi/ nở những bàn tay sau lưng tươi tốt (Được quyền
nghĩ những điều đã ước) v.v. Đặc biệt trong thế giới đó, người đàn ông
không chỉ nồng nàn yêu mà còn sẵn sàng hóa thân thành đất đai xứ sở để đón nhận
sự gieo trồng từ người đàn bà: Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ bàn
tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa
mình nồng nàn tơi xốp (Bài ca buổi sớm)… Điều này quả hiếm lạ bởi trong nhiều nền
văn hóa và truyền thống thơ ca, hình tượng đàn bà, chứ không phải ngược lại, mới
thường được đồng nhất với đất đai, mùa màng, sự sinh nở. Song đấy là một sự lạ
cần thiết. Nó phơi lộ cái góc khác thường trong bản thể tinh thần cái tôi Mai
Văn Phấn –“Người đàn ông mang linh hồn mẹ Đất” (thơ Nguyễn Lương Ngọc).
Với Mai Văn Phấn, dục tính là biểu hiện của sự sống tự nhiên
nguyên thủy lành mạnh và thuần khiết. Đó là hiện thân của sự hòa hợp tột cùng
giữa Âm và Dương, Trời và Đất, Ánh sáng và Bóng tối, Nước và Lửa… – khởi thủy
sinh thành thế giới. Nó mang quyền năng của sự thật, và vì nó là cái Thật nên
nó cũng là cái Đẹp. Nhà thơ xem hành động tính giao trong tình yêu như một nghi
lễ xiết bao kì vĩ và thiêng liêng: Yêu nhau. Là những nghi thức dâng tụng
trời đất. Bây giờ là mùa xuân. Anh mệnh Kim và em mệnh Hỏa. Từ lửa làm ra Thổ,
ra Mộc, ra Thủy. Đất rùng mình. Sông chảy. Ngàn vạn lá mầm từ thân thể nở bung
(Anh anh em em)… Nhìn từ quan niệm này, ta sẽ hiểu vì sao thơ ông xuất
hiện rất tự nhiên hình ảnh “con cá động dục lóe sáng mặt nước” hay “đàn sẻ nâu
vội vàng giao hoan chớp mắt”. Cũng sẽ hiểu vì sao thơ ông “hiện diện” cả những
cơn “ức chế thèm khát”, “lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng”
như từng bị phê phán. Thực chất, đó là hệ quả của cái nhìn thế giới trong mối
quan hệ giao tình, khởi nguồn thiêng liêng của sự sống, sự sinh sôi, nảy nở.
Xem những cuộc hôn phối của vạn vật chính là hóa thân sống động của quy luật
mùa – màng – vũ – trụ, nhà thơ tin:
Bó gối những gốc cây
Nhắm mắt ngọn đồi gió
Hạt giống rơi trong bùn ngấu thảnh thơi
Ngày mai mặt đất này
Và thế giới sẽ đổi khác
(Mùa trăng)
4. Tích cực tiếp thu kinh nghiệm sáng tác của những trường
phái thơ hiện đại chủ nghĩa, Mai Văn Phấn đặc biệt chú ý đến tiếng nói của trực
giác, vô thức, tâm linh trong sáng tạo. Người nghệ sĩ khát khao lí giải về thế
giới trong chiều sâu bản chất của nó, đằng sau cái hiện thực bề mặt được nhìn
thấy; mối liên hệ “âm u và sâu xa” giữa những hiện tượng tưởng chừng rời rạc,
xa lạ; cái logic của đời sống trong những biểu hiện dị thường tăm tối, thậm chí
phi lí, nghịch dị… Tất nhiên, điều này đòi hỏi người viết một cách nhìn khác về
thế giới và cùng với điều đó, là một cách viết khác. Tồn tại trong thơ Mai Văn
Phấn, do đó, là một thế giới đậm tính siêu thực.
