Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Đọc Kẻ dự phần đào thoát là một giả định đớn đau nhưng cần thiết

Đọc Kẻ dự phần (*) đào thoát là một
giả định đớn đau nhưng cần thiết

Không hiểu vì sao mà tôi lại đọc tác phẩm Phạm Phong Điệp trễ đến thế. Lẽ ra phải nhiều năm trước nhưng mãi cách nay vài tháng khi tập tễnh biết gõ và biết vào mạng một cách không ổn định để đọc văn chương qua màn ảnh tôi mới...phải thay kính vì cái màn hình làm chảy nước mắt mà cặp kính vẫn mang không giúp gì được nữa. Hôm nay thì mặt đối mặt, “Kẻ dự phần” nằm trên bàn đây và bắt đầu từ... cái bìa sang trọng! Nghiền ngẫm bìa sách là thói quen và dường cũng là sự thú vị bởi khó có một cuốn sách hay nếu bìa chỉ tầm tầm.
Địều thú vị là 16 truyện ngắn trong KDP đều là truyện không có truyện - thậm chí nhiều nhân vật được mã hoá thành những “mụn ruồi”, “mũi sần” “vòi nước bị kẹt”...- chỉ là những trạng huống khúc mắc đến phi lý của những mảnh đời mà không biết vì sao họ dự phần vào những cuộc đời khác theo những cách gọi khác nhau, cha-con, chồng-vợ, hàng xóm , đực-cái...để trong bất cứ phút nào cũng có thể xối nước lạnh vào mặt nhau “Thôi muộn rồi liệu mà về với con mẹ già nhà anh đi. Mà đây không phải là cái nhà trọ của anh đâu đấy”(tr.207) .Từ một cô gái chân chỉ hiền lành,trải qua cơn ác mộng về thể xác, Miên trở thành một kẻ băm bổ,bặm trợn (hay là có một kẻ như thế “dự phần” vào cuốc sống của cô?) “Mình không ăn thịt đứa khác thì cũng có đứa ăn thịt mình” (Vườn hoang ,tr 202-236).
Bị trở thành đàn bà, con người nanh nọc này trút hết phẫn hận cho đứa con gái sinh học, được tác giả cực tả như là người bị cái cực ác dự phần vào đời mình, đứa con kẹt giữa hai lằn đạn của thiện-ác và nhà văn đã chọn cho nó một lối ra đi “Nó nằm thượt như một cái lá úa đậu lẻ loi giữa lòng đường cuồn cuộn xe cộ bụi bậm” (tr208).Cái xe đã cán chết con bé hay chính là mẹ nó làm điều ấy, cái ác đã làm đều ấy hiểu theo một nghĩa nào đó?
Đây là một báo động của người cầm bút và noá được minh hoạ ngay bằng hàng loạt những vụ thấy cô giáo bạo hành học trò, những vụ va quệt ngoài phố dẫn đến thảm sát nhau, những chiếc mã tấu đã nghiễm nhiên thay cho những con dao Thái Lan những năm trước đây và điều đáng nói là sư bàng quan của những người chứng kiến.Khi một xã hội mà nhiều người biết rằng có công lý nhưng sợ cái ác - như nhân vật được gọi là “cô” sợ cái lò mổ heo láng giềng ( truyện KDP tr.151 đến 168) - thì nỗi cô đơn đã bao trùm lên đời sống như những áng mây đen.Phong Điệp gióng lên lời báo động ấy cũng có thể là nỗi cô đơn vô thức của cô.Giàu có, sai phái được cả những gã đầu trâu mặt ngựa bằng tiền và đôi khi bằng tí tình còm đực- cái, nhưng rồi đến một lúc “Cô tần ngần nhìn lại thị xã lần cuối”. Đang từ lạnh lùng tàn nhẫn, Miên trong một lúc trở thành rất “tượng” cho một số người đọc là đàn ông “Gió từ bờ sông quần quật thổi bên cạnh cô (sao không thổi vào cô?) mang theo vị phù sa ngai ngái.Mái tóc dài của Miên bị gió bới tung,bay loã xoã trước mặt” (tr235).Tác giả có cay nghiệt không khi viết ngay sau đó “Khuôn mặt cô vô cảm” hay là dụng ý cho cuộc đào thoát thất bại? “Xốc túi,cô đi ra phía đường..Và, ai biết được trước ngày mai?”
