Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Tìm lại an nhiên trong giông gió cuộc đời

Tìm lại an nhiên
trong giông gió cuộc đời

Phản ánh hình tượng phụ nữ với đầy đủ cung bậc cảm xúc thăng trầm, Phạm Thị Hồng Thu quả thực đã giúp người đọc hiểu thêm về bức tranh đời sống xã hội, về người phụ nữ, về cảnh ngộ, khát khao và ý thức về nhân tính nữ, về nữ quyền. Phụ nữ bất luận trong thời đại nào vẫn mong muốn và xác định gia đình là nơi neo đậu, là bến đỗ. Dù đủ đầy hay khuyết thiếu thì phụ nữ vẫn nhẫn nại và kiên trì vượt lên số phận.
Nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu – Hà Nội, sinh ra ở Vinh, Nghệ An; quê quán của chị ở Tuy Hòa, Phú Yên – miền đất của bạt tràn nắng gió. Chị vốn là nhà giáo rất yêu thơ 1-2-3 và sáng tác thơ 1-2-3 từ năm 2020. Tháng 12 năm 2024 chị trình làng tập thơ đầu tay theo thể 1-2-3 nhan đề “Thị à thị ơi”, đây là tập thơ thứ 6 trong hành trình thơ của chị.
Phạm Thị Hồng Thu đã xuất bản các tập thơ: “Về miền nhớ”, “Sắc chiều”, “Trái tim thì thầm”, “Vịn câu thơ”, “Thị à thị ơi” và một truyện thơ dành cho thiếu nhi “Truyện cổ nước Việt”. Nhìn vào “gia tài” thơ của chị, có thể thấy chị vốn gắn bó với thơ, với tình yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Tập thơ 1-2-3 “Thị à thị ơi” đến với tay bạn đọc vào Quý 1 năm 2025, như một niềm tin khai mở năm 2025 sẽ nhiều thành tựu, đẹp như sắc tím trang bìa tập thơ của chị.
Không chỉ Phạm Thị Hồng Thu yêu thơ 1-2-3, tôi cũng là một trong số hàng ngàn tác giả đã thử nghiệm trên mảnh đất mới tươi đẹp này.
“Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có một câu, tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ.
Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.
Chữ càng tinh lọc, càng đa nghĩa càng có giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành thơ 1-2-3”.
Nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu quan niệm: “Mỗi bài thơ 1-2-3 chỉ có sáu câu, kể cả nhan đề. Với số lượng chữ hạn định mà chuyển tải thông điệp muôn màu muôn vẻ của cuộc sống và tâm hồn thật không dễ. Vì thế nó càng có sức hút, thôi thúc người cầm bút khám phá, vượt lên chính mình”.
Và chính bởi thôi thúc khám phá, vượt lên chính mình nên tập thơ “Thị à thị ơi” ra đời như một thông điệp, một tín hiệu vui cho hành trình thơ 1-2-3 của chị.
Trước hết tôi yêu con số 123. Tập “Thị à thị ơi” của chị Hồng Thu 123 bài, tập “Thủ thỉ phù sa” của Nguyễn Đinh Văn Hiếu 123 bài, tập “Ban mai thơm mắt nắng” của Vũ Trần Anh Thư 123 bài ….
Số 123 là số tiến, nó có sự gần gũi, tương xứng với tên gọi của tên gọi thể thơ 1-2-3, một thể thơ mới ra đời mùa thu năm 2018 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng.
Mở đầu tập thơ là bài Trăng thánh thót, thánh thót và kết thúc là Thật mau nước mắt. Có dụng ý chăng? Từ lâu, trong tôi hình thành thói quen, không đọc thơ theo trật tự tuyến tính, mà đọc danh mục trước, rồi chọn bài mình thích. Tất nhiên, sau đọc điểm sẽ đọc toàn văn.
Và, tôi thừa nhận cảm quan của mình không sai, bài mở đầu tập thơ có tên “Trăng thánh thót, thánh thót”, thoạt nghe ngỡ đơn thuần tả ánh trăng. Trăng đẹp, trăng sáng, trăng dịu êm sẽ tràn vào nước mắt đàn bà có nỗi niềm uẩn khất….