Mơ, mộng, tưởng tượng – như là biểu hiện cụ thể nhất của
thế giới siêu thực ấy, xuất hiện khá dày trong thơ Mai Văn Phấn. Từ những cảm
giác, trạng thái cá thể của cái tôi nhà thơ, chúng đã được đẩy tới thành một trạng
thái tồn tại phổ quát của thế giới, trong đó, như một câu thơ ông viết – con
cá nghiền nát lưỡi câu đảo lộn trật tự thời gian – mọi trật tự thông thường
đều bị đảo lộn. Dĩ nhiên, sự “đảo lộn” trật tự bề mặt này nhằm đạt tới một trật
tự khác, ở bề sâu của nó, nơi tồn tại những cảm giác siêu nghiệm không thể kiểm
chứng bằng kinh nghiệm nhưng lại được “chứng ngộ” bởi trực giác, tâm linh. Chiều
sâu tri giác này giúp con người nhận ra những vẻ đẹp đầy quyến rũ, ma mị, bí ẩn
của thế giới mà một cái nhìn lí tính thông thường khó lòng đạt tới. Nó giúp con
người lặn sâu xuống đáy bản thể để nhận ra sự tồn tại đích thực của mình giữa
thế giới, như một bông hoa: Tóc và vai tôi màu trắng/ Chiếc cuống/ Bắt đầu
ngả vàng… một cái cây: Không cần nước/ Tôi mọc cây non trên sa mạc…
một quả trứng: Rũ lớp vỏ ánh sáng/ Tôi mở mắt đứng lên… Và khi biết dứt
bỏ tạp niệm, trở nên trong suốt, khi ấy, vũ trụ và Tôi là một: Không
khô cứng/ Không còn sắc nhọn/ Tôi bình đẳng/ Hòa trong thế giới… Hướng tới
những cảm giác siêu nghiệm, ngòi bút Mai Văn Phấn đặc biệt chú ý tới những trạng
thái dịch chuyển mơ hồ, những phức hợp cảm giác mong manh, sự tương giao lạ
lùng giữa hình ảnh, âm thanh, đường nét, sắc màu… Càng ngày, ý niệm màu sắc, âm
thanh trong thơ ông càng tinh, đạm và đơn. Tinh thần hướng tới sự thuần khiết ấy
đặc biệt rõ trong tập thơ vừa xuất bản – Vừa sinh ra ở đó. Phải chăng đấy
là những phương tiện hữu hiệu để khơi gợi nên cảm giác về một đời sống khác, một
hiện thực khác, huyền hoặc, thiêng liêng, vẫn tồn tại song song với cái hiện thực
bề mặt, dù không hiển lộ?
Rất khó để nhận ra dấu ấn “hiện thực xã hội” cụ thể trong thơ
Mai Văn Phấn. Không phải vì ông thiếu tinh thần công dân hay thờ ơ với thế sự
mà vấn đề nằm trong quan niệm tác giả. Những nhận thức mới về hiện thực và sự
sáng tạo khiến ông “chán ngán” những lối mòn nệ thực, thúc đẩy ông tìm cách viết
khác, đa nghĩa hơn, ám ảnh hơn. Có thể thấy rõ điều này trong Biến tấu con
quạ, một tác phẩm được viết bằng nhiều thủ pháp hiện đại. Con quạ – kẻ báo
hiệu cái chết đen tối trong thơ E. Poe – qua sự “biến tấu” của Mai Văn Phấn, trở
thành một biểu tượng trùng phức với sự song hành của nhiều ý nghĩa đối nghịch:
sự chết chóc/ sự khai sinh, tái sinh; sự kết thúc/ sự bắt đầu; Kẻ phá hoại/ Đấng
tái tạo; cái ác/ cái thiện; sự hủy diệt/ khởi đầu mới… Bài thơ là một “cái nhìn
nghiêng” về hiện thực, trong đó lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật và cả đời
sống con người dồn tụ lại trong một độ nén dị thường. Được nhìn nhận trong sự bất
thường, đầy mâu thuẫn, đối lập, đời sống hiện lên có lúc xa lạ đến kì
quái: Khai sinh/ khi quả chuông rơi xuống bất ngờ/ chụp lên đầu người bõ
già/ con cá nhảy vào đám mây tự vẫn/ buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu/ Khai
sinh/ Mực đổ dưới chân và máu/ vón cục ở yết hầu, phế quản/ viết một nét lên
trang đầu/ thấm suốt cả ngàn trang sách/… Nhà thơ trú trong bóng râm/ từng con
chữ bị khoét mất mắt… Những hình ảnh nghịch dị làm bật lên nhận thức về
cái phi lí như một tồn tại tất yếu của đời sống: Áo khoác kêu thất thanh
khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu
đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác.
Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ… Rõ
ràng, vượt lên kiểu tư duy “nệ thực”, nhà thơ muốn hướng đến một cách diễn tả
khác, giàu tính tượng trưng, siêu thực, nhằm nhận thức hiện thực trong chiều
sâu bản chất của nó, một bản chất đầy đối nghịch, mâu thuẫn, bất toàn. Trong
nhiều bài thơ khác, chẳng hạn Không thể tin, Quay theo mái nhà, Hắn, Dạy
trẻ con, Hội chứng từ một tin đồn, Chỉ là giấc mơ, Ở những đỉnh cột, Nếu, Cái
miệng bất tử,… cũng cho thấy một thế giới “lộn ngược” dị hình, méo mó. Hệt
như trong tranh của Salvado Dali hay Max Ernst, thế giới ấy “đem ghép lại chẳng
có gì đồng điệu”. Vẫn là hiện thực, nhưng là một hiện thực lộn xộn, nham nhở,
phản chiếu sự xô lệch, biến dạng của chính đời sống nhân sinh hiện đại. Đấy là
hiện thực được diễn tả qua một tâm thức đầy bất an và lo âu của nghệ sĩ.
5. Trên đây, tôi đã miêu tả một số đặc điểm nổi bật của thế
giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn. Bây giờ là lúc nói tới một vấn đề khác – cách
tổ chức thế giới nghệ thuật ấy. Dĩ nhiên, đi cùng thế giới hình tượng mang tính
đặc thù nói trên là một hệ thống phương thức, biện pháp thể hiện tương ứng.
Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ chỉ phác qua một số nét cơ bản nhất và đậm
chất Mai Văn Phấn nhất, theo góc nhìn cá nhân.
Trước hết, tương ứng với một thế giới động, đậm tính siêu thực,
thơ Mai Văn Phấn đặc biệt chú trọng kiểu kết cấu mở. Đấy là một kiểu kết cấu
hiện đại, ở đó bài thơ được tổ chức như một cấu trúc vận động, không mang tính
hoàn tất, khép kín về nghĩa như trong kiểu kết cấu cổ điển.
Có thể thấy những tìm tòi kết cấu này ngay trong những tác phẩm
ở giai đoạn đầu như Em xa, Dấu hiệu mùa xuân, Khúc phóng túng…và càng dày
đặc hơn trong những sáng tác về sau. Thay cho cách tổ chức văn bản lớp lang, chặt
chẽ, nhằm tạo áp lực quy tụ sự diễn dịch tác phẩm về một đáp số thống nhất, thơ
Mai Văn Phấn thường có hình thức tổ chức thoạt nhìn khá lỏng lẻo với những liên
tưởng hết sức mạnh mẽ và phóng túng. Ngay cả giữa tiêu đề và nội dung, giữa các
phần, đoạn trong văn bản, chừng như cũng không có gì ăn nhập, tựa như một sự lắp
ghép tình cờ, rất khó tìm thấy mối liên hệ logic bề mặt giữa chúng. Xin lấy ngẫu
nhiên một tác phẩm của ông – Mùa xuân, để làm rõ điều này. Thoạt
nhìn bài thơ dường như chỉ là sự ghép nối của một vài sự kiện rời rạc: Tôi (tác
giả) chỉ dẫn cho con các dấu hiệu mùa xuân. Các con tranh luận. Những câu hỏi
(được in nghiêng, nhằm gây một ấn tượng thị giác). Rõ ràng, nội dung cũng như
cách thể hiện của bài thơ khác xa với những gì người ta thường hình dung về
“thơ xuân”. Song cách tổ chức văn bản này có ý nghĩa riêng của nó. Sự hoán đổi
điểm nhìn khiến ta có thể quan sát toàn cảnh từ điểm nhìn của Tôi – nhân vật trữ
tình, đồng thời vừa có thể “nhập thân” để nhìn thế giới từ một con mắt khác –
con mắt của những đứa trẻ. Ở đây, tiêu đề bài thơ chính là một “luận đề” ngỏ.
Nó cho thấy sự tương phản giữa những tư tưởng giáo điều cằn cỗi và sức sống vô
cùng của thực tế đời sống, của trí tưởng tượng… Như vậy, sự “phi logic” này chỉ
là bề mặt, nó nhằm để hướng tới cái logic bề sâu của sự vật, hiện tượng. Dĩ
nhiên, kiểu tổ chức văn bản này luôn gây ra những hiệu ứng ngược chiều. Một mặt
nó “gây nhiễu”, khiến người đọc không khỏi hoang mang khi muốn tìm ra cái đáp
án quy tụ mọi hình ảnh, câu chữ chừng như tứ tán, hỗn loạn trên vào một ý nghĩa
đơn nhất. Nhưng mặt khác, nó giải phóng trí liên tưởng, tưởng tượng, “vẫy gọi”
những cách lí giải khác nhau về tác phẩm. Rất nhiều bài thơ xuất sắc của Mai
Văn Phấn được tổ chức theo hình thức này, chẳng hạn Mùa trăng, Đỉnh gió,
Những bông hoa mùa thu, Biến tấu con quạ, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành,
Anhanhemem, Cửa Mẫu…
Xa hơn, nỗ lực tìm kiếm, nắm bắt tiếng nói vô thức, tâm linh,
vốn “bất tuân” mọi khuôn khổ, trật tự hữu lí, cũng làm xuất hiện trong thơ Mai
Văn Phấn những đặc điểm văn bản khác lạ. Chẳng hạn trong Mười bài tập mùa
xuân, câu chữ không hề bị/ được phân chia bởi những dấu hiệu cú pháp thông
thường, chúng đổ tràn sang nhau, xóa mờ những ranh giới hình thức định mệnh.
Hình thức trình bày này tự nó ám gợi cái mạch ngầm sự sống lưu chuyển miên viễn,
bất tận, không ngừng nghỉ. Nhưng ngược lại, nó có thể (mà thực tế là đã) gây phản
ứng gay gắt về sự “tối tăm”, “vô nghĩa”… Thật ra, đây là những vận dụng theo lối
viết tự động của chủ nghĩa siêu thực (mà trước đó, Hoàng Hưng cũng từng thử
nghiệm trong loạt Thơ vụt hiện). Hình thức văn bản này đã trao cho độc giả
quyền tự do tối đa trong việc lựa chọn cách đọc, mà thực chất là lựa chọn cách
diễn dịch tác phẩm.
Nhu cầu đào sâu, mở rộng, làm đa dạng hóa tiếng nói tinh thần
cá nhân hiện đại trong thơ cũng tạo nên xung lực mạnh mẽ làm “rạn vỡ” đường
biên ranh giới thể loại thơ – văn xuôi trong sáng tác của Mai Văn Phấn. Chỉ cần
nhìn trên hình thức tổ chức văn bản của các tác phẩm cũng dễ dàng nhận ra điều
này, chẳng hạn Viết cho cây sáo, Bừng tỉnh trên tàu, Kí sự mùa thu, Giải
pháp, Bến cuối, Di chứng, Vòng cung thời gian, Những ý nghĩ không sắp đặt, Niệm
khúc số 18, Dấu vết, Quay theo mái nhà, Nghe tin bạn bị mất trộm, Nghe em qua
điện thoại, Nhắm mắt, Anh tôi, Dạy trẻ con, Hắn… Nhiều bài thơ của ông sử
dụng hình thức cốt truyện đơn giản, tuy nhiên, tính chất của chúng rất khác so
với những bài thơ mang tính truyện của chủ nghĩa lãng mạn. Thứ nhất, chúng
không được “trưng dụng” cho mục đích trữ tình nồng nàn như trong Hai sắc
hoa ti gôn (TTKH) hay Mưa xuân (Nguyễn Bính), ở đây chủ yếu là
những tình huống nhận thức, chúng được xây dựng nhằm đem lại một cảm giác mới,
một thức nhận mới về đời sống. Thứ hai, nếu như trong các bài thơ lãng mạn vừa
nêu, thường những “câu chuyện” được kể lại theo một trình tự khá rành mạch thì
trong những bài thơ của Mai Văn Phấn, tính chất đứt đoạn, đứt mạch là khá rõ.
