Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Nguyễn Bình Phương, nhà thơ chơi chữ họa lên tương phản thực hư của hiện thực huyền ảo

Nguyễn Bình Phương, nhà thơ chơi
chữ họa lên tương phản thực hư
của hiện thực huyền ảo

Thơ Nguyễn Bình Phương không dễ đọc. Sáng tác của ông không hướng tới công chúng xã hội mặc định thường giới, mà cho một tầng tinh anh chỉ định, dù thơ ông chính là trữ tình tự sự, câu nào cũng dựng hình ảnh biểu tượng. 
Trong bước chuyển của “Tư tưởng vươn tới hiện thực còn chưa đủ, mà hiện thực cũng phải nâng lên tầm tư tưởng” – (C. Mác), thơ không dễ dãi tức cảnh sinh tình. Hiện thực từ 10 năm cuối thế kỷ 20 đến 10 năm đầu của thế kỷ 21 là “những vòng quay chóng mặt” qua thời xe đạp ơi để đèo em, xe thồ ơi để đèo hàng, sang thời Rim Tàu, Way Tàu chen cùng xe Nhật, xe Ý, Đài Loan, Hàn Quốc đầy không gian Việt, bộc lộ một liveshow bát nháo chi thiên của thời cái gì cũng chạy theo Ido mấy nghìn này nọ. (Thời ấy xế nổ là chuẩn rồi, chưa tới thời xế hộp, qua rồi thời xế điếc).
Nguyễn Bình Phương đưa một sự vật thường dùng (xe máy) thành một biểu tượng nhân vật là một dụng ý. Ông dùng nó không chỉ ở một vài bài, mà cứ lúc nào cần, ông lại đưa nó ra. Nếu Thanh Thảo lấy ống cóng năm 1972 làm biểu trưng mới, thì Nguyễn Bình Phương trình xe máy là đại điện mới. Sáng tạo là đưa ra cái mới, minh triết (làm sáng rõ theo pháp tắc triết học – thường là giao giải tư tưởng người xưa).
Trong bài thơ Xe máy, khi tốc độ vượt qua cái nhìn, thì gặp chướng hình. Các chấm đỏ là các giới hạn. Bài thơ này cũng có một ý nói về xe đua, nhưng đa phần là nói về tốc độ. Hình ảnh cô gái lộng lẫy ngồi sau xe như một điểm nhấn so với thời cô nương ngồi võng kiệu của Nguyễn Bính đầu thế kỷ 20 cũng tạo được một bức ảnh đẹp và mới, khơi gợi ý nghĩa mới.
Xe máy
Chênh chênh ánh đèn cốt
Kiêu hãnh ánh đèn pha
Trên phố dài xe máy reo vang lừng
Những vòng quay chóng mặt
Vít tay ga phóng vượt qua nước mắt
Sang bên kia bầu trời
Chạm vào thời tiết và tan biến
Các chấm đỏ lại nôn nao ẩn hiện
Trong đường cua quái đản
Lấp lánh theo dọc dải Ngân hà
Em lộng lẫy sau xe như tích tắc cuối cùng của mùa hạ
Bỗng dưng lòng rực cháy
Giữa trùng trùng trùng trùng xe máy
Nếu ở trong Xe máy, nhà thơ còn thấy một khơi gợi ý tưởng, thì sang Bâng quơ, ông thấy sự vô nghĩa của hiện thực phi mục đích. Tốc độ và tư tưởng không song hành. Như là kiểu kịch hiện sinh cứ như sự hiện diện của hiện thực là không đủ và chật hẹp. Tâm hồn từ đấy muốn thoát ra, bằng mơ, bằng vọng tin, bằng hoa  hương cũ, đều là hư ảnh, cũng bị khoảnh khắc mang đi. Đây là siêu niệm thời gian.
