Khu Hòa Bình - Một không gian
lịch sử, nhân văn đặc thù Đà Lạt
Vào năm 1959, khi KTS. Ngô Viết Thụ được Tổng thống Việt
Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm giao cho nhiệm vụ thực hiện Họa đồ Thiết kế và phân
lô chu Chợ Mới Đà Lạt (nay là chợ Đà Lạt), nếu ông là người cách tân bằng mọi
giá, thì có lẽ khu quảng trường Hòa Bình và khối nhà chợ cũ (trước đó là chợ
Cây, nay là rạp Hòa Bình) đã bị đập bỏ, xây mới bằng những công trình theo kiến
trúc tân kỳ.
Là người chuyên môn thuộc Phủ Tổng thống, nhưng ông Thụ đã
không làm việc đó. Có lẽ ông nhận ra vai trò, ý nghĩa của công trình này trong
cấu trúc không gian khu Hòa Bình và tính biểu tượng của nó với văn hóa đô thị
Đà Lạt.
Một ngôi chợ trong lịch sử tranh chấp
Lịch sử quy hoạch Đà Lạt, ngay từ ban đầu, đã là một lịch sử
của những tranh chấp gay gắt. Bản quy hoạch tổng thể vào năm 1923 của Ernest
Hébrard đặt nền móng cho một đô thị “cố tình theo kiểu châu Âu” ngay giữa cao
nguyên xứ An Nam. Vì thế, sâu xa, Ernest Hébrard đã đặt quyền lợi và văn minh của
người Âu lên làm yếu tố quyết định. Bản đồ án đã gây tranh cãi sau đó bởi sự
“phân biệt đối xử” với người Việt và dân bản địa. Bản quy hoạch này đã
phân chia ranh giới rõ ràng “khu An Nam” mở rộng về hướng Bắc, cách xa khu hành
chính và dân cư châu Âu.
Dĩ nhiên, một trong những yếu tố được viện dẫn đó là sự khác
biệt trong văn minh, cụ thể là yếu tố vệ sinh (khu quần cư của người Việt được
mô tả là nhếch nhác, thiếu vệ sinh, dễ sinh ra muỗi, lây lan dịch sốt rét và
các bệnh truyền nhiễm…). Khu buôn bán của người Việt thời kỳ này có thể hình
dung là những dãy nhà, lán, hàng quán bằng gỗ khá tạm bợ.
Tháng 3.1924, ông Léon Garnier, Thị trưởng, Ủy viên Hội
đồng Đà Lạt đã gửi công văn cho Khâm sứ Trung kỳ, nêu yêu cầu phải “xây một
ngôi chợ tại Đà Lạt, càng nhanh càng tốt, không hẳn vì nó đã trở thành một mối
phiền hà, mà chính vì khu vực xung quanh nó đã trở thành mối nguy ghê gớm cho sức
khỏe cộng đồng, trong khi chưa có mặt bằng nào được lát”. Và ông Thị trưởng này
cũng cho rằng nhất thiết phải “tống khứ những ngôi nhà bản xứ” để thay vào đó một
ngôi chợ là điểm sinh hoạt giao dịch buôn bán tương lai.
Đã có nhiều cảnh báo về vệ sinh dịch tễ để đưa người An Nam
xa khu chợ sẽ xây dựng, thậm chí chấp nhận đền bù tốn kém. Eric T. Jennnings
trong cuốn Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông
Dương thuộc Pháp đã dựng lại cuộc tranh luận gay cấn này:
“Năm 1925, Ernest Hébrard đã giám sát sự chuyển biến của “khu
An Nam” ở giữa Đà Lạt xung quanh chợ. Hébrard coi khu vực mới đã phân lô của
ông, bao gồm những lô đặc biệt, hẹp là “rất đơn giản”. Tuy vậy, có vẻ không có
chỗ nào để thương lượng với ông. Giữa các trục với nhau, ông lưu ý, có thể xê dịch
“một vài cm”, nhưng ông khăng khăng rằng phải tôn trọng những phân chia tổng thể.
Một vài tuần sau, Garnier hồi đáp với một loạt câu hỏi sắc
bén. Các kiến trúc nhà gạch một tầng kiểu mới được tách biệt bởi con đường rộng
2,5m đã không xoa dịu sự phẫn nộ của Garnier, cũng như quyết định giữ lại “những
cửa hàng nhỏ bằng gỗ” sát bên chợ – ủy ban vệ sinh Đà Lạt đã ra lệnh tiêu hủy
những ngôi nhà gỗ này vào năm trước đó. Garnier nhấn mạnh, “các công trình xây
dựng theo phong cách bản địa” đã bị cấm đoán.