Trong truyện được chọn làm nhan đề của sách, “Kẻ dự phần” (tr 151-168) “cô” và người chồng bỗng nhiên trở thành hàng xóm của một lò mổ heo và đương nhiên dự phần vào cuộc “ hành hình” những con heo diễn ra hằng đêm hay là bị cảnh giết chóc có phần bất thường tham dự vào cuộc sống hạnh phúc của mình.Cảnh tượng rùng rợn gây sự sợ hãi và hậu quả là “cô” bị sảy thai, ở đây sự bàng quan và ích kỷ của những người trong cuộc(chủ lò mổ và chính quyền) đã dự phần vào những cơn mộng du, thảng thốt và trầm cảm của một phụ nữ.cặp vợ chồng đã “đào thoát” một ngày nào đó mà người đọc chỉ biết được rất vắn tắt qua những người còn lại “Họ đột nhiên biến mất”, “Chúng tôi không hay biết gì cả” “Tuần trước chúng tôi còn thấy họ mà”.Không ai biết gì,thậm chí không thấy cả lúc vợ chồng “cô” lỉnh kỉnh dọn nhà đi! Tìm kiếm ở tác giả,thì cũng chỉ biết “những người hàng xóm ngỡ ngàng nhìn ngôi nhà như đã bị bỏ hoang từ lâu lắm rồi”.(tr.167). Theo tôi, cái hay của truyện là ở chỗ này, ra đi như một sự giả định và đi đâu ,là tìm tòi của người đọc .Tác giả chỉ viết, có một căn bệnh lạ xuất hiện tại tổ dân phố nơi có một cặp vừa đào thoát, tất nhiên là xuất phát từ cái lò mổ nhưng không phải một thứ dịch thông thường. “Cả ông chủ lò mổ lẫn cánh thợ đều mắc một chứng bệnh kỳ lạ :Thay vì nói thì họ rống lên những tiếng như lợn bị chọc tiết,hai mắt trợn ngược...”. Không ai biết bệnh gì, vì đấy là căn bệnh do tác giả tạo ra cho, như một sự bế tắc mà một cộng đồng chỉ có thể tìm được lời giải khi không đánh mất lòng nhân ái, sự tôn trong..
Cuộc sống đã được cảnh báo về những cái hợp-lý-một-cách-phi-lý, chẳng phải là đã xuất hiện đâu đó quanh ta? Cảnh báo bằng cực tả, đấy là ý đồ của Phong Điệp?.Đọc cô thật mệt nhọc,có thể sút cân giảm ký, bởi theo chân nhà văn, người đọc phải lặn lội,luồn lách vào những ngóc ngách ngoằn ngoèo của nhân vật mà không ít lần có thể bị lạc và bí đường ra...như chính nhân vật!Ở đây,lúc là một bút pháp đí dỏm “Khi nào bố mày ở nhà,mày treo cái quần đùi ra ngoài cổng cho tao biết...” (tr.6) ,khi lại xen lẫn những câu rất thơ “Đi thật hay chưa mà lòng vẫn không nguôi nhớ...? Biết đâu...mà sao mắt cứ cay xè” (tr.21).
Cảnh, người, tâm trạng v.v.đều hiện ra dưới ngòi bút (bàn phím?) của Phong Điệp theo một cấu trúc câu có tiết tấu ngắn, gắt, lạnh lùng “ Và thế là bục!”( cảnh sảy thai -tr.162).Ít thấy ai cực ngắn mà làm đau người đọc như thế. .Trong cấu trúc ấy có pha một chút ngôn ngữ báo chí “Đường đi trong cô chật chội và khô khan...”(tr.159),hoặc “Ông anh cứ phải Hà tĩnh. Việc này không thể vội được đâu”(tr.214). Nhưng mà ngòi bút Phong Điệp nhiều khi bất thình lình quay về với sự nhân hậu. “Con dở người” (truyện Tiếng ru tr 41) cũng là bị chiếm đoạt bởi một tên vô loại nhưng cuối cùng thì “người mẹ-có cái tên thật đẹp-Hoàng Thị Thu Hoài-lặng lẽ cảm nhận cái mùi thơm gây gây trên tóc đứa trẻ”, như một cuộc “đào thoát” thành công : “À ơi...con cò mày đi ăn đêm...” (tđd).Thông điệp của tác giả là như vậy chăng? Đọc “Kẻ dự phần” đúng là mệt nhọc đến sút cân giảm ký..Nhưng có gì không mệt nhọc, kể cả hạnh phúc? Chết cũng còn sút cân giảm ký nữa là!.
* Kẻ Dự Phần, tập truyện ngắn Phong Điệp, NXB Hội Nhà Văn 2008.
15/9/2008
Cao Thoại Châu
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Võ Tòng ở Cảnh Dương

  Võ Tòng ở  Cảnh Dương Đây là vào khoảng Hốt tất Liệt đại đế đang nắm chính quyền nhà đại Nguyên. Trên toàn đất Trung Thổ. Đoàn hát Hồ Qu...