Bâng quơ
Dưới gầm trời ẩm ướt
Người cuối cùng đang nghĩ về em
Sau rèm mây ghế mây thấp cũ mèm
Thân thể anh mơ mộng
Ngàn xe máy chở ngàn khoảng trống
Phóng như bay vào nỗi chán chường
Người cuối cùng lắng nghe tiếng chuông
Ngân nga lên tóc em lên làn da xa thẳm
Những chiếc lá nhu mì toả sáng
Trên ngại ngùng hai ta
Không ai làm đường xưa vang động
Ngàn xe máy chở ngàn khoảng trống
Phóng như bay vào nỗi chán chường
Chiều nay hoa cũ dâng hương
Khung cửa hẹp bỗng làm anh hồi hộp
Có một người trở về sau ánh chớp
Lặng lẽ mang đi hư ảnh cuối cùng
Ngàn xe máy chở ngàn khoảng trống
Phóng như bay vào nỗi chán chường…
Cái cũ thế thời, vào thơ Nguyễn Bình Phương, đã được đẩy tới tận cùng của hiện tượng học mặc cảm. Điều ấy được nói trong Bài thơ cũ. Tụng ca không nói được gì. Khao khát cũng là vô bổ. Ngay tốc độ của xe máy mà thơ dựng lên cũng đã bắt đầu hết vị trí đại diện. Hiện thực tâm lý cảm giác không còn vai trò đồng hành nữa. “Những ngày dài, thật dài/ ngồi kín đáo trong phòng tưởng tượng/ sông Hồng đê mê hóa một nén hương/ dẫn ý nghĩ vào nơi chưa hề biết”. Sông Hồng của hiện thực được nâng lên biểu tượng tâm linh, thành ngọn đuốc của miền ý thức mới. Tôi đã đọc, không biết ở bài viết nào, có một tứ tương tự như Bài thơ cũ của một nhà thơ Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa 1966, nhưng không liên quan như kiểu bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư với hình ảnh con nai vàng trong một bài thơ Nhật Bản cổ điển được dịch sang tiếng Pháp. Tôi nhắc chuyện này vì lúc nhà thơ Bế Kiến Quốc làm báo Người Hà Nội có cho đăng cuộc tranh luận về sự ảnh hưởng hay không này do nhà báo Hoàng Xuân Tuyền viết. Nhưng có thể xem Nguyễn Bình Phương trong Bài thơ cũ như một tuyên ngôn về sự đoạn tuyệt, mà không thời gian chắc sang đầu thế kỷ 21. Tôi từng so sánh chủ ý bài thơ này với bài Nghĩ lại về Pau tôp xki của nhà thơ Bằng Việt năm 1969 được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh thời chấp nhận đăng trên Website Hội ngộ văn chương. Bài thơ cũ quyết liệt hơn, chứ không tự vấn. Luật tương phản rất rõ ràng để hướng tới sự phủ định có tính suy lý sạch trơn.
Bài thơ cũ
(tặng ta)
Ta sinh ra cô đơn
giờ cô đơn đã cũ
ta trưởng thành bởi sợ hãi
sợ hãi cũng cũ rồi
Này tôi một khuôn mặt công chức
đứng nhìn
những cuộc họp rạc rài
tiêu ma bao ý tưởng
xa xa trải một mùa bệnh hoạn
bệnh hoạn cũng cũ rồi
Số mệnh già như trời
lọm khọm đi giữa công viên đầy nắng
nắng có gì hay hớm nữa đâu
Đèn bật sáng không còn nơi ẩn náu
đám @ đánh võng phóng như bay
thời gian ngã, máu tuôn, thời gian không thể dậy
tốc độ ư ?