Một lần nữa, các nhà chức trách địa phương cho rằng những kiến
trúc sư quá lý tưởng đang làm việc ở Hà Nội đã làm ngơ trước những ưu tiên địa
phương: trong trường hợp này là việc san bằng khu vực chợ và những ngôi nhà gỗ
sát bên. Dù có nhiều bất đồng đi nữa, vị Thị trưởng Đà Lạt và nhà quy hoạch tổng
thể chia sẻ một tầm nhìn chung về một thành phố hiện đại, phân biệt đối xử”.
Cần nhớ rằng, phủ lên trên sự “phân biệt đối xử” của giới quy
hoạch Pháp với người Việt sống tại Đà Lạt thời kỳ này là các lý do, yêu cầu vệ
sinh, nếp sống, thậm chí là phong tục.
Tiếng nói của người Việt
Đà Lạt được công nhận là thị xã (commune) vào năm 1926.
Hội đồng thị xã được thành lập gồm: Victor – Edouard – Marie
L’Helgoualc’h (thị trưởng mới), Desanti và Paul Ancel (hai thành viên người Âu
châu) và Nguyễn Ngọc Chúc, Hồ Văn Lê (hai thành viên người Việt).
Thời kỳ này, hai thành viên người Việt đã có tiếng nói rất mạnh
mẽ bảo vệ quyền lợi của cư dân Việt Nam trong thị xã, đặc biệt ở khu vực chợ Đà
Lạt – thành phần người bị xáo trộn đời sống bởi bản quy hoạch. Các ông cũng cay
đắng lên tiếng về việc ngay cả người Việt chết rồi còn bị di dời đến cực Bắc của
“khu An Nam”.
Ông Nguyễn Ngọc Chúc đã lên tiếng đấu tranh cho những khu định
cư mới của cư dân người Việt bị di dời sau quy hoạch, yêu cầu diện tích đất ở mới
của họ không thể phân lô chật chội theo diện tích đất cũ bị giải tỏa, mà phải
được mở rộng (50x20m) để có vườn tược.
Nhìn rộng hơn, phía sau yêu cầu về đất đai, tiếng nói đại diện
cho người Việt đã tấn công vào tinh thần bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong
bản đồ án quy hoạch của Hébrard. Và quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Chúc đã được
sự chia sẻ của nhiều người.
Nhưng sự tranh chấp lợi ích giữa người Pháp và người Việt đã
lại diễn ra gay gắt, cao điểm là năm 1930. Sự chấn chỉnh, sắp xếp lại khu chợ
Cây thời gian này đã đẩy những người Việt dồn về phía Nam, ở gần ga tàu.
Đêm 28, rạng 29 tháng 4 năm 1931, ngôi chợ Cây bốc cháy.
Một ngôi chợ kiên cố hơn bằng bê tông, có tháp khối chữ nhật
giật cấp mang hơi hướm kiến trúc phong cách tân kỳ được xây dựng lại vào năm
1934, do Louis-Georges-Anatole Pineau thiết kế, nhà thầu SIDEC thi công. Chợ rộng
900 m², dài 16m, rộng 15m, phía trước là quảng trường Chợ (Place du Marché).
(Cũng thời gian này, ngôi nhà thờ Đà Lạt – có tên ban đầu là nhà thờ thánh
Nicolas Bari- được đặt viên đá đầu tiên).
Chỉ 10 năm sau, các trục đường quanh khu chợ mà ngày nay ta gọi
là rạp Hòa Bình, các sinh hoạt cộng đồng phát triển nhanh chóng, gồm giao dịch
mua bán, rạp chiếu bóng, rạp hát, nhà hàng…
Cũng cần lưu ý, từ khi Hébrard đưa ra bản quy hoạch ít nhiều
định kiến với dân bản địa, thì ở khu vực chợ đã có sự trỗi dậy của những ông chủ
người Việt. Ngay từ 1923, giới doanh thương Việt đã mở nhiều công ty vận tải tại
Đà Lạt để vận chuyển nhu yếu phẩm, các đại lý phân phối, bán lẻ hàng hóa do người
Việt làm chủ ở khu quanh chợ cũng tăng lên.