Trong lời tựa của tập thơ “Thị à thị ơi”, nhà thơ Phan Hoàng- người sáng lập và thành công với thể thơ 1-2-3 đã viết: “Hình ảnh người phụ nữ thông qua nhân vật “thị” xuất hiện xuyên suốt tập thơ “Thị à thị ơi” của Phạm Hồng Thu vừa có tính độc lập trong từng bài vừa có tính kết nối trong toàn tập như bản trường ca về thân phận người đàn bà trước bộn bề, đa đoan, phức tạp, giông bão cuộc đời”. Quả thực, nhân vật thị dẫu có những cung bậc cảm xúc khác nhau, khi buồn, khi vui, khi rộn rã mê say khi âm thầm chịu đựng, nhẫn nhịn nhưng tựu chung đều đáng thương. Nguồn cơn do đâu? Từ từng trải hay tích lũy kinh nghiệm sống, quan sát bề rộng, bề sâu của kiếp đời đa đoan mà nhà thơ phản ánh đậm nét những nỗi niềm ấy?
Những bài thơ nói về thị trong thơ Phạm Thị Hồng Thu, nếu độc lập thì có bài vui, bài buồn nhưng tỷ lệ bài buồn nhiều hơn, không chỉ là nỗi buồn đơn thuần hoặc buồn vu vơ mà nhiều khi còn đau khổ, uất hận; hận chồng đào hoa, không chung tình, không tôn trọng vợ; hận đời đến mức có lúc muốn đi tu, có lúc muốn thôi kiếp sống vật vã đọa đày. Nếu xâu chuỗi cả tập thì thị cũng vẫn hiển hiện là nhân vật buồn, đau nhiều hơn sung sướng.
Khổ về vật chất cũng có nhưng khổ tinh thần nhiều hơn Nợ mẹ/ Mẹ chê bố nghèo, bỏ đi với kẻ giàu/ Tâm hồn non nớt của thị bị đánh cắp.
Khổ tinh thần khi Bố bán thị lấy tiền cờ bạc, khi mẹ đơn thân vì con cái mà nhắm mắt bước qua thị phi.
Khổ tinh thần khi đi bên cái chết, chứng kiến Chiến tranh khốc liệt, thị khóc ngằn ngặt bên xác mẹ, rồi Thị tật nguyền lớn lên theo đôi quang gánh xiêu vẹo của bà, rồi một ngày bất hạnh, bà lại ra đi lặng lẽ trong một ngày nắng đổ. Cuộc sống sẽ cực kỳ gian nan khi mất mẹ, sống với bà, rồi lại mất bà…
Lớn lên, thị cũng đâu thoát được kiếp nhọc nhằn khổ ải? Do cả tin nên thị lãnh hậu quả đáng buồn Cả tin/ Ai nói gì cũng nghe, ai làm gì cũng đúng/ Dễ mủi lòng/ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người khác/ Bị lợi dụng, bị lừa/ Thị rút kinh nghiệm mãi không được/ Bản chất khó sửa.
Khổ tinh thần khi tình yêu ngang trái, bị lừa gạt, bị phụ bạc.
Khổ tinh thần khi lấy chồng không được trân trọng, không được yêu thương, đã cực thân, vất vả lại hay bị xét nét. Mẹ chồng xét nét, chồng xét nét. Nước mắt thị chảy nhiều, nhiều tới cạn khô và nước mắt chảy vào trong.
Đâu đã hết khổ, con trai phá, con dâu hư đốn bỏ đi theo người khác rồi lại quay về van xin, dù rất giận nhưng thị lại nghĩ tới kiếp đàn bà mà tha thứ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu/ Dâu chê nghèo bỏ đi/ buộc trai phải chấp nhận/ Rồi lại về van xin/ Thị nén nỗi đau cưu mang/ Cái dại nào cũng khổ, đàn bà ơi!… Thị ki cóp được bao nhiêu tiền, lo hết cho con trai mua nhà ở thành phố, con chỉ biết hưởng thụ, không quan tâm nỗi cô đơn của mẹ.
Đọc tập thơ “Thị à thị ơi”, có lúc người đọc thấy logic, liền mạch cuộc đời thị (từ nhỏ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, lớn lên không gặp may, bì lừa gạt, chồng con không như ý, còn trút khổ lên thị nhiều lần so với thị lúc còn thơ bé). Nhưng, có khi thấy như vài nhân vật thị chứ không phải một. Đó là thị cả nghĩ khác thị cả tin; thị thấp cổ bé họng khác thị quyền lực nhìn đời bằng nửa con mắt bởi Bằng mọi giá thị phải lên sếp/ Hót trên nộ dưới/ Ai tâng thị khen/ Ai hơn thị diệt/ Mãn nguyện., .. Khi là thị bị phản bội, khi là thị phản bội chồng con. Và có nhân vật thị vò võ ngóng con, tủi thân nhưng cũng có nhân vật thị hạnh phúc vỡ òa Hạnh phúc vỡ òa/ Con mất tích bao năm/ Vò võ chờ mong không còn hi vọng/ Rồi đột ngột con về, xuân ngập tràn ùa về nhà/ Hạnh phúc dâng trào/ Xin cám ơn tất cả. Có thị bất hạnh bởi cô đơn, cũng có khi thị ngập tràn hạnh phúc, Hạnh phúc đoàn viên, hạnh phúc khi “Đời thị sang trang/ Nhà vui hơn Tết/ Mong mãi bình an”.
Dẫu là một thị phân thân thành nhiều mảnh đời hay nhiều mảnh đời trong cuộc sống được tạo dựng nên thành một nhân vật thị với thật nhiều cảnh ngộ trái ngang thì tất cả cũng là một phiên bản đàn bà. Đàn bà trong thơ của Phạm Thị Hồng Thu, nhìn chung khổ, nhìn chung ngang trái, nhìn chung bất hạnh. Chẳng phải thế sao? Khi bằng mọi giá lên sếp để ra oai, nạt nộ cấp dưới và được cấp dưới nịnh nọt thì cũng không thấy tâm an. Khi giận chồng, hận chồng ăn chả mình cũng ăn nem thì cũng day dứt tâm can. Tuy nhiên, điều trân quý ở đây, thị khổ nhưng không cam chịu như nhân vật Mỵ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Thị khổ nhưng không chửi Chém cha cái kiếp lấy chồng chung như Hồ Xuân Hương, vì thực chất thị không phải lấy chồng chung. Nhưng, chồng thị phản bội thị, thị biết con giáp thứ 13, thị biết chồng “đào hoa” không chung tình. Nhân vật đàn ông (chồng) của thị cũng được lột tả bằng ngòi bút không thể yêu thương. Đó là người khi thì trong vai: Cố giữ hình ảnh gia đình không tan vỡ để bảo toàn “cái ghế”- bảo toàn chức vụ ở cơ quan. Khi thì phản bội thị bởi sự dối trá hoặc lên mặt coi thường vợ .v.v…
Có khi thị câm nín, “trái tim mỏi” Chờ tăm đợi cá/ Dằng dặc nỗi nhớ nhung/ Vòng quay đêm ngày bốn mùa dần nhích/ Vò võ đêm trường/ Côn trùng nỉ nỉ non non/ Cứa tim thị mỏi mòn khiến không buồn lên tiếng, thậm chí có lúc chán ngán cuộc sống hiện tại, định đi tu Muốn đi tu/ Làm sao để sống tiếp/ Nhà toàn lửa và băng/ Vào chùa có là thượng sách. Thấy bi kịch giữa “lửa và băng”- hai thực thể đối lập, thị định đi tu, hy vọng chốn cửa thiền có thể khiến thị vơi đi được nỗi đau cuộc sống. Nhưng lại nhận ra rằng Nghiệp trần còn nặng/ Tinh mơ thị lủi thủi cuốc bộ từ bến xe về. Có lúc thị định quyên sinh Bế tắc, khổ đau, không lối thoát/ thị định chấm dứt khổ đau nhưng lại thấy nghiệp đời và bổn phận làm mẹ lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi Con chưa ra ràng thì thị không thể tự kết thúc cuộc đời.  Và tất nhiên, trong hành trình gian nan như đày ải của cuộc sống nhiều cay đắng, ít ngọt ngào, cũng có lúc thị phản kháng, thị đánh lại tay chồng vũ phu, thị được học võ từ bé.
Những mảnh ghép đời thị nhiều mảng màu trầm tịch, u tối. Khi thì mỏi mệt chờ chồng, khi đau khổ trong cô đơn vì bị phụ bạc, khi lại muốn trả thù bằng cách Ông ăn chả bà ăn nem, nhưng rốt cục, chỉ thấy day dứt và thị hiểu cách đó chẳng hay ho gì.
Thơ 1-2-3 của chị Phạm Thị Hồng Thu nhiều bài như chắt ra từ tâm can, cất lên tiếng nói phản kháng với những trái ngang của cuộc sống, muốn được bình quyền, muốn được hạnh phúc đích thực vì thực chất thị xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Cũng như nhiều phụ nữ khác, thị thích được chiều chuộng, trân trọng và yêu thương, Rất thích sống lãng mạn/ Thích dắt tay nhau cùng đi/ Thích lời nói ngọt ngào/ thích hâm nóng tình yêu. Thị từng chăm sóc chồng con, hy sinh vì chồng con đến quên đi cả nhu cầu ăn ngon mặc đẹp của bản thân, tiết kiệm đến mức tằn tiện để lo cho cuộc sống. Ấy vậy mà, chồng không chia sẻ còn bĩu môi dè bỉu, chê bai.
Tập thơ “Thị à thị ơi” gam màu tối, xám là âm hưởng chủ đạo. Cũng có mảng sáng nhưng tần số xuất hiện ít hơn. Đó là khi thị nói về ước mơ của mình (mơ được sống lãng mạn, được đi du lịch….), là khi chờ con, con đã về.
Và khá rõ vẫn là sự đấu tranh nội tâm, đau đáu giữa việc tròn bổn phận và việc không được hạnh phúc. Muốn giận lại thương (cả với đàn ông và với con cái), muốn đi tu, muốn chấm dứt cuộc sống nhưng không nỡ, cứ cho là tại nghiệp trần còn nặng, để nhẹ lòng sống tiếp kiếp trần ai. Và, cuối cùng, thị trở về bản thể, bản ngã, biết chấp nhận số phận, biết buông bỏ. Bởi trải đời thị nhận ra rằng có quẫy đạp, vẫy vùng cũng không thay đổi được “nghiệp đời”, nên thay vì đấu tranh thì thị đã an phận, thay vì bất lực, buông xuôi thì thị đã biết đủ để an vui.
Thơ của chị Phạm Thị Hồng Thu có những bài đảm bảo bố cục nhưng chưa chặt về cấu tứ, chưa thật sự rõ “tính hô – ứng” giữa câu 1 và câu 6. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều bài đạt đến độ chín của thơ 1-2-3, có được sự hô ứng giữa câu 1 và câu 6, dễ nhận thấy là bài Thật mau nước mắt:
“Thật mau nước mắt/ Xem ti vi, đọc sách thị gàn dở khóc người đẩu đâu/ Con cái ốm đau trào tuôn nhức mắt, hoài hoài lo lắng/ Giọt châu mài gối trắng đêm khi tổ chẳng còn hơi ấm/ Rồi một ngày nỗi đau hóa đá/ nước mắt lặn vào trong”.
Hoặc bài Buồn nẫu ruột:
Buồn nẫu ruột/ Thị dành cho con cả thanh xuân/ gia sản/ Một đời khổ tứ lao tâm/ Con mải vui vầy với hạnh phúc riêng/ Lễ Tết chẳng được một lời động viên/ Tủi thân quá!
Phản ánh hình tượng phụ nữ với đầy đủ cung bậc cảm xúc thăng trầm, Phạm Thị Hồng Thu quả thực đã giúp người đọc hiểu thêm về bức tranh đời sống xã hội, về người phụ nữ, về cảnh ngộ, khát khao và ý thức về nhân tính nữ, về nữ quyền. Phụ nữ bất luận trong thời đại nào vẫn mong muốn và xác định gia đình là nơi neo đậu, là bến đỗ. Dù đủ đầy hay khuyết thiếu thì phụ nữ vẫn nhẫn nại và kiên trì vượt lên số phận.
Tôi đồng cảm với nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu và tôi thấy, không chỉ riêng chị, ở đời, rất nhiều phụ nữ lấy thơ làm cứu cánh Học nghệ thuật sống/ Chạch bơi trên đường/ Chim đẻ dưới lòng sông/ Trời sinh vạn vật không thể đổi thay/ Thị là chính mình/ Cuộc sống ngân nga. Vâng, thêm lần nữa tôi đồng tình với tác giả tập thơ Thị à thị ơi, khi là chính mình, con người ta sẽ thấy cuộc sống đẹp hơn, lòng nhân ái bao dung cũng lớn lên, ý niệm về nghiệp đời bớt nặng nề để Cuộc sống ngân nga bài ca về cái đẹp, về niềm vui, về nhân tính. Đã hiện diện ở cõi đời, dứt khoát phải sống cho mạnh mẽ, có ý chí vươn lên mặc sóng gió bão táp và an nhiên trước những biến thiên của cuộc đời dâu bể.
Đất Tổ, 13/1/2025
Đỗ Nguyên Thương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...