thì cũng cũ lắm rồi
Những ngày dài, thật dài
ngồi kín đáo trong phòng tưởng tượng
sông Hồng đê mê hóa một nén hương
dẫn ý nghĩ vào nơi chưa hề biết
Trong bóng râm lạnh lùng vang vang lời nhắc:
ta lớn lên bằng kiếm tìm
kiếm tìm giờ đã cũ
Nguyễn Bình Phương dựng một câu chuyện hình ảnh cho cái thời gian nhân hóa. Mùa thu là thiếu nữ xưa nhớ thời thanh sạch.   Chỉ là dòng sông trời gặp sông nước ô nhiễm thành tiếng kêu xé ruột. Ước gặp dòng tinh khiết để yêu nhau đẹp như hoa nở. Em mệt mỏi rũ tóc phủ buột giấc mơ cánh diều. Cầu nguyện giải thoát bi quan. Con đường tột cùng bi kịch của một lớp trẻ đầu đời giữa giả định thánh thiện đối mặt phũ phàng hiện thực.
Bài mùa thu đầu tiên
Mang xống áo mùa thu
Làm mùa thu
Nhớ giấc ngủ ngàn thu trong đài sen úa
Nhớ giọng nói mềm mại như bóng râm
Chảy vào căn nhà đổ
Ngày nào về đây xem rùa nổi giữa hồ
Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột
Ngày nào ngó cơn giông trong suốt
Ta cầm tay ta hôn nhau
Tựa hoa nở thật nhẹ nhàng thật chậm
Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
Con diều vàng  bén lửa giữa hoàng hôn
Vừa trăng trăng rập rờn
Đã chuông rền loang loáng sóng hồ Tây
Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm.
Ta còn gặp ý này trong Ẩn dụ. Xin không cần bình, vì có tán tụng mấy thì cũng là “thành đám cháy giữa mưa”.
Ẩn dụ
Một người mơ thấy gió
Người ấy nôn nao thổi qua những bãi bờ
Một người nữa thì mơ thấy lửa
Người này thành đám cháy giữa mưa
Một người be bé mơ thấy sóng
Sóng trở mình xoá trắng mộng bể Đông
Nhất là ở Lời hứa muộn, tư duy phủ định còn cá thể tới mức “Còn lại cây trong mưa/ Anh/ Tơ hồng vàng giăng trước ngôi nhà vàng/ Đừng ai rứt đừng ai ca ngợi tôi…”
Lời hứa muộn
Tơ hồng vàng giăng trước ngôi nhà vàng
Đừng ai rứt đừng ai ca ngợi tôi
Cái đã mất lại về từ bóng tối
áo như mây tóc như khói trên tường
Mắt em nhìn thời gian dần héo
Trong ánh sáng những câu thơ lạc nẻo
Ta tặng em
ghế hoa nhài
thảm trải nhà hơi nước
Những khuôn mặt miên man chùm quả dại
Sống mũi lạnh lùng làm tình yêu không tàn phai
Vĩnh viễn còn lại nụ hôn cỏ úa
Còn lại cây trong mưa
Anh
Tơ hồng vàng giăng trước ngôi nhà vàng
Đừng ai rứt đừng ai ca ngợi tôi…
Có một lớp người lấy chum nhỏ vây lấy bầu trời tròn. Không phải là cái nhìn miệng giếng, mà là muốn tạo ra một thế giới quan nhỏ cho mình. Lớp người ấy, buồn chán kiểu triết học hiện sinh, vào thơ Nguyễn Bình Phương, không chờ siêu nhiên thần thánh, mà tự mình cứu lấy mình. Đấy là lúc tư tưởng hướng tới hiện thực.
Miêu tả những ngày nắng
Một bầu trời phẳng lì
Không mây không gì cả
Tường chói tiếng nói chói
Chói tấm biển chỉ đường ra ga
Gương chiếu hậu quắc lên quái gở
Hè phố vắng thành khoảng trống của thơ
Gạch ngói rền vang bao cỗ máy
Những đứa trẻ rã rời nhìn bóng mình chạy nhảy
Lửa từng cuộn ầm ào trong lòng đất
Héo rũ một cụ già
Ông bạn tổ hưu vừa đi mất
Một chàng trai cũng héo rũ vì ngán
Chỉ còn lại cái ngày tràn nắng
Với làn da từng phút gây gây
Với từng giờ không gió
Ở góc chùa Trấn Võ
Tôi ngồi ngắm một chum nước nhỏ
Vây lấy bầu trời tròn
Nguyễn Bình Phương giải mã mỹ học trong Giấc ngủ nắng. Em như là phía cái đẹp. Hư ảo. Như nước, như trăng (đã xuất hiện nhiều mỹ học mới – nhiều vầng trăng lạ!). Cái chủ quan vẫn bị khước từ.
Giấc ngủ nắng
Dưới chân cầu có giấc ngủ nắng
Đom đóm xoay quanh những khóm lau vàng
Nhớ em anh buồn anh chóng mặt
Nước không người nước đi lan man
Anh theo sông tìm đến những mùa trăng
Trong mùa trăng rất nhiều vầng trăng lạ
Bầy chim muỗi chờn vờn bay giữa lá
Nhớ em anh tức ngực đau đầu
Anh vẫn thấy em từ xa bước lại
Em nhìn anh
Em xa xôi như cây
Em quay đi
Tiếng kêu dài lạnh lẽo
Hoàng hôn trên đầm tàn
Em trong chuyện tình thời này trong thơ cũng hình ảnh là “ Kia bông hoa nức nở trong yên tĩnh/ Trăng hoang vu lượn sóng triền đồi/ Kia chiếc lá chót cành/ Hơi thở cuối/Run lên trời không mây”. Vì đích của cái nhìn đã là ngôi sao chết trắng, cây khô chưa lâu. “Đi và nhớ/ Đi nghe trong tưởng tượng/ Những lối mòn mất hút giữa vùng khuya”.
Buồn trong thơ Nguyễn Bình Phương nằm trong cái sầu nguyên cớ. Nó không hẳn từ đâu, nhưng ông xuất phát từ đấy để tải cái bi quan cá nhân có thể phải có để mà dứt bỏ. Có lẽ ông nhận ra rốt cuộc những lối mòn sẽ mất hút, nhưng ông cũng không chỉ ra con đường nào sẽ tiếp theo. Tôi gọi cái buồn của Nguyễn Bình Phương là cái buồn bất lực của người trí thức, muôn thuở, và day dứt. Ở đây ta chỉ thấy cách đặt vấn đề. Đấy là mệnh đề mở.
Biền biệt
Ngửa mặt nhìn ngôi sao chết trắng
Mùi cây khô
Váng vất
Cồn cào
Em huyễn hoặc một thời
Em giông bão
Giờ bên ai bên ai trở mình
Kia bông hoa nức nở trong yên tĩnh
Trăng hoang vu lượn sóng triền đồi
Kia chiếc lá chót cành
Hơi thở cuối
Run lên trời không mây
Đêm giấu lửa
Lòng tay rực cháy
Bao vu vơ tắt lịm bên đường
Đi và nhớ
Đi nghe trong tưởng tượng
Những lối mòn mất hút giữa vùng khuya
Thực ra cũng có một con đường. Con đường ấy “Theo sợi chỉ từ sông Ngân buông xuống”. Lãng mạn. Bí mật. Chỉ riêng người chỉ định. Còn thế giới khách thể “Cây lộc vừng đắm vào bóng mình quên hết mọi con đường/ Cuộc hẹn hò chẳng thể nào có được/ Em nói về màu hồng cùng những vết xước/ Tôi vẫn ôm gối ngủ/ Mơ tiếp thế cờ tàn con mã quỳ đợi chủ/ Một nẻo đường mưa rắc trong lòng tay…”. Cờ tàn mã hồi. Nhưng đây là mã quỳ. Thoát thế. Chủ nhân đâu?