Biên khảo của Jennings dẫn lại bài báo trên tờ Công Luận báo
cho thấy sự trội lên của một vài cái tên Việt Nam trong đời sống kinh tế ở khu
vực này:
“Phải kể đến ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ sở hữu của “Chợ lớn” ở
Đà Lạt, đã được coi như một “doanh nhân nổi tiếng”. Bà Nguyễn Thị Thương và ông
Nguyễn Đình Khiêm cũng sở hữu nhiều cửa hiệu ở Đà Lạt (…) Khu vực kinh doanh cửa
hàng chủ yếu vẫn còn nằm trong tay người Việt. Những quyển danh bạ điện thoại
Đông Dương in từ 1945 đến 1949 kể tên Võ Công Khoa trên đường Maréchal Foch như
một trong số ít cửa hàng tạp hóa trong thành phố, cùng với Vĩnh Hòa, vốn là một
lò bánh mì.”
Cơ cấu dân số Đà Lạt thay đổi, cư dân người Việt tại Đà Lạt
đã tăng nhanh trên thành phố mà người Pháp, ngay từ ban đầu đã muốn lánh xa khả
năng tiếp cận, nhập cư của người bản địa nhưng họ lại rơi vào mâu thuẫn: chính
những công nhân, viên chức của người Việt rất cần cho công cuộc xây dựng đô thị
nghỉ dưỡng này.
Đà Lạt có 4.500 người Việt, 470 người Pháp vào năm 1935,
20.000 người Việt, 1.130 người Pháp vào năm 1944. Điều này làm cho Toàn quyền
Jean Decoux (giai đoạn 1940-1945) nhận ra áp lực ở khu trung tâm, ông đi đến
chính sách gần như nhắc lại tinh thần của Ernest Hébrard khi lập một “làng An
Nam mới” ở xa hơn về phía Bắc Đà Lạt, gọi là Đa Thành, với sức chứa 2.000 cư
dân Việt Nam vào năm 1942, với mục đích giãn dân.
Chợ, từ một khu vực gần như ranh giới trong cấu trúc dân cư
giữa Pháp và Việt, trở thành nơi kết nối giao thương văn hóa giữa các cộng đồng
cư dân: Việt, Pháp, Hoa, Ấn và cũng là không gian trao đổi, buôn bán của người
sơn cước bản địa trong khoảng thập niên 1930-1940.
Không gian khu Hòa Bình kết nối hoạt động văn hóa buôn bán của
người bản địa và các thành phần cư dân khác. Ảnh: Tư liệu Nguyễn Vĩnh Nguyên
Các khu phố liên kế một tầng lầu hướng về quảng trường chợ đã
là hình ảnh của một Đà Lạt của giai đoạn hình thành phát triển đô thị, giao
thương giữa các nhóm cư dân. Nhu cầu kinh tế và văn hóa đã hóa giải những giới
tuyến chính trị, sắc tộc, lợi ích cục bộ. Và sự mở mang khu trung tâm cũng cho
thấy dấu ấn của người Việt lớn mạnh dần trong diễn trình lịch sử. Mặt khác,
cũng Place du Marché đã là không gian để đối thoại cộng đồng có tính dân chủ
qua các sự kiện chính trị.
Vào đầu thời Hoàng triều cương thổ (Hoàng triều cương thổ kéo
dài từ 1950-1955), hình ảnh Place du Marché bình yên trong các bưu thiếp như một
khu trung tâm của miền danh đô bình yên. Năm 1953, cái tên khu Hòa Bình được đặt,
thay cho quảng trường Chợ hay Place du Marché.
Hòa Bình – cái tên đi cùng hình ảnh tháp chợ khiêm cung và giản
dị đã gọi đúng bản chất “hóa giải các khác biệt” của khu vực này trong lịch sử
và “hòa bình” cũng là một phần tính cách người Đà Lạt, giá trị Đà Lạt.
Hai năm sau đó, cụ thể vào ngày 23.10.1955, tại quảng trường Khu
Hòa Bình đã diễn ra một sự kiện chính trị rất lớn: cuộc trưng cầu dân ý
truất phế quốc trưởng Bảo Đại do cánh Thủ tướng Quốc gia lúc bấy giờ, ông Ngô
Đình Diệm phát động quy tụ rất đông người tham gia.
Cuộc trưng cầu dân ý lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại tại khu Hòa
Bình năm 1955. Ảnh tư liệu Nguyễn Vĩnh Nguyên
Để lịch sử văn hóa được liền lạc
Chợ Mới Đà Lạt được xây dựng ở một khu đất trũng chân đồi cạnh
khu chợ Cũ và đưa vào sử dụng năm 1960. Một công trình kiến trúc tân kỳ, theo
đó là một những dãy phố thương mại một trệt một lầu, phân lô bài bản, khoa học,
hài hòa với khung cảnh. Một cầu thang nối chợ Mới kết nối với tuyến đường vòng
sau lưng chợ Cũ được KTS. Ngô Viết Thụ thiết kế như dấu nối lịch sử liền lạc.
