Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Những ghi chép vụn trong mùa Covid

Những ghi chép vụn
trong mùa Covid

Có nhà báo đặt câu hỏi, trong những ngày tháng giãn cách xã hội, chống dịch Covid, thì nhà văn làm gì?
Câu trả lời là: nhà văn cũng là người bình thường, cũng có những lo toan trăn trở như mọi người. Sự viết, ngoài những yếu tố như vốn sống, cảm hứng, thì cần thiết phải có thời gian tập trung. Nhà văn tự do, trong một khía cạnh nào đó là tự do về thời gian để tập trung vào trang viết. Nhưng, thú thật, trong mùa dịch Covid tôi chẳng thể nào tập trung trọn vẹn được, cho nên xen giữa các chuyến đi, công việc, là những ghi chép ngắn, mà tôi gọi là “Nghĩ vụn”. Và, bên cạnh đó là những mẩu chuyện ngắn, cũng có thể gọi là “Ngụ ngôn mới”. Viết để chống trôi, cũng là một cách làm trong mùa dịch nguy hiểm và cam go này.
Xóa dấu vết
Có người đang viết rất hay, rồi thì, không vì một lẽ gì, họ không viết nữa.
Có người đang hát rất hay, rồi thì chợt dưng, họ lặng lẽ cất tiếng hát vào trong lòng.
Có người đang đàn rất tuyệt, rồi thì một ngày kia họ gác đàn lên rồi không bao giờ đụng tới nó nữa.
Có người đang làm việc lương cao, thăng tiến ào ào, nhận nhiều sủng ái; nhưng rồi bỗng dưng họ từ bỏ tất cả, lui về quê sống như một người bình thường.
Có người đang danh tiếng, chợt lặng lẽ rời đi, không để lại một tiếng động, một dấu vết
Đó, có lẽ là những người tự biết mình một cách sâu sắc nhất.
Họ cố xóa dấu vết, nhưng vẫn cứ để lại trong trần gian nhiều thương luyến.
Còn những người cứ cố chứng tỏ, cố tạo dấu vết, muốn lưu danh hậu thế; điên cuồng và quay quắt; thì cuối cùng chẳng có gì ngoài sự huyên náo, tầm phào, nhạt nhẽo…
Nhà văn cũng giống như kẻ trộm
1/ Cho dù bạn làm được ngàn điều tử tế, viết được cả vạn cái tút hay ho. Nhưng chỉ cần bạn một lần vấp ngã, chỉ cần bạn một lần nhầm lẫn/ sai lầm; thì bạn sẽ ăn đòn ngay. Mà những người kề dao cắt cổ bạn, không ai khác chính là những người anh, người chị, là bạn hữu từng sát bên bạn. Thật ra thì họ không thù oán gì bạn cả. Nhưng nhân loại này luôn có một cơn điên càng ngày càng nặng: ai cũng muốn chứng minh mình là đúng nhất.
Đây là bài học mà bạn phải luôn ghi nhớ suốt đời.
2/ Khi nhỏ bạn có một người bạn thân, một cô gái hẹn thề mộng ước. Thằng bạn đó từng nói với bạn, đại loại, sau này lớn lên, nếu có ô tô thì mày sẽ là người tao chở đi đầu tiên. Nhưng rồi thằng bạn đó với chiếc ô tô đó sẽ phóng đi con đường của nó mà không bao giờ có mặt bạn. Còn cô gái kia cũng vậy.
Những con người mà bạn kỳ vọng, rồi sẽ làm bạn thất vọng. Tốt hơn hết là đừng kỳ vọng vào ai và vào bất kỳ một điều gì.
3/ Bạn để chơi lúc nào cũng nhiều, nhưng bạn để cùng đồng hành, cùng nhau làm một vài việc gì đó ý nghĩa trong đời thì vô cùng hiếm. Có thể đó là một người bạn hay ho khi chơi, nhưng khi làm việc thì bộc lộ đầy những thói xấu: gian dối, cẩu thả, vô trách nhiệm… Và, quan trọng nhất là không có năng lực làm việc.
Cho nên bạn phải hiểu rằng trong đời này người làm việc rất ít, còn lại là những kẻ chơi bời, phá bĩnh. Mà những kẻ đó thì lúc nào cũng sắm vai mình đang làm việc nghiêm túc.
4/ Cuối cùng thì một nhà văn cũng giống như một kẻ trộm. Hắn cứ nhủ cú này là cú chót, làm lần này nữa rồi giải nghệ. Nhưng rồi hắn vẫn cứ ngựa quen đường cũ. Tiếc thay, những món mà hắn chôm được thường xoàng xĩnh, vặt vãnh.
Cứ thế, hắn sống trong thắc thỏm, thao thức; cho tới một ngày bị Thượng đế đưa tay thộp cổ.