Con đường bí mật
Với một chút e dè trong buổi tối dông dài
Em là chiếc gối ru tôi ngủ
Gió không mang đến hương thơm của nắng
Mà mang đến một ánh trăng
Tôi lớn dần lên trong những cơn chóng mặt
Phố phường cũng lớn dần lên
Tiếng vang dài từ cầu thang đêm
Làm lay động những câu chuyện cổ
Bao giờ thức dậy tôi sẽ đưa em trở lại chốn xưa
Theo sợi chỉ từ sông Ngân buông xuống
Cây lộc vừng đắm vào bóng mình quên hết mọi con đường
Cuộc hẹn hò chẳng thể nào có được
Em nói về màu hồng cùng những vết xước
Tôi vẫn ôm gối ngủ
Mơ tiếp thế cờ tàn con mã quỳ đợi chủ
Một nẻo đường mưa rắc trong lòng tay…
Gió không mang đến hương thơm của nắng
Mà mang đến một ánh trăng…
Nguyễn Bình Phương, bằng thơ, ghép các mảnh khác nhau trong nắng nước. Kiểu cái nhìn phẳng của tranh lập thể. Cả thông tin cũng phẳng, dễ áp. Cả cái trống rỗng cũng nhiều. Câu thơ gợi ra cái hoạch định, rằng cái riêng hóa ra rộng lắm. Tôi chỉ nói vài ý, chứ thơ còn tả một bức tranh kiểu sắp đặt về thiên địa nhân, chủ yếu là nhân.
Một mùa hè mọi thứ áp vào nhau
Tôi áp về hôm qua
Những đường lơ mơ làm cuộc đời trẻ lại
Chúng nhìn tôi như nhìn mùa hè
Hỗn độn trong say mê vụng dại
Tôi là mùa hè ngập tràn ảo ảnh
Sau nụ hôn thầm lặng của em
Những bông quỳnh lộng lẫy trong đêm
Áp vào ta bao nhiêu niềm trinh bạch
Em áp vào tôi những sóng nước dạt dào của kênh rạch miền Tây
Tiếng thì thầm áp vào những đám mây
Báo tin một người không dưng đổ xuống
Nằm mê man bên cạnh một câu thơ
Bệnh tật đã cất lời của nó
Mi thấy những muộn phiền trên tóc ta không?
Có thấy ngàn ngàn khoảng trống
Áp vào một mẩu đời riêng
Như ngàn ngàn ký tự áp vào màn hình sục sôi đang chờ ta phía trước
Màn hình nào sẽ mở
Cho số phận băng ra?
Tôi yêu người đến từ giữa cơn mưa
Mặt đất bỗng hoá lời đường mật
Áp vào đâu thì vừa
Những cột mốc vùng biên bóng trải xiêu xiêu
Dãy núi oằn lên từng nhịp thở
Tôi áp tên tôi vào cơn gió
Cái tên dài như đường hoả xa
Con tàu đi theo tiếng gọi phai nhoà…
Ta lại gặp cái bóng đêm nhân hóa (lúc trước là em – mùa thu đầu tiên). Ở đây là anh đầy khẳng định sở hữu. Câu thơ Bằng Việt “Hoa tóc tiên ơi sớm mai và tuổi trẻ/ Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm” mượn vật nói lòng. Còn trong thơ Nguyễn Bình Phương là “Bụi tóc tiên dại điên miên man” trực chỉ một khoảng nhân cảm tâm lý không xác định. Đây là một bài thơ tình nói về tới và đi, để lại tro tàn còn hơn rực rỡ của Nguyễn Ngọc Tư sau này, tro tàn kim cương, vĩnh hằng, nhưng không chia sẻ như tro tàn của Lê Quang Trang “Lả tả bay giữa thành phố đông người/ Tro quá khứ tình yêu em đã đốt”.
Nói với em từ trống trải
Anh đã tới chỗ ấy
Đã gặp cái vầng trăng mươn mướt của anh
Nó ngồi đó, một mình, không cô đơn nhưng tràn trề tĩnh lặng
Nó tự sáng hay em làm nó sáng
Bụi tóc tiên dại điên miên man
Vang lên những tiếng nói rối bời
Dù thế nào thì cũng đã tới
Anh tới đầy trống trải
Đúng như một con người
Chạy bạt tử trên gò hoang thoai thoải
Và reo vang
Đúng như một con người
Anh thành đốm nắng không nguồn cội
Thành đôi môi đẫm rượu
Lênh đênh qua hàng quán tàn phai
Với cái nhìn bạc màu kiêm ái
Anh nhận ra tro tàn kim cương
Trong chớp mắt chậm như vĩnh cửu
Còn nhớ chăng bầu trời quạnh hiu
Trong thân thể gầy gò nơi giam giữ phận anh thoáng chốc
Em hay vầng trăng khiến nó mịt mù
Kìa nước mắt đứng khoanh tay ủ rũ
Mang vị mặn khó hiểu
Ai sẽ là người giữ tiếng khóc của em
Trống trải
Chiếc áo sơ-mi khoác hờ lên bóng đêm
Là anh đấy.
Thế giới thơ Nguyễn Bình Phương bao hàm những nhân vật, vạn vật, chứ không thuần lý, hay thuần cảm. Ta như quen như lạ khi tiếp cận thế giới ấy, có hoa vàng, có con người đang nhìn, có cánh cửa đang mở, nghĩa là một thế giới ước định có tĩnh, có động. Đấy là cảm nhớ chọn lựa. Có một chút thẩm giá đoạn nhớ về cuộc chiến vừa qua. Tôi không đoán suy đoạn nhớ này, nhưng đã khác cái “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/ Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng” (thơ Phạm Tiến Duật). Tôi liên hệ cái vòng trắng, khói đen với khói không màu nhận ra cái sâu xa bản thể luận.
Quanh quanh
Tôi nhớ những mùa nở rộ
Dọc bên kia bờ thời gian
Ngàn cánh vàng hoa điên điển
Nhớ người cựu binh bị ký ức mài mòn
Ngồi lẫn vào trong nước
Ngó đăm đăm một cánh cửa vô hình
Tôi nhớ tiếng bản lề kèn kẹt
Mở từ xa tới gần
Và nhớ
Trong mũi tiêm quấn quýt một đám mây
Hứa hẹn những nổi trôi ngoạn mục
Nhớ thêm đoạn đường đã mất
phía xa một chấm đỏ mờ
những ngày không còn chi để nhớ
bóng với hình riu ríu vào nhau
Tôi nhớ khói không màu
sau cuộc chiến chúng ta nhìn ra biển
dải xanh sóng trắng gợn miên miên
Cuối cùng tôi lại quay về nhớ
Những mùa đang nở rộ bên kia.
Dùng kiểu so sánh các khái niệm không cùng loại chủng, thực ra là chơi chữ, thơ kiểu Tân hình thức, trong Không phân biệt, Nguyễn Bình Phương đụng đến cái nhìn nghiêng. Tư thế nhìn này có thể không chân thực so với cái nhìn thẳng, trực diện, nhưng cũng cần phải có cách nhìn như vậy. Điện ảnh quay chụp nghiêng nhưng vẫn thẳng. Thơ nhìn nghiêng để tìm cái khác.