Bản Đồ án quy hoạch chợ Mới Đà Lạt năm 1959 của Nha
Tổng Giám đốc Kiến thiết và Thiết kế đô thị do KTS. Ngô Viết Thụ đứng tên đã ý
tứ chăm chút phân lô khu phố thương mại thấp tầng với tinh thần tôn trọng cảnh
quan, tầm nhìn theo những nguyên tắc chặt chẽ, được Hội đồng thành phố Đà Lạt
thời kỳ đó đồng tình bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Khu Hòa Bình đã trở thành nơi
du khách thích thú tham quan, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu miền Nam đã
giữ lại một hình ảnh khu Hòa Bình thanh lịch trong các hồi ức, tác phẩm của họ.
Họa đồ thiết kế và phân lô khu Chợ Mới
Đà Lạt năm 1959 của KTS. Ngô Viết Thụ – trích từ sách Đà Lạt bên dưới sương mù
của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Trong thời kỳ 1954-1963, với sự tháo vát của thị trưởng Trần
Văn Phước, sự ưu tiên chăm chút phát triển văn hóa và giáo dục, thành phố Đà Lạt
xuất hiện nhiều công trình lớn, kiến trúc hiện đại (Giáo hoàng Học viện thánh
Pio X, Chợ Mới, Viện Đại học Đà Lạt…) nhưng không thể phủ nhận rằng, tháp khối
chữ nhật giật cấp cùng ngôi chợ giản dị trong quá khứ vẫn như một biểu tượng
quan trọng để cư dân và du khách nhận diện Đà Lạt, bên cạnh các biểu tượng văn
hóa, tôn giáo, nghỉ dưỡng khác của nhiều thời kỳ (như tháp trường Grand Lyceé
Yersin, nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt hay Dalat Palace).
Trước đây, nếu đứng phía đối diện chợ Mới nhìn lên, sẽ nhận
thấy chiều sâu cảnh quan khu trung tâm giữa mới và cũ, sự kết nối hài hòa giữa
hôm qua và hôm nay. Hậu cảnh của khu Hòa Bình là khu vực Đồi Dinh, với dải
thông xanh tạo hậu cảnh duyên dáng cho một trung tâm Đà Lạt mang đậm dấu ấn của
người Việt bên cạnh phân khu dinh thự, biệt thự kiểu Pháp và khu vực tài nguyên
cảnh quan nhân tạo là hồ Xuân Hương và đồi Cù.
Dinh Tỉnh trưởng, công trình sẽ bị thay thế bằng khu cao ốc
thương mại phức hợp theo “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500
khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” vừa được công bố
ngày 15.3.2019. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Kiến trúc giản dị của ngôi chợ đã là nơi gắn kết, hóa giải
các khác biệt trong quá khứ, lại tiếp tục hiện hữu nhắc nhớ giá trị cốt lõi của
đô thị cho đến hiện tại; minh chứng cho sự liền lạc, không đứt gãy trong ký ức
cộng đồng. Các nhà quy hoạch chân chính, những nhà quản lý quy hoạch trách nhiệm
nhiều thời kỳ đã hiểu rằng, hồn cốt, chiều sâu của một đô thị cần được giữ gìn.
Một bản quy hoạch thuyết phục ở chỗ cho thấy khả năng cơ bản
là đọc, hiểu đặc thù lịch sử không gian của người thiết kế, để từ đó, có những
giải pháp kế thừa, tôn tạo, sáng tạo, làm giàu có cho sinh quyển đô thị; tránh
tạo ra thêm những đứt gãy khó hàn gắn.
Đừng lấy hai từ “xu thế” để ngụy biện cho sự xu thời và coi rẻ
mục tiêu giá trị văn hóa.
Tham khảo:
– “Đỉnh cao Đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương
thuộc Pháp” (Eric T. Jennings, do Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch,
Trần Đức Tài hiệu đính, ĐH Hoa Sen & NXB Hồng Đức, 2015).
– “Đà Lạt năm xưa” (Nguyễn Hữu Tranh, NXB Trẻ,
2018)
– Địa chí Đà Lạt, lamdong.gov.vn, chuyendalat.com…
7/10/2021
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn: Báo Người Đô Thị
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét