Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Vừa đủ tròn đầy góp phần gìn giữ giá trị truyền thống văn hóa trong "Bình yên từ phía quê nhà" của Nguyễn Văn Hòa

Vừa đủ tròn đầy góp phần gìn giữ giá trị
truyền thống văn hóa trong "Bình yên từ
phía quê nhà" của Nguyễn Văn Hòa

Cầm cuốn tản văn nho nhỏ trên tay: “Bình yên từ phía quê nhà”, giữa chốn nhộn nhịp của đất Sài Gòn mà trong lòng tôi cảm thấy có một điều gì đó rất đỗi là chân quê, rất đỗi là an yên trong tâm hồn của một con người, khi bản thân chúng ta luôn quay cuồng với những tất bất hơn thua, cố gắng, lăn lộn ngoài đời sống, để đi tìm những giá trị vật chất hay tinh thần nhằm thỏa mãn những ham muốn khát vọng ở đời thường, thì khi đọc bình yên từ phía quê nhà, chúng ta dường như, hoặc đã có trong tay liều thuốc cho sự tự chữa lành, cho việc quân bình, cân bằng lại trong cuộc sống.
Nguyễn Văn Hòa là một thầy giáo dạy văn, và cũng là một là một người viết lý luận phê bình văn học, bén duyên với việc viết văn, tôi nghĩ rằng, chắc có lẽ do Nguyễn Văn Hòa đã gặp được nhịp cảm xúc khi bắt gặp ở đâu đó những ý tưởng, những điều ghi dấu từ rất lâu về những những thể lệ của những cuộc thi viết về tết, về những hương vị, truyền thống xưa. Tôi nhớ có lần tôi đọc trên báo, tản văn “Bên hiên nhà thơm mùi giấy hẩm” thì tôi biết rằng tác giả bài viết phải là người có một tâm hồn,  mà chiều sâu rất đỗi hồn quê, Nguyễn Văn Hòa chắt lọc từ ký ức của tuổi thơ, của quê nhà, của tình mẹ cha, mà khi đọc những trang văn trong tập sách, chúng ta càng thêm trân quý những giá trị của truyền thống của tình yêu thương gia đình của những phong tục tập quán  của người Việt.
Nguyễn Văn Hòa viết: “Với tôi ngôi nhà chính là nơi gắn kết tất cả các yêu thương, dù trong cuộc sống áo cơm đầy những buồn vui được mất, nhưng lúc trở về bước qua bậc cửa thân quen lại thấy lòng mình bình yên đến lạ. Và với không gian này tôi lại càng trân quý và yêu thích hơn cuộc sống hiện tại. Tôi luôn gieo mầm cảm xúc chân thành vào lũ trẻ để chúng biết sống chậm lại biết trân trọng những thứ bình dị quê nhà. Và cứ như thế mỗi sớm mai thức dậy, uống một chén nước đầy hơi khói ấm, nghe mùi khói, mùi gỗ, mùi vị của bình yên trong nếp nhà thân thuộc, lòng lại thấy bao dung với đời với người hơn.”. Phải chăng là khi đọc những tản văn nhỏ xinh trong cuốn sách “Bình yên từ phía quê nhà” chúng ta lại càng nuôi dưỡng hơn, tâm hồn của mình, nuôi dưỡng những giá trị, tưởng chừng như rất là đơn sơ, mộc mạc, nhưng lại là những giá trị mang tính chất trân quý vô cùng. Những giá trị của tình yêu thương, ông bà, cha mẹ, quê hương, làng xóm, ngôi nhà. Và đây chính là, cái giá trị cốt lõi nhất, để hình thành nên tính cách của những con người, sống có ích cho chính bản thân, biết yêu thương, giữ gìn giá trị truyền thống của gia đình, quê hương và xã hội.
Đọc tản văn của Nguyễn Văn Hòa, chúng ta cảm thấy rằng những nét đẹp bình dị của nhà quê, của những kỷ niệm xưa cũ, đã mang lại cho con người những chiều sâu của tâm hồn, của ký ức, để từ đó người ta sống nhân văn hơn giá trị hơn. Nguyễn Văn Hoà miêu tả về nét đẹp của người cha trong lao động, chăm sóc mái nhà: “Trong ảnh, cha đang ngồi trên mái của ngôi nhà cũ đang làm ở công đoạn cuối cùng là canh lại những tấm lá tranh ở giữa hai mái lá cho thật kỹ, để khi trời mưa nước suối nhỏ giọt theo mái lá không thấm xuống chỗ những cây cột, cây kèo.”. Đọc những lời văn này, khóe mắt tôi rưng rưng xúc động,  chúng ta cảm thấy cái tình của người cha, cái sự quan tâm lo lắng cho một gia đình, cái trách nhiệm trụ cột của gia đình, nó quan trọng đến mức độ nào và mang tính chất yêu thương của người cha dành cho con cái, bảo vệ gia đình của mình trước thiên tai bão lũ, cũng là hình ảnh đề cao rường cột của một gia đình, như muốn nhắc nhở những người đàn ông thời buổi hiện nay, cũng còn đâu đó những trường hợp mãi mê hưởng thụ cá nhân mà bỏ bê gia đình, cho nên khi đọc những câu văn trong tản văn “Mái tranh xưa và khoảng trời thơ ấu”, tôi không giấu đi được sự giao thoa cảm xúc giữa người đọc và người viết là như vậy. Mà sự thật, những gì được viết ra từ trái tim con người thì sẽ lay động những trái tim con người.
Những tản văn nhỏ xinh là những cảm nhận của tác giả ghi dấu lại, nhưng chúng ta hiểu rằng sâu xa trong đó là những thông điệp mang tính chất gìn giữ cốt cách của hồn quê, của truyền thống gia đình người Việt. Gìn giữ tình cảm gia đình, gìn giữ tình cảm làng xóm, quê hương chính là giúp con người ta càng yêu thêm đất nước, sống có giá trị và trách nhiệm hơn.  Những tản văn tôi vẫn thích nhất là tản văn với những tựa đề mênh mang ngôn ngữ của thơ ca, “Bên hiên nhà thơm mùi giấy hẩm” hay tản văn “Vạn thọ ngày tết- hoa của đoàn viên”. Trong – Bên hiên nhà thơm mùi giấy hẩm là những kí ức những kỷ niệm về truyền thống đọc sách của gia đình, giọng kể rất là dung dị, những kỷ niệm với sách, mà chúng ta thấy rằng trong gia đình mọi người đều yêu quý mến sách, và từ đó biết giữ gìn qua một hình thức rất là đặc biệt, đó là “hong sách” . chúng ta hãy cùng đọc lại một đoạn văn của bên hiên nhà thơm mùi giấy hẩm “Nội mất, ba tiếp bước nội làm cái việc thiêng liêng này. Ngày mấy chị em tôi đi học xa làm xa, cuối năm trở về nhà dù có bận việc gì đi chăng nữa cũng phải đem sách ra hong lại. Vì sách nhiều nên việc hong sách và sắp xếp lại tủ sách cũng phải mất khá nhiều thời gian. Việc làm này đã trở thành truyền thống của gia đình bởi đó là cách để bảo quản những cuốn sách sau một thời gian dài bị bụi ẩm mốc. HhHHong sách thể hiện sự trân trọng với các bậc tiền nhân, hong sách là cách để giáo dục con cháu phải biết quý trọng, biết tích lũy kiến thức biết gìn giữ và phát huy nét đẹp của cha ông – văn hóa đọc. Bởi ngày nay với công nghệ hiện đại chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể có nhiều thứ nhưng vẫn không thể nào thay thế cho việc đọc sách. Tôi cứ đọng lại trong đầu và ấn tượng mãi hành động hong sách của gia đình trong câu chuyện của Nguyễn Văn Hòa kể, để nhận thấy rằng việc đọc sách và trân trọng sách là một truyền thống, một cốt cách cao quý, một giá trị cần được gìn giữ, của các thế hệ trong một gia đình.
Cầm cuốn sách “Bình yên từ phía quê nhà” trên một chặng đường xe buýt dài, tôi nhâm nhi từng tản văn trong cuốn sách, cảm nhận được rằng không còn gì bình yên hơn thế nữa với những cách nhìn nhận mà Nguyễn Văn Hòa đã chắt lọc và ghi lại qua từng tản văn như: Về nhà hong nắng vàng ươm sân vườn, hay Nhớ nồi cháo nhái nơi chái bếp xưa… Nguyễn Văn Hòa đã mang đến cho chúng ta một tập tản văn cầm nó lên cảm thấy mỏng nhẹ, nhưng sâu sắc trong từng câu chữ nghĩa, từng thông điệp mà tác giả mang lại, những thông điệp đó mang tính vừa đủ dày dặn, vừa đủ tròn đầy mang tính chất góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp người dân Việt Nam. Yêu gia đình, yêu quê hương làng xóm và giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa  của dân tộc là trách nhiệm không riêng gì của tác giả, mà là của tất cả chúng ta.
16/1/2025
Hồ Xuân Đà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại (Đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” – NXB Hội Nhà văn) Bạn đọc đã biết nhiều đến tên tuổi nh...