Không phân biệt
Không phân biệt cánh chim và cánh cửa
dĩ nhiên
không phân biệt
ánh ban mai với chiều tà, anh
lanh canh ống kim loại mòn, gió đã thổi
từ non cao dáng khoan hoà
từ bãi phù sa
sông như người đi bụi
về
mang khuôn mặt phớt đời qua phố
bao ghềnh thác phủi quên chỉ để bụng một lời mảnh dẻ
Không phân biệt trời xanh mái nhựa xanh
em với manơcanh cùng lạnh
làm sao mà phân biệt
những cây những lá và những nước
đang rì rầm gọi ta
Chạy mệt nhoài trên cao nguyên Đồng Văn, kia
đá xám, áo đen, ngựa đỏ
nòng súng săn bất ngờ kéo vút lên
rồi nhòe dần trong kỷ niệm
không phân biệt
ngủ bên ngoài mái hiên hay ngủ trong lòng mẹ
đâu cũng một giấc mơ
Đan vào nhau tất cả mọi hình hài, nhưng hơi thở
dĩ nhiên, chẳng bao giờ pha trộn
và ta nhìn nghiêng, mi mắt ướt
có chút gì khác chăng
Tôi không bình toàn bộ thơ Nguyễn Bình Phương. Nhưng bài Những cư dân đồng bằng sông Hồng làm tôi chú ý. Quan sát rồi chiêm nghiệm, Nguyễn Bình Phương thấy họ như một vùng xa lạ vì ông cho rằng họ có cuộc sống tự sinh tự diệt của văn hóa vùng miền thản nhiên bàn cờ thế cuộc. Họ chấp nhận mình là con tốt, gánh vác sứ mệnh con tốt thí. Đoạn kết có ý hướng trí thức tinh hoa “Tôi đã tới thượng nguồn sông Hồng, ngầu, mênh mông, dữ tợn là thế mà sinh ra một châu thổ lững lờ. Họ ở châu thổ ấy, rải rác, lo căng trong yên ả, khi hiểm nguy thì xúm lại thành rừng. Đừng ca tụng họ, đừng rắc bạc lên phù sa vì phù sa đã bạc, hãy trồng thêm những bãi bờ lơ đễnh, nếu bình yên là điều anh mong đợi”. Thì ra thơ cũng không tưởng như ai. Nhưng thơ không là chính trị. Nếu trồng những bãi bờ lơ đễnh thì không có các kế hoạch thủy điện, cả Tàu, cả Ta, dựng chém dòng sông, lệch chuyển sinh thái. Sông A ma zon cứ để ở Nam Mỹ thôi, sông Hồng ạ!
Những cư dân đồng bằng sông Hồng
Họ cấy cày trên lo lắng của anh, họ thất bát trên ý tưởng thơm phức của anh, họ nghiêng đầu chào anh mà không ngó ngàng anh.
Họ nằm chếch trên đê ngắm sông Hồng trôi tuồn tuột sang chiều, miệng nhấm nhẳng một cọng cỏ may, vòm họng họ ngọt ngọt, nhưng đắng ngắt nếu anh chạm vào họ.
Họ nhổ nước bọt lên buồn đau, họ di chân vào hy vọng, họ ăn nhẩn nha, nói nhẩn nha, làm tình thì hối hả vì họ biết không ở đây được mãi.
Đêm đêm, cây cối trong vườn kiên trì xanh lại, mơ ước của họ đêm đêm cũng ú ớ xanh theo, chỉ những vì sao cuối thu là ngày càng nhòa nhạt.
Dưới mùa mưa dầm dề họ ngồi chơi cờ tướng, con tốt sắn quần lội vào chỗ chết, lại chết một lần nữa, và cứ thế, không lăn tăn nghĩ ngợi, họ cười.
Trong giấc ngủ của họ con rồng trắng cựa mình ngần ngật, rồi sớm ra, hiển nhiên, những dòng mương trời ban nước về trong leo lẻo.
Tôi đã tới thượng nguồn sông Hồng, ngầu, mênh mông, dữ tợn là thế mà sinh ra một châu thổ lững lờ. Họ ở châu thổ ấy, rải rác, lo căng trong yên ả, khi hiểm nguy thì xúm lại thành rừng. Đừng ca tụng họ, đừng rắc bạc lên phù sa vì phù sa đã bạc, hãy trồng thêm những bãi bờ lơ đễnh, nếu bình yên là điều anh mong đợi. (bài này chắc sáng tác độ khoảng 1995 – 2000. Ai ở Việt Nam vùng Thái Bình  – Nam Định dễ nhận ra câu chuyện trong ấy. đấy là tôi đoán vậy)
Khi tương phản lấy màu sắc và ngữ pháp làm đối cặp, thì bản thể tự nhiên hiện ra, phá vỡ cũng đến. Cái thủy chung thề nguyện cũng đến nỗi đau. Tuổi trẻ ngày nắng hết rồi mang theo hoài hận. Bức chân dung muốn thoát ra khỏi trói buộc, lưỡng lự đạo tâm. Từ thế giới hư cấu chậm rãi trở về hiện tại, là quá trình vứt bỏ chật hẹp của căn phòng ước lệ để nhận chân giá trị, để tìm ra quá trình hiện thực mộc bản.