Đi cùng đặc điểm này là hiện tượng song hành, xen kẽ những “tiếng nói” chừng
như đối nghịch, lạc điệu trong cùng một văn bản, tạo nên tính chất “đa thanh”
khá đặc biệt (chẳng hạn trong Anh tôi…). Thứ ba, tính nghịch dị, giễu nhại
trong các tác phẩm của Mai Văn Phấn khá đậm nét, chúng đem lại một kiểu chất
thơ hậu hiện đại thú vị, kích thích mạnh mẽ những suy ngẫm, liên tưởng đa chiều,
đa cực… Có thể nói sự xóa mờ tối đa đường biên ranh giới thể loại thơ –
văn xuôi khiến thơ Mai Văn Phấn có khả năng diễn tả khá đa dạng và linh hoạt,
sinh động nhiều vấn đề của đời sống nhân sinh hiện đại. Tuy nhiên, không phải
lúc nào nhà thơ cũng cân bằng được chất thơ/ chất văn xuôi trong tác phẩm. Cách
thuật sự lớp lang, cụ thể trong Bừng tỉnh trên tàu, Kể lại giấc mơ hay
sự tỉ mỉ của chi tiết trong Dạy trẻ con chẳng hạn, có thể đem lại những
ấn tượng thông tin xác thực, song chính chúng lại làm mất đi những khoảng trống
và độ mờ thẩm mĩ, vốn là yếu tố quan trọng để tạo nên chất thơ của tác phẩm.
Cùng với xu hướng “văn xuôi hóa”, trong thơ Mai Văn Phấn đồng
thời xuất hiện xu hướng ngược lại – giảm thiểu triệt để số lượng từ ngữ trong
văn bản. Sự tối giản này được thể hiện tập trung trong hoa giấu mặt, tập
thơ mang đậm tinh thần tượng trưng, trong đó mỗi sinh thể dù bé nhỏ nhất đều có
mối liên hệ “tương giao” sâu sắc với toàn thể vũ trụ rộng lớn. Được viết theo
thể haiku với mỗi bài chỉ có ba dòng, điều này buộc các ý tưởng thơ phải được
cô đặc, dồn nén cao độ. Không có điều kiện đi sâu hơn, tôi chỉ muốn nói thêm rằng,
trên phương diện hình thức, những xu hướng trái ngược này cũng cho thấy khá rõ
nhu cầu nhận thức hiện thực một cách đa chiều của người viết.
Một yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp siêu thực của thế giới
thơ Mai Văn Phấn là các hình ảnh – biểu tượng. Thoạt nhìn, chúng khá đơn giản,
như được “cắt” ra từ đời thực, quen thuộc và gần gũi. Tuy nhiên, được tạo hình
theo nguyên tắc “ảo hóa”, chúng luôn đem lại những ấn tượng thẩm mĩ khác thường.
Quan niệm thế giới trong tính đa chiều và sự biến ảo bất tận chính là cội nguồn
khơi mở mạch liên tưởng, tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả. Trên thực tế
trong thơ Mai Văn Phấn tồn tại hai tuyến hình ảnh – biểu tượng đối lập. Trước hết
là tuyến hình ảnh tượng trưng cho cái Đẹp cao cả, thuần khiết, cụ thể là thiên
nhiên (thể hiện ở đất đai, cây cỏ, gió, trăng…); và con người, tập trung ở
hình tượng Em (cái nhìn “tôn vinh” nữ giới này, thật ra, cũng khá quen thuộc
trong thơ hiện đại). Tương ứng với tuyến hình ảnh này là những biện pháp tạo
hình theo hướng siêu thực – lãng mạn. Hãy thử đọc lại Ngậm em trong miệng –
đó là một biểu tượng tình yêu đầy thi vị và hư ảo: Bình yên trong miệng
anh/ Em thúc nhẹ bờ vai/ Vòm ngực ngón chân vào má/ Huyên thuyên và hát thầm/ Hồn
nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể… Những hình ảnh siêu thực này gợi
liên tưởng đến Tình nhân của Paul Eluard: Em đứng trên mi mắt
anh/ Tóc em nằm trong tóc anh/ Em có dáng hình giống như hai bàn tay anh/ Em có
sắc màu của đôi mắt anh/ Em chìm ngập trong bóng anh/ Như một phiến đá ở trên
trời… Đối lập lại là tuyến hình ảnh kì quái, nghịch dị, thể hiện phần thế
giới bị tha hóa, biến chất. Đó là hình ảnh cái miệng đang trôi “không phát ra
tiếng động/ chỉ hiện lên một đoạn phim câm”, cái lưỡi “bị thắt/ treo lên đỉnh cột/
mỗi lần nói/ chiếc lưỡi phải rút/ kéo thân thể béo ị lên cao” (gợi nhớ đến
bức tranh Tiếng thét của Munch), những đứa trẻ “nghẹn ngào nước mắt
chảy vào trong”, giấc mơ của con chó, con gián “kiếp trước từng là người đàng
hoàng” (mang âm hưởng Biến dạng của F. Kafka rất rõ)… Đó là kết quả của
một cái nhìn nghiệm sinh bi đát nhưng không kém phần chua chát và hài hước về
trạng thái tha hóa của nhân sinh. Tương ứng với tuyến hình ảnh này là những biện
pháp tạo hình theo lối siêu thực – nghịch dị. Các hình ảnh – biểu tượng thường
được “chạm khắc” bằng nhiều chi tiết tỉ mỉ, cụ thể, rậm rạp (thậm chí nhiều khi
quá rậm rạp), liên tục biến hóa. Có những hình ảnh được xâu chuỗi qua nhiều tác
phẩm, chẳng hạn hình ảnh “hắn” trong Hắn, Đến trong ý nghĩ… – một
hình nhân ma mãnh, kì dị, âm bản của một cái tôi “tỉnh táo tột cùng”… Sức mạnh,
độ bền và độ dồi dào của mạch liên tưởng, tưởng tượng – ấy là thế mạnh của Mai
Văn Phấn, dẫu trong một số trường hợp, nó cũng gây “phản ứng phụ” là tình trạng
“rậm lời”, rắm rối.