(Ghi vụn; Bà Rịa – SG 6/2020)
Tâm thơ
Yôđa là một tướng quân lừng lẫy một thời. Nhưng sau khi rửa tay gác kiếm thì ông lui vào tu viện, ẩn dật, làm thơ… Yôđa làm những bài Haiku được giới mộ điệu tôn lên hàng xịn hàng hiệu. Tuy nhiên, Yôđa thấy mình dẫu luyện công nghiêm cẩn, thơ vẫn không sánh bằng Basô vốn được cho là hoang đàng, dung tục…
Yôđa cho thuộc hạ lùng tìm, mời Basô về cho bằng được.
Và, dịp may đã đến.
Đám thuộc hạ võng Basô về tu viện trong lúc thi sỹ say quắc cần câu.
Đợi cho Basô giã rượu, Yôđa liền khoe bài Haiku với viết mà ông vô cùng tâm đắc.
“Con chuồn chuồn ngô
Bứt hai cánh
Quả ớt”.
Basô cầm tờ thơ, không nói gì, đã thế còn cầm lộn ngược, khiến cho Yôđa thất vọng, nghĩ bụng chắc đây là một Basô dỏm.
Nhưng ngay lúc đó, Basô đảo ngược cả bài thơ:
“Quả ớt
Chắp hai cánh
Chuồn chuồn ngô”
Nếu như không có bài thơ “biên tập” của Basô, mà chỉ đọc bài của Yôđa, chắc hẳn ta cũng trầm trồ khen ngợi tài năng của vị cựu tướng quân này. Tài đến thế là cùng. Thơ hay lạnh người…
Nhưng khi Basô xuất hiện, chỉ cần đảo ngược một cái thì một bài hay trở thành tuyệt tác (Hay khiến bài thơ hay kia trở nên tầm thường?)
Nhưng ở đây, tôi không bàn về tài thơ, mà bàn về cái Tâm thơ. Nói như Nguyễn Du “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Người sáng tác, vẫy vùng trong hiện thực, thường biểu lộ cái “sát căn” mà mình không kiểm soát được. Có nhiều cái hay nhưng ác, hiểm. Và, nhiều người thường lấy làm thích thú về điều ấy. Và, xưa nay, đa số cũng dùng văn chương như một thứ “vũ khí chiến đấu”, đâm chỗ này chém chỗ kia. Nhưng rốt cuộc chẳng hạ được ai mà chỉ làm thương tổn chính mình.
Bứt hai cánh chuồn ngô để thành quả ớt.
Hay chắp cho quả ớt đôi cánh để thành chuồn chuồn ngô.
Đó, có lẽ không phải là vấn đề kỹ thuật nữa.
Đó chính là Tâm thơ. Hay cái Tâm của người sáng tạo.
Ngụ ngôn mới về ếch và bọ cạp
Có một con bọ cạp muốn qua sông bèn tìm đến một con ếch để nhờ vả. Biết bọ cạp là loại tàn độc, nên ếch tìm cách từ chối: “Không đâu. Tôi chả dại. Tôi chở anh qua sông rồi anh chích tôi thì sao?”. Nghe ếch nói thì bọ cạp cười: “Làm gì có chuyện đó. Nếu tôi mà chích anh thì tôi cũng chết chìm còn gì?”
Nghe có lý. Thế là sau giây phút do dự, ếch nhận lời chở bọ cạp qua sông. Nhưng đang giữa dòng thì bọ cạp gương cái đuôi nọc độc lên rồi chích con ếch một cái. Con ếch đau đớn nói trong nước mắt: “Sao anh lại làm vậy? Anh đã hứa không chích tôi rồi mà. Giờ sao anh lại chích tôi? Mà tôi chết thì anh cũng chết chùm cơ mà?”
Lúc này, trong khi chìm xuống, con bọ cạp nói: “Tôi cũng biết là vậy. Tôi cũng đâu muốn chích anh, nhưng tôi không thể kìm lại được, bản năng trỗi dậy, nó bắt tôi phải chích anh”.
Đó là câu chuyện ngụ ngôn khá quen thuộc “Ếch và bọ cạp”, nói về bản chất của các loài. Chú ếch vốn hồn nhiên tốt bụng, còn bọ cạp vốn tàn độc thủ đoạn. Mượn loài vật để nói về loài người. Con người ta cũng vậy thôi. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Nói cho cùng cái gì thuộc về bản chất thì khó mà thay đổi được. Như con bọ cạp kia biết là chết chùm nhưng phải chích một cái một chịu được. Đó là ý thâm sâu của ngụ ngôn.
Còn tôi nghĩ, với bản chất thâm độc của một con bọ cạp thì nó chả dại gì mà chích con ếch lúc giữa dòng. Đợi khi qua tới bên bờ sông thì nó mới chích. Lúc đó con ếch chết, còn bọ cạp thì vẫn có thể hả hê mà tiếp tục cuộc đời của mình. Cho nên mới có ngụ ngôn mới như thế này.
“Biết thế nào bọ cạp cũng chích mình, nên trước khi nhận lời chở bọ cạp qua sông, ếch đã uống thuốc giải độc.
Đúng như phỏng đoán của ếch, khi vừa qua sông thì bọ cạp cong đuôi chích ếch một cái. Ếch đau đớn lịm dần đi, nhưng vẫn hỏi: “Này anh bọ cạp ơi, anh đã hứa không chích tôi mà sao giờ lại thế này?” Bọ cạp cười khẩy: “Anh đọc truyện ngụ ngôn cả ngàn lần rồi mà ngu ráng chịu. Tôi có muốn chích anh đâu, nhưng không chích anh thì tôi không chịu được”.
Nói rồi bọ cạp bỏ đi, đinh ninh rằng ếch sẽ chết. Nhưng ếch chỉ đau đớn quằn quại chứ không chết nhờ có thuốc giải độc.
Về phía bọ cạp, sau này mỗi khi muốn sang sông lại đi tìm ếch, nhưng dường như không thấy con ếch nào. Bọ cạp cứ nghĩ là ếch đã chết hết cả, nó cũng hơi buồn một chút, nhưng rồi lại đi tìm con khác để chích.
Những con ếch tốt bụng hồn nhiên thực ra không chết hết, mà chúng lặng lẽ sống một đời sống khác.
Cũng như bao người tốt hôm nay, họ chọn một đời sống khác. Đôi khi đó là một đời sống bí mật. Họ vẫn tiếp tục đưa ai đó sang sông. Cũng có thể là những chuyến sang sông một mình chỉ với sóng và gió. Và với một ít thuốc giải độc lúc nào cũng thủ sẵn trong người.
Diễn từ
Có một nhà văn khả kính nọ, nghĩ rằng trước sau gì mình cũng ẵm giải Nobel, giải thưởng danh giá nhất của một đời cầm bút. Do vậy, mà ông rất ý thức về việc chuẩn bị Diễn từ của mình, về những gì mình sẽ cất lời tại buổi lễ vinh danh tại viện Hàn lâm Thụy Điển.
Suốt nhiều tháng năm nhọc nhằn, dù đi đâu làm gì, cuối cùng ông cũng quay trở lại bàn viết để sửa chữa bản Diễn từ. Những dập xóa là không ít. Có khi ông phải bỏ hết đi để viết lại từ đầu. Ông lọc ra những gì mà các nhà văn Nobel khác đã viết để tránh lặp lại. Ông tham khảo các diễn ngôn của các nhà tư tưởng lớn. Ông lắng nghe tiếng nói từ trái tim mình vào những lúc ông ở trong trạng thái thăng hoa nhất. Ông cũng chịu khó đi vào đời sống để lắng nghe ngôn ngữ của người dân lao động. Ông muốn trong Diễn từ của mình phải có một chút gì đó ngôn ngữ bình dân, nhưng không thô thiển, mà nó như một thứ thi ca hoang dã.
Cuối cùng thì bản Diễn từ Nobel cũng đã hoàn thành. Mỗi khi cầm bản Diễn từ lên tập đọc trước gương, ông mường tượng đến cảnh các nhà báo, các nhà phê bình sẽ trầm trồ xuýt xoa như thế nào. Ông nghĩ đó là phần thưởng xứng đáng cho lao động chữ nghĩa.
Và rồi, ngày đẹp trời cũng đã đến. Tên ông được xướng lên ở hạng mục Nobel văn chương.
Khỏi phải nói là ông xúc động đến mức nào.
Choàng tỉnh dậy trên giường, điều ông nghĩ tới đầu tiên là bản Diễn từ, ông vội lao ra bàn viết, mở ngăn kéo cầm bản Diễn từ lên bằng hai tay run run.
Rồi thì ông òa khóc. Nước mắt tuôn như suối không ngừng.
Lúc này, chính lúc này, ông mới nhận ra một điều nghiêm trọng:
Lâu nay, vì mãi dồn sức cho bản Diễn từ, ông chưa kịp có thời gian để hoàn thành một tác phẩm nào, dù là nhỏ nhất.
Chiều chiều
Tôi không hiểu sao những buổi chiều lại khiến tâm hồn mình buồn bã đến như vậy.
Nhưng tôi lại thích những buổi chiều.
Tôi thích những buổi chiều ngồi lại bên vệ đường, người hơi mỏi, bụng hơi đói… Nhưng chẳng gì vội vàng.
Chiều chậm đưa chân ngày.
Thằng trái đất mi cứ quay miết làm tao mệt quá.
Tôi thích những buổi chiều trước sân nhà, uống chén rượu, rít hơi thuốc. Cứ thế một mình ngồi lún vào đêm.
Tôi thích ngồi viết nán trong chiều cho đến khi bóng tối phủ mờ trang giấy.
Chiều chiều.
Không hiểu sao những buổi chiều lại khiến tôi yếu đuối đến như vậy.
Tôi thường nhung nhớ trong chiều.
Tôi, có lẽ là muốn được chết trong một buổi chiều.
Một buổi chiều sạch sẽ và nhiều gió.
Một đời mấy vạn buổi chiều
Mà không nhặt được nửa điều khả tri.
22/1/2021
Trần Nhã Thụy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...