Chân dung khi trống trải 
Phân chia bởi sắc màu
Bên này tím
Bên kia là ẩn dụ
Giữa im ắng chợt nhói lên ánh sáng của thịt da
Nhói lên tiếng rụng vỡ tan tành của quả
Cây phượng ven hồ nhịu hình và ngã
Kéo theo bao hối lỗi trong đời
Đứng dậy, sũng ướt, đi rồi tự hỏi
Viết là tìm thấy hay đánh mất?
Vậy là buổi chiều trở nên cực chật
Vậy là bằng bước chân không rõ nghĩa, thật dài
Ta đủng đỉnh lui về hiện tại
Xin kết thúc bài viết này bằng Buổi câu hờ hững. Bài thơ này và tập thơ cùng tên được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, thời nhà văn Hồ Anh Thái anh trí thông huệ làm Chủ tịch. Dùng cách nói ngược ngược xuôi xuôi không ra thể lý nào nhưng mà lý lẽ. Với cần thủ sân khấu nhân loại, chiếc cần câu phản ảnh cuộc chơi của bản nguyên tự nhiên – xã hội. Ở đây là sự khẳng định cá thể, chấp nhận sân chơi với tư cách người chơi. Quan hệ vạn vật sinh tồn vậy mà hấp dẫn nhau. “giữa mê trận những con mồi/ giữa chết bởi săn lùng và sống ngoài chờ đợi/ mỗi người một chiếc cần câu buông lơi”. Bài thơ này đưa ra một cách nhìn về quan hệ xã hội bản thể Thomas Malthus về dân số và tồn tại, nhưng không theo kiểu kinh tế học, mà vị thức kiếm mồi. Bài thơ cũng có ẩn ý đồng dao.
Buổi câu hờ hững
Nước câu mặt trời
mặt trời câu gió
phố câu người đời
ô
quê mùa câu phố
ngày mai câu một ngày mai khác
bằng gương mặt lơ vơ
con mắt câu giọt sương
cái câu  ấy long lanh toàn mộng
người chán nản ngồi câu cơn giông
lũ trẻ online câu hy vọng
mặc chiếc áo kẻ sẫm
rộng hơn nghìn ước vọng
của mình
một tôi một xe máy
u u vượt qua cầu
chiếc áo đựng toàn gió

gió câu mặt trời
giữa mê trận những con mồi
giữa chết bởi săn lùng và sống ngoài chờ đợi
mỗi người một chiếc cần câu buông lơi
Mỗi bài thơ của Nguyễn Bình Phương là sự mỹ cảm hóa hiện thực. Dùng thủ pháp tương phản, thơ ông tạo cho người đọc một thế giới tưởng thế hóa ra không phải, nhưng thực là nó. Nghĩa là, đọc thơ ông phải phủ định một vài, tạo khoảng trống, để mà giao thoa ý niệm. Cứng nhắc nguyên tắc khó tiếp nhận thơ ông. Nói thế là nói thơ ông đa tầng ngữ nghĩa. Môn đồ của Mc Donald chắc khó vào. Thôi thì đành “một mình mình biết, một mình mình hay”, cũng không hẳn vậy!.
Hà Nội, 14/12/2024
Bùi Văn Kha
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại (Đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” – NXB Hội Nhà văn) Bạn đọc đã biết nhiều đến tên tuổi nh...