6. Từ những tìm tòi mang tính truyền thống, Mai Văn Phấn bước
thẳng sang khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa và cả hậu hiện đại chủ nghĩa, nhưng
dường như vẫn chưa dừng lại trong những say sưa kiếm tìm, lật trở. Thế giới nghệ
thuật thơ ông là một cấu trúc phức tạp, đa diện, liên tục biến đổi. Nó gây ấn
tượng bởi sự nhất quán trong quan niệm sáng tạo, tính toàn khối và khả năng “bắt
sóng” với nhiều chiều không gian thơ khác nhau. Nói đến thơ Mai Văn Phấn là nói
đến cái nội lực chi phối tổng thể, cái “từ trường thẩm mĩ” được tạo ra hơn là
các câu chữ riêng lẻ. Bởi vậy, thật không dễ cho người đọc – trong đó có tác giả
bài viết này – khi tiếp cận, lí giải. Nhưng một khi vượt qua định kiến của thói
quen thẩm mĩ, chấp nhận những quy ước mới của “luật chơi” sáng tạo vốn vô cùng
đa dạng, có lẽ ta sẽ được đền bù xứng đáng. Ít nhất, trải nghiệm đọc ấy cũng
giúp ta nhận ra sự rộng rãi không cùng của không gian sáng tạo và vẻ đẹp của sự
phong phú trên những hành trình tinh thần của con người. Dứt khoát không “quay
vái lạy chiếc áo vừa treo trên giá”là một thái độ sáng tạo tích cực, thể hiện một
tư duy lí tính tỉnh táo, rất cần thiết cho người viết hiện đại. Nó giúp tác giả
mạnh mẽ vượt qua sức ỳ của quán tính cầm bút, liên tục làm mới cách nhìn, cách
viết. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Sự đa dạng của
những hướng tìm tòi có thể khiến tác giả có thể khó đẩy tới “tận bờ sát góc” hướng
bứt phá trọng tâm. Mặt khác, niềm say mê cao độ trong việc tìm kiếm và vận dụng
những phương thức, thủ pháp tân kì cũng có thể gây ra tình trạng kĩ thuật áp chế
tiếng nói tự nhiên của xúc cảm. Khát khao “gọi tên sự tù mù lẫn sự sáng” không
phải lúc nào cũng có thể thực hiện, nhất là bằng chiếc “công tắc” lí trí.
Không ngừng quyết liệt làm mới mình, để mỗi lần xuất hiện là
một lần phải khác, Mai Văn Phấn đang đầy năng lượng và tự tin trên
hành trình “quẫy vào biển động” của mình. Và thách thức là phẩm chất đầu
tiên và không thể thiếu của cái Đẹp mà ông kiếm tìm…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn (cùng tiểu
luận và trả lời phóng vấn), Nxb Hội nhà văn.
2. Mai Văn Phấn (2012), hoa giấu mặt, Nxb Hội nhà văn.
3. Mai Văn Phấn (2013), Vừa sinh ra ở đó, Nxb Hội nhà văn
Việt Nam.
4. Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành
công (2011), Đình Kính tuyển chọn, Nxb Hội nhà văn.
Vinh, 13/12/2013
Lê Hồ Quang
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét