Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Nhà thơ Phạm Thanh Bình và hành trình trở về trong thơ

Nhà thơ Phạm Thanh Bình
và hành trình trở về trong thơ

Những ngày cuối năm, khi mùi Tết đã phảng phất đâu đó, tôi bỗng nhận được chùm lục bát của nhà thơ Phạm Thanh Bình ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng. Thật lạ, giữa thành phố ồn ào náo nhiệt vậy mà từng câu thơ lục bát vẫn trong trẻo chân quê. Bao hình ảnh về cảnh quê, Tết quê dường như cứ thao thiết chảy trong dòng cảm xúc thương nhớ của nhà thơ. Tôi cũng là người xa xứ cùng thế hệ với tác giả nên đọc thơ mà cảm thấy lòng mình cứ nao nao nỗi nhớ cố hương.
Chỉ là chùm thơ lục bát nhưng chứa đủ cảm xúc thăng trầm của một cuộc hành trình từ trong tâm tưởng đến bước chân ngoài đời. Có ngày ra đi, có lần mò chìm nổi, có tìm lại chính mình và có cả trở về khi đã dạn dày sương gió.
Ngày ra đi…
Mọi cuộc ra đi để mà trở về thì cái sự ra đi đó sẽ nhẹ nhàng, người ra đi sẽ vững bước. Đối với nhà thơ Phạm Thanh Bình, hành trình ra đi “tha phương cầu thực” không hẹn ngày về nên rất day dứt, buồn tủi:
Cắm đầu… 
con bước hụt hơi 
Không dám ngoảnh lại…
nhìn nơi sân nhà.
(Cúi đầu)
Câu thơ bị ngắt quãng bởi cái cảm giác nặng nề, ngập ngừng ái ngại khi phải rời bỏ quê hương. Một cuộc ra đi bất đắc dĩ. Ra đi mà như trốn chạy khỏi bao tình cảm gia đình nên phải “Cắm đầu… con bước hụt hơi”. Nỗi lòng tác giả cứ giằng xé “không dám ngoảnh lại”, không dám từ biệt. Nhà thơ sợ bị mềm lòng không dứt ra được. Thật là cám cảnh thê lương!
Lạc giữa cõi đời…
Rời xa quê hương, trốn chạy lòng mình để tìm đến những miền đất hứa. Chấp nhận gian truân vất vả xứ người cũng chỉ vì cái kiếp mưu sinh. Để rồi đến lúc nhà thơ chợt nhận ra mình đang bị trôi lạc giữa dòng đời:
Tôi là ai?…
giữa phố say
Tiền tài, danh vọng… 
trả vay cuộc người. 
(Tôi là ai?)
Vết thương trên câu thơ lục bát cứ vật vờ như bước chân phiêu dạt. Nhân vật trữ tình càng đi xa càng chơi vơi lạc lõng. “Tôi là ai” giữa nơi đất khách quê người? Cái mơ ước nhỏ bé mà nhà thơ phải rứt ruột đi tìm ngày càng mất hút giữa “phố say”, giữa “tiền tài danh vọng”. Tất cả chỉ là “trả vay cuộc người”. Hai tiếng “cuộc người” nghe sao mà ngao ngán đến tận cùng của đời phiêu bạt. Sự trải đời và chứng kiến bao hỉ nộ ái ố giữa chốn trần gian đã được nhà thơ gom lại trong hai tiếng “cuộc người” trần trụi.
Từ sự lạc lõng bơ vơ đã đánh thức bản ngã:
Lạ chưa?…
vui khóc, buồn cười 
Xênh xang áo nón…
vẫn người đâu đâu.
(Tôi là ai?)
Những câu thơ trải lòng khi “đi tìm lại chính mình” giữa bao chuyện “vui khóc, buồn cười” lạ đời nơi đô thị. Cũng từ cuộc mưu sinh vất vả mà nhà thơ nhận ra mình không thể hoà nhập, “vẫn người đâu đâu” giữa chốn phồn hoa. Cái “người đâu đâu” đó chính cái bản ngã đáng trân quý còn sót lại.
Có lẽ tác giả cũng không ngờ cuộc ra đi để tìm cơm áo lại có lúc như bị lạc lối giữa chốn phù hoa. Và rồi từ tiếng gọi sâu thẳm khắc khoải trong cõi lòng, buộc nhà thơ lại phải tiếp tục hành trình đi tìm chính mình:
Tôi là ai?…
thật bẽ bàng
Xế chiều sấp bóng
… ngồi ôm
… bóng mình!
 (Tôi là ai?)
Câu thơ tiếp tục bẻ đôi, bẻ ba gợi cho người đọc liên tưởng đến những bước đời vấp ngã trong “cuộc người”. Trên hành trình tìm lại chính mình, nhà thơ đã nhận ra những sự thật “bẽ bàng”. Tác giả thật tinh tế khi sử dụng những thủ thuật ngắt câu, cài đặt dấu câu, kí tự “phi âm thanh” giúp người đọc cảm nhận đầy đủ hơn nỗi lòng trắc ẩn và sự vật vã trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Một nỗi cô đơn được đẩy đến tận cùng của cô đơn. Quả thực, đối với thơ của Phạm Thanh Bình thì độc giả tự đọc sẽ thú vị hơn nhiều khi nghe qua người khác đọc.
Định dạng lại mình…
Nhà thơ xót xa, bẽ bàng không phải để mà than thở buông xuôi. Từ trong nỗi tận cùng cô đơn lạc lõng, tác giả đã “định dạng lại chính mình”:
Xa quê 
quá nửa 
đời người…
Phù hoa…
không át
nổi mùi
rạ, rơm
Chiều nay
vấp gánh
hàng rong
Nao nao  
lòng lại…
chạnh lòng 
… nhớ quê.
(Người nhà quê!)
Câu thơ lục bát cứ lặng rơi như lời bộc bạch. Nửa đời người ngụp lặn giữa chốn phù hoa, tưởng như mình đã là dân phố thị. Ấy vậy mà khi “vấp gánh hàng rong” thì cái nếp chân quê, cái “mùi rạ rơm” bỗng bùng lên làm cho nhà thơ ngẩn ngơ nao nao chạnh lòng. Từ “vấp” làm vỡ ra sự bất ngờ. Vấp là vì tưởng như đã quên. Hoá ra, tất cả những gì của quê hương bản quán vẫn còn nguyên vẹn trong nỗi nhớ của nhà thơ Phạm Thanh Bình.
Thói đời, không ít người li hương thường muốn chối bỏ quê nghèo. Nhà thơ Phạm Thanh Bình thì ngược lại. Không chối bỏ lãng quên mà càng nhớ càng tự hào về quê nhà:
Thị thành 
nuôi xác…
tốt, tươi 
Dặn lòng
hạt giống
là người…
nhà quê! 
(Người nhà quê!)
Câu thơ lục bát được chia thành hai nửa: phần xác và phần hồn. Phần xác “tốt tươi” là nhờ vào cơm áo của chốn thị thành; phần hồn là “hạt giống” của quê hương nơi chôn rau cắt rốn. Hai tiếng “nhà quê” thốt lên nghe thật hãnh diện thân thương. Phải là người yêu quê hương bản quán thật sâu đậm mới thốt lên được những câu thơ mộc mạc mà day dứt đến thế.
Trở về…
Nỗi nhớ thương quê hương nguồn cội đã kéo nhà thơ trở về từ trong tâm tưởng:
Về nơi mẹ đẻ, cha sinh
Làm sao gột hết trên mình…
vết hoang?
(Tôi là ai?)
“Vết hoang” trong hồn thơ của Phạm Thanh Bình chính nét đẹp chân quê. Người quê vốn mộc mạc như ngọn lúa, cục đất, củ khoai. Họ sống chân chất giữa hương đồng gió nội và dường như chưa bị pha tạp bởi thói thị thành. Cái “vết hoang” là bản sắc, là hành trang, là sức đề kháng và cũng là sợi dây níu giữ những đứa con xa quê.
Đọc thơ lục bát của nhà thơ Phạm Thanh Bình, người đọc như gặp lại âm hưởng lời ru trong ca dao. Lời ru và dòng sữa mẹ đã nuôi những đứa con khôn lớn. Khi bước chân nhà thơ đã rời xa cha mẹ, quê hương nhưng lòng dạ thì vẫn như còn ở lại với lời ru của mẹ:
Ru hời… ru hỡi… ru hà…
Sao tròn chữ hiếu… 
khi mà… xa quê?! 
(Cúi đầu)
Tấm lòng hiếu nghĩa của phận làm con cứ đau đáu trong tim. Có lúc nhà thơ như giật mình thảng thốt:
Kẻo mai cha mẹ đi rồi
Dầm mình cõng cả một trời bão dông.
(Về đi con!)
Đạo lý và tình yêu đó như cái bến quê neo đậu tâm hồn. Nó có sức cuốn hút nhà thơ trở về với ký ức, trở về với người thân, trở về với bờ tre gốc rạ. Hình ảnh hiện lên như thước phim quay chậm từ xa đến gần:
Vẫn bến xưa, vẫn con đò
Triền sông vẫn nắng…
vàng hoa cải vàng.
(Tôi là ai?)
Nhờ có tình yêu quê hương mãi trung trinh vẹn tròn nên nhà thơ mới cảm nhận được cảnh vật bến nước con đò vẫn như xưa. Và không gian vẫn bừng sáng bởi mùa hoa cải ven sông vàng rực trong nắng.
Và nhà thơ đã trở về với mái nhà quen thuộc, nơi lưu giữ biết bao hoài niệm thân thương:
Bên hiên nhà ngói ba gian
Mẹ ngồi gói bánh dưới giàn mướp hương 
Bánh gai, bánh mật, bánh chưng 
Mẹ ướp vào bánh cả hương đất, trời.
(Tết xưa thương nhớ!)
Thật thú vị được gặp lại những cái bánh quen thuộc gắn liền với kí ức của tuổi thơ và chứa đựng những giá trị văn hoá, cùng với hương quê thật là lãng mạn: Mẹ ướp vào bánh cả hương đất, trời!
Đến đây người đọc càng đồng cảm với nhà thơ về hồn quê, hương quê đã “ướp” vào trong những cái “bánh gai, bánh mật, bánh chưng”. Vì thế mà những cái bánh quê không thể thiếu được trong dịp Tết đến Xuân về.
Chùm thơ đã vẽ lại hành trình quá nửa đời xa quê của nhà thơ Phạm Thanh Bình. Một hành trình có cất bước ra đi; có lưu lạc giữa cõi đời; có tìm lại chính mình và cuối cùng là cuộc trở về như một định mệnh kiêu hãnh:
Đi từ ruộng lúa, bờ đê 
Giàu, nghèo cũng có một quê… để về!
(Tết xưa thương nhớ!)
Câu thơ không còn phải “cúi đầu” nặng bước, không còn phải “cắm đầu” trốn chạy mảnh sân nhà và những giọt nước mắt của mẹ. Mỗi trang thơ là một trang đời. Người đọc đã nhận ra từ cuộc hành trình một Phạm Thanh Bình tài hoa mà ấm áp nghĩa tình chân quê.
17/1/2025
Trần Vinh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...